Rước Má lên kiệu.
Buồng chuối còn xanh.
***
Góc sân sau nhà tôi có một bụi chuối sứ. Cây chuối mẹ là do em tôi cùng cô học trò của nó đã hì hụi đào, bươi, kéo, khiêng đem về cho tôi, khoảng 7 năm trước.
Cây chuối dài cả sải tay đó tôi xuống đất, sống lớn mạnh, cao khỏi nóc nhà mấy thước. Tới mấy năm sau cây vẫn im ru, chưa thấy có trái gì hết, lá nào cũng bị gió tước cho tơi tả. Nhìn cây lá héo queo buồn ủ rũ tôi bèn cưa ngang gốc sau khi có vài cây con nhú lên xung quanh. Tôi định bụng, chuối nầy chắc là chuối kiểng, vậy mình bỏ cây lớn, nuôi cây con, cùng với hai cây đu đủ và dàn bông giấy đỏ ối để làm cảnh, vừa đẹp cái sân vừa có màu sắc quê hương.
Thế nhưng, hai năm sau, cây chuối con lớn nhất lại trổ ra buồng. Buồng chuối thật lạ, nó có hồi nào mình không hay. Chẳng là, một hôm tưới cây, nhìn cây chuối bắt đầu có vẻ ủ rũ như cây mẹ lúc trước, tôi định bụng, không ra trái thì chắc phải đốn bỏ, dẹp luôn cho rồi vì bụi chuối lấn đất và hao nước quá đi. Vài hôm sau ra thăm thì bỗng dưng tôi thấy cái gì đó màu đỏ tím từ ngọn thòng xuống. Nhìn kỹ thì là cái bắp chuối. Ối trời! vậy là cây chuối có trái rồi. Về sau, có kinh nghiệm, tôi cứ ngắm cái đọt của mấy cây kia, khi thấy lá chuối từ ngọn u u bự ra ở cuống thì là nó trổ bắp đó, vài ngày sau là cái bắp chuối sẽ từ từ thòng xuống, rồi từng lớp từng lớp nải chuối sẽ bung ra.
Nghe người ta thường ngâm:
Mẹ già như chuối chín câyGió lay mẹ rụng con rày mồ côi...
Mùa Vu Lan năm nay, 2017, cây chuối nhà tôi có một buồng chuối, đếm được 12 nải.
Chuối trên cây nhà tôi xanh rất là lâu, cứ xanh hoài...
*
Tết năm 2005 tôi viết bài Má Tôi Năm Nay 80 tuổi để mừng má tôi sống thọ. Giữa năm đó Má tôi thường than mệt, chị em tôi lại sợ...
Má có hai chứng bịnh lâu năm, ăn không tiêu, đau bụng và hay bị xỉu. Khi có chuyện lo lắng buồn phiền thì má xỉu. Lâu lâu bị đau bụng như trúng gió cũng xỉu. Hễ ăn xong phải nằm nghỉ một chút thì mới tiêu. Năm đó thấy Má lên cân nhiều, cái bụng phình lên. Sợ quá đưa Má đi chụp hình mới rõ, Má có một cái bướu bẩm sinh, bây giờ càng ngày càng lớn và chận ngang đường xuống ruột. Bác sĩ khuyên phải lấy bướu ra. Ban đầu có hơi sợ, Má nói thôi Má cũng già rồi, mổ xẻ làm chi. Chúng tôi đồng thanh, bây giờ người ta sống thọ lắm, ở đây bác sĩ nhà thương giỏi nhứt thế giới mà, chẳng lẽ Má cứ nuôi bịnh hoài sao?
Thế là, Má chịu, sợ gì. Sau khi mổ xong bác sĩ cho biết bây giờ cái bao tử của Má tôi chỉ còn có một phần ba mà thôi, ăn uống phải từ từ và thật là ít. Bác sĩ cho tôi coi mấy tấm hình, trước và sau khi mổ. Lạ quá, cái bao tử cắt rời ra khỏi bụng, để nằm trong cái khay trên bàn, trước khi mổ thì có cái bướu bự tổ chảng, kích cỡ bằng nắm tay ông bác sĩ. Tấm hình sau khi mổ, ông nói đã cắt sạch hết bướu, may lại, bao tử còn bằng như trái chuối già hương, nhỏ xíu.
Từ đó Má ăn rất ít và sụt cân lần lần, bụng xẹp xuống thấy rõ.
Năm 2010, một hôm nghe Má nói cũng còn bị mệt hoài, cứ muốn xỉu, tôi chạy qua thăm. Tôi nghĩ, Má bị mệt vì ít vận động, vậy tôi dìu Má đi loanh quanh trong xóm cho giãn gân cốt. Hai mẹ con đang đi thì Má tôi tự dưng ngã quỵ xuống, bất tỉnh nhân sự. Đang ở ngoài đường, không mang theo cái điện thoại di động, sợ quá, bối rối, hớt hải, nhớn nhác ngó quanh, tôi gào lên HELP HELP... may thay, có mấy người đang cắt cỏ gần đó, hiểu chuyện liền rút điện thoại ra gọi 911...
Dù mất bình tĩnh nhưng không quên khóa huấn luyện về cấp cứu trong sở nên tôi xem xét, má còn thở, tim còn đập, chỉ là xỉu thôi. Tôi đỡ hai chân má cao hơn đầu cho máu chảy lên não.
Má tôi nằm trên cỏ, da tái nhợt màu xám xanh, hai mắt nhắm nghiền, hàm răng giả sút ra, rớt xuống, lòng tôi quặn thắt, xót xa.
Tôi ngồi đó nhìn mẹ, không dám để cho nước mắt ứa ra.
Chỉ vài phút sau, nghe rú còi inh ỏi, 3 chiếc xe, cứu thương, cảnh sát và chữa lửa chạy tới thắng cái rụp. Hai ba người nhảy xuống khỏi xe chạy tới. Tôi mừng quá, có nhân viên chuyên môn, bớt lo rồi.
Má tôi tỉnh lại. Sau phần xem xét nhịp tim, đặt ống thở, họ ràng má tôi vô băng ca khiêng lên xe. Mọi sự làm cái vù rụp rụp, tôi chạy theo hụt hơi.
Tới nhà thương, họ đưa Má vô phòng khám liền và cho biết Má tôi bị bịnh tim, cần nằm lại để điều trị.
Mấy chị em nghe tin lần lượt vô thăm, bàn cãi, ăn năn, hối hận. Tại sao lúc trước Má hay xỉu thì đổ cho là bị trúng gió, tại sao không đưa Má đi khám bịnh thường xuyên, tại sao không dìu má đi bộ hàng ngày…bao nhiêu là cái tại sao, tại sao…với những khuôn mặt lo âu và có lỗi.
Sau cùng, bác sĩ chuyên về tim cho biết Má tôi cần đặt cái pace maker (máy trợ tim) vì tim má rất yếu cho nên cứ làm Má xỉu hoài. Cái máy trợ tim ấy có nhiệm vụ nhảy vô can thiệp, khi tim Má gần như ngừng đập thì máy sẽ kích hoạt, hỗ trợ cho nhịp tim đều lại.
Ngồi ngoài phòng đợi tôi miên man nghĩ ngợi.
Sau bài viết duy nhứt “Thăm Xứ Đạo Amish” giải thưởng Viết Về Nước Mỹ, Má tôi được vô Chung Kết vào năm 2007, chúng tôi xúi Má viết thêm. Thế là má viết nhựt ký. Viết rồi để đó vì tay đã yếu rồi, cầm cây viết không vững nữa, cho nên, gặp con cháu Má thích kể chuyện hơn. Tôi vẫn còn giữ tập nhựt ký ấy vì chữ Má vừa nhỏ vừa khó đọc, tôi lại làm biếng đánh máy lại!
Có nhiều chuyện nghe lặp lại nhiều lần đâm chán, tôi gom lại nhét vô cho lắng đọng một góc nào đó trong đầu. Khi ngồi đợi má đang giải phẫu, ráng kềm cho lòng bớt bồn chồn, tôi từ từ lôi ra những chuyện đời xưa của Má.
Thường thì, khi đám con nhắc về Ba tôi thì mới thấy Má vui còn đa phần Má tôi hay buồn giận. Buồn giận ai chuyện gì thì nhớ dai lắm. Và thù ai thì khỏi chê, chẳng hạn như thù Việt Cộng. Má kể rằng, hồi nhỏ Má sống với ông bà ngoại trên chiếc ghe chài, người ta gọi là ghe thương hồ, buôn bán xuôi ngược trên sông. Từ Cần Thơ ông bà ngoại vô vườn đặt mua cả hàng cây ăn trái, xuống rẫy cũng mua luôn cả rẫy, mùa nào thức nấy, chở lên Sài Gòn bán và ngược lại, đem những thứ Cần Thơ không có về bán. Sống như vậy cho tới khi má bị bịnh thường té xỉu nên ông ngoại sợ mới lên bờ cất nhà gần chợ Châu Đốc và sống luôn trên bờ, mở một vựa bán lá trầu, rau cải, trái cây ngoài chợ.
Thì ra, bịnh tim nầy Má đã bị từ nhỏ. Trời đất ơi! nghe lỗ tai bên nầy cho lọt qua bên kia, không để ý đưa má đi khám tim, để đến bây giờ bịnh tim nặng thêm. Chúng tôi quá sức vô tâm…
Khi ông bà qua đời, có một thời gian Má sống với người bà con, hàng ngày thấy ông chồng ngồi ăn cơm, vợ đứng hầu rồi ăn sau, cơm thừa canh cặn dưới bếp. Khi vợ làm gì không vừa ý thì ông chồng cầm roi quất tưới lên đầu. Khi lấy Ba tôi là công chức, đối xử mềm mỏng, không bao giờ chửi thề, không bao giờ thượng cẳng chân hạ cẳng tay tới vợ con cho nên đối với Má, Ba tôi là Số Một trên đời.
Má tôi có tật bất công, Má chỉ thương đám con gái và thằng con trai, dâu và rể thì cũng thương nhưng ít hơn nhiều.
Đám cháu nội ngoại, đứa nào được Má giữ thì tiếng Việt rành, nói giỏi một cây, có khi hiểu luôn cả câu bóng gió. Về công lao này, chị em tôi biết ơn Má vô cùng.
*
Cuộc giải phẫu kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ. Khi y tá đẩy Má ra, nhìn gương mặt tái xanh hốc hác của Má, chị em tôi bật khóc.
Về bịnh bao tử thì không nói làm gì vì là tật bẩm sinh, bướu lớn theo thời gian. Bịnh tim, với cuộc đời thăng trầm đầy gian khổ của Má, không nặng thêm mới là lạ.
Má góa chồng năm 42 tuổi, phải cố gắng làm việc để sinh sống, Má đã lướt qua mọi cơn đau.
Ngày ấy, ngoài chị tôi đã có chồng con, tôi cũng 20, má còn 6 đứa con đang tuổi đi học và đứa nhỏ nhất mới có 3 tuổi thôi. Ngơ ngác! Nghèo từ thuở về với chồng, nghèo dẫn tới khi có tám mặt con. Làm sao đây? Với số lương Quốc Gia Nghĩa Tử của ba, được bao nhiêu? Trong khi một tháng thì dài đằng đẵng, sống làm sao khi một tạ gạo trên một ngàn đồng Việt Nam hồi đó? Thế là má tôi phải ra lề đường, trên miếng ny lông có túm quần áo trẻ con, dang nắng dầm mưa kiếm từng đồng lời. Vừa bán vừa canh chừng, hễ cảnh sát rượt thì chạy. Cứ thế đó, sống qua ngày cho tới khi Má túm đám con thơ chen lên được chiếc máy bay qua Mỹ, ngày 28 tháng Tư năm 1975.
Má tôi, một người đàn bà gầy ốm, thương con, lo cho con, tinh thần phải trở nên can cường, sức chịu đựng phải mạnh mẽ, dẻo dai. Ngồi trong hãng may, triền miên may từng tấm trải giường, mền, gối, khăn, màn... ngày hơn tám tiếng, làm hơn hai chục năm.
Những năm tháng ấy chẳng bao giờ nghe Má tôi than van nửa lời! Cũng chưa từng đi chụp quang tuyến gan ruột phèo phổi gì hết.
Khi cháu nội ngoại ngày càng đông, chị em tôi phải đi làm thì Má tôi trở thành người giữ cháu thêm cả chục năm nữa, từ trên bảy mươi cho tới tám mươi mấy mới ngưng. Má giúp và làm bao nhiêu chuyện cho chúng tôi trong khi tám chị em tôi, có đứa nào làm được điều gì cho Má chưa?
Nghĩ tới mà thấy mình bất hiếu quá.
*
Tôi có đứa em út đang sống gần Lake Tahoe. Má tôi có niềm vui và hạnh phúc là đi chơi chung với hết thảy mấy đứa con. Mấy năm gần đây, mỗi năm ít nhất một lần chúng tôi đưa Má lên thăm nó. Như năm rồi, mấy chị em đã xúm nhau, hai đứa nhỏ nhất khớp cánh tay nhau làm cái kiệu như hồi nhỏ hay chơi, khiêng Má lên. Chụp hình thấy sau lưng Má là rừng thông cổ thụ, tượng trưng cho tuổi thọ, lá thông đùa reo trong nắng, vui như tiếng cười của Má.
Lần nào lên thì Má cũng nhắc, ghé qua thành phố Reno, tiểu bang Nevada, sát biên giới California để thăm lại ngôi nhà xưa, nơi cả nhà đã sống chung với nhau khi mới qua Mỹ, tháng 5 năm 1975. Chúng tôi cũng đã đưa má về Việt Nam thăm lại ngôi nhà kỷ niệm hồi Ba tôi còn sống ở cư xá Phú Lâm A.
Má tôi không quên mình từ đâu tới và luôn nhớ cái lúc mới qua.
Bây giờ chắc Má cũng hài lòng lắm rồi. Hy vọng đưa Má đi thêm chuyến nữa, qua Texas thăm nhỏ em kế. Má muốn đi bằng xe lửa cho biết và để mấy chị em có dịp đi chơi ké.
Mùa Vu Lan năm nay, 2017, tám chị em chúng tôi vẫn còn có phước, được vinh hạnh và cảm xúc, gắn cái bông hồng trên áo. Nhờ thuốc men, với cái bao tử bằng trái chuối cau, trái tim đập đều bằng cái máy trợ tim, tới bây giờ, khoan khoan, Má tôi chưa là “chuối chín cây.”
Cầu ơn trên, cho buồng chuối còn xanh lâu, cho tám chị em chúng tôi được làm kiệu khiêng Má tôi lên, cho Má cười tươi và được sung sướng gắn cái bông hồng lên áo thêm nhiều nhiều nhiều năm nữa./.
Trương Ngọc Bảo Xuân
No comments:
Post a Comment