Chúc chị ngủ ngon…
Phan
Nếu Sơn không có cái bớt màu xanh lá cây nơi cổ anh ta thì tôi không thể nào nhận ra một người bạn đã lâu lắm rồi không gặp. Tôi đến chào hỏi anh trong tiệm phở. Nhưng khi đã yên tâm được đúng là “Sơn thẹo” thì tôi mừng gặp lại Sơn hơi cắc cớ: “Sơn ráng nhớ ra xem anh là ai?”
Sơn chịu thua, nhưng vợ anh ta lại nhận ra tôi – trong khi tôi không nhận ra “con nhỏ quậy” nhất tiệm ngày xưa, không ngờ cuối cùng “quậy” lại gả cho Sơn thẹo.
Bạn cũ gặp lại thì kể đến bao giờ cho hết chuyện, thăm hỏi không hết những bạn bè đã lâu không gặp. Sơn ngày xưa đen đúa, gầy nhom. Nay trắng trẻo, bụng phệ. Tuyết ngày xưa điệu lắm, nhưng quậy mới đáng nhớ, Tuyết quậy vui nên hết anh chị em trong tiệm đều thích Tuyết, chỉ Sơn thẹo không ưa con nhỏ quậy, thì ra là anh thương Tuyết điệu, Tuyết quậy. Nhưng Tuyết đẹp quá trời, làm sao Sơn với tới, nên Sơn ghét người đẹp để động lòng trời là ghét của nào thì trời trao của nấy!
Tôi rất vui gặp lại hai người bạn trẻ. Ngày xưa họ còn độc thân, nhưng nay đã có ba đứa con. Thời gian đã nhuộm tóc Sơn thành muối tiêu, vết chân chim đã đậu lại khóe mắt con nhỏ quậy từ nhà trên xuống nhà dưới. Có lẽ trong bạn bè, Tuyết chẳng bao giờ có tên, có tuổi vì trong ký ức mọi người, “con nhỏ quậy” là hằng hà kỷ niệm vui.
Nhưng tạm biệt Sơn với Tuyết. Tôi rất nhớ chị bạn có nụ cười luôn nở trên môi của chúng tôi. Cả quá khứ hiện về trong tôi những ngày cực khổ ơi là cực khổ, nhưng vui nhiều hơn buồn vì còn trẻ và chưa bon chen…
Lâu lắm rồi, tôi nhận lời giúp ông bạn đi Việt nam là đến tiệm ông ta để giúp con ông ta một tay. Tôi tưởng chỉ cần có mặt như một người để sai vặt, hay tính tiền khách hàng thì tôi làm được. Ai dè ứ hự với tiệm bán thức ăn nhanh, lại bán đồ biển mới nhiêu khê với quá nhiều công đoạn.
Cái tiệm bé tí mà khách hàng liên tục gọi điện thoại đặt phần ăn; tiếp theo là hàng xe dài ngoằn nối đuôi nhau đến lấy. Con ông bạn nhưng chỉ thua tôi ít tuổi, anh ta cũng đã có vợ con và đặc biệt là chịu chơi như bố. Đó cũng là lý do tôi ráng giữ lời hứa với bố anh chàng tuổi trẻ tài cao.
Dạo đó, hãng tôi cũng nhiều việc nên tôi phải dậy 5 giờ sáng để đến hãng 6 giờ. Làm việc hãng tới 5 giờ chiều thì tôi lái luôn tới tiệm bán thức ăn nhanh của ông bạn là gần 6 giờ vì giờ chiều trong trung tâm thành phố thường kẹt xe. Tôi làm việc ở tiệm tới 12 giờ đêm, lái về nhà phải hơn nửa tiếng nên lên giường được sớm lắm cũng 1 giờ đêm, sáng 5 giờ lại phải mò dậy đi làm. Tôi bỏ ý muốn thử sức xem mình chịu được bao lâu nên chỉ trông từng ngày cho hết tháng, trông ông bạn đi Việt nam về để trả việc vì mỗi ngày chỉ ngủ được bốn tiếng. Tôi buồn ngủ suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng nhớ đời đó.
Trong khi trong số những nhân viên của tiệm, tôi phục sát đất một chị phụ nữ, năm đó chị mới ngoài ba mươi, người Cần Thơ. Thời khóa biểu của chị là 11 giờ 30 đêm ở tiệm, chị chào mọi người và xin lỗi không thể ở lại phụ dọn dẹp, vì chị vô ca ở hãng điện tử là 12 giờ đêm. Công việc của chị ở hãng điện tử đến 8 giờ sáng nhưng ngày nào chị cũng làm thêm giờ phụ trội tới 10 giờ, có hôm đến 12 giờ trưa vì công việc thời điện tử cực thịnh có làm hết hơi cũng không hết việc.
Trong khi tiệm bán thức ăn nhanh mở cửa lúc 12 giờ trưa, mọi người du di với chị có đến trễ nửa tiếng vì lái xe cũng không sao. Điều đáng nể là chị luôn bước vô tiệm với tiếng cười, lời chào hỏi mọi người rôm rả, và bắt tay vô việc ngay tức thì bởi giờ đó là giờ ăn trưa, tiệm đông khách đến nhân viên có muốn đi nhà vệ sinh cũng không đi được. (Tôi nghe kể thôi chứ đâu gặp chị giờ đó). Tới 6 giờ chiều tôi mới gặp chị. Và một ngày như mọi ngày, tôi thấy chị liền tay làm việc như người máy.
Rồi tối nào cũng giấc 9 giờ, chồng chị lái chiếc xe van, mang bảng số của người khuyết tật, chở bốn đứa con đến tiệm bán thức ăn nhanh để thăm mẹ. Cảnh líu lo thăm hỏi, hôn hít của mấy mẹ con thật cảm động.
Anh chồng thì ngồi miết trong xe vì anh bị liệt hai chân nên chúng tôi có rảnh thì lại cửa xe trò chuyện với anh, nhưng anh không thuộc loại người hài hước cho đỡ mệt nên cũng chán phèo.
Anh chỉ giỏi dỡ cơm cho vợ rất tươm tất, trong giỏ cơm cho chị có cả bộ quần áo sạch. Nghe chị nói, vì anh không đi làm được nên ở nhà trông con, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ… cho chị đi làm.
Ngày nào anh cũng dỡ cơm và bỏ vô giỏ đi làm cho vợ bộ quần áo sạch để giờ nghỉ trong hãng thì chị tắm rửa, ăn cơm. Với tôi, thật khó hình dung ra một người phụ nữ giấc về sáng mà đi tắm gội trong hãng, rồi ăn cơm. Đời sống ở Mỹ với tôi không còn xa lạ nhưng cũng không dám hỏi. Chỉ đứng nhìn một gia đình mà người cha lái xe có cái thắng tay vì hai chân anh hoàn toàn không sử dụng được. Người con trai của bạn tôi thấy tôi suy tư, anh ta nói: “Em biết anh đang nghĩ gì!”
Thật tôi có vơ vẩn, nhưng làm sao dám hỏi chuyện đời tư người khác. Nên chỉ hỏi chị có buồn ngủ không? Chị ấy trả lời: “đã quen.”
Tôi cũng bán tín bán nghi vì không tin một người không ngủ mà sống được! Rồi trong phần hoài nghi có phần khả tín là thấy chị ấy hoàn toàn mạnh khỏe, thậm chí có phần trẻ trung so với tuổi tác và dù gì cũng đã là mẹ của 4 bé gái xinh xắn, sạch sẽ.
Đến hôm tôi thấy trên báo Dallas Morning News đưa tin về một người Việt nam, (mới 28 tuổi). Cô ta tham việc của những hãng điện tử thời đó, làm việc bất kể thời gian để kiếm tiền bảo lãnh gia đình qua Mỹ, (tin trên báo viết vậy thì biết vậy). Nhưng cô ta đã lái xe trên xa lộ 635 – chỗ giao lộ với xa lộ liên bang 35, tin đưa là người lái ngủ gục nên xe lao qua khỏi lan can cầu lúc nửa đêm về sáng, người lái tử vong.
Tôi cầm luôn tờ báo trong phòng ăn của hãng vì chiều rồi thì ai đọc nữa mà sợ mình kỳ. Tôi có ý chiều nay đi làm tiệm bán thức ăn nhanh thì đưa cho cô Cần Thơ xem để cảnh giác, nhưng suy nghĩ rồi thôi vì mỗi người mỗi hoàn cảnh.
Nếu gọi là quan tâm, chia sẻ với đồng hương thì cần hành động giúp đỡ cụ thể hơn là đưa tờ báo khủng bố tinh thần này. Tôi không đưa báo cho chị xem, nhưng thỏa hiệp với Sơn thẹo, Tuyết quậy, và vài anh chị em khác nữa là từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm. (Chúng tôi đều đồng ý với nhau là chị rất biết điều, thay vì không thể ở tiệm tới 12 giờ đêm để cùng mọi người dọn dẹp thì giấc sau 10 giờ, tiệm đã vãn khách, cánh đàn ông chúng tôi thường ra ngoài sau tiệm uống bia, hút thuốc… thì chị xuống bếp dọn rửa liên tục tới 11 giờ 30, chào mọi người để đi làm.)
Bây giờ chúng tôi quyết định giúp chị là nói chị ra xe ngủ từ 10 giờ tới 12 giờ khuya, rồi đi làm. Công việc dọn rửa dưới bếp cứ bỏ đó… để con ông chủ tiệm lo.
Nhìn lại, ai cũng thông cảm cho hoàn cảnh của chị. Phải nói là một thời tối tăm mặt mũi, lúc nào cũng chỉ biết việc làm, làm việc. May mắn là được làm chung với mấy anh chị em tử tế nên công việc cũng bớt nặng nhọc và buồn chán, đỡ dài giờ với những cơn buồn ngủ kéo về mí mắt bất kể sớm tối.
Rồi hơn 10 năm sau, tôi tình cờ thấy cái xe mang bảng số khuyết tật nên đậu vào ô đậu xe ưu tiên cho người khuyết tật. Có điều người phụ nữ lái xe đã xuống xe nhanh nhẹn, đi như chạy vào chợ, làm tôi hơi chướng mắt. Tôi hoàn toàn không nhìn ra chị bạn luôn có nụ cười trên môi năm xưa. Nhưng nhìn lại chiếc xe, có người đàn ông ngồi trong đó. Chính là người chồng khuyết tật của chị bạn tôi năm xưa. Anh không già đi gương mặt nhưng tóc bạc nhiều. Tôi đến chào anh, nói chuyện thăm hỏi và thật mừng cho mấy đứa con anh vẫn ngoan ngoãn, lễ phép, bọn trẻ lớn bộn rồi. Đến khi chị đi chợ ra, tôi lại chào hỏi chị. Có điều tôi và chị ấy nếu gặp nhau trong chợ thì không nhận ra nhau vì ai cũng đã thay đổi nhiều.
Chia tay sau lời chúc nhau may mắn, tôi nhớ hoài lời chị hôm ấy là chị đã biết buồn ngủ, thèm ngủ, nhưng phải chừng 5 năm nữa mới được ngủ, khi những đứa con đã khôn lớn, tự sống được. Công việc của chị bấy giờ là làm quản lý một tiệm bán thức ăn nhanh của ông bạn tôi. Ông ấy bấy giờ đã có cả hệ thống tiệm tôm, cá chiên ở nhiều thành phố. Chị làm quản lý để được chia thêm tiền thôi chứ làm việc như cũ. Chị làm tiệm từ 12 giờ trưa tới 12 giờ đêm; làm hãng điện tử từ 12 giờ đêm đến 10 giờ sáng hôm sau. Hai tiếng từ sau khi ra khỏi hãng đến giờ mở cửa tiệm thì lái xe đã hơn nửa tiếng, chị chợp mắt trong xe hơn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nhưng nay phải lo nhân sự trong ngày, chuẩn bị các thứ cho một ngày buôn bán, là công việc của viên quản lý, chị lãnh tiền thêm thì phải làm thêm việc. Chị hết giờ chợp mắt, nhưng chị vui có việc để kiếm thêm tiền cho xấp nhỏ đã lớn, có nhu cầu hơn; chị vui con cái biết nghe lời, học giỏi. Tôi chỉ thấy chị vẫn hiền lành và vui vẻ như xưa, vẫn chưa có thời giờ để ngủ.
Sau khi chia tay anh chị đã lâu không gặp, tôi ước gì 5 năm thời gian qua mau để chị bạn được ngủ giấc phục sinh vì hôm ấy trông chị đã kiệt lực lắm rồi.
Nhưng nay chị đã ngủ giấc vĩnh hằng, theo lời Tuyết kể cho tôi nghe trong tiệm phở: “Hồi đó, anh làm có một chút buổi tối, rồi chú Hùng đi Việt nam về là anh nghỉ mất tiêu. Anh đâu biết mấy chuyện đàn bà, ai cũng nói chị Hương dại dột, thân một mình, tiền rủng rỉnh, mà chị Hương đẹp gái nữa chứ! Rồi tự nhiên đi thương người chồng của bạn chị ấy. Anh ta bị tai nạn lao động trong hãng thép, bị liệt hai chân. Người vợ thấy tiền bồi thường nhiều quá nên không thèm đi làm hãng với chị Hương nữa. Ở nhà rảnh mà lại nhiều tiền nên đi sòng bài, cặp bồ nhí, đến hết tiền bồi thường của hãng trả cho anh chồng thì trốn đi luôn, bỏ cho anh liệt 4 đứa con còn nhỏ xíu với nợ nần vô phương trả nổi. Chị Hương ra tay giúp riết rồi không bỏ được vì chị thương mấy đứa nhỏ chứ vợ chồng gì đâu với anh liệt. Chị đi làm quên thở để nuôi cha con anh, nhiều năm không ngủ đến kiệt sức mà chết. Tội nghiệp chị quá!”
Tôi ngồi nghe Tuyết kể chuyện chị Hương trong tiếng ồn của nhà hàng, nhưng mắt tôi mờ đi cả trời thu lặng lẽ nghĩa trang, người đàn bà hư đốn, bỏ chồng, bỏ con đi cờ bạc, theo trai đang bị những con quạ đen rỉa rói một thây ma vô thừa nhận. Bởi bốn người thiếu nữ tuổi trưởng thành cùng đẩy cái xe lăn mà trên đó là người cha khuyết tật của họ. Năm người họ đến thăm một mộ phần, đặt vòng hoa, đặt lòng biết ơn chân thành xuống nấm mồ người không ngủ – mà hôm nào tôi cũng sẽ đi thăm viếng chị Hương. Chúc chị ngủ ngon.
Phan
No comments:
Post a Comment