Họa phúc khôn lường
Dù cho “thù trong giặc ngoài” có làm cho tình hình đất nước căng thẳng cỡ nào, hôm thứ Bảy 2/9 vừa qua, trong chuyến đi kinh lý tại một thành phố Houston tiêu điều buồn bã vì thiên tai, tổng thống Donald Trump vẫn có thể vui cười chụp hình với các gia đình tỵ nạn. Nhiều người mất nhà cửa, xe cộ và tài sản. Vậy mà khi tuyên bố với báo chí, tổng thống Mỹ nói rằng ông đã thấy được “rất nhiều hạnh phúc” nơi nhiều người. Ông nói với các ký giả: “Thật là tốt đẹp. Thật là đẹp!” Khi được hỏi dân chúng đã nói gì với ông, ông trả lời: “Họ rất hạnh phúc với những gì đang xảy ra”.
Thái độ của Tổng thống Trump và nhận xét của ông về niềm “hạnh phúc” của người dân Houston khi đứng trước thiên tai không khỏi làm tôi nhớ lại tuổi thơ của mình. Tôi có một tuổi thơ đẹp. Đẹp và cũng kỳ cục: năm nào ở quê tôi mà không có thiên tai như bão lụt là tôi buồn! Nhớ mãi cứ bước vào tháng Chín tháng Mười Âm lịch, trời mưa thúi đất, kéo dài cả tháng trời, nước sông cứ từ từ dâng lên cho đến khi tràn vào vườn, vào nhà. Đó là những giây phút “sảng khoái” nhứt của tôi. Đêm nằm ngủ không yên, cứ lén thức dậy ra trước nhà xem nước đã lên cao đến cỡ nào. Sáng ra thức dậy mà thấy nước chưa vào nhà là kể như một năm “mất mùa” đối với tôi. Năm nào lụt lội được báo trước bằng một trận bão lớn, năm đó là năm vui nhứt, bởi vì bão kéo theo nhiều mưa, nước càng lên mau. Mặc cho mấy bà chị của tôi phải đi kiếm củi và phùng mang trợn mắt để hà hơi vào cái ống thổi lửa mà chỉ thấy toàn khói với khói, cơm cứ khê và đồ ăn cứ sống nhăn, tôi vẫn ung dung ngồi trong nhà quăng cần câu ra sân chờ thời chớ chẳng cần phải vác xác ra sông ra ruộng chi cho mệt. Có năm, vịt người ta nuôi từng bày trong các thửa ruộng vừa gặt xong, lạc bày chạy bổ vô nhà. Của trời cho, dại gì không nhận!
Bên cạnh cái thú bắt vịt, câu cá trong mùa bão lụt, trẻ con như tôi còn họp nhau lại để kết những chiếc bè chuối và đi ngao du trong các vườn cây ăn trái. Bình thường, muốn có thêm các loại sinh tố, lũ trẻ chúng tôi phải lén lút chui qua các con đường mòn do những con heo thả rong tạo ra trong các hàng rào để chôm chĩa trái cây của người ta. Bão lụt tặng không cho trẻ con một cái quyền bất thành văn là tha hồ hái hay lượm trái cây của người ta mà vẫn có thể vênh cái mặt lên!
Bão lụt hay thiên tai nói chung có gây ra mất mát, phiền muộn, khổ đau cỡ nào cho người lớn đi nữa, trẻ thơ như tôi vẫn cứ xem đó như một nguồn hạnh phúc trời cho. Tôi không biết đó có phải là niềm “hạnh phúc” của những người tỵ nạn bão lụt tại Thành phố Houston mà Tổng thống Trump đã nhìn thấy không. Dù sao, kể từ khi bắt đầu biết suy nghĩ và giở giọng triết lý ba xu, tôi thường cảm nhận được một điều mà minh triết Á đông thường diễn tả bằng câu “họa phúc khôn lường”. Trong cái rủi có cái may. Chuyện “lão ông thất mã” cũng thường xảy ra cho nhiều người. Có khi may mắn và điều tốt đẹp lại đến trong tai họa. Mặt trái của thiên tai chẳng hạn có khi lại là may mắn hay niềm vui bất ngờ cho nhiều người.
Tôi nghĩ đến mối quan hệ giữa hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trong hầu như suốt Thế kỷ 20, hai nước này là những kẻ thù không đội trời chung. Mãi cho đến thập niên 1990, một ông bộ trưởng ngoại giao của Hy Lạp vẫn còn gọi người Thổ là “những tên trộm cướp và hiếp dâm”. Y chang cái giọng mà Tổng thống Trump dùng để miệt thị người Mễ Tây Cơ. Trong khi đó năm nào người Thổ cũng mừng chiến thắng Smyrna qua nhiều cuộc xung đột giữa hai nước vào nhiều thời kỳ khác nhau. Cứ mỗi lần ăn mừng chiến thắng này, người Thổ thường diễn lại cảnh họ dùng lưỡi lê đâm vào binh sĩ Hy Lạp, sau đó ném xác họ xuống biển và dày xéo lên lá cờ của Hy Lạp. Cứ xem cái cách ăn mừng như thế cũng đủ để thấy được mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc này.
Thế rồi năm 1999, một trận động đất dữ dội đã tàn phá Thành phố Istanbul và miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Bất thần Hy Lạp lại là một trong những nước đầu tiên đã mau mắn gởi các toán cấp cứu đến Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức quyên góp được một số tiền lớn để cứu trợ. Một người đàn ông Hy Lạp còn gọi điện thoại đến Tòa đại sứ Thổ để cho biết sẵn sàng hiến tặng thận cho bất cứ ai cần đến. Đây là lần đầu tiên trong hàng bao nhiêu thập niên, những chiếc cầu vồng rực rỡ đã chiếu sáng trong bầu trời đen nghịt vì thù hận giữa hai quốc gia.
Chỉ một tháng sau, đến lượt Thành phố Athens của Hy Lạp lại bị động đất. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả lại cũng bằng tất cả sự cảm thông và quảng đại mà Hy Lạp đã dành cho họ. Song song với những nỗ lực cứu trợ, các nhà ngoại giao của hai nước đã gặp nhau để thảo luận về chuyện hàn gắn những rạn nứt giữa hai nước. Sau 25 năm bế quan tỏa cảng, lần đầu tiên tàu bè của Hy Lạp đã bắt đầu cập bến vào các hải cảng của Thổ Nhĩ Kỳ. Hy Lạp cũng tuyên bố hết mình ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập vào Liên Âu. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng ý bãi bỏ chuyện kỷ niệm chiến thắng Smyrna với màn đâm chém các binh sĩ Hy Lạp. Thiên tai đã gây ra không biết bao nhiêu mất mát và khổ đau, nhưng kỳ diệu thay, cũng có sức phá tan bức tường của hận thù và đố kỵ giữa hai dân tộc. Xét cho cùng, tai họa có khi là đòn bẩy làm bật lên những cung điệu nhân ái thâm sâu từ trái tim con người.
Vào cuối Thế kỷ 19, mối căng thẳng giữa Đức và Hoa Kỳ đã lên cao đến độ có thể dẫn đến một cuộc đại chiến. Tất cả cũng chỉ vì một chút quyền lợi tại Samoa, một quần đảo chìm ngập giữa Thái Bình Dương. Các nhà doanh nghiệp của cả Đức và Mỹ đều nhìn vào kỹ nghệ cao su tại quần đảo này như một thứ bò sữa béo bở. Với lòng tham ấy, tàu bè của Đức đã tấp nập cập bến vào các làng duyên hải của Samoa. Sợ mất phần, Mỹ cũng đưa hạm đội của họ đến Thái Bình Dương để yêu cầu Đức rút ra khỏi Samoa. Anh cũng nhào vô ăn có. Chẳng ai ngó ngàng gì đến người dân Samoa.
Lực lượng của cả ba cường quốc đều gặp nhau tại Hải cảng Apia. Chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và dĩ nhiên cũng sẽ lôi kéo theo đồng minh của mỗi phía. Lo sợ trước viễn ảnh của chiến tranh, các chính trị gia của 3 phía ráo riết vận động để tìm kiếm một giải pháp. Nhưng không bên nào chịu nhượng bộ cho bên nào. Một cuộc chiến tàn khốc là điều khó tránh khỏi. Trong khi các chính trị gia bù đầu bức tóc để tìm một giải pháp thì các thủy thủ của mỗi bên cũng lo sốt vó, bởi vì cuộc đối đầu cả quân sự lẫn chính trị đang diễn ra vào chính mùa bão lụt tại Samoa. 7 tháng đã trôi qua mà không ai tìm được một lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Vậy mà cuối cùng, mọi sự đều được giải quyết một cách ổn thỏa nhờ chính một cơn bão dữ. Một tàu chiến của Đức đã bị nhận chìm xuống đáy biển; chỉ có 4 thủy thủ sống sót. Hạm đội của Mỹ cũng quay cuồng ngất ngư khi tìm cách vào Hải cảng Apia để trú ẩn, đồng thời cũng tìm cách giúp cho một chiếc tàu của Đức cập bến. Nhưng cuối cùng chiếc tàu này lại đâm vào một chiến hạm của Mỹ.
Sau khi trận bão đã đi qua, người ta chỉ còn thấy có mỗi một chiếc tàu không rõ của bên nào còn trôi nổi gần hải cảng. Như thể thức giấc từ một cơn ác mộng, cả ba phía đều nhận ra một sự thật phũ phàng là Quần đảo Samoa đâu có đáng để phải hy sinh và mất mát nhiều như thế. Lúc bấy giờ, người ta mới chịu ngồi lại với nhau, gạt bỏ mọi tham lam cuồng vọng để tìm kiếm hòa bình.
Tai họa thường giúp cho con người mở mắt để thấy được đâu là những giá trị đích thực đáng để tìm kiếm trong cuộc sống.
Sắp đến ngày 11 tháng Chín. Đây sẽ mãi mãi là một ngày không bao giờ có thể xóa bỏ khỏi lịch sử nhân loại. Thế giới không chỉ nhìn thấy bộ mặt khủng khiếp của hận thù, nhưng cũng sẽ mãi mãi ghi nhớ vẻ đẹp của tình yêu trong trái tim con người được thể hiện qua không biết bao nhiêu nghĩa cử và hy sinh. Trong những giây phút nguy ngập nhứt , tai họa đã giúp cho nhiều người nhận ra được điều gì là quan trọng nhứt trong cuộc sống. Thông điệp vĩ đại nhứt được truyền đi trong những giây phút cuối đời của những người đang trải qua tai họa đã được tóm gọn trong hai chữ “tình thương”. Con thương cha thương mẹ. Cha mẹ thương con. Anh yêu em. Em yêu anh…Đó là tất cả những gì mà các nạn nhân của cuộc khủng bố đã nhắn gởi đến người thân của mình. Trong phút chốc, tai họa đã nhắc nhở cho con người biết rằng yêu thương là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống khi tất cả mọi điều khác đều qua đi.
Bão Harvey đã thổi vào Thành phố Houston và đã đi qua. Có người cho đây là trận bão của thế kỷ. Nhiều người nhớ lại trận bão Katrina đã càn quét qua Tiểu bang Louisana cách đây đúng 12 năm. Hoa Kỳ quả là một quốc gia vĩ đại. Vĩ đại không chỉ vì giàu có về của cải vật chất và hùng mạnh về quân sự, mà còn vĩ đại vì những giá trị nhân bản toát ra từ không biết bao nhiêu tai họa khủng khiếp cứ mỗi năm đến hẹn lại lên. Bên cạnh sự tàn phá của tai họa, người ta không thể quên được hình ảnh của tình liên đới, tương trợ, cảm thông, quên mình và hy sinh vì người khác.
Một trong những hình ảnh có lẽ đáng ghi nhớ hơn cả trong trận bão Harvey vừa qua có lẽ là cái chết của một người thanh niên tên là Alonso Guillen. Anh theo cha mẹ “di dân lậu” vào Mỹ lúc còn nhỏ. Và anh đã chết tại Mỹ trước khi bị Tổng thống Trump ra lệnh trục xuất về lại Mễ Tây Cơ. Hôm thứ Tư tuần qua, người thanh niên này đã mất tích khi chiếc xuồng của anh bị chìm vào chính lúc anh đang tìm cách cứu những người còn sống sót. Hôm Chúa nhựt vừa qua, gia đình anh đã tìm thấy xác của anh dưới một chân cầu, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ dẹp bỏ chương trình ân xá cho các di dân lậu đến Mỹ từ lúc nhỏ. Alonso Guillen và khoảng 800.000 thanh niên thiếu nữ thường được gọi là“những người có ước mơ” (dreamers). Cũng như rất nhiều người trên thế giới hiện nay, họ nhìn vào Hoa Kỳ như một đất nước mình “mơ” được trở thành công dân. Giấc mơ của Alonso Guillen không thành. Nhưng ít ra người thanh niên 31 tuổi này cũng đã cho thấy được một bộ mặt tốt đẹp của nước Mỹ: trong cơn hoạn nạn, người ta sẵn sàng quên mình để cho người khác được sống.
Lúc nhỏ tôi mong cho bão lụt xảy ra để được vui chơi. Tuổi đời càng chồng chất, tôi càng sợ tai họa. Nhưng nếu chẳng may tai họa xảy đến, cho riêng cá nhân mình, tôi luôn tự an ủi là ít ra tai họa nhắc nhở cho tôi nhìn thấy được đâu là đâu là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống, đâu là những giá trị đích thực đáng để sống chết cho và đâu là ý nghĩa của cuộc sống.
Chu Thập
Source:vietluan.com
No comments:
Post a Comment