Sunday, March 18, 2018

Khi núi rừng lên tiếng

Hồi Ký của TỪ-SƠN 

Đoàn xe chở Tù Cải-Tạo từ Trại 6 Thanh-Chương đến Đền Cuông/Nghệ An thì đả xế chiều. Mấy trăm tù binh cải tạo bị quây tại khu đất trống trước Đền. Sáng sớm trước khi đi, tù được phát mỗi người một cái bánh mỳ luộc, cỡ cái chuông xe đạp. Từ Trại 6 đến đây, đường dài, nắng chói, cát bụi mù trời. Tù được chở trên những chiếc xe không mui, cũ kỹ, ngồi sắp lớp như đàn heo, chốc chốc lại tung lên, dội xuống bởi mặt đường lồi lõm, gồ ghề do hư hỏng lâu ngày, không sửa chữa, đắp vá.

Thịnh Toét tay xách “ballot” quần áo, mắt ngó dáo dác tìm nước uống vì đã khát khô cuống họng từ sớm cho đến bây giờ. Cơn khát làm cho đầu óc quay cuồng, bấn loạn. Nhiều lúc chịu không thấu muốn móc toạc cuống họng của mình ra! Trong khi đó, mấy người đồng cảnh có tiền, mua được nước của mấy đứa trẻ trong làng đem ra bán. Thịnh không dám nhìn những lúc, có người ngửa cổ đổ nước vào miệng. Nhớ lại, có ngày hành quân năm xưa, cũng bị khát như thế này, nhưng may mắn mấy tiếng đồng hồ sau, tìm được hố bom đầy nước.. còn bây giờ, một xu không có. Bọn cai ngục độc ác, đã không cho ăn đủ, lại không cho nước uống sau cả ngày phơi nắng! Thịnh bấn loạn đi quanh, sục sạo, tìm tòi lần mò tới trước Đền thì thấy có vũng nhỏ. Thịnh chầm chậm bước xuống, một con nhái nhảy ra trốn chạy, vậy chắc có nước, Thịnh nghĩ. Mùi phân khô nồng nặc vây bủa. . . thêm vài bước xuống thấp nữa, thấp thoáng ẩn hiện cánh sen đồng tiền.. Thịnh cả mừng, vẹt cỏ sang một bên. . . và mặt nước đen ngòm hiện ra... Một phút lưỡng lự... Cơn khát cháy cổ lại ập tới. Tới đâu thì tới, Thịnh móc chiếc chén nhựa, khỏa nhẹ mặt nước, múc lên uống. . . Đã gì đâu! . . . Đỡ khát rồi, quay lưng bước đi, chợt nhìn quanh, Thịnh mới thấy, ba bốn bãi phân người. . “Quái lạ, sao lúc nãy mình không thấy?”.

- Réc! . . . Réc! . . . Tập họp điểm số.!  Khẩn trương!  Khẩn trương!

Những thùng còng lại mang tới. Tháo còng chưa được nửa tiếng, giờ lại tiếp tục tra tay vào còng. Thịnh toét và Nghiêm huynh trưởng vào một cặp. Anh Nghiêm tốt nghiệp khóa 13 Trường Võ bị Quốc Gia. Anh to cao, lưc lưỡng. Anh là cựu Tiểu Đoàn Trưởng một Binh Chủng lừng danh của Quân Đội. Người anh trai đất “ngàn năm văn vật” lúc nào cũng nhỏ nhẹ, thân ái. “Duyên tù” xếp đặt, từ giờ trở đi, Thịnh Toét và Nghiêm Huynh đi đâu cũng có đôi, không xa nhau nửa bước!

- Kính coong!  Kính coong!
- Cái gì?
- Thì kính coong chứ cái gì. Thịnh không thích à? Anh Nghiêm cười cười.

Cái chuông xe đạp thứ hai được phát cho tù trong ngày. Tù chỉ biết cúi mặt mà ăn. Ăn để mà sống, để mà tồn tại và hy vọng may ra, có một lúc nào đó. . . Còn biết cầu cứu ai bây giờ? Có ai thấu được cảnh “Vô đầu Xà?”. . . Huynh đã bị quáng gà trước hào quang của tiền tài và quyền lực nhưng có bao giờ, Huynh tự lượng sức mình cho ngôi vị và quyền lực ấy? Huynh đã làm thối hoắc lịch sử thơm tho oai hùng của dân tộc và đưa đất nước này vào thảm họa, để chỉ mong bọn phản quốc xoa đầu, vuốt má nhưng hỡi ôi!  Chúng nào có đếm xỉa đến Huynh!

Nắng đã tắt, bóng tối phủ dầy. Đàn muỗi đói lăn xả vào xâu xé và nạo vét những tinh chất cuối cùng trong thân thể tàn úa, khô héo của đám tù khổ sai. Thịnh thì thầm:
- Tôi rút tay để anh em mình nằm cho thoải mái.
- Cẩn thận. . .

2/ Thêm một đêm màn trời chiếu đất. Cứ đói, cứ khát và cứ gục ngủ cho qua. Ngủ trong vật vã của cơ thể dày vò. Buông trôi tất cả vì tất cả. . . đã ngoài tầm tay với. Chỉ còn một niềm tin vào Trời Đất “Mệnh ta là ở Trời!”

Trời vừa sáng thì còi tập họp cũng ré lên. Tù lại được lệnh sắp hàng, điểm số. Rồi từng đôi một, tù được áp tải đến ga Mỹ Lý, lên xe lửa và đi. . . Không biết là đi đâu, mà cũng chẳng có ai quan tâm điểm đến. Đâu cũng được. Đâu cũng chỉ khoai với sắn. Đâu cũng cuốc đất, gánh phân. Đâu cũng chặt cây, khiêng đá. Tàu chạy hết ngày, qua đêm. . Tàu qua cầu Hiền Lương. . . vào Huế, qua Lăng Cô, leo đèo Hải Vân, tàu vào Đà Nẵng. Một sáng tàu ghé Bồng Sơn. Hai, ba người đàn bà đội mẹt quà, lăn lóc vài trái ổi xanh, vài cái bánh ú, đôi trái bắp sún răng. . . vồn vã mời tù. Xen vào đấy, có vài đứa trẻ, áo quần tơi tả, mặt mày lem luốc, đứa xách xâu mía, đứa cầm giỏ cóc, ổi, mận tha thiết mời chào.

Nghiêm huynh phóng mắt xa xôi:
- Có lần mình ở vùng này cả năm. Mìn, bẫy, bắn sẻ. pháo kích. . . đì đùng. . .

Thịnh toét thêm vào;
- Ban ngày ta là bạn. Ban đêm ta là con cháu của Bác. . .

Mấy người đàn bà xúm lại:
- Mở mắt ra hết cả rồi!  Tụi tui hối hận quá trời rồi!  Thương mấy ông lắm!  Hối hận lắm!  Tội lỗi này, tụi tui xin chịu. Mong mấy ông tha lỗi. .

Nói xong, mấy bà và cả mấy đứa trẻ, đổ tất cả quà bánh xuống sàn  tàu và nói:
- Biếu mấy ông đó.

Rồi tất cả bỏ đi và vẫy tay chào. Trong giây phút, tù thấy ấm lòng. Vừa thương thân mình và vừa thương cho số phận đất nước hẩm hiu. Bọn công an thấy cảnh đó, đóng hết các cửa tàu và ra lệnh tàu chạy. Đường xuôi Nam tiếp tục. Ngày rồi đêm. Cuối cùng tàu dừng lại. Cửa tàu mở, Tàu đã về Gia Ray, Long Khánh, đó là khoảng tháng 7 năm 1980.

Trại Z30 D tại rừng Lá, gần núi Mây Tào, có người thông thuộc địa thế thì bảo, nó ăn thông với mật khu Hắt Dịch- Bà Rịa. Trại này có ba phân trại đánh số A- B- C. Mỗi trại cách nhau vài cây số. Tù Trại 6 Thanh Chương nhốt ở phân trại B. Từ đây nhìn thấy núi Mây Tào sừng sững. Phân trại này lại chia làm ba khu nhỏ: A- B- C. Những người tù từ Trại Thanh- Chương đưa về thì nhốt tại Khu C. Khu này có ba nhà đánh số:11- 12- 13. Hai nhà 12 và 13 để trống. Tin tức cho biết, Khu B đa số là Sĩ Quan QLVNCH, Cảnh- Sát và Công Chức. Khu A thuộc thành phần Phục Quốc và tội phạm Hình sự lẫn lộn. Nghe đồn, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số dân chống đối Việt Cộng đã tổ chức rải truyền đơn, tuyên truyền, phá hoại nhỏ. Một số lợi dụng trộm cắp. , có hành động cướp phá dân lành.

Một ngày sau khi chuyển trại, ai nấy còn đang mệt mỏi rã rời thì có lệnh bắt đi lao động, Đào ao cá trước cổng Trại. Mấy trăm con người xúm xụm đào hai ao. Kẻ cuốc, người khiêng đất đắp bờ, nhộn nhịp như đàn kiến làm tổ. Bỗng đâu, một con mễn, bằng cỡ con bê từ đâu nhảy vào, cuống quýt chạy lung tung giữa đám tù. Tù nhân ngạc nhiên chống cuốc đứng nhìn. Mấy tên công an sau phút sửng sốt, hè nhau đuổi bắt con vật. Chúng la hét, hô hoán, nhưng rồi trong phút chốc, con mễn bay qua đám người như mũi tên bắn, vọt vào rừng mất dạng!
- Mễn lạc vào là có chuyện chẳng lành. Một người nói.
- Nếu không bị tấn công cũng bị pháo kích, chắc chắn thế. Trăm lần không sai!  Người khác thêm vào.

Ông Quận Vùng Hai góp chuyện:
- Kinh nghiệm cho biết, Mễn lạc vào chỗ đóng quân, Đơn vị Trưởng không chết cũng bị thuyên chuyển.

Ông Tiểu Đoàn Trưởng bổ túc:
- Nếu bắt ăn thịt thì mới chết, còn không thì chỉ bị thương hay thuyên chuyển thôi.

Ông Thiếu Tá Pháo Binh phản đối:
- Bây giờ khác rồi mấy cha! Mễn vào chỗ nào, thằng Xếp chỗ đó chết ngắc, không có vụ thuyên chuyển đi đâu hết!

Ông Bò Tứ Pilot thắc mắc:
- Mấy thằng đến thay có bị gì không?

Câu trả lời chắc như đinh đóng cột:
- Bảo đảm chết mất tiêu luôn!

Thịnh toét nhìn theo lối thoát của con vật may mắn, mà thấy trong lòng, dâng lên một nỗi khao khát bâng quơ:” Cầu mong cho mày bình yên về hang ổ cũ và gặp vợ con. . và đừng bao giờ như tao cả. . ”

Một tuần đào ao trôi qua, Thịnh toét “biên chế” vào đội rau xanh. Phân trại B có hai đội trồng rau xanh ở chung một buồng: Buồng 11. Hai đội trồng trọt ở hai miếng đất dọc theo con suối. Hai loại rau chính là rau muống và cái củ, thêm vài dàn bầu. Toàn phân trại có khoảng hơn ngàn tù nhân. Ngoài các đội trồng rau, còn có đội nông nghiệp trồng bắp, đậu phọng. Đội xây dựng và đặc biệt hơn, có đội lâm sản. Đội này tuyển chọn từ những tù nhân đã được Việt Cộng tin tưởng: có tư tưởng tiến bộ, không trốn trại. Người trong đội lâm sản được đi lại tư do trong phạm vi ấn định của trại. Công việc của họ là chặt cây rừng làm lán trại, làm củi hoặc làm các việc khác do trại giao. Không kể các đội tù, một thành phần đặc biệt khác nữa mà trại tù nào cũng có, từ Nam ra Bắc: Tù làm việc nhẹ. Làm việc ngay “Lán” của Quản giáo: Đan giỏ, xách tay, ví đầm, làm dây chuyền, dây đồng hồ đeo tay, làm vòng, kẹp tóc, lược, gương, giầy dép. . . và những thứ gì nữa, nào ai biết cho cùng. . . Những người này, không phải dầm mưa dãi nắng. không phải khiêng vác năng nhọc, lại được ưu tiên gặp gỡ gia đình, có khi cả đêm!

Tự biết thân phận là” tù mồ côi”- chỉ sống bằng khoai, sắn của nhà nước XHCN nên lợi dụng địa thế gần suối, Thịnh đã mau mắn dọn dẹp khoảnh đất và trồng được: hai cây cà chua- một cây mướp- một cây đậu rồng và hơn chục gốc mồng tơi. Hơn bốn tháng chăm sóc, tưới bón, Thịnh hân hoan ngắm nhìn kết quả, Cà chua trái bằng ping-pông. Mướp và đậu rồng lớn bằng chiếc đũa bếp và những lá mồng tơi mơn mởn nhỉnh hơn chiếc muỗng canh.

- Thịnh giỏi quá. Khi nào thu hoạch đây? Anh Nghiêm ghé qua ghẹo.
- Mới mà anh. Chắc tháng nữa mới ăn được.
- Có công mài sắt. . . Anh Nghiêm tiếp “Ráng đi. Bữa nào cho ké với! ”

Thịnh cũng cười:
- Dạ. . . Sẵn sàng mà anh.

Niềm vui vì thành quả lao động chưa được bao lâu, thì một sáng, Thịnh đứng chết lặng nhìn sự tàn phá tan nát của rau trái, mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức để trồng. Người của đội lâm sản -chắc chắn không ai khác- Vì họ là thành phần tự giác, đi lại tự do trong khu vực này đã nhẫn tâm vặt bẻ hết tất cả rau, trái mới trổ chưa đủ độ lớn. Ăn cướp chưa thỏa, còn giẫm đạp bầy hầy các luống, giựt đứt các sợi dây leo, tàn nhẫn không thương tiếc!
- Nói một câu gì đó cho đỡ tức! Đừng nén trong lòng không tốt. Người bạn tù góp ý.
- Thôi thì cứ coi như có một con gì đó, chuột bọ chẳng hạn đêm đế kiếm ăn, phá phách cho xong. Mình mất nhiều rồi. Mất thêm, mất nữa cũng không sao!  Người khác thêm vào.

4/ Thịnh cắm cúi sửa sang lại mảnh vườn bị phá hoại. Cả cuộc đời mình, đã bị vừa bạn vừa thù đập nát như tương, xá gì vài lá rau, đôi trái mướp!  Thịnh quẩy đôi thùng xuống suối, mười luống rau muống đang đợi nước sáng. Dưới chân, cát nóng tựa nước sôi. Trên đầu, nắng hun như lửa thổi. . . Địa ngục với chốn này, nơi nào oan nghiệt dày hơn?

                                                                   *
                                                               *       *

Tên Công an võ trang áp tải Thịnh toét đi sang Trại chính. Tới cổng trại, hắn vào trình giấy cho gác cổng, sau đó dẫn Thịnh vào trạm Y-Tế, giao cho Y-tá xong, nói với Thịnh:
- Làm xong, anh cứ ngồi đây chờ tôi, nghe chưa!

Y-tá cũng là tù nhân hỏi Thịnh:
- Đau răng hả, lâu mau?
- Hơn một tuần rồi. Nhức muốn khùng luôn.
- Chờ tôi một lát.

Anh chàng quay vào bên trong, một hồi khá lâu đi ra, một tay cầm kìm, tay kia nắm một nắm bông và gói muối hột.

Thịnh gợi chuyện:
- Bộ. . . sửa đồ hả?
- Không có.

Thịnh cười cầu tài:
- Thấy anh cầm cây kìm, nghĩ anh đi sửa đồ.
- Đồ gì đâu mà sửa. “Sửa” răng cho anh thì có!
- Hả?!  Giỡn hay chơi, cha nội?

Hắn tròn mắt:
- Cái gì giỡn? Đồ “ma” này, tôi làm hoài.

Tới phiên Thịnh Toét trợn mắt:
- Anh nhổ răng bằng cái kìm này?
- Kìm nào không là kìm? Miễn sao kẹp chặt được cái răng để nhổ nó ra thì thôi chớ!
- Có thuốc tê không?
- Thuốc tê “xưa” rồi. Nhổ “sống” không hà!  Ngó ngó vào miệng Thịnh một lát, hắn khuyến khích:
- Hàm dưới chắc không đau lắm. Sao, “chơi” không?

Thịnh cố vớt vát:
- Trước có làm “nghề” không?

Điệu bộ chần chừ và câu trả lời rề rà, không dứt khoát của hắn, không làm cho Thịnh tin tưởng:
- Có. . . có. Chút. . . chút. Bộ ngán hả?
- Ờ. . . Ờ. . . cũng ớn. . . ớn.!
- Chịu đau chút xíu thôi. Giờ tính sao?

Thịnh buông trôi:
- Tính gì nữa. Làm đại đi. . .

Thịnh trở lại khu B khi các đội đi lao động chiều vẫn chưa về. Ngoài sân cát, nắng đã dịu. Anh tù trực buồng chăm chú nấu nướng món gì đó, cho bữa ăn chiều. Thấy Thịnh, anh cười, hỏi:
- Mới nhổ răng hả?

Thịnh ôm má gật đầu. Anh chàng gợi chuyện:
- Có thăm nuôi chưa?

Thịnh lắc đầu. Hắn xịu mặt:

5/- Tôi cũng thế. “Phóng” mấy cái thơ về nhà mà chẳng có tin tức gì ráo. Không biết có chuyện gì không. . . Nóng ruột quá!

Nghe người bạn nói, Thịnh bất giác cảm thấy một nỗi đau bâng quơ từ đâu ào đến. . . “Mất nước là mất tất cả”. Anh chàng thuộc nhóm “nhà gạch”- danh xưng cho những người có thăm nuôi đều đặn hàng tháng “có của ăn, của để”. Riêng chàng, cũng như Thịnh, mồ côi, không có của góp, thôi thì ta góp công cho vui cửa, vui nhà!  Nhìn anh, Thịnh thoáng ái ngại. Ai cũng vậy, có những thèm muốn, có những đòi hỏi. Có người nhịn được, có người không, và thế mới có chuyện.

Nắng đã xế, tiếng người ồn ào vọng lại, các đội tù đi lao động về.
- Ê Thịnh!  Nhổ răng đau không mày? Người tù cũng là bạn học cũ hỏi.

Thịnh cười cười nhìn hắn không nói.
- Lát nữa mang “cơm” lại chỗ tụi tao ăn cho vui. Sắp Tết rồi mày!
- Tao đau răng đâu có ăn gì được.
- Thì mang cháo lại. Có gì ăn nấy. Vui thôi mà.

Vừa lúc Đội trưởng Huề đến bên Thịnh:
- Cán bộ Quản giáo bảo tao ghi tên mày và mấy người nữa trong đội, không có thăm nuôi, được trại cho xuống nhà bếp, ăn cơm trong ngày Tết bồi dưỡng. Nhớ nghe mày.

Huề là bạn cùng khóa với Thịnh, Tuy làm đội trưởng nhưng hắn chỉ “ầu ơ” cho qua, nên với Hắn, Thịnh không có ác cảm gì nhiều.

Tổ trực mang đồ ăn về, đặt thau lên chõng. Chõng làm bằng những cây rừng ghép lại, theo hình của cái bàn hình chữ nhật, cao khoảng tám mươi phân. Chia chác xong thì trời cũng chạng vạng. Rồi tất cả lại phải vào chuồng. Cai tù khóa cửa. Tiếng ồn ào dần dần lắng đọng cho hồn tù gậm nhấm nỗi uất hận, đớn đau của kẻ nước mất, nhà tan.

“Bao giờ. . . tôi về. . . gần em cùng đếm, này trăng, này sao. . . . . Trăng sao dâng ý thơ, mây bay khắp trời. . . Thuyền tình lung linh trong khói sương lam. . . Ngày về xa quá. . . Người ơi! . . .” (Nhạc phẩm: Em tôi- Lê Trạch - Lựu).

Bò Tứ mũ đỏ ôm cây Guitar, nhả mấy đường tơ lả lướt. . . Không gian im vắng, mênh mông, ngồn ngộn tiếng đàn. . . Nghe trong tim, những thổn thức, những ai oán lâm ly, những sầu thương chất ngất!
- Anh Dung ngủ chưa? Thế Méo, cựu Trung Đoàn Phó hỏi vọng sang.

Ông cựu Quận Trưởng đáp:
- Ngủ gì giờ này mày.
- Anh có nghe anh Tiến ca không?
- Rồi sao?
- Vậy tôi đố anh. Ở Việt Nam con đường nào dài nhất?
- Dễ ợt.
- Vậy thì nói đi.
- Đường từ đây về nhà!

Thế cười ha hả:
- Một không. Câu thứ hai. Nhà nào then cửa làm ở ngoài mà không làm bên trong?
- Tao đâu phải con nít. Đố câu khác đi.
- Thì đáp đi. Dám trật lắm, anh Hai.

Ông Quận tức khí:
- Nhà này chứ còn nhà nào nữa!
- Hai không. Câu thứ ba. Nghe cho kỹ. Đố anh chớ” Tỉnh” nào không có trại cải tạo?

6/ Cả buồng im lặng. Tiếng đàn cũng loãng vào không gian. Hai phút rồi năm phút. . .

Thế hối:
- Sao? Trả lời đi anh Dung!
- Không biết!
- Dễ quá mà không biết. “Tỉnh nước mắm”! !  Hà hà. . .

Mọi người cười ồ lên sảng khoái.

Thế được nước, tới luôn:
- Một- Hai. Câu cuối. Câu này khó à nghen!   Nghe cho rõ. . . Bác Hồ mỗi lần gặp các cháu Nhi đồng, Bác hay quàng Khăn Đỏ cho giống với các cháu. Nhưng đúng ra, Bác mặc còn thiếu một thứ, một thứ rất quan trọng. Đố anh thứ đó là thứ gì? Cá một gói mì đó.

Một gói mì trong tù là cả một tài sản!  Mỗi bữa, tù chỉ dám bẻ một phần sáu gói và cho vào lon “Gô “ đầy nước làm “Soupe” ăn cho có sức! Không chỉ một mình Dung suy nghĩ, mà hình như toàn buồng hưởng ứng câu hỏi của Thế- anh chàng vui tính, lý lắt.
- Sao anh Dung, đoán ra chưa?

Dung cười:
- Tao chịu thua. Mày nói đi, thiếu cái gì?
- Cái quần Thủng Đít!  Bác phải mặc thêm cái quần Thủng Đít nữa mới đúng điệu!
Trận cười nổi lên như bão thổi, kéo dài cùng với xầm xì bàn tán.

Tiếng lách cách mở cửa buồng giam:
- Các anh tập kết khu A xem kịch.

Đêm cuối năm, Đoàn Cải lương Lệ Thủy đến trình diễn tại Phân trại B trại Z30 D/Rừng Lá với vở “Khi núi rừng lên tiếng”. Phần phụ diễn là Hài kịch “Lớp Dạy Nhạc” do một anh Thiếu Tá Cảnh Sát soạn kịch và đạo diễn. Màn kịch đã tạo cho anh em tù nhân, những giây phút thoải mái, quên bớt đi cảnh tội tù đày đọa. Vở cải lương đưa ra nguyên cớ bịa đặt, rẻ tiền là sự hà khắc của chế độ Việt Nam Cộng Hòa khiến đồng bào thiểu số Cao Nguyên nổi dậy.

Những ngày đầu năm Tân Dậu lặng lẽ qua đi. Một số tù được thăm nuôi. Lại có người được gặp gia đình qua đêm. Còn số khác, vêu mõm chờ sắn, khoai của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Ưu việt ban phát!
- Công an đánh tù!  Công an đánh tù!  Anh em ơi!
- Bò vàng đàn áp tù!  Bò vàng đàn áp tù!  Bà con ơi!
- Khu A bị đánh!  Khu A bị đánh!
- Tại sao nó dám đánh tù? Nó đánh có nặng không?

Nghe hô hoán, tất cả tù nhân ba khu A, B, C thuộc phân trại B đổ ra ngoài sân hết thảy. Người nọ hỏi người kia, ồn ào như họp chợ. Sau đó, mọi người cùng kéo nhau ra khu A nghe ngóng tình hình. Cùng lúc này, mấy tên công an từ trong khu A chạy vọt ra khỏi cổng. Cổng trại đóng lại. Loa phóng thanh lớn tiếng:
- Tất cả các anh phải vào buồng ngay tức thì. Lệnh của Ban Giám thị. Ai ở khu nào về khu đó và vào trong nhà, không được ra ngoài.

Lệnh bắt vào trong buồng giam lập đi lập lại nhiều lần, nhưng chẳng ai buồn nghe theo. Tin tức cho biết, có một anh tù khi qua cổng, không dở nón bị tên gác cổng đánh rất dã man. Anh chạy vào khu A, bị rượt theo. Anh em tù tại khu này phản đối dữ dội và cuộc phản kháng lan rộng toàn khu. Trời bắt đầu tối, tất cả tù nhân tiếp tục đứng ngoài sân. Đồ ăn, nước uống trả về cho nhà bếp. Chốc chốc lại có tiếng hô:
- Phản đối đàn áp!  Phản đối đàn áp!

7/ Một số công an vào trại không võ trang, đến các khu, thương thuyết:
- Ban Giám thị yêu cầu các anh vào buồng. Cử một người đại diện, đưa nguyện vọng, chúng tôi sẵn sàng giải quyết.

Lại qua một thời gian khá lâu, các anh em tù vẫn giữ nguyên trạng, chẳng ai vào buồng. Chẳng có ai nhận làm đại diện cho ai cả.

Công an ra lệnh:
- Trời tối rồi, các anh không được đi lại mất trật tự. Tập trung ngồi tại đây.
Hắn chỉ khu đất cạnh hàng rào giữa hai khu B và C. Mọi người ngồi xuống, im lặng

Hắn nhắc lại:
- Anh nào đại diện cho các anh, đứng lên!

Một người dơ tay:
- Tôi có ý kiến!

Tên công an mừng như bắt được vàng:
- Anh tên là gì? Cứ thẳng thắn đề xuất nguyện vọng, Ban Giám thị sẽ giải quyết ngay.
- Xin cán bộ “giúp đỡ” cho cái đèn để anh em hút thuốc!
- Rồi, còn gì nữa?
- Cho thêm thùng nước uống!

Tên công an không thèm trả lời bỏ ra ngoài. Ai đó xì xầm:
- Rõ chán!  Đã biểu tình không chịu vào buồng còn đòi “giúp” đèn với nước. Chuyện ruồi bu!
- Việt Nam! Việt Nam!  nghe từ vào đời. .

Cả ba khu cùng nhau thay phiên cất cao tiếng hát Việt Nam. . .

Phía ngoài hàng rào phân trại, lấp loáng ánh đèn “pin”. Chắc tụi Cộng Sản đang điều động binh đội, bố trí chung quanh. Tình hình vô cùng căng thẳng và thập phần nguy hiểm cho anh em tù binh cải tạo. Biết thế, nên anh em không  có hành động bạo động, chỉ ngồi gọn lại một góc hát và thỉnh thoảng hô khẩu hiệu phản đối sự đàn áp.

Bọn công an chốc chốc lại vào theo dõi phản ứng của tù. Thấy có vài người dựa vào hàng rào phân cách các khu, chúng bắt buộc tránh xa:
- Các anh không được ngồi gần hàng rào. Ngồi thế là vi phạm nội qui.

Nghe nói: “Sẽ phạm nội qui”, phe ta vội vàng xích xa khỏi hàng rào. Chỉ một hành động đơn giản như vậy, cũng cho chúng thấy, phe ta quá ngây thơ và thật thà!

Khoảng gần nửa đêm, một toán công an lại vào:
- Bây giờ cũng đã khuya, đề nghị các anh vào buồng nghỉ ngơi. Các anh cử đại diện gặp Ban Giám Thị đưa nguyện vọng. Chúng tôi hứa là sẽ giải quyết và không phạt các anh.

Nhận thấy, “già néo đứt dây”, lại thêm, sức khỏe của anh em không cho phép chống đối dài hạn, nên anh em bảo nhau chấm dứt biểu tình và vào buồng. Cuộc bạo động chấm dứt.

Mấy ngày sau, một đoàn công an từ Trung ương đến, khiển trách toàn trại và bắt đi một số đưa về nhốt tại Khám lớn Chí Hòa. Sinh hoạt của trại Z30 D, phân trại B trở lại như cũ.

Cuối năm 1981 sang đầu năm 1982, Cộng sản thả ba đợt tù binh cải tạo. Cuối năm 1983, Thịnh toét cũng được cho về cùng với một nhóm hơn mười người.

Ôm bọc quần áo, Thịnh toét đến chào anh Hoàng- Thi sĩ Lưu Thái Do.
- Chúc vui vẻ. Tớ có cái kính cận nhưng bây giờ thì không cần, cho chú đeo để thấy đường về.
- Em sẽ ghé nhà, báo tin cho chị. Anh có gì nhắn thêm?
- Sẽ về, thế thôi.

8/ Thịnh toét ra đến gần cổng trại thì gặp một nhóm ba, bốn người ở Khu B vừa được gọi tên thả, cũng hối hả đi ra, trong đó Thành, một sĩ quan Cảnh Sát. Vì còn phải chờ làm thủ tục ra trại nên cả bọn được đưa đến ở tạm lều lá của đội lâm sản, dựng cách trại vài trăm thước. Trụ tại lều này, có một anh tù ngày ngày ra đó đan, bện các loại: rổ, rá, nón, mũ, giỏ xách bằng sống lá buông. Anh có khuôn mặt tam giác, đôi tai mỏng nhìn thấy được gân  máu và đặc biệt, anh không nhìn thẳng mà lại hay nhìn lén. .

Thành ghé tai Thịnh:
- Khứa này mặt dơi, tai chuột. Cẩn thận nghe anh!

Thịnh cũng đồng ý:
- Làm công việc này thì khỏi nói, cũng dư biết thế nào rồi. Nghe nói, đội này toàn “Dân Phục Quốc” ngon lành lắm mà!
Thành trề môi:
- Phục “Cuốc” thì có. Anh ở ngoài Bắc “mới vào” đâu có rành, chớ tụi em trân mình chịu cái đám quỉ này lúc đầu, sẩu mình luôn. Đa số trộm cắp, ma túy, cướp giật. . . Chứng nào tật nấy. Nhất là trong cảnh tù đày thiếu thốn.
- Mình cũng chả còn gì quí báu mà lo.

Đặt ballot xuống đất. Thịnh tìm chỗ mắc võng, làm quen:
- Chào anh. Tôi tên Thịnh. Anh có khỏe không?

Anh chàng lí nhí câu gì đó không rõ, nhưng mau mắn thu dọn đồ nghề rút vào bên trong trái lá, cách xa chỗ hai người nằm hơn chục thước.

Thành ngó Thịnh:
- Khứa rút vô trong trỏng. Thôi kệ. Mình nằm đây.

Ba ngày trôi qua, Thành thì nôn nóng, mong chóng có giấy ra về. Thịnh ngược lại, trăm mối ngổn ngang. Các con đã yên thân ở Mỹ. Vợ đã có chồng khác và cũng đã có con. Bố mẹ già, nhà nghèo. Ra tù thì mừng nhưng không biết ăn, ở làm sao?
- Anh Thịnh, em vào trại xem có tin tức gì không?
- Ờ đi đi. Còn anh cũng đi. . . ngủ.

Thành đi rồi, Thịnh nằm suy nghĩ vẩn vơ, đường xa, nẻo gần, bâng khuâng tơ vò chín khúc, thiu thiu lúc nào không hay. . .
- Anh Thịnh!  Anh Thịnh!  Dậy mau!  Có giấy về rồi!

Thịnh mừng quá chồm dậy, gom võng, xách đồ, sờ túi tìm cái kính cận thị. . . Anh tù đan giỏ biến mất tự lúc nào.
- Anh kiếm cái gì vậy? Thành hỏi.
- Cái kiếng cận thị. Thằng lâm sản. . nó trốn mất tiêu rồi. . .
- Thôi bỏ đi. Thí cô hồn cho nó. . . Lẹ lên không trễ.

Thịnh và nhóm tù được thả, nhận giấy “Ra Trại” và hai mươi đồng tiền “Đi Đường” cùng nhau lội bộ khoảng ba cây số ra Quốc lộ 1 đón xe về Sài Gòn.

Quán Cà Phê nằm ở ngã ba cùng với chiếc xe đò sẵn sàng đón khách. Một người đàn bà rất quen thuộc trong cách mua bán, đổi chác với tù đến bên cạnh Thịnh, ướm hỏi:
- Có mùng mền gì muốn bán không?
Thịnh lúng túng chưa biết xử sự thế nào, chị ta nói luôn:
- Tiền xe về Sài Gòn là tám chục. . .
Thịnh đáp:
- Tôi chỉ có hai chục đồng trại cho, làm sao đủ?

9/- Mùng, mền mỗi cái tám chục. Muốn bán cái nào?
 Thịnh bán cái mền len được tám chục bạc rồi đưa tât cả số tiền đó cho bác tài xế xe đò.

Từ trong quán nước, Thành gọi:
- Anh Thịnh, uống Cà Phê rồi về. Xe chưa chạy đâu.

Thịnh đến trước quán, do dự;
- Còn có hai chục, sợ không đủ tiền. . .
- Mười đồng ly cà phê đá. . . nhằm nhòi gì. . Có chết thằng Tây nào đâu. Lo chi cho mệt.
- Tây không chết, mà mình chết đây nè. Thịnh tếu.

Chiếc xe cọc cạch chạy cho đến chiều thì đến Sài Gòn. Gần chín năm xa Thủ Đô yêu dấu, giờ đây trở về, sao lại cảm thấy mình bơ vơ, lạc lõng quá. Nơi này, mình đã lớn lên. Nơi này, mình đã có biết bao nhiêu kỷ niệm. . . Nghe từ đáy lòng, những bồi hồi, xúc cảm- những nức nở, nghẹn ngào. Da diết yêu mùi thơm khét của những cơn mưa đầu mùa. Nhớ thật nhớ màu vàng thật vàng của nắng cuối năm. Xót xa tiếc nuối tiếng rao dài lê thê, trong ban đêm thanh vắng và bồi hồi như giục giã của tiếng máy xe, đưa người vào phiên chợ sáng. Ôi!   Sài- Gòn yêu quí. Giờ này, em ở đâu?

Xe ngừng ở Ngã tư Phan đình Phùng- Cao Thắng thả khách. Thịnh bâng khuâng nhìn mãi cuối xa. . . Cô tóc dài ở Phở Gà Sống Thiến. . . Trường Hoàng Việt. . . Cà Phê Gió Bắc một thời mê mệt. . .
- Xe “Lam” đến, anh Thịnh. Em về Ngã Bảy.

Xe đã muốn hết chỗ, bác Tài xuống xe sắp xếp:
- Ông về đâu?
- Tôi đi Trường Đua.
- Phú Thọ mười lăm đồng.

Thịnh ngần ngại:
- Tôi chỉ còn mười đồng.

Bác Tài dứt khoát:
- Mười đồng thì xuống chợ Nguyễn Tri Phương.

Thành chêm vào:
- Chợ Nguyễn Tri Phương về Phú Thọ xa lắm. Em hết tiền rồi chứ nếu không, em cho anh.

Tám người đàn bà có sẵn trên xe nhìn Thịnh với con mắt hằn học, không một chút thiện cảm. Khi Thịnh lom khom bước vào tìm chỗ, thì mọi người né tránh trong dáng bộ kinh tởm, ghẻ lạnh. Thịnh nghĩ, có lẽ mình hôi hám, tồi tàn nên họ coi thường. Đời mà “Phù Thịnh chứ có ai phù Suy bao giờ”. Thịnh nhếch môi, bất chấp. Đã đến nước này thì đối tệ hơn thế nữa, cũng huề!

Xe chạy hết đường Phan đình Phùng thì quẹo phải vào Lý Thái Tổ. Thành buột miệng la lớn:
- Anh Thịnh!  Mới có chín năm mà thay đổi nhiều quá. Anh có thấy chỗ nào quen không?

Tiếng một người đàn bà:
- Chú đi đâu mà chín năm không ở Sài Gòn?
- Đi Tù!  Tụi tôi bị tù cải tạo từ” Bảy Lăm” cho tới bây giờ!
- Còn cái ông cán bộ kia nữa chi?

Thành cười thật lớn:
- Ổng hả? Trời đất thiên địa ơi! Ông là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chớ cán bộ nào. Mặt đó mà là cán bộ sao, mấy má? Em tới rồi. Anh về mạnh khỏe. Mai mốt có dịp gặp nhau.

Một người nói:
- Thấy ổng đi dép râu, đội nón cối. . . Ai biết đâu. . .
- Lại nói giọng Bắc Kỳ. . . Người khác góp vào.

10/Xe đậu lại tại chợ cá Trần Quốc Toản. Thành nhẩy xuông. Cô gái ngồi ngoài cùng móc ra tờ giấy bạc một trăm:
- Xin lỗi anh, tụi em không biết. Cứ nghĩ anh là “cán bộ”. Xin anh nhận chút đỉnh vì em biết, lúc này anh rất cần. . . Anh ruột em cũng còn đang ở trại cải tạo. . . Ảnh làm ở Bộ Tổng Tham Mưu. Nhà em ở gần chợ Nguyễn Tri Phương. Số nhà đây. . . Em tên là. . . Anh có rảnh, ghé nhà cho biết thêm tin tức. .

Cô gái nhoẻn cười, chào Thịnh và xuống xe. Mấy người còn lại cũng lần lượt ra về và không ai bảo ai, kẻ ít người nhiều, vui vẻ đưa tiền cho Thịnh. Trước tấm chân tình nồng hậu bất ngờ ấy, anh chàng cuống quýt cám ơn, vì tiền thì ít mà vì lòng thương yêu, ân cần và quí trọng của người dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa với những người đã có lần, ít nhiều bảo vệ họ.

Còn lại hai người, Bác Tài cười rất tươi:
- Tôi sẽ đưa anh về tới nhà, khỏi tiền bạc gì cả!

Thịnh cũng cám ơn:
- Anh cứ cho tôi xuống trước cổng Trường Đua là được. Và. . . thế là quí hóa lắm rồi. . 

Tháng Mười, nắng Saigon hanh vàng và dịu. Đâu đó, hình như. . . có “bóng” ai chờ. . . 

Từ Sơn

No comments:

Blog Archive