Saturday, September 16, 2017

Cha Tôi Đâu?


Nguyễn Thị Cỏ May

Cha Tôi Đâu
Một nhà tâm lý học người Nhựt có nhận xét "Con có nhu cầu tìm cha để xác nhận mình là con của ai? Nếu phải tìm cha nuôi cũng chấp nhận". Việt nam mình nói "Con có cha như nhà có nóc".

Ở xứ thanh bình như Pháp, con tìm cha chỉ vì "cha vô danh" do hoàn cảnh cá nhơn. Ở các nước có chiến tranh như Vìệt nam trước đây, con không cha hay mất cha sớm rất phổ biến. Trong đó phải kể thêm con lai, cha là lính ngoại quốc về xứ sau thời gian phục vụ hoặc di tản về xứ khi bị thương tật, mất lìên lạc với người phụ nữ Việt nam.

Trước đây gần mươi năm, ở Pháp, có 2 cô đầm cùng làm vìệc ở tòa soạn một tuần báo ở Paris, đều sốt ruột muốn tìm cha ở Việt nam. Cha của 2 cô đều là người Việt nam, mẹ người Pháp, mất tin tức về cha từ khi mẹ ẵm con về Pháp. Nay 2 cô bốn mươi tuổi, nhớ cha, muốn gặp lại cha hoặc có tin tức về cha, hoặc gặp thân nhơn gia đình Việt nam của cha,... Nhu cầu phải biết về người cha, có một chút thông tin về người cha,...

Hai cô đầm nhờ bạn người Việt nam hướng dẫn về Việt nam tìm cha, với hành trang chỉ có vài thông tin về quê quán và tên họ của cha mà thôi. Cô đầm có cha quê Biên Hòa, sau đó, có tin cha của cô cùng gian đình sau đã qua Pháp sanh sống. Cô tìm được gia đình của cha thì người cha vừa mất năm trước, chỉ gặp bà mẹ kế và các em cùng cha.

Cô thỏa mãn nhu cầu tìm cha. Ngày nay thỉnh thoảng vẫn thăm hỏi các em và bà mẹ kế.

Còn cô bạn kia có cha quê ở Huế. Cô ra tận Huế tìm tông tích nhưng không có ai biết. Nhờ nhắn tin trên báo địa phương vẫn không có tin. Cô thất vọng.

Một cô gái Việt nam quê Sa đéc, sau 28 năm tìm được cha, một cựu lính Mỹ chiến đấu ở Việt nam, nay sanh sống ở Virginia. Trong thư đầu tiên gởi cha để tự giới thiệu mình và nhận cha, cô viết “Cha! Đây là lần đầu tiên con gọi từ này trong đời mình, điều con nghĩ mình sẽ mãi mãi không bao giờ có cơ hội thực hiện. Từ giờ con hiểu con đã thực sự có một người cha. Đó là một bất ngờ lớn, một cú sốc lớn của con, nhưng dĩ nhiên nó là một cú sốc hạnh phúc…”.

Một ngày cuối tháng 11/1996, cha của cô qua Việt nam để gặp cô. Tới đón cha, trong cuộc gặp gở đầu tiên ở Phi trường Tân Sơn Nhứt, cô trao tặng cha 28 bông hồng tượng trưng cho 28 năm cha con không biết nhau. Cái khoảnh khắc chờ đợi cha ở sân bay Tân Sơn Nhứt, chờ đợi máy bay hạ cánh và chờ đợi được nhìn thấy cha mình lần đầu tiên bằng xương bằng thịt, là một cảm giác kỳ lạ nhưng vô cùng tuyệt vời đối với cô. Khi cha cô xuất hiện trước mắt cô, cô đã nhìn ông, rơi nước mắt và cất tiếng gọi "ba", tiếng "ba" thực sự đầu tiên trong đời. Và người cha Mỹ cũng lần đầu tiên trong đời được nghe đứa con ruột thịt thực sự và duy nhất của mình gọi một tiếng "ba" đầy cảm động....

Ngày nay, ở Pháp, con tìm cha để biết mình là con của ai trở thành gần như một phong trào khá sôi nổi. Không cha hoàn toàn không do hoàn cảnh thời cuộc mà do tiến bộ khoa học và diễn tiến đời sống xã hội tiêu thụ, thiên về nhu cầu thực tế hơn là nế nếp cũ.

Đứa trẻ sanh theo sự hỗ trợ y khoa (PMA = Procréation Médicalement Assistée), và nhiều hoàn cảnh xã hội khác, đã tạo ra tình trạng con không cha.

Luật sẽ cho phép PMA áp dụng ở Pháp
Luật cho phép có con theo sự hỗ trợ y khoa (PMA) sẽ được áp dụng vào năm 2018 cho tất cả phụ nữ Pháp muốn có con. Dĩ nhiên luật này hoàn toàn không nhằm giải quyết tình trạng con không cha đang là thực tế xã hội, trái lại sẽ tạo thêm một cách phổ biến tình trạng con không cha vì người phụ nữ sanh con không cần có chồng, hay đúng hơn, không cần có người đàn ông. Con gái "đồng trinh" có con, và có bao nhiêu con cũng được.

Cho tới một lúc nào đó, bổng một hôm, đứa trẻ hỏi lớn lên, như gào thét "Cha tôi đâu?". Và tình trạng này đang xảy ra ở Pháp. Trong tương lai sẽ nghiêm trọng hơn khi luật pháp đã cho phép và phụ nữ ở Pháp, cả không tiền, cũng sẽ có con. Hiện nay, chỉ những người có tiền mới có con được vì phải đi qua một nước khác nhờ PMA.
Theo tin AFP, bà Marlène Schiappa, Bộ trưỏng về "Bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông ", sáng nay loan tin mừng luật "Có con nhờ y khoa hỗ trợ" (PMA) sẽ áp dụng cho tất cả phụ nữ Pháp vào năm tới 2018. Bà  còn vui vẻ nhấn mạnh "Đây đúng là một sự công bình xã hội". Vì những cặp gái-gái, phụ nữ ở một mình,... đều có thể có con như những cặp vợ chồng truyền thống Nam-Nữ, nếu muốn. Nên ông Emmanuel Macron, lúc vận động tranh cử, có tuyên bố và hứa sẽ thực hiện. Và nay là lúc thuận tiện để đưa ra giúp chánh phủ né tránh phải đối đầu gay gắt trước phản ứng của nghiệp đoàn CGT (TTký Martinez còn Soviet Suprême) vì không đồng ý dự luật cải tổ luật lao động. Nếu dự luật này được thông qua thì mai này, mọi thỏa thuận sẽ được thương thảo trực tiếp giữa chủ nhơn và đại diện công nhơn, trong khuôn khổ xí nghiệp, không cần qua nghiệp đoàn nữa.  Nghiệp đoàn sợ mất  miếng thịt bò, phô-mai và chai rượu ngon.

Biểu tình hôm 12/09 vừa qua cho thấy sự thật là CGT và TTKý Martinez chỉ nhằm chống ông TT Macron hơn là phản đối dự luật cải tổ Lao động. Trong đoàn biểu tình có thêm không ít những người không phải CGT tham gia, cả dân tới Pháp lậu, nhằm có tiếng nói đòi lên lương, đòi kéo dài hợp đồng lao động,.... Mọi người, cả đoàn viên CGT, không ai cần biết rõ nội dung dự luật là gì.

Nghiệp đoàn của Tây là thế!

Luật pháp của chánh phủ đề nghị, nhứt là quan hệ đến con người, phải đưa qua "Ủy Ban Quốc gia Đạo lý" xem xét và chấp thuận mới được thông qua. Nay Ủy Ban đã thuận, với rất nhiều cố gắng và dè dặt. Trong lúc đó, chỉ còn Giáo hội công giáo chống đối mạnh.

Tuy nhiên người nhiệt liệt hoan nghênh dư luật và sự phê thuận của Ủy Ban Quốc gia Đạo lý là Liên Hội đồng tính, dị tính, lưỡng tính, đổi giống. Trong bản thông báo, Liên Hội yêu cầu Quốc Hội thông qua mau và cũng lấy làm lo ngại bản văn sẽ bị cắt xén. Liên Hội cũng không quên bày tỏ ý muốn việc áp dụng PMA sẽ được Bảo hiểm sức khỏe hoàn trả chi phí.

"Có con nhờ y khoa hỗ trợ" (PMA) cũng là khẩu hiệu để tranh đấu của Liên Hội trong kỳ diễn hành lần thứ 40 ở Paris qui tụ hằng chục ngàn người tham dự.

Chấp thuận cho áp dụng phổ quát PMA nhưng Ủy Ban Quốc gia Đạo lý lại bác bỏ "Có bầu dùm kẻ khác" (GPA = Gestation Pour Autrui) và cho đây thuộc về vấn đề xã hội hơn mà y khoa chỉ giúp đỡ khi cần mà thôi.

Theo kết quả thăm dò dư luận, ở Pháp có tới 6/10 người (60% dân chúng) tỏ ra hoan nghênh dự luật về PMA sắp được ban hành.

Cho tới nay, việc áp dụng PMA chỉ dành cho vợ chồng truyền thống bình thường, chồng đàn ông, vợ đàn bà, muốn có con vì  không sanh đẻ được hoặc tránh gây bịnh truyền nhiễm cho đứa trẻ sanh ra. Vẫn ngăn cấm đối với những người đồng tính, độc thân. Hồi tháng 4, trong cuộc vận động tranh cử, ông Macron gởi cho Liên Hội đồng tính, dị tính,.... một bức thư cho biết ông đang chờ ý kiến của Ủy Ban Quốc gia Đạo lý để ban hành đạo luật về PMA cho tất cả mọi phụ nữ.

Trong lúc đó, Ủy Ban lại không bênh vực việc phụ nữ muốn tích trữ như gởi phòng đông lạnh "trứng" của mình chờ "có con" lúc muốn.  Ý kiến của Ủy Ban ngược lại với ý kiến của Hàn Lâm Viện Y khoa vì y khoa đồng ý tích trữ]"trứng" để có thể có con sau 35 tuổi. Nhưng về mặt Đạo lý sẽ nảy sanh ra nhiều chuyện phức tạp như "trứng" bị bán cho người khác hay có con sau thời gian khá lâu người đàn ông đã chết.

Còn nhà phân tâm học, triết gia và luật gia Jean-Pierre Winter lại đặt vấn đề về tầm quan trọng "Thiếu vắng cha" do tiến trình xã hội và những tiến bộ khoa sinh học tạo ra. Sự thiếu vắng cha làm mất đi trật tự họ hàng. Về quan hệ hàng ngang, không có cha không thể xác định được địa vị của đứa trẻ. Về mặt tâm lý, đứa trẻ sanh ra không có cha - khác với trường hợp mồ côi cha vì còn có vết tích về người cha - khi lớn lên cảm thấy như mình không có nơi che chở. Trong nhà như chỉ có "đồng loại", không có người cầm quyền vì quyền bị cướp mất rồi. Ông Jean-Pierre Winter nói rõ không có gì, không có ai có thể thay thế người cha.

Nhà phân tâm học về trẻ con Pierre Lévy-Soussan hoàn toàn không đồng ý việc mở ra PMA cho tất cả phụ nữ. Theo ông, đó là một cách hi sanh người cha bằng khoa học, là một hình thức tối hậu dùng bạo lực đối với trẻ con.

Áp dụng PMA không đòi hỏi điều kiện phải là trường hợp không sanh đẻ được hoặc cho tất cả phụ nữ đồng tính là một sự thoái hóa trên nhiều bình diện: thiếu đối thoại dân chủ, thiếu vắng địa vị người cha hay người đàn ông, mất quyền trẻ con và mất cả quan niệm nhơn bản của y khoa.

Dùng khoa học loại bỏ người cha là một cách sử dụng bại hoại khoa học.
 
Nguyễn Thị Cỏ May

No comments:

Blog Archive