HOUSTON CHIỀU MƯA CÙNG BẠN MỚI
Trần Chí Phúc
Dù có một tí máu lãng tữ trong người, không vướng bận gia đình, có khả năng văn nghệ báo chí; nhưng tôi lại ít có dịp lang thang những thành phố có đồng hương trên xứ Mỹ như những ca nhạc sĩ khác lưu diễn khắp nơi.
Lần này đến thành phố được gọi là thủ đô dầu hỏa của nước Mỹ,là thành phố có đông người Việt Nam sau Quận Cam và San Jose.
Tôi đến Houston vào trưa thứ hai; người đón ở phi trường Hobby là anh Nguyễn Cao Bình – trưởng liên đoàn hướng đạo Pháp Luân- người bạn mới vừa gặp ở San Jose mấy tuần trước trong dịp dự đám tang của một người bạn khác. Dù mới quen nhưng anh sẵn lòng đưa đón và mời tôi về nhà ăn ở trong thời gian ở đây.
Trời Houston tháng 11 đang dễ chịu, ban ngày khoảng 85 độ F và ban đêm khoảng 70 độ F, bạn nói rằng muốn thăm chốn này thì nên tránh các tháng 7, 8, 9 vì nóng tới cả 100 độ F. Tôi gặp lại kiến trúc sư Nguyễn Bá Quyền, cư dân Texas nhưng đã có khoảng 10 năm làm việc ở San Jose. Anh là người trông coi xây cất ngôi chùa Đức Viên nổi tiếng San Jose do ni sư Đàm Lựu dựng lên, bản vẽ từ kiến trúc sư Nguyễn Phúc Quỳnh Thuyên, lấy ý tưởng từ ngôi chùa Đình Bảng ở Bắc Ninh.
Anh kể rằng ni sư muốn ngôi chùa có nét đẹp Việt Nam, thí dụ như mái chùa phải dùng ngói làm tại quê nhà, tượng Phật do các nghệ nhân trong nước đúc… nhưng thời đó đầu thập niên 1990, Mỹ còn cấm vận VN cho nên không thể chở qua được. Chùa Đức Viên có tầng hầm cũng là nơi thờ phượng, chi phí đào đất mấy trăm ngàn đô la, luật thành phố giới hạn độ cao của mái chùa.
Vào trong chùa Đức Viên, có khoảng không gian dành cho bãi cỏ cùng hoa lá xanh tươi tạo khung cảnh an bình thiên nhiên; cho khách thập phương lòng thư thái; đây là nét đặc biệt của ngôi chùa nằm trong phố thị chen chúc ồn ào, ngay ngã tư đường McLauglin và Senter của San Jose.
Đây là sự đóng góp về mặt kiến trúc của Nguyễn Bá Quyền vào công trình văn hóa của sắc dân Việt Nam tại đây.
Hỏi anh rằng Houston và San Jose nơi nào thích hơn thì anh bảo nơi nào cũng có nét riêng. Houston đất rộng, đồng hương ở rải rác khắp nơi nên phải sống thích nghi với dân Mỹ; trong khi đó ở San Jose thì dân Việt Nam tụ họp đông đảo nên đồng hương gắn bó và phụ thuộc vào sinh hoạt của cộng đồng hơn.
Tôi gặp lại nhà văn nhà báo Đào Khanh, từng ở San Jose từ năm 1983 và dọn sang Houston thập niên 2000, hiện là chủ bút tờ báo Việt Nam Mới của ông Vũ Văn Hoa.
Năm nay 78 tuổi nhưng Đào Khanh vẫn khỏe mạnh. Ông tặng tôi cuốn tiểu thuyết Cá Lớn viết thập niên 90 và tái bản lần 2, nói về hành trình vượt biển của thuyền nhân Việt Nam. Thời đó tôi chưa có dịp đọc và khi ngồi trên máy bay Houston về lại Quận Cam, lướt qua một số trang mới thấy rằng đây là một tác phẩm giá trị trong dòng văn học tị nạn vượt biển.
Văn phong khá gọn, Đào Khanh diễn tả tình cảm bằng những chữ bay bướm tạo nét riêng. Tôi nhớ vào năm 1993, khi tôi kể cho ông nghe vừa nói chuyện qua phôn với mẹ tôi ở Tuy Hòa về cơn lụt lớn thì ngày hôm sau trên trang nhất nhật báo Thời Báo ở San Jose có bản tin ngắn với tựa đề “ Con ơi Tuy Hòa ngập hết rồi”
Gặp nhau trong quán phở thì trời đổ mưa, ngôn ngữ của nhà báo có khác, Đào Khanh nói rằng khí hậu Houston giống như xứ Hải Phòng của anh, xứ Tuy Hòa của Trần Chí Phúc. Mưa mà không lạnh, mùi đất bốc lên làm nhớ quê nhà.
Thành phố Houston rộng lớn, nhà bạn này đến nhà bạn kia lái xe cả tiếng đồng hồ. Hai anh bạn đồng hương Tuy Hòa là Lê Công Văn và Lâm Tấn Vinh chở tôi xuống khu phố Việt Nam trên đường Bel Air. Tiệm Lee’s Sandwiches đồ sộ, khách ngồi bên trong tha hồ trò chuyện, khách bên ngoài ngồi hút thuốc, được coi là điểm hẹn dễ tìm của những khách phương xa.
Tôi gặp lại anh bạn Lãng Photo có tiệm chụp hình ở San Jose thập niên 80, 90, bây giờ cũng lưu lạc ở Houston. Lòng tôi lại mênh mang nỗi sầu viễn xứ, biết đâu sắp tới tôi cũng sẽ cư ngụ thành phố này.
Anh bạn Nguyễn Cao Bình là dân hướng đạo nên quen đông, mời một số tay yêu ca nhạc tới nghe Trần Chí Phúc đàn hát, người đến từ Cali.
Trong số khách đến có Trần Văn Bé Tư, một người có tinh thần chống Cộng cao độ. Tôi còn nhớ khoảng năm 1986, cộng đồng và báo chí Quận Cam sôi nổi tin Trần Văn Bé Tư bắn trọng thương Trần Khánh Vân- cựu Tổng cục trưởng gia cư Việt Nam Cộng Hòa vì ông Vân cổ vũ cho đối thoại với Hà Nội. Anh bị kết án tù 7 năm và thụ án một nữa thời gian, sau đó về Houston làm việc cho đến giờ. Anh kể rằng luật sư Mỹ của anh cãi tại tòa rằng, Bé Tư không là người bắn nhưng anh chịu nhận với mục đích nâng cao tinh thần chống Cộng cho cộng đồng Việt Nam.
Một người bạn văn nghệ mới có mặt trong buổi tiệc này là anh Bình Mù. Mắt anh có vẻ lim dim giống như người mù- và anh tự đặt biệt hiệu cho mình như vậy. Bình Mù dạy ghita cổ điển và nhạc lý cho một trường nhạc ở Houston. Anh đàn cho mọi người nghe vài bản và lan man câu chuyện phê bình ca nhạc Việt Nam. Tôi hát sáng tác của mình là Mời Em Khiêu Vũ điệu Tango. Bình Mù bảo là đây không phải là điệu Tango chính thống; tôi đồng ý rằng điệu Tango của Argentina nổi tiếng thế giới; nhưng đây là Tango kiểu Việt Nam đã biến thể và thính giả Việt Nam đã quen với nhiều ca khúc điệu tương tự như vậy.
Có Bích Vân, một giọng ca quen thuộc của Houston hát những tình khúc cho anh em nghe, tiếng hát nữ cất lên làm không khí văn nghệ mượt mà.
Trong lúc đó trời mưa, tiếng mưa rì rào êm ái, trời vẫn ấm, cả bọn ngồi bên ngoài đàng sau nhà có mái che, ăn uống rồi ca hát bàn chuyện văn nghệ, chuyện cộng đồng thật thú vị cho một chiều tối mưa Houston.
Một điều đáng nhớ là anh bạn chở vào tiệm bún bò Huế Đức Chung chỉ bán một thứ. Khách vào tiệm cho biết là ăn tô nhỏ, tô vừa, tô lớn và 5 phút sau tô bún bò bưng ra nóng hổi. Tôi gọi tô lớn giá 10 mỹ kim 80 xu, ăn chỉ một nữa tô vì no quá, bún bò ngon. Ở Cali dù đông dân Việt Nam nhưng chưa có tiệm bún bò Huế nào chuyên như vậy.
Anh bạn mới quen Nguyễn Cao Bình đưa ra phi trường về lại Quận Cam, mấy ngày ở Houston qua mau. Chiều mưa Houston ấm mát, gợi nhớ Việt Nam. Cám ơn những bằng hữu đã hội ngộ nơi này.
Houston tháng 11/2016
Ghi chú:
5- Trần Văn Bé Tư, Nguyễn Cao Bình, Bình Mù... ( trái sang phải )
.
No comments:
Post a Comment