Monday, June 5, 2017

VÕ VÂN ÁNH - Hành Trình Đưa Nhạc Cụ Truyền Thống Việt Vào Thế Giới Âm Nhạc Hiện Đại

Source:Vietbao.com

1 Dan Tranh-Jason Lew-half facemain photo
Vanessa Vân Ánh Võ

Gần đây, cái tên Vanessa Vân Ánh Võ đã trở thành một khuôn mặt nghệ sĩ quen thuộc với cộng đồng người Việt California. Đón xuân mới, thật không gì bằng một cơ hội lắng nghe tiếng đàn cổ truyền điêu luyện của người nhạc sĩ đã đưa dòng nhạc dân tộc Việt Nam lên sân khấu luồng chính, đồng thời tạo nên tên tuổi và vị trí cho riêng mình trong thế giới âm nhạc Hoa Kỳ. 

Vân Ánh nổi tiếng với ngón đàn tranh điêu luyện, cũng như tiếng đàn bầu, đàn trưng, đàn tam thập lục, v.v. nhưng trên hết là lối sử dụng nhạc cụ truyền thống với hòa âm mới mẻ tạo nên âm điệu hiện đại trên sân khấu hiện đại. Cô được biết đến trong dòng chính qua các chương trình phỏng vấn của NPR, BBC, RFA, LA Times, Newmusicbox, theguardian, ect... và các chương trình trình diễn, thâu âm, hợp tác với the Kronos Quartet, với nhạc sĩ Yoyo Ma. Gần đây nhất là chương trình The Odyssey khởi diễn năm 2016 ở Kennedy Center, Hoa Thịnh Đốn, và hiện đang lưu diễn khắp Hoa Kỳ. 

Ra đời đúng vào năm lịch sử 1975, Vân Ánh Võ thuộc thế hệ lớn lên sau chiến tranh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cô học đàn tranh từ năm 6 tuổi. Năm 1995, cô đoạt giải nhất cuộc thi Tài Năng Trẻ Đàn Tranh toàn quốc Việt Nam và giải Nhất độc tấu nhạc dân tộc hiện đại. Năm 2003, cô sáng tác bài nhạc phim cho bộ phim được đề cử giải Oscar "Daughter from Danang". Năm 2009, cô đoạt giải Emmy Awards với soundtrack phim Bolinao 52, và gần đây nhất, bộ phim tài liệu A Village Called Versailles với phần âm nhạc do Vân Ánh đồng sáng tác đã đoạt giải Khán Giả Bình Chọn trong Liên Hoan Phim New Orleans. 

Lối trình diễn của một người nghệ sĩ chuyên nghiệp, nỗi say mê kể lại câu chuyện của âm thanh và cái đẹp chính là sự thu hút mê hoặc của Vân-Ánh trên sân khấu hiện đại của âm nhạc truyền thống. Say sưa trong câu chuyện âm nhạc, cô kể về quá trình sáng tác với âm điệu sôi nổi khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh của cô trên sân khấu, di chuyển từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác, nhanh nhẹn, ứng biến, uyển chuyển, vừa chơi đàn vừa kể về những mẩu chuyện dân gian và những câu ca dao đem ngẫu hứng cho cô sáng tác. Sự đam mê sáng tạo khiến Vân-Ánh không ngừng tìm kiếm âm thanh mới, và đây có lẽ là nguyên nhân mở ra cuộc đối thoại giữa Cô với the Kronos Quartet. Khi được hỏi về cái duyên hợp tác với ban nhạc danh tiếng này, Vân Ánh trả lời đơn giản: "Tôi nhìn thấy một cách kể chuyện và họ giúp tôi chia xẻ câu chuyện ấy." 

Rời Việt Nam hơn chục năm sau thời kỳ cao điểm của làn sóng thuyền nhân ty nạn, Vân-Ánh Võ hiện đang sống cùng gia đình ở vùng Bay Area, nơi cộng đồng người Việt ty nạn hải ngoại thuộc một trong 5 cộng đồng người Việt lớn nhất ở ngoài nước. Trong những buổi trình diễn cộng đồng, tại các lớp học, hay đơn giản ở một buổi ăn tối với bạn bè, trong những cuộc trò chuyện, Vân Ánh thường cảm thấy "lạc lõng" khi nghe kể câu chuyện vượt biển. Thuộc thế hệ "ở lại", mà còn ở lại "ngoài ấy", cô chẳng mấy khi có dịp tiếp xúc và không có khái niệm gì về lớp người "ra đi", cho đến khi cô sang Mỹ trình diễn lần đầu năm 1995, và sau đó định cư tại thành phố Fremont, trong lòng cộng đồng người Việt San Jose. 

Sống ở Hoa Kỳ với đa số bạn bè người Việt là những gia đình thuyền nhân, câu chuyện của họ thúc đẩy trí tò mò, từ đó gợi cho cô sự thán phục. "Tôi thường tự hỏi họ tìm ở đâu sự can đảm vô cùng đó, cũng như họ làm thế nào để giữ vững hy vọng!?" Càng nghe nhiều, Vân Ánh càng nuôi ý muốn được kể lại, nhất là những tin tức gần đây về làn sóng ty nạn thuyền nhân Syria. Chương trình The Odyssey- From Vietnam to America phôi thai từ đó, kể lại câu chuyện đi tìm tự do của thuyền nhân Việt Nam, mà theo cô là "một lời khẩn nguyện thay mặt cho tất cả những người ty nạn, một thông điệp chống lại những cuộc chiến tranh chia rẽ chúng ta." 

Đánh dấu 40 năm ty nạn của cộng đồng người Việt, The Odyssey khởi diễn ở Kennedy Center vào mùa xuân 2016, sang Texas vào mùa hè, và tiếp tục lưu diễn ở các thành phố khác trong năm 2017. Trong tập chương trình của The Odyssey: từ Việt Nam đến Hoa Kỳ, Vân Ánh đã viết: "...tôi muốn kể câu chuyện về sự chịu đựng vô biên và ý chí sống còn không gì cản nổi của Thuyền Nhân Việt Nam... Để chuẩn bị vở The Odyssey ra đời, tôi đã thực hiện trên 50 cuộc phỏng vấn với các thuyền nhân người Việt trên khắp nước Mỹ, gồm Houston, New Orleans, Orange County, Reno, San Jose và Seattle."
2 VanAnhVo-dan Bau 1-Christine Jade-stage shortVân Ánh & dàn nhạc tứ tấu đàn dây.

Chia xẻ và tâm tình

Việt Báo: Vân Ánh có thể kể về lần đầu tiên lên sân khấu trình diễn? 

Vân ÁnhLần đầu tiên đứng trên sân khấu mình mới 10 tuổi. Trình diễn ngay tại trường thôi, nhưng Vân Ánh căng thẳng và rất lo lắng (mà Vân Ánh nghĩ rất là vớ vẩn) là mình không có được bộ quần áo nào để mà mặc vì nhà Vân Ánh lúc đó rất nghèo. Quần áo đi học chỉ có một bộ, đi học tối về là phải giặt và phơi, sau đó lại mặc tiếp. Cô giáo của Vân Ánh là cô Hoà Bình lúc đó đã về nhà tìm quần áo thời cô còn trẻ, cắt ngắn và sửa lại để mình có được bộ quần áo tươm tất lên sân khấu. Sau đó thì mình rất run đứng trước bạn bè trong lớp, trong khoa, toàn bộ các thầy cô giáo... Nhớ lại thì đó là một kỷ niệm rất vui. 

Việt Báo: Thường thì bạn chuẩn bị gì cho các buổi trình diễn? Điều gì là quan trọng? 

Vân ÁnhRất nhiều việc Vân Ánh phải lo. Đầu tiên là nội dung của chương trình, làm thế nào để có thể đem đến cho khán thính giả của mình một câu chuyện, dựng trên nền tảng văn hoá của nhạc truyền thống Việt Nam, mang đầy đủ những tiếng nói từ ba miền Bắc, Trung, Nam, nhưng đồng thời cũng lại mang nhịp thở của người Việt mình trong cái thế kỷ 21 này. 

Tiếp theo là làm thế nào để âm nhạc của mình dù gắm cội rễ trên nền tảng văn hóa Việt nhưng lại vẫn nở hoa kết trái ở tại nước Mỹ này; sự nối tiếp, giữa xưa và nay, giữa truyền thống và hiện đại. Cuối cùng là làm thế nào trong phần nội dung đó phải có một phần để cho khán giả có thể cùng tham gia vào với Vân Ánh. Nói chung vừa phải có đầy đủ ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, vừa có sự hài hòa về tính cách giải trí, để khi khán giả ra về, họ có câu chuyện để nói, để nhớ về chương trình của mình. 

Điều quan trọng không kém là phải dành đủ thời gian tập luyện. Chung quy lại phải chuẩn thật tốt. Để khi lên sân khấu mình chỉ cần tập trung và có cảm hứng, để có thể bay bổng. 

Việt Báo: Vân Ánh có thể chia xẻ về thời biểu luyện tập một ngày của Vân Ánh như thế nào?

Vân ÁnhGần đây Vân Ánh mới đọc được một quyển sách là "The Tipping Point: How Little Things Can Make a Big Difference". Tác giả Malcolm Gladwell, một cây bút thường trực của The New Yorker viết rằng nếu một ai đó có thể dành thời gian 10,000 giờ để luyện tập cho bất kỳ một bộ môn gì, người đó sẽ trở thành một nghệ nhân, rành rẽ bộ môn mà người đó muốn chơi. Rất may mắn là Vân Ánh đã vượt qua trên 10,000 giờ đó rồi. Nhưng không vì thế mà ngừng luyện tập. Lúc nào cũng cảm thấy mình cần phải học hỏi thêm, cần luyện tập thêm. 

Thông thường mỗi ngày ít nhất 3 tiếng để tập luyện cho những kỹ thuật mới, những bản nhạc mới, thời gian còn lại dành cho việc viết nhạc rồi làm việc với các bạn đồng nghiệp khác hay là tập dợt chuẩn bị cho những chương trình khác. Vân Ánh nghĩ mình là một người may mắn, được làm cái mình thích và làm cái mình giỏi nhất để tạo nên một kết quả tốt nhất. 

Việt Báo: Chìa khóa trong thế giới âm nhạc của bạn là gì? Điều gì giúp bạn thành công?

Vân ÁnhMình nghĩ rằng yếu tố quan trọng nhất trong âm nhạc là phải chơi nhạc từ trái tim. Âm nhạc chỉ là một dụng cụ để mình biểu lộ tình cảm và suy nghĩ của bản thân mình thôi. Và cái suy nghĩ đó cũng phải hết sức chân thành, bởi vì khán giả rất thông minh và nhạy cảm. 

Khi chơi nhạc và viết nhạc từ trái tim, và dùng âm nhạc để biểu lộ cảm nhận của mình từ ký ức và tình cảm, thì nó rất đặc biệt. Sự đặc biệt đấy sẽ làm cho người nghệ sĩ này tách rời khác biệt hẳn với các nghệ sĩ khác. 

Yếu tố quan trọng tiếp theo là phải giữ cho đầu óc của mình thật cởi mở, làm sao luôn hướng đến việc tìm hiểu và học hỏi, phát triển. Và để hướng tới thành công, người nghệ sĩ phải có kỷ luật tập luyện. “Văn ôn, võ luyện”, không trao dồi tập luyện phát triển kỹ năng thì không đi đến đâu được. Và sau cùng, người nghệ sĩ phải có ý thức khiêm tốn. Khi viết hay trình diễn một bản nhạc, phải dốc hết mình vào bản nhạc này, nhưng kết quả sau đó thì dành cho khán thính giả đánh giá. Như vậy mình sẽ không bị chủ quan, và sẽ học hỏi thêm qua sự tiếp nhận của khán giả. 

Việt Báo: Là một nhạc sĩ nhạc truyền thống Việt duy nhất có cơ hội làm việc với những nhạc sĩ tên tuổi trong dòng chính, xin bạn kể về kinh nghiệm làm việc với nhóm Kronos Quartet?

Vân ÁnhKronos Quartet là nhóm cộng tác tương đối lâu dài và đặc biệt với Vân Ánh. Họ là một trong những nhóm tứ tấu đàn dây nổi tiếng và giỏi nhất của nước Mỹ cũng như trên thế giới. Khi làm việc với Kronos Quartet, Vân Ánh thực sự đã có lúc nghĩ rằng một thế giới âm nhạc tuyệt hảo nhất sẽ là một thế giới mà tất cả các nghệ sĩ đều cơ hội làm việc với Kronos. Kronos có 40 năm làm việc và trình diễn và họ là những người nhạc sĩ, nghệ sĩ chơi đàn dây và những cây đàn cổ điển như là: 2 cây đàn Violin, 1 cây Viola, và 1 cây Cello. Thế nhưng họ là những người tiên phong tạo nên một dòng nhạc mới, không phải dòng nhạc cổ điển mà cũng không phải là bán cổ điển, mà rất mới, mang bản sắc và tiếng nói riêng của người Mỹ, mang tinh thần văn hóa của Mỹ, tức là một tinh thần văn hóa rất là mở, rất là thẳng, trung thực, và rất là mạnh mẽ trong các vấn đề xã hội. Mặc dù trải qua 40 năm làm việc, với 2 giải Grammy, và họ là nhóm đàn tứ tấu, đàn dây tốt nhất, nhưng khi làm việc với họ, Vân Ánh thấy rõ sự miệt mài và cái chân thành khi họ chơi nhạc, trình bày các tác phẩm, cũng như sự sáng tạo vì họ luôn luôn cất lên tiếng nói riêng cho bản thân họ. Nhưng cuối cùng, Vân Ánh nhận ra sự khiêm tốn lạ lùng của họ là yếu tố chính làm cho Kronos trở thành nhóm nhạc thành công. Vân Ánh đã may mắn được làm việc và học hỏi từ họ.

Việt Báo: Chị có thể cho một ví dụ? 

3 Nguyen A-National Zither Festival-3855
Vân ÁnhVí dụ nhỏ thôi như vào năm 2012, Vân Ánh đã viết 1 vở nhạc trong đó có một bài dựa trên chất liệu cải lương. Kronos đã hỏi cặn kẽ như bản nhạc đó được dùng trong lúc nào, nguồn gốc của thể loại nhạc này từ đâu, tại sao lại có những lớp vỏ khác nhau, tại sao cái tiếng song loan nó lại đổi vào chỗ nhịp 3 và nhịp 4 thay vì đổi vào nhịp 1, và lề lối sử dụng thế nào, v.v.? Sau hai tuần tập luyện, họ điện thoại mời V/A đến nghe. Nghe xong mình nói: "Các bạn chơi đúng về phần âm nhạc, nốt nhạc nhưng chưa lột tả được cái hồn của người Việt, bởi vì các bạn chưa phân biệt được những nốt rung, nốt nhấn, nốt mổ vì nó là tiếng nói của từng tính chất vùng miền.” Sau đó họ tập luyện lại rất nhiều lần, và mình thấy họ chơi đã rất đạt. Vậy mà cả nhóm Kronos Quartet vẫn không ngừng hỏi mình: "Bạn đã hài lòng chưa? Có gì để chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa không?" Mình rất nể phục họ vì với tên tuổi và 40 năm trong ngành nghệ thuật mà họ không ngừng thắc mắc liệu còn có điều gì để họ làm tốt hơn nữa hay không. 

Vân Ánh đã làm việc với nhóm Kronos gần 6 năm rồi, rất nhiều kỷ niệm lưu diễn chung với Kronos, đem nhạc Việt Nam tới sân khấu lớn nhất như là Thế Vận Hội năm 2012 ở London, rồi đi các sân khấu lớn khác như là Lincoln Center, những sân khấu lớn ở trong vùng vịnh này nữa. Và sắp tới thì Vân Ánh sẽ tiếp tục đi trình diễn với cả nhóm Kronos tại Singapore và New York, và Carnegie Hall, và nhiều nơi nữa. 

Việt Báo: Gần đây chị có một chương trình làm việc chung với Yo-Yo Ma? Kinh nghiệm làm việc với nhạc sĩ bậc thầy này như thế nào?

Vân ÁnhÀ, Yo-Yo Ma, đây là một trong những "Idol" của mình. Tất nhiên là Yo-Yo Ma chơi đàn Cello còn Vân Ánh thì chơi các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nghe có vẻ hai thái cực khác nhau, nhưng thật ra đều cùng chia xẻ với nhau một chân trời âm nhạc. Vân Ánh cũng vẫn nhận ra ở người nhạc sĩ này những tố chất chính: sự cần cù lao động, sự sáng tạo và tính can đảm dám đi, dám làm, bước vào những con đường mới. 

Việt Báo: Kể cụ thể hơn nhé về quá trình làm việc với Yo-Yo Ma. Bản nhạc gì, nhạc cụ gì, chương trình gì?

Vân ÁnhTất cả bắt đầu với lá thơ mình nhận được từ Yo-Yo Ma, ông muốn chơi bài "Ru Con Nam Bộ" với cây đàn Cello của ông. Ông nói "Tôi muốn bạn chơi bài "Ru Con Nam Bộ" này trên cây đàn bầu của bạn và tôi sẽ dùng cây đàn Cello của tôi đánh theo như cái bóng của bạn, nói cách khác là cái hồn nhạc Việt của bạn phải là chính." Yo-Yo Ma đề nghị mình gửi cho Yo-Yo Ma tất cả bản thu âm "Ru Con Nam Bộ" mình đã chơi qua. Như chúng ta biết Ru Con Nam Bộ" là một trong những bản nhạc điển hình trong nhạc dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi người chơi một kiểu, và thể hiện nhiều phiên bản khác nhau, ngay cả đối với Vân Ánh, cứ mỗi lần chơi, tùy theo tình cảm của mình, bản nhạc mỗi khác đi. Chính vì thế mà Yo-Yo Ma nói: "Nhờ bạn chơi bản nhạc này vài lần khác nhau và thu lại cho tôi để tôi có thể nghe để mà ngấm được." Sau đó Yo-Yo Ma cũng đã chú ý kỹ càng đến giải thích về kỹ thuật, những nốt nảy hay nốt mổ, hay nốt rung của bàn tay trái bởi vì Vân Ánh đã nói với Ông: "Cái hồn nhạc Việt nằm ở bàn tay trái." Và bàn tay trái đó, từ một cái rung thôi sẽ chỉ ra được ngôn ngữ của người Bắc, người Nam hay người Trung. 

Khi tới New York để thu âm cho bản nhạc (cho phim tài liệu của đạo diễn phim nổi tiếng Ken Burns, sẽ được ra mắt vào năm 2017), Vân Ánh đã rất ngỡ ngàng bởi vì không chỉ Yo-Yo Ma ra tận nơi đón Vân Ánh vào mà ngay cả Ken Burns và toàn bộ nhóm làm phim "Vietnam Wars" đều ra đón Vân Ánh và bắt đầu nói chuyện. Họ đã thu âm toàn bộ lần trò chuyện này. Trong đó Ken Burns có hỏi mình về việc mình lớn lên sau cuộc chiến tranh như thế nào và ông rất tò mò về việc Vân Ánh là một người miền Bắc mà hiện tại sống ở nước Mỹ, được bao bọc bởi những người Việt đến từ miền Nam. 

Vân Ánh đã kể cho họ nghe nhiều chuyện. Về cái "nghiệt" lớn lên ở miền Bắc sau cuộc chiến. Gia đình nào cũng nghèo. Hậu quả của chiến tranh không rơi vào người thắng hay người thua, mà giáng xuống đầu những người dân thường như Vân Ánh và hàng xóm láng giềng của mình.

Sang Mỹ, có thể nói 99% bạn của Vân Ánh là người miền Nam và bản thân của gia đình chồng của Vân Ánh cũng là người Nam, cũng là thuyền nhân. Cá nhân Vân Ánh nghĩ rằng chiến tranh đem lại một hậu quả khắc nghiệt cho cuộc sống của những người dân thường. Yo-Yo Ma và đoàn phim có vẻ rất quan tâm và muốn tìm hiểu nhiều, với đầu óc rất cởi mở. Họ hoàn toàn để đầu óc mở không có bất kỳ định kiến gì. Sự cởi mở và ý muốn tìm hiểu là thứ giá trị mà Vân Ánh cảm nhận được rất rõ khi làm việc với Yo-Yo Ma. 

Một điều nữa, trong studio có rất nhiều phòng thu âm khác nhau, có những nơi rất lớn, còn chỗ của Vân Ánh thì giống như cái hộp bằng kính nhỏ để cách âm, Yo-Yo Ma xin phép cho Ông vào cùng với Vân Ánh, và ngồi ngay trên bậu cửa sổ, Vân Ánh thì đứng còn Yo-Yo Ma ngồi ngay bên cạnh dán mắt vào bàn tay của Vân Ánh để tìm hiểu về kỹ thuật rung nhấn. Sau đó người trợ lý đem cây đàn Cello của Yo-Yo Ma vào và ông ngồi ngay tại đó bắt đầu thu luôn với Vân Ánh. Vân Ánh đã thật sự bất ngờ và cảm động khi nghe tiếng đàn của ông cất lên, Ông đã hoàn toàn tái tạo được âm thanh và sự rung động của tâm hồn người Việt mình qua những điểm rung nhấn trên cây đàn Cello, và ông giữ đúng vai trò cái bóng của Vân Ánh trong giai điệu Ru Con Nam Bộ.

Việt Báo: Chúng tôi lỡ dịp xem vở nhạc kịch Odyssey tháng Ba vừa rồi ở The John F. Kennedy Center. Bạn có thể lược qua về ý tưởng, quá trình hình thành, lịch trình, điều gì bạn ưng ý nhất?

VanAnhVo-T'rung-Christine Jade
Vân ÁnhNói về The Odyssey thì đây là một cuộc hành trình... rất dài. Dù Vân Ánh trực tiếp bắt đầu viết năm 2012, nhưng ý tưởng thì đã được nung nấu từ nhiều năm trước. 

Quý vị đã biết Vân Ánh sinh ra ở miền Bắc, lấy chồng miền Nam và chính thức sang Mỹ sống năm 2001. Cái giọng "Bắc Kỳ rặc" của Vân Ánh ban đầu cũng là một trở ngại, cũng như sự thiếu thông tin hiểu biết về quá trình định cư của người vượt biển. Cho đến khi nghe bạn bè kể về cuộc hành trình của họ, hiểu được những gian khổ, hy sinh mà người Việt miền nam đã trải qua sau chiến tranh, tôn trọng và nể phục câu chuyện và sức mạnh, sự kiên trì, bền bỉ của họ, Vân Ánh nuôi trong lòng ý muốn chia sẻ câu chuyện này qua một cách duy nhất mà Vân Ánh biết làm, đó là qua âm nhạc.

Ngày nay, với tình trạng thuyền nhân từ Syria, câu chuyện của chúng ta một lần nữa là một hình ảnh lịch sử nhân loại nhắc nhở thế giới về số phận của người vượt biển.

Cuối cùng, điều mình rất là ưng ý trong tác phẩm The Odyssey này là sự đáp ứng của khán thính giả, nhất là khán giả người Việt. Thường thì sau buổi trình diễn, luôn có những khán giả đến cảm ơn, nói rằng họ đã khóc khi nghe tiếng hát ru "ầu ơ, con thi trường học, mẹ thi trường đời." Rất nhiều khán giả đã nói vở nhạc kịch này đã chạm tới cái góc riêng tư nhất trong trái tim của họ, đem lại được cho họ những xúc cảm mà họ không tự diễn đạt được. Đối với người nghệ sĩ, đó chính là phần thưởng to lớn nhất. 

Việt Báo: Một lời chia sẻ hay tâm tình riêng dành cho độc giả báo Tết Đinh Dậu?

Vân Ánh: Xin gởi đến quý độc giả Báo Xuân Việt Báo lời chúc năm mới tràn đầy những nốt nhạc bình an và tốt đẹp. Đón năm 2017, Vân Ánh sẽ tiếp tục dùng âm nhạc của mình để tôn vinh những nét đẹp văn hóa người Việt và nuôi dưỡng, phát triển âm nhạc, văn hóa Việt trong tương lai. 

Mong rằng sẽ có nhiều người Việt trong cộng đồng mình, bằng cách này hay cách khác, cùng tiếp sức với Vân Ánh để giữ gìn và vun bón, phát triển cho vườn hoa văn hóa Việt ngày càng đơm hoa kết trái.

No comments:

Blog Archive