Hoàng Tử Bố
Ngày còn bé, có một lần trong lúc quá chén, bác Khoa đùa:
- Gớm ông là đứa sướng nhất đấy, hoàng tử của một rừng hoa... lão Thuần, hoa cũng chỉ một cành, còn tôi thì đơn thân độc mã chẳng có hoa lá gì cả...
Khi tàn tiệc, tôi hỏi mẹ sao bác lại nói như thế, mẹ vuốt tóc tôi:
- Ừ thì bố có bốn mẹ con mình, đàn bà không là hoa thì là gì nào, bác Thuần có toàn con trai chỉ có mỗi bác gái, bác Khoa chia tay với người yêu ngoài Hà Nội nên chẳng yêu ai nữa.
Họ là bạn chí cốt của bố thời trung học ở Hà Nội, sau 54 chỉ có hai người vào nam, số còn lại đã hội nhập cuộc sống ngoài đó nên đã bật tâm. Những lần đánh chén với nhau như thế, họ hay nhắc đến chuyện ăn chơi ngoài ấy, bố là người ít nói, chỉ nghe.
Thỉnh thoảng chêm một câu làm mấy bác ưng ý khen:
- Ông nhớ dai nhỉ, mà toàn nhớ chuyện hoa bướm thôi...
Mấy bác lại cười nhắp một ngụm bia, mắt họ lim dim như đang mơ về ngày tháng cũ, thời trai trẻ của bố lãng tử làm sao, ngoài giờ học là bạn bè cà phê thuốc lá.
Bố từng nói:
- Phở Hà Nội ngon ở chổ không có giá trụng, không tương đen tương đỏ chỉ toàn là hành, hành lá, hành chần, hành ta, mấy lọ tương làm mất vị phở thuần túy bắc kỳ.
Phong cách lịch lãm ngoài ấy còn theo bố mãi đến sau này, những năm 60 yên bình, cuối tuần bố dẫn vợ con đi ăn nhà hàng tàu trong chợ lớn, nhà hàng tây ở Đa kao, cơm bắc ở đường Gia Long.
Đặc biêt tiệm phở Thăng Long trên đường Chi Lăng, quán nhỏ nhưng có món bê thui, sữa tươi và bánh gai bày sẳn trên bàn, phở bắc chính hiệu của bố đấy.
Năm chị em tôi đến tuổi đi học, mẹ cho học trường bà sơ, trường nữ nên học sinh phải mặc đồng phục màu hồng, cái màu lãng mạn yêu đời các sơ đã chọn, làm khổ chị em tôi vì mẹ đã khấn hứa màu xanh biển và trắng chúng tôi phải mặc đến năm mười sáu tuổi.
Áo đầm của chúng tôi bị “việt vị” trong sân trường, mẹ vẫn còn đắn đo vì lời khấn hứa chưa biết tính sao, không lẽ vì cái màu hồng mà rút các con ra khỏi trường các sơ, chị em chúng tôi phải trả gía cho sự đắn đo của mẹ bằng mấy lần bị sơ hiệu trưởng cảnh cáo.
Thấy các con khổ vì màu hồng hoa mộng, mẹ bị dằng xé vì màu xanh trắng của Đức Mẹ Lộ Đức, bố bèn nhảy vào cuộc cứu ba cô con gái và đề nghị chọn một số áo đầm mặc đi học nhuộm màu hồng.
Tôi đắc ý lắm, màu hồng rất con gái tôi mê mệt, màu hồng yêu đời của tôi đưọc lên ngôi, bỗng tôi mơ, gía một tuần mình được đi học cả bảy ngày...
Cuối tuần bố mua mấy gói thuốc nhuộm, sáng chủ nhật bố rủ các con cùng tham gia tài nhuộm áo của bố, ba chị em chúng tôi lăng xăng mang hai cái thau nhôm to tướng ra sàn nước, bố đun một nồi nước sôi.
Pha chế đúng chỉ dẫn trên bao bì, bố bỏ từng cái áo đầm vào chậu thuốc, dùng hai thanh tre đảo tới đảo lui rồi vớt áo ra, bỏ vào chậu nước sạch, đến đoạn này chị em tôi vò tới vò lui vài lần, vắt ráo nước chờ xả lại lần cuối.
Suốt buổi cha con hì hục với mớ áo đầm, kết quả thật là bi thương ai oán, màu xanh biển đậm vì bị màu hồng o ép nên nổi giận biến thành màu nâu sậm, nhè cái áo đầm thắt nơ ngang eo mà tôi mê nhất bị đổi màu u ám, tôi khóc cả ngày hôm đó.
Mẹ dỗ dành:
- Để tháng sau mẹ mua áo khác đền vậy
Quay sang bố mẹ thở dài:
- Bố nó hay thật, có phải thợ đâu mà bày việc, áo màu nâu như sư cô làm sao học trường « ma sơ » được
Chị em tôi thích lắm, tự dưng được mẹ sắm cho một lô áo đầm mới, nghĩ lại cũng nhờ công bố pha chế loạn xị bữa đó mà chúng tôi được hưởng sái, từ đó tôi thấy bố tôi tài giỏi thật.
Chị em tôi là dân bán trú, học từ sáng, trưa ăn cơm nhà bàn, sau đó lên lầu bốn ngủ trưa, tầng lầu cuối dài gần trăm thước, học sinh trải chiếu xuống nền gạch bông nằm.
Đứa nào hóng chuyện phá giấc ngủ người khác bị ma sơ phạt, cho lên bàn mà ngủ, nằm trên đó tha hồ nhìn cảnh « nhà lá » nhộn nhịp xôn xao chứ ngủ gì được.
Cũng tại giờ ngủ trưa nằm sát nhau mà bọn con nít bị lây chí rận, đôi bím tóc duyên dáng của tôi có thoát được cái họa đó đâu, tóc bị cắt ngắn đi mà vẫn chưa thoát nạn, về nhà còn bị treo gìo, trong khi mấy đứa hàng xóm chơi cò cò thì mình bị mẹ đè đầu bắt chí, chí ơi sao mà hại bạn...
Bỏ công mẹ miệt mài bắt chí giết trứng, sau vài ngày bị rượt đuổi, chí lại xuất hiện hoành hành, mẹ đành bó tay, thế là bố phải ra tay.
Cuối tuần bố ra tiệm thuốc tây mua thuốc diệt chí, loại thuốc bột trắng phau như bột gạo, mỗi đứa được bố rắc thuốc lên đầu xoa đều, tóc tai dựng đứng như hề trong gánh xiệc.
Mẹ lấy khăn trùm lên đầu từng đứa và ngồi yên trên ghế đúng ba mươi phút chờ lũ chí lăn cổ ra chết, trước khi chết chúng nó dãy dụa khiến cái đầu ngứa phát điên mà không gãi được.
Chiến dịch diệt chí coi như thành công mỹ mãn, vì phải cắt tóc để diệt chí nên tóc tai chị em tôi bù xù chả ra kiểu nào cả, lại đúng vào mùa tết nên chúng tôi vòi mẹ cho uốn tóc kiểu « Bạch Tuyết » (trong phim Bạch Tuyết và 7 chú lùn).
Mẹ bảo con nít uốn tóc sớm không tốt, tóc dễ hư, nhưng chúng tôi đâu có chịu nghe lời, chúng tôi cầu cứu bố, hết đứa này đến đứa kia léo nhéo.
Cầm lòng không đặng, bố phán:
- Mẹ nó cứ cho các con uốn tóc đi, cấm kỵ chỉ tổ làm chúng nó nôn nao, uốn rồi tự chúng nó sẽ biết.
Lần đầu tiên trong đời được uốn tóc quăn, ai mà không thích, mẹ dẫn ba đứa ra tiệm mẹ quen ở đường Lê Thánh Tôn, đầu được tẩm “nước đái quỷ” (Amoniac trong thuốc uốn tóc), tóc bị kéo rít quấn vào cái ống như xương chó gậm, đau đến chảy nước mắt.
Thế cũng chưa khiếp bằng khi cái kẹp điện nóng bỏng cắm vào từng ống tóc tẩm mùi amoniac bóc khói tỏa mùi hôi, mùi hăng cháy khét khiếp đến khó tả, cái đầu bỗng trở nên nặng đến ngàn cân, nếu lỡ nghiêng đầu vài chục độ dám mình bị ngã bật khỏi ghế đang ngồi như chơi.
Chịu bao nhiêu khổ hình như vậy mà kết quả có gì hay đâu, lúc bước ra khỏi tiệm, tóc ai chả đẹp, chỉ vài ngày sau, khi phải gội đầu chải tóc, lúc đó mới thấy “Bạch Tuyết” biến thành lọ lem với mái tóc quăn tít như tóc tây đen, chải cách chi cũng không thẳng ra.
Soi gương tiếc mãi mái tóc cũ, đôi bím xinh xắn, phải chờ mấy tháng tóc mới dài ra, mấy tháng trời phơi mặt với mái tóc xoắn kiểu này còn gì khổ hơn.
Thưở đó làm gì có máy sấy tóc dùng tại gia như bây giờ để kéo “tóc tây đen” thành tóc VN, cô em út khóc lóc với mẹ:
- Con muốn tóc thẳng ra, tóc dài ra để mẹ thắt bím cho con.
Bố sót con bảo mẹ mang chúng tôi ra tiệm để kéo tóc thẳng ra, và răn đe:
- Mẹ nói mà các con không nghe, bây giờ mới ra nông nỗi, từ nay các con phải vâng lời bố mẹ.
Tôi phục bố sát đất, mỗi lần bố xuất hiện ra tay cứ như trong phim Zoro, khi nhân vật chính nhảy từ mái nhà xuống cứu người đẹp.
Tôi nói với mẹ:
- Mẹ thấy bố hiệp sĩ không, khi bố ra tay là xong ngay.
Mẹ cằn nhằn:
- Tại các con không nghe lời mẹ nên bố mới can thiệp, các con chỉ tổ nhõng nhẻo, cũng tội bố không có con trai.
Tôi mới lên bẩy, làm sao hiểu nổi câu nói bỏ lửng ngày xưa của mẹ, nó hàm chứa sự ray rứt của người phụ nữ không sinh được đứa con trai cho nhà chồng, sự cô quạnh của người đàn ông sống giữa một rừng hồng ít nhiều cũng bị gai nhọn cào xướt...
Một mùa tết gia đình chúng tôi ở trong cư xá Chu Mạnh Trinh, năm chín tuổi, chị tôi hái trộm hoa cúc trong chậu kiểng trước cửa nhà bà Tùng Long (nhà văn).
Bà không kịp ngăn chị tôi, nên than:
- Bác đã nói đừng ngắt hoa mà sao cháu không nghe.
Chị tôi sợ quá chạy ù về nhà kể cho chúng tôi nghe, chị dặn:
- Nếu bà ấy sang nhà mét mẹ thì chúng mình nhờ « Hoàng Tử Bố » cứu nhe.
Chúng tôi gật đầu, và từ đó bố có biệt danh hào hùng này, tuy bà Tùng Long không mắng vốn bố mẹ tôi, nhưng khi biết được chuyện này, bố bảo mẹ:
- Mẹ nó mua cặp dưa sang biếu bà ấy để cáo lỗi, con dại cái mang
Chuyện hái trộm ngày xưa của chị tôi xét ra chẳng có gì đáng ngại cho bố bằng khi chị lấy chồng, anh chồng lính « Tâm lý chiến » đã bứng con gái bố ra khỏi gia đình, chị phải theo chồng đi xa, rồi xa cả bố mẹ và các em, vụ « xa mặt cách lòng » ấy làm bố buồn lòng không ít.
Tôi đọc được nỗi buồn trong mắt bố khi nhắc đến chị, mỗi lần chị quay về với bố cũng chỉ để xin tiền lo kế sinh nhai cho chồng con.
Lòng bố quặn đau, thương con gái vất vã vì chồng, bố không khóc thành tiếng như mẹ, không than thở, nhưng nỗi đau đã gặm nhắm trái tim bố, Hoàng Tử của chúng tôi khổ đến thế đấy.
Sàigòn bị đổi tên, bố trở về cuộc sống thu nhỏ bên vợ con, thế cuộc đã đổi thay, công việc, bằng hữu cũng không còn, chị tôi vẫn biền biệt theo chồng, tôi và cô em hứa sẽ không làm cho bố phải phiền lụy. Nhưng cuộc đổi đời đầy nghiệt ngã khiến bố càng khổ hơn, Hoàng Tử của chúng tôi bất lực không cứu được các con ra khỏi cuộc sống cơ cực, khổ hơn khi bố thấy chị tôi từ nay phải nai lưng gánh vác chồng con, cô tiểu thư của bố ngày nào, giờ phải lăn lộn chợ đời chạy theo cơm áo gạo tiền.
Em tôi, gia đình chị tôi gom tiền đi vượt biên. “kho bạc”của bố cạn dần theo những chuyến đi về trắng tay, tiếc tiền thì ít mà tiếc cho tuổi thanh xuân của các con sa lầy ở VN nên tóc bố bạc đi, bố thất vọng đến độ phải tìm quên trong men rượu.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vượt biên, vì kho bạc của bố đã cạn veo, tôi mừng thầm vì mình chưa gây phiền lụy cho bố, nhưng khi tôi sắp lấy chồng, hoàng tử bố lại lo, sợ tôi lầm lạc đến vong thân như chị tôi.
Bố tâm sự với mẹ:
- Con sắp lấy chồng tôi lo quá, liệu nó sẽ phải gánh vác chồng con khổ như chị nó không?
Mẹ trấn an bố:
- Mỗi người có số cả, trên đời này có ai hạnh phúc toàn vẹn đâu, bố nó khéo lo.
Giọng bố trở nên nặng nề:
- Nhưng con Phúc có được gì để gọi là hạnh phúc đâu, từ lúc lấy chồng cũng chỉ lo với lo.
Lần đầu tôi thấy hoàng tử của chúng tôi đau khổ thật sự, bố cảm thấy bất lực không cứu nổi con gái ra khỏi vũng lầy, tội nghiệp cho tình phụ tử của bố không đủ sức chở che chị tôi, biệt danh hoàng tử giờ này trở nên hợm hĩnh vì nó mất đi phép mầu mà chúng tôi gán ghép vào đấy.
Ngày tôi ra đi bố mừng lắm, hạnh phúc của bố chỉ được một phần ba, một đứa đã đến nơi, hai đứa còn chôn chân tại chỗ. Nhưng niềm vui chưa trọn của bố cũng không dài hơn 11 tháng tôi đặt chân đến xứ Tự Do, tôi chưa đủ thời gian lập nghiệp thì bố mất.
Hoàng Tử của tôi đã ra đi thực sự, bỗng tôi mơ được về nhà để nhìn bố lần cuối, chuyến đi của tôi rất khó, chuyến về coi như vô vọng, tim tôi như bị ai bóp nghẹt, ai dám bảo đất hứa là thiên đàng nếu sau đó phải vĩnh viễn xa người cha yêu quí.
Vài năm sau em tôi đến xứ Cờ Hoa, rồi gia đình chị tôi cũng đoàn tụ bên đó với các con. Bố ra đi quá sớm không kịp thấy các con đã đến được miền đất hứa, ngày đó chắc bố buồn vì Hoàng tử không cứu được các con.
Tôi chưa bao giờ thấy Hoàng Tử bố của tôi bất lực, vì khi không còn gì để cho các con thì chính tình thương của bố đã giúp chúng tôi vượt qua sóng đời mà tiến bước.
Nhìn chị em tôi thành công, vui sống nơi xứ người, tôi thương bố quá, trách trời cao sao hẹp hòi, không cho bố sống thêm vài năm để nhìn con cháu đã thực hiện giấc mơ cuối đời của bố.
Hơn hai mươi năm bố đã xa các con, nếu còn sống, chắc bố sẽ hài lòng vì ba cành hồng của bố đã bám rễ trên đất lành. Những cành hồng sẽ băng bó và xoa dịu vết gai nhọn mà chúng tôi có lần đã cào sước trái tim Hoàng Tử Bố.
Juin 2017
Đoàn Thị
No comments:
Post a Comment