Friday, June 23, 2017

Ở Little Saigon 'Đi Ăn Cho Sướng!'

 
Phở gà Tuấn Cảnh. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ði nhiều nơi, gặp nhiều người, câu được nghe nhiều nhất khi nhắc đến Little Saigon ở nam Cali là “Ở đó đi ăn sướng hén!”

Trong mắt những người sống xa “Sài Gòn Nhỏ” thì nhà hàng, quán ăn ở đây sao nhiều và đa dạng đến mức khi nghe tôi “đi chợ nấu ăn” đã có người kêu lên: “Ở ngay trung tâm ăn uống mà mắc gì còn đi chợ! Bước chân ra ngõ bất kể giờ nào cũng có hàng quán mở cửa để ăn.”
 
Ờ, thì không đi chợ. Giờ mình đi ăn!

Ra đường tìm… phở
Cơm ăn ở nhà mỗi ngày rồi, giờ ra ngoài mình đi ăn phở.
Chưa bao giờ tôi ngồi xuống đếm xem quanh quanh vùng Little Saigon này có bao nhiêu tiệm phở. Chỉ biết là nhiều, nhiều lắm. Mà cái hay của phở là hầu như ai cũng thích! Bởi, phở dễ ăn!

Một người bạn của tôi nói rằng bất cứ lúc nào bạn cũng đều có thể ăn phở được, và dĩ nhiên trong lúc đói bụng, món đầu tiên bạn nghĩ đến luôn là phở.

Cá nướng da giòn Hồng Ân. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) 

Cái hay nữa là phở nào cũng có khách, phở nào cũng sống được. Cho nên giới thiệu một tiệm phở yêu thích thật ra là nói theo khẩu vị mỗi người, và cả nét đặc trưng không giống ai của tiệm phở đó.

Có thể có người thích phở Quang Trung, có người thích phở Nguyễn Huệ, thôi thì để dành đến Mùng Năm Tết, tin thắng trận Ðống Ða Ngọc Hồi bay về thì mình kéo ra đó ăn mừng. Giờ thử vô quán phở Tuấn Cảnh, nơi từng được một thực khách tặng cho danh hiệu “phở chửi” xem sao. (Cái này dân gian gọi là tự dưng lựa chỗ “đoạn trường” mà đi.)

Không biết có phải vì “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ bay xa” hay không mà khi tôi đến, cố chọc tức hoài mà không ai thèm “chửi” hết trơn. Cho nên cứ từ từ mà thử món phở gà theo lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp. Dù muốn dù không, phải công nhận là phở gà nơi đây ngon. Cái ngon bắt nguồn từ tô phở bánh tươi với hành tây trắng, hành ngò xanh rải mặt, nước chan óng ánh chút mỡ vàng đi cùng một đĩa thịt gà chặt nhỏ để riêng và chén nước mắm gừng trông bắt mắt.

Gắp lên miếng thịt gà vướng chút rau nêm dính theo, chấm vào chén mắm gừng đã hòa thêm tí ớt bằm. Ui chao. Mùi thơm của lá chanh xắt nhuyễn đeo theo miếng thịt dai và ngọt, quyện cùng vị của gừng, của ớt, của nước mắm pha vừa khẩu vị, sao mà đã. Lấy muỗng múc nước lèo từ trong tô, nóng hôi hổi, húp một cái. Rồi gắp thêm miếng bánh phở đưa vào miệng. Tất cả thật tròn vị! Cứ vậy mà từ từ làm tới, đến hết tô. Gật gù, được á. Mai mốt sẽ trở lại để thấy nụ cười hiền lành, chịu đựng của chú phục vụ, chứ không còn tiếng chửi lạc lõng trên xứ văn minh của chàng trai trẻ nào đó như từng bị đả kích. Nhưng quan trọng hơn, là, miếng thịt gà quấn quít lá chanh non như cứ muốn níu chân mình quay lại. (Mà phải trở lại trước 4 giờ chiều mỗi ngày, sau giờ đó, quán tắt đèn. Lạ hén!)
Tuy nhiên, nhiều người chỉ thích phở bò. Thì mình đi ăn phở bò.


Cao lầu Faifoo. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) 
Dù cửa tiệm là phở, nhưng số tiệm chỉ sống bởi phở, mà lại duy nhất phở bò, phải nói là đếm trên đầu một bàn tay. Thử coi, Phở 86 cạnh chợ Starter Bros trên đường Brookhurst nè, Phở Kim Qui trên đường Euclid gần góc Warner nè, còn gì nữa không ta?

Trong số ít ỏi này, Kim Qui là tiệm gây nhiều “tranh cãi.” Người thì bảo “Muốn ăn phở ngon phải vào Kim Qui.” Người lại nói như đóng đanh, “Cho dù có ngon bao nhiêu cũng không vào, vì ghét cái kiểu cách của những người hầu việc trong tiệm.”

Cho nên, ai nghe lời tôi, thử vào đây, mà lỡ, lỡ thôi nha, bởi tôi ăn ở đây dễ chừng 7-8 năm rồi, từ chỗ cũ chuyển sang chỗ mới, tôi chưa từng trở thành “nạn nhân” như những lời đồn, ngoại trừ cái mặt “ngầu ngầu khó ưa” của anh chàng trong tiệm (mà, cha sanh mẹ đẻ ra cái mặt ảnh vậy, rồi làm sao sửa ta?) – mà lỡ bị “khó chịu” thì đừng đổ thừa tôi. Nhưng vào vì nghe lời xúi rồi thì nhớ ăn gầu. Kêu tô phở gì cũng được, miễn phải có thêm miếng gầu.

Không hiểu sao mà miếng gầu của tiệm này nó lại khiến tôi mê đến vậy. Mê đến mức đi vào bất cứ tiệm phở nào, từ Cali qua đến Texas, Florida, Hawaii, Washington DC,… tôi đều kêu phở có gầu để so sánh. Nhưng mà không đâu miếng gầu quyến rũ tôi hơn miếng gầu ở Kim Qui. Miếng gầu màu vàng nhạt được cắt mỏng đến độ nó muốn xoắn lại. Thơm mùi bò. Giòn xừng xựt. Gắp miếng gầu, nhúng vào chén nước chấm hòa lẫn tương đen, tương ớt, chút tiêu, chút chanh. Ðưa vào miệng. Trời ơi, gầu ơi là gầu!

Ăn bánh… nhớ trả tiền
Ðến Little Saigon còn là để thưởng thức các loại bánh “mặn.” Dĩ nhiên, muốn ăn bánh phải trả tiền, không có “free.”


Các loại xôi dành cho ăn vặt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) 
Hình như ngoài Little Saigon, không nơi nào có hẳn những tiệm chuyên bán bánh xèo, bánh ướt, bánh cuốn, bánh bao, bánh… canh như thế.

Ngày tư ngày Tết, ê hề với thịt kho, giò chả, giờ rủ nhau đi ăn bánh xèo cho có cải có rau, nghe cũng hấp dẫn lắm. Mà nói bánh xèo thì phải nói đến nhà hàng Vân trên đường Brookhurst.

Chiếc bánh xèo mang ra vàng ươm, cạnh giòn rụm. Vỏ bánh mỏng. Nhân thì tùy người gọi. Tôi thì vẫn thích bánh xèo có nhân tôm thịt, thêm chút đậu xanh và giá. Nhiều người thích dùng cọng cải xanh to thiệt là to, xắn miếng bánh xèo để lên, ngắt thêm vài cọng rau thơm đặt vào, cuộn lại. Chấm nước mắm pha, có ít dưa chua trắng đỏ điểm xuyết. Vị beo béo của thịt ba chỉ, vị ngọt của tôm, cùng đậu xanh bùi bùi, giá vừa chín, hòa cùng bột, cùng rau, cứ thế mà cuốn hết cuốn này đến cuốn khác. Ăn cho thỏa thuê cảm giác một món ăn rất dân dã, rất Việt Nam.

Ai không thích rau, không thích tay bốc tay cuốn, thì đi ăn bánh ướt tráng tay (dĩ nhiên là chẳng ai tráng bánh bằng… chân, nhưng gọi bánh tráng tay để phân biệt với tráng… máy vậy). Bánh ướt, bánh cuốn kêu đĩa nào tráng đĩa đó chắc chỉ có đặc biệt nơi vùng này. Người thích Tây Hồ, người thích Tàu Bay, tôi thì thích Tân Hồng Mai.

Nếu chưa ăn, muốn thử thì cứ đĩa đặc biệt mà kêu. Sau một hồi chờ đợi, bạn sẽ thấy một đĩa có ít bánh ướt Thanh Trì (tức toàn là bột tráng mỏng), vài miếng bánh cuốn nhưn thịt nướng, nhưn tôm cháy, vài lát chả lụa, chả quế xắt mỏng vừa phải, lại có miếng tàu hủ chiên nóng giòn, có cả miếng bánh cống. Và một đĩa giá trụng, được mang ra.

Cho ít ớt bằm vào chén nước mắm. Gắp từng miếng bánh nhúng vào chén rồi cho vào miệng cũng ngon, mà chan hết nước mắm vào đĩa, rồi từ từ gắp ăn cũng tuyệt.

Cái ngon của đĩa bánh ướt/cuốn tráng tại chỗ là nó vừa ấm mới ra lò, ăn không bị lạnh tanh mùi… tàng trữ. Và bánh cuốn ngon không bao giờ có lớp bột dày cui. Mà nó mỏng mảnh, dai dai. Không khiến mình ngán.

Các món ăn chơi

Ðủ loại chè cho khách togo. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) 

Nói “ăn chơi” cũng là bắt chước người ta nói cho vui nhà vui cửa, chứ ăn rồi thì bụng no cành hông chứ chơi nỗi gì.

Tuy nhiên, những món tôi muốn giới thiệu với mọi người khi đến Little Saigon, ngoài cơm cơm, phở phở, bánh bánh, là cá nướng, là gỏi mực, là cao lầu, là bún gỏi và, là lạc xá.

Ði ăn cao lầu ở tiệm Faifoo, ăn bún gỏi và, lạc xá ở Song Long bạn có thể đi một mình, kêu một tô, rồi thủng thỉnh nhấm nháp tô cao lầu để mà nhớ về Hội An với đèn lồng đỏ treo cao cao, hay thả hồn vào vị chua nhè nhẹ của tô bún gỏi và mà nhớ về miệt Cần Thơ gạo trắng nước trong, hoặc hít hà cùng tô lạc xá mà suy nghĩ xem ai là người đã chế ra món ăn này, có liên quan gì đến với những ông Cà Ri Ấn Ðộ hay không.

Nhưng đi ăn cá nướng hay gỏi mực gỏi xoài mà đi một mình thì hơi “lạc quẻ,” mà cái lạc quẻ đầu tiên là một mình ăn không có hết!

Cứ tưởng tượng bước vào quán Hương Ðồng Cỏ Nội, nhà hàng Lẩu Ðồng QuêFavori hay quán Hồng Ân Bò 7 Món (vô quán bò kêu cá nướng, cũng tức cười hén) gọi món cá nướng da giòn. Chờ một chốc, một đĩa rau to, xanh um các loại được dọn ra cùng nước mắm me hay mắm nêm, rồi khay bánh tráng để cuốn, cuối cùng là… một “nàng tiên cá” bông lau da giòn vàng rụm phủ đầy mỡ hành, và đậu phộng rang đập giập bên trên. Một mình mà ngồi xẻ cá cuốn bánh tráng sẽ buồn hơn “đêm 30” nhiều lắm. Cho nên, phải có bạn có bè, có chồng có vợ, có bồ có bịch, có anh có em ngồi ăn cùng nhau, vừa thưởng thức vị ngọt của thịt cá, cái giòn của miếng da, vị chua của miếng khế, cùng rau thơm, hòa trong chén mắm me, mắm nêm, vừa râm ran trò chuyện về “xứ Bolsa này sao mà lắm món ăn ngon” để thấy cuộc đời có những lúc thơi thới đáng yêu quá chừng.


Muốn ăn chơi kiểu “dân dã” mà lại mắc tiền thì có thể đến tiệm Ốc & Lẩu trên đường Brookhurst (à, mà sao trên con đường này có nhiều quán ăn quá nhỉ). Vào đây thì cứ ốc tha hồ mà kêu, ốc hương nướng tiêu, ốc móng tay nướng mỡ hành, ốc len xào dừa, ốc gạo xào bơ… Muốn đậm đà thêm nỗi nhớ quê nữa thì làm luôn cái lẩu mắm, không ngon không về.

Muốn ăn chơi dân dã mà ít tiền thì vào Chợ Tam Biên làm tô cháo lòng cho ấm bụng ngày mùa Ðông, ai thích món bê thui thì cũng ở nơi này mà gọi. Nếu nói về người phục vụ thì tôi bình chọn đây là nơi có những cô, những chị nói chuyện dễ thương nhất trái đất...

Ai hảo ngọt sau khi ăn mặn thì có thể tạt qua Thạch Chè Mỹ Linh gần Cháo Cá Chợ Cũ nơi góc đường Westminster-Newland hoặc Chè Hiển Khánh trên đường Westminster hay trong khu chợ T&K ở đường Bolsa mua ly chè ba màu, ly sâm bổ lượng, hay dăm ba chén chè đậu trắng, trôi nước, khoai môn bạch quả… để tăng thêm dư âm ngọt ngào cho tình đời.

Tôi thì sau khi ăn lại thích ly cà phê sữa đá của tiệm Gala Bakery, cạnh bên quán Hương Giang chuyên trị các món ăn Huế. Uống thử một lần, là phải dặn lòng lần sau ghé lại uống thêm ly khác, để từ từ khám phá xem tại sao nó ngon lạ ngon lùng.

Ðúng là đến Little Saigon là để… ăn, mà ăn rồi thì hãy tạm “quẳng cái cân đi mà vui sống,” trước khi ì ạch chạy ra công viên hay leo lên treadmill chạy cho toát mồ hôi mẹ mồ hôi con, để còn mặc vừa quần áo đẹp đón Tết đến Xuân sang cùng tiếng cười rộn rã.
 
Ngọc Lan

No comments:

Blog Archive