Friday, June 9, 2017

"HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM"






Nhà thơ Kiên Giang - Ảnh: Đào Trung Phụng
Nhà thơ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17.2.1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá. Năm 17 tuổi (1946), đang là học sinh, Trương Khương Trinh đã có dịp tiếp xúc và gần gũi với nhà thơ Nguyễn Bính tại Rạch Giá và tôn Nguyễn Bính là thầy dạy làm thơ của mình (bài thơ Tiền và lá của ông chịu ảnh hưởng rõ nét của Nguyễn Bính). Sau này, ông làm thơ lấy bút danh là Kiên Giang (bài thơ nổi tiếng của Kiên Giang là Hoa trắng thôi cài lên áo tím được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc).

Ông còn là một soạn giả cải lương nổi tiếng với bút danh Hà Huy Hà, cùng thời với Năm Châu, Viễn Châu và được coi là thầy của cặp soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Những vở cải lương mang dấu ấn Hà Huy Hà là Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới (vở này đã đưa cô đào Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm năm 1958). Ngoài làm thơ, soạn kịch bản cải lương, Kiên Giang còn là ký giả kịch trường của nhiều tờ báo lớn ở Sài Gòn trước 1975 như: Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín…

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che khuất người thương nóc giáo đường
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh
Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường
Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi
Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi, chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình!
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Vẫn còn ấp ủ mộng băng trinh
Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím, màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường
Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẻ thù
Nhưng rồi người bạn trang lứa ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ngân vang lời tiễn biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp áo quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi
Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.
Tiền và lá
Ngày xưa, hớt tóc "miểng rùa”
Ngây thơ, mẹ bắt đeo "bùa cầu ông".
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
Đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào .
Đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời .
Anh moi đất nắn "tượng người",
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem "người đất" đổi tiền "lá rơi".
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời
Người mua đã bị mua rồi,
Chợ đời họp một mình tôi vui gì!

Kiên Giang

Nhà thơ Kiên Giang và hồi ức Hoa trắng thôi cài trên áo tím

Cách nay nửa thế ky bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của nhà thơ Kiên Giang ra đời năm 1958 đã gây xôn xao dư luận một thời, nhất là trong giới sinh viên học sinh, họ đua nhau sưu tầm chép vào sổ tay, thơ... Bài thơ còn phổ biến sâu rộng hơn (ở miền Nam) khi được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Thơ và nhạc đã đi vào trái tim bao người về một mối tình đẹp giữa anh học trò và người con gái xóm đạo thường hay mặc áo tím và cài hoa trắng đi lễ nhà thờ. Tuy nhiên, bài thơ này có hai đoạn kết khác nhau nhà thơ Kiên Giang kể lại "cái phút ban đầu lưu luyến ấy'' bằng một giọng bùi ngùi:

Năm 17 tuổi tôi từ Sài Gòn về Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Chủ nhật mỗi tuần "những nhà báo học trò" chúng tôi tụ tập trong vườn xoài xanh um để thực hiện số báo viết bằng tay. Trường Nam Hưng có ra tờ báo học trò lấy tên Ngày Xanh để trao đổi với tờ Thắm của Trường trung học Ba Sắc. Tôi biên tập và trình bày, còn "cô ấy" thì chép bài vở vì chữ cô ấy rất đẹp. Đó là T.NH., cô bạn cùng lớp có mái tóc dài buông xõa ôm kín bờ vai. Nàng theo đạo Thiên Chúa, tôi ngoại đạo nhưng vẫn "rình" trước cổng nhà thờ mỗi sáng chủ nhật để được "tháp tùng" nàng trên đường đi lễ về... "Yêu nhau" chỉ có vậy, ngoài những cái liếc mắt và nụ cưởi thẹn thùng, e ấp tuyệt nhiên chúng tôi chẳng "trao đổi" gì thêm nữa, quả là "tình trong như đã, mặt ngòai còn e".

Rồi cuộc kháng chiến suốt 9 năm nổ ra (1945-1954), việc học chúng tôi gián đoạn, trường lớp tan tác... Tôi tham gia kháng chiến và lập gia đình trong giai đoạn này. Điều xót xa (sau này tôi mới biết) là T.NH. vẫn âm thầm chờ đợi tôi và quyết gặp tôi một lần (vào năm 1955) rồi mới lấy chồng. Tôi làm bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím tại Bến Tre năm 1958, đoạn kết có những câu: "Ba năm sau chiếc xe hoa cũ. Chở áo tím về trong áo quan. Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt. Khi anh ngồi kết vòng hoa tang...". Tôi đã "cho" người mình thầm yêu phải chết để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình.

Tuy nhiên, sau đó tôi lại tình cờ gặp T.NH. (lúc này đã có chồng) tại Sóc Trăng. Sau cuộc gặp gỡ đó, chẳng hiểu tại sao tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết để bảo vệ quê hương: "Nhưng rồi người bạn đồng trang lứa. Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ. Chuông đổ ban chiều em nức nở. Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ...". Tôi đã sửa đoạn kết là như thế ở Hàng Xanh (Gia Định) có lẽ là ghen ngầm! 

Có lần tôi thú thật với bà xã cái "ấn tượng" của sắc hoa màu trắng và màu áo tím. Từ đó... không còn màu tím trong tủ áo


No comments:

Blog Archive