Friday, June 23, 2017

Trông người lại ngẫm đến ta
 Lai Thị Mơ

Hình ông Obama cười (gượng gạo) chung quanh một lô cô gái mặc áo yếm thiếu vải. Chẳng biết phía VN họ (có dám) ghi lại cảm nghĩ hay không, khi nhìn thấy hình này, chứ cư dân (FB) bên Mỹ chửi (comment) te tua tơi tả.

Áo yếm truyền thống ngày xưa rất đơn sơ giản dị cho phụ nữ mình. Không ai nghĩ là có ý đồ khoe sex. Nhưng sau 75, tự dưng áo yếm được chú ý quá cỡ. Không biết bao nhiêu là hoạ sĩ, người săn ảnh nghệ thuật dùng áo yếm làm đề tài cho các tác phẩm của mình.

Ngày xưa anh thấy em "áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong" là đủ. Hay:
Hôm xưa em đến em mặc áo lụa vàng
Em đi trong nắng chân chim xinh xắn.
Có khi là: biết anh thích màu trời, em đã bồi hồi chọn màu áo xanh.

Áo ở đây là áo dài, và chỉ có áo dài ở khắp mọi nơi. Vì thế khi đón quan khách nước ngoài cũng áo dài, trang trọng và lịch sự biết chừng nào. Từ cổ chí kim chẳng có nơi nào đón tiếp Nguyên thủ quốc gia bằng quần áo hở hang như vậy. VN bây giờ chỗ nào cũng mang gái đẹp (hở hang) ra khoe. Con gái như món hàng thu lợi xuất ra nước ngoài (Hàn Đài Sing). Mà hễ là con gái thì chỉ phải lồ lộ trước mắt, không có cái gì khác nữa sao? Như vậy mặc nhiên họ đã hạ thấp giá trị đàn bà.

Chỗ nào cũng khoe thân xác, những chữ diễn tả người đẹp luôn luôn kèm theo chân dài, hàm ý " trường túc bất tri lao".
Những câu xưa:
Cái nết đánh chết cái đẹp
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Mấy câu tục ngữ này thuộc loại cổ lỗ sĩ, chẳng còn hợp thời không ai dùng nữa. Đàn ông thì phải có nhiều tiền, nên đại gia và chân dài mới xứng đôi vừa lứa.

Một cô thí sinh thi hoa hậu ở VN khi được phỏng vấn:
Em có nghĩ em là người đẹp nhất ở kỳ thi này không?
Cô này chẳng cần tỏ ra khiêm nhường chút nào, trả lời thẳng thừng: Nếu không tin mình đẹp nhất thì em đâu có đi thi làm chi. Sau đó cô phân trần, nếu không thắng giải là " lỗ sặc máu" đó anh: nào là tiền giày tiền áo, tóc tai trang điểm, lại còn phải đóng lệ phí nữa.

Tôi không biết các cụ bảo nói như dùi đục chấm mắm cáy như thế nào. Chứ nghe cô trả lời trước bao nhiêu khán giả ngồi bên dưới, cứ như cô đang nói chuyện với bạn trang lứa, cô dùng những tiếng thật là thô lỗ. Bảo sao biết bao nhiêu bà mẹ chồng bên này than trời như bọng. Con trai của họ về VN cưới vợ, toàn gặp ở bia ôm hay cắt tóc thanh nữ, mang qua Mỹ là rã đám.

Người đẹp nhiều quá, nhiều tới thặng dư. Chỉ có một anh vào cắt tóc ở tiệm thanh nữ mà ào ra 5 cô phục vụ, theo như bài cách trí học hồi nhỏ: Thân thể người ta có 3 phần: đầu mình và tay chân. Một cô gội đầu, một cô ôm tay trái, một cô ôm tay phải, bên dưới hai cô khác ôm hai chân. Từ cô gội đầu tới các cô massage tay chân, cô nào cũng tìm cách cọ gò bồng đảo vào da thịt của khách hàng.
Vào quán bia ôm thì hai cô ngồi kè hai bên, các ông chỉ việc há miệng và nhai!
Chưa bao giờ con gái lại xuống giá đến như vậy. Con gái đã nhiều, vậy mà sinh ra làm thân con trai thì đau khổ: vì không kiếm ăn được. Thế là đua nhau chuyển giống, để thành bê đê đi hát đám ma.

Thấy ông Tổng Thống một cường quốc đến thăm, cũng nghĩ ông là đàn ông nên cho một bầy con gái bu quanh. Nhìn thấy ông TT cười gượng gạo (chứ biết nói gì đây?) bà con(FB) bên Mỹ xấu hổ quá, chửi (comment) không bút nào tả xiết.

Ngày xưa mẹ tôi nói " thấy người ta ăn măng, cũng về bẻ lạch giường". Nay ở VN họ cũng bắt chước y như vậy. Thấy bên Mỹ có đường hầm, họ cũng làm đường hầm. Nhưng đường hầm ngập đầy nước, xe chui vào coi như chui vào bẫy!
Để tránh tình trạng kẹt xe, sẽ dùng phương tiện di chuyển công cộng là xe buýt. Xe thì chưa mua! nhưng dựng rất nhiều trạm xe, khắp đường phố. Kết quả là đường bị chật lại, vì các trạm xe xây to quá. Nói theo kiểu trong nước là " lấn chiếm lòng lề đường". Chờ hoài chẳng thấy xe(vì thiếu kinh phí, nghe thật là kinh hãi).

Các trạm xe xuống cấp, mái dột, ghế gãy, trông hoang tàn như "Miếu vợ chàng Trương". Hoang tàn thê lương đến độ Vua Lê thánh Tôn phải làm thơ nói lên lòng xót thương cho người đàn bà phận bạc:
Bóng đèn dầu tắt đừng nghe trẻ.
Cung nước chi cho luỵ đến nường.
Mấy ông quan to mặt lớn đâu có nghe trẻ. Họ toàn nghe những tên gia nô điếu đóm hiến kế: xây cái này dựng cái nọ, có thế mới có tiền đút túi.
Hãy xem thành tích của họ: dựng tượng, xây hầm, tráng gạch mắc tiền cho phố đi bộ Nguyễn Huệ. Có cái gì ra hồn, hay chỉ để làm mất tiền của dân. Trong khi trẻ con không có trường để học, dân không có nhà thương để chữa bệnh. Những chuyện để lo cho cuộc sống căn bản của người dân thì không nói đến. Toàn nói đến những công trình xa hoa phù phiếm, xây tượng ngàn ty, trùng tu sửa chữa một thây ma đã thối rữa. Nhìn xem toàn thế giới có nơi nào có những cái quái đản như xứ mình? Như vậy chẳng phải thấy người ta ăn măng, cũng về bẻ lạch giường, không đúng sao?

Nhìn người lại ngẫm đến ta. Nước Nhật sau thế chiến thứ hai, hoang tàn đổ nát. Họ bị trừng phạt bằng hai quả bom nguyên tử, cho bỏ mộng muốn làm Đế Quốc. Thực sự ra nếu không bị hai quả bom làm tê liệt, dân Nhật cũng chẳng hiền gì, cũng vô cùng tàn ác. Nạn đói năm 1945 ở nước ta cũng do Nhật gây ra, dù họ chỉ nắm quyền được vài tháng. Mẹ tôi kể lại biết bao chuyện thương tâm tàn nhẫn mà quân Nhật đối xử với dân mình. Một ông già giữ việc nuôi con ngựa của Quan lớn Nhật. Ông lén trộn một ít mạt cưa vào cám cho ngựa ăn. Chỗ cám đó ông mang về nuôi đàn con cháu nheo nhóc. Chẳng may con ngựa chết, khi tìm ra lý do, ông quan Nhật đã ra lệnh mổ bụng con ngựa may ông già nuôi ngựa vào trong, rồi đem chôn sống, để trả thù cho con ngựa.

Mặc dù bị Mỹ (và cả thế giới) trừng phạt về vũ khí. Nhật đã tập trung vào kinh tế kỹ nghệ. Để phục hồi đất nước hoang tàn, từ Vua cho tới dân đều một lòng thắt lưng buộc bụng, Nhật Hoàng cũng dùng xe đạp để đi làm. Xe hơi chỉ dùng khi thật cần thiết như để chạy xe cứu thương. Chỉ sau một thời gian ngắn, cả thế giới đã phải nghiêng mình thán phục nước Nhật về mọi phương diện. Từ sản phẩm của họ tới cung cách người dân. Nước họ thường xuyên bị động đất, nhưng họ tự lực cánh sinh. Họ không van xin cứu trợ như đám có chức có quyền ở VN. Xin cứu trợ để có cơ hội đút vào túi mình.
Lễ nghĩa liêm sỉ hình như là một khái niệm rất mơ hồ. Trẻ con hàng ngày nhìn thấy đủ điều sai trái ngay khi còn rất nhỏ.

Rau bẩn để bán, còn rau sạch để ăn. Con ông cháu cha đốt tiền ở những nơi ăn chơi sa đọa. Ngày xưa chuyện Bạch công Tử và Hắc công Tử đốt tờ bạc con công(to nhất cỡ trăm đô bây giờ), tưởng là điều ghê gớm. Chuyện này được xếp vào loại cổ tích, con các ông lớn bây giờ đốt tiền có đẳng cấp hơn nhiều. Căn nhà của TT Thiệu ở Phan Rang dùng làm nơi du lịch, bọn cán bộ không hề nhìn ra: đó là hình ảnh trái ngược với chế độ hiện hành. Nhà của một vị Tổng Thống mà đơn sơ vậy sao. Còn trang trại của bà Ngô đình Nhu, ngày xưa coi như thuộc về nơi cho Vua Chúa, chẳng thể so sánh với khu cấm địa của ông to bà lớn có chức có quyền bây giờ.

Nhật gần VN, nên tìm đủ cách để đi qua: du lịch, du học, du hí...du gì cũng chẳng bằng du côn và du thử du thực.
Kiều Trinh xướng ngôn viên của đài phát thanh bị bắt 3 lần về tội ăn cắp. Cả 3 lần đều được trả tự do vì có giấy chứng nhận bị tâm thần, do bác sĩ bên VN gởi qua. Khi về nước chẳng thấy gì biết xấu hổ, đáng lẽ phải chọn một công việc nào đó khuất mắt mọi người. Nhưng không, vì là con gái của viên chức lớn ở địa phương, nên Kiều Trinh vẫn tiếp tục làm xướng ngôn viên, vẫn xuất hiện trên TV. Đến nỗi Giáo Sư Ngô bảo Châu phải than rằng: Không có gì làm chúng ta ( VN) cảm thấy bị nhục nhã bằng hình ảnh của cô Kiều Trinh trên TV.
Nói khác đi cô KT thuộc loại " cố đấm ăn xôi". Lương xướng ngôn viên được bao nhiêu, mà cô cứ đưa cái mặt ( không ai quên nghĩa là rất đáng ghi nhớ) làm trêu ngươi mọi người. Các bích chương coi chừng người VN ăn cắp, làm cho chúng tôi ở Hải ngoại muốn la lên:" Chỉ Việt Cộng mới ăn cắp".

Cần phân biệt người Việt chân chính ở trong và ngoài nước: không có ăn cắp.
Thật là" gậy ông đập lưng ông". Chúng tôi vừa đi du lịch Âu Châu, tại một tiệm tạp hóa của người có nét mặt Á Đông. Con của người bạn vừa mua chai nước ngọt, nghe người bán hỏi người nước nào. Vì quá sợ chữ Vietnamese tai tiếng, nên trong nhóm có người nói Japanese, chẳng may anh chàng bán hàng biết chút ít tiếng Nhật. Khi nghe người bán hỏi bằng tiếng Nhật, dĩ nhiên cậu nhỏ ú ớ, làm sao trả lời? Báo hại tụi tôi phải lấp liếm, bảo rằng cháu sinh ra bên Mỹ nên không biết tiếng mẹ đẻ. Thế ông bà cha mẹ toàn trên 60, cũng quên cả tiếng mẹ đẻ sao? Từ đó rút kinh nghiệm, chúng tôi không dám nhận xằng nữa.
Mà chỉ nói rõ ràng: Chúng tôi là Vietnamese Americans. Thế là yên chuyện.

Chuyện nước tôi thì chẳng bao giờ chấm dứt mọi chuyện bất nhân. Biển đã bị nhiễm độc, chính quyền giải quyết kiểu: đánh bùn sang ao. Cho xuất khẩu lao động, cha hay mẹ đi làm ở nước ngoài để gửi tiền về nuôi con. Nhưng con ở nhà cũng lấy gì mà sống: nước bẩn, cá tôm chết. Tiền gửi về để cùng nhau chết từ từ. Dẫu đền đến bao nhiêu cũng chẳng bù đắp nỗi mất mát cho người dân quê tôi.

Người ta đã phá nát quê hương tôi bằng sự ngu dốt và dối trá. Túi tham vô đáy đã đưa dân tộc đến chỗ diệt vong. Máu và nước mắt của dân tôi đang chảy chan hoà khắp nơi.
Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc.
Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia. 
Bà Huyện Thanh Quan đã phải thốt lên khi thấy cảnh hoang tàn của đồi núi. Chỉ thế thôi mà còn đau lòng, nếu như bây giờ chúng ta biết dùng chữ gì để nói: lòng như xát muối!

Thi sĩ Tản Đà chỉ nhìn thấy tấm bản đồ bằng giấy bị rách, mà đã than rằng:
Nọ bức dư đồ đứng thử coi
Sông sông núi núi khéo bia cười
Biết bao lúc mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi.
Chỉ nhìn tấm bản đồ bằng giấy,mà đã nghĩ đến đất nước cũng tơi tả như vậy. Bây giờ nhìn thấy những hình ảnh thực sự đang xảy ra trên quê hương tôi, lòng người dân Việt dù trong hay ngoài nước, ai cũng đau lòng.
Khi bài thơ vịnh bức dư đồ rách của Tản Đà vừa xuất hiện trên báo; có rất nhiều bài thơ hoạ lại,trong đó có bài của cụ Phan bội Châu (1927)
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi
.......
Giận cho con cháu đà hư thế
Nhớ đến ông cha đám bỏ hoài.
.......
Vì chưng hồ giấy ta chưa có
Đành chịu ngồi trông rách tả tơi.
Ngày nào còn Cộng sản, ngày đó dân ta còn đói khổ.
Bức dư đồ đã rách này lại càng rách thêm. Chẳng biết giang san bờ cõi ông cha để lại cho con cháu, có còn được giữ gìn. Hay chẳng bao lâu bức dư đồ sẽ biến mất hình ảnh quê hương thân yêu.

Bây giờ là lúc không thể chờ đợi, mình phải tự cứu lấy mình thôi.
Bài ca năm xưa, nay nghe sao thấm thía:
Thượng đế hỡi có thấu cho Việt Nam này?

 Lại thị Mơ.

No comments:

Blog Archive