LỜI GIỚI THIỆU.- Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, hôm Chúa Nhật, đã đọc một bài diễn văn trước các nhà lãnh đạo của hơn 50 nước đa số theo Hồi Giáo. Bài diễn văn này hé cho thấy đường lối ngoại giao của Chính Phủ Trump. Và ngoại trừ việc buôn bán vũ khí ra, những điều ông nói, nhất là trong tương quan với Hồi Giáo và cuộc chiến chống việc sử dụng Thiên Chúa vào mục tiêu giết người, rất tương đồng với các nhận định quen thuộc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người ông sẽ gặp hôm nay tại Vatican.
Chúng tôi dựa vào ghi chép của CNN để phóng dịch nguyên văn bài diễn văn trên: (Kiêm Ái).
***
Tôi muốn cám ơn Đức Vua Salman về những lời phi thường của ngài, và Vương Quốc diệu kỳ Saudi Arabia đã đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh hôm nay. Tôi rất hân hạnh được tiếp đón bởi các vị chủ nhà hết sức lịch thiệp này. Tôi vốn luôn nghe nói về sự tráng lệ của đất nước qúy vị và lòng tốt của người dân qúy vị, nhưng lời nói không thấm gì so với sự hùng vĩ của địa danh nổi tiếng này và lòng hiếu khách vượt quá tưởng tượng mà qúy vị đã dành cho chúng tôi ngay từ lúc mới đến.
Quý vị cũng đã đón tiếp tôi tại căn nhà trân qúy của Đức Vua Abdulaziz, vị sáng lập của Vương Quốc, người đã thống nhất dân tộc vĩ đại của qúy vị. Làm việc song song với một nhà lãnh đạo qúy yêu khác, Tổng Thống Franklin Roosevelt của Hoa Kỳ, Đức Vua Abdulaziz đã khởi đầu một cuộc hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia chúng ta..
Thưa Đức Vua Salman, thân phụ của Đức Vua hẳn phải rất hãnh diện khi thấy Đức Vua tiếp nối di sản của ngài, và như ngài đã khai mở chương thứ nhất trong sự hợp tác của chúng ta thế nào, hôm nay, chúng ta cũng bắt đầu mộtchương mới như thế nhằm đem lại các lợi ích lâu dài cho các công dân của chúng ta.
Xin ngài cũng cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và tận đáy lòng tôi đối với từng vị và mọi vị nguyên thủ đáng kính của các quốc gia đã đến đây hôm nay. Qúy vị đã dành cho chúng tôi một vinh dự lớn lao bằng chính sự hiện diện của qúy vị, và tôi xin gửi lời hỏi thăm nồng nàn nhất của xứ sở chúng tôi tới xứ sở của qúy vị. Tôi biết rằng thì giờ ởbên nhau của chúng ta sẽ đem lại nhiều phúc lộc cho cả nhân dân của qúy vị lẫn nhân dân của tôi.
Tôi đứng trước qúy vị như một đại diện của Nhân Dân Hoa Kỳ, để trao đến qúy vị một sứ điệp thân hữu và hy vọng. Đây là lý do khiến tôi quyết định thực hiện chuyến viếng thăm ngoại quốc đầu tiên của tôi tới trung tâm của thế giới Hồi Giáo, tới một quốc gia vốn là người gìn giữ hai địa điểm thánh thiêng nhất của Đức Tin Hồi Giáo.
Trong bài diễn văn nhậm chức của tôi với Nhân Dân Hoa Kỳ, tôi đoan hứa sẽ củng cố các tình thân hữu lâu đời nhất của Hoa Kỳ, và xây dựng các liên hệ hợp tác mới để theo đuổi hòa bình. Tôi cũng đã hứa hẹn rằng Hoa Kỳ không tìm cách áp đặt lối sống của mình lên các nước khác, nhưng sẽ chìa bàn tay của mình ra trong tinh thần hợp tác và tin tưởng lẫn nhau.
Viễn kiến của chúng tôi là viễn kiến hoà bình, an ninh, và thịnh vượng, tại vùng này và trên khắp thế giới.
Mục tiêu của chúng tôi là liên minh các quốc gia có cùng một mục đích loại bỏ chủ nghĩa cực đoan và cung cấp cho con cháu chúng ta một tương lai đầy hy vọng biết tôn kính Thiên Chúa.
Và do đó, cuộc tụ tập các nhà lãnh đạo có tính lịch sử và vô tiền khoáng hậu này, hết sức độc đáo trong lịch sử các quốc gia, là một biểu tượng cho thế giới thấy quyết tâm chung và lòng tôn trọng hỗ tương của chúng ta. Với các nhà lãnh đạo và công dân mọi quốc gia đang tụ họp ở đây hôm nay, tôi muốn qúy vị biết rằng Hiệp Chúng Quốc tha thiết muốn tạo lập các mối liên kết thân hữu, an ninh, văn hóa và thương mãi mật thiết hơn.
Đối với người Hoa Kỳ, đây là một thời điểm phấn khởi. Một tinh thần lạc quan mới đang thổi trên khắp đất nước chúng tôi: chỉ trong vòng mấy tháng, chúng tôi đã gần như tạo nên cả triệu việc làm mới, cộng thêm hơn 3 ngàn triệu dollars giá trị mới, bãi bỏ nhiều gánh nặng cho nền kỹ nghệ Hoa Kỳ, và thực hiện nhiều đầu tư có tính kỷ lục trong nền quân sự của chúng tôi để nó bảo vệ an ninh cho nhân dân chúng tôi và thăng tiến an ninh cho các bằng hữu và đồng minh kỳ diệu của chúng tôi, mà nhiều người đang có mặt ở đây hôm nay.
Giờ đây, còn một tin tốt lành hơn nữa tôi muốn được chia sẻ với qúy vị. Các cuộc hội kiến của tôi với Đức Vua Salman, với Đông Cung Thái Tử, và với Phó Đông Cung Thái Tử, đã diễn ra đầy nồng hậu, thiện chí, và hợp tác tuyệt diệu. Hôm qua, chúng tôi đã ký các thoả ước lịch sử với Vương Quốc nhằm đầu tư gần 400 tỷ dollars tại hai quốc gia của chúng tôi và tạo ra hàng ngàn việc làm tại Hoa Kỳ và Saudi Arabia.
Thỏa hiệp có tính dấu mốc trên bao gồm việc công bố Saudi đặt mua 110 tỷ dollars khí cụ quốc phòng, và chúng tôi bảo đảm sẽ giúp các bằng hữu Saudi của chúng tôi nhận được các khí cụ quốc phòng vĩ đại của chúng tôi. Thỏa hiệp này sẽ giúp nền quân sự của Saudi đảm nhiệm một vai trò lớn hơn trong các cuộc hành quân gìn giữ an ninh của họ.
Chúng tôi cũng đã bắt đầu các cuộc thảo luận với nhiều quốc gia có mặt hôm nay nhằm tăng cường các cuộc hợp tác, và thiết lập các cuộc hợp tác mới, thăng tiến an ninh và ổn định khắp và ngoài Trung Đông.
Chiều nay, chúng tôi sẽ tạo lịch sử một lần nữa bằng việc khai mạc một định chế mới, đó là Trung Tâm Hoàn Cầu Chống Ý Thức Hệ Cực Đoan, đặt ngay tại đây, tại tâm điểm của Thế Giới Hồi Giáo. Trung Tâm mới có tính đột phá này nói lên lời tuyên bố rõ ràng rằng: các quốc gia đa số theo Hồi Giáo phải dẫn đầu trong việc chống lại chủ trương cực đoan hóa, và tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Đức Vua Salman vì ngài đã tỏ rõ tài lãnh đạo của của ngài (trong phạm vi này).
Tôi đã từng hân hoan được đón tiếp một số nhà lãnh đạo đang có mặt hôm nay đến thăm Tòa Bạch Ốc, và tôi mong được làm việc với mọi vị trong qúy vị.
Hoa Kỳ là một quốc gia có chủ quyền và ưu tiên thứ nhất của chúng tôi luôn là sự an tòan và an ninh của các công dân chúng tôi. Chúng tôi ở đây không phải để giảng bài, chúng tôi không ở đây để nói với dân tộc khác phải sống ra sao, làm những gì, trở thành ai hay thờ phượng như thế nào. Đúng hơn, chúng tôi ở đây để đề nghị sự hợp tác, dựa trên cácquyền lợi và giá trị chung, nhằm theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người chúng ta.
Ở đây, tại hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta sẽ thảo luận nhiều lợi ích mà chúng ta vốn có chung với nhau. Nhưng trên hết, chúng ta phải đoàn kết trong việc theo đuổi một mục tiêu vốn vượt lên trên mọi xem xét khác.Mục tiêu đó là đối đầu với cơn thử thách lớn lao của lịch sử, chiến thắng chủ nghĩa cực đoan và triệt hạ các lực lượng khủng bố.
Các thiếu niên Hồi Giáo nam nữ nên có khả năng được lớn lên thoát khỏi mọi sợ hãi, an toàn khỏi mọi bạo lực, và không nhuốm mầu hận thù. Và các người trẻ Hồi Giáo nam nữ nên có cơ hội được xây dựng một thời đại mới thịnh vượng cho chính họ và nhân dân họ.
Với sự phù trợ của Thiên Chúa, hội nghị thượng đỉnh này sẽ đánh dấu việc bắt đầu kết liễu đối với những kẻ thực hành khủng bố và truyền bá niềm tin xấu xa của họ. Đồng thời, chúng ta cầu nguyện để một ngày kia cuộc tụ tập đặc biệt này sẽ được ghi nhớ như ngày khởi đầu của hòa bình tại Trung Đông, và có lẽ tại khắp mọi nơi trên thế giới.
Nhưng tương lai trên chỉ có thể đạt được qua việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố và ý thức hệ thúc đẩy nó.
Ít có quốc gia nào tránh được tầm tay bạo lực của nó.
Hoa Kỳ từng đã chịu nhiều cuộc tấn công dã man được lặp đi lặp lại của nó, từ những tàn khốc của ngày 11 tháng Chín cho tới cuộc tàn phá do vụ đặt bom ở Boston, những vụ giết người khủng khiếp ở San Bernardino và Orlando.
Các quốc gia ở Âu Châu cũng đã chịu nhiều điều hãi hùng không thể tả nổi. Cả các quốc gia Châu Phi và Nam Mỹ cũng thế. Ấn Độ, Nga, Trung Hoa và Úc thẩy đều là các nước nạn nhân.
Nhưng, nếu chỉ kể về con số, thì thiệt hại gây chết chóc nhiều hơn cả đã giáng xuống trên người dân vô tội của các quốc gia Ả Rập, Hồi Giáo Trung Đông. Họ đã gánh sức nặng chính của các vụ chém giết và những tàn phá tồi tệ nhất trong đợt bạo lực cuồng tín này.
Một số người ước lượng rằng hơn 95% các nạn nhân của khủng bố là người Hồi Giáo.
Hiện nay, chúng ta đang đối diện với một thảm họa nhân đạo và an ninh ở vùng này, một thảm họa đang lan truyền ra khắp hành tinh. Đây là một thảm kịch có tầm cỡ sử ca. Không bút nào tả hết nỗi đau khổ và tàn hại của nó được.
Sự thiệt hại thực sự do ISIS, al Qaeda, Hezbollah, Hamas, và nhiều tổ chức khác gây ra phải được tính không chỉ bằng con số những người đã chết. Nó còn phải được tính bằng nhiều thế hệ tan tành giấc mơ.
Trung Đông phong phú với vẻ đẹp tự nhiên, với các nền văn hóa sinh động, và với số lượng khổng lồ các gia sản lịch sử của nó. Nó phải càng ngày càng trở nên một trong các trung tâm thương mãi và cơ may vĩ đại của hoàn cầu.
Vùng này không nên là nơi người tỵ nạn trốn thoát, mà là nơi người mới đến đổ xô vào.
Saudi Arabia là nhà của các địa điểm thánh thiêng nhất của một trong các tín ngưỡng vĩ đại của thế giới. Mỗi năm, hàng triệu người Hồi Giáo từ khắp thế giới tuôn tới Saudi Arabia để dự Lễ Hajj. Ngoài các kỳ quan xưa, đất nước này còn là nhà của nhiều kỳ quan mới, trong đó, có những thành tựu cao vút của kiến trúc.
Ai Cập từng là trung tâm học thuật và thành tựu phồn thịnh cả ngàn năm trước các nơi khác trên thế giới. Các kỳ quan ở Giza, ở Luxor và ở Alexandria là những chứng tích đáng hãnh diện của gia tài cổ xưa này.
Khắp thế giới, người người mơ được bước qua các phế tích của Petra ở Jordan. Iraq là cái nôi của văn minh và là lãnh thổ của nét đẹp tự nhiên. Và Các Tiểu Quốc Ả Rập Thống Nhất đã đạt tới các đỉnh cao khôn tả với kính và thép, và đã biến đất và nước trở thành những công trình nghệ thuật diệu kỳ.
Toàn vùng nằm ở tâm điểm các lộ trình hàng hải chủ chốt: Kinh Đào Suez, Biển Đỏ, và Eo Biển Hormuz. Tiềm năng của vùng này chưa bao giờ lớn lao hơn. 65 phần trăm dân số của nó dưới tuổi 30. Giống mọi thanh niên nam nữ khác, họ đi tìm những tương lai vĩ đại để xây dựng, những dự án quốc gia lớn để tham gia, và một nơi cho gia đình họ gọi là nhà.
Nhưng tiềm năng chưa khai thác này, nguyên nhân lạc quan to lớn này, đang bị việc đổ máu và khủng bố cầm chân. Không thể nào có sự chung sống với thứ bạo lực này. Ta không thể nào dung thứ nó, chấp nhận nó, tha thứ cho nó, và làm ngơ nó.
Mỗi lần một tên khủng bố sát hại một người vô tội, và sai lầm kêu tên Thiên Chúa, thì điều này phải là một nhục mạ đối với bất cứ ai có đức tin.
Các tên khủng bố không hề thờ phượng Thiên Chúa, chúng thờ phượng tử thần.
Nếu chúng ta không hành động chống thứ khủng bố có tổ chức này, thì chúng ta biết điều gì sẽ xẩy ra. Sự tàn phá sự sống của chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục lan tràn. Các xã hội bình an sẽ chìm ngập trong bạo lực. Và tương lai của nhiều thế hệ sẽ bị phí phạm một cách đáng buồn.
Nếu chúng ta không sát cánh trong một kết án nhất tề đối với việc chém giết này, thì không những chúng ta bị nhân dân của chúng ta phán xử, không những chúng ta bị lịch sử phán xử, mà còn bị Thiên Chúa phán xử nữa.
Đây không phải là trận chiến giữa các tín ngưỡng, giáo phái hay văn minh khác nhau.
Đây là trận chiến giữa các tên tội phạm man rợ chuyên tìm cách tiêu hủy sự sống con người, và những người tử tế thuộc mọi tôn giáo đang tìm cách bảo vệ nó.
Đây là trận chiến giữa Thiện và Ác.
Khi thấy các cảnh tượng tàn phá sau một vụ khủng bố, ta không thấy dấu chỉ nào cho thấy những người bị sát hại theo Do Thái Giáo hay theo Kitô Giáo, theo Shia hay theo Sunni. Khi nhìn thấy những dòng máu vô tội ướt đẫm lãnh thổ xưa, ta không thể nhìn ra đức tin hay giáo phái hay bộ lạc của các nạn nhân, ta chỉ nhìn ra họ là Con Cái của ThiênChúa mà cái chết là điều nhục nhã đối với những gì là thánh thiêng.
Nhưng chúng ta chỉ có thể thắng vượt cái ác trên nếu các sức mạnh của sự thiện đoàn kết với nhau và mạnh mẽ, và nếu mọi người trong hội trường này góp phần đáng kể của mình và hoàn tất phần của mình vào việc mang gánh nặng này.
Chủ nghĩa khủng bố đang lan tràn ra khắp thế giới. Nhưng con đường hòa bình bắt đầu ngay từ nơi đây, trên mảnh đất cổ xưa này, trên lãnh thổ thánh thiêng này.
Hoa Kỳ sẵn sàng cùng đứng với qúy vị, để theo đuổi các lợi ích và an ninh chung.
Nhưng các quốc gia Trung Đông không thể đứng chờ để sức mạnh Hoa Kỳ đè bẹp kẻ thù trên thay cho họ. Các quốc gia Trung Đông sẽ phải quyết định loại tương lai nào họ muốn cho chính họ, cho đất nước họ và cho con cháu họ.
Đó là một chọn lựa giữa hai tương lai, và đó là một lựa chọn mà Hoa Kỳ KHÔNG THỂ làm cho qúy vị.
Một tương lai tốt đẹp hơn chỉ khả hữu nếu quốc gia của qúi vị dẹp tan được các tên khủng bố và cực đoan. Hãy Dẹp. Tan. Chúng.
HÃY DẸP TAN CHÚNG khỏi các nơi thờ phượng của qúy vị.
HÃY DẸP TAN CHÚNG khỏi các cộng đồng của qúy vị.
HÃY DẠP TAN CHÚNG khỏi đất thánh của qúy vị. Và
HÃY DẸP TAN CHÚNG KHỎI MẶT ĐẤT NÀY.
Về phần chúng tôi, Hoa Kỳ cam kết điều chỉnh các chiến lược của chúng tôi để đáp ứng các đe dọa đang diễn biến và các sự kiện mới mẻ. Chúng tôi sẽ vứt bỏ các chiến lược không hữu hiệu, và sẽ áp dụng các phương thức mới được kinh nghiệm và phán đoán dạy bảo. Chúng tôi đang chấp nhận Chủ Trương Thực Tiễn Có Nguyên Tắc (Principled Realism), bắt nguồn từ các giá trị và lợi ích chung.
Các bằng hữu của chúng tôi sẽ không bao giờ phải nghi vấn sự trợ giúp của chúng tôi, và các kẻ thù của chúng tôi sẽ không bao giờ hoài nghi quyết tâm của chúng tôi. Các cuộc hợp tác của chúng tôi sẽ đẩy mạnh an ninh nhờ ổn định, chứ không nhờ xâu xé triệt để. Chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định dựa vào các thành quả đời thực, chứ không dựa vào các ý thức hệ cứng ngắc. Chúng tôi sẽ để cho các bài học kinh nghiệm hướng dẫn chúng tôi, chứ không phải các gò bó của tư duy cứng ngắc. Và, bất cứ khi nào có thể, chúng tôi sẽ tìm tòi các cải tổ tiệm tiến, chứ không tìm các can thiệp đột ngột.
Chúng tôi phải tìm kiếm các người hợp tác, chứ không phải sự hoàn hảo, và biến thành đồng minh tất cả những ai chia sẻ các mục tiêu của chúng tôi.
Trên hết, Hoa Kỳ tìm kiếm hòa bình, chứ không tìm kiếm chiến tranh.
Các quốc gia Hồi Giáo phải sẵn lòng nhận lấy gánh nặng, nếu chúng ta muốn đánh bại chủ nghĩa khủng bố và đẩy ý thức hệ ác độc của nó vào quên lãng.
Nhiệm vụ đầu tiên trong cố gắng chung này là các quốc gia của qúy vị phải bác bỏ bất cứ lãnh thổ nào đối với lính đánh bộ của sự ác. Mọi quốc gia trong vùng có nghĩa vụ tuyệt đối phải bảo đảm điều này: không một tên khủng bố nào tìm được nơi trú ẩn trên lãnh thổ của họ.
Nhiều quốc gia đã và đang thực hiện được nhiều đóng góp đáng kể cho an ninh trong vùng: các phi công Jordan là những người đồng tác chủ yếu chống lại ISIS ở Syria và Iraq. Saudi Arabia và liên minh trong vùng đã có hành động mạnh mẽ chống các chiến binh Houthi ở Yemen. Lục Quân Libăng đang săn lùng các tên hoạt động cho ISIS, là những kẻ đang tìm cách xâm nhập lãnh thổ của họ. Các binh sĩ Emirates đang hỗ trợ các đối tác Afghan. Ở Mosul, các binh sĩ Hoa Kỳ đang hỗ trợ người Kurds, người Sunnis và người Shia cùng chiến đấu cho quê hương của họ. Qatar,nơi là chủ nhà của Bộ Tư Lệnh Trung Ương Hoa Kỳ, là đồng minh chiến lược có tính chủ chốt. Sự hợp tác lâu dài của chúng tôi với Kuwait và Bahrain tiếp tục gia tăng an ninh trong vùng. Và các binh sĩ Afghan can trường đang thực hiện nhiều hy sinh lớn lao trong cuộc chiến đấu chống bọn Taliban, và nhiều nhóm khác, trong cuộc chiến đấu gìn giữ xứ sở họ.
Khi từ chối không để cho các tổ chức khủng bố kiểm soát lãnh thổ và người dân, chúng ta cũng phải ngăn cản để chúng không có các nguồn tài trợ. Chúng ta phải cắt đứt các mng tài chánh chuyên để cho ISIS bán dầu hỏa, chuyên để cho các tên cực đoan trả lương cho các kẻ chiến đấu cho chúng, và giúp các tên khủng bố nhập lậu các lực lượng bổ sung của chúng, chúng ta phải thỏa hiệp ngăn cản việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố; thỏa hiệp này có tên là Trung Tâm Nhằm Chống Việc Tài Trợ Khủng Bố (Terrorist Financing Targeting Center) với đồng chủ tịch là Hiệp Chúng Quốc và Saudi Arabia, và được sự tham gia của mọi thành viên của Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council). Đây là một biện pháp có tính lịch sử trong một ngày sẽ được ghi nhớ lâu dài.
Tôi cũng hoan nghinh Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh vì đã ngăn cản các tay tài trợ trong việc họ dùng xứ sở họ làm căn cứ tài chánh cho khủng bố, và năm ngoái, đã liệt kê Hezbollah là một tổ chức khủng bố. Tuần này, Saudi Arabia cũng đã cùng chúng tôi cấm vận một trong các lãnh tụ cao cấp nhất của Hezbollah.
Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Điều ấy có nghĩa ta phải trung thực đối đầu với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cực đoan duy Hồi Giáo và các nhóm khủng bố duy Hồi Giáo do nó xúi bẩy. Và điều ấy cũng có nghĩa là phải sát cánh chống lại việc sát hại các người Hồi Giáo vô tội, việc đàn áp phụ nữ, việc bách hại người Do Thái, và sát hại các Kitô hữu.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải làm cho điều này tuyệt đối rõ ràng: chủ nghĩa man rợ sẽ không đem lại cho qúy vị bất cứ vinh quang nào, lòng sùng kính sự ác sẽ không đem lại cho qúy vị bất cứ phẩm giá nào. Nếu qúy vị chọn con đường khủng bố, đời qúy vị sẽ trống rỗng, đời qúy vị sẽ vắn vỏi, và LINH HỒN CỦA QÚY VỊ SẼ BỊ KẾT ÁN.
Còn các nhà lãnh đạo chính trị, qúy vị phải lớn tiếng khẳng định cùng một ý nghĩ: Anh hùng không sát hại người vô tội; họ cứu những người này. Nhiều quốc gia ở đây hôm nay đã đưa ra nhiều biện pháp quan trọng để nêu cao sứ điệp ấy. Viễn Kiến của Saudi Arabia cho năm 2030 là một tuyên ngôn quan trọng và đầy khích lệ về lòng khoan dung, sự tôn trọng, tăng quyền cho phụ nữ, và phát triển kinh tế. Các Tiểu Quốc Ả Rập Thống Nhất (The United Arab Emirates) cũng đã dấn thân vào cuộc chiến đấu giành trái tim và linh hồn, và với Hiệp Chúng Quốc, đã phát động một trung tâm chống việc truyền bá hận thù trên liên mạng. Cả Bahrain cũng đang cố gắng triệt hạ việc tuyển dụng và cực đoan hóa.
Tôi cũng hoan nghinh Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Li Băng vì vai trò của họ trong việc tiếp đón người tỵ nạn. Việc gia tăng con số di dân và tỵ nạn rời bỏ Trung Đông đã làm cạn kiệt nguồn vốn nhân bản cần thiết để xây dựng các xã hội và nền kinh tế ổn định. Thay vì làm cạn kiệt tiềm năng nhân bản như thế của vùng này, các quốc gia Trung Đông có thể đem lại cho người trẻ niềm hy vọng đối với một tương lai tươi sáng hơn ngay tại các quốc gia và vùng quê hương của họ.
Điều ấy có nghĩa phải cổ vũ các khát vọng và giấc mơ của mọi công dân đang đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó có phụ nữ, trẻ em, và tín hữu của mọi tín ngưỡng. Nhiều học giả Ả Rập và Hồi Giáo đã hùng hồn lý luận rằng việc bảo vệ quyền bình đẳng sẽ củng cố các cộng đồng Ả Rập và Hồi Giáo.
Trong nhiều thế kỷ, Trung Đông vốn là nhà của các Kitô hữu, người Hồi Giáo và Do Thái Giáo vốn sống bên cạnh nhau. Một lần nữa, chúng ta phải thực hành lòng khoan dung và sự tôn trọng lẫn nhau, và biến vùng này thành nơi mọi người nam nữ, bất luận thuộc tín ngưỡng hay sắc dân nào, đều hưởng được một cuộc sống có phẩm giá và hy vọng.
Trong tinh thần trên, sau khi kết thúc cuộc viếng thăm Ryyadh của tôi, tôi sẽ tới Giêrusalem và Bêlem, và rồi tới Vatican, thăm những nơi thánh thiêng nhất trong ba Tín Ngưỡng phát sinh từ Abraham. Nếu ba tín ngưỡng này có thể nối vòng tay lớn với nhau trong hợp tác, thì hoà bình trên thế giới này là điều có thể, kể cả nền hòa bình giữa ngườiDo Thái và người Palestine. Tôi sẽ hội kiến với cả Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu và Chủ Tịch Palestine Mahmoud Abbas.
Tước các tên khủng bố khỏi các lãnh thổ của chúng, khỏi việc tài trợ của chúng, và sức lôi cuốn giả tạo trong ý thức hệ hèn nhát của chúng sẽ là nền tảng để đánh bại chúng.
Nhưng không cuộc thảo luận nào về việc đánh tan cơn đe dọa này sẽ hoàn hảo nếu không nhắc đến chính phủ vốn dành cho các tên khủng bố cả ba điều: nơi dung thân an tòan, hỗ trợ tài chánh, và tư thế xã hội cần thiết cho việc tuyển người. Đây là một chế độ phải chịu trách nhiệm đối với quá nhiều bất ổn ở trong vùng. Dĩ nhiên, tôi đang nói tới Iran.
Từ Li Băng tới Iraq, tới Yemen, Iran đã tài trợ, cấp vũ khí, và huấn luyện các tên khủng bố, các dân quân chiến đấu và các nhóm khủng bố khác để chúng gieo rắc phá hoại và hỗn loạn khắp vùng. Hàng thập niên qua, Iran đã đổ dầu vào các đám cháy do tranh chấp và khủng bố phe phái gây ra.
Nó là một chính phủ công khai nói tới việc sát hại hàng loạt, thề sẽ tàn phá Do Thái, giết chết Hoa Kỳ, và làm tiêu tan nhiều nhà lãnh đạo và quốc gia có mặt tại hội trường này.
Trong số các can thiệp bi thảm và gây bất ổn nhất của Iran, chúng ta có Syria. Được Iran bênh vực, Assad đã phạm nhiều tội ác không thể nào tả được, và Hiệp Chúng Quốc đã cương quyết đáp trả việc Chế Độ Assad sử dụng các vũ khí hóa học bị ngăn cấm, bằng cách phóng 59 hoả tiễn tomahawk vào căn cứ không quân Syria nơi họ đã dùng để mở cuộc tấn công giết người.
Các quốc gia có trách nhiệm phải cùng làm việc với nhau để kết thúc cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria, diệt tận gốc ISIS, và phục hồi ổn định trong vùng. Các nạn nhân lâu đời nhất của chế độ Iran là chính nhân dân của nó. Iran có một lịch sử và một nền văn hóa phong phú, nhưng nhân dân Iran từng phải chịu gian khổ và thất vọng dưới việc đeođuổi tranh chấp và khủng bố khinh suất của các lãnh tụ của họ.
Cho tới khi chế độ Iran sẵn lòng trở thành người hợp tác cho hoà bình, mọi quốc gia có lương tâm phải cùng nhau làm việc để cô lập Iran, từ khước không để nó tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, và cầu xin cho tới ngày nhân dân Iran có được một chính phủ chính đáng và chính trực mà họ vốn xứng đáng được hưởng.
Quyết định của chúng ta sẽ ảnh hưởng tới muôn vàn cuộc sống.
Kính thưa Đức Vua Salman, tôi xin cám ơn ngài đã tạo nên thời khắc vĩ đại này trong lịch sử, và đã thực hiện nhiều cuộc đầu tư khổng lồ vào Hoa Kỳ, vào nền kỹ nghệ và việc làm của nó. Tôi cũng xin cám ơn ngài đã đầu tư vào tương lai của vùng này trên thế giới.
Vùng phì nhiêu này có mọi thành tố để thành công vượt bực: một lịch sử và một nền văn hóa phong phú, một nhân dân trẻ trung và sinh động, một tinh thần tháo vát phong phú. Nhưng qúy vị chỉ có thể mở khóa cho tương lai này nếu công dân của Trung Đông thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và bạo lực.
Chúng ta tại hội trường này là các nhà lãnh đạo của nhân dân chúng ta. Họ đang nhìn chúng ta để có câu trả lời, và để hành động. Và khi chúng ta nhìn lại khuôn mặt họ, sau mỗi cặp mắt là một linh hồn đang khao khát công lý.
Hôm nay, hàng tỷ khuôn mặt đang nhìn chúng ta, chờ đợi chúng ta hành động trước câu hỏi lớn của thời đại chúng ta.
Liệu chúng ta có dửng dưng trước sự ác không? Liệu chúng ta có bảo vệ các công dân của chúng ta khỏi ý thức hệ bạo lực của nó không? Liệu chúng ta có để nọc độc của nó tràn lan khắp các xã hội của chúng ta không? Liệu chúng ta có để nó tiêu diệt các nơi thánh thiêng nhất của ta trên trái đất không? Nếu chúng ta không đối đầu với cuộc khủng bố chết người này, chúng ta biết tương lai sẽ đem đến những gì: Nhiều đau khổ và thất vọng hơn. Nhưng nếu chúng ta hành động, nếu chúng ta rời hội trường tráng lệ này mà đoàn kết và quyết tâm làm những gì cần thiết để tận diệt cuộc khủng bố đang đe dọa thế giới, thì chẳng còn giới hạn nào đối với tương lai vĩ đại của các công dân chúng ta.
Nơi sinh của văn minh đang đợi chúng ta khởi đầu một phục hưng mới. Qúy vị hãy tưởng tượng ngày mai sẽ đem đến những gì.
Các kỳ quan đầy vinh quang của khoa học, nghệ thuật, y khoa và thương mại gây cảm hứng cho nhân loại. Các thành phố vĩ đại xây dựng trên các hoang tàn của các thị trấn tả tơi. Các việc làm và kỹ nghệ mới sẽ nâng cao hàng triệu người. Các phụ huynh không còn phải lo lắng về con cái, các gia đình không còn phải than khóc các người thân yêu, và các tín hữu cuối cùng được quyền thờ phượng mà không cần sợ hãi. Đó là các phúc lộc của thịnh vượng và hòa bình. Đó là các ước nguyện đang bùng cháy bằng ngọn lửa chính trực trong mỗi trái tim con người. Và tất cả đều là các đòi hỏi chính đáng của nhân dân quí yêu của chúng ta.
Xin qúy vị hãy cùng tôi, cùng với nhau, làm việc chung, và cùng ĐẤU TRANH với nhau, VÌ ĐOÀN KẾT, CHÚNG TA SẼ KHÔNG THẤT BẠI.
Xin cám ơn qúy vị. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho qúy vị. Xin Thiên Chúa chúc lành cho quốc gia qúy vị. Và Xin Thiên Chúa chúc lành cho Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu.
No comments:
Post a Comment