Saturday, September 30, 2017

Một Triệu Đô Của Người Tâm Thần






Mấy hôm trước, Lộc, em họ tôi, từ Texas lái xe qua Cali lên San Jose có việc, nhưng tới freeway 60 ở Riverside thì xe kẹt đông như kiến, sợ lên L.A. không kịp tối, bèn gọi phone nhờ tôi ra đón về nhà nghỉ tạm một đêm sáng hôm sau đi tiếp.

Số tôi hên, mỗi lần gặp nguy thường có người xuất hiện tới giúp. Tuần trước, Nam Cali đột nhiên nóng như lửa. Nhiệt độ  ở Riverside trên 105 độ F  năm sáu ngày liền khiến tôi mở hai ba cái quạt máy vù vù liên tục cả ngày. Chưa đủ mát, mở luôn máy điều hòa không khí. Mở nửa tiếng cũng vẫn không mát, mới đi mua cái cái air filter mới thay cái cũ dính đầy bụi trong thùng sắt ở garage, ngồi chờ mãi cũng không thấy lạnh, bèn gọi một hãng điện lạnh (gửi giấy quảng cáo tune-up với giá discount) tới sửa. Chuyên viên tới, khám xét tỉ mỉ từ thermostar cũ trên vách, vô cái thùng chằng chịt dây điện trong garage, ra ngoài hông nhà coi cái breaker điện trên tường, tuyên bố phải tốn hơn 200$ ( cả công lẫn parts) để thay thermostar và thay dây điện mới, khỏi cần tune-up. Tôi gọi anh bạn Lý, kỹ sư điện lạnh đang làm ở NY hỏi ý,  anh nói “ thợ nó vẽ ra đủ thứ lấy tiền anh đó, chỉ cần mua thermostar mới thay, chỉ có 30$, chờ tôi về sửa dùm cho.” Tôi bèn trả  40$ tiền công “chẩn bệnh”cho thợ, tắt máy điện lạnh.

Vừa lúc đó, Trời “sai” Lộc từ Houston qua, ở một đêm nhà tôi. Ngạc nhiên, tôi hỏi:

-Ủa, bên đó bão lụt tưng bừng, chỗ em không bị gì sao mà xách xe chạy qua đây chơi?

-Chỗ em trên vùng đất cao, không sao cả.

Lộc là  chuyên viên sửa điện lạnh, ngày trước có thời làm chủ chung cư, tự sửa điện cho người thuê chứ không mướn thợ, nên kinh nghiệm đầy mình. Nghe kể A/C nhà tôi không lạnh, xắn tay cầm screwdriver loay hoay mở thermostar ra coi, ra ngoài vườn coi cái condenser cánh quạt giải nhiệt có quay không, dây điện trong thùng có trở ngại không, air filter vuông trên trần nhà cũ hay mới... cầm vòi xịt nước rửa sạch bụi đóng ngoài condenser, rồi nói tôi chở đi Home Depot mua các parts cần thiết để thay, luôn cả parts cho mấy cái faucets dripping nhỏ giọt trong phòng tắm và tưới cây ngoài nhà....

Lộc trước ở VN là sĩ quan tiếp liệu, qua Mỹ mua nhà, tiệm giặt, không học chữ mà học nghề sửa nhà, nghề điện, điện lạnh, plumbing, lấy license, lại đi sửa nhà, sửa điện cho các chung cư và hotels lớn...nên sự xuất hiện đột ngột “đúng thời đúng chỗ” của Lộc làm tôi sửng sốt. Y như là thần linh mách bảo, hay “thần giao cách cảm” gì đó, mặc dù hai anh em ít khi gọi thăm nhau. Đúng “nghề của chàng,”nên chỉ  hí hoáy một tiếng đồng hồ là mọi thứ hoàn tất như mới. Bật thermostar mới, hơi mát tỏa ra mát mấy gian phòng tầng dưới. Lộc kiểm soát mọi thứ một lần chót, nói thêm:

-Anh muốn lạnh hơn nữa thì phải mua cái “gas” đặc biệt, bơm thêm vô “ống lạnh” ở  condenser. Gas này bây giờ  đắt lắm.

Ăn tối xong, hai anh em ngồi salon trước tivi nói chuyện huyên thuyên đủ thứ vì lâu ngày mới gặp lại. Lộc hỏi lúc này sao không thấy bài tôi viết trên VVNM nữa. Lộc nói “Chuyện life insurance“ tôi viết mấy năm trước Lộc có đọc,  công nhận  khó mà ăn đuợc tiền bảo hiểm cháy nhà và nhân thọ, rồi hỏi:

-Anh còn mua home insurance không?

-Không, trả off nhà xong, hết nợ nhà bank, không thèm mua nữa. Mấy năm trước còn mua, có lần nước dột chảy xuống vách trong nhà, gọi bảo hiểm họ tới leo lên mái coi, đổ thừa tại mái ngói lâu năm cũ,  không bồi thường đồng nào. Khu nhà này mới xây hơn 10 năm, ngói toàn là ngói life-time, đúc xi măng dày cộm, mà họ nói cũ mục, anh tức mình quá, leo lên mái quan sát tỉ mỉ, thấy có vài kẽ răn nứt nhỏ gần ống khói (chimney) nên mưa thấm xuống vách trong nhà chứ có gì đâu, bèn mua lon dầu hắc đen to tổ bố, có 10$, quệt một chút trám lại các kẽ nứt đó. Thế là bặt luôn mấy năm nay mưa không còn ướt vách nữa.

-Ở Mỹ, đủ thứ bảo hiểm, cái gì cũng mua hết thì tháng nào sạch hết tháng đó.

-Đúng vậy, thư mời mua bảo hiểm gửi tới nhà liên tục, hết bảo hiểm hỏa thiêu gửi mời mua trả góp( khi chết con cái được 20 ngàn lo ma chay, hoặc họ lo hết dịch vụ cho mình từ A tới Z) tới bảo hiểm đường ống gas ( có bộ phận gì hư, họ thay free cho mình), rồi bảo hiểm sức khỏe.... Mình cũng đã cất sẵn tiền dành lo cho hậu sự rồi, đâu cần mua bảo hiểm hỏa thiêu. Lỡ họ dẹp tiệm, khai bankcrupcy, làm sao đòi lại tiền đóng bấy lâu.

-Nói chuyện life insurance, em kể anh chuyện này. Anh nhớ con Thoa, em gái em?

-Nghe  cô ta bệnh chết mấy năm nay rồi mà. Ông chồng hờ bây giờ thế nào? Hai đứa con giờ ra sao?

-Con gái lớn làm dược sĩ 40 tuổi không có chồng, con trai có gia đình ở riêng. Thoa lấy ông chồng sau không có con, ông này giờ vẫn ở vậy. Anh nhớ hồi qua Houston em chơi năm 90, anh có ghé tiệm liquor gặp nó đó.

-Thấy vẻ mặt Thoa nó sao sao ấy, có vẻ không bình thường.

-Nó làm chủ tiệm liquor  được 10  năm thì  mắc bệnh Parkinson, tay chân run run, nên mua bảo hiểm nhân thọ tới một triệu đô, để tên hai đứa con hưởng.

Tôi giựt mình:

-Một triệu lận?

-Buôn bán có tiền mà, đâu phải làm công chức như anh. Bảo hiểm anh chỉ có 100 ngàn, chết là nó trả liền, không có vấn đề gì. Đàng này bảo hiểm tới một triệu, đâu phải ít, nên khi chết, mới có chuyện rắc rối dây dưa tới hai ba năm...

Tôi quay lại trố mắt chăm chú nghe. Lộc kể tiếp:

- Bệnh Parkinson nó nặng dần, sau lại mang thêm bệnh tâm thần. Uống đủ thứ thuốc. Nó nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh, kể cả con ruột. Đầu óc không bình thường, nên ăn nói không suy nghĩ, vui buồn thất thường. Nghe lời mọi người khuyên, bán tiệm, ở nhà xin tiền bệnh disability. Có bảo hiểm 1 triệu, nên nhìn chồng, nhìn con, anh em bên cạnh... nhìn ai cũng nghi ngờ, tưởng trong bụng ai cũng mong nó mau chết để hưởng bảo hiểm, chứ không tử tế gì với nó. Thậm chí chồng con nấu món gì cho ăn, khuấy ly nước táo, nước cam cho uống, cứ nghĩ họ lén bỏ thuốc độc trong đó, nên tự nấu ăn lấy, tự rót nước uống. Nhập Emergency  Room mấy lần...rồi ngày càng yếu dần...

-Trời đất...Anh đâu có biết.

-Bệnh tình làm nó biến đổi tánh tình, cau có, giận dữ, mắng con la chồng tối ngày, làm ai cũng lánh xa. Rồi một hôm, giận con,  lẳng lặng tới hãng bảo hiểm nhân thọ, gạt tên hai đứa con thừa hưởng ra, thay vào tên 2 ông anh lớn ở Việt Nam, già trên 75 tuổi, không cho ai biết hết. Ở Mỹ, nó còn 4 anh chị em: hai ở Cali, hai ở Houston, mà không để tiền cho ai cả. Em là anh kế trên nó, gần gũi nó nhất, ngày xưa giúp tiền cho nó mở mang tiệm liquor mà nó cũng chớ hề tiết lộ đã thay đổi tên người thừa kế. Tới hồi nó chết, hai con nó lên hãng bảo hiểm “claim” một triệu đô, mới ngả ngửa ra di chúc má nó đã sửa lại hồi nào, để tiền cho hai ông anh lớn đã về hưu ở Việt Nam. Cả nhà nhìn nhau chưng hửng.

Tôi cũng sửng sốt, khựng  lại một lúc, rồi nói an ủi:

- Chắc nó nghĩ con cái, anh chị em bên này đều khá cả, nên để của cho hai ông anh 40 năm nay sống nghèo khổ bên VN chứ gì. Nhưng cũng kỳ... thường thì “nước mắt chảy xuôi,” chết phải để của cho con, con không có  mới tới anh em ruột chứ. Chắc bệnh tâm thần nên hành xử ngược đời.

-Vậy mới là lạ đời. Từ 4 anh chị em, chồng, tới 2 đứa con, không ai được đồng xu nào. Mà anh em, chồng con, hai năm cuối, đâu có ai dám làm mất lòng nó, sợ nó tức, lên cơn tai biến mạch máu não. Ai cũng thương hại, an ủi, nhịn nhục nó, lên nhà thương thăm nó nó mỗi lần nhập viện, ma chay cũng xúm lại giúp, lo cho mồ yên mả đẹp tươm tất. Hai ông anh bên VN cũng đâu có nghèo gì, lâu nay sống thoải mái, đủ ăn, có con cái buôn bán khá giả, đâu  cần đến tiền của nó. Ngay đến hãng bảo hiểm cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao thân chủ không để tiền cho con sờ sờ bên cạnh, mà lại cho người ở xa lắc xa lơ. Hai đứa con cố gắng cắt nghĩa má nó mắc bệnh tâm thần, hoang tưởng nên hành xử điên rồ, đưa khai sinh, các giấy tờ bác sĩ, nhà thương ra làm chứng, xin giao tiền cho chúng, nhưng họ lắc đầu, tuyệt đối theo luật, căn cứ theo di chúc có ký tên thị thực đàng hoàng của thân chủ mà làm, không trả đồng nào cho người nào khác. Họ đòi địa chỉ, số phone của 2 ông anh ở Vn để liên lạc.

-Rồi hai đứa này có chạy về VN nói chuyện với 2 ông cậu không?

-Có, nhưng 2 ông cậu không chịu ủy quyền cho cháu lãnh tiền, cứ nói họ lãnh rồi sẽ cho lại hai đứa nó một nửa. Họ lấy cớ  sức khỏe yếu, ngồi máy bay lâu không đuợc,  không chịu bay qua Mỹ gặp hãng bảo hiểm, lại mướn luật sư Vn liên lạc hãng bảo hiểm ở Texas. Anh Cả già yếu nên ký giấy ủy quyền cho anh Hai lo. Luật sư gửi giấy tờ khai sanh, căn cước, địa chỉ, số phone, giấy ủy quyền của 2 anh qua. Hãng gửi thư bảo đảm về cho anh Hai, bảo mở chương mục với Citibank bên đó, cho biết số account, họ sẽ deposit tiền vô Citibank bên này, bên đó sẽ nhận được ngay. Anh Hai không biết tiếng Anh, cũng không xài Internet, nín thinh không trả lời, mở account với Citibank bên VN rồi nhờ bank manager gửi thư qua  Mỹ cho hãng, xác nhận account đó là của ông anh Hai, cứ chuyển tiền về. Hãng lấy làm lạ, sao đương sự không đích thân trả lời mà lại để nhà bank trả lời, số tiền lớn chứ đâu phải nhỏ, lỡ có gì gian trá, mất công đòi lại và tốn tiền kiện cáo lôi thôi. Họ  bỏ mặc luôn 6 tháng trời.

-Sao kỳ vậy? Không biết dùng Internet thì nhờ con, nhờ cháu bên đó giúp cho. Giới trẻ bên đó bây giờ đứa nào mà không biết lên mạng, lướt sóng, xài I- phone...

-Em cũng không hiểu tại sao. Mà chuyện tiền bạc bảo hiểm nhân thọ của 2 ông cậu bên đó và 2 đứa con bên này giằng co nhau, tụi em cũng không ai muốn xía vô, sợ bị hiểu lầm muốn kiếm chác gì, nên im lặng không hỏi... Cứ vậy gần cả năm, hãng mới bắn tin cho hay tháng tới sẽ sung công số tiền 1 triệu đó cho ngân sách tiểu bang, vì người thừa kế không xúc tiến hoàn tất thủ tục nhận.

Tôi kêu lên:

-Oh, no !

-Hai đứa con điếng hồn, chả lẽ để công lao mẹ chúng thức khuya dậy sớm, buôn bán khổ cực hai chục năm nay  tiêu ra mây khói, lập tức bay về Saigon gặp luật sư và 2 ông cậu, ngồi xuống bàn luận, phân tích điều hơn lẽ thiệt. Con gái là dược sĩ thuyết phục 2 ông cậu cứ làm giấy ủy quyền cho nó lãnh, nó chịu hết trách nhiệm thuế má, nó sẽ cho mỗi ông 200 ngàn đô,  ông stepfather 100 ngàn, vị chi 500 ngàn, còn lại là phần hai chị em chia nhau sau khi đóng thuế. Nó dọa nếu 2 cậu lãnh 1 triệu đô, chính quyền VN sẽ bắt đóng thuế rất nhiều, nếu không đóng, sẽ bỏ tù cho lòi tiền ra như Cọng sản Liên Sô đã làm ngày xưa... Hai ông cậu nghe nhắc tới việc chính quyền đánh thuế, nhớ ngay vụ Điếu Cày bị chụp mũ tội trốn thuế để bỏ tù, tỉnh ngộ ra, lật đật OK liền, đồng ý ký giấy ủy quyền cho nó. Cả 4 người cùng luật sư làm nhân chứng đồng ký tờ giao kèo, thị thực công chứng, rồi kéo nhau lên Tòa Lãnh sự Mỹ Saigon làm đơn trình bày sự việc, xin đóng dấu xác nhận và gửi thư can thiệp với hãng bảo hiểm bên Mỹ, yêu cầu giao tiền cho cô con gái là công dân Mỹ.

-Tòa lãnh sự chịu can thiệp à?

-Trời ơi, tiền Mỹ không thất thoát ra khỏi nước Mỹ, không lọt vô tay dân nước ngoài, mà nằm lại Mỹ, vô tay công dân Mỹ tiêu xài, đầu tư, đóng thuế...có lợi cho kinh tế Mỹ vô cùng, tại sao không chịu?

 -Rồi hãng bảo hiểm nói sao?

-Tất nhiên, ông cậu (người thừa kế) là công dân nước ngoài mà dính tới tiền doanh nghiệp Mỹ thì Tòa lãnh Sự Mỹ nước đó có quyền quyết định thay cho chính phủ Mỹ sở tại. Có văn kiện chứng nhận của Tòa lãnh sự Mỹ nắm trong tay, hợp pháp, hãng phải nghe lời thi hành thôi. Con chị nhận 1 triệu đô hãng chuyển vô chương mục nó liền. Giữ lời hứa, nó gửi 2 ông cậu 400 ngàn, ông dượng 100, cho thằng em 250 ngàn, phần nó lấy chỗ còn lại, sau đó đóng thuế bao nhiêu thì em không hỏi. Lương dược sĩ nó 90 ngàn, tự nhiên được cả triệu bạc cộng vào, chắc khai “tax return,” bị đóng thuế khẳm. Y như mấy người ở Mỹ trúng số Powerball, đóng hơn 40% là ít.

-Không hẳn đâu, cũng tùy hãng bảo hiểm, tùy policy bảo hiểm nhân thọ mình mua thuộc loại nào. Hồi đó anh mua policy 100 ngàn, Met Life có ghi rõ trong giao kèo: “khi policy holder chết, thừa kế lãnh tiền được miễn thuế.” Giữa nghiệp đoàn bảo hiểm nhân thọ và chính phủ hình như có sự thỏa thuận nào đó về thuế má.  Mình không ở trong ngành nên không rõ. Với lại, nếu mua bảo hiểm nhân thọ, nhịn ăn è cổ đóng mấy chục năm liền mà khi chết, con cái bị đóng thuế 40% mới được lãnh,  ai mà thèm mua. Tiền đóng vô, sinh lời, có khi còn nhiều hơn tiền con cái lãnh sau này, nếu bị trừ thuế.

-Anh nói có lý.

-Cũng có thể, tiền bảo hiểm dưới một mức nào đó thì được miễn thuế, chẳng hạn dưới 500 ngàn thì miễn, còn trên thì chịu thuế, bị hãng tự động trừ trước khi giao cho thừa kế. Cũng như cái nhà đầu tiên mình mua ở xưa kia, bao nhiêu không cần biết, nếu bán đi có lời, sẽ được miễn thuế tối đa 250 ngàn (đứng tên 2 vợ chồng thì được miễn 500 ngàn). Tức lời trên 500 ngàn mới bị tính thuế trên tiền lời còn lại. Chỉ nhà đầu tiên thôi, chứ nhà thứ nhì, thứ ba bán thì đóng thuế thẳng rẳng theo luật và giá trị hiện hành.

-Bởi vậy, ở Mỹ làm tiền nhiều, mà thuế má và bảo hiểm ăn hết một nửa. Phải tiện tặn, vén khéo dành dụm mới mua đuợc cái nhà ở và tuổi già được an nhàn một chút.

Tôi chép miệng:

-Thực ra, có đánh thuế vậy Mỹ mới có mà trả tiền thất nghiệp cho người đi làm bị laid off, trả tiền hưu SSA, tiền già SSI, nuôi quân đội bảo vệ đất nước đánh lại Bắc hàn, nuôi hàng triệu cô nhi quả phụ nghèo khổ,  trợ cấp xã hội, tàn tật, và medicare chứ. Mới có 17 tỷ “đô” cứu trợ dân Texas bị lụt Harvey mới đây. Nhờ thuế dân đóng, Mỹ và các nước Âu châu, Canada, Úc... mới thành các quốc gia giàu mạnh nhất trên thế giới. Mua bảo hiểm chỉ để bảo vệ tài sản, con cái mình, còn đóng thuế chính phủ, về già được  lãnh hưu bổng tới chết, lại còn gián tiếp góp tay giúp cho xã hội đất nước mình ở, để phước đức lại cho con, miễn là chính phủ nước đó đừng tham nhũng, cắt xén bỏ túi riêng là được rồi.

Phạm Hoàng Chương

No comments:

Blog Archive