Saturday, March 10, 2018

Ký Ức Mậu Thân




Tết Mậu Tuất 2018 năm nay hình như người Việt mình nói chung, và ở San Jose nói riêng đốt pháo nhiều hơn những năm trước thì phải?  Trước Tết một tuần lễ tôi có việc xuống SJ là đã nghe lai rai tiếng pháo nổ đó đây.  Mặc dù cả tháng trước đã nghe phong phanh từ vài người bạn là có lệnh cấm đốt pháo năm nay.  Mà nghĩ cho cùng, mấy ngày Tết mà không có tiếng pháo đì đùng thì còn gì là Tết nữa.  Cho nên, lệnh cấm thì cấm, mà năm nào chả cấm phe ta vẫn cứ đốt như thường mà còn đốt bạo nữa chứ chả sợ "thằng" Mỹ nào cả.  Đúng là "điếc không sợ súng", huống chi là pháo...

Đêm giao thừa và 3 ngày Tết thì ôi thôi pháo nổ ngợp trời bất kể ngày đêm cứ y như tiếng súng nổ Tết Mậu Thân năm xưa.  Ở những khu thương mại, những ông bà chủ đua nhau bỏ ra cả bạc ngàn mua pháo đốt để lấy hên không nói làm gì, mà ngay cả những khu đông cư dân Việt Nam cũng đốt hà rầm.  Nhiều nhà treo những giây pháo dài như giăng đèn giáng sinh rồi đốt mà không sợ cháy nhà, hàng xóm Mỹ, Mễ, Việt bu lại vừa coi vừa trầm trồ và quay video bằng phone đông nghẹt. Suốt hơn tuần lễ trước và sau Tết đi đâu cũng nghe tiếng pháo.  Nghe ngoài đường chưa đã, về nhà mở computer, hoặc phone tay ra cũng nghe tiếng pháo do bạn bè đăng lên còn nóng hổi.  Phải công nhận chính quyền địa phương họ cũng dễ dãi và tôn trọng dân Á đông mình với truyền thống và nét văn hóa đặc thù này và làm ngơ đi cho, miễn sao đừng đốt bừa bãi để rồi xảy ra những chuyện không hay.



Ra khu Lion Plaza và Century Mall là nơi người Việt tụ tập mua bán thì khỏi nói rồi, thiên hạ mua sắm tấp nập, phải nói là không thua gì chợ Bến Thành Sài Gòn.  Năm nay mùng một Tết lại rơi vào ngày thứ Sáu và thứ Hai lại là lễ President Day mà hãng được nghỉ nên thằng tôi nghe lời dụ dỗ của em xã bèn xin nghỉ thứ Sáu để đi chúc Tết nội ngoại, và một cuối tuần thong dong.



Ở Mỹ mấy chục năm, lần đầu tiên tôi đi chợ Tết mà lại đi với Ba tôi, chẳng qua là vì Ba tôi muốn ra khu Lion Plaza cách nhà mươi phút lái xe để mua ít hoa mang về chưng mấy ngày xuân.  “Lòng chợt từ bi bất ngờ" tôi bèn nói, để con chở Ba đi vì thấy Ba tôi sau này hay quên và không còn nhanh nhẹn như trước nữa.



Ra tới nơi thì thấy người là người và xe cộ nườm nượp kẻ ra người vào trong khu trung tâm mua bán. Tôi nghĩ thầm, đông đúc thế này kiếm được chỗ đậu xe chắc cũng bở hơi tai. Thấy tình thế có vẻ không ổn nên tôi bèn nói Ba tôi xuống xe đi bộ vào trước để tôi đi kiếm chỗ đậu xe rồi vô sau.  May sao, đang rà rà kiếm chỗ tự nhiên thấy một xe dera ngay trước mặt. Mừng như là bắt được vàng, thế là tôi vội rà tới ngay và không quên nhìn người tài xế xe đó với đôi mắt đầy thiện cảm, thiếu điều muốn nói "I love you"!



Mua sắm xong thì hai cha con lên xe ra khỏi khu trung tâm để đi kiếm một nhà hàng nào đó ăn trưa. Trên đường đi nghe tiếng pháo nổ đây đó làm đầu óc tôi chợt quay về với cái Tết Mậu Thân tang thương ngày nào cách đây đúng 50 năm...



Thuở đó, các xóm đạo của người Bắc di cư thuờng nằm gần nhau.  Mỗi xóm đều có một nhà thờ riêng.  Nhà tôi lúc ấy nằm trong xứ Trung Bắc, thuộc khu Xóm Mới, Gò Vấp ngoại ô Sài Gòn.  Đầu xóm có cổng lớn trước khi ra con lộ chính có khóa lại ban đêm sau giới nghiêm và phần nào giới hạn kẻ lạ mặt ra vào trong xóm.  Cuối xóm cũng có cổng rào dắt ra ruộng rau muống và các xóm đều chung nhau một cánh đồng bao la mà thời thơ ấu mấy anh em tôi thường ra đây thả diều vào mỗi buổi chiều sau khi tan học về.  Phía xa hơn nữa là một con sông khá rộng mà trẻ con các xóm không dám ra tắm vì nước chảy xiết quanh năm và một phần việt cộng hay rình rập bên kia sông mất an ninh nên không ai dám lại gần.  Cũng trên cánh đồng này mà đã xảy ra nhiều vụ đánh nhau giữa các xóm vì nạn phá phách của đám trẻ con hoặc thanh niên đào bới bên ruộng của xóm khác.  Rồi vào dịp Tết Mậu Thân 1968 việt cộng đã lợi dụng mọi người ăn Tết làm một cuộc tổng tấn công và một số việt cộng đã băng qua cánh đồng này để tiến vào thành phố nhưng đã thất bại nặng nề.


Nhà tôi nằm ngay đầu xóm có cây vú sữa lớn rất sai trái, cho bóng mát quanh năm và một giếng nước trong veo rất tiện nên nhiều bà trong xóm thường ghé lại rửa gánh rau trước khi mang ra chợ bán vào buổi sáng, hoặc có người dừng chân nghỉ trước khi đi vào xóm.  Tôi còn nhớ dưới gầm giường của Ba Mẹ tôi có một cái hầm cá nhân chứa được khoảng chục người chả biết đã được đào từ lúc nào, để làm gì và chung quanh giường thì chất đầy bao cát mà thỉnh thoảng mấy anh em chơi năm mười với nhau thường trốn trong đó cho chắc ăn.  Tôi chỉ biết là mấy ngày Tết năm đó thay  vì nghe tiếng pháo thì lại nghe tiếng súng đạn và đại bác nổ long trời lở đất, rồi thay vì đi chúc Tết được tiền lì xì thì phải chui xuống hầm tối thui nồng nặc mùi đất và hơi người mỗi khi nghe tiếng máy bay đầm già và trực thăng lượn ở trên bắn hoả tiễn hoặc tiếng súng đại liên gì đó bắn xuống phía dưới cánh đồng. Người Việt mình có câu "sợ vãi đái" là những lúc này đây.  Ngồi trong hầm mà tôi nghe rõ tiếng vỏ đạn từ máy bay rớt như mưa rào trên mái tôn rồi rớt xuống sân xi măng trước và sau nhà rổn rảng xen lẫn tiếng Mẹ tôi đọc kinh cầu xin ơn trên che chở.  Ban đêm, hỏa châu sáng rực cả bầu trời và tiếng bom đạn nổ rền khiến mọi người hoảng sợ.



Sáng hôm sau, tiếng bom đạn vẫn không dứt và như càng gần hơn ở phía dưới cánh đồng.  Rồi thì nghe tiếng máy bay đầm già lượn ở trên kêu gọi đồng bào phải di tản ra khỏi vùng ngay lập tức.  Sau đó thì cả nhà chui ra khỏi hầm và vơ đại cái gì đó có thể mang theo được, xong bước vội ra khỏi nhà để rồi thấy mọi người trong xóm cũng đang hốt hoảng tay xách nách mang cùng nhau nhập vô một đoàn hối hả chạy ra khỏi xóm. Mẹ tôi quảy đòn gánh trên vai mà một đầu là đồ đạc lỉnh kỉnh, còn đầu kia là thằng em kế tôi chưa đầy hai tuổi ngồi gọn lỏn trong cái thúng nan.  Tôi thì được Ba cõng trên lưng một tay ôm gói đồ và một tay thì bám cổ Ba cho khỏi ngã, còn 3 anh lớn hơn thì lóc cóc chạy theo sau. 



Ra tới đường cái thì lại nhập vào một dòng người đang hối hả chạy từ phía chợ chạy lên, và tiếng súng từ hướng đó đang nổ dữ dội.  Khuôn mặt người nào người nấy lộ vẻ hoảng sợ và kinh hãi đến tột cùng.  Có vài người bị thương vừa chạy vừa lau máu đang chảy từ trên đầu, trên người họ.Đoàn người lũ lượt nhắm hướngthành phố theo sự hướng dẫn của quân cảnh và lính Cộng Hòa.  Trên đường nhựa thì đầy những vỏ đạn và tiếng bước chân của đoàn người đi trên vỏ đạn nghe lạo xạo giống như đi trên sỏi đá vậy.  Ngồi trên lưng Ba, người tôi lắc lư theo từng bước chân đi nhanh mà như chạy của Ba tôi.  Nhìn chung quanh, thấy xác người cụt mất chân, tay hoặc mất đầu nằm ngổn ngang đây đó dọc theo hai bên đường mà không biết bị giết chết từ lúc nào đang bốc mùi hôi thối, và thấy bao khuôn mặt nhợt nhạt xen lẫn sợ hãi của đoàn người chạy loạn. Có nhiều người vừa chạy vừa khóc lóc thảm thiết vì có lẽ họ vừa mới mất đi người thân yêu.  Sau lưng, tiếng súng đạn của hai bên vẫn nổ đều, thỉnh thoảng kèm theo tiếng đại bác nổ ầm ầm làm rung chuyển nhà cửa và đường phố….



Ngày ấy, tôi mới được gần 4 tuổi chưa biết đọc biết viết và còn quá nhỏ để hiểu được chiến tranh là gì.  Nhưng ký ức về bom đạn và xác người chết dọc bên đường trong lúc di tản đã mãi là nỗi kinh hoàng ăn sâu vào đầu óc non dại của thằng bé con lúc ấy cho tới bây giờ, và có lẽ cả đời sẽ không bao giờ quên được những ngày hãi hùng ấy…   



Vài năm sau đó thì Ba Mẹ tôi bán nhà và dọn xuống Mỹ Tho khoảng đầu năm 1972, nhưng chỉ ở được khoảng 8, 9 tháng thì lại dọn về Sài Gòn vì chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn.  Thời gian ngắn ngủi ở Mỹ Tho cũng đã cho tôi những hãi sợ của chiến tranh khi nghe tiếng bom rơi, đạn nổ hầu như mỗi ngày.  Hình ảnh ngôi nhà thờ nơi quận lỵ hẻo lánh cách nhà tôi ởkhoảng 2 cây số vốn đã nghèo nànmà gia đình tới dự lễ hàng tuần trong một đêm đã bị việt cộng pháo kích làm cho hoang tàn, đổ nát. Thử hỏi, nơi thờ phượng mà chúng còn không tha thì trường học hay nhà của dân làm sao tránh khỏi.  Thỉnh thoảng, nhìn lên bầu trời phía xa xa lại thấy mấy chiếc chiến đấu cơ F-4 nhào xuống thả bom rồi bay lên và tiếp theo là những tiếng nổ thật lớn rung chuyển nhà cửa. Hàng ngày, nhìn đoàn xe nhà binh và xe tăng của lính VNCH chạy qua trước nhà thấy oai hùng làm sao và lũ trẻ con chúng tôi thường hay chạy ra xem vỗ tay reo hò ầm ĩ. Nghe tiếng những dây xích sắt của xe tăng nghiến mặt đường ken két thật ghê rợn nhưng đã cho tôi cảm giác an toàn vì được sự bảo vệ của họ. Vì thế từ nhỏ tới lớn, trong tôi người lính VNCH luôn là thần tượng và mang lòng ngưỡng mộ họ một cách đặc biệt.      



Đến tuổi trưởng thành, tôi càng hiểu rõ hơn về cuộc chiến VN là do tụi cộng sản Bắc Việt gây ra, và đau xót cho hàng ngàn người dân vô tội bị tụi cộng sản miền Bắc chôn sống qua cuộc thảm sát ở Huế vào biến cố Tết Mậu Thân.  Rồi biết bao cuộc tàn sát và trả thù hèn hạ khác nữa của cộng sản Bắc Việt đối với người lính Cộng Hòa và đồng bào trước và sau khi chiếm được miền Nam.



Lịch sử oai hùng của dân tộc khi xưa ghi lại: “Lê Lợi sau khi đánh thắng quân Tàu bằng quân sự, đã cảm hóa được kẻ thù khi ông quyết tâm không giết kẻ đầu hàng,trái lại còn cấp thuyền ngựa xe, cơm nước giúp họ đi đường về lại với gia đình.  Lấy ân nghĩa xóa bỏ hận thù, dập tắt hiểm họa chiến tranh giữa hai nước thời bấy giờ . . . Thật là một trang sử hào hùng và nhân ái,để tiếng thơm mãi muôn đời lưu truyền...” Cớ sao cùng là người Việt với nhau mà cộng sản Bắc Việt lại nhẫn tâm giết người miền Nam một cách tàn nhẫn và trả thù bên thua cuộc một cách hèn hạ, đê tiện.  Mẹ Việt Nam đau xót đến dường nào khi những đứa con cùng chung nòi giống da vàng lại vô tâm chém giết, và đày đọa nhau.  Đúng, chỉ có bọn cộng sản vô thần mới làm được những điều như vậy, và tội ác của chúng sẽ không bao giờ xóa được…



Bước xuống xe, cùng sánh bước từ chỗ đậu xe vào nhà hàng chưa đầy một phút  mà thấy bước chân của Ba tôi có vẻ chậm hẳn và lưng có vẻ hơi khòm chứ không còn thẳng và vững chắc như Tết Mậu Thân năm nào cõng tôi chạy giặc.Thời gian trôi qua mau quá, đã 50 mươi năm rồi còn gì...



Đâu đây, tiếng pháo vẫn nổ đì đùng như nhắc nhở mọi người hãy quên đi những phiền muộn của kiếp sống tha hương để cùng nhau đón Tết và mong một mùa Xuân an bình, tươi sáng.



Xuân Mậu Tuất 2018



Tê Hát I Cờ Rét

No comments:

Blog Archive