Hà Mã và Hà Bá!
Đoàn xuân thu
Tui có anh bạn già, vốn là Bắc Kỳ di cư, theo tàu há mồm vào Nam tìm tự do vì chúng tôi muốn sống.
Anh bạn già vong niên nầy lớn hơn tui tới một con giáp, tức 12 tuổi lận. Cả hai đều tuổi Mùi con dê xồm, khoái ăn sua đũa.
Nhưng tui thì mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao; còn ảnh thì lè phè áo thun, quần xà lỏn, có hàm râu dê… Mới gặp lần đầu trông phát ghét!
Nhưng chơi lâu rồi đâm ra khoái vì anh bạn già nầy trên thông thiên văn; dưới tường địa lý nên cái chuyện gì bí… tui hay hỏi ảnh để học hỏi thêm… Bởi chữ rằng học thầy không tầy học bạn mà!
Chơi với nhau nhiều lần, gia phả cả ba đời của nhau đều biết hết ráo. Nhứt là chuyện ở Sài Gòn mình! Dẫu xưa hai đứa chưa từng biết mặt nhau… Cho mãi tới khi lưu lạc quê người, mới tha hương lại ngộ đồng hương!
Từ Bắc vào Nam năm 54, lúc được 15 tuổi đầu, nên ký ức về 36 phố phường Hà Nội, ảnh cũng còn nhớ chút đỉnh.
Vô Sài Gòn thì vốn nhà tư sản, có của ăn của để nên Thầy U của ảnh mua một căn nhà ở mặt tiền đường Cao Thắng để bán bánh cuốn Thanh Trì.
Có lần tui hỏi: “Anh còn nhớ tiệm bán bánh mì Hòa Mã ở đường Cao Thắng khi tụi mình còn nhỏ không?”
Mới đầu đi học về ngang qua, tui đọc ba xí ba tú, tiệm bán bánh mì mà sao lại tên là Hà Mã? Tui bỏ mất chữ “O” của người ta!
Anh chê tui dốt, rồi cắt nghĩa đùi là: “Tớ đoán vợ chồng ông chủ tiệm cũng là Bắc di cư như tớ thôi! Ra đi, đêm nhớ về Hà Nội, nhớ về quê cũ vời vợi non đoài; nên lấy tên quê nhà, nơi chôn nhau cắt rún của mình để đặt cho tên tiệm.
(Phố Hòa Mã kéo dài từ phố Lò Đúc đến phố Huế, có chùa Thiên Quang này xưa là cung Đổi Mã, tức là nơi vua đổi xiêm áo thường, mặc lễ phục vào tế ở đàn Nam Giao.)
Năm rồi, ảnh có về Sài Gòn để làm đám giỗ Thầy U. Trở qua, ảnh cho biết là Sài Gòn mình giờ đổi thay nhiều lắm. Tên đường đã khác: đường Phan Đình Phùng, đường Trần Quý Cáp, toàn là những nhà nho yêu nước, phải bỏ mình khi chống lại thực dân Pháp, là anh hùng dân tộc nhưng không hiểu lý do gì cũng bị VC đổi tên?
Duy đường Cao Thắng vẫn còn. Và tiệm bán bánh mì Hòa Mã, sau cuộc biển dâu nầy vẫn còn đó!
Tớ có ghé ăn để tìm lại hương vị cũ. Nhưng chỉ còn hương gây mùi nhớ mà thôi; chắc tại cái lưỡi của tớ đã bao lần nếm mùi tân khổ nên đổi khẩu vị rồi chăng?
Tớ gọi một phần bánh mì thập cẩm, tức hầm bà lằng sắn cấu, như trứng gà ốp la, thịt nguội, xúc xích, chả cá, chả lụa,… được chiên trong cái chảo nhỏ.
Rồi thêm một ít hành tây, ăn với bánh mì còn nóng, kèm với đồ chua là những miếng củ cải được xắt thành từng lát lớn, ăn kèm theo cho đỡ ngán!
Chỉ tốn có 45.000 đồng, tức bằng 2, 3 đô Úc của mình.
Bữa nào chú muốn ăn sáng theo kiểu bánh mì Hòa Mã, tớ sẽ lịnh (cha oai dữ he!) cho con Hà Mã nhà tớ làm để hai anh em mình vừa ăn vừa uống với bia lon!
Đang tán dóc, hai đứa rủ rỉ rù rì với nhau, tưởng hổng ai nghe! Ai dè chị nhà, dân rặt ri Nam Kỳ quốc, đang trong bếp, già rồi mà cũng còn thính tai, hỏi vọng ra: “Ai là con Hà Mã nhà anh? Đồ Hà Bá!”
Tui nghe ảnh gọi chị là con Hà Mã dấu yêu; còn chị gọi ảnh là đồ Hà Bá, tui chưng hửng vì không biết Hà Mã và Hà Bá khác nhau cái chỗ nào cà?
Anh bắt đầu gọi vợ của ảnh là “con Hà Mã dấu yêu của anh ơi” là khi ảnh đọc được chuyện vui như vầy nè: Một bà cụ, 65 tuổi, nằng nặc đòi ly dị với ông cụ sau 45 năm chia bùi sẻ ngọt.
Quan tòa hỏi: “Vì sao bà muốn ly dị khi đã quá già như vậy?” “Chồng tôi xúc phạm tôi! Ông ấy dám gọi tôi là “con Hà Mã dấu yêu của anh ơi!””.
“Ông ấy nói vậy khi nào?” “Tôi không nhớ rõ lắm, chắc cũng hơn 40 năm rồi!”
“Hơn 40 năm, xa lơ xa lắc, xa mút mắt, sao bây giờ bà mới đòi ly dị?” “Tại tuần trước, thằng cháu ngoại chở tôi đi Sở Thú coi con Hà Mã của Phi Châu mà Úc mới nhập qua đây!”
Tui về, lên Google, tìm hiểu thêm về “Em Hà Mã dấu yêu của anh” thì thiên hạ cho biết rằng: “Hà mã”, từ Hán Việt, dịch nghĩa từ Hy Lạp hippopotamos, gồm hippos nghĩa là “ngựa” và potamos nghĩa là “sông”! “Ngựa sông” tức Hà Mã!
Hà Mã là loài có vú, nặng cả tấn, sống nửa ở nước nửa trên cạn ở các con sông, hồ và các đầm lầy rừng ngập mặn Tây Phi.
Dù có hai đôi chân ngắn và thân hình bè bè, vẻ bề ngoài hiền lành, cục mịch, nhưng lại hung dữ. Đặc biệt là xấu đau xấu đớn! (Như con vợ tui vậy! He he!)
Chị nhà nghe thằng chồng cà chớn chống xâm lăng của mình chọc quê như vậy mà lạ thay không thấy giận hờn gì hết ráo?…
Chớ tui mà dám hỗn hào như vậy; va vào tay con vợ tui, là tui chết… chắc!
Chị nhà nói: “Mới đầu nghe thằng chả giỡn chơi quá hớp như vậy, chị cũng giận lắm đó chú. Người phụ nữ kỵ nhứt là bị chồng mình chê xấu.
Nhưng vợ chồng sống với nhau gần cả đời rồi! Trước sau cũng phải chia lìa đôi lứa, đi đầu thai thuộc dải ngân hà khác nhau; dễ gì còn gặp lại lần thứ hai thì giận hờn một lời nói đùa cốt chỉ để vui của chồng …thì té ra là người bất trí hay sao?!
Chớ chị đã từng đoạt giải hoa hậu cấp phường, thì sắc đẹp đối với chị đâu còn cần phải cầu chứng tại Tòa!”
Người ta nói: Tài sắc mà. Có tài là có sắc mấy hồi!
Mình có tài, kiếm hàng triệu đô rồi bay đi Đại Hàn, đập hết khuôn mặt ra, đại tu lại, thành hoa hậu mấy hồi hè?!
Dẫu ảnh cho chị là “xú phụ” đi chăng nữa thì ảnh cũng là “xú phu”! Cũng xấu hoắc, lùn tịt cao có thước mốt; chớ có cao ráo đẹp trai, tốt mã như Phan An, Tống Ngọc gì cho cam? Nồi nào úp vung nấy mà!
Chị tha thứ cái tội ảnh ăn nói vô duyên! Hổng biết hồi xưa bà mụ nào móc miếng cho ảnh?
Nhưng đọc chuyện xưa thấy vợ chồng Án Anh bên Tàu, thấy ảnh cũng không thua một ly ông cụ nào hết!
Bởi nhân gian, chuyện một chồng một vợ, chung sống từ thuở cưới nhau đến răng long đầu bạc ở nước Úc nầy, giờ đây không phải là chuyện bình thường. Hiếm có lắm!
Mấy anh mình giờ khoái bay về trong nước, được mấy em chân dài mà não ngắn thủ thỉ thù thì; bay trở qua đây đòi phụ rẫy con vợ già; mới là điều đáng trách.
Nhưng anh Hà Bá của nhà nầy đã bay về Việt Nam làm đám giỗ bà cố nội ảnh biết bao lần nhưng vẫn một lòng chung thủy với chị đây! Há không đáng khen sao?
Chị hỏi sao anh cầm lòng cho đậu trước mấy con Tiểu Long Nữ đó; thì ảnh cười hè hè rồi bảo: “Anh cũng khoái quá đi chớ! Nhưng hổng có con yêu nữ nào nó chịu khoái lại anh!”
Chị biết tỏng là: Tụi nó đâu khoái gì mấy ông già hết xí quách, mà chỉ khoái đồng đô la Úc! Nhưng cái thẻ ngân hàng ảnh đi, chị giữ rịt ở đây thì làm sao ảnh rút tiền được để mà bao gái?
Nhưng thâm tâm, chị thán phục ảnh học theo sách của Án Anh bên Tàu:
Án Anh có nhiều công trạng đối với nước Tề, Tề Cảnh công đến chơi nhà, thấy một người đàn bà liền hỏi: “Có phải là nội tử của quan Tể tướng đó không?”
“Bẩm phải!”
Cảnh Công cười hè hè, bảo: “Bà nhà đã già mà còn xấu nữa. Ta có một ái nữ có thể cho Tể tướng được!”
Án Anh chấp tay nói: “Lúc trẻ người ta lấy mình là mong rằng lúc già có thể nhờ cậy được. Vợ thần tuy già xấu nhưng thần vẫn quý trọng, không dám phụ rẫy nghĩa tào khang!”
Thói đời mà: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”, cái thói xấu đó đã thành cái “mode” thời thượng rồi”. Nhưng với Án Anh thì “Phú quý bất năng dâm…” đã làm cho mình phải phục lăn ra đất.
Còn bên Anh Cát Lợi kia kìa! Hãy xem Thái tử Charles (bà con mình hay gọi là Thái tử “Chao” chắc có lẽ ông nầy khoái hẩu xực món vịt nấu chao hay chăng?), con của Nữ hoàng Elizabeth II, người sẽ kế thừa ngai vàng Vương quốc Anh.
Năm 1981, Thái tử Charles kết hôn với Công nương Diana Spencer, rồi ly dị với Công nương vào năm 1996; vì đồng sàng mà dị mộng.
Một năm sau, Công nương Diana qua đời trong vụ tai nạn xe hơi trong đường hầm ở Paris.
Năm 2005, Thái tử Charles kết hôn với Camilla Parker Bowles, tình xưa mà ông không quên được; dù so với công nương Diana sắc nước hương trời thì Camilla xấu hoắc!
Rồi đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết hôn với Brigitte Trogneux, người lớn hơn ông 24 tuổi và là cô giáo cũ của ông tại trường trung học La Providence, Amiens vào năm 2007; thì không xứng đôi vừa lứa là cái chắc rồi!.
Nhưng ông bà ta thường nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp! Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!”
Chồng vợ yêu nhau, phải có lòng độ lượng, tha thứ cho nhau, vì đời mà… ai cũng có biết bao lầm lỗi! Hà huống gì một lời nói chơi chớ?
Anh Hà Bá của nhà chị chỉ biết nói phét mà thôi; vì tài hèn sức mọn, dở ẹt hà! Nhưng chị yêu ảnh là vì ảnh có óc hài hước.
Anh chê chị xấu như Chung Vô Diệm, gọi chị là con Hà Mã dấu yêu của anh thì chị sẽ âu yếm gọi ảnh là thằng cha Hà Bá. Huề!
Chỉ cần kiểm duyệt, cắt bớt chữ “con Hà Mã”; chỉ còn chữ dấu yêu là mình vui rồi. Hi Hi!
Thiệt là nhưng lời nói như khuôn vàng thước ngọc. Nghe chị bày tỏ cặn kẻ khúc nôi, thôi lần tới, chị có làm bánh mì theo kiểu tiệm Hòa Mã ở Sài Gòn năm cũ, tui sẽ dắt con vợ tui theo!
Nhớ làm cho vợ chồng tui hai phần nhe, để bà “chằn lửa” của tui được lắng nghe lời chỉ giáo cực kỳ hữu lý của chị.
Đời mà nịnh đầm một chút đi… để có ăn miễn phí là tui làm hè! Ngu gì mà giỡn vô duyên, chọc quê con vợ hiền của mình là: “Con Hà Mã dấu yêu của anh chớ?”
Đoàn xuân thu
Melbourne
No comments:
Post a Comment