Sunday, September 10, 2017

Mạn đàm quanh chuyện sử dụng tiếng Việt ‘chêm’ tiếng Anh

Vương Trùng Dương



Ông bà, cha mẹ lúc nào cũng dạy con cháu phải có chữ “dạ,” “dạ có, dạ không...” rất lễ phép, thay vì trả lời “yes, no” cụt lủn.

Nhân bài “Sổ tay phóng viên: ‘Ai đông ke,’ ‘Tui đông ke’ hay Việt-Anh lẫn lộn nơi xứ người” của phóng viên Ngọc Lan đăng trên nhật báo Người Việt và Người Việt Online hôm đầu tuần, tôi viết vài dòng mạn đàm quanh chuyện sử dụng tiếng Việt và Anh, gọi là “Mua vui cũng được một vài trống canh” như lời thơ của thi hào Nguyễn Du, cũng có thể làm phật lòng người này, người kia.

Sử dụng tiếng Việt chêm tiếng Anh ở trong nước ngày nay khá phổ biến và có người hay lạm dụng nên trở thành “kệch cỡm?” Trước đây, các bậc đàn anh vì ảnh hưởng học vấn của Pháp nên khi giao tiếp cũng thường hay sử dụng vài chữ tiếng Pháp đệm vào nhưng những chữ này khá phổ thông và có những chữ diễn đạt ý nghĩa rõ ràng hơn trong vài lãnh vực. Có lẽ họ tùy theo trường hợp, tùy lúc, tùy nơi, tùy đối tượng… nên đôi lúc thoáng nghe cũng chẳng dị ứng. Và, tôi cũng chưa đọc được bài viết nào đề cập đến trường hợp này.

Trải qua tám thập niên dưới sự đô hộ của Pháp nên vấn đề sử dụng tiếng Pháp đã vay mượn với những chữ thông thường, hầu hết là danh từ, lâu ngày thành thói quen và được “Việt hóa” điển hình như: amiđan (amygdale), áp phe (affaire), ăng ten (antenne), áp phích (affiche), ắc quy (accus), ban công (balcon), ba lê (ballet), bi đông (bidon), bù loong (boulon), búp bê (poupée), bê tông (béton), bia (bière), bơ (beurre), bu gi (bougie), búp bê (poupée), cà vạt (cravat), cà phê (café), cà rốt (carotte), cam nhông (camion), cu li (coolie), gác dan (gardien), lăng xê (lancée), ny lông (nylon), ra đi ô (radio), sâm banh (champagne), sếp (chef), tắc xi (taxi), va li (valise), xà lách (salade), xi măng (ciment), xích lô (cyclo), xì căng đan (scandale), xiếc (cirque), xốt (sauce)… cà rem (crème), cốp xe (coffre), đi văng (divan), ê kíp (equipe), gu (gou^t), kính lúp (loupe), khăn xoa (mouchoir), phanh (frein), phéc-mơ-tuya (fermeture), ru băng (ruban), áo sơ mi (chemise), xà bông, xà phồng (savon), xăng (essence), ca ve (cavalière), túp (type)…

Ðặc biệt trong lãnh vực khoa học và chuyên môn (nhất là hóa học), dụng cụ sửa chữa… đều vay mượn tiếng Pháp rất nhiều. Chỉ sử dụng danh từ, ít khi sử dụng động từ. Có lẽ cách phát âm tiếng Pháp cũng na ná với cách phát âm tiếng Việt nên khi nghe không bị chói tai.

Trong bài viết của Nguyễn Ðức Tuấn ở Montreal, Canada, “Chữ Việt Gốc Pháp Còn Tồn Tại Ðến Ngày Nay” cho biết: “Ngày xưa, vì Việt Nam không có chữ, khi tiếp xúc với người Pháp và những khí cụ mới lạ của người Pháp, người Việt phải mượn chữ của Pháp để gọi. Sự mượn chữ này thường là phiên âm nhưng vì tiếng Pháp là thứ tiếng đa âm, muốn biến thành đơn âm, người ta buộc lòng phải cắt chữ thành nhiều vần (syllable) để hoặc là lấy trọn hoặc chỉ lấy một phần. Trong quá trình phiên âm, đôi khi một âm bị đổi khác cho phù hợp với cách uốn giọng của người Việt, nhất là những người chưa từng học tiếng Pháp, chưa biết cách phát âm tiếng Pháp… Hiện tại, trong vốn từ của Việt Nam, ngoài 65% là từ gốc Hán còn khoảng hơn 400 từ là từ gốc Pháp, các từ này vẫn còn đang được sử dụng khắp nơi, nhiều khi miệng nói ra nhưng bạn không biết mình vừa nói một câu có chữ Pháp trong đó.”

Thuở nhỏ, thời đi học, có nhiều câu lục bát với “Pháp Việt đề huề” (mượn chữ Collaboration Franco-Annamite, chính sách của chính quyền Pháp ở Ðông Dương vào đầu thập niên 1910) cũng ví von để dợt le. Học thuộc lòng mấy câu proverbs (ngạn ngữ) để xổ tiếng Tây với nhau cho le lói nhưng khi vào lớp thầy cô bảo phân tích văn phạm thì “ấm ớ hội tề!”

Ngày nay, tiếng pháp ít thông dụng ở trong nước. “Mỹ cút” nhưng tiếng “Mỹ” đã xâm nhập tràn ngập, nói mà không chêm tiếng “Mỹ” là thiếu hiểu biết, thiếu văn minh như gái giang hồ ngày xưa “no star where” (không sao đâu), “no table” (miễn bàn)… (Trong các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ có nêu ra loại tiếng Anh ba rọi này).

Theo lời bằng hữu ví von chuyện mấy Việt kiều thuộc loại “thất học, học làm sang” không những chêm mà còn vung vít tận mây xanh. “Chiện” này mà bàn thì dài dòng văn tự. Ngay cả giới truyền thông trong nước mà không dùng sự trong sáng của tiếng Việt để viết, chẳng hạn như “Lúc 15h chiều nay hoặc Lúc 15h hôm nay, tai nạn…” Nếu đọc “Lúc 15 (hờ)… nghe thật kịch cỡm. Tại sao lại vá víu chữ hour mà không viết giờ: 2 giờ khuya, 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều, 8 giờ tối…? Tiếng Việt minh xác thời điểm còn hơn tiếng Anh với AM & PM. Nay mai sẽ chêm thêm tiếng Quan Thoại, Quảng Ðông… thì đến thời điểm “từ chết đến bị thương!” Cụ Phạm Quỳnh ở cõi thiên thu chắc đau lòng bởi câu nói “…Tiếng ta còn, nước ta còn!”

Nay trở lại trường hợp sử dụng tiếng Việt chêm tiếng Anh trên xứ người như Hoa Kỳ, nên hay không là vấn đề rất tế nhị vì đó là “hai mặt của một đồng tiền” trong gia đình và ngoài xã hội.

Cô Ngọc Lan viết: “Chả nói tui suốt ngày chỉ lo ‘sốp binh’ (shopping), hỏng có ‘khe’ (care) gì cho chồng con nhà cửa. Tui nói tui có ‘khe’ (care) chứ sao không ‘khe,’ (care) không ‘khe’ (care) thì ai đi chợ ‘khút’ (cook) cho cha con chả ăn. Tui nói chả đừng có chọc tui ‘ghét mát’ (get mad) lên là tui ‘mu’ (move) ra thì đừng có mà khóc lóc năn nỉ…”

“Anh ơi, chiều nay có quởn thì mang cái xe đi ‘quát’ (wash) giùm em nha. Sẵn anh ‘tét’ (text) luôn cho cô Tám hỏi cổ coi cái máy xay thịt của cổ còn ‘quớt’ (work) không ghé mượn về làm nem ăn…”

Bài viết kết luận: “Vậy, liệu người lớn cũng có nên ‘tập’ nói chuyện hoặc thuần Việt hoặc thuần Mỹ thôi không? Và cách nói chuyện bằng tiếng Việt chen tiếng Mỹ liệu có làm cho cái sự cố gắng gìn giữ tiếng ông bà bị mai một và lai căng theo thời gian không?”

Thật ra có những chữ khá phổ thông mà ta nên sử dụng để hiểu rõ ràng hơn. Chẳng hạn như chữ phản hồi, ý kiến phản hồi, góp ý…. Nếu dùng chữ “feedback” thì đó là bài viết mà dùng chữ “comment” thì vài chữ đến vài chục dòng (bình phẩm khen, chê, chia sẻ…) dưới bài viết trên trang mạng.

Trong gia đình

Trước đây tôi đảm nhận Trưởng Khối Truyền Thông (khoảng 10 năm) trong Ban Ðại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (BÐDCTTVNNC). Danh xưng tiếng Anh là The Association of The Vietnamese Language & Culture Schools of Southern California (TAVIET-LCS), có khoảng 80 trung tâm, trường Việt Ngữ.

Tất cả thầy cô, quý vị tham gia trong tinh thần thiện nguyện. Mỗi năm đều tổ chức Khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm vào dịp Hè để quý thầy cô các nơi về tham dự. Ngoài ra, sinh hoạt mỗi năm vào dịp Tết, họp mặt và vinh danh thầy cô, tổ chức thi chính tả. Tổ chức Tết Trung Thu… Ðến nay cũng được ba thập niên.

Trong những lần tiếp xúc với thế hệ thứ hai, chúng tôi đều mong muốn con cái nói được, viết được tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai, nhất là tiếng mẹ đẻ là niềm vui trong gia đình. Vì vậy nơi nào có nơi dạy tiếng Việt cho con em, phụ huynh như tìm được cái phao để tuổi thơ tìm về cội nguồn.

Ðối với ông bà, khi các cháu nói “thưa ông, thưa bà, chào ông, chào bà…” nghe rất thân thương và mát lòng. Ông bà, cha mẹ lúc nào cũng dạy con cháu phải có chữ “dạ,” “dạ có, dạ không…” rất lễ phép, thay vì trả lời “yes, no” cụt lủn. Con cái ở gần cha mẹ là niềm hạnh phúc vì gởi trẻ thơ cho ông bà, và hầu như đều tập bập bẹ tiếng Việt. Khi mang về nhà lại nói và giải thích tiếng Anh để khi trẻ thơ vào preschool (kindergarten) khỏi bị bỡ ngỡ.

Khi trẻ thơ bước vào bậc tiểu học (elementary school) từ lớp một đến lớp bốn, nếu có anh chị em thì chúng chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Ông bà giao tiếng với cháu cũng chêm tiếng Anh và giải thích để hiểu nghĩa. Hầu như ông bà nào cũng hiền hòa, nhẫn nại với cháu, ngay cả khi kèm homework mà khi làm cha mẹ thì hình như thiếu đức tính nầy với con cái… Rồi thế hệ thứ hai khi về hưu, làm ông bà cũng vậy.

Vì vậy, đôi khi cũng có sự thông cảm khi ông bà đưa các cháu đi chơi, vào shopping, đôi lúc phải chêm dăm ba tiếng Anh cho tiện. Nếu ông bà mà nói với nhau nào là cái roll (cuộn), jar (lọ), bottle (chai), bowl (chén, bát), tube (ống), cái tie (cà vạt), cái scarf (khăn quàng)… thì “nghèo” tiếng Việt?

Học đường ở Mỹ là môi trường tốt và sự giáo dục trong gia đình là vấn đề hệ trọng. Người xưa đã khuyên “dạy con từ thuở còn thơ” mà trẻ thơ tiếp nhận được sự dạy dỗ này từ thuở thơ ấu đến khi trưởng thành là niềm hạnh phúc.

Có lẽ cách gọi trong đại gia đình thông thường dạy cho trẻ thơ với ông bà (grandparents) như grandfather (thường gọi granddad hoặc grandpa), grandmother (thường gọi granny hoặc grandma) nhưng khi nghe ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại… cảm thấy thật dễ mến, gần gũi vô cùng. Thử hình dung hình ảnh đứa trẻ khi gặp cúi đầu “Chào ông nội” với hình ảnh giơ tay “Hi, Grandpa,” tuy lễ phép nhưng cái còn, cái mất trong tâm thức tuổi hạc.

Với cha mẹ (parents) thì thường gọi cha là dad, daddy thay vì father và mẹ là mom thay vì mother vì trẻ em khi học ở trường, phụ huynh thường liên lạc với thầy cô và con cái nên thông dụng.

Và, từ gia đình cũng ảnh hưởng phần nào ngoài xã hội. 

Ngoài xã hội

Ðôi khi cũng phải thông cảm với những người sống đã lâu và ở những nơi có ít đồng hương, họ giao tiếp với nhau đã sử dụng tiếng Việt chêm tiếng Anh trở thành thói quen. Nhất là con cái của họ khi ở học đường và nơi làm việc với người bản xứ, ít có cơ hội trau dồi tiếng Việt nên biết dùng chữ Việt nào thì hay chữ đó, ngoài ra phải chêm tiếng Anh.

Khi ngồi uống cà phê với nhau, đề cập đến bài viết của cô Ngọc Lan lần này để “tìm hiểu sự tình” trao đổi với nhau chuyện bàn dân thiên hạ cho vui, cô dẫn chứng câu “Ai đông ke,” “Tui đông ke” nghe mà xấu hổ. Thật ra mấy chữ này cho dân ba búa, thất học lúc tranh cãi với nhau.

Thử tưởng tượng cha mẹ lúc bất bình nổi giận la mắng đứa con làm điều sai trái mà nó phát ngôn “Ai đông ke,” “Tui đông ke”… “Hu ke?” thì đau khổ đến bực nào.

Trước khi kết thúc những dòng này, tôi kể lại câu chuyện cách nay vài năm, khi ngồi uống cà phê thấy hai người bạn trẻ vì bất bình điều gì đó nên cãi vã bằng tiếng Anh ở bãi đậu xe, người thì to tiếng, văng tục, múa tay vung chân, người thì từ tốn giải thích, tôi đố mấy người bạn “ai đúng, ai sai?” Anh đoán người này, anh đoán người kia. Ðến khi hỏi tôi, tôi nói “Ai đúng, ai sai không thành vấn đề nhưng một người giữ được nhân cách, một người thì ngược lại.”

Trong vấn đề giao tiếp, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt lẫn tiếng Anh phải tùy lúc, tùy nơi, tùy trường hợp, tùy đối tượng… Nếu biết nhận chân và ý thức thì tốt, còn không thì coi như “nước đổ đầu vịt,” người xưa ví von “hai người đàn bà và con vịt làm thành cái chợ” (xin lỗi quý nương khi trích câu nói của người xưa), không hiểu vì sao người xưa lại nói “ăn thịt vịt thì xui”… nên đành chịu trận, chưa ăn, chỉ nhắc cũng thấy xui rồi!

Xin kể câu chuyện lúc nhỏ đang học lớp Ðệ Thất, buổi chiều sau giờ đá banh, mấy đứa bạn rủ tôi về nhà trọ của nó chơi. Bà chủ nhà rất hiền lành và tốt bụng, có thêm đứa nào muốn ăn thì bà sẵn sàng cho thêm chén đũa. Chiều hôm đó, khi về tới nhà thấy trên bàn đã dọn sẵn nhiều món ăn, thằng bạn mừng quá, thốt lên “merci, beaucoup!” Bà nghe mấy chữ đó, nổi giận chửi cho một trận, nào là cha mẹ ở quê lên đây năn nỉ bà lo cho chỗ ăn, chỗ ở, mới nứt mắt mà đã mất dạy bổ cu, bổ kiết…!

Tụi tôi giải thích đó là lời cảm ơn bà đã cho nhiều món ăn. Bà còn chửi coi thường bà không học nên nói xiên nói xỏ. Tôi chạy sang nhà cụ ông bên cạnh làm nghề y tá, cầu cứu sang nói cho bà hiểu. Trước khi về cụ ông xoa đầu tụi nhóc và dạy cho bài học để đời, phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Từ đó tởn thần, im re bà rè.

Ông bà ta đã nói: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ.” Câu nói hơi khắc nghiệt vì làm tốt, nói chữ là chuyện bình thường trên thế gian nhưng phải biết tùy lúc, tùy nơi, tùy trường hợp và tùy đối tượng.

No comments:

Blog Archive