Friday, September 22, 2017

“Con” và “Người”


Cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên ngày càng trầm trọng, nhứt là sau khi Bắc Hàn đã cho thử nghiệm một trái bom khinh khí. Không riêng Nam Hàn, Nhựt Bổn, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, mà cả thế giới đều lo sợ. Với kho vũ khí hạt nhân hiện nay của cả thế giới, nếu một cuộc chiến tranh nguyên tử xảy ra, “tận thế” xem ra khó tránh khỏi. Bầu khí sợ hãi mà cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên đang tạo ra không khỏi làm cho tôi nhớ lại một cuộc khủng hoảng tương tự cũng đã từng xảy ra tại Cuba hồi năm 1962.
Năm 1962, tôi đã được 16 tuổi. Ở quê tôi, bước vào tuổi này,  con gái đã gần “bẽ gảy sừng trâu” và chuẩn bị lập gia đình.  Còn tôi thì vẫn cứ vô tư nhìn đời bằng đôi mắt lúc nào cũng lạc quan. Cuộc chiến Việt Nam chưa tới hồi ác liệt. Đêm vẫn ngủ yên như “thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Đại bác vẫn chưa “đêm đêm dội vào thành phố” và quân đội Mỹ cũng  chưa ào ạt đổ vào Việt Nam. Tuy vậy, dù có sống vô tư cách mấy, một học sinh chuẩn bị thi trung học đệ nhứt cấp như tôi cũng bị bắt buộc phải lo âu và suy nghĩ về một số biến cố xảy ra trong nước cũng như trên thế giới. Tại Việt Nam, đầu tháng 11 năm 1963, đã xảy ra cuộc đảo chính trong đó tổng thống tiên khởi của Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm bị sát hại. 21 ngày sau đó, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị bắn  chết trong một vụ mưu sát mà cho tới nay lịch sử vẫn chưa giải mã được.
Nhưng trong khoảng thời gian đó,  biến cố đã khiến cho cả thế giới gần như nín thở vẫn là cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Cuba. Ngày chúa nhựt 13 tháng Mười năm 1962, máy bay thám thính U-2 của Hoa Kỳ đã chụp được một không ảnh cho thấy Liên Xô đang cho xây dựng tại Cuba  một khu có đặt một dàn hỏa tiễn có gắn đầu đạn hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ.

Ngày thứ Hai 22 tháng Mười, sau một tuần lễ họp mật với các cố vấn và ban tham mưu, Tổng thống Kennedy đã lên đài truyền hình để loan báo cho dân chúng Mỹ biết rằng ông đã ra lệnh phong tỏa không cho bất cứ tàu bè nào có chở quân cụ được cập bến vào Cuba. Và cũng như đương kim Tổng thống Donald Trump đã từng đe dọa sẽ cho Bắc Hàn nếm “nộ khí và khói lửa”, Tổng thống Kennedy đã cảnh cáo rằng bất cứ một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nào của Liên Xô nhắm vào Hoa Kỳ từ Cuba cũng sẽ được đáp trả lại một cách “toàn diện”.

Tổng thống Kennedy tóm gọn phản ứng của Hoa Kỳ bằng một câu: “Chúng tôi sẽ không nhất thiết phải liều lĩnh gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử trên toàn thế giới với những tổn thất mà chiến thắng chỉ là tro bụi trong miệng lưỡi chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ không lùi bước bất cứ lúc nào nếu phải đương đầu với một sự liều lĩnh như thế”.
Sự thách thức của Liên Xô và những lời lẽ cứng rắn của Tổng thống Kennedy đương nhiên làm cho cả thế giới run sợ. Hai đám mây khổng lồ hình nấm trên bầu trời Hiroshima và Nagasaki  do hai trái bom nguyên tử của Hoa Kỳ tạo ra hồi năm 1945 và bóng ma của hàng trăm ngàn nạn nhân lại trở về ám ảnh toàn thế giới. Một cuộc chiến tranh nguyên tử chắc chắn sẽ dẫn đến sự diệt vong của toàn thể nhân loại. Chưa bao giờ thế giới nghiệm được câu nói của người Á Đông: “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”.

Đầu năm 1952, trong bài diễn văn đọc trước khi rời Tòa Bạch Ốc,  cố Tổng thống Harry Truman, người đã ra lệnh thả bom nguyên tử xuống Nhựt Bổn để kết thúc Đệ nhị Thế Chiến, đã nói vừa như một lời tự thú vừa như một lời cảnh cáo: “Gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử là một điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được đối  với những con người có lý trí”.
Có lẽ đã lắng nghe và chiêm nghiệm lời nhắn nhủ của cố Tổng thống Truman cho nên trong một lá thư gởi cho Tổng thống Kennedy khi cuộc khủng hoảng Cuba đã bước vào giai đoạn nguy kịch nhứt, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là ông Nikita S. Khrushchev đã viết rằng chỉ có “những tên điên khùng hay quẫn trí tự tử muốn chết và tiêu diệt  toàn thế giới trước khi chết” mới gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử.
Mà quả thật, chiến tranh nguyên tử giữa hai cường quốc đã không xảy ra. Lý trí đã chiến thắng trên sự ngông cuồng. Liên Xô đã bất thần cho rút hết dàn hỏa tiễn về nước. Bầu khí quyển bỗng hạ nhiệt. Thế giới đã thở ra nhẹ nhõm.
Khi xảy ra cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo của thế giới Kitô Giáo đã kêu gọi các tín hữu gia tăng cầu nguyện. Cuộc khủng hoảng Cuba đã chấm dứt một cách êm thắm. Lúc đó, nhiều tín hữu như tôi đã tin đó là một phép lạ: Thượng Đế đã can thiệp để chiến tranh nguyên tử không xảy ra và nhân loại đã không bị tiêu diệt!
Tôi không biết Thượng Đế đã “can thiệp” như thế nào. Nhưng ngày nay khi nhìn lại biến cố, tôi nhận thấy Tổng thống Truman và Tổng bí thư Khrushchev đã có lý khi đề cao vai trò của lý trí: những con người có lý trí không thể gây ra chiến tranh nguyên tử!
Ngày nay, khi nhìn lại biến cố, tôi tin rằng  Tổng bí thư Khruschchev đã tỏ ra là một con người “có lý trí” và đã hành động theo sự hướng dẫn của lý trí hơn là cuồng vọng mù quáng. Hầu hết các sử gia đều tin như thế. Chính vì vậy mà một cuộc chiến tranh nguyên tử đã không xảy ra.
Theo các sử gia, sở dĩ lãnh tụ cộng sản Liên Xô cho bố trí hỏa tiễn tại Cuba là để bảo vệ nước đàn em cộng sản này khỏi một cuộc tấn công khác của Hoa Kỳ. Thật vậy, năm 1961, Hoa Kỳ đã mở một cuộc tấn công vào một địa điểm có tên là Vịnh Con Heo của Cuba để lật đổ chính phủ cộng sản của lãnh tụ Fidel Castro. Cuộc tấn công đã thất bại, nhưng cũng đã đặt Cuba vào tình trạng báo động liên tục và khiến cho các nước cộng sản đàn anh lo sợ.
Một lý do khác khiến lãnh tụ Khrushchev cho đặt dàn hỏa tiễn tại Cuba để nhắm vào Hoa Kỳ là vì muốn tìm cách cân bằng cán cân quyền lực nguyên tử giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, xét về sức mạnh nguyên tử, Hoa Kỳ là nước đang làm mưa làm gió trên thế giới. Vào thời điểm đó, với 6.000 đầu đạn nguyên tử, Hoa Kỳ đã bỏ xa Liên Xô về kho vũ khí nguyên tử. Liên xô chỉ mới có khoảng 300 đầu đạn nguyên tử và cũng chỉ có khoảng trên dưới 35 hỏa tiễn có khả năng bắn tới Hoa Kỳ.

Biết mình đang ở trong thế yếu cho nên theo truyền thống khoác lác, các cơ quan truyền thông công cụ của Liên Xô lúc nào cũng ra rả đề cao sức mạnh nguyên tử vượt bực của nước mình. Cũng với mục đích tuyên truyền đó, lãnh tụ Khrushchev cũng lên tiếng đe dọa không cho Tây Phương đặt chân đến Đông Bá Linh và sẽ tiêu diệt các đồng minh Âu Châu của Hoa Kỳ nếu nước này chống lại Liên Xô. Ông đã có lần tuyên bố rằng chỉ cần 6 trái bom khinh khí của Liên Xô cũng đủ để xóa tên Anh Quốc trên bản đồ thế giới và 9 trái khác cũng đủ để san bằng nước Pháp.
Dĩ nhiên, đó chỉ là một cuộc khẩu chiến. Bên kia những lời đe dọa ấy, nhà lãnh đạo cộng sản Liên Xô lúc nào cũng  bị dằn vặt bởi câu hỏi: “Tại sao phải hy sinh mạng sống của trên 200 triệu con người chỉ để bảo vệ 2 triệu người dân Đông Bá Linh?”

Trong hồi ký của mình, ông Khrushchev có ghi lại rằng khi cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Cuba đã lên đến cao điểm, ông có tham khảo  ý kiến của các tướng lãnh: liệu có nên duy trì dàn hỏa tiễn của Liên Xô ở Cuba và tấn công vào Hoa Kỳ không, nếu một cuộc tấn công như thế có thể khiến cho 500 triệu người thiệt mạng? 

Khrushchev viết rằng khi ông đặt một câu hỏi như thế, các tướng lãnh đã nhìn ông như thể ông là một người điên hay tệ hơn, một tên phản bội. Theo ông, đối với các tướng lãnh này, thảm họa lớn nhứt không phải là Liên Xô bị tàn phá và mất tất cả, mà là bị Trung Cộng và các nước cộng sản đàn em lên án là yếu đuối và hèn nhát.

Nhưng với sự mách bảo và cảnh cáo của lý trí, nhà lãnh đạo Liên Xô tự hỏi: “Nếu trong những giây phút cuối đời của tôi mà biết được rằng, mặc cho quốc gia vĩ đại của chúng ta và Hoa Kỳ có bị tiêu diệt hoàn toàn, danh dự quốc gia Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn, thì ích gì?”
Bảo toàn danh dự quốc gia bằng sự phá sản toàn diện, gây đau thương tang tóc cho hàng triệu triệu con người và ngay cả tiêu diệt cả thế giới…được ích gì? Đó hẳn là một câu hỏi mà các nhà lãnh đạo quốc gia, nhứt là các cường quốc, cần phải đặt ra hơn cả, bởi vì đó chính là một câu hỏi mà chỉ có lý trí và lương tri mới có thể đặt ra.

Tôi không biết kết thúc của cuộc khủng hoảng ở Bán đảo Triều Tiên sẽ như thế nào. Nhưng qua phân tách của một số chuyên gia, tôi cho rằng mục đích của cuộc diễu võ giương oai hiện nay của Bắc Hàn có lẽ cũng chỉ là để bảo toàn danh dự quốc gia; cụ thể là để đòi hỏi thế giới phải nhìn nhận “địa vị” của một cường quốc nguyên tử không chịu khuất phục và bị xóa sổ như một số chế độ độc tài, bất kể sự bảo toàn danh dự ấy có dẫn đến chỗ bị cô lập, nghèo đói của cả một dân tộc.
Danh dự và thể diện quốc gia…như các tướng lãnh Liên Xô đã từng yêu cầu Tổng bí thư Krushchev bảo tồn hoặc như chủ tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn dùng võ khí nguyên tử để bảo vệ,  có khi cũng chỉ là một thứ bùa chú mê hoặc và đưa đẩy nhiều người vào những cái chết vô nghĩa. Thứ danh dự và thể diện quốc gia này thường gợi lại cho tôi những khẩu hiệu như “lương tâm nhân loại”, “đỉnh cao trí tuệ của loài người”. Chính những khẩu hiệu ấy đã gây ra đau thương tang tóc cho cả dân tộc và một thời khiến cho cả đất nước rơi vào nghèo đói, lạc hậu.
Thứ danh dự và thể diện quốc gia ấy cũng thường khiến tôi nghĩ đến hình ảnh của hai chú gà trống đang gân cổ gáy. Chỉ có gà mới tìm cách “hơn nhau tiếng gáy” và có khi chỉ vì tiếng gáy mà xung trận để ăn thua đủ với nhau. Hình ảnh này lại gợi lên cho tôi ý nghĩ: chỉ có loài thú vật mới ăn thua đủ với nhau vì một chút “danh dự hão huyền”.
Theo  hầu hết các quyển tự điển của các nước Tây Phương mà tôi thường tham khảo, “người”, dựa theo câu nói của triết gia Hy Lạp Aristote (384-322 trước công nguyện), được định nghĩa như “một con vật có lý trí”. Tiếng Việt Nam thâm thúy, nhưng cũng rõ ràng hơn. “Con vật có lý trí” này được gọi là “con người”. “Con” và “người” chung sống với nhau. Nếu phần “con” lấn lướt, thì phần “người” bị thui chột. Điều ấy thường xảy ra khi cái lý trí, vốn là phần cốt lõi làm cho con người là “người” phải nhường chỗ cho những khuynh hướng thấp hèn và nhứt là các thứ “danh dự hão huyền”.
 Chu Thập

No comments:

Blog Archive