Năm Đó, Chị Em Tôi Mất Bố
Đã năm mươi năm trôi qua. Nhưng năm nào cũng vậy, dù Tết quê nhà hay quê người, cứ nghe tiếng pháo đì đùng là tôi lại thấy ruột gan mình quặn thắt và nhớ liền tức khắc đủ loại tiếng nổ trong những ngày Tết Mậu Thân, 1968.
Năm ấy, dân Huế đang sửa soạn một cái tết an bình vì có tin hưu chiến bẩy ngày. Riêng vùng Tây Lộc bên bờ bắc sông Ngự Hà, một trong bốn phường chính của Thành Nội, còn được coi là nơi yên lành nhất. Khu xóm nơi gia đình tôi sống tại đây, bà con lối xóm coi nhau như người thân. Thật không thể ngờ Tây Lộc lại là nơi đầu tiên của Huế bị cộng sản tấn công.
Mọi chuyện bắt đầu từ đêm Mùng Một rạng ngày Mùng Hai Tết. Lúc đó, nhóm bạn trẻ chúng tôi đang tụ tập chơi bài ở nhà anh Phú, ông anh lớn trong xóm. Khi tiếng nổ càng lớn, càng gần, mọi người kinh hãi:
- Không phải tiếng pháo mi nợ...
- Ai bắn rứa?
- Tết hưu chiến mà bắn chi...
Anh Phú lắng nghe, nói:
- Hình như có đánh lớn phía cửa Chánh Tây!
Thêm một loạt tiếng nổ dồn dập từ phía khác. Lần này thì anh Phú la hoảng:
- Thôi rồi. Đó là phía phi trường Tây Lộc. Vừa đại bác nổ vừa đủ loại súng nhỏ. Chắc Việt Cộng “tiền pháo hậu xung.” Loạn to rồi. Ai về nhà nấy đi!
Trong nỗi sợ hãi bọn nhỏ chúng tôi chạy ra khỏi nhà anh. Tôi và cô em gái tên Hà chạy ngõ sau về nhà mình.
Từ nhà dưới chạy lên nhà trên tôi thấy Bố tôi đang thúc giục mọi người vào núp trong nhà tắm cho an toàn vì nhà tôi bằng gỗ từ nhà trên xuống nhà dưới, nhưng nhà tắm và nhà vệ sinh xây bằng gạch chắc chắn hơn. Suốt đêm đó là lần đầu tiên trong đời tôi và các em nghe tiếng súng vang ầm trong đêm tối. Trong lòng hết sức sợ hãi nên tất cả đều im lặng, chỉ nghe tiếng Bố nói lúc được, lúc mất :
- Lũ chết tiệt! Lại phá vỡ lệnh ngưng bắn...
Tôi nhớ như in cả thân thể mình run bần bật khi nghe tiếng đạn bay chíu kéo dài rồi kết thúc bằng tiếng ầm cách đó không xa. Như đạn có thể nổ ngay trên đầu mình bất cứ lúc nào.
Đêm thấy dài vô cùng. Trong đêm tối mịt mùng, chúng tôi thiêm thiếp nửa mê, nửa tỉnh cho đến lúc tiếng súng thưa dần.
Trời ửng sáng. Tôi mở mắt ra nhớ lại những gì tối qua tưởng mình nằm mơ, khi nhìn các em còn ngủ trong phòng tắm mới hoảng hốt vì đó là sự thật. Bố tôi đi thăm dò trong xóm đã về dục Mạ nấu cơm nhiều, bảo tôi tìm chiếu, lấy thêm mền gối, chọn áo quần dày mặc vào.
Tôi thắc mắc:
- Hết bắn súng rồi mà Bố, mình không mặc đồ đẹp đi chơi Tết sao Bố?
- Không ăn Tết rồi con ạ...
- Sao vậy Bố?!
- Việt Cộng tràn vào xóm mình rồi... Các con cứ ở dưới này vậy...
Sau đó cả nhà ăn cơm trong im lặng, buồn bã. Khi tôi giúp Mạ rửa chén, Bố gọi em trai đi chặt thật nhiều cây chuối của hai nhà gần nhau rồi đem vào nhà sau của ông cậu tôi chất hết trên nhà giữa làm thành căn phòng tứ phía là cây chuối. Ông cậu bảo Mạ tôi và các em vào ngủ trong đó cho an toàn chỉ về nhà để nấu cơm giặt giũ.
Cứ thế ban ngày chúng tôi ở nhà mình sinh hoạt ở nhà dưới gần nhà tắm, ban đêm Bố ngủ với bốn đứa ở nhà, Mạ ngủ với bốn đứa bên nhà ông cậu. Ban ngày tiếng súng nghe xa xa, nhưng ban đêm lại nghe thật gần, dữ dội như ngày đầu vậy.
Một buổi sáng tôi vừa mở cửa sổ nhà trên nhìn thấy một người thanh niên mặc quần đùi xám trên lưng đeo khẩu súng dài với cái túi vải dài tròn, đội nón vải che hai tai. Tôi nhìn không chớp mắt vì lần đầu tiên thấy con người kỳ lạ này. Hắn bước lom khom, khi hắn ngước lên nhìn, tôi thấy da mặt hắn xanh xao. Không nói tiếng nào tôi hoảng sợ đóng cửa lại, sau đó mới nhớ ra mình có nghe nói về bộ dạng như vậy. Lúc đó mới sợ điếng người, tôi đoán chắc hắn là Việt Cộng rồi.
Tôi nói cho Bố nghe, Bố nói con nghĩ đúng rồi, con đừng ra ngoài nữa. Bố tỏ vẻ nôn nóng thường đi ra ngoài xóm nghe ngóng tình hình rồi trở về, lo lắng hiện rõ trên nét mặt. Tối đó hỏa châu sáng rực trong đêm, chiếu rõ màu vàng cam của những lằn đạn sáng rực giữa bầu trời.
Tôi bỗng nghe có tiếng nói rì rầm ngoài sân, nhìn ra theo kẽ hở của gỗ tôi thấy hai ba cái võng khiêng người nằm dừng lại ngồi trước hiên nhà.
Bố tôi nằm trong giường cũng nghe tiếng nói nhỏ bên ngoài nên hỏi:
- Ai thế? Ai thế?
Tôi chạy vội lại lấy tay bịt miệng Bố lại, nói nhỏ vào tai Bố :
- Bố đừng hỏi, Việt Cộng núp ngoài sau ấy...
Sau đó đạn bắn tới tấp. Bố kêu các con chạy qua nhà ông cậu núp. Sáng hôm sau chúng tôi nghe tin cô Thanh bên hàng xóm có bầu gần đẻ trúng mảnh đạn vào đầu chết, con gái năm tuổi bị thương. Ba của bạn học tôi là Cảnh Sát bị Việt Cộng lôi ra bắn chết ngay trước sân. Cả hai gia đình người xấu số chỉ có thể tìm kiếm vật liệu chôn cất vào ban ngày, vừa sập tối là Việt Cộng lại bắn phá tơi bời, nên mấy ngày sau mới chôn trong sân nhà. Hôm đó là mùng Sáu Tết.
Hai ngày sau, có nhiều tiếng chân chạy rầm rập ngoài sân, Bố vui mừng rú lên:
- Lính cộng hoà đến rồi!
Bố nói chuyện với các chú lính thật lâu, họ kéo nhau đi lên xóm trên. Bố bàn với gia đình ông cậu khuyên mọi người vào trú ẩn trong cô nhi viện ngoài đường lớn vì lính Cộng Hoà cho biết Việt Cộng tràn lan thành phố Huế rồi nên Mỹ sẽ thả bom. Máy bay nhìn thấy cờ Quốc Gia sẽ tránh nên dân ở những nơi công cộng sẽ được bình an.
Khi vài gia đình trong xóm ra tới cô nhi viện mới biết dân chúng đã vào ở đầy các phòng rồi, thế là gia đình tôi tạm trú với các cháu cô nhi.
Sáng sáng tôi và Mạ về nhà nấu cơm đem vào, có lần tôi thấy một xác chết đàn ông mặc đồ bình thường nằm chơ vơ bên lề đường mà ớn lạnh sống lưng. Có khi đang ăn cơm thì trận chiến xảy ra, chén cơm trộn lẫn đất cát từ trên tường đổ xuống, nuốt trệu trạo để có sức mà sống sót!
Chúng tôi chỉ ở đó được hai ngày là bọn ác ôn đã tràn vào đuổi hết dân chúng ra khỏi cô nhi viện. Chúng gặp bác sĩ Tự có phòng khám tại tư thất ở đối diện cô nhi viện, khi chúng hỏi ông nói tôi là bác sĩ, chúng nói chúng tôi rất cần bác sĩ. Chúng lôi ông đi, trên tay ông vẫn còn cầm đòn bánh tét, nét mặt ông đầy lo lắng, sợ hãi. Từ đó về sau không ai còn gặp lại ông bác sĩ này nữa!
Bố tôi dặn Mạ nấu cơm mang đồ ăn theo, nhắc tôi đem cho mỗi người hai bộ đồ dày ấm để tản cư về Tây Linh đang yên ổn có nhà thờ rất lớn. Việt Cộng không tới đó được vì có phi trường nhỏ nơi lính Mỹ và lính Cộng Hoà chốt ở đó. Mạ nói ăn cơm cho ấm bụng rồi đi, Bố nói tới đó ăn cho ngon!
Mạ với cái bụng bầu to phải gánh cơm, thức ăn, áo quần. Mạ bắt buộc Bố ôm theo cái thẩu mứt gừng ngậm cho ấm bụng! Tôi bế em nhỏ nhất 18 tháng, còn mỗi đứa em đeo trên vai bọc áo quần của mình. Dọc đường di tản chúng tôi đi xuyên vườn nhà người ta, không dám ra đường lớn vì đang bắn rải rác, thỉnh thoảng nghe tiếng đạn bay vèo trên đầu.
Mạ nghe tiếng đạn chiu chíu trên đầu, Bố thì cao lênh khênh nên sợ bị lạc đạn. Mạ vừa gánh vừa nhắc liên tục:
- Ba mi cúi thấp xuống chút đi!
Nhờ ơn trời, cả nhà đến khu vực nhà thờ an toàn. Nhà thờ đầy nhóc người là người! Bố đi tìm gặp chú Khoa là bạn quen xin được tá túc. Khu này toàn là nhà lá nên trước mỗi nhà đều có hầm trú ẩn mà dân chúng đã vào khu trồng cây khuynh diệp chặt mang về làm hầm.
Thời gian đầu ở đây khá bình an, khi nghe tiếng súng lớn và gần thì chạy ra hầm ngồi đến khi thấy êm trèo lên nấu ăn, giặt giũ tiếp. Tối chúng tôi đều ngủ trong hầm chuyện trò, ra câu đố, thấy vui mà quên bớt hoàn cảnh đang chạy giặc.
Bố tôi rất lo lắng vì nghe tin Mỹ sẽ thả bom tại khu vực Tây Lộc mà Việt Cộng đã chiếm nên ngày nào cũng ra đứng gần phi trường nhỏ nhìn về hướng nhà mình. Mạ xúi đi ra nhà thờ họp với mấy ông chơi cờ tướng cho khuây mà Bố không nghe dù rất mê cờ tướng. Ông cằn nhằn:
- Còn đầu óc đâu mà cờ với tướng!
Đến ngày thứ hai mươi của cuộc chiến, Bố và em trai đi ra ngoài. Hồi lâu sau em chạy về vừa khóc vừa la thật lớn :
- Mạ ơi! Chị ơi! Bố bị thương rồi hu...hu...
Mạ la lên:
- Chừ Bố mô rồi?
- Xe cứu thương chở Bố đi rồi...
- Răng mi không đi theo Bố?
- Họ không cho, noái mai vô Mang Cá tìm...
Cả nhà ai cũng khóc. Em tôi đưa cho tôi cái đồng hồ lột ra từ tay Bố:
- Bố nói chị giữ đi. Bố nói Bố thấy đau lắm. Việt Cộng bắn từ trên xuống trúng mấy người, có người chết gần Bố...
Đêm ấy, có lúc tôi ra ngoài, chợt nghe bom nổ, thấy cả bầu trời sáng rực lên, nhà cửa rõ như ban ngày. Hôm sau mới nghe tin phi cơ Mỹ đã thả bom xuống khu xóm nhà chúng tôi ở Tây Lộc. Đầu xóm một quả phía sau nhà tôi, nhà ông cậu sập tan tành, nhà bạn Hương cũng vậy để lại một hố bom rộng sâu như cái ao. Trong số những người vì lý do nào đó không di tản đã bị liên lụy, có tám người chết. Người kể còn cho biết mấy em bé chết người thâm tím mắt trợn ngược vì ngạt thở.
Hai hôm sau em trai tôi đang ngủ bỗng la ầm lên:
- Bố ơi! Đừng đánh con nữa, con muốn đi với Bố mà họ không cho...
Cả nhà bừng tỉnh nghe em kể: Bố đuổi con nói tại sao con không theo Bố, con sợ Bố đánh nên chui dưới bàn trốn...
Bom đạn rền vang khắp nơi, không cách gì đi tìm thăm bố hoặc hỏi tin tức về ông.
Sau một đêm không ngủ, Mạ quyết định phải đi tìm bố. Trước khi đi, bà cắm cúi nấu cơm, làm thức ăn vừa nói:
- Nấu cơm xong bới vô cho Bố ăn một miếng…
Mạ đi thật lâu trở về mặt mày bơ phờ, mắt đỏ chạch, lột nón lá liệng xuống đất, ngồi xuống mép giường hai tay bợ bụng bầu thở hắt.
Chú Khoa hỏi lớn:
- Thầy đỡ chưa cô?
Mạ nhìn trừng trừng ra phía trước, nói gằn từng tiếng:
- Ông Quý chết rồi!
Quý là tên bố.
Ba của chú Khoa, cả chú cũng như tôi và em trai sững người. Cả nhà cùng khóc. Đứa em trai vjừa khóc vừa la:
- Bố ơi! Bố ơi, Con xin lỗi Bố...
Em nói thật nhiều, tôi xiết chặt đứa em nhỏ nhất vào lòng, khóc nức nở, mấy đứa kia cũng khóc theo. Mạ lặng lẽ vào bếp soạn thức ăn ra mâm để riêng một chén đôi đũa kế bên kêu các con lại ăn cơm với Bố đi không thôi Bố sắp lên núi ở luôn rồi.
Mạ bình tĩnh thuật lại việc vào quân y viện rất khó khăn vì không có giấy tờ tuỳ thân. May mắn gặp được Thiếu Tá Bác Sĩ là người khâm liệm cho Bố, ông nói rõ từng chi tiết cái áo len màu xám Bố đang mặc. Ông đưa Mạ ra mộ Bố, hẳn Mạ đã khóc rất nhiều rồi.
Hai ngày sau, tôi đang bế em ngồi chờ ăn trưa, bên ngoài tiền súng lại vang rền hàng loạt càng lúc càng lớn, chú Khoa la lớn:
- Xuống hầm mau!
Tôi chưa kịp bỏ chân xuống giường chợt nghe mắt trái của mình nhói lên như bị ném đá cùng với tiếng súng bên ngoài, tay trái tôi vẫn bế em tay phải tôi đưa lên mắt mình, có tiếng la: nằm sát xuống. Tôi lăn xuống đất, nghe bắn nhiều quá mà không chạy xuống hầm được. Tôi nằm đó thấy mắt đau quá, mà tay thì ướt đẫm. Tôi la lên:
- Mạ ơi! Con bị rồi!
Nhưng ai đó đã dìu Mạ tôi xuống hầm rồi. Em trai giật em nhỏ trong tay tôi, chú Khoa bế xốc tôi chạy ra cửa, miệng nói:
- Thằng Dũng chạy theo chị!
Lúc đó ngoài đường có xe cứu thương đậu rải rác để chở người bị thương đi cấp cứu, dọc đường tôi nghe tiếng nhiều người nói:
- Tội nghiệp con bé... Con mắt nó...
Tôi vào tổng y viện nơi Bố tôi đã vào rồi chết trong cô quạnh. Phần tôi, viên đạn chỉ xước qua phần làn da mỏng dưới chân mày trái. Bác sĩ cho biết sẽ phải khâu năm mũi, rồi ông vừa may vừa nói:
- Con còn may mắn lắm đó. Lớn lên kẻ lông mày đậm là không thấy sẹo đâu!
Tôi nằm trong quân y viện ba ngày, được chích penicilin đau nhói, buốt cả người, lịm đi không la được nhưng không ai biết mà lại cho rằng “con bé này chịu đau giỏi”. Có chú lính nằm giường trước mặt, mỗi lần chích thuốc là đau đến la rống lên vì chú bị cưa cả hai chân nên liều thuốc nhiều hơn người khác. Những khi Việt Cộng pháo kích, những người bị thương nhẹ như tôi còn chạy được xuống hầm, chỉ có chú này nằm một chỗ trân mình chịu mà thôi!
Đến giờ ăn em trai tôi cũng được cho phần ăn như bệnh nhân khác, có lẽ chị em tôi giờ đã thuộc thành phần cô nhi tử sĩ rồi!
Sau khi xuất viện cả xóm nhỏ đó đều phải di tản vì trận chiến đã lan tới. Chúng tôi lang thang. Đến dãy nhà đối diện cống Cầu Kho, vì quá mệt mỏi mấy mẹ con tấp vào ngồi nghỉ trước hiên một căn nhà rất khang trang. Cô chủ nhà đẹp người, đẹp nết thấy mẹ goá con côi cho vào ở hẳn trong nhà, Cả bà mẹ và cô em gái của cô cũng quan tâm đến Mạ tôi rất nhiều!
Lúc này Mạ tôi đem cái vòng xuyến rất đẹp và nặng đi đổi lấy tạ gạo, còn rau cải, rau diếp phải luộc mới ăn được vì rất nhiều sâu!
Ngày thứ 28 đã yên ắng tôi và em trai đi về thăm nhà, lúc hai chị em thấy cầu Trường Tiền bị gãy khuỵu xuống sông. Tự nhiên cả hai đều khóc thành tiếng, có chú lính đi lại cười và nói:
- Khóc cái gì? Mai mốt công binh sửa lại có gì đâu! Đi đi không thôi Việt Cộng nó bắn cho giờ!
Chú lính này nói tiếng miền Nam, hai chị em đi vô cửa Thượng Tứ rồi lần về Tây Lộc. Khi đứng ngay sân bay nhỏ nhìn cảnh đổ nát nhà cửa thành bình địa, bỗng dưng tôi thấy lạnh cả người, hai chân như sụm xuống vì sợ hãi. Tôi gắng gượng bước tới đi về phía trạm xá, thấy ven đường có một xác chết mặc đồ Việt Cộng nằm thòng hai tay xuống mặt ngửa lên trời. Trên mặt hắn như có đóa hoa hồng đỏ thắm, khi nhìn gần mới biết một bên mặt nát đỏ thẳm màu máu! Về gần đến nhà có rất nhiều xác chết rải rác thấy ghê rợn vô cùng,
Căn nhà của tôi như bị bứng lên cao. Sau nhà, đúng như đã nghe kể, có cái ao thật lớn và sâu là nơi quả bom đã rơi xuống. Hai chị em leo lên tìm đồ đạc, tôi thấy bọc quần áo nhìn kỹ là đồ mới chưa kịp mặc của mấy chị em, tôi lượm lên một cái, rồi hai cái… Thấy như bị vướng cái gì đó tôi giật mạnh lên lòi ra một cái chân người chết, tôi liệng hết cắm đầu cắm cổ vừa chạy vừa la ú ớ không thành tiếng.
Một chú lính ngồi dưới hỏi:
- Bộ thấy Việt Cộng hay sao mà la dữ vậy?
Tôi run rẩy chỉ tay về phía nhà mình:
- Có người chết trong đó...
Chú lính gật đầu:
- Ừa... chết nhiều lắm, lát xe tới xúc họ đi chôn.
Đó là những người hàng xóm không di tản, đã vào ở chỗ của gia đình tôi, nơi có căn phòng bằng cây chuối che chung quanh, nhưng với bom thì chẳng che chắn gì được cho họ.
Gia đình của thầy giáo nhà bằng gỗ ở đầu đường chết hết năm người chỉ có hai anh em ruột của thầy sống sót. Mấy ngày sau tôi ghé vào nhà thấy trên tủ sách thầy ghi mấy câu thơ: “Gia đình tôi chết hết năm người / Mẹ, vợ, em dâu và hai cháu / Nỗi buồn này biết bao giờ nguôi!”
Vậy là trong biến cố Tết Mậu Thân này xóm tôi chết nhiều nhất nhưng đau buồn nhất là tôi mất người cha yêu thương và đứa bạn thân có tên đẹp như người: Như Hoa. Khi anh Phú báo “Vân ơi, Như Hoa chết rồi em nợ!” tôi không tin, còn nói chắc anh nghe lầm rồi...
Anh phải giải thích
- Chính anh bồng nó ra, nhà lớn quá sập làm nó chết ngộp.
Trên đường đi tôi như bước trên mây, lòng chùng xuồng nước mắt tuôn rơi, nhớ lại những hình ảnh vừa qua. Chẳng còn gì nữa...
Nhà tôi được nhóm sinh viên ở trong Nam ra để ủy lạo cho trẻ em uống sữa nóng, phát cặp sách và họ tình nguyện sửa nhà cho gia đình tôi, dựng căn nhà lợp tôn mới, trong nhà vẫn có cái hầm dựng bằng bao cát để ngủ cho bớt nóng.
Khi Mạ đưa áo dài tang trắng cho chi em tôi mặc để đi đắp bia mộ cho Bố, nhìn một đoàn người vận áo tang, ai nấy đều cảm thương cho một mẹ sắp tới ngày sanh với tám đứa con thơ dại. Hiền, bạn tôi, nói:
- Mi mặc áo dài thấy lớn ghê!
Có lẽ bạn tôi đã nhận ra cái vẻ người lớn mới có trong con người của tôi: trách nhiệm của người chị cả với bảy đứa em bé nhỏ của mình.
Tháng sau Mạ sinh em bé trai khỏe mạnh. Mạ sanh thường không phải mổ như bác sĩ đã dự định vì khi gần sanh Mạ đã gánh nặng và chạy nhiều khiến máu cục máu bầm ra trước em bé cả tuần nhưng em vẫn bình an.
Nhưng, thật ra, em đã bị mất mát rất lớn từ khi chưa chào đời: năm đó chị em tôi mất Bố.
Deborah Tường Vân
No comments:
Post a Comment