Đối Diện Với Khó Khăn
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, người Việt đến Mỹ trong nhiều thời kỳ và đủ thành phần xã hội. Dù đến trước hay sau, ai cũng phải trải qua những khó khăn bước đầu nơi xứ lạ quê người, phải tiếp thu văn hoá, hoà nhập thích nghi với môi trường mới và bị trở ngại ngôn ngữ vì hầu hết tuổi đã không còn trẻ.
Ba mươi mấy tuổi, tôi mới qua Mỹ theo diện HO cùng gia đình. Tuy tôi có thuận lợi hơn một ít so với những người qua năm 1975 hay những người vượt biên những năm sau, nhưng tôi cũng có những khó khăn khác vào thời điểm lúc đó.
Sau năm 1975, gia đình tôi phải lên sống ở vùng rừng núi hẻo lánh gần hai mươi năm. Tôi không còn được đi học nên thời gian đầu mới qua Mỹ, sinh hoạt ngoài xã hội và vào làm việc trong hãng, tôi bị vài người xem thường, chế giễu vì nói tiếng Anh sai, dáng điệu quê mùa, nhưng tôi phớt lờ, xem đó như động lực để học hành và vươn lên. Vừa học vừa làm, dần dần tôi cũng hoà nhập thích nghi với môi trường mới và có công việc ngày càng tốt hơn.
Tôi làm việc trong một hãng điện tử chuyên thiết kế và sản xuất thiết bị giao diện mạng, bộ chuyển đổi truyền thông và bộ ghép kênh được triển khai trong mạng LAN và WAN trên toàn thế giới. Hầu như những công việc trong hãng, tôi đều đã làm qua. Bắt đầu bằng những việc đơn giản trong bộ phận sản xuất, rồi lên làm kiểm tra chất lượng thiết bị, qua nhiều cấp bậc kỹ thuật viên điện tử và phụ bộ phận thiết kế sản phẩm mới.
Sau khi có bằng kỹ sư điện tử, tôi được cất nhắc làm quản lý, trông coi bộ phận kỹ thuật và sản xuất của hãng.
Ngày xếp lớn, phó tổng giám đốc, giới thiệu tôi được thăng cấp làm quản lý trước các nhân viên trong bộ phận, tôi thấy có mấy kỹ sư và vài nhân viên khác đỏ mặt. Họ có vẻ không hài lòng vì trước đây tôi cũng ngang hàng như họ mà nay tôi lại làm xếp của họ.
Sau khi nhận chức vụ mới, tôi thay đổi và phân chia công việc có khác trước một ít. Vì tôi làm lâu năm ở đây, tôi biết từng người nên tôi tuỳ theo khả năng mỗi người mà giao việc. Tôi chuyển những nhân viên không thể làm những việc tỉ mỉ ra làm những công việc khác và đưa người Việt Nam làm việc cẩn thận, chu đáo vào làm bộ phận kỹ thuật.
Từ khi thay đổi như vậy, công việc của bộ phận tiến triển thấy rõ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, xếp lớn gọi tôi lên văn phòng vì có nhiều lời phàn nàn về việc sắp xếp lại nhân sự và công việc của tôi.
Xếp lớn hỏi tôi:
- Sao anh chia việc có vẻ phân biệt như vậy?
Tôi trả lời:
- Họ không phân biệt tôi thì thôi sao tôi dám phân biệt họ. Tôi chỉ quan tâm đến công việc. Trước đây công việc chỉ đạt sáu mươi, bảy mươi phần trăm, nhưng bây giờ ông thấy đó, lúc nào cũng hoàn thành công việc một trăm phần trăm trước thời hạn và không bị khách trả lại hàng vì kém chất lượng.
Xếp gật gù suy nghĩ một chốc, rồi căn dặn:
- Cố gắng đừng để bị nhân viên thưa gửi với tôi nữa.
Trong thời gian này có nhiều người Việt mới qua Mỹ theo diện thân nhân bảo lãnh. Dù ở Việt Nam họ có trình độ cao như thế nào không biết, nhưng khi tới Mỹ thì việc tìm được một công việc phù hợp với bằng cấp đã học ở Việt Nam là điều rất khó. Vì vậy, đa số họ phải làm việc lao động chân tay với đồng lương tối thiểu. Nhiều người phải đi làm các việc tạm thời ở chợ, nhà hàng hay các hãng xưởng do người Việt làm chủ vì không biết tiếng Anh.
Biết tôi có thể giúp, bà con và bạn bè quen biết đã giới thiệu, nhờ tôi đưa những người Việt mới qua Mỹ vào làm trong hãng. Cũng may vào thời điểm này, hãng ký được nhiều hợp đồng với các nước ở Châu Âu và Châu Á hơn nên cần thêm nhân viên. Vì những người này không giỏi tiếng Anh, nên xếp lớn phải gọi tôi làm thông dịch trong các cuộc phỏng vấn. Trước đó, tôi đã giúp làm bản tóm tắc lý lịch nghề nghiệp cho từng người và chỉ cách trả lời khi phỏng vấn nên cũng tạm ổn. Về phần bài thi kiểm tra căn bản điện tử, toán cũng như tiếng Anh, tôi đã đưa sáu mươi bốn câu đáp án cho họ xem trước và cẩn thận dặn họ phải giả vờ cặm cụi làm bài, chờ gần hết giờ mới nộp mà phải để sai vài câu cho có vẻ như thật, nên ai cũng qua được phần thi này.
Sau mỗi cuộc phỏng vấn, xếp tôi thường không chịu mướn người vì họ không biết tiếng Anh. Ông ta cằn nhằn:
- Người anh đưa vào làm đã không có kinh nghiệm nghề nghiệp, mà khi tôi nói với họ, cứ như đang nói chuyện với bức tường vậy.
Tôi thuyết phục xếp:
- Họ chuyên cần, học hỏi nhanh và họ làm việc trực tiếp với tôi thì nói tiếng Việt cũng được có sao đâu.
- Vậy khi anh đi nghỉ phép, làm sao tôi nói cho họ hiểu được.
- Ông thấy, tôi không nghỉ phép liên tiếp hai, ba tuần mà thường chỉ hai, ba ngày.
Tôi năn nỉ:
- Ông cũng nên cho họ một cơ hội chứ. Nếu sau sáu tháng thử việc, ông nói mà họ không hiểu thì lúc đó cho nghỉ việc cũng không muộn mà. Tôi hứa với ông, chúng tôi sẽ làm tốt và hoàn thành đúng thời hạn các công việc được giao.
Tôi mạnh dạn hứa như vậy vì tin rằng đa số người Việt mình làm việc cần cù, chăm chỉ học hành, vả lại khi họ được vào làm rồi thì xếp cũng không đi theo từng người vì đó là trách nhiệm của tôi. Mặt xếp không vui mấy, nhưng sợ tôi buồn nên nhận những người đó vào làm.
Trước đây hãng chỉ có vài người Việt Nam, bây giờ thì đông hơn nhiều. Có nhiều người mới qua Mỹ phải làm các việc lao động cực nhọc, nay được ngồi làm trong phòng có máy điều hoà không khí, môi trường làm việc sạch sẽ, công việc nhẹ nhàng, lại được tôi đào tạo, hướng dẫn cách sử dụng máy vi tính và biết sửa chữa nhiều thiết bị điện tử nên họ mừng lắm. Để tỏ lòng biết ơn tôi, họ mua quà cáp tặng tôi vào dịp lễ lớn. Lòng tôi vui sướng vì thấy họ biết ơn mình, nhưng tôi nói với họ, đừng bao giờ làm như thế nữa.
Nếu tôi đưa những người biết tiếng Anh và đã có căn bản về điện tử hay biết sử dụng máy vi tính vào làm thì tôi ít mệt hơn, nhưng nhờ vất vả đào tạo mà giờ đây tôi mới có sự thân tình giữa họ và tôi. May là ai cũng kiên trì, chịu khó, nhất là tinh thần cầu tiến nên sau một thời gian ngắn, họ đã vượt qua khó khăn ban đầu và thạo việc một cách đáng khâm phục. Tuy vậy tôi nói với họ, đừng vì làm việc trực tiếp với tôi và chỉ nói tiếng Việt mà quên việc học thêm tiếng Anh.
Phần đông những người Việt mới vào làm đã tích cực dấn thân với nghề nghiệp mới, nhưng cũng có mấy người nghĩ xứ Mỹ là thiên đường, khi qua đây gặp thực tế không như mong muốn nên họ thất vọng. Họ cứ than vãn, ở Mỹ buồn, sáng đi làm ở hãng, tối về bận rộn với việc nhà chẳng mấy khi được thảnh thơi, còn ở Việt Nam họ sống sung sướng hơn, công việc nhàn hạ, biết vậy ở Việt Nam cho rồi.
Những người qua Mỹ diện bảo lãnh, họ đang có nhà cửa, công việc, nhiều người được thân nhân gửi tiền về giúp nên họ có cuộc sống thoải mái hơn. Họ nghĩ rằng đi Mỹ sẽ có cuộc sống sung sướng, dễ dàng kiếm tiền vì thấy nhiều Việt kiều áo gấm về làng, xài tiền như nước. Với suy nghĩ thiếu hiểu biết như vậy, nên khi qua đây, đối diện với khó khăn họ đã không thích ứng được, nên than thân trách phận, rồi trách luôn cả thân nhân đã bảo lãnh họ sang khiến sứt mẻ tình cảm gia đình.
Tôi biết cuộc sống ở Việt Nam hiện nay đã có phần sung túc hơn so với lúc tôi chưa được đi Mỹ, nên khi nghe họ than vãn, tôi chỉ khuyên, bước đầu mới qua Mỹ ai cũng gặp phải khó khăn như vậy hết. Chịu khổ một chút, vừa học vừa làm một thời gian, khi quen cuộc sống ở đây, giỏi tiếng Anh thì mọi việc sẽ khá hơn. Sống ở Việt Nam hay ở Mỹ, nơi nào sung sướng hơn là tuỳ ở suy nghĩ, hành động và hoàn cảnh của mỗi người.
Có một anh là kỷ sư điện tử ở Việt Nam, qua đây không rành tiếng Anh phải đi làm công việc chân tay không phù hợp với bằng cấp mà lương lại thấp, đến xin tôi đưa vào làm trong hãng.
Tôi gặp xếp lớn, nói tốt về anh ta:
- Tôi có người bạn, tốt nghiệp kỹ sư điện tử của một trường nổi tiếng ở Việt Nam, tôi muốn ông mướn anh ta vào làm vì anh ta giỏi lắm, có thể giúp tôi nhiều việc.
Xếp lắc đầu nói:
- Nhân viên của anh đủ rồi, ông chủ không cho mướn thêm người nữa đâu.
Tôi năn nỉ:
- Ông cứ thử nói với ông chủ đi.
Thấy tôi nài nỉ, xếp nói:
- Để tôi gặp ông chủ xem sao.
Tôi biết chỉ cần xếp lớn đồng ý thì ông chủ cũng đồng ý thôi, nên mấy ngày sau tôi lại phải chuẩn bị viết giúp bản lý lịch nghề nghiệp cho anh ta, đưa câu trả lời bài thi nhận vào hãng và làm thông dịch cho buổi phóng vấn anh ta.
Khi anh ta vào làm việc, tôi mới thấy thực tế anh ta không giỏi như lời anh ta đã nói với tôi. Tôi nghĩ chắc kỷ sư ở Việt Nam học lý thuyết nhiều và ít thực hành nên anh ta hầu như chẳng biết gì. Ngay cả cách sử dụng các thiết bị đo lường giá trị, tín hiệu dao động điện tử mà anh ta cũng không rành. Tôi phải dạy lại anh ta từ cách đọc sơ đồ mạch điện cho đến việc tìm và sửa chữa các sự cố của các thiết bị điện tử trong hãng.
Thời gian đầu, anh ta chăm chỉ học, làm việc siêng năng và rất ăn ý với tôi, nhưng khi anh ta biết rành rẽ hầu hết công việc thì có vẻ không còn phục tôi nữa. Tôi giao việc và hướng dẫn cách làm thì anh ta trề môi cười kiểu như anh ta giỏi hơn tôi, không cần tôi phải chỉ vẽ. Anh ta gặp những người không phải gốc Việt thuộc bộ phận khác, làm quen với hy vọng sẽ được chuyển lên làm công việc cao hơn. Trước mặt, anh ta vẫn nói chuyện bình thường với tôi, nhưng sau lưng, anh ta chê bai kiến thức về điện tử cũng như cách thức quản lý nhân viên của tôi với những kỷ sư và nhân viên trong bộ phận. Tôi nghe biết hết, nhưng nghĩ công việc trôi chảy tốt đẹp là được rồi.
Một hôm xếp lớn gọi tôi lên văn phòng của ông ta. Ông nói:
- Nhân viên của anh đã gửi cho tôi một bản báo cáo về những việc làm sai trái của anh. Tôi muốn xác minh những điều này.
Tôi hơi sửng sốt:
- Ông có thể cho tôi một bản sao của báo cáo đó không?
- Tôi chỉ có thể cho anh xem mà thôi.
Đọc xong bản báo cáo ghi rõ ngày tháng về mười mấy “tội lỗi” sai sót của tôi do anh ta viết, tôi mỉm cười nói với xếp:
- Tôi sẽ giải thích tất cả với ông và anh ta cùng một lúc.
May là tôi nhớ và luôn ghi chép hết công việc hằng ngày nên những việc mà anh ta cho rằng tôi làm sai nguyên tắc, không theo thủ tục kiểm tra bình thường đều không đúng.
Trong cuộc họp tay ba, gồm xếp lớn, tôi và anh ta, tôi giải thích, trả lời từng vấn đề mà anh ta tố cáo tôi. Tôi đưa ra ngày giờ làm và chuyển hàng đi nước nào, theo lệnh của ai, theo yêu cầu đặt hàng không bình thường của khách hàng nào. Tôi giao việc cho anh ta và những người khác trong phòng làm đúng theo ý của cấp trên và khách hàng, nhưng anh ta không biết, tưởng tôi tự ý làm như thế.
Sau khi nghe tôi giải thích cụ thể từng vụ việc, xếp lớn xác nhận tất cả đều đúng. Xếp nói với anh ta:
- Anh có điều gì cần nói thêm không?
Có vẻ ấm ức, anh ta tiếp tục kê khai thêm các lỗi khác của tôi. Vì anh ta viết tiếng Anh thì được, còn nói thì xếp lớn không hiểu nên xếp bảo tôi thông dịch lại. Thế là tôi phải thông dịch những lời kết tội tôi. Sau mỗi câu thông dịch lời anh ta kể tội tôi, tôi lại phải giải thích điều anh ta nói là không đúng bằng tiếng Anh cho xếp và bằng tiếng Việt cho anh ta. Vì cuộc họp phải thông dịch qua lại bằng hai thứ tiếng nên mất cả nửa ngày trời mới xong. Kết thúc, xếp lớn nói với anh ta:
- Xếp của anh giao việc, anh cứ làm theo, nếu có sai sót đó là trách nhiệm của xếp anh.
Sau đó xếp lớn hoà giải:
- Mọi sự hiểu lầm này phải bỏ qua và cùng nhau làm việc vui vẻ.
Xếp lớn hỏi thêm anh ta:
- Anh còn có thắc mắc gì nữa không?
Anh ta đỏ mặt, lắc đầu. Tôi nói:
- Tôi chỉ quan tâm tới công việc chung, còn chuyện cá nhân tôi không để tâm.
Hôm sau xếp lớn gọi tôi lên văn phòng, ông nói:
- Bạn của anh không tốt, anh đưa vào làm mà nó tìm cách hại anh như vậy thì không nên giữ lại. Tìm người khác thế vào, tôi ủng hộ anh.
- Cám ơn xếp, để tôi xem lại.
Tôi phớt lờ ý kiến của xếp lớn vì nghĩ anh ta cũng có gia đình, vợ trẻ, con thơ như mình và lại mới qua Mỹ chưa ổn định, nếu sa thải anh ta thì cuộc sống gia đình của anh ta chắc sẽ khốn đốn.
Mấy ngày sau, thấy tôi không trả lời, xếp lớn hỏi tôi:
- Việc sa thải anh ta, anh nghĩ sao?
Tôi nói với xếp:
- Hãy cho anh ta cơ hội sửa sai.
Xếp còn hỏi tôi thêm mấy lần nữa vì sợ sẽ có rắc rối về sau. Tôi xin xếp cho thêm thời gian, xem anh ta có sửa đổi hay không.
Tôi giận và buồn mất mấy ngày. Tôi giận vì anh ta đã âm thầm thu gom những điều không đúng về tôi để tố cáo với xếp lớn. Tôi buồn vì thấy tình cảm giữa tôi và anh ta bị sứt mẻ. Tôi suy nghĩ nhiều về việc tại sao anh ta lại tố cáo tôi với xếp lớn như vậy. Phải chăng vì tôi muốn hoàn thành công việc nên có hối thúc và khi giao việc có thể lời nói của tôi thiếu tế nhị với anh ta, hay vì mới qua, anh ta vẫn còn tư duy lề lối làm việc theo kiểu trong nước chăng.
Sau sự việc đó, anh ta trở lại vui vẻ với tôi, làm việc chăm chỉ hơn. Anh ta hỏi tôi những việc thuộc trách nhiệm của tôi, nhưng tôi nói, anh không cần biết những việc cấp trên giao hay khách đặt hàng, chỉ cần anh biết việc của anh là đủ rồi. Nghe vậy mặt anh ta hơi tái đi.
Có mấy nhân viên trong phòng báo cho tôi biết, anh ta thường gây ra nhiều vấn đề nơi làm việc để đổ lỗi cho tôi và đang lôi kéo họ, lập phe để đấu hất tôi ra khỏi công việc của tôi.
Nhiều đêm tôi khó ngủ vì buồn về việc đi làm chung với nhau mà anh ta lại đối đầu, đấu với tôi như vậy. Trước tôi đã có hai người quản lý bị đuổi việc vì chậm trễ việc giao hàng và có nhiều sai sót khiến hãng bị mất nhiều khách hàng, nhưng từ khi tôi đảm nhiệm công việc này thì may mắn chưa bị khách trả hàng lại lần nào nên cũng không còn quan tâm nhiều đến việc anh ta sẽ hại tôi nữa.
Tôi tin mình làm việc với lương tâm ngay thẳng, rõ ràng, không làm gì sai trái vượt ra khỏi quyền hạn của mình và nhất là công việc trôi chảy tốt đẹp thì không có ai hại mình được. Tuy vậy, tôi vẫn yêu cầu những người trong bộ phận cố gắng hơn trong công việc, đừng để sai sót vì đây là cuộc sống của họ và tôi, nơi mình kiếm tiền để nuôi sống gia đình.
Nhiều người làm xong công việc hằng ngày của mình, họ thường ngồi nhắm mắt thiếp ngủ, có người chơi với phone tay, lên mạng xem tin tức, mở nhạc Việt, nhạc cải lương ra nghe. Tôi thấy, nhưng không nói gì vì tôi nghĩ họ làm xong việc là tốt rồi và nếu nơi làm việc vui vẻ, không quá nhiều áp lực thì nhân viên sẽ làm việc hăng hái hơn.
Mấy tháng sau, xếp lớn lại gọi tôi lên:
- Lần này anh ta không chỉ làm báo cáo một mình mà còn có người khác nữa.
Xếp đưa bản báo cáo dài ba trang, có chữ ký của anh ta và một kỹ sư khác trong bộ phận cho tôi đọc.
Tôi ngạc nhiên vì mới vừa qua, trong buổi tiệc cuối năm của hãng, tôi đã mừng khi anh ta ngồi nói chuyện với tôi một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Đọc bản báo cáo của anh ta, tôi càng ngạc nhiên hơn vì anh ta tố cáo “tội lỗi” của tôi thì ít mà của những đồng nghiệp làm chung trong bộ phận thì nhiều. Có lẽ anh ta muốn chứng minh, tôi không có khả năng quản lý nhân sự và công việc.
Lần này xếp lớn gặp riêng từng người một để nghe sự trình bày của mỗi người rồi mới họp chung. Khi gặp riêng tôi, xếp nói:
- Tôi muốn hỏi gì thì anh ta cứ lấy bản báo cáo in sẵn ra đọc. Có thể anh ta không hiểu lời tôi nói.
- Tôi có thể làm rõ những điều trong bản báo cáo đó.
Xếp lớn xua tay:
- Hãy giải thích trong cuộc họp chung luôn.
Cuộc họp lần này có xếp lớn, tôi, anh ta, người kỹ sư đồng ký tên trên bản báo cáo và một phó tổng giám đốc khác. Vì đã có sự đề phòng nên những báo cáo liên quan đến công việc, tôi đều có chứng cứ cho thấy tất cả những điều anh ta đưa ra là hoàn toàn bịa đặt. Còn việc tôi nhờ một nhân viên làm hư hỏng vài thiết bị tốt, giao cho bộ phận hỗ trợ kỷ thuật khách hàng để trình bày cho khách hàng những sự cố có thể gặp là lệnh của xếp lớn. Anh ta báo cáo là tôi toàn đưa người nhà vào làm trong hãng, thực ra chỉ có vài người bà con xa, không có ai là thân nhân trực hệ trong gia đình tôi và điều đó hãng không cấm. Còn đưa bạn bè vô làm là bình thường vì nếu không quen biết làm sao tôi dám tin tưởng mà đưa họ vào làm trong hãng và anh ta cũng là bạn bè của tôi vậy.
Việc anh ta đưa hình ảnh, video kèm theo bản báo cáo cảnh anh ta quay, chụp những người ngủ trong giờ làm việc, tôi biện hộ cho họ, đôi khi họ nhắm mắt lại chỉ vì phải nhìn kính hiển vi, sửa chữa thiết bị dưới ánh đèn phóng lớn của kính lúp suốt cả ngày nên họ cần nhắm mắt đôi phút để khỏi mỏi mắt chứ không phải ngủ trong giờ làm việc. Đối với tôi, họ làm việc rất tốt vì nếu ngủ, làm sao họ có thể hoàn thành công việc vượt hơn cả sự yêu cầu. Rồi những việc lặt vặt như tôi bao che những người nói chuyện, mở nhạc lớn, nhân viên lấy giờ giải lao dài hơn sự cho phép... Nói chung tất cả những phản ảnh của anh ta đều sai sự thực hoặc không phải là chuyện lớn.
Sau khi nghe sự trình bày bằng hai thứ tiếng Anh, Việt để ai cũng hiểu và xem những tài liệu của tôi phản bác lại những điều trong bản báo cáo của anh ta, anh ta xin rút lại bản báo cáo. Còn người kỹ sư đồng ký tên, đã xin lỗi tôi và cũng xin rút lui chữ ký trong bản báo cáo.
Hôm sau, tôi viết một bản báo cáo gửi cho xếp lớn, rằng tôi luôn giữ sự hợp tác của chúng tôi trong phòng kỹ thuật do tôi phụ trách. Là một nhân viên có trách nhiệm, tôi luôn quan tâm đến công việc và tạo điều kiện cho các nhân viên khác trong bộ phận, nhờ đó mà tất cả các công việc đều được hoàn thành tốt đẹp. Cho đến nay, tôi thấy các nhân viên trong phòng đang làm việc rất tuyệt, không như những gì mà bản báo cáo của anh ta đã nêu ra. Tôi sẵn sàng nghe sự góp ý để thay đổi nếu sự góp ý đó làm cho bộ phận kỷ thuật tốt hơn, nhưng tôi không chấp nhận với việc anh ta lôi kéo các nhân viên khác tạo nên sự chia rẽ và làm báo cáo đưa ra những vấn đề sai sự thật. Anh ta làm báo cáo này, chỉ cố tạo ra những vấn đề, những sai lầm của tôi và những nhân viên khác với hy vọng anh ta có thể có được một công việc tốt hơn. Tôi luôn giữ gìn sự hoà thuận giữa các nhân viên cũng như tạo điều kiện để họ làm việc hiệu quả, nên tôi sẽ rất vui nếu xếp có thể chuyển anh ta lên làm một công việc tốt hơn, ở một bộ phận cao hơn như anh ta mong muốn.
Xếp gọi tôi lên, nói:
- Tôi biết anh và anh ta như thế nào, nên tôi không thể đưa anh ta vào làm ở bộ phận khác vì trình độ, năng lực của anh ta và dù làm ở bộ phận khác, anh ta cũng sẽ gây rắc rối.
- Vậy ông muốn tôi làm gì với anh ta.
- Anh nên để anh ta nghỉ việc.
- Tôi đã dạy anh ta cách sửa chữa và kiểm tra nhiều sản phẩm mới nên anh ta có thể làm nhiều công việc mà những người khác chưa làm được. Bây giờ phải đào tạo lại một người mới thì mất rất nhiều thời gian. Thôi, hãy cho anh ta thêm một cơ hội nữa.
Xếp lớn nói:
- Tuỳ anh, nhưng tôi thấy ý đó không hay.
Tôi đã yêu cầu những nhân viên khác không được nói chuyện ồn ào nữa, nếu muốn nghe nhạc hay tin tức thì phải dùng giây đeo tai để khỏi làm phiền anh ta cũng như người khác. Tôi cố gắng hoà nhã hơn với anh ta để mong níu kéo tình cảm cũng như công việc được trở lại như thời anh ta mới vào làm.
Tuy nhiên, anh ta không muốn làm việc chăm chỉ nữa, trong ngày anh ta dùng nhiều thời gian hơn để thư giãn. Để phản đối tôi, anh ta không chịu học những sản phẩm mới và lấy nhiều ngày bệnh hoặc nghỉ phép một cách bất thường. Vì có nhiều công việc tôi chỉ đào tạo riêng cho anh ta nên khi anh ta nghỉ như vậy cũng gây ít nhiều khó khăn trong phòng kỹ thuật. Tôi nói với anh ta, anh làm như vậy là gây khó cho tôi, cho công việc chung của bộ phận, nhưng anh ta không để ý đến lời tôi, vẫn làm việc lơ là và thường xuyên nghỉ phép một cách đột ngột.
Không thể làm cho anh ta thay đổi cách làm việc, tôi đành phải làm bản báo cáo với xếp lớn. Xếp gọi luật sư của hãng để bàn thảo, xem xét việc đuổi anh ta. Tôi xin, hãy cho anh ta nghỉ việc chứ không phải bị đuổi. Cùng lúc đó ở những bộ phận khác cũng muốn cho vài người nghỉ vì có ít việc hơn, nên hãng cho nghỉ việc một lúc mấy người trong đó có anh ta.
Từ lúc anh ta nghỉ việc, những người theo phe anh ta, nhưng không chịu đồng ký tên trong bản báo cáo, họ không còn ngấm ngầm chống đối tôi nữa. Tuy công việc trong bộ phận có chậm lại một chút vì thiếu mất một người và phải đào tạo người khác thay thế anh ta, nhưng chỉ một thời gian ngắn, công việc đã trở lại bình thường.
Nếu bây gặp anh ta ngoài đường, chắc anh ta sẽ không thèm nhìn mặt tôi, nhưng tôi không quan tâm đến điều đó. Điều làm tôi nghĩ nhiều và lòng thấy bứt rứt là tôi đã không giữ được một tình bạn. Tôi thấy áy náy khi nhìn tấm hình chụp chung các nhân viên, nhớ lại lúc anh ta mới vào làm có đưa vợ con tới nhà tôi chơi để kết tình thân ái, nhớ những buổi tiệc trong hãng có anh ta và những kỷ niệm vui buồn trong thời gian cùng nhau làm việc.
Tôi mừng khi hay tin, sau thời gian hưởng tiền thất nghiệp, anh ta đã tìm được việc làm khác. Tôi mong, anh ta sẽ nhận thức, có sự suy nghĩ đúng đắn về cách làm việc khi sống lâu ở đây. Ở Mỹ muốn thăng tiến trong công việc không phải nhờ sự liên hệ, quen biết hay phe phái, mà nhờ vào chính năng lực của bản thân, nỗ lực làm việc và học hỏi không ngừng.
Những người qua Mỹ sau, tất nhiên là có sự khó khăn, nhưng những người qua Mỹ trước cũng đã phải trải qua một thời gian dài phấn đấu vất vả mới có thành công như hôm nay. Tôi hy vọng với sự thất bại trong hãng này sẽ là động lực cho anh ta dấn thân tiến bước, chứ đừng vì đó mà trở thành thất chí.
Nước Mỹ là nơi mà tất cả mọi người đều có cơ hội thăng tiến như nhau, nơi có những điều kiện tốt nhất để thực hiện ước mơ của mình.
Phước An Thy
No comments:
Post a Comment