Ngày 13 tháng 3 năm 1991, gia đình chúng tôi qua định cư tại Sacramento, thủ phủ Cali, Hoa Kỳ dưới diện HO sau 8 năm tù gọi là cải tạo dưới chế độ Cộng sản.
Năm 1994, chúng tôi cùng Nhà thơ Nguyễn Phúc Sông Hương, bút hiệu Thái Luân, và Nhà thơ Nguyễn Lý Tưởng thành lập Hội Thơ Tài Tử VNHN, và tôi được đề nghị làm Trưởng Ban Điều Hành cho đến nay đã được 24 năm.
Sau khi thành lập hội thơ, chúng tôi nghĩ đến sự phát triển hội bằng cách in một tập thơ mang tên CỤM HOA TÌNH YÊU để giới thiệu cùng độc giả và tổ chức các buổi ra mắt sách tại Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới. Dù sao vấn đề tài chánh vẫn là một yếu tố quan trọng đã thúc đẩy tôi phải tìm cách làm sao có ngân quỹ để trang trải cho các chuyến đi xa. Thế là trong một buổi "trà dư tửu hậu", có người bạn vui góp ý là tôi muốn đi làm nghề nhặt rác trong khu cư xá không, lương mỗi tháng 700 đô tiền mặt. Cơ hội đến là tôi đồng ý ngay. Thế là từ một sĩ quan cấp tá tôi trở thành một người lao công giống như anh chàng trong bản nhạc "Người Phu Quét Đường". Và rồi người nhặt rác VN đã gặp cậu bé Mỹ trong bài thơ " Cậu Bé và Người Nhặt Rác" mà tôi hân hạnh được giới thiệu cùng quý độc giả hôm nay.
Sau khi lập hồ sơ nhận việc, tôi bắt đầu hành nghề. Sáng sớm tinh sương lúc 6 giờ tôi đã phải bắt đầu công việc. Một tay xách cái thùng đựng rác, một tay cầm cái kẹp nhặt rác. Khu vực đầu tiên phải dọn dẹp là vườn trẻ với bãi cỏ xanh và các phương tiện vui chơi cho trẻ em như xích đu, trèo cao tuột dốc v.v... Sau đó phải đi loanh quanh trên các con đường trong khu cư xá, sân trước nhà, bải cỏ để nhặt rác rưới bỏ vào xô rồi đem đổ vào các thùng Connex đặt gần đó.
Khu cư xá khá rộng phải mất nhiều giờ mới làm xong công việc. Nhất là về mùa Đông lá vàng rơi từ các cây cao tỏa bóng mát, nên cần thời gian cào lại từng đống rồi bỏ vào bao nylon lớn. Về mùa Hè nóng bức, lao động một hồi là mồ hôi nhễ nhại, tôi ngồi dưới bóng mát để nghỉ xã hơi.
Công việc nhặt rác này không có gì vất vả nặng nhọc, nhưng so sánh với các nghề khác như chạy bàn, bán báo, hoặc dọn dẹp làm sạch sẽ văn phòng, nhà vệ sinh trong bệnh viện hay các trường đại học, hoặc thợ điện, thợ hàn, thợ tiện, thì nó là cái nghề thấp nhất trong xã hội mà đồng lương chỉ có 700 đô một tháng.
Hoa Kỳ là một đất nước tự do, không phân biệt màu da, giàu nghèo, không phân biệt lao động trí óc và lao động chân tay, nghề nào cũng cao quý. Sĩ quan QLVNCH từ cấp úy đến cấp tá, cấp tướng khi di tản đến Hoa Kỳ đều có thể làm bất cứ nghề gì trong giai đoạn đầu mới đặt chân trên xứ lạ quê người để kiếm sống. Dần dà họ đã trở thành những thương gia giàu có, những triệu phú, tỷ phú, khoa học gia, bác sĩ, kỷ sư, tiến sĩ...
Cái nghề nhặt rác không mang lại chức tước, danh vọng hay tiền tài, nhưng nó đã đem lại cho chúng tôi một kỷ niệm đẹp nhất trong đời, đó là câu chuyện mà tôi xin kể hầu quí vị sau đây.
Một buổi trưa mùa Hè, trời nóng như thiêu đốt, tôi dừng chân nghĩ mát dưới bóng cây trước sân nhà của một căn chung cư. Bất ngờ một em bé khoảng 4 tuổi, tên Mc Kee từ hiên nhà chạy ra, ôm lấy chân tôi và nói: "I love you". Rồi nhanh nhẹn bé lấy cái xô và cây gắp đi loanh quanh khu nhà gần đó nhặt rác bỏ vào xô. Cảm giác của tôi lúc đó thật bàng hoàng xúc động. Cậu bé mới tí tuổi mà đã biểu lộ được một cử chỉ đẹp, một tấm lòng yêu tha nhân quá tuyệt vời, như một thiên thần nhỏ bé mang lại tình yêu cho người trần thế.
Cảm kích trước hành động dễ thương của bé Mc Kee, tôi đã viết nên bài thơ "Cậu Bé và Người Nhặt Rác", và dịch ra tiếng Anh "The Little Boy and The Groundsman" đề tặng cháu bé và ba me của cháu. Tôi cũng đã tặng bài thơ này cho bà quản lý khu chung cư tôi làm việc. Bài thơ như sau.
Cậu Bé và Người Nhặt Rác
Thương về bé Mc Kee
Cơn nắng hạ chói chang/ Như thiêu như đốt/ Người nhặt rác âm thầm/ Từng bước từng bước một/ Kéo lê đôi giày mòn mỏi/ Như quá khứ gặm nhấm đời anh/ Trong chiến tranh, lao tù, bất hạnh.
Cơn giá buốt mùa Đông/ Cắt da xé thịt/ Người nhặt rác âm thầm/ Từng cử động chắc nịch/ Vung đôi bàn tay chai cứng/ Anh nhặt không ngừng.
Từ sáng sớm tinh sương/ Thiên hạ đang yên giấc/ Người nhặt rác âm thầm/ Từng bước từng bước một/ Lướt nhẹ qua những con đường/ Đầy xác lá vàng rơi rụng/ Cùng mãnh hồn anh vỡ vụn tan thương.
Rồi một ngày như mọi ngày/ Dưới nắng trưa hè gay gắt/ Người nhặt rác lau mồ hôi trán/ Đứng lặng nhìn trời suy tư miên man/ Bất ngờ một cậu bé/ Từ hiên nhà chạy ra/ Ôm lấy chân người nhặt rác/ Ngước nhìn lên đôi mắt sáng trong/ Hồn nhiên em nói: Cháu yêu ông - I love you/ Rồi đôi chân nhỏ bé/ Thoăn thoắt trên thảm cỏ/ Bé nhặt rác bỏ vào xô/ Người nhặt rác bàng hoàng xúc động/ Nghe như từ trời tiếng hát yêu thương/ Xóa tan bao mệt mỏi chán chường.
Cao đẹp thay tình yêu của bé/ Tình yêu không đổi trao/ Tình yêu không vụ lợi/ Tình yêu không lý luận/ Tình yêu bình an cho người/ Ôi! Tình yêu tuyệt vời!
. . .
Viết đến đây tôi nhớ lại một bài báo của tờ Việt Báo mà tôi đã cất giữ từ mười mấy năm nay trong tủ sách dưới nhan đề "Đời Nhặt Rác" trong mục Thư Saigon, xin ghi lại như sau.
Bạn,
Chuyện kể với bạn trong lá thư này là chuyện về những người nhặt rác ở thành phố Huế. Theo báo Giáo Dục Thời Đại, hễ đi đến bất kỳ bãi rác nào lúc chập choạng tối trong thành phố, phóng viên báo này đều nhận thấy có rất nhiều người đang dùng que đào bới rồi nhặt rác. Những người nhặt rác là những người nghèo khổ. Báo GDTĐ viết về tình cảnh của những người kiếm sống bằng công việc nhặt rác ở Huế qua đoạn ký sự sau đây.
Bãi rác nằm ở đường Tùng Thiên Vương (Tp Huế) chỉ là một bãi nhỏ nhưng cũng có từ bốn đến năm người tham gia nhặt rác ở đây mỗi tối. Dưới ánh đèn vàng hiu hắt và những hạt mưa bụi bay bay, những người này cần mẫn dùng que gạt đi gạt lại đống rác rưởi hôi thối mong tìm được cho mình một thứ rác có thể sữ dụng được để đem bán lại. Dụng cụ lao động của họ khá đơn sơ và không an toàn chút nào. Mỗi người có một chiếc đèn pha trên đầu, một bao tải móc sau lưng cùng với một cái que dùng bới rác... Chẳng có một phương tiện nào bảo hiểm trên con người họ, dù chỉ là chiếc bao tay hay đôi ủng cao. "Kiếm cả buổi tối chưa chắc đủ ăn thì làm sao tụi tôi có tiền mua đồ bảo hiểm hở anh?". Câu trả lời của người có vẻ lớn tuổi nhất trong số những người ở đó khiến phóng viên lúng túng trong chốc lát. Rồi như không chú ý đến sự có mặt của tôi, họ vẫn tiếp tục làm việc.
"Nghề nhặt rác này vất vả và tủi hổ lắm anh ạ. Cứ nghĩ đến việc gặp người quen là mình đã lo ngại rồi, còn nếu lỡ gặp thì chỉ có việc độn thổ đi cho khuất mắt". Anh lớn tuổi nhất trong đám tâm sự nhưng vẫn không chịu cho tôi biết tên. Khi anh quay đi, Tèo - cậu bé nhỏ nhất trong số người nhặt rác thì thầm vào tai phóng viên: "Chú ấy có vợ con rồi nên không chịu nói thật tên và địa chỉ mô mà anh hỏi".
Tại một bải rác khác ở cuối đường Chế Lan Viên, trong khi các công nhân của Công ty Vệ sinh Môi trường đang tiến hành công việc của mình thì vẫn có mặt ba người nhặt rác. "Trung bình một đêm nhặt rác cũng kiếm được từ bảy đến mười ngàn đồng. Nếu gặp đêm vở bở thì cao hơn. Nhưng cũng có nhiều đêm cúi đến cong lưng cũng chỉ kiếm được một đĩa cơm bụi". Hoàng, một cậu bé thường xuyên nhặt rác ở bãi rác Phú Thượng (Phú Vang) cho phóng viên biết. Hai nỗi lo lớn nhất của người nhặt rác là tai nạn và không nhặt được rác. Tai nạn là chuyện thường xuyên xãy ra. Trong bất cứ bãi rác nào cũng ẩn chứa vô vàn nguy hiểm.
Phóng viên báo Giáo Dục Thời Đại viết tiếp: "Hình ảnh mà phóng viên nhìn thấy được vào buổi sáng ở đường Nguyễn Tri Phương làm tôi nhớ mãi. Có ba bé gái với ba bao tải đựng rác sau lưng đứng lặng nhìn các bạn đồng tuổi mình đang nô đùa trong sân trường với ánh mắt buồn bã. Không biết các người có trách nhiệm sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy cảnh tượng này, và cũng không biết tương lai của những em bé nhặt rác hôm ấy sẽ đi về đâu?".
*
Chúng tôi viết lại câu chuyện nhặt rác ở VN kể trên để chúng ta có một khái niệm về tình hình kinh tế và đời sống của người dân hai nước. Đành rằng không thể so sánh một nước lớn với một nước nhỏ, nhưng cái nghề nhặt rác là cái nghề tận cùng của xã hội dù văn minh hay nghèo khó, mà nó cũng không mang lại được cái hạnh phúc nhỏ bé nhất cho con người ở nước mình.
Trở lại câu chuyện nhặt rác ở xứ Mỹ làm đề tài cho bài viết hôm nay. Với số tiền 700 đô kiếm được một tháng, chúng tôi đã sữ dụng để phát triển Hội Thơ Tài Tử VNHN trong giai đoạn đầu tài chánh còn eo hẹp.
Tháng 9 năm 1995, chúng tôi in một thi tập mang tên Cụm Hoa Tình Yêu I-95, gồm 17 tác giả ở Hoa Kỳ và VN. Tập thơ này được giới thiệu lần đầu tiên ở thành phố New Yersey với 250 khán thính giả tham dự do sự tổ chức của Thi sĩ Nguyễn Thanh Huy, Thi sĩ Trần Trung Đạo, và ông Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt New Jersey, cùng với sự trình bày thư họa, tranh ảnh của Thi họa sĩ Vũ Hối đến từ Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Năm 1996 hội xuất bản thi tập CHTY 2-96 với 45 tác giả; những năm kế tiếp số tác giả tăng lên nhiều hơn.
Mười năm sau, 2005 số thi hữu góp mặt lên đến 500 người gồm từ các nước Tunisia, Congo, Pháp, Úc, Canada, Hungary, Ukraine, Nhật Bản, Đức Quốc, Peru, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Hoa Kỳ, và Việt Nam. Nhà văn Tống Diên (hậu duệ Nhà văn Bình Nguyên Lộc) đã viết bài "Mười Năm Người Với Ta" nói về sự phát triển nhanh chóng của Hội Thơ Tài Tử VNHN đăng trên báo chí ở Cali và Paris lấy tài liệu trong các thi tập CHTY xuất bản từ năm 1995 đến năm 2005 và ông đã kết luận : "Chính tại nơi đây mà hàng trăm người đã hồi tưởng quá khứ, kể lại quá khứ của mình, nghe quá khứ của bạn bè, trau dồi quá khứ với người khác. Duyên văn nghệ tạo hội ngộ văn nghệ để qua đó con người văn nghệ tìm đến với nhau cũng như tìm lại chính bản thân mình".
Với số tiền nhỏ bé gom góp được từ công việc nhặt rác, chúng tôi đã gầy dựng hội thơ lúc ban đầu hầu làm bàn đạp tiến đến những bước khả quan hơn như đi đến các nước Đức, Pháp, Thụy sĩ, Na Uy, Hòa Lan, Belgique, và các thành phố lớn ở Hoa Kỳ: Hoa Thịnh Đốn, Sacramento, Westminster, Orlando để tổ chức các buổi ra mắt thi tập CHTY, thi tập tam ngữ Anh-Pháp-Việt "Flowers of Love" với sự đóng góp thơ, văn, nhạc, họa của các nhà thơ, nhà văn, thi họa sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, kỷ sư, thương gia, chính trị gia, mục sư, thượng tọa, sĩ quan QLVNCH từ cấp úy đến cấp tướng, tá như Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng-Canada, Đại tá Lê Khắc Lý -Cali, Tiến sĩ Lê Mộng Nguyên -Hàn Lâm Viện Pháp, Thi sĩ Hàn Lâm viện Pháp, Ali Smaoui -Tunisia, Tiến sĩ Thierry Sinda -Congo, Giáo sư Be Herrera -Hoa Kỳ, Thi họa sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh-Paris, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh -Paris, Kỷ sư Quyện Tâm -Paris, Thi họa sĩ Vương Thu Thủy -Paris, Thi văn sĩ Duyên Hùng -Lyon, Thi họa sĩ-Thư họa Vũ Hối -Hoa Thịnh Đốn, Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng -Cali, Bác sĩ Bùi Quang Dũng -Orlando, Thương gia Phan Long - Orlando, Mục sư Nguyễn Huệ Nhật -Berlin, Thượng Tọa Thích Giác Lượng -Cali, và nhiều nhà thơ nổi tiếng khác như Trần Vấn Lệ -Cali, Cao Mỵ Nhân -Cali, Tràm Cà Mâu -Cali, Lê Phạm Lê -Cali, Phạm Thiên Thư -Saigon, Thế Phong -Saigon, Lưu Hoài -Saigon, dịch giả Truyện Kiều qua Anh-Pháp ngữ. Ngoài ra một số bài thơ trích từ thi tập CHTY đã được các nhạc sĩ Võ Tá Hân, Hoàng Gia Thành, Nguyễn Hữu Tân phổ thành ca khúc.
Từ một sĩ quan cấp tá QLVNCH, tôi đã trở thành người nhặt rác ở Mỹ. Nhưng nhờ một nghề nghiệp khiêm nhượng trong một xã hội văn minh giàu có mà tôi đã học được một bài học quý giá trong đời, đó là Tình yêu mang đến từ một cậu bé người Mỹ làm xúc động tâm hồn khiến tôi viết nên bài thơ "Cậu Bé và Người Nhặt Rác" thương tặng bé Mc Kee đáng yêu.
Xin cám ơn bé Mc Kee.
Xin cám ơn Tình yêu bình an cho Người.
Garland, Tháng Giêng 2018
Lê Quang Sinh
No comments:
Post a Comment