Friday, December 23, 2016

TÔI GHÉT TÔI


Một người bạn Mỹ cuả tôi vưà có đại tang. Ông cụ thân sinh bạn tôi đã ngoài 80 tuổi, sống một mình ở Charleston, tính tình rất độc lập như những nhân vật miền Nam trong các tiểu thuyết cuả William Faulkner,

John Steinbeck ....Người bạn Mỹ là một chuyên viên tài chính cho một công ty thương mại lớn ở Hoa Thịnh Đốn. Công việc làm anh ta bù đầu, mỗi tuần chỉ ở Hoa Thịnh Đốn có hai ngày. Những ngày còn lại, anh ta ở Nữu Ước, nơi có actions, như bạn tôi vẫn nói. Đại lộ số 5, đại lộ Madison thị trường chứng khoán.....Những thứ đó làm bạn tôi không lúc nào ngơi tay, rảnh trí để nhớ đến ông bố sống một mình ở Charleston.

Bạn tôi thực ra, vẫn hay nói đến ông cụ, trên bàn giấy làm việc có cả một bức hình cuả ông cụ, điều rất hiếm thấy nơi những người Mỹ, hình ảnh thường chỉ là vợ, con hay bạn gái....Cụ đội mũ Panama, hút xì gà, sơ mi sọc, quần mở gà, nơ đỏ, hai sợi dây đeo rất đỏm dáng. Trong hình, cụ cười hể hả như Theodore Roosevelt vưà hạ được một con sư tử ở Phi Châu. Cụ bà qua đời hơn hai chục năm trước. Cụ ông sống một mình vì bạn tôi đã lớn và công việc đưa anh càng ngày càng xa Charleston.

Thình lình, cụ bị đột qụy, lúc đang làm vườn và ra đi nhanh chóng. Bạn tôi cuống cuồng bay từ Nữu Ước xuống Charleston, nhưng không kịp. Tang lễ xong, bạn tôi trở về Hoa Thịnh Đốn, rủ tôi đi ăn. Buổi tối hôm ấy bạn tôi buồn bã kinh khủng. 

Ở Mỹ, những chuyện ra đi như vậy không làm người ta xúc động quá nhiều. Ông Baker trong lúc đang ở Trung Đông trong chuyến đi vận động hoà bình thì cụ bà mất. Ông bỏ ngang chuyến đi để trở về Mỹ, Ngoại Trưởng Mỹ lại bình thường xuất hiện ở cuộc họp báo. Nhiều người xúc động, đau đớn khi con chó, con mèo trong nhà chết còn hơn là khi những người thân như ông bố, bà mẹ qua đời. Nhiều ngươi tiêu rất nhiều tiền cho tang lễ (?) cuả những con chó, con mèo và căn dặn khi chết, xin đem cải táng những con vật nầy và đem chôn bên cạnh cho cuộc đời sắp tới đỡ cô đơn.

Lúc ăn xong, ngồi uống cà phê, bạn tôi mới cho biết tại sao cái chết cuả ông
cụ lại làm anh đau đớn quá đáng như vậy. Anh đưa cho xem một trang sách, có lẽ được xé từ một cuốn thơ nào đó, với một bài thơ như thế nầy:

Nếu người có bao giờ yêu ta
Hãy yêu ta vào lúc nầy, lúc ta còn
biết được những tình cảm dịu dàng, đầm thấm
chảy tuôn từ trái tim tình cảm đích thực

Hãy yêu ta vào lúc này
Khi ta còn đang sống
Đừng đợi đến lúc ta đã ra đi
rồi mới khắc những lời âu yếm đó lên bia đá
những lời nói ngọt ngào trên bia đá lạnh băng

Nếu người định nói những điều trìu mến
Hãy nói cho ta nghe ngay bây giờ
Nếu đợi đến khi ta yên ngủ
Không bao giờ thức dậy
Thì lúc đó giưã chúng ta đã có cái chết len vào giưã và
Ta sẽ không còn nghe được tiếng cuả người.

Vì thế nên, nếu người có yêu ta, cho dù là một chút thôi
Hãy cho ta biết trong lúc ta còn sống
Để ta có thể trân quý những tình cảm ấy 

THE TIME IS NOW

If you are going to love me
Love me now, while i can know
The sweet and tender feelings
Which from true affection flow
Love me now
While i am living
Do not wait until i' m gone
And then have it chiseled in marble
Sweet words on ice -cold stone
If you have tender thoughts of me
Please tell me now,
If you wait until i am sleeping,
Never to awaken,
There will be death between us
And i won' t hear you then,
So if you love me even a little bit
Let me know it while i am living
So i can treasure it

Author Unknown
1991 Crestors Syndicare


Tờ giấy có in bài thơ ấy, bạn tôi nói được tìm thấy trong một cuốn thánh kinh ở đầu giường cuả ông cụ và kẹp cùng với trang sách đó, là bức hình cuả bạn tôi khi anh tốt nghiệp đại học.

Không phải là bạn tôi, tôi có thể tưởng tượng ra được những điều chạy qua đầu ông cụ. Người đàn ông đầy tự ái, độc lập đó vẫn không giấu được những tình cảm cuả ông. Ông vẫn thèm có được tình cảm cuả đưá con trai duy nhất. Nhưng ông lại rất là một người đàn ông. Ông cụ có thể chỉ cần nhấc cái điện thoại lên, bấm vài con số là nghe được tiếng con trai đâu đó ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng ông cụ đã không làm thế. Ông ngồi chờ....... 

Và bạn tôi, lúc đó có thể anh đang còn ở bàn ăn tối với một khách hàng, có thể anh đang đưa cô bạn gái về nhà, có thể anh đang loay hoay trong bếp với bưã tối..........

Và chuyến về Charleston thăm ông cụ đã bị trì hoãn đi, hoãn lại mấy lần. Chuyến về Charleston đã quá muộn ! Bạn tôi nói anh sẵn sàng đổi bất cứ gì anh có trên đời chỉ để được câu nói anh đã quá bận, quá vô tình, quá lười biếng nên đã không nói kịp.

Tôi mà là anh bạn Mỹ nầy, tôi cũng sẽ ghét tôi y hệt như vậy.

BÙI BẢO TRÚC

No comments:

Blog Archive