Câu chuyện các Sĩ Quan Thủ Đức cùng khóa
Nguyễn Văn Hoàng
Từng đợt gió mát từ biển thổi vào phòng làm thân thể tôi êm dịu lại như xua đi bầu không khí oi bức ban ngày trên vùng đất Florida. Hơn 2 giờ sáng, bầu trời Florida thật đẹp, hằng triệu tinh tú lập lòe trong một màn đen vô tận. Dòng xe cộ lưu thông cũng thưa vắng làm tâm hồn mình cũng chậm lại. Hít một điếu thuốc trên môi, một làn khói trắng mong manh, uốn éo chung quanh đôi bàn tay đang điều khiển chiếc xe tải trọng lượng 80,000 pounds này. Quá khứ chợt hiện về, thấm thoát mình đã sinh sống tại Mỹ đã được 20 năm. Một đất nước của Tự Do, Cơ Hội và Nhân Bản. Một sự thật không thể tưởng tượng được với tôi và các bạn tù sau ngày gãy súng cuối tháng 4/75. Làm sao và làm sao chúng tôi được vinh hạnh sống trên xứ sở thiên đàng này…???
Trang sách được lật lại từ 30 năm về trước của 1985. Ba lần vượt biên thất bại, Cha tôi lại vừa qua đời sau căn bệnh ung thư. Gia đình tôi không còn một xu dính túi. Cầm lá số tử vi của tôi trên tay, người bạn học chung Võ Trường Toản nói:
– Theo lá số tử vi của anh Năm thì tôi cam đoan với anh rằng là số “Tha hương cầu thực”. Anh không ở Việt Nam lâu đâu!. Do đó, anh đừng có trốn chui, trốn nhủi cho mất công, có khi còn mất mạng vô ích. Chính cách của anh đi sẽ có người đưa, kẻ đón. Nói chung là “Tiền hô, hậu ủng”…
Chậm rãi, tôi uống một ngụm cà phê đen, kéo một hơi thuốc “Vàm Cỏ” đáp lại:
– Mày mỉa mai tao vừa thôi, bây giờ tao không một xu dính túi, uống cà phê chực ở vỉa hè thì làm sao mà “Tiền hô, hậu ủng” được. Người ta tốn cả chục cây vàng còn đi không được, huống gì là tao!.
Hắn đáp lại:
– Rồi mày coi, không bao lâu nữa đâu!
Cám ơn ly cà phê chùa của nó dành cho tôi. Dắt chiếc xe đạp lếch thếch rong rủi để đi tìm những ly cà phê “chùa”, những điếu thuốc “miễu” của những người bạn còn tử tế.
Trước đó, sau gần 6 năm ở tù về, tôi thường đến thăm 2 thằng bạn chung Đại Đội là Trương Minh Sang và Tăng Trọng Đằng. Lý do là gia đình của 2 thằng này còn khá giả, thường ban tặng cho tôi những ly cà phê cùng những điếu thuốc đen ấm lòng.
Vật lộn với sinh kế hằng ngày, tôi làm phụ hồ, thợ may… Bạn học cũ đã xa lánh tôi rất nhiều vì 2 chữ “Cải Tạo” của tôi. Từng người tình cũ cũng lặng lẻ xa bay…
Rồi hạnh phúc lứa đôi của tôi cũng gặp nhiều bất hạnh, oan trái mà có lẽ chỉ có thằng Đằng là biết.
Cay đắng, nhục nhả, tủi hờn cho thân phận người trai trót mang 2 chữ “Cải Tạo” trên đầu.
Ở tận vực sâu ta mới thấm thía cho một kiếp người “Sa cơ, thất thế”. Đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu tôi cũng hình thành được một mái ấm gia đình bằng nghề “Bán vé số”.
Thời đó, con đường mưu sinh của những người mang danh “Cải tạo” là đạp xích lô, chở xe ba gác, bán thuốc tây lậu, bán vé số… Những nghề nghiệp mà mình không thể hình dung ra được sau khi đã mài đũng quần hằng chục năm trên ghế gỗ!!!
Ồn ào, náo động, tiếng gọi nhau ơi ới hoà lẫn tiếng khóc sụt sùi của hàng chục gia đình đi theo diện HO mà thân nhân đi theo tiển đưa. Gia đình 2 bên nội, ngoại cũng có trong đó để đưa tiển vợ chồng tôi cùng 2 đứa con nhỏ rời xa quê hương. Chuyến đi này không biết đến bao giờ về được… Sân bay Tân Sơn Nhất, một buổi tối tháng 5 oi bức…
Tiếng động cơ máy bay ngưng hẳn, gia đình tôi lủi thủi rời khoang máy bay. Cồng kềnh với những thùng hành lý bằng nhôm kéo đi. Tôi dẫn đầu gia đình với 2 tay kéo 4 chiếc rương bằng nhôm cất bước. Gương mặt ủ rũ, mệt mỏi của 2 đứa con tôi hiện rõ sau cuộc hành trình đầu tiên bằng máy bay này. Riêng tôi, phải dấu đi sự hoang mang, lo lắng của người gia trưởng. Lúc này, chỉ cần những dấu hiệu bi quan sẽ đẩy gia đình tôi rơi lại vào con đường u tối.
Một cô gái tóc đen nhỏ nhắn cùng với cặp vợ chồng Mỹ già người da trắng tiến lại phía gia đình tôi. Cô gái hỏi:
– Bác có phải là Hoàng Nguyễn không?
– Dạ đúng, Tôi là Nguyễn Hoàng đây.
Người đàn ông da trắng thốt:
– Welcome you to New Hampshire!
Cô gái thông dịch:
– Chào mừng gia đình bác đến New Hampshire!
Họ niềm nở bắt tay từng người trong gia đình tôi. Khiêng phụ cho chúng tôi những thùng hành lý lên xe Van. 7 người chúng tôi rời phi trường lúc 1:00 giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 1995.
Trên đường đi, tôi không biết là đi đâu. Họ huyên thuyên đủ điều và qua cô gái trẻ người Việt Nam thông dịch lại. Họ rất quan tâm đến sức khỏe của gia đình tôi sau chuyến bay dài này.
Xe dừng lại ở một khu mà tôi thấy là hàng chữ “Apartment…”. Họ đưa gia đình chúng tôi vào một apartment trong dãy nhà đó. Họ chỉ cho chúng tôi cách xử dụng heat, điện, phòng vệ sinh, phòng tắm … và những tiện nghi đã có sẵn trong 3 phòng ngủ. Tất cả đều ngăn nắp, thẳng tinh. Đến khu nhà bếp, mở tủ lạnh và chỉ cho chúng tôi những thực phẩm như: heo, gà, bò, sữa, pho mát, rau xanh đầy ắp trong tủ lạnh. Ngoài ra còn có thêm bao gạo trắng vì họ biết chúng tôi là người Châu Á cùng với tủ quần áo dành cho gia đình. Với nụ cười thân thiện của đôi vợ chồng người Mỹ già trắng, tôi thật ấm lòng. Tôi thật sự xúc động, nhạc nhiên và khâm phục đức tính đầy tình người của họ đã dành cho gia đình chúng tôi.
Họ hẹn chúng tôi 8 giờ sáng thứ Hai đến đón gia đình tôi đi làm thủ tục “An Sinh Xã Hội”. Sau khi chúc cho gia đình chúng tôi một đêm ngon giấc.
Vợ và 2 con tôi đã chui vào phòng nằm ngủ vì quá mệt mỏi sau cuộc hành trình dài. Riêng tôi, không tài nào ngủ được vì hoang mang, lo lắng cho một cuộc sống mới nơi đất khách quê người.
Pha ly cà phê phin đen, một bình trà nóng cùng với bao thuốc lá 555, tôi ngồi thẩn thờ nơi chiếc bàn ăn. Nhìn chung quanh, nhà gì mà toàn là cửa kiếng không, cái cửa ra vào chỉ chốt lại bằng ổ khóa tay nắm nhỏ xíu, lạng quạng là có ăn trộm đột nhập vào đây. Tôi đã từng chứng kiến những nhà bê tông, cốt thép vững chắc tại Việt Nam, nơi tôi ở đã bị trộm đột nhập dễ dàng, so gì với căn phòng này.
Phì phà khói thuốc bay trong phòng, đột nhiên tôi nhớ lại lời tiên tri năm xưa giờ đã thành sự thật. Dụi mắt nhìn kỹ, rõ ràng mình đang ở một thiên đường mà nhiều sắc dân trên thế giới đang ao ước. Rồi tôi tự hỏi, sự ra đi tìm vùng đất mới này đúng hay sai khi tôi tự quyết định???
Dăm ba bạn đồng nghiệp khuyên tôi không nên đi vì tuổi cũng đã lớn, khó tạo dựng lại được cơ nghiệp mà năm 1995 tôi đã có. Tài sản cũng tạm đủ sống cho tới đời con của tôi.
Tình cờ, một thằng bạn cùng chung trại tù năm xưa từ New York về tìm tôi. Hắn tỏ vẻ rất ngạc nhiên về sinh hoạt của gia đình tôi. Có 2 căn nhà lầu, có kẻ hầu người hạ, cảnh sống thật an nhàn, hưởng thụ.
Nó nói với tôi:
– Từ Mỹ về, tao hỏi thăm tìm mày để có thể giúp cho thằng bạn hiền một ít vốn làm ăn, nhưng không ngờ, tao nghĩ mày có thể giúp ngược lại tao.
Đáp lại nó, tôi trả lời:
– Riêng ai chứ mày thì 5 đến 10 ngàn đô la tao có sẵn, nếu mày cần???
Nó và tôi rất thân nhau trong trại tù. Nó thuộc khóa 4/72, là Huynh Trưởng của tôi nhưng xưng tao với mày cho thân mật. Ra khỏi tù, nó vượt biên năm 1982, định cư tại New York làm nghề giặt ủi, độc thân đang ở chung apartment với người anh ruột không có lấy một bedroom nữa. Tạm đủ sống qua ngày.
– Còn tao, như mày thấy đó. Một vợ, một con trai 10 tuổi, một con gái đang lên 5. Cuộc sống tương đối tạm ổn.
Tửu lượng thằng này cũng khá, hai thằng ngồi tâm sự với nhau hết 1 thùng bia “Tiger” mà nó cũng chưa “lật”; sau cùng nó cũng “banh càng” bởi chai XO nho nhỏ.
Một tháng trời, nó sống tại nhà tôi. Hai thằng kiếm thêm mấy thằng bạn tù cũ thỏa sức ăn nhậu từ A đến Z mà nó chẳng tốn một xu nào.
Ngày nó trở về lại Mỹ, trong một quán cà phê, máy lạnh, đèn mờ… nó nói với tôi:
– Cám ơn mày đã cho tao một vacation vui vẻ, ấm áp qua một tháng trời. Tao chỉ nói với mày rằng việc đi hay ở là tùy mày quyết định. Nếu chỉ có hai vợ chồng mày thì không nên đi, chẳng sung sướng gì đâu!!! Còn vì tương lai 2 con mày, thì mày nên vứt bỏ tài sản hiện có, đưa chúng sang đó để tìm một tương lai sáng láng hơn… Dù mày có giàu đến nứt vách, đổ tường… mà con mày chẳng ra gì thì không ích gì ???
Vợ tôi cũng có lý khi đưa ra phương án cho tôi và 2 đứa con đi trước, cô ta ở lại đi sau. Nếu có gì trở ngại thì trở về giống như lúc trước mà gia đình tôi một nửa đi kinh tế mới theo sự bắt buộc của chính quyền địa phương, còn một nửa ở lại giữ nhà cửa để phòng hờ còn chốn nương thân. Nàng tiếp:
– Nếu 2 đứa con thành tài thì mình không tiếc của, còn ngược lại thì mất cả chì lẫn chài.
Cơ nghiệp này, vợ chồng tôi tạo dựng được từ năm 1987 đến 1995. Đó là máu, mồ hôi, nước mắt, nghẹn ngào làm thân trâu ngựa mới tạo dựng được. Chúng tôi đã trải qua một cảnh nghèo khủng khiếp từ khi đến với nhau. Chữ “Nghèo” đã ám ảnh chúng tôi từ lâu. “Nghèo” thì sẽ đồng nghĩa với “Hèn” và “Nhục”.
Canh bạc này chì có thắng hoặc thua chứ không có đường hòa. Trách nhiệm gia trưởng đè nặng trên vai tôi.
“Phài đi thôi”, lịch sử Việt Nam đã từng chứng minh điều đó. Tương lai của các con là quan trọng !!!
Gạt nước mắt, gia đình tôi chia tay với tất cả những gì quý giá nhất tại Việt Nam.
Mệt quá tôi thiếp đi, đưa hồn vào cõi thiên thai….
– Reng… reng… reng…. cộc, cộc, cộc… Chủ nhà ơi! Dậy chưa, dậy chưa? Có anh em chúng tôi tới thăm đây…
Lồm chồm ngồi dậy, tôi nhạc nhiên vì tai nghe rõ tiếng Việt giọng Huế đang gọi. Hé cửa ra, cả chục người ùa vào, đàn ông có, đàn bà có, thanh niên, thiếu nữ, các cháu thiếu nhi đông đủ. Họ chúc mừng gia đình chúng tôi mới đến. Đặc biệt trên tay của những người đàn ông đều xách một thùng bia Budweiser, còn đàn bà thì chả giò, bánh xèo, nem chua… À thì ra họ cũng là dân H.O. như tôi, đa số ở vùng I. Tiếng chào đùa chào hỏi bằng giọng Huế nghe thật vui tai, chỉ có tôi nghe và hiểu còn vợ và con tôi phải nhờ tôi thông dịch thì mới hiểu họ nói gì.
Sáng ngày sau, một gia đình H.O. khóa đàn anh năm 68 từ Tây Ninh đến thăm. Huynh trưởng này có 2 con đã lớn, là chủ 2 chiếc xe đò chạy Sài Gòn–Tây Ninh.
Thế là tôi đã có đồng hương, ngày nào cũng say xỉn từ sáng đến tối. Các bà mặc sức trổ tài nấu nướng, các trẻ nhỏ cùng nhau nô đùa nơi công viên bên cạnh khu apartment chúng tôi đang cư ngụ.
Đúng 8 giờ sáng thứ Hai, đôi vợ chồng người Mỹ trắng và cháu gái thông dịch đến. Họ chở gia đình tôi đến lập thủ tục lãnh tiền trợ cấp và nộp đơn cho 2 đứa con tôi vào trường học. Hai vợ chồng tôi thì theo học lớp ESL.
Ho cho biết, chỗ ở, thức ăn cũng như những tiện nghi chúng tôi đang sử dụng không phải trả tiền tháng này vì Hội Thiện Nguyện bảo lãnh cho gia đình tôi đã trả. Bắt đầu tháng tới, gia đình tôi sẽ tự túc lo trả sau khi nhận được tiền trợ cấp của chính phủ. Tôi thật sự cảm phục lòng nhân đạo của người dân và chính quyền Mỹ đã cưu mang và giúp cho chúng tôi những bước đầu khi đặt chân lên đất nước này.
Chưa bén rễ ở vùng đất mới được bao lâu. Gia đình tôi dọn về Seattle, WA, còn gia đình anh Thạch về Atlanta, GA.
Cám ơn các bạn H.O. định cư tại New Hampshire đã cho chúng tôi những ngày nồng thắm, đậm đà tình quê hương dân tộc.
Sau 4 ngày, 3 đêm trên Greyhound, chúng tôi đến Seattle, WA vùng đất Mỹ thứ hai mà chúng tôi cư ngụ.
Qua lời kể của họ hàng bên vợ, vùng đất thứ hai này đứng hàng thứ 3 về số lượng người Việt sau California và Texas.. Người của mọi miền đất nước Việt Nam đều có mặt tại đây. Sinh hoạt chợ búa của người Việt rất sầm uất.. Có đủ cả nước nắm, mắm ruốt, mắm tôm… và các đặc sản của Việt Nam.
Tôi cũng được lãnh trợ cấp, ghi danh đi học tiếp ESL. Các con tôi vào học những trường dành cho người di dân mới đến. Xét về trình độ Anh ngữ lúc bấy giờ, tôi hạng thứ nhất, con trai hạng thứ nhì, con gái hạng thứ ba và bà xã hạng thứ tư. Nghe và nói thì tôi dở, nhưng viết thì người Mỹ hiểu ngay. Nhìn lại bây giờ, tôi thuộc hạng thứ bét trong gia đình.
Nhận được việc làm sau khi tốt nghiệp lớp construction 6 tháng, tôi hăm hở lao vào công việc. Mỗi tháng tôi lãnh gần 4 đến 5 ngàn đô. Tương đương với một kỹ sư mới vào làm việc cho Boeing. Nếu đừng ham tiền, có lẽ giờ đây tôi cũng có bằng cấp tương đương với Thành TQLC, Điệp Tú, Tính Gia Nã Đại, Việt Nghĩa Vụ, Quan Âm, Bạt Mạng và nhiều nhân vật khác mà tôi quên tên.
Tôi đã trải qua các nghề như: Bỏ báo, cắt cỏ, clean up, rửa chén, làm bánh mì … để kiếm sống. Nhưng nghề construction, remodel nhà là chánh.
Cuộc sống 5 năm đầu cũng tạm ổn. 5 năm tiếp, gia đình chúng tôi chính thức trở thành công dân Mỹ. Trở thành công dân Mỹ, tôi đã chạm trán nẩy lửa với anh Mỹ trắng phỏng vấn để dành chiến thắng mà tôi không ngờ đến.
Sau ngày 911, tình cờ tôi được biết đến chiếc xe tải khổng lồ 18 bánh do một người bạn Việt Nam điều khiển. Sẵn đang thất nghiệp, tôi theo anh ta làm một chuyến du hành trên 48 tiểu bang nước Mỹ. Có đi mới biết sức mạnh từ vật chất đến tinh thần của người Mỹ. Một tiềm năng dồi dào, đầy tài nguyên phong phú. Vẻ đẹp mê hồn của đất nước Mỹ, của từng tiểu bang tôi đi qua… đều để lại cho tôi một ấn tượng ngạc nhiên và khâm phục. Từ những ngọn núi hùng vĩ, những dòng sông sạch sẽ đến những hang động lạ lùng đã làm cho tôi mê mệt. Nào là những Freeway ngang dọc mọc lên như nấm nếu bạn có dịp đi qua tiểu bang Texas, hoặc những Freeway nổi trên dòng sông Mississippi. Bạn có ngờ rằng bên trong những ngọn núi hay ở những nơi sa mạc hoang vu kia lại là những căn cứ quân sự bí mật của quân đội Mỹ không???
Ngoại trừ 2 tiểu bang Alaska và Hawaii là tôi chưa đến, chứ nếu bạn đã được du hành qua 48 tiểu bang của nước Mỹ, bạn sẽ không phải phí tiền khi đi du lịch các nơi khác trên địa cầu này. Tất cả vẻ đẹp của thế giới hầu như đã tập trung tại Mỹ Quốc này.
Tôi theo học 3 tháng lớp CDL để lái xe tải. Tuy khuyết điểm về nghe và nói Anh ngữ, tôi đã đạt được bằng lái xe tải 18 bánh dưới cặp mắt đầy ghen tị, tức tối của những người bạn Mỹ trắng, đen, Trung Đông chung lớp. Người Việt có cách học của người Việt.
Mục đích của tôi là khám phá đất nước Hợp Chủng Quốc cộng thêm tìm gặp lại những bạn cùng khóa lính của tôi ngày xưa.
Năm 2003, tôi gặp Việt Nghĩa Vụ, Toàn Cư Sĩ, Thắng Cụ, Bé Đại, Thanh Te Cu, Thái Dúi, Thạch Đầu Bạc, ca sĩ Hậu … tại Nam Cali.
Và rồi tôi phải chia tay với chiếc xe dị hợm này vì không tự điều khiển được nó. Nó không khó và cũng chẳng dễ dàng gì đối với tôi, cả đời chưa biết lái xe số tay.
Có rất nhiều lý do để tôi thất bại trong việc điều khiển chiếc xe khổng lồ này.
Qua 3 lần họp khóa 8 B+C/72 tại Nam Cali, tôi đã tìm lại được những gương mặt bạn cũ của tôi như Ngọc 33, Long Aline, Sang Đui và đặc biệt là người bạn đã chia sẻ cùng tôi khi còn ở Việt Nam đó là Tăng Trọng Đằng. Gặp lại mái đầu bạc trắng của Trà Thanh Long, Trị 35, Thương 31 cùng thằng bạn Nhảy Dù Nguyễn Văn Có …
Năm 2009, tôi mở công ty xe tải tại Seattle. Mọi việc đang trôi chảy trong 6 tháng thì đột nhiên giá dầu xe tải tăng vọt, cộng thêm xe cộ hư hỏng nên công ty tôi đành khai phá sản.
Hậu quả là tiêu tùng 2 căn nhà và tôi phải khai bankruptcy. Lại thêm một vố thất bại lớn đến với tôi!!!
Thằng bạn Long Aline giới thiệu tôi vào làm hãng hắn đang làm. Tưởng được yên thân, 2 năm sau 2012, tôi bị layoff.
Buồn quá, tôi bỏ về Việt Nam chơi thì tôi gặp tất cả các bạn cùng khóa còn kẹt lại Việt Nam. Ấm áp và cảm động lắm. Những người bạn hiền mà tôi thân nhất là Nguyễn Huệ, Đại Hòa, Quào Lò, Quới Lúa, Trung Lân, Ngộ Không, Thạch Khí…. và nhiều bạn khác tôi quên tên.
Sau chuyến về Việt Nam năm 2014, tôi quyết định trở về nghề lái xe tải lại. Lần này có vẻ khả quan hơn. Rút kinh nghiệm đau thương từ 2 lần trước, tôi cẩn thận tiến hành từng bước để khỏi vấp ngã nữa.
Năm 2015, vừa chẵn 20 năm tôi đang sống trên đất Mỹ. Ngẫm nghĩ lại canh bạc năm xưa trong cuộc đời, tôi thấy đã hoàn toàn thành công. Con tôi đã trưởng thành với tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ tại Đại Học Washington State.
Vợ tôi cũng có việc làm ổn định. Chỉ riêng tôi còn lận đận trong công ăn, việc làm. Nhưng chẳng đáng quan tâm cho lắm vì tôi còn có tiền hưu để dưỡng già, sức khỏe đã có người bạn Obama lo lắng.
Muốn làm ăn hay chơi tùy ý thích để rồi vài năm nữa vào “Dưỡng Lão” vui chơi. Đời chẳng có gì ưu tư, suy nghĩ. Nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng chẳng ai bằng.
Cám ơn Thượng Đế đã an bài cho gia đình con đưọc an cư, lạc nghiệp tại vùng đất hứa này.
14 tiếng lái xe kết thúc, buông tay lái cho người bạn đi chung. Tôi chui vào chiếc sleeping bag đi tìm lại 20 năm đã qua sống trên đất Mỹ…
Chuông đồng hồ vừa điểm 16:00 giờ….
Nguyễn Văn Hoàng 333
No comments:
Post a Comment