Chuyến Lưu Diễn “Không Tên” và Thầy Sáu Vũ Thành An
Lê Văn Bảy (tháng Chín - 2017)
Nhạc sĩ cần cảm xúc để sáng tác. Ca sĩ cần cảm xúc để trình diễn. Gần như điều này trở thành quy luật cho các nghệ sĩ. Họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ cũng có lúc cần tình cảm rung động mạnh để có chất liệu cho tác phẩm của mình. Người ta đã nghe nói nhiều lần và chấp nhận điều này vì nó có vẻ thuận lỗ tai người nghe. Nhưng, cũng có nhiều trường hợp nghe rất chướng tai, đọc cũng chướng mắt. Bài viết này sẽ giành nhiều đoạn viết về những cái chướng tai trong nhạc Vũ Thành An.
Hồi còn rất trẻ, mới học đàn guitar, học chữ thì biếng học đàn thì nhiều. Mà nói là học đàn cho oai vậy thôi chứ có đến lớp nhạc bao giờ đâu; toàn là học lóm bạn bè và học bằng lỗ tai: play by ears! Về sau lớn lên được học nhạc trong trường dòng công giáo thì vỡ lẽ ra. Bây giờ, ngẫm lại cái thời thơ ấu “dùi mài đờn địch”, rồi tìm đọc các tài liệu về âm nhạc mới thấm thía nhiều điều.
Chưa bao giờ bọn tôi bị ảnh hưởng bởi những bài không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An. Có lẽ nhạc Việt Nam có quá nhiều để chọn lựa hoặc không muốn đàn hát những bài đơn giản ấy. Phải tìm những bài rắc rối hơn thì mới không bõ công “xướng ca đờn địch”. Bọn mới tập tành thường hay kén chọn như thế đấy.
Tôi Đưa Em Sang Sông
Vào những năm 60, những chàng trai mới lớn biết hát biết đàn chút chút, ai mà không biết bài “Tôi Đưa Em Sang Sông” của Nhật Ngân. Những anh học trò trung học không biết yêu đương bao nhiêu, mà anh nào cũng hát “Tôi Đưa Em Sang Sông”. Hát mê mệt đắm đuối, để hết tâm hồn vào bài hát. Làm như mới thất tình ngày hôm qua. Tôi cứ thắc mắc mãi không lẽ chúng mày thằng nào cũng thất tình. Thằng nào cũng bị đào đá đau đớn đến thế. Hết thằng này đến thằng khác cứ đưa em sang sông. Không lẽ con gái đứa nào cũng đá cho bọn con trai những cú đá dã man đến thế. Nếu không thì tại sao cứ cầm đàn là hát “Tôi Đưa Em Sang Sông”. Tôi cũng có mặt trong cái đám lộn xộn ấy, cũng hát “Tôi Đưa Em Sang Sông”. Nhạc và lời của bản nhạc này có sức lôi cuốn như bùa ngải.
Về sau, tôi nghiệm lại mới thấy, người nhạc sĩ gửi gấm tâm trạng qua tác phẩm của mình. Người ca sĩ khi trình diễn thường để tâm hồn mình vào bài hát để diễn tả đầy đủ cảm xúc hơn, làm thấm thía tâm hồn người nghe. Người nghe dù biết đấy là tâm sự của tác giả nhưng đôi khi cảm thấy gần gũi với mình.
Nghe loạt bài phát thanh hàng tuần: “70 Năm Tình Ca Việt Nam” do Hoài Nam phụ trách và biên soạn, được truyền đi trong phần Việt ngữ của đài phát thanh SBS Australia của nhiều năm trước, thính giả biết được một ít hình ảnh nhạc sĩ Vũ Thành An. Đọc “Bông Hồng Tạ Ơn” của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, thấy Vũ Thành An trong ấy. Đọc bút ký văn nghệ của các cô cậu học trò, của các cựu tù cải tạo cũng thấy thành tích của nhạc sĩ Vũ Thành An. Mấy năm sau khi đến Hoa Kỳ định cư, Vũ Thành An đi tu đến chức thầy sáu, cũng lại là chuyện nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An. Chuyện nào cũng nổi tiếng như cồn.
Trong đời, các tình địch, tình nhân xưa và nay, những người không ưa, những nạn nhân trong tù,… chắc họ sẵn sàng bỏ qua chuyện quá khứ để chấp nhận một người đang khoát áo nhà tu, là thầy sáu Vũ Thành An của đạo Công Giáo Việt Nam.
Thầy Sáu hay Phó Tế hay Deacon là chức thánh. Chức thánh Công Giáo gồm có giám mục, linh mục và phó tế. Phó tế thì có Phó tế Chuyển tiếp (Transitional Deacon, trước khi lên chức Linh Mục) và Phó tế Vĩnh viễn (Permanent Deacon) thì có vợ, không bao giờ lên chức bảy (Linh Mục). Nhạc sĩ Vũ Thành An là Phó tế Vĩnh viễn, là ngôn sứ của Đức Ki-Tô thề trung thành cho đến cuối cuộc đời.
Trước khi đi tu, nhạc sĩ Vũ Thành An có những ân oán trên trường tình, trong trường đời, trường tù,… là những chuyện quá khứ. Người ta đã bỏ qua. Cho nên các diễn đàn đã êm chuyện Vũ Thành An từ mấy năm trước.
Bỗng dưng mới đây, tháng Tám năm 2017, vào đúng thời gian đảng cộng sản Việt Nam chuẩn bị chào mừng Cách Mạng Tháng Tám kéo dài đến đầu tháng Chín gọi là kỷ niệm quốc khánh, tuyên ngôn độc lập,… ta lại thấy Vũ Thành An xuất hiện khắp trên các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Báo Mới, Thể Thao Văn Hóa,… Toàn là báo đảng.
Tháng Tám Không Tên - Vũ Thành An
Đang lúc VC gặp khó khăn vì vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình, và vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, vụ nhân dân phản đối Formosa của Trung cộng giết chết môi trường,.. thì Vũ Thành An xuất hiện với y phục là Phó tế Công giáo. Chuyện này chỉ là ngẫu nhiên thôi, giống như những chuyện tình không tên, chỉ là ngẫu nhiên với các tình tiết ly kỳ.
Chuyến về Việt Nam trong tháng Tám-2017, nhạc sĩ Vũ Thành An được các bộ phận chuyên tổ chức show tại Việt Nam sắp xếp một loạt các chương trình từ Bắc vào Nam như sau:
- ngày 3/8: Giao lưu: Những bài không tên cho những chuyện tình không tên tại Sài Gòn.
- 4/8: Chương trình nhạc Vũ Thành An tại thành phố Quy Nhơn.
- 5/8: Chương trình nhạc Vũ Thành An tại tỉnh Quảng Ngãi.
- 6/8: Chương trình nhạc Vũ Thành An Tình Ca Không Tên tại thành phố Đà Nẵng.
- 18/8: Chương trình Chuyện Tình Không Tên tại Le Royal (Khách sạn Majestic, Saigon).
- 6/8: Chương trình nhạc Vũ Thành An Tình Ca Không Tên tại thành phố Đà Nẵng.
- 18/8: Chương trình Chuyện Tình Không Tên tại Le Royal (Khách sạn Majestic, Saigon).
- 19, 20/8: Chương trình Tình Ca Vũ Thành An - Đời Đá Vàng tại Hà Nội.
Ở Sài Gòn, Vũ Thành An không có chương trình ca hát mà chỉ ra mắt sách: “Chuyện Tình Không Tên” của Vũ Thành An.
Ở Sài Gòn, Vũ Thành An không có chương trình ca hát mà chỉ ra mắt sách: “Chuyện Tình Không Tên” của Vũ Thành An.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ sáng ngày 03 tháng Tám-2017 (có video), nhạc sĩ Vũ Thành An nói rằng:
“Trước 1975, tôi viết đến Bài không tên cuối cùng là hết. Nhưng sau 1975, tôi lại tiếp tục viết những “bài không tên tiếp nối”, tức là viết thêm lời cho 10 bài không tên trước đây, kể nốt những câu chuyện của cuộc tình cũ. Ví dụ yêu cô đó thì suy nghĩ về cô đó bây giờ thế nào, cần tâm sự thêm những gì... Sau 1975, tôi có những cuộc tình mới nên đã viết tiếp Bài không tên số 11, 12, 13… Đến giờ thì tôi đã viết 50 bài không tên và nhiều bài tình ca khác, không nằm trong những bài không tên đó”.
Lời phát biểu trên đây do chính nhạc sĩ Vũ Thành An nói ra, không phải lời do nhà báo VC bịa đặt như thói quen. Trong y phục áo đen cổ trắng (phó tế), nhạc sĩ Vũ Thành An không lấy gì làm ân hận về các bản nhạc đã viết trước đây như bạn bè của Vũ Thành An từng bào chữa cho ông. Một hôm tôi có một cuộc tranh cãi với một người bạn vong niên. Chị phụ trách chương trình phát thanh văn học nghệ thuật trên đài VOA. Tôi chỉ trích nhạc sĩ Vũ Thành An đã xúc phạm và phá hoại hạnh phúc người con gái thành hôn với một bác sĩ tốt nghiệp ở Pháp vì nhạc sĩ Vũ Thành An bị bỏ rơi. Chị nói, chị là bạn của Vũ Thành An nên chị hiểu, An đau khổ quá nên đã bộc lộ qua nhạc phẩm của mình. Tôi không dám hỏi ai đã tiết lộ người con gái ấy cho bạn bè, nhưng chị công nhận ở Việt Nam, nhiều người biết người con gái ấy là ai. Chuyện tình tan vỡ, cho ra đời bài không tên đầu tiên:
Bài Không Tên Cuối Cùng (là bài “không tên” đầu tiên):
Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói,
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm
Còn hứa gì
Hoài Nam cho biết, chính Vũ Thành An giải thích Bài Không Tên Cuối Cùng không phải là bài cuối mà là kỷ niệm cuối cùng của mối tình đầu:
...
Này em hỡi
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Sẽ đưa em sang đâu
Mưa bên chồng có làm em khóc có làm em nhớ
Những khi mình mặn nồng
Này em hỡi
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Đúng hay sao em?
Xa nhau rồi
Thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chấp cánh
Xót đau người tình si
Người con gái của mối tình đầu ấy về nhà chồng rồi mà khi “mưa bên chồng” có nhớ “những khi mình mặn nồng”. Ông chồng có chịu nổi những câu hát này toát ra từ một cái radio nào đó không? Chắc họ phải bỏ đi biệt xứ! Tôi thấy tàn nhẫn quá.
Tình Khúc Thứ Nhất Đã Giúp Cho Vũ Thành An nổi tiếng
Theo tài liệu của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, Hoài Nam cho biết Tình Khúc Thứ Nhất đã được nhà văn Nguyễn Đình Toàn đặt lời, rồi phổ biến trên đài phát thanh làm cho nhạc sĩ Vũ Thành An nổi danh, nhờ sự mượt mà của lời thơ:
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy
Sau đó mới có những bài “không tên”. Vũ Thành An cũng thừa nhận như vậy.
Trên trang web của Vũ Thành An (vuthanhan.com), phần tiểu sử có viết: “…Cuối năm 1963, Vũ Thành An vào làm phóng viên ở Đài phát thanh Sài Gòn, ở đây ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Năm 1965, ông viết Tình khúc thứ nhất, phổ thơ Nguyễn Đình Toàn, và nổi tiếng ngay từ ca khúc đó; rồi cùng làm chương trình Nhạc Chủ Ðề với Nguyễn Ðình Toàn”.
Cũng trang Web này: “Trong thời học sinh Vũ Thành An theo học nhạc lý với nhạc sĩ Chung Quân, lúc đó cùng Ngô Thụy Miên, Đức Huy. Năm 1961 ông thi hỏng Tú tài nên về trường Hưng Đạo học tiếp lớp Đệ nhị. Năm 1963, ông thi đậu Tú tài toàn phần. Trong suốt thời gian trung học, ông đều tham gia hoạt động văn nghệ trong lớp từ ca hát, đóng kịch, đến làm bích báo. Sáng tác ca khúc đầu tiên năm 1959 bị thầy là nhạc sĩ Chung Quân chê. Trong thời gian học tại trường Hưng Ðạo, Vũ Thành An bắt đầu sáng tác nhạc các ca khúc mang tên Bài Không Tên Số 2, Bài Không Tên Số 6, Bài Không Tên Số 8”.
Vũ Thành An không có khả năng đặt lời cho bài hát của mình. Hay nói cách khác, những bài có giá trị thì được người khác đặt lời, hay phổ thơ. Những bài tự đặt lời thì giống như thơ Con Cóc: “Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói. Nói ra nhiều cũng vậy thôi”.
Bài thơ Con Cóc
Ngày xưa có ba người học trò tập làm thơ. Một hôm, anh thứ nhất làm câu đầu tiên: “Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra”. Anh thứ hai tiếp: “Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó”. Anh thứ ba làm câu kết: “Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi”. Ba anh thấy hay quá rồi tỏ ra lo sợ vì tài thơ của mình nên đi mua ba cái quan tài. Người ta hỏi mua để làm gì thì họ trả lời: “Những người tài giỏi thường chết sớm”.
Cũng vậy, “nhớ em nhiều nhưng chẳng nói. Nói ra nhiều cũng vật thôi…” Vũ Thành An tâm sự với phóng viên báo Tuổi Trẻ rằng ông đã nói lời tạm biệt với bạn bè và vợ, từ lâu rồi (nghe giống như ba anh học trò tác giả bài thơ Con Cóc):
“Lời tạm biệt thì không phải bây giờ tôi mới nói mà thật ra là đã nói với người thân, bạn bè từ lâu, đặc biệt là với bà xã. Trước khi đi ngủ, tôi vẫn thường nói với bà xã “thôi tạm biệt nhé”.
Nhớ lại thời học trò, bọn chúng tôi không dám tập đàn những bài hát không tên với lời thơ Con Cóc, chắc vì sợ sớm đi theo ông bà như tác giả của nó. Ấy vậy mà bài thơ Con Cóc lại rất nổi tiếng, học trò chúng tôi ai cũng thuộc. Xin đa tạ tác giả bài thơ Con Cóc.
Tu Vẫn Tu, Mà Yêu Vẫn Là Yêu
Trên báo Tuổi Trẻ, ngày 03 tháng Tám -2017, Vũ Thành An nói: “Trước 1975, tôi viết đến Bài Không Tên Cuối Cùng là hết. Nhưng sau 1975, tôi lại tiếp tục viết những “bài không tên tiếp nối”, tức là viết thêm lời cho 10 bài không tên trước đây, kể nốt những câu chuyện của cuộc tình cũ.
Ví dụ yêu cô đó thì suy nghĩ về cô đó bây giờ thế nào, cần tâm sự thêm những gì...”
Tôi bất mãn khi nhìn thấy Vũ Thành An mặc áo đen của Thầy Sáu nhưng lại tháo cổ trắng để vào túi nửa trong nửa ngoài, trông rất đời và rất là “nhạc sĩ không tên”. Vũ Thành An thản nhiên trả lời phỏng vấn, kể lại chuyện tình đã để lại trong các bài hát không tên, trong lúc đang là một vị phó tế. Nghe những lời phát biểu này, tôi rất muốn gặp chị bạn của tôi để hỏi xem chị có còn muốn bào chữa cho bạn Vũ Thành An của chị nữa không?
Nhạc sĩ Vũ Thành An viết tiếp câu chuyện tình của Bài Không Tên Cuối Cùng (tức là bài không tên đầu tiên, lời mới sau năm 1975):
Nhớ rất nhiều câu chuyện đó
Ngỡ như là ngày hôm qua
Ôi ước ao có một ngày
Được gặp em hỏi chuyện em lần cuối cùng
Vẫn con đường, con đường cũ
Vẫn ngôi trường, ngôi trường xưa
Mưa vẫn bay như hôm nào
Người ở đâu, mình ở đây bạc mái đầu
Này em hỡi con đường em đi đó,
con đường em theo đó
Chắc qua bao lênh đênh.
Bao gập ghềnh có làm heo hắt
Có dập tắt mất nét tươi nở nụ cười
Này em hỡi con đường em đi đó,
con đường em theo đó
đúng đấy em ơi,
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau
Nếu không còn được gặp nữa
Giữ cho trọn ân tình xưa
xin gửi em một lời nguyền
Được bình yên, được bình yên về cuối đời
Vũ Thành An chưa buông tha mối tình đầu xa xưa, nhất định tìm hỏi xem “…bây giờ thế nào, cần tâm sự thêm những gì…”
Nhạc sĩ Vũ Thành An đã là sĩ quan trong ngành Chiêu Hồi của VNCH, là người đã từng tốt nghiệp cử nhân Luật, dư sức qua mặt mọi người, không cần phải đội lốp gì cả. Ông muốn theo đạo Chúa, muốn đi tu để phục vụ, muốn làm việc từ thiện thì cũng đã làm ở cái xứ tự do như Hoa Kỳ này. Nhưng tại sao nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn còn tha thiết với những cái yêu đương trai gái lăng nhăng? Tại sao nhất định phải làm thầy sáu trong khi vẫn cứ nhơn nhơn kể lại những chuyện tình lâm li? Thật khó hiểu.
May cho đảng cộng sản và Vũ Thành An mà rủi cho giáo hội Công Giáo Việt Nam. Dưới lớp áo đen thầy sáu, Vũ Thành An vẫn cứ về Việt Nam giao lưu nhạc tình Không Tên, vi vu suốt cả tháng Tám, trên khắp miền đất nước Việt Nam, đang trong vòng tay cai trị của đảng cộng sản. Dân đen của miền Trung vẫn cứ đắm chìm trong nỗi khổ đau vì biển chết, thì những bản kinh chiều “Không Tên” của phó tế Vũ Thành An lại được trổi lên, trọn tháng Tám, từ Bắc trải khắp miền Trung vào đến trong Nam. Thầy Sáu Vũ Thành An là ngôn sứ sao không đi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa mà lại ca hát những thứ “không tên” vô nghĩa kia?
Lê Văn Bảy (tháng Chín - 2017)
No comments:
Post a Comment