Sunday, December 4, 2016

Trần Ai Chuyện Bếp Núc! 

- Người Phương Nam

Từ ngàn xưa, không biết ai đã đặt ra cái luật bất thành văn rằng chuyện bếp núc nấu ăn là bổn phận của đàn bà con gái. Đàn ông con trai mà vô bếp là bị mang tiếng làm mọi vợ hay đội vợ trên đầu, ngóc đầu lên không nổi thì làm sao dám chường mặt ra với đời. Vì lẽ đó cho nên, tất cả những người đàn ông trong gia đình đều tin chắc như đinh đóng cột rằng họ được quyền “miễn dịch” hỏa đầu quân, không cần lăn vô bếp nhưng vẫn được ăn, mỗi ngày cứ tới bữa ăn là sẽ có sẵn mâm cơm tươm tất trên bàn chờ họ. Nếu chưa có vợ thì do mẹ hay chị nấu, còn nếu đã lập gia đình thì dĩ nhiên là vợ nấu chớ còn ai vô đây, chẳng lẽ là người đẹp trong tranh hay sao?

Với “truyền thống” đó mà 45 năm nay từ khi cưới vợ, ông Tân cứ “ngồi mát ăn bát vàng” theo kiểu gia trưởng, mỗi ngày cứ tới giờ cơm là ung dung chễm chệ ngồi vào bàn cầm đũa. Lúc ở VN, bà vợ không đi làm thì không nói gì nhưng sống ở hải ngọai, vợ ông cũng ra ngòai mưu sinh như ông, cũng sáng xách giỏ đi tới mặt trời gần lặn mới về nhưng chiều vừa về tới nhà, quăng cái giỏ xuống là bà phải nhào ngay vô bếp bắc liền nồi cơm rồi sau đó mới từ từ lôi mớ đồ trong tủ lạnh ra nấu nướng chiên xào gì đó trong lúc ông Tân điềm nhiên an tọa coi TV hoặc đọc báo hay chạy ra vườn vui thú điền viên. 

Bà Tân trót sinh vào cái thế hệ tùng phu thờ chồng, đã in trí rằng công việc bếp núc là bổn phận người vợ cho nên không cảm thấy đó là bất công. Bà cứ cái nề nếp vậy mà theo, không biết làm reo, không biết sanh nạnh, một năm nấu đủ 365 ngày không một ngày nghỉ bởi vì ông Tân ăn uống quá kỹ, không chịu đi ăn tiệm hoặc mua thức ăn nấu bên ngòai. Bà sẵn sàng chìu ý ông mỗi ngày mỗi vô bếp nhưng phải chi ông dễ dãi, nấu gì ăn nấy thì đỡ cực cho bà biết mấy. Đàng này có nhiều lúc ông không chịu ăn giống mọi người trong nhà mới là rắc rối cuộc đời. 

Năm khi mười họa, có khi làm biếng quá, bà đề nghị kêu pizza ăn đỡ một bữa thì ông nói pizza nhiều cheese, ăn vô bị cholesterol có ngày bị heart attack. Bà nói vậy thôi take away bún bò Huế hay phở thì ông bảo bà thích thì bà ăn đi, còn tui, tui ăn cơm. Thế là phải nấu cơm và làm chút gì cho ông ăn, rốt cuộc cũng phải nấu, chán phèo, thành ra bà đành dẹp pizza, bún bò Huế để ăn cơm với ông luôn cho rồi. Mấy chục năm trời ngày nào cũng một điệp khúc lập đi lập lại, nấu cơm, nấu canh, lặt rau, rửa cải, xắt thịt, lột tép, thái hành, vắt chanh, cắt ớt, xịt xì dầu, nước mắm gì nhứt nhứt cũng một tay bà, ai thấy cũng ngán ngẩm dùm. Bà cũng đã oải, đã mệt mõi lắm rồi nhứt là càng ngày càng lớn tuổi sức khỏe yếu kém, đau nhức cùng mình, bà rất muốn nghỉ ngơi, bớt được ngày nào hay ngày đó nhưng trong nhà không ai chịu "phê chuẩn" cho bà. 

Sau khi gả con gái, bà tưởng đâu sẽ được nhàn nhã thảnh thơi lắm, ai dè sau đó phải coi cháu, nấu ăn luôn cho con cho rể đi làm. Bà than phiền với ông, bà nói thấy người ta cở tuổi mình ai cũng rảnh rang, có giờ enjoy life còn mình sao cứ đầu tắt mặt tối, ngày tối ở miết trong nhà, hết coi cháu tới nấu ăn như là oshin thì ông tỏ vẻ không vui, mặt mày đen thui đen thủi với bà vì ông chỉ có một đứa con, muốn gặp gỡ thấy mặt tụi nó thường xuyên như lúc con ông còn ở chung trong nhà. Một mình ông ăn đã khó, cử mỡ cử đường, cử muối lung tung, rồi bây giờ thêm hai thằng cháu tấn lên mỗi đứa thêm một ý nữa làm bà muốn điên luôn vì cái “miếng tồi tàn” nhưng không có thì không sống được.

Người không ăn cá kẻ kiêng bò
Đứa thì tuyên bố ghét thịt kho
Kẻ cử đường, người cao máu mỡ
Biết liệu làm sao thiệt phát khờ!

Đã vậy còn thêm cái nạn phải tránh né các loại thực phẩm nhập cảng từ Trung quốc và Việt Nam vì thấy trên internet người ta nói có chất độc gây ung thư chết người. Ông Tân hay yếu bóng vía nghe một sợ mười nên biểu bà phải dẹp hết làm bà càng bí lối hết đường xoay sở. Tờ thực đơn gắn trên tủ lạnh của bà trước kia rất phong phú, dài nhằng bây giờ đã bị cắt bớt chỉ còn lưa thưa có vài món thấy mà rầu. Đâu phải bà tùy tiện muốn nấu gì nấu, không biết nghĩ tới sức khỏe cho gia đình nhưng có nhiều món ăn không thể tránh được một vài sản phẩm của Việt Nam hay Trung quốc. Thí dụ như muốn ăn gỏi cuốn thì phải có tương, bún, bánh tráng. Bánh tráng thì dĩ nhiên sản xuất từ Việt Nam. Bún cũng từ Việt Nam hoặc Trung quốc. Tương cũng vậy. Nếu không dám ăn ba thứ đó thì món gỏi cuốn không thành, chỉ là ăn tép luộc thịt luộc khơi khơi, lấy gì ngon. Và nếu phải loại bỏ tất cả những thực phẩm dính líu tới Việt Nam hay Trung quốc thì coi như phải đọan tuyệt với đồ ăn Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng mà người mình đã gắn bó cả đời, cái hương vị tình quê đó đã chan hòa thấm đẩm trong xương trong máu liệu có dễ cho mình dứt bỏ hay không!

Càng ngày thực phẩm Việt Nam và Trung quốc càng lan tràn khắp nơi trên thế giới, không chỉ shop thực phẩm Á châu mới bán hàng Trung quốc và Việt Nam mà ngay cả trong các siêu thị Mỹ Úc Âu cũng nhan nhản thực phẩm khô và đồ đông lạnh từ Trung quốc và Việt Nam chớ tốt lành gì, điển hình là cá Basa, tôm đông lạnh, mì, bún, các lọai bột làm bánh, các lọai đậu vv… Hoặc nếu món nào đó cho dù có made in Australia hay USA đi nữa nhưng cũng là “from imported ingredients” thì cũng vô đó thôi. Ai dám bảo đảm những nguyên liệu đó không nhập cảng từ Trung quốc. Ai dám chắc 100% an tòan? 

Mỗi khi đi chợ, Bà Tân như kẻ mất hồn, ngơ ngơ ngẩn ngẩn đi từ đầu chợ tới cuối chợ rồi đi ngược trở lên vẫn chưa biết phải mua cái gì. Ăn thịt thì sợ mỡ bao tim. Mua cá bắt dưới biển thì sợ cá nhiễm thủy ngân, cá nuôi trong hồ thì sợ kích thích tố "vỗ béo". Ăn chay ăn tào hủ thì sợ thạch cao gây sạn thận. Rau cải lèo tèo lắn quắn thấy không muốn mua chê già chê dai, còn mơn mởn tươi tốt quá lại sợ bị tưới thuốc tăng trưởng, thử hỏi biết mua cái gì! Gặp bà nào thì cũng nghe than thở y như nhau: 

- Không biết ăn cái gì nữa, cái gì cũng sợ bệnh. Thời bây giờ ăn để chết chớ không phải ăn để sống như thời xưa. Nói ăn đồ Việt Nam Trung quốc bị ung thư chớ thực phẩm sản xuất tại Úc tại Mỹ cũng đâu phải hòan tòan vô hại. Từ thịt thà, cá, trứng, sữa tới rau cải trái cây thứ nào cũng không tránh khỏi bị ô nhiễm hóa chất, hóa chất trong thức ăn nuôi gia súc và trong phân bón trồng trọt. Coi như "tứ bề thọ địch" Không có thứ gì mà chạy khỏi độc tố!

Có lần đứng chờ trả tiền, bà Tân nghe một bà đứng trước mình nói với chủ shop: 
- Nấu ăn thiệt là trần ai! Ngày nào cũng phải tính tóan suy nghĩ muốn bể cái đầu. Một mình mình thì dễ, nấu cho ổng mới mệt óc. Biết vậy hồi đó ở giá cho rồi thì bây giờ khỏe thân. 

Lúc còn đi làm, ông Tân có ông bạn đồng nghiệp “ăn cơm tay cầm” tư niên mãn mùa. Ngày nào tới giờ ăn trưa ông bạn cũng ra tiệm bánh mì thịt nguội mua một ổ ăn trưa. Chiều tan sở lại mua thêm 5 ổ đem về, hỏi mua chi vậy sao không về nhà ăn cơm thì ông ta nói ai nấu đâu mà ăn. Con vợ tui nó không chịu vô bếp. Đi làm về thì take away về ăn, cuối tuần đi ăn tiệm, ăn quán, bữa nào sang thì nhà hàng. Nhiều khi tui thèm món gì mà ngoài quán không có, nói bả nấu cho tui, bả biểu “ông muốn ăn thì ông nấu đi”.

Vợ con người ta vậy đó, một món cũng không nấu cho chồng, còn bà, chẳng những ngày nào cũng vô bếp mà còn kỹ lưỡng cân nhắc lợi hại tốt xấu chi ly, vậy mà ông còn chưa yên bụng, trước khi ăn còn “điều tra” coi tôm cá rau củ này xuất xứ từ đâu khiến bà phát nổi sùng: 

- Ông làm như tui muốn đầu độc cả nhà vậy đó. Vậy thì ông hãy tự mình lăn vô bếp đi cho biết tui khổ sở tới cở nào. 

Đã nói là chạy trời không khỏi nắng, tránh được phần nào chớ không tránh được tất cả. Vả lại, bệnh tật hay sống chết là phần số của mỗi người, đâu phải ai cũng vì ăn mà chết. Dưới bầu trời này, mọi người vẫn ăn, vẫn sống vui vẻ, vẫn cười nhăn răng, sống thọ còn hơn cả cổ nhân. Người xưa thất thập cổ lai hy, hiếm ai thọ tới bảy mươi tuổi, nhưng thời nay thiên hạ sống đến tám chín mươi là thường, sống chật cả trái đất. Sách có câu “Khôn chết, dại chết, biết thì sống”. Người cho mình là khôn thì cứ khư khư lo bảo vệ sức khỏe, kiêng cử đủ thứ, một miếng không dám ăn, rốt cuộc tới số thì cũng chết như ai. Kẻ dại thì ăn vô tư, ăn bừa, ăn xả láng chừng nào bệnh mới tính, chết hẳng hay. Còn người thông minh thì biết uyển chuyển, ăn làm sao vừa có thể tránh được phần nào bệnh tật, lại vừa không cần phải hy sinh oan uổng cái đệ nhất khoái trong tứ khoái của con người. 

Lời kết cho bài viết này là xin quý ông gia trưởng hãy thấu hiểu dùm nỗi khổ của những bà nội trợ khi phải bao thầu chuyện bếp núc từ ngày này qua ngày nọ đến suốt cả cuộc đời mà đừng quá khó khăn, kén chọn, đòi hỏi. Tuy rằng đó là một công việc tầm thường, là thiên chức của người phụ nữ trong gia đình nhưng trong thời buổi mà thực phẩm nơi nào cũng bị kỹ nghệ hóa gây bệnh tật thì muốn có một bữa ăn ngon, lành mạnh, khả dĩ an tòan thật là trần ai, chẳng khác nào một bài toán hóc búa nan giải hết sức đau đầu đến thành khủng hoảng. 

Người Phương Nam

No comments:

Blog Archive