Friday, September 29, 2017

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 166

“The Vietnam War”,
một bộ phim đồ sộ… rỗng tuếch?


Sáu mươi hai năm (1955-2017) sau khi can thiệp vào cuộc tranh chấp tại Việt Nam, người Mỹ vẫn chưa hiểu tại sao Hoa Kỳ đã có mặt tại đó, và tiếp tục tranh cãi, tiếp tục tìm cách giải thích.

Bộ phim “The Vietnam War” đang được chiếu ở nhiều nơi, và được nhiều người nói tới, là cố gắng mới nhất của người Mỹ để giải thích và rút tỉa bài học từ cuộc chiến gây nhiều chia rẽ và tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Bộ phim này dài tới 18 giờ chiếu, gồm 10 đoạn, mỗi đoạn có tựa đề riêng. Một bộ phim đồ sộ. Giám đốc sản xuất là Ken Burns, cùng với người cộng sự Lynn Novick, đã tới Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới để làm phim và phỏng vấn 84 nhân chứng ở mọi phía. Khoảng 20 sử gia và học giả đã hợp tác làm bộ phim. Hơn 25 ngàn bức ảnh vô số tài liệu được sử dụng lần đầu.

Bộ phim được mở đầu với Đoạn  “Déjà Vu”, đã lội ngược dòng lịch sử Việt Nam từ khi Pháp chiếm Việt Nam (1858) tới năm 1961, khi ông Ngô Đình Diệm thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền Nam VN với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ.

Đoạn 2, “Riding the Tiger”, (1961-1963).
Đoạn 3, “The River Styx”, (01/1964-12/1965).
Đoạn 4, “Resolve”, (01/1966-06/1967).
Đoạn 5, “This Is What We Do”, (07/1967-12/1967).
Đoạn 6, “Things Fall Apart”, (01/1968-05/1968).
Đoạn 7, “The Veneer of Civilization”, (06/1968-05/1969).
Đoạn 8, “The History of the World”, (04/1969-05/1970).
Đoạn 9, “A Disrespectful Loyalty”, (05/1970-03/1973).
Đoạn 10, “The Weight of Memory”, (03/1973-về sau).

Mặc dù chưa xem cả 10 đoạn, khán giả người Việt cũng không thấy có gì mới lạ, so với bộ phim “Vietnam: A Television History” hơn 30 năm trước, dài 13 giờ chiếu, cũng do PBS sản xuất, mà một người Mỹ lương thiện, Tiến sĩ James Banerian, đã phải viết cuốn sách hơn 300 trang, cuốn “Losers are Pirates” (Thua Là Giặc), để phản bác, nêu ra những điều gian trá của bộ phim được gọi là “lịch sử”.

“The Vietnam War” mới khởi chiếu vào giữa tháng 9 trên PBS, vài nước Âu Châu, và đưa lên mạng. Cho tới nay đã có vàiý kiến được nói lên.

“42 năm qua, nhà làm phim về chiến tranh Việt Nam vẫn có cái nhìn lệch lạc, không nói lên đúng diễn tiến của lịch sử. Tuy họ thiếu trung thực, nhưng chúng ta vẫn phải ngả mũ kính trọng và cảm ơn những người lính Mỹ và người lính VNCH đã sát cánh hy sinh mạng sống của mình báo vệ tự do cho thế giới và Miền Nam Việt Nam. ‘The Việt Nam War’ đã không đề cập đến Lập Pháp Hoa Kỳ đã trói tay Hành Pháp, để nước Mỹ mang tiếng phản bội đồng minh, tạo tiếng xấu cho quân đội Mỹ là đã thất bại ở Việt Nam.” (Đinh Hùng Cường)

“Đây là bộ phim phản ảnh một phía, trình bày phân nửa sự thật, không xứng đáng bỏ thời giờ xem.” (Nguyễn Ngọc Sẵng)

“The Vietnam War không là bộ phim ‘one size fits all’. Nó dành cho tất cả nhưng không thỏa mãn được tất cả. Bởi vì, cuộc chiến đã để lại một gánh nặng tâm lý cực kỳ khủng khiếp. Nó chạm đến tổn thương lẫn kiêu hãnh. Nó khơi gợi vinh quang và nhục nhã, và sự lẫn lộn giữa vinh quang và nhục nhã. Nó dắt người ta đến ranh giới của đúng và sai, và sự lẫn lộn của đúng và sai. Chỉ bước thêm một bước nhỏ qua lằn ranh, người ta sẽ thấy họ dường như đã sai mà khi lùi lại thì họ lại thấy như là mình đúng. Cái tâm lý đó đè nặng lên lương tri đối với những người có lương tri khi nhìn lại ý nghĩa của việc tham chiến, và với cả những kẻ hậu thế quan sát cuộc chiến như một phần di sản khốc liệt của dân tộc.” (Mạnh Kim)

Thật ra, “The Vietnam War” là một bộ phim do người Mỹ làm cho khán giả người  Mỹ xem để cố “giải ảo”, cố làm ra vẻ khách quan, trung thực, đã đem vào phim thật nhiều chi tiết, thật nhiều nhân chứng, kể cả những chi tiết không cần thiết và vô giá trị như những khúc phim “tài liệu” do CSBV thực hiện với mục đích tuyên truyền, những nhân chứng vô danh ở mọi phía nói những câu tầm thường, vô nghĩa.

Năm ngày trước khi PBS chiếu đoạn mở đầu của “The Vietnam War”, nhật báo Washington Times có đăng một bài của Eric Althoff viết về bộ phim này, trong đó Burns đã nói như sau:

“Điều mà chúng tôi đã bỏ ra mười năm nay để làm là đào xới, khai quật toàn bộ câu chuyện về Việt Nam, do đó chúng tôi đã nhận ra rằng nhiều sự thật có thể cùng hiện hữu. Dù là một anh lính chiến Mỹ tin tưởng nhiệt thành vào sứ mạng của mình, hay người lính không tin điều đó nhưng đã đi (tham chiến) là vì bị động viên, hay những người ở nhà tranh cãi về sự khôn ngoan và đạo đức của Hòa Kỳ trong việc can dự vào một cuộc tranh chấp ở phương xa như vậy.

“Nếu anh biết ngay từ lúc khởi đầu (can dự vào cuộc chiến ấy) là sai và anh nói như thế, có chỗ cho anh trong bộ phim này. Nếu anh nghĩ chúng ta vẫn nên ở lại đó chiến đấu chống lại cộng sản, cũng có chỗ cho anh trong bộ phim của chúng tôi.”

Vì chủ trương như vậy nên bộ phim của Burns và Novick là một tổng hợp hổ lốn của đủ mọi thứ, kể cả những thứ chỉ đáng vứt vào sọt rác, trong đó có những sản phẩm của truyền thông Mỹ mà ngày nay đã bị buộc tội là thủ phạm đã gây ra cái chết của Tự Do tại Việt Nam năm 1975, chứ không phải vì Hoa Kỳ đã sai lầm, hay vì Quân đội VNCH “không chịu chiến đấu”, hay vì cộng sản VN có chính nghĩa và chiến đấu ngoan cường tài giỏi dưới sự thống lãnh của “thiên tài quân sự” Võ Nguyên Giáp (như đã được báo chí phương Tây tôn vinh).

Burns đã biện hộ cho truyền thông dòng chính Mỹ rằng trong khi nhãn hiệu “tin ngụy tạo” (fake news) được dán một cách dễ dàng cho những câu chuyện mà người tiêu thụ không thích, “tôi tin rằng Chiến Tranh Việt Nam  là ‘giờ đẹp nhất’ (finest hour) của truyền thông (Mỹ) khi họ đã dứt khoát giúp công chúng Mỹ biết chuyện gì đang diễn ra ở nơi cách xa nửa vòng thế giới.”

“Chúng ta gọi là ‘tin ngụy tạo’ những gì chúng ta không đồng ý với nhưng đó lại là sự thật. Chúng tôi không muốn nói rằng chúng ta sẽ sửa đổi ngày tháng của cuộc Tổng công kích Tết (Mậu Thân); đó có lẽ là ‘tin ngụy tạo’.

“Chúng ta sống trong một nền văn hóa truyền thông cặp đôi luôn luôn là trạng thái đỏ/trạng thái xanh,  và nếu chúng ta không thể thoát ra khỏi điều đó, chúng ta không thể là một quốc gia.”

Phải chăng Burns muốn nói về sự chia rẽ trong công luận Mỹ và ông ta cùng với Novick muốn cống hiến một bộ phim mà từ đó công luận Mỹ sẽ rút tỉa được những bài học về cuộc chiến tại Việt Nam?

Vậy thì những bài học nào đã được rút tỉa từ bộ phim được gọi là tài liệu (documentary) của Burns và Novick? Burns nói:

“Chúng ta có thể rút tỉa những bài học từ cuộc chiến ấy trong nhiều cách tích cực bằng học hỏi làm cách nào để nói chuyện với nhau và để đừng nói người khác là sai. Khi bạn đối xử với người khác một cách tôn kính, bạn có khả năng thoát ra khỏi sự đơn giản của ý niệm ai đúng ai sai, ai phải ai trái.”

“Ngay cả vào năm 1965, những người chống đối (tại Mỹ) đã viết trên biểu ngữ “Hãy đưa lính Mỹ về nhà!” (Bring the GIs homes). Đã có những khu vực riêng biệt cho sự phản đối, đặc biệt là sau vụ Mỹ Lai. Và vì vậy chúng ta đã tin rằng mọi người lính (khi trở về) đều bị phun nước bọt, mọi người lính đều bị gọi là ‘tên giết trẻ em’ (baby killer), và sự thật điều ấy đã không xảy ra.”

Burns và Novick hy vọng bộ phim của họ sẽ giúp dân Mỹ sớm hàn gắn vết thương Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra một cách chậm chạp.

Nhiều người không tin như vậy, nhưng không thể không đồng ý với Burns: “Chúng ta học được một điều từ cuộc chiến Việt Nam. Sẽ không bao giờ nữa chúng ta buộc tội những chiến binh của chúng ta.”

Vậy thì buộc tội ai trong bi kịch Việt Nam?

Thật ra, trong những bên tham dự vào cuộc Chiến tranh Việt Nam (1960-1975) chỉ có Hoa Kỳ là chia rẽ và tranh cãi, thậm chí kéo dài cho tới hơn nửa thế kỷ sau cũng chưa biết tới bao giờ mới chấm dứt.

Cộng sản Việt Nam, kẻ đã xua quân xâm lược Việt Nam Cộng Hòa gây ra cuộc chiến tranh tại miền Nam VN không chia rẽ, tranh cãi. Hay không thể chia rẽ, tranh cãi dưới một chế độ cộng sản, độc tài đảng trị.

Việt Nam Cộng Hòa (một quốc gia có chủ quyền, được hơn 100 nước nhìn nhận), nạn nhân của cuộc xâm lăng do CSBV phát động, cũng không chia rẽ, tranh cãi. Trong cuộc chiến đấu tự vệ, VNCH đã phải chống lại hai mặt trận: mặt trận quân sự mặt trận hậu phương với sự quấy rối do CSBV xúi dục, giật dây.

Có một điệp khúc bất công thường được nghe tại Mỹ là “Quân đội VNCH không chịu chiến đấu”. “Không chịu chiến đấu” mà số lính tử trận của QLVNCH gấp sáu lần Quân đội Mỹ, chưa kể gần hai triệu thương binh, và quân đội ấy đã chiến đấu để bảo vệ miền Nam VN trong suốt 20 năm, mười năm trước khi quân Mỹ tham chiến (1955-1965) và tiếp tục chiến đấu sau khi quân Mỹ rút về nước và bị cúp viện trợ.

Tiến sĩ James Banerian có lý khi đặt tên cho cuốn sách của ông là “Losers Are Pirates” để bênh vực VNCH và Quân đội VNCH, chống lại bộ phim “Vietnam: A Television History” hơn 30 năm trước. Bên chiến bại đã bị gán cho đủ thứ tội, kể cả giặc cướp.

Năm nay, 2017, “The Vietnam War”, đồ sộ hơn và có vẻ “khách quan” hơn, nhưng vẫn không nhìn ra đâu là nguồn gốc của cuộc chiến tranh ấy, đâu là chính và đâu là tà.

Hai ngày sau khi “The Vietnam War” được khởi chiếu trên PBS, ngày 19.9.2017 trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Donald Trump đã nói, “nói” chứ không phải “đọc”, trong 41 phút về vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới, trong đó có đoạn sau đây:

“Nước Mỹ làm nhiều hơn là nói cho những giá trị được xiển dương trong Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc. Công dân của nước chúng tôi đã trả cái giá bằng sinh mạng để bảo vệ tự do của chúng tôi và tự do của nhiều quốc gia có đại diện tại đại hội trường này. Nhiệt tình của nước Mỹ được đo lường trên chiến trường nơi những thanh niên nam và nữ của chúng tôi đã chiến đấu bên cạnh những đồng minh của chúng tôi. Từ những bờ biển của Âu Châu tới các sa mạc tại Trung Đông tới rừng rậm Á Châu, một thành tích vĩnh cửu cho bản chất người Mỹ là ngay cả sau khi chúng tôi và đồng minh của chúng tôi xuất hiện trong chiến thắng từ những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử, chúng tôi đã không tìm cách bành trướng lãnh thổ hay chống lại và áp đặt lối sống của chúng tôi lên người khác. Đối lại, chúng tôi đã giúp tạo dựng lên những định chế như cái này (LHQ) để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, và thịnh vượng cho tất cả mọi người. Cho những quốc gia khác biệt trên thế giới, đây là hy vọng của chúng tôi.”

Đoạn trên đây đáng được dùng để nhắc nhở những người làm phim “The Vietnam War”. Và, những cựu công dân và cựu quân nhân VNCH có nghe đoạn trên đây trong bài nói của ông Trump chắc không tránh khỏi buồn và tự hỏi: “Tại sao đại diện cho Việt Nam tại Đại Hội Đồng LHQ không phải là VNCH, đồng minh của Hoa Kỳ và đã từng sát cánh bên nhau chiến đấu cho lý tưởng Tự Do?”


Ký Thiệt


 
“Bức Tường Đá đen”, nơi khắc tên 58 ngàn lính Mỹ chết tại VN.

No comments:

Blog Archive