Sunday, March 18, 2018

Hàng Hiếm Nơi Xứ Lạ



Mọi người đều biết hàng hiếm có dễ trở thành hàng quí. Tùy theo chủng loại: có những loại chỉ có ở nơi rừng sâu núi thẳm mà ít người bước chân đến, có loại chỉ có ở những hải đảo xa xôi, có những loại chỉ có dưới lòng đất, có những loại chỉ có khi đến mùa vụ ngắn ngủi, có những loại trăm năm, một ngàn năm mới có một lần,... Sau khi qua "truyền thanh, truyền miệng" thì giá trị của nó tăng lên, không còn đo đếm được; trong chúng ta không ít thì nhiều đã từng trải qua hay nghe thuật lại, những câu chuyện cười ra nước mắt.

Mấy chục năm trước, lúc đó chúng tôi cần phải dời nhà để thuận tiện gần chỗ làm, cũng như đưa đón con đi học. Người môi giới (broker), dẫn đến nhiều căn nhà để xem, nhưng chưa xong căn nào. Một hôm đứa con chạy về thông báo:

 - Con vừa thấy một căn nhà mới đăng bảng, bán bởi chủ nhà (sale by owner), con đã đi vòng quanh căn nhà đó rồi, chắc chắn ba mẹ sẽ vừa ý; nhưng phía sân sau nhà hơi "âm u"!

Rồi chúng tôi lấy hẹn đến xem nhà.

Một ngày cuối tuần, hơi sương còn lảng vảng hòa với ánh nắng ban mai, làm cho mọi người cảm thấy thoải mái, khởi đầu một ngày mới; cả nhà chúng tôi dồn lên chiếc xe "SUV" đi coi nhà.

Căn nhà nằm trên khu dân cư yên tịnh, tuổi nó gần bằng tuổi của tôi, nhưng còn trẻ hơn những căn nhà ở những khu vực lân cận. Căn nhà được sửa sang, sơn phết lại thấy xinh xinh. Mọi người còn ở trong nhà, riêng tôi đi ra sân sau.

Phía sau nhà có cái sân khá rộng, đầy cây cỏ um tùm, nó nằm trên bờ kinh nhỏ Sneak Water, rộng khoảng 10 thước dẫn nước ra biển Đại Tây Dương. Tôi vạch cỏ, chen chân ra bờ kinh. Bất ngờ nhìn thấy bên kia bờ kinh, có một người với cái cần câu kéo miếng mồi lên xuống nhấp nhử. Ở dưới nước là một con vật màu xám xịt, há miệng rộng... hỏng lẽ!

 - Hi! Anh ơi, anh đang câu gì vậy?

Anh ta không nhìn tôi, chăm chú nhìn vào sợi dây câu:

 - Đang câu con "alligator", mấy hôm nay trời mưa, nó lội vào đây.

Tôi nhìn kỹ dưới nước, đúng là con cá sấu, chừng bằng em bé khoảng vài chục ký. Ghê quá, tôi hỏi anh ta:

 - Sao anh không gọi thành phố cho người đến bắt nó? Anh ta trả lời:

 - Chuyện nhỏ thôi, để tôi bắt nó, rồi gọi thành phố...

Sau nầy tôi mới biết anh ta là một ngư phủ, có thuyền ra biển đánh bắt thủy sản.

Trên bờ kinh, dưới cỏ dại, trên cây cao tàng rộng che bóng mát, tôi đang đuổi một bầy muỗi đói tìm mồi... Bỗng nhiên có tiếng ùm ùm! Hỏng lẽ "ma nhát"? Thì ra là mấy chú kỳ đà (iguana) từ trên cây thấy có tiếng động, nhảy xuống kinh trốn. Người dân Nam Mỹ thích ăn thịt iguana, nhứt cái đuôi có gân, sụn (sợ loài bò sát nầy có nguy cơ bị tuyệt chủng, Florida có luật giới hạn săn bắt).

Khi dời về nhà nầy, tôi phải tốn mấy tháng trời để dọn dẹp và trồng lại những trái cây hiếm, quí của quê hương mình.

Vùng SW (Đông Nam) đất rộng người thưa, mỗi khi đi chợ Á Đông mới gặp người Việt Nam, là hàng hiếm nên quí lắm. Tôi làm quen được một sư huynh là Tôn Đ. qua định cư ở Mỹ tuổi cũng xê xích như tôi, nên dễ dàng thông cảm với nhau. Một hôm gặp nhau, anh hỏi tôi có từng thử qua một loại rau mà anh không nhớ tên, nó dòn dòn, bóp gỏi với tôm tép... ăn rất ngon; trị được bệnh nhức mỏi. Anh đem hột giống từ Việt Nam qua, khi coi kỹ thì mới biết đó là rau càng cua (vì rau nầy cái bông nó cong cong như cái càng cua), ở quê tôi mọc hoang rất nhiều ở sau vườn.

Anh chị dẫn tôi giới thiệu cái miếng vườn nhỏ sau nhà, trồng toàn là hàng hiếm, hàng quí:

 - Lá lốt: trị đau nhức khớp xương.

 - Me đất: khi đau cổ họng, hái một ít rửa sạch nhai với chút muối thì thuyên giảm.

 - Cây vạn linh: trị đẹn, lở miệng.

 - Lô hội: hượt trường, làm đẹp da.

 - Cây thuốc dấu: cầm máu.

Về hoa:

 - Mai tứ quí: nở bốn mùa

 - Mai vàng: bông có tám nhánh (8 đài hoa, thông thường 4 đài hoa).

Đi đâu ta cũng mang theo
Cần thơ, Châu đốc xóm nghèo quê hương
Rau xanh, cây thuốc sau vườn
Hoa mai nở rộ, vương vương trong lòng.

Mỗi năm khi bước qua tháng chạp, tôi hỏi thăm anh Minh Ch. ở Homestead xem có trái cây gì cho ngày Tết? Thường thì anh có bón phân cho nhãn ra trái nghịch mùa, đúng vào dịp tết ta, mọi người đều ưa thích, là hàng hiếm nên phải dặn trước. Anh cho biết: do bão Irma, nên nhà vườn Miami năm nay thất thu, vườn cây gãy đổ phải dọn dẹp và trồng lại,... tết nầy không có gì hết, ngoài mấy trái cóc chua lè!

Làm tôi nhớ lại lời khuyên của người Nhật, về cách ăn uống để sống khoẻ, sống thọ, do sư huynh Sao Nam gởi cho:

"Ăn ít, nhai nhiều
Thịt ít, rau nhiều
Đường ít, quả nhiều
Ngọt ít, chua nhiều..."

Nhưng với ngày tết, ngày trọng đại của người Việt Nam: "chua" thì không được tốt lắm. Mọi người cần ngọt ngào, "dừa đủ xoài", mọi điều may mắn tốt lành,... lấy hên đầu năm.

Mỗi năm theo thông lệ, trước tết khoảng một tuần tôi gởi một ít trái cây cho mấy đứa con, làm quà đầu năm. Lý do ngoài ý muốn, năm nay không có nhãn, tôi phải thay thế bằng: lồng mức, quít si-ma và trái cóc, vô thùng ra bưu điện gởi đi.

Thông thường thì thơ từ, bưu kiện gởi đi trong US khoảng hai, ba ngày là nhận được, nhưng một tuần sau (tới ngày tết) mà mấy đứa con cũng chưa nhận được thùng quà. Khi xem lại số "tracking"* thì mới biết, nó đang nằm ở nhà kho của bưu điện. Họ gọi đến nhận, vì thời gian quá lâu cả tuần, nên số trái cây đã hư hết, nhưng an ủi là món quà "lì xì" trong bao thư gói kỷ còn nguyên vẹn, hú hồn!

Mấy đứa con than phiền là USP** dạo nầy không tốt: thư từ, bưu kiện chậm trễ, có thể do ngân sách chánh phủ chưa được Hạ viện thông qua; nên đề nghị là lần sau ba mẹ nên gởi qua UPS***, một công ty tư nhân, tuy có đắt hơn, nhưng luôn đúng ngày!

Qua những trận "Hurricane" tàn phá, rồi đến những luồng khí lạnh không mời mà cũng đến, nắng xuân lan nhẹ trên cành cây, ngọn co, mang đến sư sống cho muôn loài.

Cây xoài nằm nghiêng ngả trên bờ kinh, do bão, nay vươn lên mạnh mẽ, trổ đầy bông, cây mít đầy nụ non, cây nhãn nào thua kém,... Tôi vội đi mua phân "potting soil" về tủ ấm gốc cây, đợi một mùa bội thu. Tôi kể chuyện nầy cho thân hữu nghe, trong đó có bà Năm, bà truyền cho tôi kinh nghiệm về cây mít.

Theo truyền thuyết, thì cây cỏ cũng có tình cảm: yêu thương giận ghét; nhiều cây oằn trái, nhiều cây lại không! Khi chúng ta yêu thương cây, vung phân tưới nước nó trả ơn ta bằng cách cho ra nhiều trái, nếu ta trồng cây mà bỏ bê nó giận ta không thèm ra bông kết trái!

Riêng cây mít là cây đặc biệt, có rất nhiều mủ, nhựa, chưa có cây nào lại có ba loại trái khác nhau: mít ướt, mít dừa, mít nghệ (mít khô) là loại lạ lùng: trồng gần nhà thì nhiều trái, trồng xa nhà thì ít trái, có người nói cây mít "sợ ma"!

Để đền cho hai đứa con, không nhận được thùng trái cây ngày tết, tôi "mót" được một ít trái cây còn xót lại gởi đi. Một thùng tôi gởi qua UPS và thùng khác tôi gởi qua USP. Ba ngày sau, hai đứa con đều báo là đã nhận được quà đầy đủ:

- Cám ơn ba mẹ đã gởi cho con: "hàng hiếm, hàng quí".

Y Châu

* Tracking: số mật mã của mỗi thùng hàng gởi đi, khi muốn xem nó đang ở đâu chỉ cần điền số tracking lên "internet".

** USP: viết gọn, bưu điện USA.

*** UPS: viết gọn, tên một công ty tư nhân chuyên nhận gởi hàng

No comments:

Blog Archive