Friday, March 23, 2018

Hoa Kỳ trực diện với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế

Đại-Dương

Sau 26 năm, Hoa Kỳ và Tây Phương đã thừa nhận “Chính sách Hoà hoãn” sau Chiến tranh Lạnh (1991-2017) từng giúp cho Trung Quốc có cơ hội củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa lung lay do Liên Sô giải thể mà xây dựng nền kinh tế hùng hậu và lực lượng quân sự hiện đại.
Do tiến bộ khoa học, kỹ thuật mà từng quốc gia có điều kiện gia tăng hoạt động kinh tế khắp toàn cầu và bổ sung sức mạnh quốc phòng làm phát sinh tham vọng bành trướng, bá quyền toàn diện.
Hoạt động xâm phạm chủ quyền và quyền-chủ-quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác bị coi như vi phạm nghiêm trọng tới Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế vốn làm nền tảng cho ổn định, an ninh, phát triển và hoà bình của nhân loại.
Trên phương diện kinh tế, các hành vi xâm phạm lợi ích của nước khác rất khó nhận diện và không dễ phân biệt đúng/sai.
Vì thế, sau một năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thận trọng công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và được Bộ Quốc phòng khai triển thành Chiến lược Quốc phòng (NDS) xác định Trung Quốc và Nga là hai “Đối thủ Chiến lược” thay thế cho mô hình “Đối tác Chiến lược” vẫn áp dụng suốt hơn hai thập niên qua.
Hai lĩnh vực kinh tế và quân sự bổ túc cho nhau tạo thành sức mạnh thực sự của một quốc gia. Do đó, Chính quyền Trump tập trung vào hai mặt trận kinh tế và quân sự nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng, bá quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Liên Sô giải thể khiến Tây Phương cao ngạo nên tin vào giả định “kinh tế phát triển sẽ kéo theo thay đổi chính trị” do kinh nghiệm từ Tứ hổ Á Châu (Đại Hàn, Tân Gia Ba, Đài Loan, Hồng Kông). Tiếc thay, họ đã quên nền tảng chính trị dân chủ của Tứ Hổ đã đóng vai trò tác động quyết định đến phát triển kinh tế thần kỳ. Và, cũng không nhớ về các chư hầu Liên Sô ở Đông Âu đã nhờ xây dựng thể chế chính trị dân chủ mới dẫn tới phát triển kinh tế.
Niềm tin của giới chính trị Tây Phương đã kích thích giới kinh doanh khắp thế giới lao vào thị-trường-đói-tiêu-thụ 1.3 tỉ người Trung Quốc như những con thiêu thân.
Chính quyền Tây Phương nới lỏng chính sách kiềm chế đối với Trung Quốc tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp cận kỹ thuật hiện đại khi buộc các công ty Tây Phương, kể cả Đài Loan và nhiều quốc gia khác, phải chuyển giao kỹ thuật song dụng mới được tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, với sự vô tâm của Tây Phương như một cơ hội để Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đánh cắp kỹ thuật quân sự mà mãi tới năm 2013 Tập Cận Bình mới chịu thừa nhận khi Tổng thống Barack Obama trưng ra chứng cứ nên hứa giảm.
Giáo sư môn Kinh tế tại Đại học Harvard, Martin Feldstein từng tham gia các Hội đồng Kinh tế hoặc Tình báo, hoặc Đối ngoại cho các Tổng thống Reagan, W. Bush, Obama, Trump thường xuất hiện trên tờ Syndicate Project. Trong chủ đề “The Real Reason for Trump’s Steel and Aluminum Tariffs” ngày 15-03-2018 đã viết: “Tôi thích thuế thương mại thấp hoặc không có. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đánh thuế nặng lên thép và nhôm nhập cảng để làm áp lực khi thương lượng với Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ cũng như Châu Âu, Nhật Bản, Đại Hàn mà thực tế nhắm vào Trung Quốc”.
Chính quyền Trump đặc biệt chú trọng tới thủ đoạn của Bắc Kinh ép các công ty ngoại quốc tự nguyện chuyển giao kỹ thuật bằng cách kéo dài thời hạn để công ty bản địa sử dụng kỹ thuật mới nhận mà chiếm thị phần rồi mới cho phép tiếp cận thị trường.
Feldstein lập luận: “Mỹ không thể sử dụng các biện pháp tranh chấp thương mại truyền thống, hoặc các thủ tục của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chặn đứng hành vi của Trung Quốc. Cũng không thể đe doạ lấy kỹ thuật của Trung Quốc hoặc buộc phải chuyển giao cho công ty Mỹ vì họ chẳng có kỹ thuật tiên tiến như Mỹ. Bởi thế, thương thuyết gia Mỹ phải đe doạ đánh thuế lên các nhà sản xuất Trung Quốc để buộc Bắc Kinh từ bỏ chính sách tự nguyện chuyển giao kỹ thuật”.
Tổng thống Donald Trump không kêu gọi lòng yêu nước từ doanh nhân Mỹ mà áp dụng biện pháp giảm thuế doanh nghiệp, cắt bỏ nhiều quy định cản trở, đánh thuế hàng hoá nhập cảng để kéo các công ty Mỹ và nước ngoài đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ màu mỡ, minh bạch, công bằng.
Trước các ngón đòn thương mại của Trump nhằm đánh thuế 60 tỉ USD lên 100 sản phẩm Trung Quốc ăn cắp công nghệ nên hai uỷ viên Bộ Chính trị như Dương Khiết Trì và Lưu Hạc phải sang Hoa Thịnh Đốn điều đình mà không có kết quả.
Chính phủ Trump đánh thuế nhập cảng theo quy định của Luật Thương mại Mỹ áp dụng vì an ninh quốc gia chứ không nhắm vào bán phá giá hoặc số lượng nhập cảng tăng đột ngột, chú tâm vào Trung Quốc và tránh nguy cơ mở rộng chiến tranh kinh tế.
Tuy nhiên, các đồng minh quân sự trong NATO và Nhật Bản, Đại Hàn cũng bị áp thuế nhập cảng. Họ sẽ hiểu mà chia sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ cùng Hoa Kỳ vì đều là nạn nhân của chính sách thương mại ăn cắp kiểu Trung Quốc.
Nhằm chặn đứng kiểu chiếm hữu tài sản trí tuệ mà Hoa Kỳ và các đồng minh gia tăng duyệt xét các khoản đầu tư và làn sóng mua các công ty kỹ thuật cao do Bắc Kinh tiến hành.
Trong bài “Will China Out-Innovate the West?”, Edmund S. Phelps của Đại học Colombia nhận giải thưởng Khôi nguyên Kinh tế năm 2006 cảnh cáo Tây Phương nên từ bỏ chính sách bảo vệ các doanh nghiệp kỳ cựu kéo dài từ cuối thập niên 1960 để cho người mới vào nghề mang ý tưởng thích ứng và sáng tạo là một khởi đầu tốt. Trung Quốc đã thực hiện kiểu cạnh tranh này từ năm 2016 nên tự sáng tạo mà không cần sao chép như trước bằng cách cải tổ giáo dục và tạo điều kiện cho chuyên gia quốc tế tham gia vào các dự án mới trong lĩnh vực kinh doanh.
Loại trừ kiểu thương mại gian lận khi Trung Quốc dựa vào khẩu hiệu “cùng thắng=win-win” mà hầu hết các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đã làm ăn với Bắc Kinh đều bị thâm hụt mậu dịch. Thương mại phải đạt tới lợi ích tương ứng (reciprocal).
Tạo môi trường kinh doanh hoạt động đúng theo luật pháp quốc tế để không còn sự chèn ép theo kiểu cá lớn nuốt cá bé.
Trừng phạt nghiêm khắc các loại gián điệp kinh tế để bảo vệ tài sản trí tuệ hữu hiệu.
Cạnh tranh kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang bước vào gian đoạn gay cấn nhất, có thể quyết định vận mệnh kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Đại-Dương

No comments:

Blog Archive