Ái Khanh
Nhìn bé Nhụy ngồi ủ rũ nơi góc giường, Liên thương xót, cố đùa cho em vui:
– Nè, sao mặt mũi buồn hiu vậy? Muốn chị dẫn đi phố không?
Nhụy lắc đầu. Liên vẫn kiên nhẫn:
– Đi chơi với chị vui lắm, chị sẽ mua cho em đôi guốc mới.
Nhụy vẫn nhè nhẹ lắc đầu. Liên kéo tay em đứng dậy:
– Vậy cưng muốn cái gì?
Chỉ chờ có thế, Nhụy nhìn chị òa khóc:
– Em muốn chị đừng đi lấy chồng!
Bích Liên ôm đầu em cười xòa:
– Chị sẽ về thăm nhà thường mà!
– Không! Em không muốn xa chị!
Rồi bé Nhụy khóc nức nở. Liên nghe lòng nao nao. Nàng vỗ nhè nhẹ vào lưng em:
– Lớn rồi, đừng nhõng nhẽo nữa, chị thương!
Bé Nhụy mặt mũi đầm đìa nước mắt, nhìn chị hỏi rất ngây thơ:
– Vậy bữa trước ba Mẹ với Bác Cẩm nói chuyện với nhau như vậy có đúng không?
Bích Liên nhìn em:
– Ba Mẹ với Bác Cẩm nói gì?
– Hôm đó em nghe Mẹ nói “Bây giờ con Liên là con anh chị rồi, tôi gửi gắm nhờ anh chị dạy dỗ cháu” Liên cười phá lên:
– Trời ơi! Em cưng của chị ơi! Mới mười hai tuổi em làm sao hiểu được lời của người lớn nói với nhau…
Bé Nhụy đến sát bên chị, nghi ngờ hỏi:
– Vậy chị vẫn là chị của em, con của Ba Mẹ hả?
Liên gật đầu lia lịa:
– Đương nhiên rồi!
– Vậy Bác Cẩm, Ba Má của anh Tùng? Sao em cũng nghe chị gọi Ba, Mạ gì đó.
Liên đỏ bừng đôi má:
– Ừ thì chị cũng gọi Ba Má anh Tùng là Ba, Mạ.
– Vậy là chị có hai ba, hai Má?
– Ừ! Thôi em cứ hỏi gì mà hỏi hoài.
– Nhưng mà…
– Thôi! Đừng có nhưng gì hết. Chị vẫn là chị của em, con của Ba Má, em chịu chưa?
Bé Nhụy nhoẻn miệng cười. Liên nắm tay em:
– Nghe chị đừng buồn nữa. Lúc nào chị ở nhà anh Tùng rồi chị sẽ thường về thăm em luôn!
– Bao lâu chị về nhà một lần?
– Mỗi năm một lần!
Nhụy thảng thốt la lên:
– Một năm à?
– Ừ vì cưới xong là Chị với anh Tùng chỉ ở lại một đêm ở nhà mình, qua hôm sau chị cùng với Ba Má anh Tùng và anh Tùng về Huế…
Nhụy lại mếu máo”
– Lâu quá vậy? Tại sao chị không biểu anh Tùng ở luôn nhà mình mà chị phải ở nhà người ta?
Tự dưng Liên cũng nghe bồi hồi, buồn buồn đáp lời em:
– Đâu được em, chị phải làm dâu khi lấy chồng chứ!
– Làm dâu là làm gì hả chị?
– Là làm dâu… Thôi, cứ hỏi hoài chị không biết trả lời.
Thấy mắt chị chớp chớp, Nhụy lặng nhìn chị, nó nghe thương chị vô cùng.
Cuối tuần đó, Liên theo gia đình chồng ra sân ga về Huế. Nhụy theo ba má tiễn chị… Tiếng còi tàu xé nát không gian tĩnh mịch của buổi sáng tinh sương. Liên khóc chào tạm biệt Ba Mẹ và em gái. Tùng cầm tay vợ, cười bảo:
– Theo chồng bộ khổ lắm sao em cứ khóc hoài vậy?
Liên định trả lời Tùng nhưng liếc nhìn Ba Mẹ mình và Ba Mạ chồng đang cười nói chia tay nhau gần đó nên nàng im lặng, riêng Nhụy thì cứ khóc tức tưởi. Mẹ chồng của Liên phải dỗ:
– Con nín đi, chị con theo chồng vài tháng sẽ vào Sài Gòn thăm con, ngoan rồi chị sẽ về thăm sớm hơn…
Khi Liên về đến nhà chồng thì trời đã tối. Nhìn khắp nhà được treo đèn kết hoa, đèn măng sông sáng rực căn nhà… Bên nhà chồng cũng đã có hơn hai mươi người ăn mặc tươm tất chào đón ba Mạ Tùng và vợ chồng Liên rất thân mật khiến Liên bớt bỡ ngỡ. Có điều Liên không hiểu nhiều khi họ nói chuyện với nhau quá nhanh, tiếng thánh thót ríu rít. Liên mỉm cười, ví như tiếng chim hót, đó là ngôn ngữ bên chồng. Liên hồi hộp níu tay chồng khi hai người trạc tuổi Liên tiến đến bên nàng, đứa bé gái đứng gần đó cười ré lên:
– Ngó tề! O sợ nắm tay chú Tùng.
Liên nghe mọi người cười rộ lên, nàng không hiểu hết nhưng cũng lờ mờ đoán được vội rụt tay lại. Tùng thương hại cầm hẳn tay vợ bảo:
– Đó, tui cầm tay vợ tui đó. Ai cười, cười đi! Cười thì hở mười cái răng…
Một bà cụ bước đến chào hỏi vợ chồng nàng, Tùng chắp hai tay cúi đầu:
– Thưa Mệ!
Không để cho vợ thắc mắc, Tùng nói ngay:
– Đây là Mệ Trương ở cạnh nhà mình, còn đây là vợ con tên Liên…
Liên thắc mắc:
– Mệ là sao với mình?
– Tuy không bà con gì nhưng ở làng mình thì cũng coi như bà con.
Hết người này đến người kia đến chào hỏi và nhìn mặt cô dâu mới… Liên thỉnh thoảng cầm bắp tay của chồng lắc lắc cầu cứu những câu hỏi của thân nhân bằng hữu mà nàng không hiểu. Đứa bé lúc nãy đến gần bên Liên hỏi như để bày tỏ thân thiện:
– O, o đi đường dài rứa có mệt không ra sau ảng nước rửa mặt rửa mũi đi.
Liên ngẩn người ra khiến mọi người cười rộ lên. Tùng vội vàng “thông dịch” để giải thoát cho vợ:
– Con Huệ nó bảo em ra sau hè rửa mặt kẻo đi đường cả ngày mệt…
Liên nhìn bé Huệ cười như cám ơn sự quan tâm của nó. Khách càng lúc càng đông. Đến giờ, chú Tín (em ruột của ba Liên) đứng lên đại diện cho nhà gái ngỏ lời xin lỗi về việc vắng mặt của ba Mẹ Liên vì buổi lễ cũng đã được tổ chức trọng thể tại Sài Gòn rồi. Buổi tiệc đã dứt nhưng bạn bè, xóm giềng vẫn còn ở lại phụ giúp dọn dẹp và nói chuyện râm rang gần như suốt đêm. Ba Mạ của Tùng cũng như vợ chồng Tùng mệt rã rời, cuối cùng chịu không nổi cũng cáo lui để vào phòng nghỉ ngơi.
Về nhà chồng đã một tuần nhưng sáng nào Liên cũng thức dậy sau khi được Tùng khều nhẹ:
– Em dậy ra ngoài phụ với Mạ nấu nướng đi!
Hôm nay Liên đang rửa rổ rau lang sau hè, thì có một người đàn bà đứng tuổi từ hông nhà bên cạnh lách hàng rào bước qua cười chào Liên rồi hỏi:
– Dôn mi mô mi?
– Liên trố mắt nhìn không hiểu bà hỏi Liên hay nói gì, nhưng Liên cũng vừa lên tiếng vừa vớt rau ra khỏi thau nước:
– Dạ, chào o.
Bà ta cười ngặt nghẽo, lúc đó Tùng từ trong bước ra đỡ lời:
– Thưa o Mai, vợ con nó chưa hiểu tiếng Huế nhiều mô!
Rồi Tùng quay sang vợ, bảo:
– O vừa hỏi “dôn mi mô mi” có nghĩa là o hỏi em anh đâu rồi đó! Dôn là chồng đó mà!
Liên đứng dậy cười ngượng ngùng:
– Anh phải chỉ cho em mấy tiếng lạ đó, em đâu có biết.
O Mai lại cười thích thú:
– Ui chào! Mi học ê cả năm chưa nhớ hết mô!
Vừa lúc đó, có tiếng mẹ của Tùng ở trong gọi ra:
– Liên, nước sôi rồi, đem rau vô luộc đi con.
Liên vội rẩy bớt nước trong rổ rau rồi bước vô nhà, miệng lẩm bẩm “dôn mi mô mi” là chồng mình đâu rồi”. Tùng và o Mai nhìn nhau lắc đầu, cười…
Hôm nay, lần đầu tiên Tùng đi làm. Chàng là một nhân viên của Đài Phát Thanh Huế. Chàng đã hết mười ngày phép, nay từ giã vợ để đi làm. Liên hồi hộp tiễn chồng ra cửa, giọng nhuốm vẻ lo âu:
– Anh đi làm mau về nghe!
– Ba Mạ ở nhà thương em lắm, có gì đâu mà em sợ dữ vậy?
– Không phải em sợ Ba Mạ mà em sợ Ba Mạ nói gì em không hiểu, không có anh… thông dịch!
Tùng cười phá lên:
– Trời ơi Ba Mạ nói tiếng Huế chớ có phải tiếng Tây tiếng Tàu gì đâu mà em bảo thông dịch…
Liên bắt đầu vô bếp dọn rửa, quét sạch bếp núc, mẹ của Tùng nhìn con dâu siêng năng có vẻ hài lòng lắm. Chờ cho con xong việc, bà bảo:
– Túi qua, tụi bây ngủ sớm, bác Nghè có đem bóng đám cưới tới để cho tụi bây coi mà tụi bây ngủ nên Mạ không kêu. Ba bây còn giữ trong buồng, chút nữa ông lựa xong vài tấm để phóng lớn rồi đưa cho tụi bây sau!
Liên cứ “dà dà dạ dạ” chớ không hiểu mẹ chồng nói gì mà có đám cưới rồi có ba chồng của nàng nữa. Nàng đứng yên một lúc rồi nói:
– Xin phép Mạ con vô phòng để viết thư về Sài Gòn cho Ba Má con, mấy bữa nay tại có anh Tùng nên con bận quá chưa viết được.
Bà mẹ chồng của Liên như sực nhớ ra la lên:
– Ừ hè! Nói mạ gửi lời thăm anh chị sui nghe!
Liên dạ thật lớn vì nàng thích thú hiểu trọn câu nói này. Nàng nhủ thầm phải “học” cho hiểu hết tiếng Huế mới được.
Chiều lại, khi Tùng về thì nàng được chồng nói cho hiểu là đêm qua bác Nghè, thợ chụp hình, đem hình đến giao nhưng vợ chồng chàng ngủ sớm chưa xem được. Ba của Tùng đã lựa được hai tấm đủ mặt ba má Liên bên trái, vợ chồng Liên đứng giữa và ba mạ Tùng đứng bên phải để sang ra thật lớn treo giữa phòng khách…
Mỗi ngày Liên học thêm được vài từ mới, nàng rất thích, và nàng thấy thật sự thương yêu xứ Huế đầy cổ kính này.
Hôm nay Chúa Nhật, Tùng chở vợ đi thăm các lăng tẩm. Ngồi trên xe, vòng tay qua ôm chặt eo chồng, gió mơn man thổi, Liên cảm thấy thật ấm áp, thật hạnh phúc, Tùng hỏi:
– Mấy bữa nay, Mạ nói chuyện em hiểu hết không?
– Có lúc em không hiểu, nhưng mạ ra dấu thì em hiểu.
Tùng phì cười:
– Thí dụ anh nghe thử đi!
– Như hôm qua mạ nói “Con cầm cây chủi ra xuốt cái cươi cho sạch đi!” em cứ tần ngần thì mạ đưa cái chổi chà cho em rồi chỉ ra sân. Em hiểu liền. Bây giờ em hiểu người Huế gọi cái chổi là cái chủi…
Tùng cười… ầm ầm như thác đổ, cầm tay vợ đang ôm eo mình siết nhẹ:
– Em làm cho anh có cảm tưởng như em là cô bé còn bé tí xíu như bé Nhụy!
Lòng Liên nhói lên. Nàng nhớ tới bé Nhụy, không biết nay nó còn buồn vì Liên đã xa nó thế này không? Áp má lên vai chồng, Liên thỏ thẻ:
-Em nhớ Ba Má và bé Nhụy quá, chừng nào em mới vô Sài Gòn thăm nhà được há anh?
– Lúc nào cũng được hết, nhưng muốn để anh được nghỉ phép đưa em em đi anh yên lòng hơn. Em muốn đi một mình cũng được nhưng không có anh em có sợ không?
– Sợ! Em sợ lắm! Thôi để từ từ đi, hơn nữa…
Liên bỏ lửng câu nói khiến Tùng thắc mắc:
– Hơn nữa sao em?
Liên thẹn thùng một lúc rồi ấp úng:
– Hơn nữa… em không muốn xa anh!
*
Ba má và em Nhụy nhung nhớ của con:
Con đã xin được việc làm rồi: con đi dạy học lớp mẫu giáo. Cuộc sống của chúng con rất hạnh phúc. Ba mạ của anh Tùng rất thương con. Con nghe họ nói làm dâu người Huế khổ lắm. Trước kia con rất sợ, mới đầu con nghe nói chuyện con không hiểu, nay thì con hiểu rất nhiều và có thể nói con hiểu hết tiếng Huế rồi Ba Má ạ.
Trước nhà anh Tùng có hai cây nhãn lồng, hột nhỏ xíu như hột tiêu, ngọt và giòn tan ăn ngon kinh khủng. Ba Mạ anh Tùng nói để tháng Bảy này vợ chồng con vô Nam thăm ba Má sẽ gửi làm quà…
Con có mua hai cái nón Huế, một cho Má một cho em Nhụy, còn ba thì con mua cho Ba quyển sách nói về xứ Huế – quê chồng của con.
Lần thăm nhà trước, con hấp tấp với hơn nữa con chưa làm gì có tiền nên chỉ có kẹo cau, kẹo gương, kẹo mè xửng của Ba Mạ anh Tùng gửi cho Ba Má và em Nhụy, lần này là đồng tiền do con làm đó nghe.
Ba Má cho con nói vài lời với em Nhụy của con; Nhụy ơi! Cưng còn khóc nhớ chị không? Chị nhớ em lắm lắm. Anh Tùng thương chị không ăn hiếp chị chút nào cả. Ngay cả ba má anh Tùng nữa, biết chị thích ăn cá nục kho chấm với cải chua (à cải chua ở Huế cọng nhỏ khác trong Nam mình em ạ) cứ kho cho chị ăn hoài, ngon mà cay. Từ khi có chị, mạ anh Tùng kho cá phải bỏ ít ớt thôi. Tuần rồi cả nhà ăn bánh tráng nướng nhúng nước gói thịt heo luộc với rau muống chẻ chấm nước cá mà ngon ghê em ơi. Lúc nào chị gặp sẽ làm cho Ba Má với em ăn nghe!
Nhụy, em có thể tưởng tượng hôm tháng trước mưa liên miên một tuần. Trời ơi, chị nhìn mưa rơi mà nhớ Ba Má, và em đứt ruột, nhất là ban đêm, nước mưa cứ thánh thót rơi cả đêm không ngừng. Anh Tùng thấy chị ngủ không được, vặn nhạc nho nhỏ cho chị nghe có câu: “Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ… “chị phải tắt ngang và bảo “Em không muốn nghe, em nhớ Ba má và em Nhụy lắm!” Nhụy ơi! Em phải ngoan, học cho giỏi, lúc nào vào Sài Gòn chị sẽ mua nhiều quà cho em.
Ba má và em Nhụy khỏe luôn, con mừng.
Liên.
Tùng và Liên đến bưu điện gửi thư xong cả hai tản bộ tới nhà bé Huệ mà Liên rất thích tính tình vui vẻ của nó, trước đây nó cũng rất thích Liên, bây giờ em Loan của nó đã năm tuổi đang được gửi vào trường mẫu giáo. Nó càng quý Liên hơn. Đến nhà, Liên và Tùng được dì của Huệ tiếp đón, bà là chị lớn của mẹ Huệ. Bà rót hai ly nước trà xanh rồi bảo:
– Trời nóng như ri uống nước nóng đã khát lắm.
Liên cười thầm khi thấy ngược hẳn trong Nam lúc nóng phải uống trà đá mới đúng nhưng nghĩ thôi chớ Liên không nói gì ngoài câu cảm ơn. Không chờ Liên và Tùng hỏi, bà đã nói:
– Con Huệ nó qua nhà hàng xóm mượn cái rựa, chút về liền.
Nói chuyện vu vơ độ bảy tám phút thì bé Huệ xồng xộc chạy vô, tay cầm cây dao chẻ củi, tóc dính sát vô đầu vì trời nắng, mồ hôi nó tuôn ra như tắm. Lúc đó Liên mới hiểu thêm chữ “rựa”. Liên bảo:
– Tóc Huệ ướt hết vậy, vô lấy lược ra cô chải đầu cho!
Rồi nàng rút trong túi áo một cái kẹp hình con bướm đen đốm vàng, trao cho Huệ bảo:
– Đã lâu rồi, cô có ý cho Huệ cái kẹp mà hôm cưới cô và chú, Huệ cứ mân mê khi thấy cô gỡ ra để ở bàn, nay cô biết Huệ vừa đứng hạng nhất trong lớp cô thưởng cho đó!
Huệ cầm cái kẹp, cảm động, nhưng nó chỉ biết lí nhí cám ơn.
– Vô trong lấy lược ra cô chải đầu rồi kẹp lên cho!
Huệ ngoan ngoãn vào lấy lược ra trao cho Liên. Liên chải thẳng ra những sợi tóc còn ướt đẫm mồ hôi của nó, tém ra phía trước cho phồng lên, kẹp lại. Dì của Huệ lên tiếng:
– Úi chà! Đẹp quá!
Nghe dì nói, Huệ với tay cầm cái gương trên bàn soi mặt rồi la bài hãi:
– Ngó tề! Dị òm!
Dì nó la át đi:
– À cái con ni, đẹp rứa mà còn chê!
– Không phải con chê mà… dị quá!
Tùng lên tiếng:
– Dị chi mà dị. Kẹp vài bữa quen liền.
Nói thì nói vậy nhưng Huệ cứ cầm gương săm soi, dì nó cười bảo:
– Ưng bắt chết mà cứ giả đò!
Liên và Tùng từ giã ra về, dì của Huệ nắm tay Liên thân mật:
– Mấy khi o chú tới chơi, bữa ni ở lại chơi, tui làm bữa cơm hến ăn… Tui làm không lâu mô!
Liên siết tay bà bảo:
– Dạ cám ơn cô, bữa nay mạ em có nấu bún bò rồi, bữa khác đi. Ở nhà đang chờ tụi em về đó!
– Rứa thôi bữa khác nghe! Bữa mô có mạ con Huệ ở nhà tới chơi. Vợ chồng nó đi làm nương làm rẫy khổ lắm, gửi hai đứa cho tui giữ giùm, riết tui cứ tưởng hai đứa là con tui.
Con Huệ… nhảy tọt vô giữa hai người:
– O ngoéo tay hứa hí!
Liên cười đưa tay ra cho Huệ. Dì của Huệ cười tít mắt:
– Cái con ni hắn làm nũng với cô dữ!
*
Thấm thoát thế mà Tùng và Liên đã có đứa con trai mười sáu tuổi tên Bách. Trong dịp Tết Mậu Thân, Tùng và con trai vô đài phát thanh rồi bị Việt Cộng tấn công, cả hai kẹt suốt ngày trong đó. Buổi sáng hôm sau lò mò tìm đường về nhà, ngang đầu ngõ nghe tiếng súng đì đùng, hai bố con sợ quá tuôn đại vào một căn nhà gần đó không ngờ căn nhà lại bị pháo kích cháy phừng phừng. Thế là hai cha con bị thương, phỏng nặng, chết giữa đường.
Từ đó, Liên sống như người mất hồn. Có điều nàng vẫn không lìa xa cha mẹ chồng đã già lụm khụm. Nàng sống âm thầm, đi về lo cho gia đình chồng như thuở nào Tùng còn sống cho đến khi cha mẹ chồng mất đi. Có lẽ câu này Tùng hay nói với nàng lúc mới cưới “Con gái khi về nhà chồng rồi phải gánh vác giang sơn nhà chồng” đã thấm nhuần trong huyết quản của nàng. Mấy chục năm quấn quít trên mảnh đất khô cằn sỏi đá, với những tình cảm gắn bó, Liên đã yêu thương quê chồng như yêu chính bản thân mình.
*
– Đó là tất cả chuyện tình của bác về xứ Huế, nếu ai có hỏi vì sao bác yêu Huế thì cháu trả lời thay cho bác hí!
Giọng Nam pha tiếng Huế của bác Liên nghe thật ngọt ngào dễ thương. Tôi cầm tay bác trìu mến:
– Cám ơn bác đã cho cháu nghe về cuộc đời của Bác và nhất là về vấn đề làm dâu của Bác đã cho thế hệ của cháu hiểu thế nào là một người đàn bà Việt Nam trong vai trò làm vợ, làm mẹ. À, con có điều thắc mắc muốn hỏi bác là sao bác trai nói giọng Nam?
– À! Lúc còn sinh viên, ông học ở Sài Gòn rồi quen bác. Lúc ra trường xong, ông về Huế và xin làm việc ở đài phát thanh nên ông nói luôn cả hai giọng Nam và Huế. Khi gặp người miền nào nói theo miền đó.
Nói xong, bác Liên cười móm mém nhưng tôi thấy nụ cười của bác thật đẹp và dễ yêu biết dường nào!.
No comments:
Post a Comment