Friday, March 23, 2018

Đạo đức: Nền tảng trong xã hội Nhật Bản, bài học đầu đời và cả đời của người Nhật



Bộ môn Giáo dục đạo đức tại Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng trong nền giáo dục nước này. Môn đạo đức có mặt trong tất cả các kỳ thi vượt cấp và đại học. Học sinh muốn ứng tuyển vào trường đại học bắt buộc phải có bài luận về môn Đạo Đức.

Đạo đức là môn học cả đời

Một Việt Kiều đang sinh sống tại Nhật có con đang học tiểu học từng chia sẻ, lần đầu tiên đọc cuốn sách Đạo Đức của học sinh Nhật Bản, chị thật sự rất bất ngờ. Ngay trong trang sách đầu tiên của cuốn sách, nhà xuất bản có viết một lời nhắn nhủ rất tâm huyết:

Bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa, các em hãy mở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống, điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta, và hãy phát huy nó trong đời sống của mình.

Học sinh Nhật được dạy về sự trân trọng sự sống

Ở Nhật, ngay từ lớp 1, trẻ em đã học được cách chia sẻ suy nghĩ, thể hiện ý kiến cá nhân. Cô giáo chỉ đóng vai trò tổ chức lớp học, đưa ra câu hỏi, chứ không dạy đọc – chép. Cuốn sách Đạo Đức tại Nhật có 4 phần.

Phần 1 giúp học sinh khám phá bản thân, tạo thói quen sinh hoạt đúng quy tắc, tự giải quyết vấn đề không nhờ vả người khác, sống trung thực ngay thẳng, không nói dối, không làm điều xấu.

Phần 2 dạy cho các em cách chào hỏi, giúp đỡ và sống đoàn kết với mọi người.

Phần 3 giảng dạy về tầm quan trọng của sự sống như con người, động vật, cây cỏ. Đặc biệt, người Nhật luôn dạy học sinh trân trọng chính mình, dạy học sinh nghĩ rằng, bản thân mình cũng là điều kỳ diệu tuyệt vời và luôn biết ơn cuộc sống.

Phần 4 dạy về văn hóa công cộng. Công viên, nhà ga, đường phố… đều là của chung và cần có những quy tắc ứng xử phù hợp, giữ gìn cho cả cộng đồng. Ngoài ra, các em cần yêu lao động, tích cực tham gia hoạt động xã hội.
Cúi đầu cảm ơn là một văn hóa không thể thiếu ở Nhật

Ngoài ra, nhà trường yêu cầu gia đình giữ sách Đạo Đức từ lớp 1 đến lớp 9 của học sinh và các em không được phép vứt sách đạo đức cũ đi.

Cách đây không lâu, một video về văn hóa ứng xử của các em học sinh tiểu học Nhật Bản được đăng tải trên mạng đã khiến nhiều người bất ngờ và cảm phục trước cách giáo dục trẻ em ở Nhật.

Video ghi lại cảnh một nhóm học sinh tiểu học ở Nhật cùng nhau băng qua đường khi những chiếc ôtô đã dừng lại trước vạch đi bộ vì đèn đỏ. Ở các quốc gia khác, thông thường người ta sẽ đi qua luôn, tuy nhiên trẻ em Nhật Bản sau khi băng qua đường còn có hành động rất đáng trân trọng – tất cả các em đều quay lại và cúi đầu cảm ơn những chiếc xe đã nhường đường cho mình, mặc dù đây là việc họ phải làm khi có tín hiệu đèn giao thông.

“4 hành động im lặng” nuôi dưỡng tâm hồn

Năm 2013, khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, cả thế giới phải cảm phục hình ảnh những đoàn người bình tĩnh xếp hàng nhận đồ và di chuyển trong im lặng mà không náo loạn hay tranh giành. Đây là kết quả của sự chú trọng giảng dạy đạo đức ở đất nước mặt trời mọc. Trong đó có một triết lý giáo dục vô cùng sâu sắc là “4 hành động im lặng”, bao gồm: Đọc sách buổi sáng trong im lặng, vệ sinh lớp học trong im lặng, suy nghĩ trong im lặng và di chuyển trong im lặng.

Cô Yanaka Fumoshi (giáo viên Trường quốc tế Osaka) cho biết, các trường học tại Nhật dành 15 phút mỗi sáng để học sinh đọc sách trong không khí yên tĩnh. Các em được đọc những cuốn sách yêu thích, có thể tự mang đi, hoặc mượn từ thư viện. Việc này cũng giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ.

Ở Nhật, việc lau dọn lớp học là của học sinh.

Cô cũng cho biết thêm, tại “đất nước mặt trời mọc”, việc lau dọn lớp học là của học sinh. Đây là bài học để các em “biết suy nghĩ đến người khác”, “biết ơn mọi người”, và rèn luyện tính nhẫn nại, sự tinh ý, tinh thần vươn lên.

Đặc biệt, công việc này sẽ làm trong sự im lặng, tập trung của tất cả học sinh. Sau đó, cả lớp ngồi im lặng suy nghĩ trong vòng 1-2 phút, giúp học sinh chỉnh đốn tác phong, tĩnh tâm.

Bài học “im lặng khi di chuyển”.

Cuối cùng là bài học “im lặng khi di chuyển”. Bất cứ ở nơi nào tập trung đông người, học sinh Nhật được dạy giữ im lặng, di chuyển nhẹ nhàng, nhanh gọn, giữ trật tự, tránh gây ồn ào, ảnh hưởng người xung quanh.

Đặc biệt, ở trường, học sinh tự trồng rau, khoai tây, cà rốt để ăn. Cuối giờ học, cả lớp đồng loạt đứng lên nói: “Cảm ơn thầy đã dạy học cho chúng em”. Trước bữa trưa, học sinh xếp hàng nói cảm ơn đầu bếp: “Cảm ơn bác đã nấu cho chúng cháu những bữa ăn ngon”.

“Cảm ơn bác đã nấu cho chúng cháu những bữa ăn ngon”.

Ngoài ra, cha mẹ Nhật luôn dạy con “thấy bất cứ nơi nào vòi nước chảy, đóng vòi nước ngay, thấy ánh điện, quạt chạy không người dùng, phải tắt điện ngay”.
Do được giáo dục kỹ về lý thuyết, thực hành bài học gắn với thực tế mỗi ngày mà học sinh Nhật Bản đã hình thành văn minh công cộng từ rất sớm. Điển hình nhất là mới đây, một cư dân mạng đã đăng tải trên facebook cá nhân những bức ảnh về một nhóm học sinh Nhật ngồi im lặng đọc sách tại sân bay Thái Lan, đồng thời bày tỏ sự cảm phục về cách giáo dục trẻ em đáng nể của người Nhật.
Học sinh Nhật ngồi im lặng đọc sách tại sân bay Thái Lan. (Ảnh dẫn qua Facebook)

Học sinh Nhật Bản đã hình thành văn minh công cộng từ rất sớm. (Ảnh dẫn qua Facebook)

Những hành động, cách ứng xử hằng ngày tưởng chừng đơn giản và nhỏ bé nhưng thực chất là góp phần vô cùng quan trọng hình thành nên tính cách và phẩm chất của con người. Người Nhật hiểu được điều đó và họ luôn truyền dạy, tiếp nối cho những thế hệ sau trân trọng mọi sự vật, tôn trọng người khác, nâng niu sự sống, ứng xử văn mình trong từng việc nhỏ. Bởi vậy, dù đất nước Nhật nhiều thiên tai, nghèo tài nguyên nhưng họ vẫn là một dân tộc vĩ đại khiến cả thế giới nể phục.

Nguồn ảnh: saka. mekash.com
Hiểu Minh

No comments:

Blog Archive