Sunday, March 18, 2018

Cancun, Hạ Vàng Biển Xanh




image001
Các “ma nữ” Mayan chào đón anh bạn chúng tôi tại khách sạn Mayan Palace.

Arizona, nắng nóng, nắng vàng, nắng chói chan báo hiệu mùa hè lại đến. Sa mạc Arizona có thừa nắng nhưng thiếu biển xanh. Không khí khô như ngói, mặt đường bốc khói. Người ta lười biếng, người ta nhíu mắt, người ta nhăn mặt khi bước ra khỏi nhà. Xa xa phía Tây Nam, bên kia biên giới, Cancun với hạ vàng biển xanh mầu ngọc bích (turquois blue), với những làn gió mát mẻ, mơn man da thịt như đang mời gọi.

Máu lãng du thôi thúc, chạy rần rật trong huyết quản, chân cứ như có cánh. Lại nghĩ, ở xứ Mỹ này mình đi cày cực quá, thì cũng phải đi chơi cho sướng cái thân ròm, tiết kiệm tiền mai mốt “đi đoàn tụ” với ông bà, ở trển không có nhà bank. Thế là ba lô và vali kéo, cả nhà cỡi mây đạp gió với United Airlines đến xứ hạ vàng biển xanh, miền duyên hải thần tiên xứ Mễ Tây Cơ.

Cancun là thiên đường nghỉ hè của rất nhiều người Mỹ trong đó có người Mỹ gốc Việt mình. Ai đi về cũng khen nức nở, nào là đẹp lắm, nên thơ lắm, cát trắng lắm, và màu nước xanh lắm, cái gì cũng lắm lắm. Sau nhiều năm với nỗi lo cơm áo gạo tiền, giờ đến lúc phải “cho có với người ta”, phải đến nơi rờ tận tay, day tận mặt mới đã chứ du lịch “chay” thì khoái cái nỗi gì?

Cancun, tên của thành phố du lịch nằm ở phía Đông Nam duyên hải của bang Quintana Roo thuộc xứ Mexico và cũng nằm trên bán đảo Yucatan (Peninsula). Chạy dài theo bờ biển Carribean là những bãi cát trắng mịn màng và làn nước xanh trong như ngọc phách (turquois) làm đắm say lòng du khách và người yêu thiên nhiên.

Tên Cancun nguyên thuỷ từ ngôn ngữ xứ Maya, Kaan Kun nghĩa là "nest of snakes" tổ rắn. Chẳng lạ gì khi thăm viếng các đền đài, chúng ta có thể thấy nhiều hình tượng rắn khắp nơi. Nơi đây cũng là cái nôi văn minh của dân tộc Maya, một nền văn minh sáng chói đã nở rộ trước khi Châu Mỹ được khám phá. Nay người Maya vẫn còn tồn tại nhưng đang bị đồng hoá bởi nhưng sắc dân khác.

Tương truyền vào thế kỷ 16, một nhà chinh phục viễn dương người Tây Ban Nha, ngài Francisco Hernández de Córdoba và cũng là người khai sinh ra nước Nicaragua, khi đến bán đảo này, gặp người Maya địa phương bèn hỏi vùng đất này tên là gì? Vì bất đồng ngôn ngữ nên ông cứ gặng hỏi mãi, những người Maya nghe ông này phát âm ngộ quá mới thốt lên Yucatan! Yucatan! Có nghĩa là "I don’t understand what you’re saying”. Ông bèn dặt tên cho bán đảo này là Yucatan.

Chiếc xe mini bus đưa chúng tôi về khách sạn Mayan Palace thuộc khu resort hotel Riviera Maya. Vừa bước xuống là một dàn chào với những “ma nữ” Mayan trong trang phục hoa lá cành rực rỡ, với những nụ cười nghiêng thùng đổ …rác  và những anh bồi đồng phục thẳng nếp sẵn sàng phục vụ, trên miệng lúc nào cũng tươi cười “Bienvenidos to Mayan Palace”.

Họ đẩy xe hành lý đến tận cửa phòng rồi giới thiệu tên không quên kèm theo câu nếu senior cần gì cứ kêu tôi nhé, bất cứ lúc nào. Họ rất nhiệt tình để có nhiều tiền tips vì đây là 1 khách sạn cho dân du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Ngả người lên giường khách sạn với máy điều hòa không khí mát lạnh, tôi đang thiu thiu nửa tỉnh nửa mơ, thì “lệnh bà” hỏi chìa khóa vali  đâu, mở dùm để lấy quần áo thay. Lục túi trong lẫn túi ngoài mà chùm chìa khóa vẫn không thấy đâu, toát mồ hôi hột, chắc nó nằm đâu đó ở phi trường Cancun rồi.

Xuống front desk hỏi mượn đồ nghề để cậy hai ổ khóa, họ kiếm mãi rồi đưa cho 1 cái tuốc nơ vít dẹt, cuối cùng mở được cả hai vali nhưng sự thiệt hại là hai cái vali Samsonite phải vất đi vì hai ổ khóa đều hư hại nặng không đóng lại được.

Cancun có những nơi vui chơi (theme parks) rất lý thú như XPlor, Xcaret, và Xel-Ha ($160/tour/person) với các môn thể thao nước như Snorkling, jet skiing, hay water-jet-packs, swimming with dolphins, ocean safari, raftings (bè gỗ), underground swimming và scuba diving v…v…, đường rừng thì có Camel/horse ridings, amphibious vehicles, zip lines (đu giây tử thần) v…v…

Đủ thứ để mà chơi, chỉ sợ không đủ tiền vì môn chơi nào cũng khá mắc. Hầu hết trò chơi liên quan đến nước nên không ai dám đem theo smart phone hay máy hình thường, vì thế họ bán hình cho mình sau khi xong 1 trò chơi là $100.00, còn mua 1 tấm $30.00 ($1= 20 pesos). Cho em xin các ngài Mayan ạ, có hình thì hay nhưng không thì cũng chẳng sao. Đôi khi không có còn hay hơn vì lúc đu dây tử thần, mặt cắt không còn giọt máu, miệng thì la làng xém rớt hàm răng giả, mắt nhắm nghiền vì tốc độ đu dây có thể lên đến 40 Km/giờ, “dung nhan” có gì đẹp đâu mà mua. Vả lại đi với bu nó chứ có phải với bồ nhí đâu mà cần hình với hài, phải không các cụ?

Sáng sớm ngày 2 ngày đầu tiên, chúng tôi được xe bus đến tận khách sạn đón đi đến Chichen Itza (Đọc là Chít Chần Nít Za, dân Mỹ gốc Mít ta đọc là Chicken Pizza, nghe “ngon” hơn) để chiêm ngắm những đền đài sụp đổ và kim tự tháp của người Maya. Nếu ai thích tìm hiểu về các nền văn minh cổ đại và khảo cổ học thì đây rất thích hợp. Tôi tự hỏi tại sao người Maya bây giờ vẫn không văn minh, nếu không muốn nói là chậm tiến, thế mà tổ tiên họ lại có thể xây dưng được những công trình để đời như thế. Cũng như người Khmer đã để lại tuyệt tác Angkor wat mà bây giờ du khách vẫn còn trầm trồ và thán phục.

image004
Ngày hôm sau chúng tôi đi tàu qua đảo Isla Mujeres. Đây là 1 hòn đảo rất nhỏ, năm 1970 khi mới được quyết định thành lập địa điểm du lịch, dân số ở đây chỉ có….. 1 người được đưa ra đây để trông coi chim và cây cối. Khi du lịch đã trở nên 1 nguồn lợi lớn, dân số tăng lên đến chóng mặt, và bây giờ đông đến nỗi không còn chỗ chen chân. Hiên tại là hơn 15 ngàn người và khách sạn mọc lên như nấm. Tiếng Mễ Isla Mujeres dịch ra là đảo đàn bà vì cứ 1 người đàn ông sống trên đảo thì có 2 người đàn bà. Chàng nào muốn được các nàng "cưng" thì cứ ra đảo này mà sống, ngày nào cũng được "cưng" đều đều, cưng cho tới lúc nào lết không nổi nữa thì kiếm đường mà về đất liền. Theo tôi 1 miền đất mà âm thịnh dương suy như thế cũng là nơi đáng để mà hy sinh cả kiếp làm  giai 12 bến nước này lắm chứ phải không, các đấng trượng phu?

"Chưa đi chưa biết Cancun,
Đi rồi mới thấy chân run như gà.
Run vì có quá nhiều bà,
Bà nào bà nấy toàn là Maya."


Đảo Isla Mujeres rất nhỏ với chiều dài 7 cây số (4.3 miles) , chiều ngang 650 mét (2130 feet) nổi tiếng là nơi cư ngụ của loài rùa biển (sea turtles) và nơi du khách có thể ngụp lặn (snorkeling) xem cá, hoặc đeo bình hơi lặn sâu bơi theo những đàn cá đủ màu tuyệt đẹp (scuba diving). Bãi cát ở đây thì tuyệt vời và mê hồn so với Cancun. Cát trắng và mịn màng. Nước biển ấm và trong xanh. Bơi thả ngửa giữa làn nước, nhìn lên bầu trời xanh lơ không 1 chút gợn mây thì còn gì thanh bình hơn. Còn úp mặt xuống nước với mặt kính và ống hơi, đàn cá muôn màu sắc tuyệt đẹp còn hơn trong phim Disney. 

Chúng tôi mướn một chiếc moped 50 phân khối như ở Việt Nam nguyên ngày khoảng $25. Vì khi mướn, không biết diện tích đảo bao lớn nên lỡ mướn 8 tiếng, chúng tôi đi chỉ "dăm phút đã về chốn cũ", không biết làm thế nào cho hết giờ nên tôi đi thăm khắp nơi, hóc bò tó nào cũng tìm tới mà cũng vẫn chưa tới giờ trả xe. Thậm chí câu giờ bằng cách dừng chân bên “cầu biên giới” uống nước dừa tươi đấu láo với anh chàng bán quán để hỏi rõ nguồn cơn và “thân phận đàn ông” của cái đảo đàn bà này. Hỏi anh ta có kinh nghiệm gì về việc này không? Có được cưng chiều như người ta nói không? Hắn trả lời vì được 2,3 bà cưng chiều nhiều quá, nên bây giờ mới phải đứng đây bán dừa tươi để phục vụ lại 2,3 bà giờ này đang ở nhà binh xập xám. Nghe anh ta than thân trách phận ví thân mình như bèo dạt hoa trôi làm tôi cảm động quá, ráng uống thêm 1 trái dừa nữa để anh ta có thêm tí tiền còm về nhà nuôi 2,3 bà chúa đảo.

Thương cho số phận đàn ông,
Từ khi lấy vợ, người không ra người.


Bơi mãi cũng chán, chạy xe xông xáo khắp nơi cũng mệt, chúng tôi trả xe rồi đi vào những giftshops để mua ít đồ kỷ niệm cho gia đình và bạn bè.Những người bán hàng đủ mọi thành phần, đa số nói tiếng Mỹ bồi nghe chán lắm, cuối cùng gặp 1 anh bán hàng nói giọng Mỹ rất chuẩn, hỏi ra mới hay bố anh ta sống ở Mỹ, anh đi học ở Mỹ, tháng hè về đây giúp mẹ bán hàng. Nói thách tấm lịch Maya bằng đồng 450 Pesos, cuối cùng chúng tôi đông ý với giá 300 Pesos (vẫn bị hớ!). Có lẽ chúng ta còn nhớ năm nào, báo chí các nuớc nhất loạt đăng tin ngày 12 tháng 12 năm 2012 sẽ là ngày tận thế vì lịch Maya chỉ ghi đê’n ngày đó là hết .Báo hại nhiều người nhe dạ và các giáo phái cực đoan đổ xô đi mua lương khô, nước uống và nhiều vật dụng gia đình phòng thiên tai may ra có thể sống sót. Họ còn đồn tổ tiên người Maya vốn từ hành tinh khác đến địa cầu nên họ biết trước được những gì sẽ xẩy ra, và ngày tận thế được ghi rõ ràng trên lịch Maya.

Ngồi trong quán nước giữa chợ, ly Pina colada (Nước trái thơm pha rượu mạnh) ngọt mát trong tay, tôi cứ uống cho đã không ngờ cũng thấy hơi phê, đôi mắt thả rong theo những bóng hồng Mayan qua lại, tôi thấy tôi chu du lên những bậc thang cao vút của kim tự tháp quyết tìm gặp những thày mo người Maya hỏi cho ra lẽ. Kìa một ông đầu đội cái mũ lông sặc sỡ rất cao, trên người khoác một cái áo choàng đủ màu dài chấm gót, vì coi phim Hollywood nhiều nên đoán chắc là thầy mo, tôi lên tiếng chào, giới thiệu thân thế xong là vào ngay câu hỏi chính :

 "Thưa ngài, lich Maya của dân tôc ngài nói ngày tận thế phải xảy ra vào 12 tháng 12 năm 2012?”

Thày mo trợn mắt:

“ Đâu phải vậy, số là thằng học trò tôi đang khắc những con số vào cuốn lịch thì hết chỗ, nó báo cho tôi hay, tôi bèn nói hết chỗ thì "xì tốp" chứ mắc mớ gì mày phải bẩm báo. Sau này tôi mới biết được vì cái "hết chỗ" này mà làm cho thế giới văn minh các ông phải một phen "són đái ra quần". Thật tôi ân hận hết sức! Nếu ông về dưới đó, cho tôi gởi lời xin lỗi nhé!”

Chưa kịp gật đầu thì tôi cảm giác ai đang huých 1 cái thật mạnh vào ba sườn, kèm theo câu: "Gớm! làm gì mà nhìn chằm chằm vào cô Mayan kia dữ vậy?" Thế là giấc mộng Lưu Nguyễn-Maya bị bà xã phũ phàng dập tắt không thương tiếc.

Ngày kế tiếp, chúng tôi chọn môn chơi Water-Jet Pack, một môn nguy hiểm và cần có thể lực và lá gan lớn 1 chút, mắc tiền nhất trong các trò chơi. Người chơi mang water-jet pack gear (bộ áo với ống đẩy phản lực), đội mũ bảo vệ có ống nghe/nói (walkie-talkie helmet), nhờ sức nước đẩy mình bay lên cao, nếu biết điều khiển khéo léo, có thể bay trên mặt nước với độ cao khoảng 15, 20 mét. Huấn luyện viên sẽ mặc áo cho mình vì bộ “Gear” rất nặng, họ chỉ cho mình nút điều khiển để lái theo ý muốn. Những ai thích cảm giác mạnh thì nên chơi, còn không thì đừng bao giờ vì chẳng những nguy hiểm mà còn uống nước no khỏi cần ăn cơm. Chỉ hai cha con tôi đồng ý chơi, đứa con trai 14 tuổi và tôi (gần 6 bó). Thật là một kỷ niệm không bao giờ quên vì tốc độ rất nhanh, nếu không điều khiển giỏi thì sẽ lao đầu xuống nước như 1 mũi tên, ráng nín thở mà “bay” dưới mặt nước, rồi điều khiển sao cho ngoi lên lại để bay trên không.

Tôi bay là đà trên mặt nước và bắt đầu cất cánh. Nhân viên túc trực sẵn sàng cứu cấp nếu cần.

Thưa độc giả, khi “thi triển khinh công” lăng ba vi bộ  và bay vi vút như trong phim kiếm hiệp, thú thật lúc bay, hồn phi phách tán, thần hồn nát thần tính, chứ chẳng có cảm giác oai phong lẩm cẩm hay bảnh tỏn gì đâu. Từ Zero mà trở thành Hero như vậy là an ủi rồi, phải không các cụ? Khi quyết định chơi, tôi chắc đã uống nhầm 1 viên thuốc liều thay cho viên “One a day” rồi thì phải? Nói nào ngay, tôi cũng có nghĩ đến sau này, khi cuộc đời về chiều, nằm trong nhà dưỡng lão, con cháu vào thăm thì có cái mà khoe:

“Này nhé, ông mày đây cũng một thời “oanh oanh liệt liệt”, giờ mất chữ “oanh” còn có chữ “liệt” mà thôi!”

Những hình trong bài này là những lúc tôi đang “ngon lành” họ mới chụp, còn những tấm cắm đầu xuống nước hay nằm bổ ngửa ra trên mặt nước, nhờ bộ Gear có phao nổi nên không sợ chìm, mũi miệng phun nước có vòi như cá voi xanh, mũi dãi lòng thòng, ho xù xụ vì sặc nước thì họ… chả dám chụp vì không muốn lưu lại những hình ảnh “nhạy cảm.”

Đây là 1 video clip về môn thể thao Water jet pack, mà dân Mỹ gọi là “extreme sport”, coi để biết cảm giác như thế nào:

https://youtu.be/aiE58Ri5axQ

image008
Và tôi cũng từ từ bay bổng lên cao như trong bài hát “I believe I can fly” do ca sỹ R. Kelly.

Như thường lệ, cuộc vui nào cũng phải tàn, đêm hết nhường cho ngày đến; những ngày vui Cancun cũng qua mau, không còn “sáng rượu sâm banh, tối lóps tờ” (lobster). Cứ nghĩ phải về nhà làm kiếp con trâu đi cày mới sợ làm sao! Nhưng đời là bể khổ, mà chúng sinh lại không biết bơi. Than ôi!

“Bái bai” các nàng Mayan của tôi. Về lại Mỹ, cái nước tư bản giãy hoài không chết của tôi,  đi cày thôi.

Nguyễn Văn Tới

References: https://en.wikipedia.org/wiki/Canc%C3%BAn
YUCATAN:https://en.wikipedia.org/wiki/Yucat%C3%A1n_Peninsula

No comments:

Blog Archive