Kiêm Ái
Sau khi đã khoản đãi mọi người một bữa ăn thịnh soạn, cô Nguyệt thưa với họ:
- Hôm nay chúng tôi mời quý vị lại đây là để thưa một việc quan trọng. Sang năm, chúng tôi xin lấy lại một nửa số ruộng mà quý vị đang làm "rẻ" của chúng tôi, để chúng tôi tự canh tác lấy, vì như quý vị đã biết gia đình chúng tôi tuy được tiếng "điền chủ" và cũng vì là điền chủ nên ông già chồng chúng tôi đã bị lên danh sách đấu tố, may mà trốn thoát được khỏi bị đưa ra tòa án nhân dân. Nhưng tiếng là điền chủ mà năm nào cũng mượn lúa bà con chứ không đủ lúa ăn "giáp hạt" và nhiều chi phí khác.
Mọi người nhao nhao lên, làm sao mà mợ làm được trong khi cô Sáu đã đi lấy chồng, cậu Ba thì sắp trở thành linh mục, cậu Năm chỉ là một thư sinh, ông cụ thì chỉ biết dạy học để phổ biến "Đạo Thánh Hiền" và hốt thuốc Bắc miễn phí cho bà con. Một mình cô làm sao làm nỗi, một nửa số ruộng cô lấy lại sẽ bỏ hoang và chúng tôi cũng sẽ chết đói. Cô mới tới làm dâu xứ này vừa tròm trèm một năm, chưa biết ruộng nằm tại đâu; chứ đừng nói là "tự làm lấy".
Còn nhiều người góp ý nữa, phần lớn đều cho cô Nguyệt biết cô sẽ thất bại và ông già chồng của cô sẽ mang tiếng không biết "tề gia", dạy dỗ cô dâu xứ lạ, trước mắt là gia đình sẽ "thất thu". Năm trước phải mượn lúa, chắc sang năm sẽ phải mượn gạo.
Mấy hôm sau, ông già chồng, khi thấy cô dâu mới mang lên bình trà hương thơm ngào ngạt nhưng ông không thấy mùi vị của nó ngọt ngào phả vào mũi như các bữa thường lệ. Ông thở đài ngao ngán;
- Con ngồi xuống, cha muốn nói chút chuyện.
- Thưa cha có gì dạy bảo con.
- Mấy bữa nay, cha đã nghe tất cả người làm ruộng của mình nói con định sang năm lấy lại một nửa ruộng để tự làm lấy. Không những họ mà mấy cô, mấy dì va các thím cũng cho cha biết như vậy và nói cha nên khuyên con bỏ chuyện đó đi, vì cha nghĩ một người mới tới xứ này như con, không tìm hiểu kỹ càng mà có tìm hiểu cũng không thể cáng đáng nỗi công việc như vậy. Tuổi còn trẻ, cha muốn con sinh cho cha một vài cháu bé, trai gái cũng được cho vui cửa vui nhà, ruộng chúng ta cũng không phải ít, cũng sống qua ngày được, làm giàu ai cũng muốn nhưng phải tùy sức mình. Cha không muốn con mang tiếng là người đàn bà ác độc.
- Thưa cha, con đã đi "coi gặt", con đã cùng làm công việc với mấy bạn tá điền, con đã suy nghĩ kỹ, số ruộng mình cho làm rẽ thất thu đến một nửa, hoặc hai phần ba, chỉ vì các tá điền...
- Nếu có gì không ổn con nói lại với họ để họ làm cho tốt đẹp hơn, chứ lấy ruộng lại họ sẽ lâm vào tình trạng thiếu ăn, con cái họ nheo nhóc tội nghiệp.
- Con thưa cha điều này xin cha tha thứ và cho phép con mới nói
- Con cứ nói.
- Thưa cha, gia đình cha mẹ con số ruộng chỉ bằng một phần ba gia đình mình, mà cha mẹ con tự làm lấy thì mỗi năm đều có lúa ăn, lúa dư để dự trử...
- Ruộng xứ con tốt hơn ruộng nhà mình.
- Thưa cha không phải vậy. Con biết ruộng làng mình tốt hơn, nhưng gia đình cha mẹ con tự làm lấy và chính con khi chưa lấy chồng cũng ...
- Thì con đem kinh nghiệm đó nói cho những người thuê ruộng mình biết dể họ sửa đổi, chứ cha không thể nghe những sự than phiền, khóc lóc của họ cũng như sự "góp ý" của cả 2 bên gia đình, kẻ cả gia đình bên ngoại.
- Con biết họ không bao giờ nghe con, một đứa con gái tuổi chưa được 20 lại đến xứ lạ, trong khi nhà mình thiếu lúa ăn họ cho là mình nói không đúng sự thật, gia đình điền chủ mà thiếu ăn thì làm sao tá điền không đói? Thế mà họ không đói.
- Tại sao vậy?
- Thưa cha, họ thuê ruộng mình và ruộng những làng bên cạnh, họ thuê cả ruộng trong làng mình, rồi họ thiếu chăm sóc, thu hoạch kém, nhưng họ còn làm việc khác nữa gia đình họ không thiếu như gia đình mình.
- Tại sao thất thu con nói cho cha biết
- Nghề nông như cha biết: nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Giống mình cấp cho họ, họ không gieo đủ mà còn đem bán, phân không có, nước thì chỉ nhờ trời. Cỏ thì họ chỉ làm sơ sài khi gặt thì cỏ và lúa chen nhau. .. Xin cha cho con làm thử một mùa, con sẽ cố gắng để họ thấy một nửa ruộng do con làm và nửa của họ làm để chính họ so sánh và biết được tại sao mình lấy lại một nửa ruộng.
Suy nghĩ một hồi, ông già lên tiếng.
- Nhưng con không thể cáng đáng hết mọi việc.
Cả nhà cùng "chịu không thấu". Ông già chồng bị người ta chê cười, chiều con dâu quá mức, anh chồng thư sinh chịu người ta cho là cưng chiều vợ, cô dâu bị người ta cho là "làm tài hay" tức là không biết mà muốn làm thầy thiên hạ; mặc dù cô ta "cùng làm với họ mọi việc nhà nông, cô chẳng thua sút một ai. Nhưng cho đến khi lúa chín, người ta không còn "chọc quê" cô dâu nữa, nhứt là khi thu hoạch năng xuất của hai bên chênh lệch nhau trước mắt mọi người. Lúc đó gia đình chồng của Nguyệt mới thấy sự thật. Năm đó gia đình chẳng những đủ lúa ăn mà con dư dù chỉ làm một nửa.
Không phải là các tá điền không biết làm ruộng, nhưng họ không làm, một là vì "con không đẻ không thương", hai là họ còn làm việc khác nữa, ba là họ còn thuê ruộng khác và nhứt là họ không muốn bỏ công, bỏ phân quá nhiều.
Cô Nguyệt không bao giờ để ruộng thiếu nước, ruộng cày thực sâu, các góc ruộng không cày được thì cuốc chứ không bỏ qua, cô tự cầm một đầu gầu tác nước, mướn thêm người, làm cỏ, bỏ phân đúng tiêu chuẩn cho lúa. So sánh lại những chi phí bỏ ra với kết quả thu hoạch lời rất cao. Từ đó về sau họ mới biết, con dâu ông "Thầy Đồ" có lý và đã làm được.
Người đàn bà "ác độc" đó là mợ của vợ tôi. Đã có lần bà mợ này tâm sự cho tôi nghe như sau:
- Mợ nói cho con biết, trong năm đầu đó, chút nữa hai vợ chồng bỏ nhau vì những sự dèm pha bên ngoài kể cả bà con. Cậu con cằn nhằn và nói thẳng, tôi cưới cô về làm vợ chứ không phải về làm ruộng. Mợ nghiến răng chịu đựng gần cả năm cho đến mùa gặt, vừa làm lụng gấp 2, gấp 3 khi còn con gái ở với cha mẹ, vừa bị cha mẹ đẻ la rầy cho đến nỗi mợ không dám về thăm nhà khiến mợ có thai con đầu mấy tháng, "bà ngoại" nghe người ta nói mới biết. Nếu không có thai, chắc mợ đã bị đánh y như hồi con gái...
Tôi cũng không hiểu tại sao bà mợ bên vợ lại kể những chuyện "làng nước" cho tôi, một thằng "xứ lạ" đến cưới vợ làng mợ làm dâu. Và cũng nhờ đó, tôi được biết nhiều chuyện xảy ra ở thôn quê Việt Nam qua 9 năm sống chung với Viêt Minh, tiếp theo những năm hòa bình rồi đến chiến tranh v.v... Người đàn bà bị cho là ác độc đã qua đời từ lâu, nhưng những chuyện kể của bà vẫn văng vẳng bên tai tôi.
Nhân thấy "Donald Trump cũng vừa mới về làm dâu Hoa Kỳ", tiếng thì có 100 ngày trăng mật, nhưng đã bị đánh phủ đầu từ khi chưa tuyên thệ, nhứt là từ khi "rút lui khỏi hiệp ưóc "Biến Đổi Khí Hậu". Đây là chuyện thật và tôi rất kính trọng người đàn bà trong chuyện, tôi không viết bài này theo "đơn đặt hàng" vì có nhiều chuyện để viết về những gì TT Trump đang chịu đựng, đang trải qua và những chuyện đánh phá vô lý và vô nhân đạo của "Truyền thông dòng chính"
Nhân thấy "Donald Trump cũng vừa mới về làm dâu Hoa Kỳ", tiếng thì có 100 ngày trăng mật, nhưng đã bị đánh phủ đầu từ khi chưa tuyên thệ, nhứt là từ khi "rút lui khỏi hiệp ưóc "Biến Đổi Khí Hậu". Đây là chuyện thật và tôi rất kính trọng người đàn bà trong chuyện, tôi không viết bài này theo "đơn đặt hàng" vì có nhiều chuyện để viết về những gì TT Trump đang chịu đựng, đang trải qua và những chuyện đánh phá vô lý và vô nhân đạo của "Truyền thông dòng chính"
Kiêm Ái
(Viết để tưởng niệm một người đàn bà "độc ác" và cũng để tạ tội vì ngày đưa mợ đến nơi an nghỉ con không đi được. Và cũng để tặng Donald Trump)
No comments:
Post a Comment