Saturday, June 10, 2017

TIN BUỒN - Thi Sĩ MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã vĩnh viễn ra đi


Các bút hiệu khác: Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử.

Tên thật Võ Thị Hoài Trinh.

Sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930 tại Huế.

Sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Đến định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ từ năm 1982.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

Lang Thang (1960)
Thư Sinh (1962)
Bơ Vơ (1964)
Hắn (1964)
Mơ (1964)
Thiên Nga (1965)
Hai Gốc Cây (1966)
Sám Hối (1967)
Tử Địa (1973)
Trà Thất (1974)
Bài Thơ Cho Ai (1974)
Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976)
Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976)
This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980)
Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985)
Niệm Thư 1 (tái bản 1987)
Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990)

MINH ĐỨC HOÀI TRINH Và SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI CẦM BÚT


Sơn Tùng

Ngày 17/9/2005, tôi được mời tham dự và nói đôi lời trong buổi lễ ra mắt cuốn “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh”, tại Hội trường nhật báo Người Việt ở Quân Cam, Nam Cali.

Đây là một buổi ra mắt sách long trọng, không phải chỉ vì ngoài sự có mặt của nhiều văn nghệ sĩ tại nơi được gọi là “Thủ đô của người Việt ty nạn” còn có sự hiện diện của một số nhân vật trong giới quân sự và chính trị VNCH và cả hai ông Tướng Đại Hàn, mà còn vì chính tác phẩm được ra mắt.

Thật vậy, đây là một cuốn sách đồ sộ lộng lẫy về hình thức và rất nặng về nội dung, được viết bằng hai ngôn ngữ Việt – Anh, với đầy ắp hình ảnh in màu của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh sau gần cả một đời đóng góp cho văn học và văn hoá Việt Nam.

blank
Tác giả, hay đúng hơn, soạn giả cuốn sách là Nguyễn Quang, người bạn đời của chị Minh Đức Hoài Trinh, mà tôi đã nói đến trong phần lời tựa với tư cách một người nhuận sắc cho cuốn sách: “Tôi không có nhiều việc phải làm với tập bản thảo, vì đây không phải là một tác phẩm có mục đích thêu hoa dệt gấm cho một cuộc đời trống rỗng. Cuốn sách, với đầy ắp hình ảnh và sự kiện, đã mang giá trị đặc biệt của nó. Ngoài ra, đây còn là một công trình tim óc của soạn giả để dâng hiến cho người bạn đời, một món quà tinh thần thanh cao của tình yêu.”

Và dưới đây là một phần trích trong bài nói của tôi trong buổi lễ ra mắt cuốn “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh”:

Nói về MĐHT, có một đề tài mà tôi nghĩ rất thích hợp, là “sứ mạng của người cầm bút”. Đây là một đề tài lớn và đã được tranh luận qua nhiều thời đại, nhưng dường như vấn đề vẫn còn y nguyên. Nền văn học thế giới vẫn là hai con đường song song, với một bên là những người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, và bên kia là những người tin tưởng rằng nghệ thuật phải phục vụ nhân sinh, hay nói cụ thể hơn với một nhà văn, ngòi bút có một sứ mạng.

MĐHT đã chọn con đường thứ hai. Khi chị viết văn, làm thơ, hay khi lặn lội tới nhiều nơi trên đất nước VN và trên thế giới với tư cách là một ký giả, hay khi dạy đàn tranh, cắm hoa, hay làm việc Văn Bút, MĐHT luôn luôn trung thành với một sứ mạng.

Cuốn sách mà quý vị đang có trong tay đã nói lên điều ấy. MĐHT có một lý tưởng, có một niềm tin, một hoài bão, và có một sứ mạng. Trong suốt hơn 50 năm, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, dù ở trong lãnh vực nào, chị cũng tận tụy với sứ mạng ấy, bằng tài năng đa dạng, bằng trái tim nhiệt thành, và bằng năng lực phi thường của chị.

Cùng đi trên con đường với chị còn có nhiều người khác. Có những người bị đàn áp, bị tù tội, kể cả bị giết chết, nhưng vẫn không quy hàng bạo lực và không từ bỏ sứ mạng của họ: nói lên sự thật và tuyên dương nhân bản.

Nói đến sự can đảm của những nhà văn VN, tôi muốn nhắc tới nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn. Ông đã bị lưu đày nhiều năm trong các trại tù gulag ở Liên-Xô vào thập niên 1940 và 1950, và những sáng tác của ông bị cấm lưu hành. Nhưng vài tác phẩm của ông được đưa thoát ra ngoài và được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có hai cuốn nổi tiếng nhất là “Quần đảo Gulag” và “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” là những kiệt tác đã phơi bày tội ác của Cộng sản Sô-viết trước mắt thế giới. Do những tác phẩm này, năm 1970 Solzhenitsyn được trao tặng Giải Nobel Văn chương.

Do áp lực quốc tế, nhà nước Cộng sản Sô-viết phải mở bức màn sắt cho Solzhenitsyn đi nhận giải, nhưng đã cấm ông trở về Nga. Khi ấy, Solzhenitsyn nói rằng trong những năm bị lưu đày ông đinh ninh trong cả đời mình, ông sẽ không bao giờ được nhìn thấy một dòng chữ của mình được in trên sách. Thật kinh khủng! Nhưng ông cũng không từ bỏ sứ mạng của nhà văn để tiếp tục viết ra những gì ông chứng kiến và thể nghiệm. Sau khi Cộng sản Sô-viết sụp đổ, ông đã trở về Nga như một con người tự do trong một đất nước tự do.

Nhà xuất bản Vremia ở Nga hiện đang in toàn bộ những tác phẩm của Solzhenitsyn gồm 30 cuốn lần đầu tiên bằng tiếng Nga. Boris Pasternak, tác giả “Doctor Jivago”, người cũng từng bị đàn áp vì ngòi bút và cũng đoạt Giải Nobel văn chương, hiện là Trưởng Ban Biên Tập của NXB Vremia, nói về bộ sách của Solzhenitsyn: “Nước Nga đang trải qua một giai đoạn quyết định cuả lịch sử, và những ai muốn tìm kiếm những dấu mốc sẽ thấy những dấu mốc ấy trong Solzhenitsyn.”

Thưa quý vị. Sở dĩ tôi nhắc đến Solzhenitsyn vì 2 lý do:

- Solzhenitsyn và văn nghiệp cuả ông là một thí dụ sáng chói về sứ mạng của người cầm bút.
- Solzhenitsyn đoạt Giải Nobel văn chương về những tác phẩm chống cộng. Đó cũng là một thí dụ rạng ngời để đánh đổ luận điệu cho rằng văn chương chống cộng là vô giá trị.

Ước mong một ngày nào sẽ có một nhà văn VN đoạt Giải Nobel văn chương với những tác phẩm phơi bày tội ác của cộng sản trên đất nước VN trong hơn nửa thế 20 và vẫn còn tiếp tục trong thế kỷ 21.

Tôi nghĩ rằng đó là sứ mạng lớn nhất của nhà văn VN trong thời đại này, dù ở trong nước hay ở ngoài nước.

Trong tâm thức ấy, tôi xin được tỏ lòng ngưỡng mộ nhà văn MĐHT, nhà thơ MĐHT, nhà báo MĐHT, nữ sĩ MĐHT, đã tận tụy với sứ mạng ấy trong gần suốt cuộc đời của chị. Hôm nay, chị có quyền dừng chân, nghỉ ngơi, và tự hào nhìn lại những đoạn đường đã đi qua.

Tôi cũng xin được ca ngợi anh Nguyễn Quang đã dành nhiều tim óc để thực hiện tập sách này, vì đây không chỉ là món quà thanh khiết của tình yêu mà còn là một tác phẩm quý cho những người nghiên cứu văn học Việt Nam.

Sơn Tùng

Minh Ðức Hoài Trinh, cuộc đời qua 130 trang giấy

Westminster (CA) - Một bạn trẻ trong Nhóm Thư Viện VN trên Net tại San Diego vừa trao cho chúng tôi một cuốn sưu khảo về nhà văn Minh Ðức Hoài Trinh do Nguyễn Quang thực hiện.

Sách khổ 10.30x11.30 bìa cứng, dầy 130 trang giấy láng quý gồm nhiều hình ảnh và bài viết của nhiều người về văn nghiệp và cuộc đời của nhà văn Minh Ðức Hoài Trinh mà chúng ta đã biết là Sáng Lập Viên Văn Bút VN Hải Ngoại.

Ðộc giả của nhật báo Người Việt chắc cũng đã từng nhiều lần đọc và biết về Minh Ðức Hoài Trinh, nhưng có lẽ cũng chưa được biết tường tận về nhà văn phái nữ đã từng đóng góp nhiều công sức của mình trên văn đàn báo chí thế giới và văn học Việt Nam. Thì, đây là một cơ hội để chúng ta được biết nhiều hơn về một người viết sách làm báo nặng lòng với đất nước và dân tộc.

Trong một bài viết về nhà văn phái nữ này, nhà văn Sơn Tùng trong Văn Bút VN hải ngoại đã viết rằng: “Tôi thực kinh sợ trước những gì chị đã sống qua, đã làm cho văn học, văn hóa và cho chân lý trong hơn 50 năm vừa qua.”

Quả thật, đọc trong tiểu sử của bà qua những bài viết của nhiều người thì Minh Ðức Hoài Trinh ngay từ khi đất nước thoát khỏi tay thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, bà đã tham gia phong trào Giải Phóng Dân Tộc, nhưng đã sớm nhận ra được phong trào ấy đã bị hướng vào cuộc đấu tranh cho một ý thức hệ ngoại lai. Bà đã bỏ sang Pháp để theo học ngành báo chí và sau đó, khi tốt nghiệp vào năm 1967, bà trở thành phóng viên cho Ðài Truyền Hình ORTF của Pháp tại các chiến trường Bắc Phi và chiến trường Việt Nam, Trung Ðông, cũng như được cử theo dõi tiến trình hòa đàm Paris về chiến tranh VN. Năm 1973 bà về nước dạy ngành báo chí tại Ðại Học Vạn Hạnh từ 1974 cho đến khi miền Nam bị CS xâm chiếm.

Nhưng điều mà văn giới cũng như cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến nhiều hơn cả là nỗ lực của bà trong việc vận động thành công với tổ chức Văn Bút Quốc Tế thừa nhận Văn Bút VN hải ngoại là thành viên vào năm 1979 để từ đó bà đã vận động dư luận thế giới tranh đấu cho văn giới VN trong nước đang bị chính quyền Cộng Sản giam giữ, triệt hạ.

Bà Julie Sa, cựu Thị Trưởng của thành phố Fullerton, California viết rằng: “Nữ Sĩ Minh Ðức Hoài Trinh đã tranh đấu cho các ký giả và nhà văn bị cầm tù được trả tự do ở Ðại Hội các nhà văn thế giới.”

Ðó là Ðại hội Văn Bút Quốc Tế vào năm 1977 họp ở Sydney, Úc Châu. Trong Ðại Hội này, trong tư cách một thành viên của Văn Bút Pháp, bà đã yêu cầu Văn Bút Quốc Tế đòi hỏi nhà cầm quyền CS Hà Nội phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả các nhà văn, nhà báo và các nhà trí thức miền Nam mà CS đang giam giữ, sau khi CS đã chiếm trọn VN vào năm 1975.

Văn Bút VN hải ngoại từ khi được Văn Bút Quốc Tế thừa nhận là hội viên chính thức đã quy tụ được khá nhiều các nhà văn, nhà báo VN tại hải ngoại. Nhưng việc quy tụ ấy đã phát sinh những tranh chấp nên một thời gian sau đó, Văn Bút Quốc Tế đã phải tạm ngưng vai trò hội viên chính thức của Văn Bút VN hải ngoại. Rất may là với uy tín của mình, Minh Ðức Hoài Trinh một mặt hàn gắn những rạn nứt trong Văn Bút VN hải ngoại, một mặt nỗ lực vận động trở lại với Văn Bút Quốc Tế nên năm 2003, Văn Bút VN hải ngoại đã trở lại vị trí trong tổ chức quốc tế duy nhất còn công nhận một tổ chức trong thể chế VNCH trước 1975.

Nói về văn nghiệp của Minh Ðức Hoài Trinh, người ta được biết ngoài những bài viết trong vai trò phóng viên chiến trường, Minh Ðức Hoài Trinh có đến 25 tác phẩm đã xuất bản. Những cựu chiến binh VNCH chắc nhiều người còn nhớ đến mục “Bức Thư Hậu Phương“ trên nhật báo Ðông Phương tại VNCH trước năm 1975 do Minh Ðức Hoài Trinh phụ trách.




Trên mục này Minh Ðức Hoài Trinh đã đem tâm tình của mình làm nổi bật được những hy sinh đóng góp của cả một thế hệ thanh niên trước cuộc xâm lăng của Cộng Sản Quốc Tế được ẩn dấu dưới lớp vỏ chiến tranh giải phóng dân tộc mà những người CSVN thừa hành.

Nay với tuổi ngoài 70, nhà văn Minh Ðức Hoài Trinh đã rút về trong “Ngõ Trúc” của mình và không bao giờ có ý định viết “hồi ký” mặc dù cuộc đời của bà đã đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam rất nhiều.(NH)

THO MINH DUC HOAI TRINH PHO NHAC

Ai Trở Về Xứ Việt-Minh Đức Hoài Trinh-Phan Văn Hưng-Triển Chiêu

No comments:

Blog Archive