TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA
Hồi Ký PT Nguyễn Mạnh San
Vào cuối tháng 5 vừa qua, tôi lại có dịp quay trở về lại mái trường xưa, để tham dự buổi lễ ra trường của một cháu gái Cynthia Ngô, được lãnh nhận bằng Tiến Sĩ Luật Khoa, tại Đại Học Oklahoma City University (OCU), mà tôi là người đỡ đầu (God Father) khuyến khích cho cháu này theo học ngành luật khoa, cũng tại ngôi trường trước kia tôi học. Mái trường xưa này đã gợi cho tôi nhớ lại hình ảnh 2 kỷ niệm trong quá khứ khó quên và một kỷ niệm rất đặc biệt ra trường của cháu gái này vào ngày hôm nay như sau:
Kỷ niệm thứ nhất: Tôi đã theo học liên tiếp gần 5 năm tại đại học OCU này và ra trường với bằng Cao Học Tâm Lý Học vào năm 1981, lúc đó chỉ có một mình tôi là sinh viên Việt Nam duy nhất tốt nghiệp ngành này và buổi lễ ra trường cho tất cả các sinh viên tốt nghiệp thuộc các phân khoa của đại học này, cũng chỉ thấy có một mình tôi là sinh viên Việt Nam lên lãnh nhận văn bằng tốt nghiệp tại đại học này, mặc dầu trong lòng tôi cảm thấy bồi hồi sung sướng vì đã học xong môn học này, nhất là tôi đã có công ăn việc làm rồi, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy một chút niềm cô đơn, vì chỉ có mình tôi là sinh viên Việt Nam và hơn thế nữa đối với hầu hết các sinh viên tốt nghiệp ngày hôm đó, tôi thấy mình thuộc hàng sinh viên cao niên với 41 xuân thì, nhưng tôi vẫn còn ôm nhiều mơ ước trong lòng và trước ngày ra trường 1 tháng, tôi đã được phỏng vấn và được thâu nhận vào làm việc cho Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ liên tục hơn 32 năm, để đặc trách Luật Sư Đoàn Liên Bang và Nhập Tịch (US Attorney Admission & Naturalization).
Lúc đó tôi cảm thấy nhờ vào mái trường này, mà tôi đã có cơ hội được phục vụ trong Ngánh Tư Pháp Liên Bang Hoa Kỳ và hơn nữa đây cũng là một dịp may mắn cho riêng tôi được tiếp tục phục vụ đồng bào Việt Nam tại cơ quan mới, trong nhiệm vụ đặc trách tuyên thệ nhập tịch Hoa Kỳ nói riêng, lại được tiếp nối sau 5 năm tôi đặc trách Chương Trình Tỵ Nạn Đông Nam Á cho cơ quan USCC, từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 5 năm 1980 và đồng thời cho các ứng viên tuyên thệ nhập tịch Hoa Kỳ, thuộc các quốc gia trên thế giới nói chung, mà trong đó ứng viên nhập tịch Việt Nam là đông nhất.
Kỷ niệm thứ hai: Nối gót theo bước chân của tôi, người con trai út của tôi học liên tục 4 năm cũng tại đại học OCU này và con tôi đã ra trường vào năm 2004 với bằng Cử Nhân Thương Mại. Lại một lần nữa cho tôi một dịp trở về thăm mái trường xưa, để tham dự buổi lễ ra trường của con tôi, lòng tôi bồi hồi xao xuyến, tưởng rằng tôi sẽ được nhìn lại cảnh cũ người xưa, là hy vọng sẽ gặp lại các giáo sư cũ và vài người bạn học cũ cùng lớp ngày xưa. Nhưng những cảnh vật trong ngôi trường đều khác lạ, cây cối thưa thớt hơn trước nhiều, các tòa nhà cũ dành cho các phân khoa trước kia đều được tân trang lại như mới hoặc có một số các tòa nhà hoàn toàn mới được xây cất thêm, các lớp học rộng rãi khang trang hơn trước và cũng không gặp mặt được mấy thầy dạy học cũ của tôi và cũng không gặp lại một ai là bạn học cũ cùng lớp với tôi. Nói tóm lại mái trường xưa, nhìn toàn diện cảnh vật lẫn người, không còn giống như ngày xưa nữa, tất cả đều khác lạ. Do đó, cảm giác của tôi hôm đó hoàn toàn xa lạ với mái trường xưa, mà tôi hằng yêu mến vì tôi đã học ở đây 5 năm liên tục từ năm 1975 cho đến năm 1981.
Kỷ niệm thứ ba: Như đã giới thiệu sơ qua trong phần mở đầu trên đây, hôm nay tôi lại có dịp quay trở lại mái trường xưa lần thứ hai, để tham dự lễ ra trường của một cháu gái Cynthia Ngô, tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ Luật Khoa, mà tôi là người đỡ đầu (God father) cho cháu theo học ngành luật khoa tại Đại Học OCU này. Nhìn lên trên sân khấu, chỉ thấy có 2 sinh viên Việt Nam lên lãnh bằng tốt nghiệp, làm cho tôi nhớ lại ngày ra trường của tôi, cũng chỉ có mình tôi là sinh viên Việt Nam duy nhất lên lãnh bằng tốt nghiệp. Nhưng lần này cảnh tượng ngôi trường không khác lạ mấy với tôi, so với ngày ra trường của con trai út của tôi vào năm 2004.
Tuy nhiên nhân dịp này có một sự kiện hết sức độc đáo bất ngờ xẩy ra, là trong ngày ra trường của cháu Cynthia, tôi gặp lại một cựu tù nhân da mầu, mà anh này cho tôi biết hiện nay anh đã tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ luật khoa, nhưng chưa có bằng hành nghề luật sư (Bar license) đang làm việc cho một trong 3 hãng luật (Law firm) lớn nhất tại tiểu bang này, mà anh chỉ ngồi nghiên cứu những án lệ (Case laws), để ngồi viết những bài lý đoán (Pleadings) cho những luật sư trong hãng của anh, mà những luật sư này chuyên biệt ra tòa tranh tụng (Trial lawyer), để bênh vực cho thân chủ của hãng.
Anh nói tới đây, làm tôi nhớ lại, cách đây 12 năm, khi tôi ghi danh tham dự khóa luyện thi lấy bằng hành nghề luật sư (Bar review) tại tiểu bang Louisiana, một vị giáo sư giảng dạy môn hình luật (Criminal law) cho biết, tùy theo luật lệ hành nghề luật sư (Professional responsibilities) của từng tiểu bang, nếu một cựu tù nhân phạm trọng tội đại hình, có thể bị cấm thi lấy bằng hành nghề luật sư hoặc bị treo giò (Suspension) một thời gian, cấm không cho thi. Còn vấn đề học lấy bằng luật khoa thì không cấm. Có lẽ vì anh là cựu tù nhân phạm tội đại hình (Former felony prisoner) hoặc anh còn đang trong tình trạng tiếp tục thi hành cho xong bản án tại ngoại (Parole), cho dù đương sự có bằng tiến sĩ luật khoa, nhưng vẫn nằm trong thời gian thi hành bản án tại ngoại, nên chưa được phép dự thi để lấy bằng hành nghề luật sư (Bar license); chứ thực ra đương sự là một người rất có tài nói năng hùng biện (Eloquent speech), mà tôi được biết rõ đương sự như sau:
Cách đây khoảng trên 12 năm, trong thời gian hơn một năm anh bị giam ở trại tạm giam (Jail), là nơi tôi đang phục vụ cho anh em nam nữ tù nhân vào những ngày nghỉ cuối tuần, trong nhiệm vụ là tuyên úy trại tù và trong suốt thời anh bị tạm giam ở đây, để chờ đợi đi trình diện những phiên tòa xét xử anh về tội buôn bán cần sa ma túy, nên tôi có rất nhiều dịp được tiếp xúc trực tiếp để nói chuyện riêng với anh hàng giờ. Lúc đó, anh khoảng 22 tuổi, đã học xong bậc trung học, nói năng rất hoạt bát hùng biện, tỏ ra anh là một thanh niên thông minh đầy mưu lược, có lần anh tâm sự cho tôi biết, anh rất tức giận vì vị luật sư miễn phí bênh vực cho anh trước toà, đã không thèm đến thăm hỏi anh, để thu thập thêm các tin tức cần thiết khác, hầu có thể bênh vực cho anh được án nhẹ trước tòa, nhưng luật sư bênh vực cho anh chỉ đến gặp mặt anh vẻn vẹn có một lần duy nhất, trước một ngày phiên tòa xét xử, anh cho rằng vì thế anh đã phải lãnh án ở tù khá nặng tới 15 năm, nhưng may mắn cho anh chỉ phải ở trong tù có 7 năm rưỡi, thời gian còn lại của 15 năm, anh được hưởng quy chế tại ngoại, tù tại gia (Parole) vì suốt thời gian anh ở tù, anh được Ban Giám Thị trại tù ghi nhận hạnh kiểm của anh rất tốt và anh tiếp tục tâm sự với tôi, là sau khi anh mãn hạn ở tù, anh sẽ cố gắng ghi danh học luật để trở thành một luật sư và sẽ tình nguyện bào chữa miễn phí cho những người nghèo phạm tội hình sự, không có tiền thuê mướn luật sư bênh vực cho họ.
Tôi có hỏi anh là anh lấy tiền đâu ra để trả tiền học phí? Anh trả lời tôi là nhờ vào nhiều lần buôn bán cần sa ma túy trong 2 năm liền, mà không bị nhân viên chính quyền bắt anh, nhờ thế anh đã để dành được một số tiền hơn 4 trăm ngàn Mỹ Kim, anh bỏ hết số tiền mặt này vào trong một cái chum (Jar) có nắp đạy kín, chung quanh nắp anh dán kín bằng một loại keo dính chặt đặc biệt (Super glue), để nước không thể thấm vào bên trong chum làm hư nát tiền, anh đào một lỗ thật sâu xuống lòng đất ngay đằng sau vườn nhà anh, rồi anh đem chôn cái chum này xuống, không ai biết, trước khi anh bị bắt giam là lần đầu tiên này. Vì thế, khi nhân viên chính quyền đến khám xét nhà anh, chỉ tịch thâu được một số thuốc sì ke ma túy mà anh cất giấu trong nhà, chưa kịp đem đi bán và tịch thâu được một số hiện kim tiền mặt hơn 5 ngàn đồng. Nhưng đến khi anh được phép ra khỏi nhà tù, để tiếp tục thi hành bản án tù 15 năm tại gia, thì căn nhà của anh mà trước đây anh chôn giấu tiền, đã bị chính quyền tich thâu và đã đem đi bán đấu giá mất rồi; anh kể tiếp, rất may có người bạn thân anh như anh em ruột, anh nhờ người bạn này cho vay 65 ngàn và đứng tên mua căn nhà này cho anh. Sau khi mua căn nhà này xong, anh đào đất nơi anh chôn cái chum và đưa cái chum lên mặt đất, mở chum ra thấy số tiền hơn 4 trăm ngàn Mỹ kim vẫn còn nguyên vẹn, không bị hư nát, anh trả lại liền một lúc số tiền vay nợ bạn mình, số tiền còn lại anh dùng trả tiền học phí, để cuối cùng anh ra trường với văn bằng tiến sĩ luật khoa, như anh đã tâm sự với tôi trong ngày ra trường của cháu Cynthia, mà vừa được thuật lại trên đây.
Một điều làm tôi phải nể phục anh nhất, là mặc dù hiện tại anh chưa có bằng hành nghề luật sư, để trực tiếp có quyền hạn đứng ra bênh vực tội trạng trước tòa, cho những người nghèo vô tình hay chủ ý vi phạm pháp luật; tuy nhiên anh cho tôi biết, là anh vẫn trích ra hàng tháng một phần tiền lương của anh, để trả cho luật sư đứng ra bênh vực cho một số phạm nhân nghèo trước tòa, mỗi khi họ đến nhờ cậy anh giúp đỡ.
Phải thành thật mà nói, sau hơn 32 năm đặc trách Luật Sư Đoàn Liên Bang tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, tôi nhận thấy rất hiếm có luật sư nào lại có tấm lòng bác ái, biết thương phạm nhân nghèo, như anh cựu tù nhân da mầu này, đang làm việc trong ngành tư pháp Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment