Thursday, September 14, 2017

Mười thang thuốc bổ!


Đoàn xuân thu

Image result for smile photo


Thưa chữ có câu rằng: “Nụ cười mười thang thuốc bổ/ Không biết cười là lỗ mười thang!”

Nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn ta cũng nên tìm được khía cạnh tích cực của cuộc đời để mà cười. “Hạnh phúc đời bạn ảnh hưởng rất sâu xa do trạng thái tinh thần của bạn” đó nhe!
Bởi sống quá kiểu cách, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói một cách thái quá, lúc nào cũng như đăng đàn đọc diễn văn: mở miệng ra là kính thưa dù cử tọa không có tội tình gì hết ráo mà cứ đòi ‘thưa’ người ta hoài hè!
Làm như vậy chẳng khác nào mình tự tra tấn mình. Tra tấn thì phải đau! Mà đau sẽ làm mặt nhăn như con khỉ đột; vì da mặt sẽ xếp li, ủi cách nào cũng không thẳng thớm lại cho được. Khuôn mặt khó đăm đăm như ai đau khổ vì bịnh trĩ, sẽ hằn sâu dấu vết mệt mỏi, dấu hiệu áp lực đè nặng của cuộc đời.
Y học cũng chứng minh rằng: Khiếu hài hước vô cùng hữu ích cho sức khỏe. Nếu vui vẻ, quý ông anh mình sẽ trông rất trẻ; vì giảm căng thẳng cho bản thân và con vợ với một bầy con lủ khủ không phải gánh đủ cái cảnh quạu quọ, mắng chó chửi mèo; tất tụi nó cũng vui lây. Gia đình thêm hạnh phúc!
Đừng cãi vã mà chi hỏng có lợi gì đâu như chuyện vui “Người thắng cuộc là…”
Một ông bố vừa trúng thưởng một món đồ chơi ở Hội Chợ, bèn xách về nhà. Xong tụ họp 5 con lại, coi đứa nào xứng đáng với món đồ chơi nầy?!
Bố hỏi: “Đứa nào dễ dạy nhứt? Luôn luôn làm theo lời của Mẹ mà không dám cãi lại bao giờ?”
Năm đứa con xúm lại, trao đổi ý kiến một lúc. Xong: “Okay! Daddy! Bố rất xứng đáng giữ món đồ chơi nầy!”
Con vợ mình mà nó nghe chuyện nầy rồi tui bảo đảm với quý ông anh là nó sẽ cười bò lăn, bò càng ra đất mà quên mất cái vụ nấu cơm để chiều nay Tía con mình đành nhịn đói cho coi nhe!
Nhưng nếu đám con mình đói bụng mà khóc tỉ ti “Mẹ ơi! Mẹ hỡi Mẹ đi đường nào?” trong lúc bố con bụng sôi ồn ột chờ em yêu đi chợ về thì mình kể cho nó câu chuyện nầy đi bảo đảm nghe xong sắp nhỏ sẽ cười ‘hi hi, híc híc’ mà quên luôn cơn đói!
Một con muỗi còn bé ngày đầu tiên bay ra khỏi nhà. Chiều con muỗi con bay trở về. Muỗi bố hỏi: “Sao chuyến bay khỏi nhà lần đầu như thế nào?”
Con muỗi con đáp lại: “Thật là tuyệt! Người nào thấy con cũng đều vỗ tay hoan hô con hết ráo!”
Quẳng gánh lo đi! Cười lên mà vui sống! Cái bí quyết hay nhứt là hãy cư xử như một đứa trẻ thơ. Sống như Lão Ngoan Đồng trong truyện võ hiệp của Kim Dung vậy.
Tuy là một nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết võ hiệp, nhưng không phải do tác giả Kim Dung hư cấu 100% đâu; mà là một nhân vật có thật trong lịch sử của Chú Ba Tàu. Chu Bá Thông dù già háp, đầu sói sọi, râu bạc phơ nhưng tính tình ngây thơ, khoái giỡn chơi như con nít vậy!
Sống như con nít! Tại sao không? Vì trẻ con rất thành thật và chấp nhận người khác không phán xét, phê bình, chê bai, chửi bới gì ai ráo trọi.
Trẻ con không để ý tới màu da sắc tộc; nghĩa là chúng không kỳ thị bao giờ.
Như thằng cháu nội của tui nè! Nó đi nhà trẻ mà Úc trắng, Úc đen, Ấn Độ, Tàu, Việt Nam… nó đều chơi hết ráo.
Nó không quan tâm cái vụ nhà mầy lớn nhà mầy cao sao bằng nhà tao! Hay xe mầy đẹp mà thường hay xẹp… bánh chẳng hạn.
Nó chỉ khoái chơi ‘cút bắt’ như câu truyện dưới đây: Ông boss lớn của một công ty cần một nhân viên đến gấp để sửa những trục trặc về hệ thống kết nối máy tính của của công ty.
Ông gọi điện thoại cho một chuyên viên về vi tính của công ty và nghe trên đường dây, giọng một đứa trẻ con thì thào trả lời nhẹ như gió thoảng: “Hello!”
“Có Tía ở nhà không cháu?” Giọng trả lời thì thào nhẹ như gió thoảng: “Có ạ!”
“Cho bác nói chuyệnvới Tía cháu đi!” Thằng bé trả lời: “Không được!”
Sao kỳ vầy cà? “Vậy có Má ở nhà không cháu?” “Có ạ!”
“Cho bác nói chuyện với Má của cháu đi!” “Không được!”
“Vậy thì còn có ai khác quanh cháu không cho bác nói chuyện với họ đi!” “Dạ có! Cảnh sát!”
Ủa sao lại có mặt Cảnh sát ở đây nữa vậy cà? Chắc chuyện gì nghiêm trọng lắm đây!
“Cho bác nói chuyện với Cảnh sát đi!” Lại giọng thằng bé thì thào nhẹ như gió thoảng: “Không được! Cảnh sát đang bận lắm!”
“Bận làm gì vậy hả cháu?” Lại giọng thằng bé thì thào nhẹ như gió thoảng: “Cảnh sát bận nói chuyện với nhân viên cứu hỏa!”
Rồi ông boss nghe tiếng máy bay trực thăng bay vần vũ, tiếng cánh quạt phầm phập lan tới ống nghe.
“Có phải là tiếng trực thăng bay không cháu?” “Dạ phải.”
Ối giời đất ơi! Chuyện gì đang xảy ra ở đó vậy? Tại sao các lực lượng khẩn cấp đều có mặt cùng một lúc?”
Thằng bé giọng cũng rất thì thào nhẹ như gió thoảng: “Họ đang tìm cháu!”
Còn nếu không sống như trẻ con được thì hãy bắt chước giống như một người tối nay ta chìm trong cơn say nên vui quá tay như câu chuyện “Từ tâm” dưới đây: “Một ông đang nằm trên giường với vợ thì nghe tiếng khỏ cửa. Lồm cồm ngồi dậy. Đồng hồ chỉ 3 giờ 30 phút sáng. “Tui không ra khỏi giường vào giờ nầy đâu!”
Rồi tiếng khỏ cửa lớn hơn. Con vợ nói: “Anh không chịu đi mở cửa hả?!”
Cực chẳng đã ông mới bước xuống lầu. Mở cửa ra, thấy một trự có vẻ đã quá sỉn, quá say, trên tay cầm một cái đèn pin, y lè nhè hỏi: “Ông có thể đẩy dùm tôi một lát được không?”
Bị phá giấc ngủ, quạu quọ, ông nạt: “Cút mẹ mầy đi! Mới có 3 giờ rưỡi sáng hè. Tao đang ngủ!”Xong ông đóng cửa lại nghe một cái rầm thiếu điều làm sập luôn cái nhà!
Leo lên lầu, kể lại cho vợ nghe khúc nôi câu chuyện; con vợ không thông cảm lại lên mặt, giảng ‘moral’ như vầy: “Anh thiệt là ích kỷ à nha! Hỏng nhớ tháng rồi, đêm trời mưa như trút nước, trên đường đi đón con mà xe mình giữa chừng chết máy hay không?
Anh phải khõ cửa nhà người ta nhờ một ông ra đẩy tiếp, xe mình mới chịu khởi động lại đó! Nếu ông ấy cũng ích kỷ như anh kiểu: “Cút mẹ mầy đi!” Thì mình gặp rắc rối to rồi đó nhớ hông?”
Ông chống chế: “Nhưng thằng cha nầy nó xỉn quá xá quà xa rồi mà!”
“Thì đã sao nè! Khi người ta cần giúp đỡ thì một con người có lòng từ tâm là phải giúp người ta thôi!”
Nghe vậy, ông chồng lại lồm cồm bò ra khỏi giường, mặc quần áo vào, xuống lầu mở cửa nhưng không thấy thằng cha quá xỉn ở đâu, bèn gọi vọng ra:
“Nè ông bạn! Có còn cần tôi tiếp đẩy một tay nữa hay không?” Thì có tiếng trả lời: “Dà! Cần quá đi chớ!”
“Nhưng ông đang ở đâu?” “Đây nè! Tui đang ngồi trên cái xích đu nè!”
Vậy đó! Cư xử như con nít hoặc một tay ưa say sỉn suốt ngày không bao giờ tỉnh đều vui vẻ cả làng hết ráo; nhớ đừng tính toán chi li như ông nầy đây mà chi cho nó nhức đầu, lên tăng xông rồi nhồi máu cơ tim bất tử nhe!
Chuyện rằng: Một ông già thích đi câu, viết email, đặt hàng giao tại nhà cho mình là: “Vui lòng gởi cho tôi một cái máy tàu chạy dầu cho chiếc thuyền câu của tui, y như quảng cáo của mấy ông đăng ở trang số 35! Nếu cái máy không có gì rắc rối tôi sẽ gởi chi phiếu đến cho quý ông!”
Một lúc sau ông nhận được trả lời là: “Xin gởi cho chúng tôi chi phiếu trước; nếu nó không có gì rắc rối, chúng tôi sẽ gởi cái máy dầu đến cho ông nhé!”
Và cũng đừng tìm cách ăn miếng trả miếng như vợ của ông nầy mà lượng đường trong máu vượt khỏi tầm kiểm soát lại khổ cho cái thân già.
“Lựa hàng trong siêu thị xong, em yêu đến quầy thâu ngân để trả tiền.
Lúc lục tung cái túi xách của mình mang theo, em để lộ cái bộ điều khiển từ xa của cái máy truyền hình!
Cô thâu ngân hơi ngạc nhiên hỏi: “Bộ lần nào đi chợ bà cũng mang theo cái điều khiển từ xa của TV hết ráo hay sao?”
“Đâu có! Chẳng qua bữa nay tui kêu ổng chở tui đi chợ. Ổng không chịu… nên tui trả thù bằng cách mang nó theo vậy mà!”
Phần em tính chơi mình là vậy. Còn với em mình cũng nên từ bi hỷ xả mỗi lần đi họp mặt với bạn bè trường cũ, lỡ nhậu cưng cửng đành nhờ em làm tài xế đưa về kẻo cảnh sát chặn lại thổi rượu bất tử là mất cái bằng!
Dẫu em yêu có điều khiển chiếc Mercedes, mới mua trả góp của mình, có kinh hoàng đến thế nào thì cũng đừng nên mở miệng chê bai mà chi kẻo làm em giận…
Chỉ cần kể cho em nghe câu chuyện nầy nè: “Tôi không biết là tôi tài xế lái xe tệ hại đến chừng nào khi cái bộ phận chỉ đường trong xe báo rằng: “Chạy 500 mét nữa, quẹo phải, dừng lại và cho tôi ra khỏi xe đi!”
Còn phần mấy em đừng nên để bụng châm chọc mà chi khi anh lỡ không thuộc bài… Dù trong lòng có bức bối và tức tối vì thằng chả làm ăn dở như hạch, thì xin mấy em hãy vui lên, cười lên khi đọc câu chuyện nầy:
“Một nàng gặp chàng ở quán rượu. Nhậu nhẹt xong nàng mời chàng về nhà của mình. Uống thêm vài chai nữa. Chàng cởi áo ra và đi rửa tay.
Em nhìn và nói: “Chắc anh là nha sĩ!” Anh hơi ngạc nhiên hỏi lại: “Sao em biết?” “Dễ ợt hè! Vì em thấy anh rửa tay luôn!”
Màn chót là hai đứa leo lên giường, hợp ca bản con đường tình ta đi.
Xong xả, em nhất định cả quyết: “Anh đúng là một nha sĩ mà!”
Lần nầy thì anh chàng, gật đầu xác nhận: “Đúng! Anh là một nha sĩ thứ thiệt.” Nhưng cách nào giúp em khám phá ra ngay chóc vậy?
“Vì em không có cảm giác gì hết trơn hết trọi hè!”
Thế đấy, đọc xong bài nầy, xin quý em yêu hãy ráng cười lên đi! “Cười lên đi em ơi! Cười lên để giấu dòng lệ rơi!”
Đoàn xuân thu
Melbourne

No comments:

Blog Archive