Wednesday, September 13, 2017

Hai người Anh nhận án tù vì đưa lậu 12 người Việt vào Anh
 BBC


Katy Bethel nói bà không hề biết có người nhập cư người Việt ở trên xe
Một cặp người Anh vừa bị kết án tù vì tìm cách đưa lậu 12 người Việt Nam vào Anh trên một chiếc xe tải chất đầy lốp xe.
Bà Katy Bethel và bạn đời là ông Aaron Harris ở quận Gillingham, hạt Kent, miền Đông Nam nước Anh, bị bắt giữ tại trạm kiểm soát xe qua đường hầm Eurotunnel xuyên từ Anh sang châu Âu hôm 4/7/2015.
Bốn người đàn ông, năm phụ nữ và ba trẻ em Việt Nam được phát hiện đang trốn trong đống lốp xe sau khi một cảnh sát nhìn thấy có một cặp chân lộ ra.
Tại phiên xét xử tại Tòa án Hoàng gia Maidstone hôm 11/9, ông Harris nhận án tù 5 năm, còn bà Bethel nhận án 2 năm 9 tháng tù.
Bốn người đàn ông, năm phụ nữ và ba trẻ em Việt Nam được phát hiện đang trốn trong đống lốp xe
Lúc bị bắt năm 2015, bà Bethel, mẹ của 4 con, và đang mang thai 6 tháng, ngồi trên chiếc xe tải do ông Harris lái. Bà này nói bà không hề biết có người nhập cư ở trên xe.
Tại phiên tòa, bà Bethel nói bà và Harris đang đi ra biển chơi hôm đó. Họ lái xe đi tìm một bãi biển đẹp nhưng bị lạc nên đỗ xe bên đường và đi dạo. Bên khởi tố cáo buộc bà Bethel đã có lời khai "vớ vẩn".
Theo các thông tin được báo cho bồi thẩm đoàn, trong bốn tiếng đồng hồ ở Pháp, hai người đã gửi và nhận 67 tin nhắn và cuộc gọi tới một số điện thoại không xác định.
Bà Bethel nói ông Harris, là cha của 2 trong số 4 người con của bà, đã dùng điện thoại của bà và bà không biết được nội dung các cuộc gọi và tin nhắn đó.


Ông Aaron Harris lái chiếc xe tải còn bà Katy Bethel là hành khách
Bà đã khóc khi Thẩm phán Philip Statman tuyên bố bà nhận án tù.
Khi tuyên án hai người này, vị thẩm phán nói: "Rõ ràng là hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp vào Anh là một ngành kinh doanh lớn.
"Theo đánh giá của tôi, đây là một hình thức kinh doanh rất tinh vi. Tôi thấy rõ là có nhiều người khác cũng tham gia [vào đường dây này]."
Ngành kinh doanh lớn
Theo báo cáo mới ra hôm 11/9 của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc ông Kevin Hyland, nhiều người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống 'vương giả' ở nước này.
Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.
Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.


5 người Việt đã bị bắt khi cảnh sát Anh bố ráp một trại trồng cần sa quy mô lớn ở hạt Wiltshire hồi tháng 2/2017
Ông Daniel Silverstone, đồng tác giả của báo cáo trên mô tả về tuyến đường vào Anh của người Việt trong bài báo "Đưa lậu [vào Anh] để trồng cần sa: người nhập cư Việt Nam đang bị bóc lột ở Anh", đăng trên trang The Conversation hôm 11/9:
"Những khu vực mới có đông người di cư từ Việt Nam gồm một số thôn ở các tỉnh miền Trung, khu vực nghèo hơn các tỉnh phía Bắc, như tỉnh Hải Phòng, nơi nhiều người nhập cư vào Anh trước đây. Chặng đường cho những người Việt Nam tìm cách vào Anh bất hợp pháp là rất tốn kém và có thể mất 30.000 bảng. Những người tìm cách vào Anh này không phải là những người nghèo nhất trong cộng đồng, nhưng phải vay nợ nhiều hay bán cơ sở kinh doanh của mình để lấy tiền đi."
Ông Silverstone cũng nói về hai tuyến đường vào Anh chính. Một tuyến qua Nga, sau đó qua Đông Âu tới Pháp, ở Pháp một thời gian rồi sang Anh bất hợp Pháp qua phà biển trên xe tải. Tuyến thứ hai, tốn nhiều tiến hơn, là bay thẳng sang Ireland hay Hà Lan với thị thực hợp pháp, rồi đi phà sang Anh.
Những người Việt tìm cách vào Anh bất hợp pháp rất dễ bị các băng đảng tội phạm tổ chức các chuyến đi này lợi dụng. Khi đến Anh, nhiều người nhập cư Việt Nam chịu nợ nần chồng chất, bị cô lập và rất dễ tổn thương - họ thường bị bóc lột.
Hồi tháng 2/2017, 5 người Việt đã bị bắt khi cảnh sát Anh bố ráp một trại trồng cần sa quy mô lớn ở hạt Wiltshire, vùng Tây Nam nước Anh. Tổng giá trị của hàng ngàn cây cần sa được phát hiện ở trại này, từng là hầm trú ẩn hạt nhân do chính phủ Anh xây, lên tới hơn 1 triệu bảng Anh.
------------
Người Việt trả tới hơn 30 ngàn bảng để vào Anh lậu
BBC

Nhiều người Việt được đưa lậu vào Anh bị ép làm việc trong các trang trại trồng cần sa
Người Việt trả tới hơn 30.000 bảng Anh cho các đường dây buôn người để vào Anh, với hy vọng sẽ có một cuộc sống 'vương giả' ở nước này, một báo cáo mới cho hay. Theo báo cáo của Trưởng Cao ủy chống Nô lệ tại Anh Quốc ông Kevin Hyland, có một hệ thống đưa lậu người Việt sang Anh với hai mức giá khác nhau, phóng viên chuyên về nội vụ của Press Association, Hayden Smith viết.
Bài viết mô tả rằng những ai chọn dịch vụ "cao cấp" sẽ phải trả khoảng 33.000 bảng Anh và được hứa hẹn sang Anh với con đường ngắn nhất và mức rủi ro thấp nhất.
Còn những ai chọn dịch vụ "phổ thông" nộp từ 10 nghìn đến 20 nghìn bảng.
Báo cáo này mô tả việc đưa người lậu vào Anh như một ngành kinh doanh lớn, và đưa ra bằng chứng rằng các tổ chức buôn lậu người ở Việt Nam phóng đại về độ tin cậy với dịch vụ của họ và các nguồn lợi ích tài chính có thể kiếm được ở Anh.
Văn bản này dẫn lời của một người được phỏng vấn cho biết cô ta trả 25.000 USD (khoảng 19.000 bảng) cho đường dây buôn người nhưng con đường sang Anh và kết quả "không được như lời quảng cáo".
Người phụ nữ này nói:
"Tôi được hứa hẹn là cuộc sống tương lai sẽ như một bà hoàng ở Anh (a queen in the UK), thức ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhẹ nhàng với mức lương cao."
"Tôi kỳ vọng sẽ có một mức sống cao. Tôi lên máy bay, sau đó lên xe hơi rồi xe tải - nhưng tôi không biết họ đã đưa tôi đi qua những nước nào."
"Tôi đi mất hai tháng. Không có chuyện bạo lực hay bóc lột trên đường nhưng chuyến đi đó rất vất vả. Chuyến đi tốn kém hơn thỏa thuận lúc đầu và tôi không có được công việc mà họ hứa hẹn với tôi."
Kẽ hở thị thực
Báo cáo này cũng nói những kẻ buôn người đang tìm cách khai thác kẽ hở trong quy trình cấp thị thực vào Anh.
Đơn xin thị thực cho người Việt Nam vào Anh được xử lý ở Sứ quán Anh tại Bangkok.
"Những quyết định cấp thị thực được đưa ra dưới sức ép về thời gian. Chúng tôi cho rằng những nhóm buôn người biết điều này và sử dụng dịch vụ thị thực khẩn vì họ nghĩ những đơn xin thị thực loại này sẽ không bị xét kỹ," báo cáo viết.
Bài của Hayden Smith cũng trích lời từ bản phúc trình nói các đường dây buôn người sử dụng các đại lý xin thị thực cho sinh viên sang Anh.
Sau đó các sinh viên này biến mất và các nhóm buôn người sẽ lấy thị thực của họ dùng cho những người trông giống các sinh viên này.
Báo cáo cho thấy người Việt được đưa lậu vào Anh thường làm các công việc lao động chân tay, như trong các tiệm móng chân móng tay và trại trồng cần sa, cũng như trong ngành mại dâm.


Nhiều người Việt làm việc trong các tiệm nail ở Anh quốc
Quản lý chặt nghề làm nail
Báo cáo khuyến nghị chính phủ Anh có các biện pháp quản lý các tiệm móng tay móng chân chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa chuyện các cơ sở này trở thành các điểm lao động bất hợp pháp hay bóc lột lao động.
Một trường hợp mà báo cáo này nêu là một thiếu niên Việt Nam bị bắt làm việc ở hai tiệm nail. Em phải nộp hết thu nhập cho những kẻ buôn người và bị chúng nhốt.
Báo cáo nói những nỗ lực nhằm chống tình trạng bóc lột lao động và nô lệ hiện đại trong ngành làm nail rất "khó khăn".
"Mặc dù các tiệm nail rất được chuộng và có nhiều người làm việc trong nghề này, nghề làm móng chân móng tay vẫn là ngành ít có quy định và những quy định hiện nay dường như chỉ mang tính tự nguyện," báo cáo nói.
Báo cáo kêu gọi Bộ Nội vụ Anh xem xét phương án cấp giấy phép cho các tiệm nail.
Báo cáo cũng nói những người trồng cần sa Việt Nam giờ đã trở nên "tinh vi hơn" và tránh bị phát hiện bằng các biện pháp cản nhiệt.
Nhiều trẻ em và người lớn Việt Nam dễ bị tổn thương được thuê làm những công việc cấp thấp trong các trại trồng cần sa.
"Hình thức nô lệ hiện đại này đang rất phổ biến trong những người Việt Nam," báo cáo viết.
Báo cáo này cũng nói thêm có nhiều trường hợp nạn nhân Việt Nam bị bắt ép trồng cần sa cũng chính là người người đang bị tội phạm hóa "vì những công việc mà họ bị bắt phải làm."
-----------

No comments:

Blog Archive