NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
Từ lầu cao, ngồi nhìn nắng chiều chiếu sáng rực rỡ cả một vùng rộng lớn nóc phố Chicago và đỉnh tháp Sears Tower, Trọng suy nghĩ về Thạch Hùng, một bịnh nhân mà anh vừa gửi đến bác sĩ Fournier cách đây mươi phút. Anh nhớ lại trong buổi hội chẩn với bác sĩ Fournier về Thạch Hùng cách đó cách đó chưa đầy một năm, anh nghe bác sï Fournier nói về Thạch Hùng:
‘‘Trong mùa Đông vừa rồi, cảnh sát nhặt anh ta trong hầm của bến xe đò Greyhound, ở Down-town Chicago. Lần đầu tiên tôi gặp Thạch Hùng, anh ấy nói chuyện với tôi nửa tiếng Pháp nửa tiếng Mỹ. May mà tôi cũng có vài năm học tại viện đại học Lyon (Pháp), tôi hiểu được anh ấy. Ngay những phút đầu gặp gỡ, anh anh nói chuyện với tôi có sức thuyết phục lắm. Anh ấy bảo anh ấy đến Mỹ từ phi trường quốc tế của Pháp, Orly, Paris. Anh miêu tả mùa đông Paris lạnh. Mùa Thu Paris đẹp. Anh đã sống nương náu, trong phi trường Paris nhiều năm, như một kẻ vô gia cư. Anh miêu tả người Pháp nói tiếng Pháp nghe hay, lảnh lót và âm điệu. Anh ấy cũng đi thăm Provence của nước Pháp. Anh xác định Provence là vùng đất miền Nam của Pháp, có nhiều di tích lịch sử văn học, quê hương của Alphonse Daudet. Anh đã viết những bài thơ ngay dưới cái cối xây gió, Moulin, ở đó Alphonse Daudet đả viết chuyện ngắn trữ tình “Les Etoiles”. Anh bảo với tôi, anh đi thăm Provence với cô bạn gái của anh, chính cô ấy mua vé máy bay cho anh một mình đi thăm nước Mỹ. Bây giờ thì anh nhớ cô bé ấy và anh khóc, anh than vãn: “Oh! Brigide Bardot, người em gái nhỏ bé của tôi ơi! Em xinh đẹp làm sao! Đôi môi em lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi anh...”
Đến đây thì tôi mới vỡ lẽ ra là anh ta bị hoang tưởng quá rôi. Anh còn nói thêm có cả Cathérine Deneuve tiển đưa anh lên máy bay đi Mỹ. Đọc lại hồ sơ, Cảnh sát Chicago khi nhặt anh ấy trong hầm xe bus Greyhound, họ tìm thấy trên ngực áo của anh ấy có một túi nylon trong đó có giấy giới thiệu của Trung Tâm Tâm Thần dành cho người Châu Á Thái Bình Dương tại Sacramento, gửi anh ấy đến Chicago để tìm bà con và để điều trị bịnh tâm thần theo lời yêu cầu của anh ấy”.
Nói đến đây, bác sĩ Fournier ngừng lại, nhìn Trọng một chập, ông nói tiếp: “Lối gửi bịnh nhân đi nguy hiểm như vậy gọi là Greyhound Therapy. Vì chính họ mua vé xe đò Greyhound cho bịnh nhân, một lối tống bịnh nhân đi khỏi trách nhiệm của mình của một vài tiểu bang mà chúng ta đã phản đối! Đó là một hành xử sai, vô trách nhiệm.”
Nói đến đây, bác sĩ Fournier quay lại hỏi Thạch Hùng:
- C’est vrai? Hùng?
- Oh! Absolument! Thạch Hùng vừa nhún vai vừa trả lời, sau đó anh ngồi im lìm và quan sát buổi hội chẩn về anh.”
Bác sĩ Fournier kể tiếp:
“ Tôi gọi Trung Tâm Tâm Thần dành cho người Châu Á Thái Bình Dương ở Sacremento để moi thêm lý lịch của anh ta. Tôi được biết anh ấy trốn sang California cách đây một năm từ binh viện ở Boston , nơi mà cộng đồng người Khmer đông nhất. Ở Cali anh gặp rắc rối với cảnh sát là anh say rượu, đứng đái trên đường phố. Sau đó họ tìm trong túi anh có thẻ tùy thân chứng nhận anh là một người bị bịnh tâm thần. Cảnh sát đưa anh đến Trung Tâm Tâm Thần ở Sacremento để điều trị, và giúp đỡ anh về mặt xã hội. Nhưng theo lý lịch anh ấy trốn đến Boston từ Chicago. Tôi hy vọng, ông về tìm hiểu thêm chắc có vấn đề nên anh ấy mới bỏ Chicago tìm đến Boston …”
Sau này về tra cứu lịch sử và nguồn cơn của bịnh tâm thần của Thạch Hùng, Trọng mới hay Thạch Hùng, người Việt gốc Khmer, sanh tại Neakluong, một thí trấn sung túc ở biên giới phía Đông Campuchia. Gia đình Thạch Hùng, vì giặc giã, nên dọn về Trà Vinh và sau dời về Saigon. Thạch Hùng theo học chương trình Pháp tử hồi nhỏ, đậu xong lớp 12 chương trình Pháp tại Saigon vào năm 71. Thạch Hùng có học Dự bị Y-khoa-Saigon, nhưng đến năm 72 anh lại đăng kí vào học trường Võ Bị Quốc Gia - Đalạt. Trong một dịp tư vấn, Trọng hỏi:
- Tại sao đang học Dự Bị Y khoa Saigon ngon lành, lại bỏ và thi vào Võ Bị Quốc Gia Dalạt?
- Võ bị Quốc Gia Đa lạt cũng ngon lành lắm chớ. Cũng khó lắm mới được nhận vào. Tôi được nhận vào Trường Võ Bị theo “quota”, nhờ chính sách của chính phủ Viêt Nam Cộng Hòa, ưu tiên dành cho dân thiểu số Khmer, Chàm và Radé.
Qua những lần tư vấn tiếp sau đó, Trọng được biết Thạch Hùng đến Mỹ vào năm 75 sau khi Saigon mất. Gia đình của anh và người yêu, một người Việt Nam, cô giáo dạy Việt văn và cũng là sinh viên Văn khoa Saigòn, tất cả bị kẹt lại. Anh mất liên lạc với cha mẹ, gia đình, và người yêu của anh, hơn 8 năm. Có tin đồn, anh chưa kịp kiểm chứng, là gia đình và cha mẹ anh bị Khmer rouge giết sạch khi họ trở lại nhà cũ ở Neakluong, 1975. “Điều lo âu lớn nhất của tôi”, có lần Thạch Hùng nói trong giọng ngậm ngùi: “Khi chia tay với Thục Oanh, người yêu của tôi vào đêm 29/4/75 lúc ấy tôi biết nàng đang có thai, chúng tôi chưa kịp làm đám cưới”. Nói đến đây, bất giác Thạch Hùng đổi giọng tha thiết: “Nhưng tại sao Em! Em! Em nhất quyết đẩy anh đi để cứu lấy mạng sống của anh trước nhất”!.Thạch Hùng hai tay bưng mặt khóc rưng rưng, than khóc thống thiết: “Con tôi..! Vợ tôi..!”....
Đọc lại và nghiên cứu hồ sơ của Thạch Hùng, Trọng biết Thạch Hùng có ra hầu tòa nhiều lần. Anh muốn biết rõ hơn, cách đây vài tháng anh hỏi Thạch Hùng:
- Làm sao trong tháng Giêng, tháng 2 và tháng 4, năm 82 anh ra hầu tòa cả thảy 3 lần, và cuối cùng được tha bổng?..Trọng rất ân hận sau khi hỏi câu hỏi ấy. Anh nhìn thấy những nét xốn xang, những vết hằn trên trán của Thạch Hùng có vẻ thâm đen hơn, sâu hơn. Thạch Hùng trình bày:
- Tôi đến Mỹ vào tháng 7 năm 75, cuối 75 tôi có job và đi làm ngay, không nhận welfare. Tôi phụ sửa xe hơi. Ở trong nước tôi cũng biết chút ít nghề này vì cha tôi là thợ máy của hãng Renault ở Saigon. Ông chủ rất quí tôi. Tôi làm được 4 năm coi như khá tay nghề. Lương hậu hỉ. Tôi sống được. Tôi bắt đầu nghĩ đến vợ con tôi và gia đình tôi. Càng tìm hiểu tôi càng thấy mình thêm khốn đốn. Toàn những tin buồn, những tin khốn nạn cho đời mình. Không một tin vui. Nói đến đây mặt Thạch Hùng chan hòa nước mắt…
- Mùa Thu 79, Thạch Hùng tiếp tục nói, không hiểu tại sao tôi buồn. Cảnh sắc lãng mạn trữ tình của mùa Thu Chicago làm quay quắt lòng tôi chăng? Ôi là nhớ! Không rõ mình nhớ gì? Nhớ nước, nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, nhớ cha mẹ, nhớ anh em, nhớ buổi sáng đầu làng, nhớ buổi chiều cuối bãi, tiếng chó sủa khuya, tiếng gà gáy sáng. Khuya hôm đó tôi ngồi bên cửa sổ, nhìn trăng Thu, không sao ngủ được. Tôi thấy Thục Oanh! Thục Oanh của tôi! Ôi nàng! Nàng tay bế con, tay lái xuồng. Con trai tôi… Ôi! Thục Oanh! Nàng cố chèo thuyền vượt sóng ra cửa sông ông Đốc. Thuyền bềnh bồng. Gió! Gió! Ôi là gió! Khốn nạn ông trời không thương vợ con tôi! Cuồng phong, hất tung, thuyền lật. Vợ tôi! Vợ tôi cố bế lấy con tôi đưa con tôi lên cao réo gọi tôi “Thạch Hùng! Giử lấy con! Giử thật chặT đừng để tuột con! Mất con! Em chết. em chết đây!..Tôi liền tung người nhảy xuống nước, cố cứu lấy vợ tôi, con tôi...
Sáng hôm sau thức dậy tôi nghe người đau đớn nhức mỏi, mở mắt ra thấy mình nằm trên giường bịnh trong bịnh viện, hai chân bó bột. Bác sĩ Kaplan đến thăm tôi. Ông hỏi tôi tại sao tôi nhảy lầu tự tử hồi nửa khuya đêm qua? Tôi sửng sờ, tôi không biết, không hay điều gì hết. Thế giới trở thành xa lạ. Và bắt đầu từ đó tôi nghe hằng ngày lời réo gọi của vợ tôi, tiếng khóc của con tôi. Tôi hứa với em, anh giử con! Anh sẽ nuôi con!..Người chung quanh tôi nghe tôi nói họ không biết tôi nói gì…Họ sống trong một thế giới khác, hoàn toàn khác. Sau khi xuất viện bác sĩ Kaplan gửi tôi đến gặp bác sĩ tâm thần Mark Heindermann. Tôi biết từ đó thế nào là tư vấn tâm thần, điều trị tập thể. Bác sĩ Heindermann bảo tôi là nạn nhân của bịnh tâm-thần-phân-liệt, schizophrenia. Nhưng tôi nhất định cải ông ta, và bảo ông ta sai. Tôi nhất quyết với ông ta tôi không phải là nạn nhân của schizophrenia. Tôi là nạn nhân của chiến tranh! Ông ta há miệng, hai tay ôm đầu, sửng sốt nhìn tôi. Ông ta nói thật nhỏ: “Probably, you are right!”. Nói đến đây, Thạch Hùng dừng lại một chập để thở. Anh tiếp tục:
- Mùa Thu năm 1981! Lại cũng mùa Thu! Đêm hôm đó tôi đem về phòng một con “Poule blonde”!
- Anh muốn nói sao? Một con điếm tóc vàng?
- Vâng! Một cô điếm tóc vàng, bác sï ngạc nhiên sao? Lúc đó coi vậy mà làm ra tiền dễ dàng hơn bây giờ. Người Mỹ ai cũng thương hại mình. Ai cũng muốn mướn mình làm cho họ. Mấy cô điếm lậu ở vùng Uptown này cũng tốt nữa. Họ lấy tiền rẽ hơn. Giá ‘sale’ mà! Họ biết mình là “refugee”. Tất cả đều nghèo với nhau. Nhưng cô em này thật đặc biệt. Giọng nói em trầm bổng, da trong trắng như Thục Oanh. Vâng, em đẹp như Thục Oanh. Em đẹp và sang trọng như Thục Oanh của tôi. Đến khuya em đòi về. Tôi năn nỉ em ở lại với tôi. Em không chịu ở. Tôi quì xuống chân em, van xin em ở lại với tôi đến sáng. Tôi sẽ trả tiền cho em gắp 10 lần. Tôi khóc! Không hiểu sao, em cũng bậc khóc. Em ôm tôi nức nỡ, em gọi tôi là Paul: “Oh! Paul! Oh! Paul!..I miss you now! What’s the hell, our life?”. Tôi thấy cô em cũng buồn. Nhưng em đâu có biết càng thấy em buồn, tôi càng nhớ Thục Oanh. Tôi thương cô em quá chừng. Sáng hôm sau em đánh thức tôi dậy. Em từ giã tôi. Tôi cho tiền em nhiều như tôi hứa. Tôi nắm chặt tay em. Tôi hôn em tha thiết. Tôi trao cho em chìa khóa và giấy chủ quyền chiếc xe Park Avenue, tôi mới mua. Tôi bảo với em: “tôi xin biếu em chiếc xe này để làm kỷ niệm, chúng ta đã một lần gặp nhau trên cõi trần này!”. Và tôi nói thêm: “Em hãy dùng chiếc xe này để chở con đi học hàng ngày nghe em.”. Tôi thấy Em kinh hãi. Em nhìn tôi, há hốc miệng, Em nói lớn:
- Oh! No! No!..Và em có ý thoát chạy.
Tôi nắm chặt cánh tay em mặc cho em vùng vẫy. Tôi chụp cái dao trên bàn ăn, tôi dí vào ngực em, tôi nói:
- Nếu em không nhận chiếc xe này, tôi sẽ giết em và sau đó tôi sẽ tự vận tôi chết...Tôi buông dao, tôi quì xuống ôm hai chân em tôi khóc...Tôi thấy mặt em tái xanh nhợt nhạt, giống như gương mặt của một người bị chìm tàu, bị chết đuối.
Em nói vào tai tôi:
- Ok! Ok! I’ll have your car, và em bước ra khỏi phòng…
Tôi sung sướng mình đã làm một nghĩa cử. Tôi hy vọng, biết đâu ai đó ở Việt Nam cũng làm một nghĩa cử như vậy cho Thục Oanh. Tôi ngủ lại lúc nào tôi không hay…với niềm vui sung sướng trong lòng…
Gần 1:00 giờ trưa, có tiếng ai đấm vào cửa phòng tôi. Tôi vừa mở cửa, hai người cảnh sát hùng hổ ụp vào phòng tôi. Đè tôi xuống còng tay tôi và họ bảo tôi là kẻ có ý phạm tội, kẻ có ý giết người. Họ chở tôi đến cảnh sát cuộc, gần nhà. Hai người cảnh sát áp tải vào phòng giam. Sau đó một người cảnh sát cho tôi hay là tội can tôi hâm dọa giết người. Ông bảo là cô bé tóc vàng thoát chạy ra khỏi phòng tôi, đã gọi cảnh sát và tường thuật mọi việc xảy ra lúc sáng sớm giữa tôi với cô gái tóc vàng. Nói xong ông ta đưa chia khóa xe và giấy chủ quyền lại cho tôi. Ông gọi điện thoại đến hội Khmer Project và ông yêu cầu hội Khmer Project đến bảo lãnh tôi về, và chờ ngày ra tòa. Những người cảnh sát ở đây họ đều biết tôi, họ đã nhiều lần đưa tôi vào bịnh viện Chicago Read cấp cứu…
- Chuyện nghe đơn giản, nhưng tại sao anh phải ra hầu tòa đến ba lần? Trọng hỏi.
- Chuyên nghe đơn giản là vì ở cảnh sát cuộc ai cũng biết tôi. Nhưng việc truy tố phải tiến hành đúng thủ tục. Chính họ cũng nói như vậy với ông Sanari, chủ tịch của Khmer Project khi ông này đến đóng tiền “bail” cho tôi về...Sau biến cố đó, tôi bỏ Chicago, đi Boston, vì ở đó có nhiều bạn bè của tôi. Không bao lâu tôi lại xung đột với tụi nó, tôi bỏ đi Cali…Rồi tôi lại về Chicago. Mới biết Chicago, đất lành chim đậu...
Kể lại chuyện xưa, Thạch Hùng không hề tỏ vẻ một tí gì ân hận việc mình làm. Anh có vẻ trầm mặc, suy nghĩ mông lung. Ngừng một hồi lâu, Thạch Hùng nói:
- Nghĩ cho cùng cũng tại tôi. Khi một em bé xin tôi một miếng cam, tôi cho em một trái cam em ấy sẽ kinh ngạc. Đàng này tôi cho em một thúng cam, em chạy trốn là phải! Tôi nghe ông Xuân Diệu nói như vậy.
- Anh cũng đọc văn của Xuân Diệu ?
- Có chứ! Tôi có đọc “Phấn Thông Vàng” của ông ta, Thục Oanh mua cho tôi nhiều sách lắm…Sau câu nói ấy, mặt Thạch Hùng trông buồn đau đáu. Anh thầm lặng đứng dậy, bắt tay Trọng ra về…
Mười ngày, sau khi bị cảnh sát điều đến Chicago Read, Thạch Hùng trở lại gặp Trọng. Theo lời ghi chú trên giấy xuất viện, bác sĩ Fournier tình trạng tâm thần của Thạch Hùng rất khả quan. Trọng cũng nhìn thấy Thạch Hùng đổi khác và tỉnh táo hơn nhiều. Thạch Hùng rất ngoan ngoãn hợp tác, biết lắng nghe anh nói. Thạch Hùng uống thuốc đều đặng, không bao giờ anh sai hẹn trong việc tư vấn. và chủ động tham dự nhóm điều trị tập thể. Khi thấy Thạch Hùng phục hồi tốt trí nhớ, Trọng gửi Thạch Hùng đến học Hội họa tai trường Truman College, hay học vũ cổ truyền của Khmer tại Trung tâm Khmer Project. Thạch Hùng rất thích và rất tự hào về vũ cổ truyền Khmer…
Một buổi sáng Trọng đang loay hoay soạn các files của bịnh nhân để xem lại để làm tổng kết hằng tháng, một bàn tay đặt trên vai anh. Anh quay lại, Thạch Hùng vui vẻ chào anh. Thạch Hùng hớn hở báo cho anh hay là còn hai ngày nữa anh ta “lên đường về thăm nước, thăm nhà”.
Trọng bảo:
- Hạnh phúc nhỉ..
- Nhất định rồi, Thạch Hùng sung sướng cười ngoặt-ngoẹo…
Anh thấy mừng và thương Thạch Hùng. Hôm đó là ngày 19 tháng 12 năm 1996. Tính đến nay hơn 12 năm qua, lúc nào Thạch Hùng cũng được anh tận tình chăm sóc, giúp đỡ, khi thì đề bạt Thạch Hùng làm hội viên danh dự của Trung Tâm bịnh Tâm thần, khi thì cho Thạch Hùng làm trưởng toán trong buổi điều trị tập thể...Trong những năm đầu với Trọng, từ năm 84 đến năm 89, tình trạng tâm thần của Thạch Hùng khi co khi giãn, khi trầm khi bổng, nhưng lúc nào anh cũng giử đúng hẹn với Trọng. Có lẽ nhờ cái thiện cảm nồng hậu, empathy, mà Thạch Hùng tìm thấy ở Trọng đối với anh ta, như sau này Thạch Hùng có đôi lần thổ lộ, nhờ đó mà anh đã gắng bó và tin tưởng ở Trọng. Có lúc Thạch Hùng tự nguyện làm em nuôi của Trọng. Trọng cảm thấy hạnh phúc và kiêu hãnh về những thành quả của khả năng tư vấn tâm thần của mình. Anh đã phục hồi chức năng xã hội và tâm thần của biết bao nhiêu người, trả lại cho họ đời sống bình thường, lao động và sản xuất. Từ năm 89, Trọng thấy Thạch Hùng có thể tự mưu sinh được, và Trọng cũng nghĩ đã đến lúc trả Thạch Hùng lại đời sống bình thường hay ít ra cũng phải tập Thạch Hùng cho quen lại với cuộc sống. Cuối cùng Trọng tìm cho Thạch Hùng cái job partime, đứng rửa chén, dishwasher, tại một nhà hàng ở downtown/Chicago. Thạch Hùng được job này là nhờ bề ngoài anh trông tráng kiện, da ngâm đen, nói lưu lót tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Có lần Thạch Hùng khoe với anh:
- Không ngờ cái job dishwasher trông vậy mà khá ghê..Tôi được share tiền ‘tip’, với những bồi bàn. Tiền ‘tip’ thực khách ở Chicago Downtown họ cho thật hào sảng. Tiền ‘tip’ luôn luôn nhiều hơn tiền lương tôi làm. Partime job mà ngon lành như fulltime job..
Nhìn đồng hồ đã 12 giở trưa, Trọng hỏi Thạch Hùng:
- Nào! Cậu đói bụng chưa? Đi ăn phở với tôi. Tôi đãi cậu một chầu, còn hai ngày nữa là cậu được về thăm nhà.
- Vậy thì ngon lành quá, cho em ăn hai tô nghe?
Nói xong Thạch Hùng cười ngất. Hai người cùng bước xuống phố. Trên đường Broadway, Trọng nhắc lại:
- Chúng mình ăn phở Hoà nhé?
Thạch Hùng nhất định xin cho bằng được đi ăn mì Quảng ở Hạ Miên trên đường Sheridan. Ngồi vào bàn ăn, Thạch Hùng thao thao kể lại chuyện, mà anh nói đùa là “chuyện tình dang dở”:
- Thục Oanh, lớn hơn em 2 tuổi. Nhất gái hơn 2 mà! Cô ấy sanh ở Hà nội, khu phố Hai Bà Trưng, di cư vào Nam năm 54, lớn lên tại Hội an, vào Saigon học đại học Văn Khoa. Thục Oanh dạy em cách ăn mì Quảng vì cô ấy rất thích mì Quảng. Thục Oanh thường tự xưng mình là “gái xứ Quảng”. Lạ anh nhỉ? Người Thăng Long ấy, lại cho mình là “gái xứ Quảng”. Nói đến đây Thạch Hùng cười sảng khoái.
Trọng rất ngạc nhiên, lần đầu tiên Thạch Hùng nói tiếng Việt trong giọng Bắc. Tuy nghe không được chuẩn lắm nhưng Trọng thấy hay hay, Trọng bảo:
- Lần này về, chúc anh gặp lại người yêu.
- Mong rằng như thế. Biềt đâu, em còn sống. Em đã tay bồng tay bế cháu nội cháu ngoại, không chừng...Nói xong, Thạch Hùng lại cười ngất. Trông anh ấy thật vui sướng.
Trọng nhìn Thạch Hùng ăn tô mì Quảng, ăn với tất cả đam mê. Thạch Hùng phân tích:
- Cái này là rau ghém. Lần đầu tiên ăn mì Quảng với Thục Oanh, em mới biết được món rau ghém!..Cũng như bún bò Huế, ăn mì Quảng thường ăn với ớt cay. Ớt thật cay, cay xé lưỡi.
- Cô ấy có bao giờ đưa anh đi ăn các món Bắc không?
- Có chứ! Nhất là phở, bún riêu, bánh cuốn…các món ăn thuần túy Bắc trong Bùng binh Eden, Saigòn, trong hẽm trên đường Catinat. Nhất là trong những ngày gần cuối tháng Tư -75, người Bắc họ đến đó để ăn, cũng đồng thời để trao đổi tin tức cho nhau để họ chạy. Nói đến đây, Thạch Hùng trông có vẻ đâm chiêu.
Thấy vậy, Trọng bảo:
- Ăn khỏe lên nào. Để mà chạy với họ chớ. Kẹt ở lại khổ lắm đấy…
Trọng ngừng lại, anh có vẻ ngạc nhiên, hỏi Thạch Hùng:
- Ăn phải ớt cay, sao hai mắt đỏ hoe?
- Không! Em đang suy nghĩ…
- Lại suy nghĩ!
- Biết đâu,..Thạch Hùng ngập ngừng, anh em mình gặp nhau hôm nay là lần cuối...Trên đường về thăm nước, nhiều bất trắc lắm, làm sao ai biết trước được. Nhất là nghe nói Khmer Rouge vẫn còn đâu đó, trên đất nước Kampuchia. Cảnh cũ người xưa, đất nước quê hương, khi xa thì thương, thì nhớ, nhưng khi giáp mặt, trong thực tế, nhiều lúc cũng đắng cay lắm! Sau chiến tranh chưa phải là hòa bình. Em chưa thấy hòa bình sau chiến tranh! Sau chiến tranh còn nhiều ngộ nhận, nhầm lẫn và hận thù phi lý lắm anh ạ.
- Anh lại nghĩ vẫn vơ rồi. Trời Phật thương anh. Anh an tâm hạnh phúc đang chờ anh nơi quê nhà, Neakluong, Sàigon, Hà nội, Hội an, Nam vang nữa. Nhớ ghé bùng binh Eden, ăn hộ tôi hai tô bún riêu nhé…
Vừa ăn xong tô mì Quảng, Thạch Hùng xin phép về, mặc dầu Trọng nài nỉ anh ăn thêm tô thứ hai như anh ấy muốn. Thạch Hùng đứng dậy, đưa hai bàn tay bắt tay Trọng. Anh đứng dậy ôm lấy Thạch Hùng và siết mạnh:
- Vui lên nào, chúc anh thượng lộ bình an. Nhớ nhé, viết thư cho tôi hằng ngày như viết nhật ký vậy.
Thạch Hùng cười:
- Em sẽ…
Nhìn theo Thạch Hùng bước ra khỏi quán ăn Hạ Miên, một niềm thương cảm dâng lên trong lòng và Trọng thấy mắt mình cay xè…
Trọng chú ý trong xấp thư vừa gửi đến anh, có một phong bì lớn, gửi đến từ San Francisco , người gửi là Thạch Hùng. Vỏn vẹn chỉ có thể. Không có địa chÌ. Bốc phong bì ra xem, anh thấy
một tập vở học trò, kẹp trên bìa là thư của Thạch Hùng gửi cho anh:
Anh Trọng kính mến..
Em đã trở về Mỹ sớm hơn dự định! Em đang vui vẻ với bạn bè tại Cali . Em sẽ về lại Chicago vào khoảng đầu tháng Ba. Em xin gửi đến anh tâp nhật ký của em từ ngày em về thăm nhà đến ngày hôm nay. Nếu có những ý tứ vụng về, không thích hợp với anh xin anh lượng thứ. Đọc xong xin Anh gửi bưu điện trả lại cho em theo địa chỉ của em tai Chicago . Cám ơn anh đã bỏ thì giờ quí báo đọc những dòng hồi kí của em.
Một bịnh nhân tâm thần của anh.
Kinh thư
T.H.
SF. Feb- 97
Tâp vỡ học trò, là tâp nhật ký của Thạch Hùng, chữ viết nắn nót cẩn thận, ý và lời chính xác chân thật, nhiều khi hàm súc và cảm động. Suốt tập nhật kí không hề có xóa hay nguệch-ngoặc. Chứng tỏ rắng đó là tâp nhật ký chép lại từ một nhật ký khác, chọn lọc và ghi chép lại những suy nghĩ của Thạch Hùng trên đường về thăm nước có liên quan đến Trọng, như Thạch Hùng thường nói đùa “em sẽ viết riêng cho anh một tập nhật kí, để sau này trước khi em chết em sẽ gửi đến cho anh đọc”. Cầm tâp nhật ký của Thạch Hùng trên tay, Trọng vừa nhớ đến câu nói đó của Thạch Hùng, khiến anh rùng mình. Thạch Hùng viết tràn ngập gần 40 trang giấy vở học trò. Đọc nhật ký của Thạch Hùng có lúc anh phải khựng lại thấy lòng mình bồi hồi, thương cảm…Có nhiều đoạn khi đọc anh cảm thấy lo âu và thương Thạch Hùng vô hạn…Trọng chép lại những đoạn sau đây để gìn giữ xem như phần tư liệu về Thach Hùng.
* Chicago , ngày 21-12-96 : 9:00 sáng
Xin từ giã Chicago, nơi đã bao dung tôi hơn 20 năm qua. Ôi Chicago, thành phố lạnh. Cái lạnh vô cùng thân thương của Chicago dể mấy ai quên. Phen này ta đi xa thật xa Chicago .. Giã biệt anh Trọng-Người cưu mang tôi xuyên suốt 13 năm…
* San Francisco, ngày 21- 12- 96:
Bây giờ là 4 giờ chiều, giờ San Francisco, sau hơn 20 năm ở Mỹ, lần đầu tiên ta bỏ nước Mỹ ta đi thật xa. Ta nghe chừng như dễ lắm. Đâu có ngờ cũng có phút giây mủi lòng. Máy bay sau khi bay một vòng giã biệt Golden Gate và San Francisco Bay, hướng về phía tây bên kia bờ Thái Bình Dương, ta bổng thấy lòng mình rạt rào tình cảm, mong ngày sớm trở về nhìn lại đất nước Mỹ. Ta đâu có ngờ có ngày nào đó mình lại nhớ thương nước Mỹ nhiều đến như vậy. Chưa xa mà đã nhớ, lạ quá anh Trọng nhỉ…
* Đài Bắc, 23-12- 96-
Đài Bắc đây rồi. Phố xá xinh đẹp khan trang. Con người sang trọng. Du khách được tiếp đón như ông vua, như bà hoàng. Tất cả chỉ là Business. Nhật bổn, Đại Hàn, Đài Loan, Sin gapore và Thái Lan đã làm giàu nhờ chiến tranh Đông dương, những năm 60 và 70. Sang thời hậu chiến họ tiếp tục làm giàu nhờ đầu tư vào các nước Đông dương với phương châm: “biến Đông Dương từ chiến trường thành thương trường”. Nghe đau anh Trọng nhỉ! Chính một “con mụ” Đài loan ngồi bên cạnh tôi trên máy bay, nói như vậy…
Đọc đến đoạn này Trọng rất thích thú trí nhớ của Thạch Hùng hoàn toàn phục hồi còn tốt hơn trí nhớ của anh nữa. Hơn thế nữa trí nhớ của Thạch Hùng rất cập nhật, rất up-to-date! Anh thích thú khi Thạch Hùng gọi một phụ nữ Đài Loan: “con mụ”, rất Quảng Nam, rất Thục Oanh của Thạch Hùng. Trọng rất kiêu hãnh đã giúp Thạch Hùng phục hồi lại hoàn toàn chức năng xã hội và tâm thần, đã phục hồi trí nhớ của Thạch Hùng. Anh đã trả lại cho Thạch Hùng những gì đã mất trong những năm trời Thạch Hùng mất trí nhớ! Anh kiêu hảnh làm sống lại ở Thạch Hùng quá khứ, quê hương và tình yêu. Anh thật thà hãnh diện khi đọc đoạn nhật ký ấy của Thạch Hùng.
* Trên bầu trời Saigon 23-12-1996
Các chiêu đãi viên hàng không cho hay là máy bay đang tiến vào bầu trời Saigòn theo hướng Tây Nam . Nhìn xuống thấy toàn một màu xanh, rừng và đồng lúa, xanh một màu xanh dân tộc. Cô chiêu đãi viên hàng không giọng lảnh lót: “các loan lỗ khoanh tròn mà quí vị nhìn thấy đó là hố bom ở vùng Củ chi, Tam Giác Sắt, thời gian chưa kịp xóa”. Nghe đến đây lòng tôi se thắt lại. Tôi không muốn ai nhắc lại, tôi cũng không muốn tôi phải nhìn thấy lại dấu binh lửa, một thời tràn ngập trên quê hương tôi, cùng với lòng hận thù. Một thời phi lí. Anh Trọng, nếu anh có mặt trên chuyến bay này anh nghe anh cũng buồn…
* Saigòn 25-12- 1996
Giáng sinh Saigòn, Joyeux Noel! Đường phố vui nhộn. Người ngoại quốc ờ Saigòn và ở trên toàn cỏi Việt Nam lúc bấy giờ đông hơn, nhiều hơn trước 75, đủ mọi giống dân trên thế giới. Đường Catinat và Lầu 9 Caravelle và cả Saigòn Chợ lớn, tràn ngập khách chơi, nhảy đầm và ca nhạc quốc tế. Khách chơi đủ mọi cỡ: mật vụ, tình báo, chính trị, business, văn nghệ sĩ...gays, lesbians, bisexuals v..v..mặc dầu Đông Nam Á đang cơn khủng hoảng kinh tế…coup de crash. Tôi tìm kiếm Thục Oanh giữa Saigòn- Như đáy bể mò kim. Làm sao tôi gặp được. Tôi cầu mong giờ này nàng đang đi lễ với mẹ, với chồng con tại Nhà Thờ Cửa Bắc ở Hà Nội. Càng tìm Thục Oanh, anh Trọng ơi, tôi càng cảm thấy khó gặp được nàng. Có chăng là ở cuối đường đời!
* Neakluong- Ngày 8 tháng Jan 1997
Vượt kinh Vĩnh Tế đi về Neakluong cả đất nước Kampuchia đồng không mông quạnh. Có chăng là những đám người buôn lậu qua lại vùng biên giới Việt Miên, hàng đoàn người và xe, người Việt, người Hoa và người Campuchia. Tôi tốn cả ngàn đô, cho các cán bộ xã, huyện, vẫn không tìm được mồ chôn hay hài cốt cha mẹ anh chị em. Tôi bị lường gạt đến độ thô bỉ, không còn tình người. Tôi không muốn đến Nam Vang hay đi thăm Battambang. Tôi cũng không muốn trở lại Saigòn. Tôi không muốn về Mỹ, một nơi không phải là quê hương tôi. Anh Trọng, phải có anh trong lúc này. Tôi không biết đi đâu về đâu bây giờ.
* Saigòn 20-Jan-97
“ Hết ngày dài rồi lại đêm thâu”…tôi đang sống những ngày chui rúc với bọn Tây Balô, bọn thanh niên da trắng, bọn “con nhà giàu Âu và Mỹ bụi đời” ở đường Bùi Viện và Ngã Tư Quốc Tế! Phòng ngủ không có máy lạnh, 10 đô một ngày. Tự do dẫn gái điếm vào. Có đứa sang không mướn phòng ngủ, ngủ dưới mái hiên, dưới gầm cầu. Gái điếm vây kín tụi này. Bọn Tây balô gọi gái điếm là những người lao động sex, Sex Workers. Nghe thật là Cách mạng anh Trọng nhỉ! Có nhiều sex workers trẻ quá, trẻ đến độ thương hại. Tôi kết thân với bọn Tây Balô bằng tiếng Pháp tiếng Mỹ, thoải mái, cũng như ăn tục nói phét. Có nhiều lúc tôi cũng đâm ra ham muốn các em sex workers này. Nhưng không hiểu tại sao lúc đó tôi lại nghĩ đến Thục Oanh. Tôi hổ thẹn. Tại sao vậy anh Trọng? Ở Chicago tôi chơi cả trăm con đĩ lậu có đôi lần tôi cũng nghĩ đến Thục Oanh mà tôi có bao giờ hổ thẹn đến độ xót xa như vậy đâu!...Có con bé xâm trên tay: ‘Trôi&Giạt’, tóc hớt ngắn kiểu con trai, đến ngồi bên cạnh tôi, nó thì thầm hát: “...Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ...Tóc demi garcon...”. Nó làm tôi nhớ Thục Oanh vô hạn. Tôi lên cơn điên. Tôi thét vào mặt nó. Tôi đuổi nó đi chỗ khác. Nó kinh ngạc. Nó lẩm bẩm nhìn tôi:“ làm dzì dzữ dzậy?”. Anh Trọng, tôi chưa bao giờ là kẻ khốn nạn đến như vậy!
*Tân Định Feb 13-1997
Tôi vừa trở lại Saigòn từ Hội an. Thật sự tôi cũng không hiểu tôi đến lại Hội An để làm gì? Thật là mơ mộng hão huyền nếu tôi nghĩ rằng tôi trở lại Hội an để tìm Thục Oanh trong lúc này, chẳng khác nào tôi tìm lại dấu chân chim đi trên cát 22 năm về trước. Nhưng sự thật tôi trở lại Hội an là vì vậy đó. Tôi yêu Thục Oanh, tôi nhớ Thục Oanh đến độ khùng điên như vậy đó. Anh có tin nổi không? Anh Trọng! Có phải chăng tình yêu của tôi với Thục Oanh là cả một định mệnh? Nhưng dù sao chúng tôi đã yêu nhau thực lòng, yêu cuồng nhiệt, yêu nhau như hổ đói gặp mồi. Xin hãy cám ơn định mệnh. Xin mỉm cười trước định mệnh dù cho định mệnh quá phũ phàng với tình yêu, với kiếp nhân sinh…
*Đalạt 20-Feb-97
Tôi đã thề là không trở lại Đalạt. Làm sao tôi có thể sống được khi tôi trở lại nơi này, nhìn lại Trường Võ Bị Quốc Gia Đalạt, thiên đường của những chàng trai yêu nước. Ấy thế mà tôi đang ngồi trong “Quán Cơm Niêu” tại Đalạt đây. Tôi đang ăn món “Da Heo Rừng Xào Măng” và uống chai la de “33”, nghe sao đắng chát! Cách đây 3 hôm, tại Saigòn, tôi gặp một người đàn bà gọi đúng tên tôi bằng tiếng Khmer, bà Khampha. Bà là vợ của người bạn đồng khóa Võ bị với tôi! Bà cho tôi hay là bà cũng là Việt kiều như tôi. Bà tìm tôi hơn mười năm nay. Năm 1984 gia đình bà, Thục Oanh và đứa con trai tôi cùng vượt biên trên một tàu. Tất cả bị hải tặc Thái lan giết sạch. Bà sống được là vì bà biết tiếng Thái. Hải tặc Thái cho bà cái phao, nó thả bà gần bờ Songkhla, sau khi tụi nó thay phiên hiếp dâm bà. Bà đến Mỹ 1986, sau gần 2 năm ở trại Lâmsin, TháiLan. Nói đến đây bà khóc. Gặp được tôi bà rất mừng vì bà đã trút được gánh nặng mà bà chịu đựng hơn 10 năm qua....
Tôi trở lại Dalạt là vì thế. Vì tôi quyết tâm tìm lại kỷ niệm của chúng tôi, để vớt vát phần nào trước khi về Mỹ. Tôi nhầm. Hơn 20 năm rồi, tất cả đều xóa sạch...Bây giờ là tháng Giêng, Đàlạt sương mù… Tôi nhìn ra hồ Than Thở, qua lớp sương mù, tôi thấy Thục Oanh, nàng vẫn đứng chờ đợi tôi nơi này hơn 20 năm ...Tôi vụt đứng dậy. Tôi vẫy gọi Thục Oanh ...Tôi đụng phải nồi cơm niêu và chai lade ngã lăn...Tất cả thực khách đều nhìn về tôi. Tôi bước ra khỏi quán, phố Đà lạt đầy sương mù tháng giêng…
* Một đoạn không ngày tháng
Thôi hết rồi. Giờ này đối với đất nước quê hương, tôi là một kẻ xa lạ, một ngoại kiều. Tổ quốc từ bỏ tôi. Tôi mất tất cả! Cha mẹ, gia đình, người yêu và con của tôi... đều bị giết! Tất cả đều từ bỏ tôi. Với ý nghĩ này tôi thật xốn xang gần như tuyệt vọng. Tại sao tôi phải trở về tìm lại quê hương? Tìm lại Thục Oanh? Tại sao? Anh Trọng? Anh ác độc với tôi quá! Tại sao anh không để tôi sống trong mê mụ, trong thác loạn tâm thần, trong khoảng chân không, trong vô thức, trong amnesia...cho đến khi tôi chết có đỡ khổ hơn không? Anh có biết tôi đau khổ biết là dường nào khi tôi nhớ lại thân phận của tôi, tôi nhớ lại Thục Oanh, tôi nhớ lại gia đình, tôi nhớ lại quá khứ, quá khứ của quê hương, quá khứ của chiến tranh bom đạn, của nghèo đói lạc hậu, của hận thù phi lý…
Đoạn nhật kí trên khuấy động tư tưởng Trọng mãnh liệt đến độ anh cảm thấy đau đớn. Anh có cảm tưởng mình vừa thức tỉnh sau cơn mê mụ. Anh rất mong sớm gặp lại Thạch Hùng…
Bà điều dưỡng đưa Trọng đến giường Thạch Hùng, bà ấy nói:
- Ông ta dường như hôn mê lại. Sáng nay, ông ta tỉnh lại, nhắc tên ông, và hình như ông ấy nói muốn gặp ông. Ông ấy chỉ ú-ớ không rõ ràng. Tôi biết được tên ông chính xác là nhờ ông ấy có giấy tùy thân, trên đó có tên ông và số điện thoại để gọi khi cần. Ông ta nhập viện tối hôm trước. Ông ta nhảy lầu tự tử, chấn thương sọ não và hôn mê khi nhập viện lúc 3 giờ sáng. Không có thân nhân, tuy thế bác sĩ vẫn tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Sau hơn 24 giờ, ông ta có dấu hiệu hồi phục, ông ta biết cử động ngón tay, cử động hạ chi. Ông là người đầu tiên cũng là người duy nhất ông ta cố gắng nhắc đến tên khi ông ta hồi phục tốt hơn một tí. Bây giờ hình như ông ta hôn mê lại. Triệu chứng xấu quá. Ông ráng ngồi lại với ông ta một lúc. Ông ta không còn ai ngoài ông. Nói xong bà điều dưỡng bước ra ngoài…
Trọng cúi xuống gần tai Thạch Hùng, anh gọi tên Thạch Hùng rất khẽ! Anh để bàn tay nhẹ trên ngực Thạch Hùng. Anh nghe Thạch Hùng cố ưỡn người lên dưới bàn tay của anh. Thạch Hùng ú ớ gọi:‘ngoi lên em…nước cuốn…nước cuốn..em..em...”! Hơi thở Thạch Hùng yếu dần… Anh nắm lấy tay Thạch Hùng. Anh ngồi xuống bên cạnh giường bệnh. Anh lịm đi…Bà điều dưỡng đến lay anh đứng dậy. Anh ngẫn đầu nhìn điện tâm ký của Thạch Hùng chỉ còn một đường dài gần như phẳng lì. Bà điều dưỡng nhún vai, nhìn anh…bà lặng lẽ kéo tấm drap trắng phủ từ chân lên đầu và mặt của Thạch Hùng…
Trọng ra khỏi bịnh viện lúc 11 giờ trưa. Anh cố đi xa khỏi bịnh viện càng nhanh cáng tốt và anh cũng không biết là mình đi đâu về đâu. Bây giờ là cuối tháng Ba, Chicago ! Tuyết và lạnh! Anh cảm thấy cô đơn lạc lỏng. Anh đau khổ tột cùng. Anh không hiểu rõ chính mình. Anh tư hỏi anh đã làm gì cho Thạch Hùng? Anh có trách nhiệm với cái chết của Thạch Hùng? Anh đau đớn và bối rối. Anh bước vào xe train như bước vào cõi vô thức. Anh đi đâu đây bây giờ? Anh không đủ can đảm trở lại văn phòng. Tất cả mọi việc đều trở nên vô nghĩa với anh trong lúc này. Chuyến xe train mang anh vào downtown, trung tâm Chicago. Ra khỏi xe train, anh vượt đèn đỏ, suýt bị tai nạn. Mặc còi xe hét inh ỏi, thế giới xung quanh anh toàn những người xa lạ, anh lầm lũi đi, và cũng chẳng biết mình đi về đâu bây giờ.../.
Đào Như
BS Đào Trong Thể
Chicago May-1997
No comments:
Post a Comment