Tuesday, March 13, 2018

Phạm Duy Khiêm và Trầu Cau


Miếng Trầu là đầu câu chuyện - Ngạn ngữ Việt Nam - 


Ông Phạm Duy Khiêm

Lời giới thiệu – Ông Phạm Duy Khiêm (1908-1974) là một nhà trí thức có tiếng trong nước và cũng là một nhà văn viết tiếng Pháp nổi danh trong thế giới văn học Pháp. 

Ông sinh tại Hà Nội, con ông Phạm Duy Tốn, nhà văn xã hội – tác gỉả truyện ngắn “Sống chết mặc bay” – và là anh lớn của nhạc sĩ Phạm Duy. 

Khi mới 15 tuổi, đang học Troisiène (lớp 9 bây giờ) ở Lycée Albert Sarraut, ông Khiêm đã phải thay cha trở thành cột trụ của gia đình. Là một học sinh xuất sắc, ông đựơc học bổng, sang Pháp, học Toán Cao cấp tại Louis le Grand, rồi thi đậu vào trường Cao Đẳng Sư Phạm (École Normale Supérieure(1)) – ông là người Việt Nam đầu tiên – cùng khóa với các ông George Pompidou (sau làm Tổng thống Pháp) và Leopold Senghor (sau làm Tổng thống Sénégal), ra trường với bằng Thạc sĩ Văn Phạm (Agrégée de Grammaire). 

Ông Khiêm về nước dạy học một thời gian (1935-1939). Dười thời Thủ tướng Ngô Đình Diệm, ông làm Bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục (1954-1955) rồi Đại sứ Việt Nam tại Pháp, sau cùng (1957) ông được cử làm đại diện Việt Nam tại UNESCO, nhưng ông không nhận. 

Ngày 2 tháng 12 năm 1974, ông Phạm Duy Khiêm tự kết liễu đời mình tại nhà riêng ở nông trại La Hertaudrie, cách Paris trên 200 km. 

Ông Khiêm là tác giả một số sách viết bằng tiếng Pháp(2). Tác phẩm thành công nhất của ông là cuốn “Légendes des Terres Sereines”, Huyền Thoại Miền Đất Thanh Bình, là tập truyện cổ tích gồm 30 truyện ngắn, giai thoại đời xưa, đoạt giải thưởng Văn chương Đông Dương 1943. 

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu hai truyện ngắn trong tác phẩm này, liên quan đến tục ăn trầu của nước ta và ảnh hưởng tập tục này đến gia đình tác giả Phạm Duy Khiêm. Tuy biết rằng “Dịch là Phản Dịch” (traduire, c’est trahir), chúng tôi cố gắng dịch sang Việt ngữ bởi vì nghĩ rằng “Y nghĩa bất y ngữ” cuối cùng có (Việt) “ngữ” vẫn hơn không có gì. Độc giả nào muốn đọc nguyên tác – Phạm Duy Khiêm et La chique de bétel – xin vào Trang Ngoại Ngữ http://wp.me/PqUAF-wt

LÁ TRẦU-KHÔNG VÀ QUẢ CAU

Đây là một trong những truyện cổ tích được nhiều người Việt biết đến nhất. Truyện này, có lẽ rất cổ xưa, cốt truyện đơn giản, lại có những chi tiết rất khác nhau tùy theo truyền thống mỗi nơi, đôi khi người ta không biết nên chọn cái nào cho đúng.

Miếng trầu là đầu câu chuyện

Truyện kể rằng dưới đời vua Hùng Vương thứ tư (có người cho là thứ ba) có một vị quan họ Cao, có hai người con trai là Tân và Lang, Tuy Tân và Lang không phải là anh em sinh đôi nhưng họ giống nhau như hai giọt nước, đến nỗi chính bà mẹ của hai cậu cũng không phân biệt được. Hai cậu đều khôi ngô tuấn tú và yêu thương nhau nhất mực, lúc nào cũng đi đôi với nhau.

Hai anh em lúc còn trẻ (có người nói mười hai, mười bốn tuổi, lại có người nói mười bẩy, mười tám tuổi) chẳng may bố mẹ qua dời, của cải mất hết, sau một trận hỏa hoạn.

Thế là phút chốc không tiền bạc, không bạn bè, hai anh em đã phải ra đi phương xa để tìm việc làm.

Tình cờ hai anh em đến gõ cửa nhà ông Lưu, cũng làm quan, là một người rất nhân hậu và đã từng quen biết thân phụ hai cậu, Ông quan họ Lưu bèn đón Tân và Lang vào nhà, lại còn tỏ ra quý mến hai cậu, cũng vì ông không có con trai mà chỉ có một mụn con gái. Chẳng bao lâu ông Lưu có ý muốn gả con gái cho một trong hai cậu mồ côi này. Cả hai cậu đều để ý đến cô gái. Cô gái cũng không biết nên chọn ai vì hai anh em giống nhau như đúc, cả về người lẫn tính. Ngay giữa Tân và Lang, hai anh em tính nết rất cao thượng. Họ muốn nhường nhau cô gái mà cả hai cùng yêu thương.

Một hôm ông quan bảo con gái làm một bữa ăn cho hai anh em, với hy vọng sẽ tìm ra manh mối qua cuộc gặp gỡ. Ông bảo cô con gái mang ra hai chén cơm cho hai anh em nhưng chỉ mang ra một đôi đũa. Không suy nghĩ gì hết, người em vội nhường đôi đũa cho anh, như bổn phận phải làm. Thế là ông quan bèn chọn người anh làm rể.

Rất yêu thương anh và biết bổn phận mình nên Lang chế ngự được tình cảm trong lòng đối với người con gái bây giờ đã là chị dâu mình.

Trong khi ấy Tân, tràn ngập hạnh phúc bên người vợ đã nhạt nhẽo với em mình. Lang rất buồn khổ trong nỗi cô đơn, dù tình cảm đối với anh và chị dâu rất trong sáng đậm đà. Thế là một hôm, buồn quá, Lang đã bỏ nhà ra đi.

Chàng ta đã thẳng đường mà đi, không biết mệt, cho đến khi cậu tới một con sông, không sao sang được. Cậu ngồi xuống bên bờ sông, nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình, rồi chết trong đau khổ. Cậu biến thành môt tảng đá.

Khi thấy em bỏ đi, Tân đã hiểu ra sự việc và tự trách mình quá ích kỷ. Hối hận, Tân bèn ra đi đề tìm em. Ít ngày sau, Tân cũng đến con sông đó. Mệt quá cậu ngồi xuống bên cạnh tảng đá bên bờ sông. cậu dựa vào đó rồi qua đời, Tân biến thành một cây thẳng đứng, trên ngọn cây có một chùm lá xanh.

Người vợ, buồn khôn nguôi vì chồng vắng nhà, cũng ra đi tìm chồng. Nàng cũng tới được chỗ cây cao, nàng ôm lấy cây cho khỏi ngã. Nghĩ tới người chồng, nàng khóc mãi không thôi cho đến khi chết. Người vợ biến thành một cây leo, quấn quanh thân cây cao thẳng đứng

Cây cau, dây trầu không, Đá vôi

Dân làng trong vùng, được thần báo mộng, liền xây một miếu thờ cho ba người tình bất hạnh . Trên đầu hồi có ghi hàng chữ: “Huynh Đệ Hợp Quần, Phu Thê Chung Thủy”.

Đến cuối đời vua Hùng Vương thứ ba, xẩy ra một vụ hạn hán rất lớn. Trong khi tất cả cây cối quanh vùng đều héo hon, riêng cây cao thẳng đứng cùng dây leo quấn quanh vẫn xanh tươi, giữa cảnh hoang tàn quanh đấy. Khi biết có chuyện kỳ lạ nơi miếu thờ, mọi người từ khắp tam phương tứ hướng kéo nhau đến tham quan.

Nhà Vua cũng đến, và ngài được những bậc trưởng thượng trong làng kể chuyện ba người đã biến thành cây và đá. Nhà Vua rất xúc động, ngài muốn tìm hiểu ý nghĩa linh thiêng của câu chuyện. Vua hỏi các quan đại thần, không ai có đáp án. Sau củng, quan Thượng Thư bộ Hình, một cụ gìa có tiếng là uyên thâm bác học, tiến ra tâu với vua;

“Muôn tâu Bệ Hạ, trong dân gian, nếu muốn tìm huyết thống giữa anh chị em hay huyết thống phụ tử một đứa con hoang, người ta lấy máu những người ấy vào chung một cái bát. Nếu thấy hai thứ máu hòa hợp được sau khi đông lại, người ta kết luận là họ cùng chung một huyết thống. Kẻ hạ thần nghĩ chúng ta hãy thử nghiền nát lá cây leo với quả cây xanh cùng với bột tảng đá kia xem sao?”..

Nhà Vua nghe theo lời tâu bèn cho làm như vậy. Một mầu đỏ thắm hiện ra. Huyết thống đã được minh chứng.

Cây cau và dây trầu không

Quan Thượng Thư già bèn tâu với Vua hãy truyền bá trong dân gian việc trồng hai thứ cây đó, được đặt tên là cây cau và cây trầu-không. Hai cây này tượng trưng cho tình huynh đệ và nghĩa phu thê. Nhiều cô cậu mới cưới hay giữa các anh chị em, họ bắt đầu nhai trầu với cau cùng một chút vôi. Chẳng bao lâu, tục ăn trầu lan truyền rất nhanh trong dân gian, mỗi khi người quen gặp nhau hay muốn làm quen với nhau

Đến nay, người ta còn thấy, nhất là ở vùng quê, nhiều người tập ăn món trầu cau đó, hơi say – đối với người chưa ăn bao giờ thấy hơi cay – nhưng người biết ăn thấy vị tươi mát, mùi thơm dìu dịu trộn với vị cay nhẹ nhàng.

Nếu như ngạn ngữ có câu: “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì người ta ăn trầu trong những biến cố lớn trong đời: sinh con, cưới hỏi, tang lễ, và trong tất cả những nghi lễ tôn giáo quan trong, công hay tư. Nhưng đối với người khuất bóng, tổ tiên, hay các chư thần, trầu cau cùng một chén nước trong là đồ cúng tinh khiết nhất rồi. Tuy nhiên tục ăn trầu có ý nghĩa nhất là trong những dịp cưới xin hay tỏ tình. Theo truyền thống, hai người khi bắt đầu nói chuyện với nhau, trước hết họ đều cho nhau miếng trầu. Giữa trai và gái, đưa miếng trầu có nghĩa là mời mọc để được kết duyên. Ngưới con gái khi nhận miếng trầu có nghĩa là nàng bằng lòng tiến tới, ít hay nhiều tùy trường hợp. Như vậy người con gái đôi khi phải biết từ chối không nhận miếng trầu. Nàng ta sẽ trả lời như trong bài ca sau: 

Sáng ngày em đi hái dâu 
Em gặp anh ấy ngồi câu thạch bàn 
Và anh đứng dậy hỏi han 
Hỏi rằng cô đã vội vàng đi đâu 
Thưa rằng em đi hái dâu 
Và anh mở túi đưa trầu mời ăn 
Thưa rằng bác me em răn 
Làm thân con gái chớ ăn trầu người

Trong đám hỏi, trầu cau của nhà trai đều được chia cho họ hàng bạn bè nhà gái để báo tin mừng. Nếu sau này, vì một lý do gì, nhà gái muốn từ hôn, nhà gái phải hoàn trả lại cho nhà trai tất cả những lễ vật, cũng như một cô gái muốn từ hôn như đã hứa, cô phải trả lại nhẫn cưới. Khi làm lễ cưới cũng vậy, mọi lễ vật cũng phải đầy đủ, và ngay bây giờ, nếu bạn gặp môt đám rước dâu cổ truyền, bạn sẽ thấy nhiều ngưởi đội trên đầu những hộp quả tròn lớn – bên ngoài phủ bằng tấm khăn mầu đỏ, mầu của hạnh phúc – trong quả là những lá trầu-không và chùm cau.

Đám rước dâu

Ngày xưa, khi vào nhà một người Việt, mọi người đều trông thấy trên sập gụ tiếp khách, một cái hộp tròn lớn sơn son hay khảm xà cừ, gia chủ sẽ mở ra khi khách vừa ngồi xuống, Cơi trầu có một cái khay, xoay tròn được, với nhiều ngăn nhỏ, đựng tất cả những vật dụng cần thiết để ăn trầu: những quả cau tươi bổ làm tư, những miếng cau khô, một đầu cong lại bên trong gần hạt cau khô nâu xậm.


Cái xà-tích đựng vôi ăn trầu

Cạnh đó không thể thiếu là những lá trầu-không còn xanh tươi hay đã ngả vàng, đã được cuốn lại giống như điếu thuốc lá. Ngăn bên cạnh là “vỏ” đã được xắt ra thành từng miếng mỏng mầu hồng. Sau cùng là một cái hộp nhỏ, thường làm bằng bạc – gọi là cái xà tich – để đựng vôi mầu trắng tươi, cùng với một cái que bằng bạc để trát vôi. Dưói khay trong lòng cơi trầu tròn, người ta xếp những lá trầu-không, những quả cau còn nguyên xanh vỏ chưa dùng đến và một con dao to bản, ngắn nhưng rất sắc cùng một cái khăn để chùi con dao.

Mẹ dạy con gái têm trầu

Ngày nay, người Việt đứng tuổi, đều nhớ hồi nhỏ đã từng trông thấy mẹ dậy chị hay em gái cách têm trầu: cách cắt đầu quả cau, tước vỏ cau và bổ quả cau thành từng miếng đều nhau bằng cách giữ quả cau bằng những ngón tay trái; cách cắt hai đầu là trầu-không, cuốn lá trầu lại từ cuối lá lên đầu lá, rồi để giữ cho chặt, dùng cái cuống chọc vào giữa lá trầu đã cuốn, và không quên phết trong lá trầu-không một chút vôi vừa phải. Trong một số gia đình nhiều cô gái còn biết têm trầu có hình dáng đẹp mắt (như lá trầu có hình con phượng chẳng hạn). Thực ra người ta vẫn có thể tỏ ra có tài têm trầu một cách bình thường: cuộn là trầu-không thành hình ống đều đặn, trông đẹp mắt, cầm trên tay thấy chặt nhưng vẫn mềm mại dẻo dai mọi chỗ

Tục nhuộm răng đen

Ngày nay, ăn trầu – và tục ăn trầu – tại tỉnh thành đã không còn nữa, cùng với tục nhuộm răng đen. Con gái tân thời có thể học làm bánh ngọt, khâu vá và làm bếp, chưa kể đến những môn học trí thức, đâu còn lưu tâm đến một nghệ thuật đã lỗi thời: nghệ thuật trình bầy một cơi trầu hài hòa đẹp mắt. Cũng vậy, cậu con trai đâu còn nghĩ đến việc đem đến một chùm cau tươi với một dây lá trầu-không quấn quanh để tỏ tấm lòng chân thành của mình.

***

CƠI TRẦU CỦA BÀ NỘI TÔI

Bố tôi đã mất khi tôi còn đang học Trung học và điều này đã làm bà nội tôi điêu đứng. Nội qua đời hai năm sau; lúc đầu tôi đâu có biết.

Mặc dầu người đã tám mươi tuổi, bà nội tôi vẫn nhanh nhẹn, đi bộ đến thăm bạn bè hay đến thăm chúng tôi trong những năm chúng tôi không ở với cụ. Xe tay chở khách không thiếu và cũng không đắt, nhưng cụ thấy không cần, vẫn dễ dàng đi bộ khỏe ru.

Sập gụ, tủ chè trong gia đình Việt Nam

Từ khi bố tôi mất đi, bà tôi không còn đi lại nữa. Tôi ở nội trú trong trường (có học bổng từ ngày có tang) và mỗi lần ra trường để về nhà, tôi lại thấy bà tôi vẫn ngồi chỗ cũ, trên cái sập gụ. Bố tôi đã qua đời trên cái sập gụ này; hai năm sau, bà tôi cũng nằm trên đó mà mất; và có lẽ ông tôi cũng đã nằm chết trên đó, trước khi tôi ra đời. (Không ai bảo cho tôi biết chuyện này mà tôi cũng chẳng dám hỏi ai. Nhà có tang là chuyện mà chẳng ai hỏi đên. Vả lại hồi đó tôi còn ít tuổi nên cũng chẳng nghĩ tới).

Bà tôi không những chẳng đi đâu nữa, mà mỗi khi có ai còn nhớ đến bố tôi mà đến thăm, Bà tôi lại khóc thảm thiết làm cho họ không dám đến nữa. Bố tôi chết đi đã để lại nhiều khoản nợ nần và ngay trong khi sống, nằm nhà với căn bệnh dai dẳng, ông đã thấy bạn bè, người thân kẻ thuộc lảng dần.

Gia đình chúng tôi có một chị người làm là vú nuôi đứa em út của tôi. Chị này vẫn ở lại giúp gia đình tôi trong khi tất cả những người giúp việc khác đã không còn nữa. Tôi còn biết là chị này đã lâu không còn được trả công. Mới gần đây thôi, tôi còn biết là khi mẹ tôi không còn tiền, chính chị ta, không biết đã kiếm đâu ra, đưa tiền cho mẹ tôi đi chợ; chị ta đã đứng ra vay tiền đâu đó để đem cơm về cho gia đình chúng tôi. Khi mẹ tôi vắng nhà, chị vú nuôi này trong coi hết mọi việc trong nhà.

Mẹ tôi đã tìm cách đi buôn để kiếm tiền, Không có vốn, tất nhiên rồi, mẹ tôi phải lặn lội lên miền Thượng du để buôn đủ thứ, trong đó có sừng hươu. Từ sừng hươu người ta chiết ra một thứ thuốc rất bổ gọi là “nhung”. Mẹ tôi mua các thứ được rẻ từ mấy người bạn rồi bán lại cho mọi người. Về sau mẹ tôi còn biết cách chế ra “nhung” nữa. Tôi muốn can mẹ, tôi đau khổ mà đâu dám hỏi. Tôi chỉ thấy là mẹ chúng tôi đã phải làm việc rất vất vả, và khó khăn lắm mới sống qua ngày và nuôi sống mấy đứa em tôi. Cũng may là mẹ khỏi phải lo cho tôi vì tôi đã có học bổng và sự giúp đỡ của một hội đoàn tư nhân.

Chủ nhật, tôi ra khỏi trường về nhà, sau bữa cơm trưa, và thường là trở lại trường trước bữa cơm tối để mọi người khỏi phải chi tiền cho tôi ăn tối ở nhà. Về nhà tôi thấy mấy đứa em khốn khổ của tôi và vẫn thấy bà tôi ngồi đấy. Chị vú nuôi cũng ở đấy với tất cả mọi người. Nhưng mẹ tôi không phải lúc nào cũng ở nhà.

Một hôm chị vú nuôi nói với tôi với một nụ cười gượng gạo, nhút nhát, đó cũng là một cách để làm nhẹ bớt đi một chuyện buồn sắp phải nói ra, một lời xin lỗi trước khi lấy can đảm nói ra. Chị ấy nói rằng:

“ Bà cụ buồn thảm quá, cậu ạ. Hôm qua, như mọi khi, cụ ngồi yên trên sập, chẳng nói gì, trước mặt là cơi trầu. Bỗng nhiên cụ mở nắp cơi trầu lên, nhìn vào đấy một lúc rồi đậy lại mà khóc thảm thiết: “Trầu ngon thế này mà sao không thấy ai đến! ”

Cơi Trầu

Tôi không nói gì. Tôi giữ vẻ thản nhiên, nhưng tôi đã phải quay mặt đi, trong lòng thổn thức nhìn thấy bà nội tôi đang xếp đặt lại cơi trầu bằng gỗ sơn son, xếp những lá trầu-không đã được cuộn lại cẩn thận, những trái cau tươi đã được bổ làm tư, người cũng không quên những miếng vỏ đỏ đã thái mỏng. Bà tôi thiếu đủ thứ, nhưng bà vẫn chuẩn bị cho có một cơi trầu mới tươi đẹp, thế mà chẵng ai đến, và cụ chỉ thấy trầu, cau và vỏ héo hắt dần và trở nên vô dụng.

Bà nội thật là khố! Mẹ tôi, con dâu cụ, đã gìn giữ cái cơi trầu cũ hình tròn ấy, mà mẹ tôi đâu biết cơi trầu ấy đối với tôi quan hệ thế nào. Tôi chỉ mong mẹ tôi khỏi phải đậy cơi trầu lại trong tiếng khóc đau khổ như bà nội. Tôi hứa sẽ không để chuyện đó xẩy ra, và lời hứa đó là một trong những cái cớ để tôi có thể tiếp tục sống một cách vô lý trong cuộc đời vô vị này. Dầu sao, cho đến hơi thở cuối cùng, tôi sẽ không bao giờ quên – ồ! dù có hạnh phúc đến mấy, tôi sẽ không bao giờ quên – được giây phút nội đã nức nở khóc, ngồi một mình bên cơi trầu.

______________________________ ___________________________ 
(1) Nền giáo dục bậc đại học của Pháp có hai hệ thống song hành. Ngoài những Đại học Tổng quát (Universities) đào tạo Cử nhân, Tiến sĩ còn những Trường đại học chuyên khoa – les Grandes Écoles – đào tạo những chuyên gia, nghiên cứu gia càc ngành như École des Ponts et Chaussées (cầu đường), École Supérieure des Télécommunications, École d’Électricité, École Supérieure d’Aéronautique, Hautes Études Commerciales..Muốn vào học những trường này ứng viên phải qua một kỳ thi tuyển lựa rất gắt gao. Kỳ thi tuyển vào École Normale Supérieure, đối với nhiều người, là kỳ thi tuyển khó nhất. Chẳng vậy mà sau khi ra trường với bằng Agrégation, người cựu sinh viên chỉ cần viết trên đầu sách hay trên danh thiếp: “Ancien élève de l’École Normale Supérieure” là đủ. 

Người Việt Nam thứ hai vào Normale Sup. là ông Trần Đức Thảo, Thạc sĩ Triết học 

(2) Những tác phẩm chính của ông Phạm Duy Khiêm gồm có: 
a) De Hanoi à la Courtine (1941), tự truyện, kể lại chuyện ông từ chức giáo sư ở Hà Nội để gia nhập quân đội kháng chiến Pháp chống Phát xít Đức; 

b) Légendes des terres sereines (1942); 

c) Les jeunes femmes de Nam Xương (1944) truyện dài; 

d) Nam et Sylvie (1967) tự truyện, truyện dài. 

Ngoài ra phải kể thêm cuốn Việt Nam Văn Phạm (1941), soạn chung với các ông Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ. 


No comments:

Blog Archive