Saturday, December 31, 2016

Về Hạnh Bố Thí

Du Li

Giới thiệu: Du Li là bút hiệu của Nguyễn Thị Phương Dung, sinh năm 1938 tại Hà Nội. Thưở nhỏ học trường Bưởi, năm 1954 theo gia đình vào Nam, học ở Trưng Vương cho đến hết năm Đệ Nhị; lớp Đệ Nhất học tại trường Chu Văn An. Sau đó chị học Luật tại Saigon, rồi sang Mỹ học và đậu bằng MA tại đại học Virginia (UVA).

Trong thập niên 1960, chị Phương Dung làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau đó có về VN một thời gian ngắn, rồi trở lại làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Năm 1974, chị sang Texas đi học lại MBA, ra trường làm cho Wells Fargo Bank. Đến năm 1981 chị thôi làm việc, chỉ theo đuổi các công tác thiện nguyện mãi cho đến ngày chị qua đời.

Qua văn và thơ của chị, chúng ta biết một tác giả Du Li rất đằm thắm với cuộc đời, tuy đã nhìn thấy tính chất vô thường trong mọi sự. Cách nhìn trong sáng từ cái tâm thanh tịnh của chị như một dòng suối trong, đem đến chút mát mẻ cho cuộc sống đầy mệt nhọc của chúng ta.

oOo

Có một lần đi xe hơi với cậu Nhân từ San Francisco về Los Angeles khoảng 11 năm trước, cậu đề nghị giúp tôi phương tiện để "chị muốn làm gì thì làm, như viết sách chẳng hạn. Ðể chị không phải vội vã đi kiếm việc lo chuyện sinh kế." Hồi đó tôi mới nghỉ việc với ngân hàng Wells Fargo, dọn về sống với bố mẹ tôi lúc đó đã già. Tôi từ chối ngay đề nghị đó. Viện nhiều lý lẽ trong đó có lý "chị còn khỏe mạnh thì đi làm chứ. Sao lại để chú nuôi nhỉ."

Hồi đó cậu mới 31 tuổi, là kỹ sư, không thích nói chuyện triết lý và hoàn toàn không biết đạo đức là gì, nhưng cũng không biết từ đâu mà cậu bảo tôi:

"Cả đời chị đã giúp chúng em rất nhiều, bây giờ em chỉ muốn giúp lại chị một chút thôi, trong lúc nầy khi hoàn cảnh cho phép. Chị biết cho thì phải biết nhận chứ. Nếu không biết nhận thì chưa chắc đã biết cho."

Tôi tiếp tục bàn luận hăng hái hơn trên suốt đoạn đường còn lại. Về chuyện "thấy vui khi cho và không nhận vì không thấy cần, không muốn ỉ lại vào ai, chứ không phải vì tự ái". Không biết tôi thuyết phục cậu hay thuyết chính mình !

Nhưng câu nói "không biết nhận thì cũng không biết cho" của cậu bổng dưng in chặt vào đầu tôi, nằm trong đó cũng với những câu "từ nhân thị đại chúng," "hãy nhìn đời bằng một con mắt lạnh lùng như tro tàn và một trái tim còn nóng hổi," v.v... mà tôi đã thu thập trong những sách Thiền từ hồi nào. Rồi có một lần đọc được một chuyện ngắn của chị bạn viết là từ hồi thầy Thiên Ân sắp mất, chị thường hay lại thăm Thầy và rất buồn khi thấy bệnh làm thân thể Thầy đau đớn. Chị thường khắc khoải không biết làm gì để Thầy vui, để Thầy bớt đau.

Một hôm khi chị hỏi: "Thầy muốn con làm gì ?" thì Thầy bảo chị đi mua cho Thầy chiếc mũ đội cho ấm đầu. Hôm đó là ngày cuối tuần. Ðã 7 giờ tối. Các tiệm lớn đều đóng cửa. Nhưng Thầy muốn thì chị mua ngay. Chị đành chạy ra tiệm Thrifty lúc đó còn mở cửa mua chiếc mũ đem về. Thầy nhận và tỏ vẻ vui. Còn chị thì rất vui vì làm được một việc vừa lòng Thầy. Sau đó ít lâu Thầy qua đời. Và khi chị tới giúp dọn dẹp phòng Thầy ở cũ, chị thấy trong tủ Thầy có cả tá mũ đủ loại rất đẹp. Chiếc mũ của chị mua biếu Thầy hôm đó trông tầm thường nhất. Chị chợt tỉnh ra. Nhìn thì tưởng chị làm CHO Thầy vui. Chị là người làm phước. Thực ra chính Thầy cho chị một cơ hội để chị được vui một lần chót với Thầy. Ðể chị được phước báu. Chính chị là người Nhận, người được, người thụ ơn.

Từ kinh nghiệm đó, chị nhận và biết là trong cuộc đời nghĩ tới cùng thì nhiều khi người cho lại chính là người nhận. Người nhận là người cho. Không biết ai là ai. Ai phải cám ơn ai. Thôi thì cứ cám ơn nhau vậy. Và cám ơn Ðời.

Không hiểu sao tôi lại thích chuyện đó vô cùng. Lâu lâu đem đọc lại. Ðến nhập tâm. Nhưng trong đời sống hằng ngày vẫn thích Làm Cho người khác chứ không thích ai làm cho mình điều gì nếu tôi có thể tránh được. Cái tính nầy phải nói tôi "thừa hưởng" của ông Bố.

Hơn 10 năm sống gần Cụ, tôi nhìn thấy thật rõ ràng. Cả cuộc đời cụ hy sinh cho vợ con. Giúp đỡ mọi người mà không kể ơn. Ðến lúc già không còn quyền thế để giúp người như trước thì cụ lại chắt chiu, tiết kiệm chi tiêu, dành tiền Dưỡng Già để gửi giúp đỡ họ hàng. Cụ cất và xếp những thư đầy tình cảm ơn nghĩa từ Việt Nam gửi sang đầy chật ngăn kéo. Nhưng cụ không thích phải nhờ con cái điều gì. Mặc dầu cụ để tôi lái xe đưa đi bác sĩ, đi nhà thương hay đi thăm mấy bà cô ở Quận Cam nhưng bao giờ cụ cũng nói "lúc nào tiện." Nghe giọng thấy như miễn cưỡng.

Những năm đầu Cụ không nói cám ơn. Cho mãi đến gần đây khi cụ đã đọc kinh sách Phật thật nhiều tôi mới nghe Cụ nói "Thank You" với con cái. Ở nhà cụ vẫn nhất định tự đun lấy nước sôi đổ vào bình. Tay cụ run run nhiều lúc nước rớt ra ngoài. Tôi và cô em đã nhiều lần dặn "cậu để đó chúng con làm cho. Không có lỡ bỏng thì phiền lắm." Bao giờ cụ cũng trả lời "tôi làm được mà". Dần dần tôi thấy rõ là dù đã ngoài 80, cụ vẫn không thích ai Làm Cho Mình cái gì nếu cụ nghĩ là cụ còn làm được. Phiền là nhiều lúc cụ ước lượng sai về sức mình. Có thể là vì cụ vẫn thấy chuyện Cho và Nhận, Người và Ta thật khác biệt, thật minh bạch như chuyện Ngày và Ðêm chăng ? Tôi thỉnh thoảng cũng than phiền cụ về chuyện nầy với các em. Vì tôi bắt đầu thấy là những phân biệt rõ ràng như Trắng và Ðen của mình và người đời, nhiều khi lại chưa hẳn là như thế.

Bắt đầu biết chuyện phân biệt Cho với Nhận chỉ là sản phẩm của "cái tôi" đầy tự ái, mà thực ra thì cả hai chỉ là một. Biết thế mà tôi vẫn bắt gặp mình "giẫy nẫy" lên mỗi khi các em tôi cho quà, và cứ thanh minh thanh nga là đã từ lâu mình không còn tự ái nữa. Biết thế mà tôi vẫn ghi sổ ký ức tên ân nhân và nóng lòng tìm cơ hội trả nghĩa. Cũng lại thấy rõ ràng là mình suy nghĩ và hành xử không đồng nhất. Cũng lại thấy lòng hơi bực bội mỗi khi nghe cô em út say sưa nói về chuyện "có đi có lại" (Give and Take) như là một bí quyết giao tế tối thượng trên cõi đời nầy. Bực nhưng chưa thấy tại sao mình bực. Có thể là vì chính trong lòng mình đang tranh chấp về chuyện Cho và Nhận, chuyện Ban Ơn và Thụ Ơn chăng ?

Cũng trong thời gian đó thỉnh thoảng tôi đi Oxnard thăm những ruộng rau. Ngày Chủ Nhật thiên hạ đi nhà thờ, đi chùa hay đi Bolsa ăn phở, thì tôi đi mót rau. Những ruộng rau nhà chủ vườn đã hái xong, bỏ lại những cây rau không đủ tiêu chuẩn đầy ruộng, để mặc cho đến mùa sau. Tôi tới ngồi giữa ruộng rau ngắm những cây rau còn đầy sức sống. Những tầu lá phía ngoài xòe thẳng, thật xanh, có gân trắng chằng chịt như những nét họa tuyệt diệu. Như mạch sống đang trào ra ôm ấp bông súp lơ trắng tinh lấp ló bên trong đọt lá non chúp đầu vào nhau như bàn tay chắp búp sen lại Phật. Tôi hít hà trong không khí trong lành và vùng bao la xanh ngắt vắng lặng. Từ cái yên bình của ngoại cảnh và nội tâm, tôi thấy niềm tri ân vỡ bung ra ôm trọn vẹn tôi trong cái thinh không vô cùng đó. Không biết tên ai để nhớ, để có dịp trả ơn thì làm sao đây ? Gọi là Ðời, là Trời Phật ư ? Nhưng làm sao trả ơn Ðời, ơn Trời ?

Mỗi lần đi như thế tôi thường khuân về hàng thùng rau đem biếu chùa và hàng xóm. Mọi người cám ơn. Nhưng trong lòng tôi thầm nghĩ chính mình phải cám ơn họ vì họ đã nhận và tiêu thụ hộ. Không có người nhận thì làm sao tôi có dịp cho ? Làm sao tôi có cớ tiếp tục đi mót rau, để dần dần nhìn thấy lòng tham của mình ? Nhặt cho nhiều. Tội gì, không làm thế thì phí của đi ! Nhưng thực ra thì làm sao mà phí được khi những cây rau bỏ lại sẽ chết đi, sẽ được cầy lên vùi vào lòng đất, trở lại làm phân bón cho rau mùa sau.

Biết vậy nên từ đó về sau tôi thường chỉ nhặt in ít đủ nhà dùng vài ngày thôi. Còn thì ngồi chơi với ruộng rau. Nhận hưởng nắng ấm trải dài, không gian đầy ắp sức sống và những hỉ xả của Ðất Trời. Bỗng nhận thấy rằng mình vẫn nhận được rất nhiều, hằng ngày của Trời Ðất mà không thắc mắc. Nhưng người với người thì tại sao nhiều vấn đề thường được đặt ra ? Phải chăng vì cái "ngã" còn đứng ở đó đặt ra những chuyện Người Cho, Kẻ Nhận ? Người có, người không. Người đứng trên, kẻ đứng dưới, v.v... Mặc dầu Kinh Phật vẫn dạy rằng hạnh Bố thí là hạnh thứ nhất của người Phật tử. Bố thí trong tinh thần không còn có người bố thí và kẻ được bố thí. Chỉ có việc bố thí. Ðể không còn có Người và Ta, không còn tự ái, dù là tự tôn hay tự ti. Vì khi còn phân biệt giữa Người và Ta tức là còn có Ngã. Còn nhị nguyên. Còn tính toán hơn thiệt. Còn có đi có lại. Còn rất Ðời. Chưa đi vào đường Ðạo.

Tất cả những cái thấy, những cảm nhận, những ý nghĩ, những quán chiếu, những suy tư đó nằm đầy ắp óc tôi. Nung nấu. Tôi hiểu hết mọi sự bằng óc. Nhưng chưa bằng con tim. Tất cả còn nằm đó, trên óc. Ðược dùng để suy đoán, biện luận, và phán xét. Chưa di chuyển xuống tim để biến thành máu chạy khắp toàn thân. Tới tận đầu ngọn tóc, tận kẽ ngón chân để trở thành đời sống và hành động tự nhiên như hơi thở.

Cho đến khi lâm bệnh phải nằm nhà thương cả tháng. Ðầu óc nhiều lúc rất mịt mù, mất khả năng suy nghĩ mạch lạc rõ ràng. Thân thể thì hoàn toàn bất lực. Như chiếc xe hết xăng, hết điện nằm vạ giữa xa lộ ! Tôi sống được hoàn toàn là nhờ giúp đỡ của mọi người. Tôi đã nhận rất nhiều, ở từ ông bác sĩ giải phẫu, cô y tá hằng ngày vào thay thuốc, đến bà đổ rác mỗi ngày, và bao nhiêu người làm khác để cho thân thể tôi được phục hồi.

Tôi đã nhận rất nhiều từ các em tôi, từ họ hàng, bạn hữu thân thương những giúp đỡ hữu hình và vô hình trợ lực cho tinh thần tôi không sụp đổ. Tôi nhận được từ những Linh Thiêng của Ðất Trời ân huệ cho tâm tôi mở ra. Bằng lòng đón nhận tất cả. Từ cái đau cho đến tận cùng là cái chết. Bệnh hoạn làm cho thân thể bất lực. Làm tương lai trở thành hiện tại. Mọi dự phóng không còn chổ đứng. Vì chính sự sống cũng trở thành bấp bênh, biến hóa khó lường. Trên bờ vực bấp bên đó, cái ngã nín thở nằm yên. Ðợi chờ. Rồi trong niềm yên lặng vô biên bên trong, và những thương yêu chân thật bao bọc bên ngoài những hiểu biết nung nấu trong óc bỗng bung ra. Tìm đường xuống tim.

Ky niệm một buổi tối đi nghe giảng. Rồi thiền với một nhóm người mới gặp lần đầu. Sau khi xả thiền, mọi người đứng thành một vòng tròn nắm tay nhau theo cách "Nhận - Cho". Tay trái ngửa lên cho tay người đứng bên trái mình úp xuống. Tay phải úp xuống tay trái của người đứng bên phải mình. Tất cả mọi người đều làm như vậy thành vòng tròn. Từng đôi bàn tay khum lại ôm lấy nhau. Mọi người cùng nhắm mắt trong một phút cho điện (energy) luân lưu giữa những người trong nhóm. Qua bàn tay mở ngửa, điện nhận được từ bàn tay người bên trái chạy qua người mình rồi truyền đem cho người đứng bên phải, qua bàn tay mình úp xuống tay người. Truyền cho nhau thanh điện và tẩy biến những trược điện của nhau.

Hôm đó ra về không những là thấy lòng vui, thân khỏe mà còn thấy mình thích quá, thích quá về lối cầm tay kiểu nầy. Tôi thường vẫn không thích cái kiểu nắm tay nhau, nhất là lại nắm chặt. Bởi vì thấy như có một sự nắm giữ làm của riêng, và khi một người muốn buông tay ra, mà gặp người kia không đủ mẫn cảm để nhận biết, thì sẽ có một sự vẫy vùng nho nhỏ. Lối cầm tay nầy thật nhẹ nhàng và có ý nghĩa. Lúc đó tôi nghĩ vậy.

Ky niệm nầy trở về với tôi nhiều lần trong lúc nằm trên giường bệnh. Câu nói của cậu Nhân 11 năm về trước trên chuyến xe đi từ San Fran về Los, cùng với câu chuyện của chị Vân về Thầy Thiên Ân, và những kinh nghiệm về Nhận và Cho thu thập bấy lâu trong cuộc đời vẫn cất giữ trong óc, bỗng hiện ra như những mảnh puzzle. Ghép vừa vào nhau. Dần dần. Rồi một hôm nằm đọc Kinh Phật nói về hạnh bố thí và giảng tại sao nên bố thí, tôi cảm thấy như mình vừa ráp xong mảnh puzzle cuối cùng. Bỗng nhìn thấy như một người tù sau bao năm nằm trong ngục tối được giải phóng để nhìn thấy ánh sáng chói lòa và vạn vật rạng rỡ của một thế giới con người tự do.

Khi ra khỏi bệnh viện, tôi lên San Jose tiếp tục làm chemotherapy và dưỡng bệnh tại nhà một người em trai đã có gia đình. Tôi thoải mái trong sự nhờ cậy rất nhiều ở mấy người em. Một anh bạn từ thuở trung học với em trai tôi nghe tin cũng ân cần lại thăm. Anh tình nguyện chở tôi đi bệnh viện khi cần. Khi thấy tôi khen cây hồng dòn nhà anh, anh cắt cho tôi những chùm hồng vàng cam còn cả lá. Anh đem cho bánh dẻo vợ làm và cuốn băng nhạc chọn lọc những bài ca Việt và Mỹ thịnh hành hồi đó khi anh hay xuống chơi với em tôi vào đầu thập niên 60 ở Phú Nhuận. Tôi không thắc mắc khi nhận quà anh cho. Cám ơn anh mà không lúng túng. Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh Kevin, cháu tôi hồi một tuổi. Hồi đó tôi đến trông cháu những ngày em tôi đi làm. Ðến giờ ăn, chú bé nằm u ơ chờ tôi đem sữa hâm lại. Không thắc mắc. Ăn xong chú buông chai không xuống thảm. Nhìn tôi. Cười. Không lúng túng. Và u ơ đòi bế ra đứng cửa sổ ngóng mẹ về.

Cũng vẫn là cùng một vòng tròn. Lúc đó chú Kevin đứng bên phải tôi, ngửa tay cho tay tôi úp xuống. Bây giờ tôi đứng bên phải anh bạn, tay ngửa lên đón bàn tay anh. Chẳng mấy khác, thì tại sao không thể cũng nhìn cười như chú Kevin ngày bé. Khi đã biết rằng có một người khác đang đứng cạnh mình bên phải tay ngửa lên cho tay mình úp xuống. Khi biết rằng những người đứng bên phải và bên trái mình luôn luôn đổi chổ hằng giờ hằng ngày trong cùng một vòng tròn, hay sang một vòng tròn khác. Còn gặp lại, hay sẽ không bao giờ gặp nữa. Biết vậy sẽ không còn ngại ngùng khi nhận và mong mỏi khi cho. "Ân nghĩa xin nguyện đền." Những không là tìm cho được ân nhân cũ để trả nghĩa. Mà luôn luôn giữ đầy trong tấm lòng biết ơn Ðời ơn Người để luân lưu đi những ân huệ nhận được từ người phía trái sang cho người bên phải. Không giữ lại để dành. Ðể chuyển hoá những đắng cay của Sân Hận nhận được, thành ngọt ngào của Hỉ Xả Tha Thứ đem cho người đứng bên. Không sổ sách trong tâm.

Trước Giáng Sinh, cô em gái ở Virginia gửi cho ít quần áo ấm mặc trong nhà. Cùng với tấm thiệp nhắc nhở tôi là "everyday should be Christmas and we hope you will be in everyday the comfort of receiving as well as the joy of giving". Tôi muốn nói với cô rằng từ ngày bệnh hoạn đến nay, đối với tôi "everyday IS Christmas". Và tôi đã cảm nhận được niềm vui hồ hởi cả trong hành động Nhận và Cho. Trong thực tế, lúc nầy tôi không làm được gì Cho ai. Ngay cả mấy con tem nhiều khi cũng phải nhờ người đi mua. Nhưng sao tôi cảm thấy như có rất nhiều để cho. Phải chăng vì tôi đã nhận được từ Ðất Trời và Người rất nhiều ? Mỗi ngày. Nhận được nhiều thì cũng có rất nhiều để cho đi. Vì tôi chỉ đứng đó để chuyển hóa và luân lưu đi tất cả sau khi đã thụ hưởng hoặc thêm thắt một chút hương hoa. Rồi có lúc không còn thấy mình đứng đó để nhận hay cho, hay để thấy vui trong lòng. Mà chỉ thấy một sự luân lưu nhẹ nhàng. Không ngừng. Tự nhiên như bốn mùa thay đổi. Như lẽ vô thường của vạn vật.

Bỗng khám phá ra một quyền tự do căn bản và tối thượng của con người mà cả đời mình không hề biết tới, mặc dầu vẫn tự hào là người tự do. Bỗng hiểu tại sao trong sáu phép Lục Ðộ, bố thí là hành (động) đầu tiên của người Phật tử và là hạnh thấp nhất. Nhưng chính hạnh bố thí cũng có thể là hạnh cuối cùng đưa con người tới giải thoát. Trọn vẹn. Ðời đời .

Du Li
(Thế Kỷ 21, 07/1994)


Thơ Du Li (27-06-1993)

Chào

Tạm biệt nhé !
Những ân cần tha thiết
Những ngọt ngào
Những chia sẻ đầy vơi.
Nơi đây chúng mình đã ghé sang chơi
Ðã thỏa thuê cả tiếng cười lẫn nước mắt
Thôi nhé !
Tiếng tù và nghe văng vẳng đâu đây
Ðã đến giờ Mẹ gọi
"Chơi thế đủ rồi
về nghỉ đi con."

oOo

An Ủi

Trong tĩnh lặng tôi đã gặp tình yêu Thánh Chúa
Dâng tâm thành lên Ðức Quán Thế Âm
Tôi đang nằm yên
Tận hưởng tình người
Qua những nắm tay giao cảm
Qua ánh mắt chan hoà cả hồn lẫn người tinh khiết.
Tôi đang nằm yên
Nghe cơn đau thể xác
Và thấy hồn mình
Nhập vào vùng tĩnh lặng
Nhìn cơn đau với ấp ủ xót thương

oOo

Gia Tài

Khi ra đi
Sẽ không có gì mang theo
Ngoài tâm thành giải thoát

Không có gì để lại
Ngoài thương yêu
trả lại cho đời

oOo
Du Li (27-06-93)
20 bức vẽ gây chấn động thế giới

Những bức biếm họa của Paweł Kuczyński, một họa sĩ truyện tranh nổi tiếng người Ba Lan đã phản ánh đúng bản chất những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta trong thế giới hiện đại này. Những minh họa thú vị về các vấn đề thời sự của ông đã thu hút rất nhiều người quan tâm. 

Dưới đây là 20 bức vẽ hay nhất của Kuczyński, những tác phẩm kết hợp sự hài hước tinh tế và những ý tưởng kích thích tư duy của người xem về bản chất của thế giới chúng ta đang sống.


Giáng sinh ở Trung Quốc, người dân nghèo lại là “ông già Noel tặng quà” cho những người giàu. (Ảnh: Internet)



Tầng lớp cao trong xã hội. (Ảnh: Internet)



Sự bất công. Cũng là động vật, tại sao con người lại yêu quý chó mèo mà giết những con vật khác? (Ảnh: Internet)
Đối với con người, điều gì mới thực sự ý nghĩa? Xã hội là gì? Con người đang đi về đâu? Paweł Kuczyński đã đặt ra những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác để xây dựng ý tưởng cho các tác phẩm của ông.

Kuczyński còn đưa phong cách độc đáo của riêng ông vào bản vẽ, điều bạn không thể tìm thấy ở tác phẩm khác.


Các cuộc bầu cử ngày nay dường như không còn đúng bản chất. (Ảnh: Internet)



Con người đang tự cô lập mình và nhìn đời qua thế giới ảo. (Ảnh: Internet)



Nhiều đám cưới xa hoa diễn ra trong khi những nông dân nghèo phải vất vả chắt chiu từng hạt gạo. (Ảnh: Internet)



Con đường để có được địa vị và quyền lực của những nhà độc tài là thông qua chiến tranh và bạo lực. (Ảnh: Internet)


Một nghệ sĩ dương cầm cô độc. (Ảnh: Internet)


Bản chất của đồng tiền là chiến tranh. (Ảnh: Internet)


Sinh mạng của những người lính ngày nay thật rẻ rúng và dường như chỉ là công cụ cho ai đó. (Ảnh: Internet)


Một quả táo và sự khác biệt quá lớn giữa giàu và nghèo. (Ảnh: Internet)


Tuổi thơ quá khác biệt giữa những trẻ em giàu và nghèo. (Ảnh: Internet)



Đàn kền kền ăn xác người lại đứng ngang với cánh chim bồ câu hòa bình. Có một điều khác lạ, đó là cánh chim kền kền đang che khuất và bao bọc “chú chim bồ câu thơ ngây” với ước muốn hòa bình kia. (Ảnh: Internet)


Giáo dục đang giống như một cái khung chật hẹp. Học quá nhiều và không đúng phương pháp sẽ giết chết bạn! (Ảnh: Internet)



Vòng lặp của những cuộc cách mạng. (Ảnh: Internet)


Con người đang tự đầu độc chính mình. (Ảnh: Internet)


Bài phát biểu hoa mỹ cũng trở thành thứ bỏ đi nếu không có hành động thiết thực. (Ảnh: Internet)


Mỗi một giây trôi qua, huyệt mộ của mỗi người lại được đào sâu thêm một chút. (Ảnh: Internet)



Đường hướng chính trị về cải thiện môi trường giống như tô màu cho đám khói đen. (Ảnh: Internet)



Sự phân chia xã hội. Những người thật giàu mới có cơ hội tiếp xúc với chính quyền. (Ảnh: Internet)


Friday, December 30, 2016

2017, Một Trật Tự Mới, Một Thế Giới Mới

Phan Văn Song

1/ Thân Dậu Niên Lai Kiến Thái Bình?:
Đây là vận thứ hai của thế kỷ 21 của cặp bài trùng hai niên Thân-Dậu.
Vận đầu, 2004-2005, GiápThân-ẤtDậu, chẳng thấy thái bình đâu cả.
Vận nầy, hai năm 2016-2017 Bính Thân-Đinh Dậu nầy… may ra!

Nhắc lại thế kỷ 20, câu sấm nầy của Cụ Trạng Trình đã một lần ứng đúng. Ấy là cặp năm 1944-1945, Giáp Thân-Ất Dậu, Hòa Bình đến, chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai.
 
2/ Một Thế Giới Mới, Một Trật Tự Mới?:
Tháng Giêng 2017 nầy, ngày 20, 8 ngày trước Tết năm Dậu, Donald Trump sẽ lên ngôi Tổng Thống, ngự trị Hiệp Chủng Quốc Huê Kỳ. Một thời kỳ mới, một kỷ nguyên sẽ mở cho Huê Kỳ. Như Trump đã hứa, ta hãy thử nhìn qua bộ sậu quan chức chánh trị lãnh đạo tương lai cho nước Mỹ Vĩ Đại hứa hẹn do Trump dàn dựng trình bày cùng làng xã và thế giới. Qua những nhơn vật của tập đoàn lãnh đạo tương lai Mỹ, từ nay, một hướng chánh trị mới, cho một nền ngoại giao mới, đang thành hình, dựa trên thương thuyết, dựa trên những quan niệm thương mại. Sẽ không còn những củ cải ngoại giao, sẽ không còn những cây gậy quân sự chiến lược nữa. Năm tới, mọi phương hướng chánh trị kinh tế sẽ “phá cách”, không còn cái kiểu cũ của cái system cũ, của những suy nghĩ cũ, hệ thống cũ nữa!

Cây dù quân sự Mỹ sẽ rút lại, vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ cũng sẽ bớt lại. Âu Châu muốn chống Nga ư? Dùng Nato “làm dù” chống Nga hả? Hãy tự lực cánh sinh đi, tự túc tự cường đi. Mỹ sẽ không thêm chi phí quân sự ở Nato nữa! Ở Á Chấu cũng thế, muốn chống bành trướng Trung Cộng ư? Hãy tự lo liệu lấy!

Vừa nhận tin thắng cử, Trump nhơn danh Tổng Thống tương lai Mỹ, bạch hóa quan hệ Mỹ-Đài Loan ( Xưa kia dưới các chánh quyền Mỹ khác nhau, Mỹ vẫn vửa “ủng hộ thâm chí che dù quân sự cho Đài Loan”, vừa nhìn nhận chỉ “một Trung Quốc” một cách giả tạo, ngoại giao. Cả Trung Cộng lẫn Huê Kỷ giả tạo giấu sự thật Đài Loan như “mèo dấu phân mèo vậy”. Vi chúng tôi dung từ bạch hóa; Trump chỉ đưa Đài Loan ra ánh sánh dư luận đó thôi !)

Mặc dù chánh quyền Obama đã mở cửa cho Nhựt quân sự hóa, mặc dù Mỹ đã trao một phần trách nhiệm quân sự cho Nhựt ở Đông Á, nhưng Trump sẽ là người giao trách nhiệm lãnh đạo việc phòng thủ Đông Á cho Nhựt để kềm chế bành trướng Tàu. Vai trò Đài Loan ngày nay đã được bạch hóa, rõ ràng, và sẽ cộng tác chiến lược hơn với vai trò truyền thống chiến lược của một Đại Hàn chống Chủ nghĩa Cộng Sản (Đại Hàn sẽ trở về lại với vai trò nầy sau khi giải quyết rõ ràng những lủng củng nội bộ đương thời). Bộ ba Nhựt Bổn, Đài Loan, Đại Hàn sẽ là Cột trụ chánh của bức tường phòng thủ Bắc Thái Bình Dương chống bành trướng Tàu (và Nga)

Nhưng cũng chớ, vì thế, vội đánh giá Trump sẽ tạo cuộc chiến với Tàu hay chống Tàu Cộng. Hay Tàu sẽ “chiến” với Mỹ. Vì cả Mỹ lẫn Tàu sẽ không ai muốn chiến tranh cả. Trump sẽ lấy công ăn việc làm về cho công nhơn Mỹ như đã hứa hẹn. Tàu đương nhiên mất thị trường xuất cảng qua Mỹ. Nhưng có thể Mỹ sẽ phải giúp Tàu cải tạo thị trường nội địa Tàu. Cho công nhơn Tàu bớt thất nghiệp, Tàu tuy sẽ mất xuất cảng hàng hóa, nhưng sẽ xuất cảng công nhơn và công nghiệp cùng kỹ thuật Tàu qua các chiến dịch đầu tư vào nước ngoài. Thoạt tiên đầu tư nhiều vào Phi Châu, vào Nam Mỹ vừa để vừa xuất cảng lao động, vừa xuất cảng kỹ nghệ, nhà máy tạo thị trường mới cho hàng hóa Tàu… nhưng từ nay, củng sẽ từ từ, sẽ (bắt đầu) đầu tư vào Âu Châu, các năm trước vào các quốc gia Nam Âu như Hy lạp, Ý và …đặc biệt ở Đông Âu, dùng công nhơn bản xứ để bán kỹ thuật Tàu. Và gấn đây những năm qua, nhập vào Tây Âu và Anh.

Quý vị có biết, Tàu ngày nay là số một thế giới về sản xuất trứng cá Caviar, món ăn tuyệt hảo dân Âu chậu mê không? Một cái hồ rộng nước trong (ô nhiểm ở Tàu chỉ ở những thành phố lớn thôi!), cá nuôi công nghiệp, kỹ thuật cao… Đến Pháp, giá rẻ, 800, 1 ngàn euros một kílô thôi, trong khi Caviar Nga 2000 euros 1 kí. Caviar Tàu tràng nhập thị trường, bình dân hóa món ăn của giới thượng lưu Âu Châu).
 
Đừng mong Tàu chết, và Trump (và cả Navarro) cũng không mong Tàu Cộng chết. Người anh em Việt nam tỵ nạn hải ngoại mình cũng phải có cái nhìn thực tế chánh trị-real politic một chút. Cũng đừng mong Nước Việt Nam ta thoát Tàu. Chỉ mong người dân Việt Nam thực sự đủ tự ái quốc gia và đủ lòng ái quốc và độc lập tánh để không bị Tàu hóa thôi!

Đầu năm nay, Liên Hiệp Quốc cũng sẽ thay người hành nhiệm những quyết định của Hội đồng Thế Giới. Tân Tổng Thư ký Gutteriez cũng sẽ như Cựu Tông Thư Ký Ban Ki Moon, chỉ sẽ nhận vai trò can gián, trung gian, chữa lửa thôi! Thế giới ngày mai sẽ là một trật tự mới, “trật tự phá cách” kiểu Trump. Sẽ không còn những Liên Âu, những Nato với cả chục quốc gia “đồng sàn dị mộng”, trái lại sẽ sanh hoạt trao đổi chánh trị cho từng vùng, từng khu vực của những cặp bài trùng, những liên kết, tay hai, tay ba đồng thuận trên một quan điểm nào đó, lưởng lợi Win-Win, ngắn hạn. Không còn tình bạn, tình thù trên ý thức hệ nữa! Và ngày nay, cũng chẳng còn ý thức hệ nào nữa! Những Tư bản Chủ nghĩa, những Cộng Sản Chủ nghĩa là những con khủng long cuối cùng. Những từ ngữ như chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa quốc tế chỉ là những từ ngữ mỵ dân, nói với dân mình trong nước với cử tri mình trong nước, kể cả những từ ngữ như Xã hội chủ nghĩa, Dân tộc chủ nghĩa…Càng dủng những từ như Xã hội chủ nghĩa, Nhơn dân trên bảng tên của nước, thì cách áp dụng càng không có. Một Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩ là một Quốc gia có một chế độ độc tài chẳng có tư tưởng Cộng Hòa (tam quyền phân lập, pháp trị) mà cũng chẳng có công lý Xã hội (công bằng xã hội, tôn trọng nhơn quyền và quyền công dân) tý nào! Và hãy rùng mình, tránh xa, khi nhìn vào bộ máy lãnh đạo của những quốc gia mang tên Cộng Hòa Nhơn dân…Hoàn toàn không Cộng Hòa, hoàn toàn không có Nhơn dân, hay quyền công dân… Đó chỉ là những quốc gia với những lãnh chúa độc ác, độc tài, gia đình trị, đảng trị, những quân chủ mới của thời đại ngày nay.
 
Tin giờ chót: Syrie ngưng bắn vào không giờ ngày thứ sáu 30 trước giao thừa năm 2017!
Và do ai quyết định? Chẳng phải Liên Hiệp Quốc, chẳng phải do các quốc gia tử tế Liên minh Pháp Mỹ Đức Anh … mà do hai nhà Vua mới của hai Đế quốc tương lai, Nga và Thổ Nhỉ Kỳ, Poutine và Erdogan! Liên Âu Out! Hors jeu! Việt Vị! Mỹ out! Kerry về vườn!

Obama đành chơi xấu, vét cú chót. Ra lệnh cho Bà Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc không phủ quyết vê-tô Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chống Israël Do Thái không được xây các Ấp chiến lược trên đất Palestine nữa! Cũng như đang dùng CIA tố cáo Nga và Poutine xâm phạm luật lệ bầu cử Mỹ và trục xuất các sứ thần Nga. Đây là những món quà xấu Obama để lại cho Trump để phá đám Trump! Nga để trả đủa, cũng đòi trục xuất 15 nhơn viên ngoại giao Mỹ. No Star where! Không sao cả! Mặc cả, thương thuyết rồi sẽ xong cả! Ngoại giao chỉ là buôn bán thôi!

Một thế giới mới đang thành hình. Thế giới văn minh Âu-Mỹ cũ, tự do, dân chủ, đạo đức, tử tế, nhơn bản, tôn trọng lẫn nhau, giúp đở lẫn nhau, liên đới, tương trợ không còn nữa. Văn hóa Âu-Châu quá cổ điển, quá già nua, không sanh sản nữa. Người Âu-Tây bạch chủng dần dần nhường chổ cho dân da mầu. Nhớ xưa kia, văn minh La-Mã trị vì thế giới trên ngàn năm, nhường chổ lại cho người man di hung hản Vandales chiếm đóng, tạo một văn minh mới, năm 400. Các nhóm man di Germains, Goths, Vandales, Gaulois… dần dần lai căng với văn minh La mã cũ thay thế văn minh người La mã. Ngày nay cũng vậy, những văn minh Âu-Mỹ lai căng với Á châu, với Phi châu sẽ tạo lại văn minh thế giới mới.

Văn minh ngày mai sẽ lai căng, biến thể. Ở Âu Mỹ biến dạng, vì quá trọng nhơn quyền nhơn phẩm? Với văn minh Thiên Chúa Giáo âu mỹ, quá trọng tha nhơn, trọng cái tục người, trọng cái lệ người, ép cái tập tục văn hóa quen thuộc của mình đi để nhập cái “của người” vào, “cái hay của mình” bị để một bên, nền văn hóa lâu đời đạo đức của mình nên nén lại, trọng cái văn hóa của người, vì dân chủ nên trọng dị biệt, nên trọng đa nguyên, đặt trọng tâm vào con người, tôn trọng con người. Tôn trọng nhầm lẫn với hèn yếu! Lễ Noël, sợ quá “thiên” Thiên Chúa Giáo, không dám trình bày ngoài đường, sợ đụng chạm với “tôn giáo người”, nhơn danh thế tục! Trái lại Lễ Ramadan, tháng Chay của người, dẩu là của Đạo đấy! Hổi giáo thật sự đấy cũng quên đi, chấp nhận cho họ lễ lạt, om sòm ca hát, chiếu lên Đài TiVi, nhảm nhí! Tết của ta, Tết của Tàu, Lân Múa cùng đường, ồn ào, nháo nhiệt. Mừng cho người ViệtTa! Le lói thay cho người Tàu! Nhưng Tội Nghiệp cho người dânTây!  Bít-tết thịt bò, không dám ăn, sợ đụng chạm người Phật Giáo yêu đời sống, yêu thú vật, đành ăn chay, cùng nhau Végan, ăn rau ăn cỏ như bò như ngựa. Lễ đấu bò truyền thống của miền Nam Pháp, của Tây Ba Nha, bị chê dã man, nhưng tục đá gà của dân Á đông không dám đụng tới! Nhưng lễ mỗ cừu, cắt cổ cừu của Hồi Giáo thì chấp nhận. Của người là đẹp, là văn hóa. Của mình thì chê, chê rằng của ông bà thủ cựu, quê mùa. Ringard! Cà chớn! Bull shit! Thật là khôn nhà dại chợ!

Ngày nay xã hôi âu-mỹ bao nhiêu xây dựng để được tiên tiến đang bị xâm phạm, xóa bỏ bởi các văn minh trung cổ, thủ cựu, tụt hậu, khinh người đến từ phương Đông, đặt nặng thờ phường, thần thánh, lấy cúng kiến, lạy lục (chổng mông 5 lần một ngày) làm văn hóa, tôn các tăng lữ quá khích lên làm lãnh đạo. Allah! Iman! Mollah! Hay cả Đạt Lai Lạt Ma, hay các sư sãi!     
3/ Hãy Đập Bỏ, Hãy Dẹp Bỏ, Những Thần Tượng Cũ, Những Công Thần Cũ, Để Xây Dựng Một Thế Giới Ngày Mai Khác:
Sẽ có nhiều thay đổi mới, nhiều bản đồ thế giới đang được vẽ lại. Những đường biên giới đang chuyển biến. Những liên minh suy nghĩ, tổ chức, những quốc gia sẽ biến thể. Lúc xưa Thiên Chúa Giáo phát xuất từ phương Tây đến phuơng Đông truyền Giáo. Ngày nay Phật Giáo phương Đông đang tràn sang phương Tây rao giảng. Hồi giáo, cũng như thuở nào, bành trướng theo đường chinh chiến, xưa lạc đà, ngựa chiến, chiến thuyền, gươm giáo; nay xe pick-up Toyota, súng AK, phóng lựu và lựu đạn. Những Thần tượng Cũ sẽ phải nhường chổ cho những Thần Tượng Mới. Những hịện tượng Tô Vẽ, Bám Trụ, Jêsus, Allah, Marx, Mao, Hồ, Kim (Nhật Thành) là những hiện củ những ý thức hệ đang giảy chết. Hãy phải biết bỏ, biết thay đổi? Nhự Nhựt Tân! Muốn một dân Tộc, muốn một quốc gia, muốn một nền Văn Minh, Văn Hóa Sanh Tồn phải biết biến cải. Phải dẹp bỏ thần tượng, phải đuổi các Công Thần đi. Galilée suýt mất đầu chỉ vì các quần chúng công thần Thiên Chúa Giáo La Mã quyết định tin rằng Quả Đất là Trung Tâm do Chúa tạo ra và mặt trời xoay quanh Quả Đất!

Âu Mỹ không còn độc quyền kinh tế, tài chánh, kỹ nghệ sáng kiến nữa, và không còn là những cường quốc nữa, văn minh không còn đứng chung với văn hóa nữa. Ba tên hung hản, côn đồ nhứt là ba tên kém văn minh nhứt đang tạo ảnh hưởng nhiều cho thế giới mới: Tàu, Nga, Thổ sẽ là ba kịch sĩ mới của tuống hát sắp mở ra cho vận mạng mới của thế kỷ 21 nầy.

Hãy xem thế giới là một sân khấu tuồng hát với những màn kịch khác nhau đang cùng cùng nhau trình diển. Cũng như trên màn ảnh, có những cửa sổ khác nhau đồng diễn.

Tuần nầy, chúng tôi xin trình bày vài diễn viên và vài màn kịch khác nhau. Và tuần tự, sẽ trình bày những tuồng kịch khác vào các tuần sau.

Cửa Sổ Một:  Thế Giới Hồi Giáo: Iran vs A-rập Xê-Út, 37 năm ganh tỵ:
Những năm gần đây, Téhéran và Riyah, Iran và A-rập Xê-út bổng ghìm khích lẫn nhau, càng ngày càng cạnh tranh nhau hơn.

Đăc biệt là những ngày gần lúc mùa hành hương-Hadj, của cộng đồng Hồi giáo đến La Mecque-Mecca, thường bắt đầu mỗi năm vào ngày 11 tháng 9. Năm qua, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran đã tố cáo A-Rập Xê-út đã giết hại các người hành hương dân Iran ngày 23 tháng 9 năm 2015. Ngày hôm ấy, trong một cuộc xô đẩy, 2300 người, trong ấy có 460 dân Iran thiệt mạng.

Đại Lãnh Tụ-Guide Suprême Ali Khamenei, người Lãnh Đạo Iran tố cáo chánh quyền Riyah đã tàn sát các người hành hương Iran. Vì vậy năm nay, dân Iran bị cấm không được đi hành hương vào Mecca -tuy hằng năm, có cả 60 ngàn người Iran đến hành hương. Đại Lãnh Tụ Iran điên tiết tố cáo A-rập đang bị bọn si on nít Do thái Mỹ giựt giây, để đàn áp giáo hữu Hồi Iran. Dân Iran tố cáo sự tổ chức tồi tệ ấy là do A rập sang đoạt quyền tổ chức nên đã gây những thảm trạng đó. Và kêu gọi thế giới hồi giáo đặt lại vấn đề người tổ chức cuộc hành hương, vì Hadj là của chung của mọi người Hồi giáo không riêng gì của A Rập. Mecca nằm trên lãnh thổ A-rập là chuyện tình cờ. Và quyền tổ chức không phải quyền đương nhiên là của A-rập. Trước những tố cáo đó, ông cheikh Abdel-Aziz-Ben al-Cheikh, người cai quản, grand-mufti toàn giáo hội Hồi Giáo của A-rập Xê-Út phản pháo lại, rằng các lãnh đạo Iran là những tên phản đạo.

Chuyện tranh chấp nầy cũng đã xưa như Đạo Hồi vậy. Iran, Cộng hòa Hồi giáo theo hệ phái shia. và A-rập Xê-Út, lãnh đạo hệ phái sunni, sử dụng Hadj như một vũ khí để tạo thế lực! Và cũng đã từ 37 năm nay rồi!

Từ ngày Khomeini, năm 1979, sử dụng cách mạng Hồi giáo để lật đổ ông Vua-shah của xứ Iran. Thành công, Đại Lãnh Tụ Khomeini có ý định xuất cảng cách mạng Hồi giáo, … vì muốn qua xứ A rập, nên Khomeini không ngớt nhắc nhở rằng gia đình Xê Út không có chánh thống, và như vậy không thể bảo vệ những cơ sở hay địa điềm thánh thiện. Lo lắng mất phần làm ăn - lời tố cáo của Khomeini có lẽ thiệt? – nên Riyah ủng hộ tiếp tế, chi viên cho quân đội Irak để chống Iran trong trận chiến Irak-Iran (1980-1988). Năm 2003, Saddam Hussein gốc sunni bị hạ bệ càng làm cho Riyah lo lắng vì nhóm Shia sẽ lên cầm quyền ở Bagdad. Mùa Xuân Ả-rập, năm 2011, hai anh A-rập Xê-Út và Iran vẫn tiếp tục xung đột qua những trung gian, khi ở Syrie, ở Irak, lúc ở Bahrein, ở Yémen…Từ khi Iran làm hòa với Huê Kỳ, ký kết những hiệp ước về nguyên tử. A-rập Xê-Út, tuy đồng minh với Huê Kỳ, lại càng hung hản hơn nữa đối với Iran. Và Iran cũng ngược lại không nhượng bộ.

Ngày mai Trung Đông sẽ bùng nổ do hai diễn viên nầy.
 Cửa Sổ Hai : Thế Giới Mới, Vai Trò Mới của Người Chữa Lửa Mới :
Antonio Guterres, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc năm tới, đang nhận một nhiệm rất khó khăn: đem Hòa Bình trở lại cho Nhơn loại.

Ngày 1 tháng Giêng 2017, Antonio Guterres, cựu Thủ Tướng thuộc Đảng Xã hôi Bồ Đào Nha (1995-2002), cựu giám đốc cao ủy tỵ nạn liên hiệp quốc (2005-2015) sẽ lãnh vai trò Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc thay thế Tổng Thư Ký Ban Kim Môn. Ông sẽ như một anh lính chữa lửa, sung sục chạy đôn chạy đáo trên thế giới để dập tắt những đám cháy. Tổng Thư Ký Guterres sẽ tiếp tục công việc của những tiền nhiệm từ ngày Liên Hiệp Quốc ra đời: Ban Kim Môn - Đại Hàn (2007-2015), Kofi Annan - Ghana (1997-2006), Boutros Boutros-Ghali – Ai Cập (1992-1996), Javier Perez de Cuellar - Perou (1982-1991), Kurt Waldheim - Áo (1972-1981), U Thant - Miến Điện (1981-1971), Dag Hammarskjöld - Thụy Điển (1953-1961), Trygve Lie - NaUy (1946-1952). Chức vụ Tổng Thư Ký, tuy chỉ là một chức vụ trưởng của một văn phòng thụ pháp các quyết định của các cơ quan hành pháp Liên Hiệp Quốc như Hội Đồng Bảo An hay Đại Hội Đồng, nhưng thật sự Tổng Thư Ký cũng là vừa cái Đầu – hành pháp, cũng là vừa đôi chơn - thụ pháp của căn nhà Liên Hiệp Quốc. Nặng nhọc lắm! Hãy nghe Vị Tổng Thư Ký đầu tiên Trygve Lie than thở khi rời chức vụ nầy năm 1952, ông chúc vị kế nhiệm bằng câu nói bất hủ nầy “Mừng anh đảm nhận chức vụ không đảm nhận nổi trên thế gian nầy – Bienvenue dans la boulot le plus impossible de la terre”.

Phải! Vì ngày mai, Tổng Thơ Ký Guterres sẽ phải gánh vác những hồ sơ không giải quyết nổi : những trận chiến dai dẳn, bất phân thắng bại, không chánh nghĩa – ai cũng có chánh nghĩa cả - không nguôi ở Syrie, ở Yémen, …ở Lybie, và cái đuội của những tình hình bất ổn ấy, người tỵ nạn, hết tỵ nạn chiến tranh, đến tỵ nạn kinh tế và mai nầy tỵ nạn thời tiết… Âu Châu chật hẹp, và…Âu Châu nghèo nàn, nguồn kinh tế eo hẹp, và một chi tiết quan trọng, khoa học kỷ nghệ mới không tạo việc làm lao động tay chơn nữarobots thay thế tay chơn lao động. Thế giới thứ ba, đang lên, BRICS chỉ là những ảo tưởng. Chưa biết đi đã muốn chạy. Năm quốc gia BRICS có mộng bước vào thay thế G7 Mỹ Anh Đức Pháp Nhật Canada Liên Âu điều hành thế giới. Nhưng con đường còn xa vời lắm!

Tổng Thư Ký Guterres làm sao, tay níu tay kéo giữ yên Hòa Bình thế giới. Vì còn những tranh chấp do hận thù ngàn năm không nguôi nữa: DoThái-Israël và Dân Palestine cùng khối Ả Rập; tranh chấp giữa người Hồi Shia và sunni; tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ; và Tàu Cộng với mộng bá quyền xâm chiếm Biển Đông Đông Nam Á. Bao nhiêu chuyện bấy nhiêu lò lửa. Chưa kể những tranh chấp, Không gian, Lục địa Nam Cực, Biển Bắc Cực – do thời tiết nóng dần tạo những hải đạo mới xuyên Bắc Cực, rút ngắn đường hải hành từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương…

Mong Tổng Thư Ký Guterres theo gương Tổng Thư Ký thứ hai Dag Hammarskjöld, Tổng Thư Ký duy nhứt nhận giải Nobel Hòa Bình (sau khi mất), người được Tổng Thống Kennedy ca tụng là “Nhà Lãnh Đạo Đất Nước Vĩ Đại nhứt của thế kỷ 20-Le plus grand homme d’État du XXème siècle” và chớ quên câu dặn dò của ông “Nhiệm vu của Liên Hiệp Quốc không phải đưa nhơn loại lên Thiên Đàng, mà chỉ làm sao tránh cho nhơn loại xuống địa ngục – Le but de L’ONU n’est pas d’emmener l’humanité au paradis, mais de lui éviter l’enfer”. Mong dân chúng ở Aleppo, ở Mossoul, ở Syrie, Irak, …Haïti, Miền Trung Việt Nam, không rơi vào địa ngục!
Thay Lời Kết :
Như đã nói trên, tình hình Trung Đông đang đổi mới. Rồi Daesh sẽ bị dẹp, rồi Syrie sẽ được giải quyết, rồi Irak cũng tạm yên. Nhưng tranh chấp Shia – Sunni lại càng mâu thuẩn thêm, không giải quyết nổi. Dầu thô, khí đốt tuy vẫn còn giá trị, nhưng khoa học tin học càng ngày càng phát triển, nào xe không người, nào máy không cần thợ điều khiển, tất cả sẽ robot hóa. Bàn tay lao động không cần thiết nữa. Những vật dụng căn bản sẽ do robot sản xuất.

Con người càng ngày càng đông. Có cần chiến tranh để bớt nạn nhơn mãn không? Hay phải thay đổi thức ăn lương thực? Ngày mai, nếu tiếp tục ăn bò gà heo, phải cần súc vật. Sức kéo thay bằng máy, trâu bò ngựa để ăn, nhưng trâu bò ngựa cần ăn cỏ. Chăn nuôi bò ngựa cừu hao đất, vi cần đất để trồng ngũ cốc. Cần thịt, cần chất đạm, nhơn loại sẽ ăn côn trùng.

Những Cuộc Chiến Mới:
Ngày mai, sẽ có những cuộc chiến chiếm nước ngọt. Nước ngọt, sông ngòi từ bao thế kỷ đã là những cái nôi của nhơn loại: Văn Minh Lưởng Hà Euphrate - Tigre bắt đầu văn minh nhơn loại phía Tây. Văn Minh Hoàng Hà - Đương Tử bắt đầu văn minh nhơn loại phía Đông. Sông Gange hiển Thánh, cái nôi củaẤn Độ Giáo…Ngày mai chiến tranh sẽ vì sông ngòi, vì nhà máy thủy điện đắp đập, ngăn sông. Giòng MêKông thượng lưu bị ngăn chận. Ở hạ lưu, đồng bằng Sông Cửu Long Việt Nam đang nhiểm mặt, thiếu nước ngọt. Chín cửa nay chỉ còn 8 và sẽ còn Bảy (Hai cửa sông đang bị lấp cạn). Việt Nam đang biến thành một Tỉnh của Tàu. Miền Nam hết gạo lúa, Miền Trung vì Biển Độc hết Cá mắm. Dân Việt Ta hết ăn Cơm với Cá mắm, chỉ còn bánh bao Xì dầu để ăn thôi!

Năm tới, thế giới thay lãnh đạo, Huê Kỳ, Pháp, Đức… còn chắc mãi là ba cường quốc không? Hay vì nội bộ đảng phái rối ren, vì nội tình đất nước khó khan. Lo việc nhà, phải bỏ việc người. Tàu, Nga, Thổ… tung hoành ngang ngược! Nhà giàu rút về lo việc nhà mặc kệ thằng nghèo!

Và Việt Nam Ta? :
Việt Nam ta bơ vơ, lại càng bơ vơ, cô độc lại càng cô độc, Mỹ bỏ rơi lần nữa, Tây lơ là lần nữa. Phải trở về ôm lại hai thằng du côn Nga Tàu… Cộng-sản hay Ma-phia? Xêm Xêm thôi !

Dậu 45, dân Bắc Kỳ chết đói cả triệu người. Mong sao Dậu 2017, Việt Nam đừng chết đói!

Mong lắm !

Hồi Nhơn Sơn Xuân Tha Hương thứ 36,
Mồng 3 Tháng Chạp Năm Thân, Giao Thừa 2017
Phan Văn Song

Câu chuyện đầu năm: PHÉP LẠ CỦA TIẾNG CƯỜI
TRÀ LŨ

Inline images 1

Mục đích cuộc đời này là đi tìm hạnh phúc và hưởng hạnh phúc. Biểu hiệu của hạnh phúc là tiếng cười. Tiếng cười đây là tiếng cười chân thực, hồn nhiên, thoải mái và tự phát, tiếng cười ròn rã, cười ngặt nghẽo, bò lăn bò càng, cười tít mắt, chứ không phải tiếng cười gượng hay xã giao.

Xưa nay đã có bao nhiêu bài nghiên cứu và đề cao gíá trị của tiếng cười. Nụ cười là phương tiện mở đầu cuộc giao tiếp mà ta không cần phải phiên dịch hay dùng ngôn ngữ để diễn tả. Nụ cười mang ‎ý nghĩa ta muốn nói với mọi người rằng ta hạnh phúc. Nó hoàn toàn tự phát chứ không phải do cố gắng. Nụ cười tự nhiên và thành thực được biểu lộ qua miệng và khóe mắt. Nụ cười không chỉ biểu lộ cái hạnh phúc của ta mà còn có khả năng tạo cảm giác hạnh phúc cho người. Những người có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì thường có nụ cười rạng rỡ hơn những người ly thân ly dị. Nụ cười vui tươi có tác động đến vùng bắp thịt quanh miệng và khu vực cơ vòng quanh khóe mắt, nó làm cho mắt sáng lên và long lanh. Ta thấy vui hơn không những khi cười mà cả sau khi cười.

Cha ông Việt Nam chúng ta đã nói từ ngàn xưa: Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Nguyệt san lâu đời và uy tín quốc tế Reader’s Digest đã gọi tiếng cười là thần dược, là thuốc tiên, Laughter is the best medicine. 

Triết gia Bertrand Russel đã nói nhiều lời chí lý về tiếng cười, như ‘Tiếng cười là thần dược miễn phí nhưng vô cùng hiệu nghiệm’, hay ‘Tiếng cười không mất tiền mua mà nó mua được tất cả, nó mua được sức khoẻ cả thể xác cả tinh thần, nó mua được tình yêu, hoà khí, nó tạo được sự đoàn kết’.

Nhiều người bi quan cho rằng cuộc đời là bể khổ, nhưng ông Trời đã cho ta thuốc thánh để cứu khổ đó là tiếng cười. Mẹ Teresa Calcutta đã ý thức được việc này nên trước khi về cõi ngàn thu Mẹ đã dặn các môn sinh: Các con hãy cười nhiều hơn nữa.

Nói đến đây thì tôi nhớ tới một ông linh mục nổi tiếng ở Los Angeles hồi xưa, thập niên 2000. Đó là Cha Maurice Chase. Báo chí cho biết rằng trong nhiều năm, cứ mỗi sáng Chúa Nhật, dù mưa hay nắng, ông đều đến khu vực đông người vô gia cư. Mỗi người ông tặng một đô la và một cái vỗ vai, vừa cười ông vừa nói lời thăm hỏi. Có người bảo ông: Muốn cho tiền tại sao Cha cần phải tới trao tận tay cho họ


Ông cha vừa cười vừa trả lời: Tôi không những cho họ 1 đồng mà tôi còn cho họ một nụ cười và một câu chúc lành. Tôi đã làm y như lời Mẹ Thánh Teresa Calcutta: Muốn an ủi người nghèo, cho tiền là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng hơn là cười với họ và nói lời yêu thương. Bạn để ‎ý‎ quan sát mà coi, đa số chúng ta chỉ bỏ đồng bạc vào nón người homeless rồi vội vã đi ngay.

Trong Phật Giáo tôi thích nhất tượng Đức Phật Di Lặc. Miệng cười mở rộng thật lớn của Ngài đẹp vô cùng. Một lần tôi nghe giảng pháp trên TV, tôi thấy vị hòa thượng lập đi lập lại câu kệ này mà tôi rất thích, tôi đã thuộc lòng: 

Nụ cười và hơi thở
Hai tác phẩm tuyệt vời
Nuôi dưỡng mầm hạnh phúc
Cho ta và cho người


Họa sĩ Picasso tuy nổi tiếng về ngành họa nhưng đã nói một câu rất hay về kinh nghiệm cuộc đời: Bạn đừng để ý tới chiều cao, sức nặng hay số tuổi vì đây là việc của y sĩ. Việc của bạn là hãy lo sao cho cuộc sống được hạnh phúc, được đầy tiếng cười.

Về mặt vật lý, cái gì xảy ra khi ta tức giận? Thưa, khi ta tức giận thì các bắp thịt ở đầu, ở mặt, ở cổ căng lên; máu từ tim chạy nhiều lên mặt nên mặt ta đỏ bừng, miệng ta ngậm lại, răng cắn vào nhau, ta thấy nghẹn ở cổ, nghẹt thở, tim ta đập thình thình. Còn khi ta cười, nhất là khi ta cười ha hả, cười giòn, thì tất cả các bắp thịt trên đây đang căng cứng đều giãn nở, miệng mở rộng, khí độc bay ra, dưỡng khí ùa vào, máu lưu thông dễ dàng, người như tỉnh lại. 

Tôi cũng vừa đọc một bài nghiên cứu về tiếng cười, trong đó tôi thích nhất đoạn viết rằng tiếng cười làm đẹp da mặt, các bà các cô nhớ kỹ việc này nha. Rằng khi cười, các cơ mặt co giãn nhịp nhàng nên cười sẽ giúp làm mờ đi các vết nhăn. Khi cười, các cơ mặt vận động tăng cường lưu thông khí huyết góp phần làm tươi tắn làn da. Người có tính tình vui vẻ luôn tươi cười sẽ giữ được nét mặt trẻ lâu. Tại sao ta không chăm sóc da mặt bằng loại ‘mỹ phẩm’ thiên nhiên, miễn phí và hiệu nghiệm này?

BS William Fry của Đại Học Stanford cho biết khi cười thì các bắp thịt ở cổ, ở mặt ở đầu ở ngực ở bụng đều hoạt động đồng loạt, và nhờ vậy mà tình trạng đau nhức của cơ thể bớt đi. Riêng những người bị phong thấp, đau khớp xương, đau đầu nên cười lớn tiếng. 

Trong hội nghị quốc tế về y khoa tại Montréal, Canada, tháng 6, 1997, phái đoàn Y Khoa Oakhurst ở Los Angeles đã trình bày một bài rất giá trị về hiệu quả của tiếng cười. Theo kết quả nghiên cứu của Viện thì những ai đã bị bệnh tim, đã bị đột qụy, mỗi ngày chỉ cần cười 15 phút thì bệnh tim không bao giờ tái phát nữa.

Chuyện xưa chép rằng nhà bác học và triết gia Henri Bergson vì làm việc tinh thần nhiều qúa nên hay bị choáng váng nhức đầu và ngộp thở. Ông đã đi gặp nhiều bác sĩ nhưng căn bệnh này không hề hết. Cuối cùng, may thay, ông gặp được một bác sĩ chuyên ngành, ông này đã chữa cho ông Bergson lành bệnh bằng thuốc tiên. Ông bảo ông Bergson không cần uống thuốc gì cả, ông chỉ cần tối nào cũng đến hí viện để xem các chú hề làm trò. Ông đã đi xem, đã cười rất nhiều và quả nhiên ông hết bệnh.

Đây cũng là cách chữa bệnh của ông Francois Rabelais người Pháp ở thế kỷ 15. Rabelais là một thày tu, một văn sĩ, một chuyên viên giải phẫu. Ông chủ trương dùng tiếng cười để chữa bệnh, nên trong tiếng Pháp gọi phuơng pháp chữa bệnh này là ‘ le rire rabelais '. Theo Rabelais, chỉ có loài người mới biết cười, le rire est le propre de l’homme. Cười là một đặc ân Tạo Hoá tặng cho con người, chúng ta hãy xử dụng nó.

Có 2 loại cười. Loại cười chữa bệnh và mang lại hạnh phúc như trên tôi gọi là loại A, là loại kích động tự nhiên cả tâm cả xác ta. Trong tiếng VN có rất nhiều từ để chỉ loại cười hạnh phúc này, như: cười ha hả, cười bò lăn bò càng, cười chảy nước mắt, cười đau cả bụng. cười vãi đái, cười tít mắt, cười tới tận mang tai, cười đấm nhau thùm thụp, cười đập bàn đập ghế... Và loại B tức là loại cười không phát ra từ cái tâm vui vẻ, không tự nhiên, như cười gượng, cười giã lả, cười mỉa mai, cười nhạt, cười khinh bỉ… Đây là loại cười tôi không có ‎‎ý nói ở đây. Tôi ghét loại B này. 

Môn thể thao phổ thông nhất hiện nay là chạy bộ. Buổi sáng ta thường gặp nhiều người chạy bộ trên đường phố hay trong các công viên. Việc chạy bộ này được gọi là external jogging, ta tập thể thao cho các cơ thể bên ngoài. Còn việc thể thao cho các cơ thể bên trong thì sao? Các nhà khoa học bảo tiếng cười chính là một loại chạy bộ bên trong, internal jogging. Khi ta cười ngặt ngẽo, ta thử để tay lên bụng mà coi, toàn bộ dạ dày, ruột non ruột già của ta như long lên sòng sọc. Đó là chúng ta đang chạy bộ bên trong, đang tập thể thao cho nội tạng. Ta có thể tập môn thể thao này bất cứ lúc nào.

Ngày xưa còn bé tôi được nhiều thày giáo dạy câu ‘ Un saint triste est un triste saint’ mà chả hiểu gì cả. Sao lại ‘một ông thánh buồn là một ông buồn thánh? Câu này khó hiểu quá. Mãi gần đây thì tôi mới hiễu trọn vẹn. Câu ấy phải dịch thế này: Một ông thánh mà mặt mũi buồn bã là một ông thánh vất đi, chả ra cái gì cả.

Người Trung Hoa có 2 câu mà tôi cho là chí lý:

- Nhất tiếu thiên địa không: Òa lên được tiếng cười thì sẽ coi trời đất như không

- Ai không biết cười thì người đó không nên mở tiệm buôn bán

Trên đây là chúng ta mới nói về những ích lợi cho xác cho hồn của mỗi cá nhân. Tiếng cười còn mang sự vui vẻ và đoàn kết đến cho tha nhân và xã hội. Hai người đang giận nhau mà tự nhiên cùng cười lên một tiếng thì coi như sự thù hằn đã hết, hai bên có thể bắt tay nhau làm hòa ngay. Cộng đồng gặp nhau rồi nhờ nghe mấy chuyện vui mà cùng phá ra cười thì sự đoàn kết tự nhiên đến, bao nhiêu sai biệt được san bằng, buổi họp đương nhiên sẽ thâu được những thành quả tích cực. 

Có một câu danh tiếng mà tôi rất thích nhưng quên tên tác giả: Tiếng cười là một ngôn ngữ quốc tế, không cần phải phiên dịch. Đúng qúa chứ, phải không cơ?

Trên đây là bài diễn văn bất ngờ của ông ODP, một người bạn già rất thân của tôi.

Trong làng tôi có một bà cụ cũng trọng tuổi như cụ Chánh tiên chỉ. Chúng tôi đặt tên là Cụ B.95, vì cụ người Bắc và từ Hà Nội sang thẳng Canada này năm 1995. Cụ là một biểu tượng của các bà mẹ ngoài Bắc trước năm di cư 1954 khi xưa. Cụ sang Canada do con trai bảo lãnh. Chuyện cụ B.95 dài lắm. Những lời cụ nói bao giờ cũng đầy ắp chân tình và chất ngất yêu thương và rất Bắc Kỳ. Nghe bài diễn văn của ông ODP trên đây xong thì cụ nói ngay: 

- Bữa nay bác nói về tiếng cười mà tôi thấy toàn chuyện lịch sử, toàn các câu trích dẫn, chả có chỗ nào làm tôi cười cả, tại sao vậy?

Diễn giả ODP cười xòa. Ông trả lời ngay: 

- Tiếng cười là một đề tài lớn nên tôi cũng phải nói có ngành có ngọn, phải một chút lý thuyết, một chút lịch sử chứ. Cụ muốn cười ngay ư, chuyện này quá dễ. Để tôi kể chuyện về cái tên bài này nha. Ban đầu tôi định đặt tên bài ‘ Tiếng cười là thuốc trường sinh’. Khi nghe tiếng trường sinh thì mấy ông bạn già đây phản đối. Các ông lập luận thế này: Bây giờ bọn mình đã vào tuổi già, Ông Trời cho con người ai cũng có 4 cái sướng căn bản là ăn ngủ ị và ấy. Lũ già chúng mình bây giờ chỉ còn hưởng được 3 cái sướng đầu, chứ cái thứ tư thì nó biến mất từ lâu rồi. Có đúng thế không ạ. Tôi nhớ Giáo Sư quốc văn Nguyễn Quốc Hùng đã kể chuyện ngày xưa bố ông ấy được nổi tiếng về 2 câu thơ cực tả tuổi già như sau:

Trên thì móm mém nhai không vỡ
Dưới lại chun choăn nhét chẳng vào


Các bác cứ nghiệm mà xem, hai câu thơ này hay qúa và đúng sự thực quá chứ. Bây giờ bọn già mình mà trường sinh bất tử, trường sinh mà chỉ có 3 cái sướng đầu, thiếu cái sướng thứ 4, cái sướng tột điểm của đời người, thì trường sinh làm gì, sống mà trên móm mém dưới chun choăn thì trường sinh mà làm chi ! Bởi vậy đừng viết tiếng cười là thuốc trường sinh, tôi không ham trường sinh, mà chỉ nên viết tiếng cười là thần dược, là thuốc tiên chữa được bách bệnh. Nghe có lý quá, phải không các cụ?

Nhân nghe 2 câu thơ nổi tiếng cực tả tuổi già trên đây tôi chợt nhớ tới một chuyện tiếu lâm khác. Rằng có một cặp cụ già kia suốt đời sống đạo đức thánh thiện nên trong đêm kỷ niệm 50 năm thành hôn, một bà tiên hiện ra và nói: Vợ chồng các ngươi đã sống tốt lành gương mẫu, vậy ta cho các ngươi hai điều ước. Nào hai ngươi ước gì? Cụ ông nhìn cụ bà rồi nói: Con xin cho con được luôn luôn cứng rắn bền bỉ và bà già nhà con được hết khô khan nguội lạnh.

Nghe xong, cả làng tôi vỗ tay râm ran vì thấy lời xin của ông chồng già hay qúa, có lý qúa, thật là khôn ngoan và tối cần thiết. Các cụ độc giả có nghĩ như vậy không?

Cụ Bà B.95 cười to tiếng nhất, mãi mới thôi, rồi cụ xin nghe nữa. Cụ bảo trên đây là chuyện cười liên hệ tới người già, vậy không có chuyện cười liên hệ tới thanh niên hay con nít sao.

Câu này chạm tới mạch điện tếu của anh John. À, làng tôi có một ông con rể người da trắng Canada. Anh là chồng chị Ba Biên Hoà. Ngày xưa trước 1975, anh là thành viên Canada trong ủy ban giám sát đình chiến ở Việt Nam. Anh làm việc ở Biên Hoà. Ủy ban thuê một cô giáo VN giỏi anh văn làm thông dịch, anh mê cô giáo này, hai người yêu nhau và lấy nhau. Anh này yêu vợ và đã yêu luôn quê hương nhà vợ, từ thức ăn, phong tục tập quán đến ngôn ngữ VN. Anh đã học tiếng Việt và bây giờ anh nói tiếng Việt như gió.

Anh John xin kể một câu chuyện cười về con nít. Chuyện rất trong sạch và thơm tho. Rằng một ông kia có đứa con trai lên 5 tuổi. Ông này cưng con vô cùng. Ông hay dắt con đi dạo. Bữa đó hai bố con đi qua khu đèn hồng. Cậu bé thấy nhiều cô gái chạy ra níu kéo ông bố. Cậu bé liền hỏi: Các cô này mời bố mua món gì vậy? Ông bố lúng túng, nghĩ mãi mới tìm ra câu trả lời: À, các cô ấy mời bố mua món hạnh phúc. Cậu bé hỏi tiếp: Món hạnh phúc là món gì? Đến đây thì ông bố bị tắc, ông không biết trả lời đứa con như thế nào. Ông liền bảo: Lớn lên rồi con sẽ hiểu món hàng này. Chính vì câu trả lời lấp lửng này đã gây sự tò mò trong đầu cậu bé. Cậu quyết tự mình tìm hiểu. Ngày hôm sau, khi ông bố đi làm thì cậu bé đi xuống phố, đúng đoạn đường hôm qua. Cậu bé gặp một cô gái thứ nhất, cậu liền nói: Xin chị bán cho em một chút hạnh phúc. Cô gái thấy cậu bé dễ thương quá, liền dẫn vào nhà và mở tủ lạnh lấy cho cậu bé một ly kem. Cậu ăn ngon lành và hiểu đây là món hạnh phúc. Ăn xong cậu cám ơn và đi tiếp. Cậu gặp cô gái thứ hai và cũng đòi mua hạnh phúc. Cô này cùng dẫn cậu vào nhà và cũng cho ăn kem. Cậu bé sung sướng quá sức, và đi tiếp. Rồi cậu gặp cô gái thứ ba và cũng xin mua hạnh phúc, và cậu cũng được cho ăn kem. Đến đây thì qúa sức của cậu. Cậu chỉ ăn được một chút xíu, rồi vội nói lời cám ơn và chạy về nhà. Buổi tối hôm đó, trước khi đi ngủ, cậu bé nói với bố: Bố ơi, hôm nay con đã đi khu đèn hồng và đã hỏi mua hạnh phúc. Hai cô gái đầu đã làm cho con hạnh phúc vô cùng. Đến cô thứ ba thì con không còn sức lấy nữa, dù lè lưỡi ra liếm con cũng không còn sức.

Cả làng tôi bò ra cười. Quả là hay. Ai cho chuyện này là tục thì trong đầu có sạn nha. Thấy mọi người vỗ tay khen hay nên anh John đươc hứng xin nói một câu chuyện văn học. Đó là một câu đố của tạp chí uy tín và lâu đời Reader’s Digest năm xưa đố độc giả: Giữa hai chân của người đàn bà có bông hoa gì? Nhiều người nghĩ nát óc mà không ra, nhiều người cũng đã trả lời bông hoa này bông hoa kia, nhưng Báo Reader’s Digest vẫn lắc đầu. Một năm sau mới có một người đáp trúng. Câu trả lời là: Giữa hai chân người đàn bà có bông hoa tulips.

Nghe xong, mấy bà mấy cô trong làng tôi ngơ ngác: Nghĩa là làm sao ? 

Các cụ có hiểu câu trả lời này không cơ? Tôi phải nghĩ mãi mới hiểu đấy các cụ ạ. Tulips nghe mài mại như two lips, nghĩa là hai môi. Quả là hay, quả là thanh lịch.

Nhân nói về việc vui cười này, tôi liền nhớ ngay tới cô đào Elizabeth Taylor nổi tiếng. Cô có 7 đời chồng. Cuối đời thì cô tuyên bố không lấy ai làm chồng nữa. Nhưng nếu cô gặp ai mà làm cho cô vui vẻ và cười nhiều thì cô sẽ sống chung, chỉ sống chung thôi, không làm lễ cưới. Các cụ còn nhớ cô đào Taylor chứ. Cô này đẹp hết sức vậy đó. Lúc bé đã đẹp, về già còn đẹp hơn, sắc đẹp chín mùi. Gần đây, cũng theo gương cô đào Taylor, cô đào trẻ đẹp Britney Spears cũng yêu thích tiếng cười. Khi báo chí hỏi tại sao cô cưới người hùng Jason Trawick thì cô trả lời: Bởi vì anh Jason luôn làm cho tôi cười, sống bên anh tôi sung sướng lắm.

Chuyện gây ra tiếng cười nhiều vô cùng. Cụ nào hay bi quan chán đời, cụ nào gia đình lục đục bất hòa, cụ nào tối ngủ không an giấc, xin hãy tìm tiếng cười. Đó là thần dược. Tạo Hóa ban cho con người 3 thứ qúy giá vô song mà ta thường không để ý: không khí, nước và tiếng cười. Theo thống kê thì em bé sơ sinh mỗi ngày mỉm cười 200 lần, khi thành người lớn thì chỉ còn mỉm cười mỗi ngày 15 lần.

Tiếng cười quả là đã làm bao nhiêu phép lạ cho ta, cho tâm hồn ta cho thân xác xác ta, cho gia đình, cho cộng đồng, cho xã hội.

Kính chúc các cụ Năm Mới cười nhiều, nhiều hơn nữa, thuốc tiên mà.

TRÀ LŨ

Blog Archive