VÒNG HOA TUỎNG NHỚ
BS Nguyễn Tuấn Anh
Từ vịnh biển xanh San Diego, cựu Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ vừa gởi tặng tôi cuốn sách mới được ông cho ra mắt độc giả: "Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ".
Trên bìa sau đóng khung đen màu tang chế hàng chữ: "kỷ niệm 40 năm ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát" thể hiện rõ ràng tâm nguyện của tác giả trong việc hoàn thành hồi ký.
Sau khi miền Nam thân yêu rơi vào ách thống trị bạo ngược của Cộng Sản, chúng tôi chỉ có một dịp siết chặt tay vui hưởng buổi trùng phùng trên xứ sở yên lành không áp bức Hoa Kỳ.
Ngày đó, tôi vừa chân ướt chân ráo từ đảo thuyền nhân Mã Lai Á tới miền đất hứa, còn đang lận đận kiếm chỗ học hành thi cử, cố vá víu mảnh đời gần phá sản. Giáp mặt rồi mỗi kẻ lại một ngả mưu sinh thoát hiểm. Từ lần tạm biệt ấy, thời gian cứ lững lời trôi, thoáng chốc đã trên hai thập kỷ! Xin cám ơn cố nhân, dù đau yếu vẫn chưa quên người "Huynh đệ chi binh" đã cùng một thời phục vụ trong cùng một đơn vị mang danh hiệu : “Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống” vào những năm tháng chính trường miền Nam dậy sóng thù hận, âm mưu, lôi cuốn theo xã hội miền Nam vào cơn cuồng lốc tranh chấp quyền lực vô chính phủ .
Bây giờ là tháng chín. Chắc chắn cả ngàn đồng hương, phần lớn tại Hoa Kỳ đã sở hữu sách này, đã nghiền ngẫm nó và đã xúc động ngậm ngùi như tôi, kể cả kẻ thương người ghét vị Tổng Thống khai sáng thể chế Cồng Hòa trên miền quê hương phía nam dưới vĩ tuyến 17.
Thảm kịch "Vị Quốc Vong Thân" của người cầm quyền cao nhất nước năm xưa đã chìm sâu vào quá khứ lãng quên của nhân thế vô tình. Thể xác đầy vết dao đâm đạn phá của ông hẳn đã rữa tan dưới lòng đất hoang dã Lái Thiêu. Suốt 40 năm qua, khá nhiều sách báo tài liệu đã đề cập tới mật khẩu Đồng lõa Tội Ác "Mission accomplie" của đám gian phi trước khi chúng nâng cao ly rượu "Phản Trắc" long trọng khai mạc bữa tiệc vô luân trong nỗi hả hê lang sói. Lòng khinh miệt, thù ghét đám bầy tôi phản chủ của quần chúng ôn hòa, nhân nghĩa cũng đã nhạt phai theo thời gian. Duy có sự thật ngày thêm sáng tỏ và trường tồn mãi theo lịch sử. Hai kẻ sát nhân ghê tởm và những tên đầu sỏ hèn nhát giấu mặt, dù còn sống hay đã chết, không cách nào chối tội trước chính sử của dân tộc.
Bàn tay vấy máu người Quốc Gia chân chính đã lọt vào tia mắt kinh hãi lạc thần của chứng nhân. Ngay đến kẻ thù Cộng Sản, những chuyên viên dối trá gian manh thượng đẳng cũng chăng thể uốn cong ngòi bút biến đen thành trắng.
Tác Giả hồi ký bằng những năm tháng lăn lộn chiến trường, bằng kinh nghiệm sống thực, đã trưng dẫn thêm một số tài liệu mới mẻ, viện dẫn minh bạch một số nhân vật mà quần chúng đa nghi có thể tiếp xúc dễ dàng mà sử gia vô tư có thể kiểm chứng một cách không khó khăn.
Qua nhận xét tổng quát, tác phẩm của ông là sự đóng góp giá trị trong việc soi sáng nghi án đau thương bốn thập niên trước với hậu quả tồi tệ lâu dài trên vận mệnh đất nước. Hơn thế, sách còn có tác dụng hóa giải phần lớn những nỗi oan khiên mà nạn nhân, gia đình dòng họ Ngô đã phải gánh chịu rất bất công trong nhiều năm.
Từ xưa, dân Pháp đã nhận định không sai :"Les absents ont toujours tort ", Thành ngữ Hoa Kỳ cũng mang ý nghĩa tương tự :"The absents are always in the wrong". Đúng thế,người vắng mặt bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào bao giờ chẳng thiệt thòi. Người đã chết còn nhận lãnh vô vàn tủi nhục, bất công hơn nữa. Họ đâu còn lên tiếng nói thế gian để tự biên bạch những điều thị phi vô căn cứ trong thiên hạ lắm điều.
Đáng mừng là những người còn sống biết phải trái, trọng đạo lý truyền thống, liên tiếp dõng dạc cất cao tiếng nói chính trực dù muộn màng để giải oan cho người đã khuất,để trả lại cho Caesar những gì đích thực của Caesar.
……….Cuốn sách đã đem lại cho tôi đôi chút ngạc nhiên. Một số sự việc được mô tả đứng đắn mà tôi vẫn chưa quên.
Là một quân y sĩ hiện dịch, tôi đã về Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống trước tác giả khá lâu. Từ tháng 7 năm 1958 tôi đã có mặt ở đơn vị này ngay sau khi hoàn tất năm học cuối cùng tại trương Đại Học Y Khoa Sài gòn, dù 4 năm sau đó tôi mới trình luận án Bác Sĩ.
Sinh trưởng tại Hà Nội, theo đạo Phật, gốc Bắc 1954, tôi đã được vị huynh trưởng khả kính, Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị và Xã Hội (Mật Vụ) thời đó can thiệp với Cục Quân Y bổ nhiệm vào chức vụ Y Sĩ trưởng Lữ Đoàn này thay thế Bác Sĩ Trung Tá Bùi Kiến Tín, một Phật Tử miền Trung, cận sự viên thân cận và lâu đời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Thành thật mà nói, thuở đó, giữa tuổi nhìn đời qua lăng kính hồng, lại chỉ giữ nhiệm vụ chuyên môn không then chốt trong guồng máy cai trị đất nước thượng tầng, tôi đã chỉ đứng ở vị trí ngoại vi để quan sát người và việc trong môi trường cận kề.
Bởi còn đam mê những thú vui năng động của tuổi bồng bột, những cám dỗ khó cưỡng nổi, những khám phá kỳ thú...tôi ít chú ý tới hoạt động chính trị của những thế hệ đi trước, gạt ngoài tai những chuyện thâm cung bí sử tại dinh Gia Long,dinh Độc Lập.
Nhưng quần chúng độc giả sau khi đọc xong hồi ký này. Giả như độc giả sửng sốt cũng là điều dễ hiểu.
Lẽ giản dị, độc giả chợt khám phá ra rằng họ đã bị hướng dẫn sai lạc trong nhiều năm, đã bị ngộ độc mãn tính bởi lọc lừa, dối trá, thù hận do tham vọng cá nhân hoặc phe phái, do sức tuyên truyền có chủ đích của đối phương Cộng Sản, do sự khiếp nhược của những kẻ mất lương tri sau khi phạm tội ác tày trời.
Người sĩ quan khóa 6 được đào tạo từ ngôi trường danh tiếng "Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt " với 24 năm binh nghiệp, đã dốc trọn tâm hồn viết nên những trang hồi ký bằng lối văn bình dị, chân chất, không cường điệu, mang sức truyền cảm đậm sâu.
Ông đã khiêm nhường rào đón văn chương chẳng phải nghề tay trái nên kém phần chải chuốt.
Tôi nghĩ khác. Với trí nhớ cực tốt chưa cần đến sự trợ lực của thần dược EXELON ở tuổi thất tuần, với khiếu kể chuyện dí dỏm như đùa bỡn cùng bằng hữu lúc trà dư tửu hậu, người Sĩ Quan già Nguyễn Hữu Duệ sử dụng ngòi bút linh động, duyên dáng vượt xa nhiều nhà văn đã thành danh. Ưu điểm thành công của ông nằm ở tấm lòng trung hậu vào giờ thứ 26 (tôi xin nhấn mạnh: giờ thứ 26) của khúc quanh lịch sử 1-11-1963!
Rất khéo léo nói về "cái tôi", ông đã làm độc giả thương mà không ghét.
.......Có khá nhiều điều trong sách phải được đặc biệt luận bàn. Chuyện vui xin lược kể trước. Chuyện buồn sẽ nói sau.
Tôi đã không nín được cơn cười bùng vỡ khi đọc chuyện săn voi của tác giả :
Vào một ngày xa xưa, khi Trung Đoàn 12 còn đóng tại Võ Đất-Bình Tuy, binh sĩ của ông bắn hạ được mọt voi mẹ và một voi con khi cả bầy tràn về doanh trại.
Bởi tiêm nhiễm mê tín dị đoan nặng lối Tầu, lính tráng ào ào chen lấn nhau moi vạch bộ phận sinh dục của voi cái, cố kiếm mấy sợi âm mao vừa cứng vừa sắc như rễ tre để làm bùa cản gió sương hoặc vót tăm xỉa trừ sâu răng!...
Và… ông Trung Đoàn Trưởng chưa có người nâng khăn sửa túi, giữa tuổi thanh xuân hồn nhiên quấy tếu, đã nửa đùa nửa thật ban nghiêm lệnh cho đàn em phải nộp thuế cho "đại bàng" một sợi lấy thảo!
Đó là nét đáng yêu của trai tráng miền Nam say mê đời quân ngũ: "thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây" vào những năm tháng hiên ngang xông pha trận mạc "cổ nhân chinh chiến kỷ nhân hồi". Chung lưng đấu cật xả thân gìn giữ từng tấc đất mẫu rừng trước sức tấn công phá hoại dai dẳng của quân xâm lăng miền Bắc, họ vừa đánh giặc vừa vui đùa!
Chuyện kể về Thống Tướng Lê Văn Tỵ, một "bon papa" của tập thể quân đội miền Nam ngày trước, rất hài huớc mà thắm đượm tình yêu thương thuộc cấp nơi vị lão tướng hiền hòa, đức độ, thuở ông còn phục vụ dưới lá cờ Nguyên Soái.
Nó còn là lời ca chính khí về lòng trung thành tuyệt đối của một quân nhân chuyên nghiệp thuần túy với vị Tổng Tư Lênh tối cao của quân đội, với bản Hiến Pháp Cộng Hòa non trẻ; về lòng tận tụy cao của ông với đất nước.
Trung thần, hào kiệt thời nào cũng có, nhưng phải đỏ mắt trông tìm. Còn nịnh thần, kẻ gian thôi khỏi nói, cứ ra ngõ là chạm trán!...
Tác phong đường bệ của trung thần với lời nói khẳng khái oai dũng, uy lực bao nhiêu thì cử chỉ khúm núm mất phẩm giá và hành động phản trắc của gian thần lại hèn hạ đáng phỉ nhổ bấy nhiêu.
Người đọc sách ai không cau mặt khi đọc tới đoạn tả cảnh ngày Tết trong dinh Gia long :
Dăm "ngôi sao sáng" ẩn hiện giữa mấy "cụm mai trắng" trong quân phục đại lễ thẳng nếp, quì mọp dưới chân vị nguyên thủ quốc gia, đồng thanh dâng lời chúc"Vạn thọ vô cương", "Phúc như đông hải"!
Những mỹ từ tâng bốc lố lăng chưa kịp loãng tan vào thinh không, bọn nịnh thần đã toa rập xuống tay đâm chém, bắn giết, mạt sát thậm tệ người mà chúng vừa cúc cung xưng tụng là bậc anh minh cứu nước!
Trò đời, trò chính trị sao ti tiện quá! Những đào kép chính trong vở tuồng phản nghịch ế khách năm xưa, những kẻ táng tận lương tâm mê muội dù đã và đang cố gắng vùng vẫy cũng chẳng bao giờ ngoi lên khỏi huyệt mộ "lưu xú vạn niên".
Theo chân tác giả, người đọc được mời nhận diện nhân vật trá hàng Phạm Ngọc Thảo, chuyên viên đảo chính, điệp viên tam trùng với các hành động khuấy phá miền Nam khá lộ liễu của y. Lệnh ban ra từ cơ quan CIA Mỹ hay Trung ương đảng cộng sản miền Bắc? Qua điệp vụ cút bắt này ta cảm nhận phần nào sự đấu trí gay go giữa cơ quan phản gián của ta với cơ quan tình báo địch nhuần nhuyễn bí quyết trường kỳ mai phục.
Tưởng cũng nên nhấn mạnh, sau 30-4-1975,bạo quyền Cộng Sản đã tổ chức xôm tụ lễ truy điệu liệt sĩ (!) Phạm Ngọc Thảo tại Sàigon.
Như thế , vai trò phản phúc ngấm ngầm phá hoại của kẻ giang hồ gian hùng này đã được xác định, không còn gì hồ nghi nữa.
Chuyện chi tiết ly kỳ về kho tàng của Bảy Viễn cũng được ghi lại trong sách:
Vị chỉ huy một thời của tác giả, Trung Đoàn Trưởng Đỗ Hữu Độ, chính là người may mắn vồ được cơ man nào tiền bạc quí kim của tướng cướp Bình Xuyên giấu tại Rừng Sát. Công lao đích thực lại là của binh sĩ khi hành quân truy nã.
Tuy may mà vẫn rủi. Ông Độ đã bị xếp lớn, Đại Tá Dương Văn Minh cực kỳ thính tai, thính mũi, dùng quyền tư lênh chiến dịch, ngang tàng phỗng tay trên thuộc cấp món bở trời cho.
Nhung trước khi chịu ép một bề theo luật ngàn đời "cá lớn nuốt cá bé", Thiếu Tá Độ vẫn còn nhanh trí nhanh tay xén bớt được chút it đủ để sắm xe tậu nhà tại Saigon.
Bản tính tham sân si trong con người Phật Tử Nguyễn Hữu Duệ đã được chính ông thành thật giải tỏ qua ước vọng làm giầu tắt như bạn ông. Ý nghĩ ấy đủ khiến ông trằn trọc suốt đêm nghe bạn tâm sự chuyện nghìn năm một lần trong Rừng Sát .
Con người trần tục vốn yếu hen, chế ngự nỗi lòng ham muốn thật chẳng dễ dàng gì!
.......Chuyện vui cười trong quân ngũ, chuyện tình báo quốc gia, chuyện "châu về hiệp phố "... đã được điểm qua. Những sự thật khác hẳn lời đồn, những chuyện thương tâm trong kiếp người.
Khung cảnh cô liêu với mộ hai ông "Huynh Đệ" khói lạnh hương tàn...đã mang giao động triền miên đến.
Vốn nhạy cảm, khi đọc cuốn sách đôi lúc tôi không nén được niềm cảm xúc dạt dào : "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa "!. Tôi luôn bị ám ảnh bởi phương ngôn Pháp: "Un malheur n'arrive jamais seul".
Cũng vậy,trước nghịch cảnh đau lòng dân Mỹ cũng thường thốt ra câu : "Misfortunes never come singly". Chẳng lẽ người Tây phương đã gặp người Châu Á trong mê tín dị đoan ?
Trường hợp anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm chính là tiêu biểu nhận xét từ ngàn xưa "Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí " mà người Trung Hoa và người Việt Nam nào cũng biết cũng tin .
Bốn mươi năm trước, chỉ trong thời gian quá ngắn ngủi mà gia đình họ Ngô nhận lãnh nhiều tai họa, tang tóc kinh tâm vượt xa trí tưởng tượng của quần chúng. Họ Ngô đứt ruột mất ba người con.
Những kẻ nhận mình là người Quốc Gia được thúc đẩy bởi khát vọng quyền lực rất bệnh hoạn đã sát hại anh em Tổng Thống Diệm cực kỳ man rợ, mờ ám.
Ba người anh em ấy phạm tội ác ghê gớm gì để phải chịu chết thảm ?
Phản quốc ư?
Thủ tiêu người khác chính kiến ư?
Tham nhũng của công ư ?
Hay kỳ thị địa phương Tôn Giáo??...
Người ta cứ mãi gán tội cho Tổng Thống Diệm rất tàn ác, đối xử rất nặng tay với những người khác chính kiến...Tôi không bị thuyết phục.
Nói đâu xa , lãnh tụ Đại Việt Cách Mạng đảng Hà Thúc Ký, với chiến khu Ba Lòng võ trang chống lại chính quyền năm xưa, chỉ bị bắt giữ và được đối xử nhân đạo. Tôi làm chứng. Dù có ai dọa giết tôi cũng không nói khác .
Cụ Hà Thúc Ký là người tôi rất quí trọng. Nhà cách mạng lão thành này hiện ở Maryland, dù đã ngoại bát tuần vẫn còn theo đuổi lý tưởng và hoài bão một đời.
Đọc thêm cuốn "Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm " của Vĩnh Phúc sẽ rõ thêm về cụ Ký ngâm thơ "Nhớ rừng"của Thế Lữ.
Nhóm nhân sĩ Caravelle, với tuyên cáo nảy lửa năm nào có ai bị tra tấn, đánh đập, thủ tiêu? Xin liên lạc Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên hiện cũng ở Hoa Kỳ, tôi tin ông sẽ kể cho nghe sự thật.
Một vài trường hợp đó có lẽ đã đủ rồi.
Tội kỳ thị địa phương tôn giáo nơi Tổng Thống Diệm mới thực là ghê gớm.
Cái lưỡi không xương vốn ảo diệu !
Tác giả hồi ký Nguyễn Hữu Duệ đâu phải là người sĩ quan Phật Tử miền Bắc duy nhất được Bộ Tổng Tham Mưu và Phủ Tổng Thống trao trọng trách bảo vệ an ninh cho vị nguyên thủ quốc gia .
Trước ông, các vị Tư lệnh Lữ Đoàn Liên Binh Phòng vệ Phủ Tổng Thống tiền nhiệm trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa hầu hết là người miền Bắc và không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo .
Tôi còn nhớ không sai chạy, Trung Tá Lê Ngọc Triển, quê quán Nam Định, Phật Giáo, là vị chỉ huy đơn vị đầu tiên của tôi trong mấy năm liền. Sau này ông là Thiếu Tướng Tham Mưu Phó Hành quân Bộ Tổng Tham Mưu. Ông là người tôi rất quí trọng.
Thiếu Tướng Triển hiện đang vui thú điền viên tại Pomona-California còn khỏe và yêu đời. Tôi mới đến thăm ông bà hai tháng trước và hàn huyên với nhau đủ chuyện.
Trước nữa là Trung Tá Hoàng Lạc quê quán Hưng Yên, Phật Giáo, hiện cư ngụ tại Houston-Texas. Trước 30-4-1975, ông là Thiếu Tướng tư lệnh phó Quân Đoàn 1.
Xin nêu một trường hợp khác, Trung Tá Cao Văn Viên, giữa khoảng 1956-1960 đứng đầu cơ quan Tham Mưu Biệt Bộ Phủ Tổng Thống, phục vụ sát cạnh Tổng Thống Diệm đêm ngày. Sau này ông là Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH.Đại Tướng Cao Văn Viên cũng là Phật Tử thuần thành.
Chưa hết, cũng thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh Tư lệnh Binh chủng Không Quân là người miền Bắc, Phật Giáo. Giáo Sư Vinh hiện ở Sanjose-California .
Rồi Đại Tà Huỳnh Hữu Hiền, người miền Nam, Phật Giáo, cư ngụ tại Houston-Texas cũng là Tư lệnh Không Quân giữa thời nhiễu nhương 1963. Ấy là chưa kể đến những cộng sự viên thân tín của Tổng Thống Diệm trong guồng máy hánh chính và ngay trong Dinh Gialong, Dinh Độc Lập .
Tôi có thể kể mà không sợ nhầm lẫn: Ông Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng Tổng Thống không phải là con chiên của Chúa, cụ Đoàn Thêm, Phật Tử miền Bắc, cụ Quách Tòng Đức Đổng Lý Văn Phòng Phủ Tổng Thống, Phật Tử miền Nam .
Rồi Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, người miền Nam, Phật Giáo. Nhờ chưa lú lẫn nên tôi còn nhớ một số nhân vật quan trọng, tiếng tăm.
Xem vậy, quả la oan cho Tổng Thống Diệm và chính phủ của ông có tư tưởng và hành động kỳ thị tôn giáo địa phương .
Tạm đủ thấy, trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những người tài đức, có lập trường quốc gia vững chắc, hết lòng phục vụ quân đội, đất nước đều có cơ hội để tiến thân nắm giữ những chức vụ quan trọng, then chốt, không phân biệt địa phương tôn giáo.............Gác bên nhưng thiên kiến, hãy bình tâm lắng nghe vài mẫu tâm tình giữa ông Ngô Đình Luyện, bão đệ của Tổng Thống Diệm, cựu Đại Sứ VNCH tại Anh Quốc, bạn chí thiết thuở ấu thơ của Hoàng Đế Bảo Đại, với tác giả trước khi ông Luyện vĩnh biệt bể khổ trần ai mấy năm trước .
Nghe xong sẽ dễ dàng lấy lượng từ bi, lòng bác ái, lẽ công bằng mà phán xét vụ án lịch sử 1963 bằng lương tâm của người lương thiện có niềm tin đạo giáo vững vàng!...
Trở lại từ nguyên thủy khi ông Ngô Đình Diệm rời bỏ cuộc sống lưu vong về nước chấp chính. Ông Luyện tiết lộ rằng Quốc Trưởng Bảo Đại đã phải nài ép rất nhiều lần mới thuyết phục được ông Diêm nhận chức Thủ Tướng.
Ông Diệm đã chỉ tuyên thệ với Quốc Trưởng ông sẽ hết lòng phục vụ đất nước và giữ vững nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng.
Ông Diệm không hề thề thốt tuyệt đối trung thành với cá nhân Quốc Trưởng Bảo Đại. Và Quốc Trưởng cũng nhắc ông Diệm rằng bất cứ trong trường hợp nào cũng phải đặt tổ quôc Viet Nam lên trên hết.
Lời thề bằng tiếng Pháp mà ông Tôn Thất Thiện, cựu Bộ Trưởng Thông Tin dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, hiện cư ngụ tai Ottawa-Canada còn ghi giữ. Ít lâu sau, do tình thế nguy kịch của miền Nam với nạn sứ quân giáo phái võ tran , với sự lộng hành của đảng cướp Bình Xuyên, với âm mưu thọc gậy bánh xe của thực dân Pháp...nên có những biến chuyển chính trị sôi động đưa đến cuộc trưng cầu dân ý 23-10-1955 .
Từ cuộc trưng cầu dân ý này, vị Vua cuối cùng của nhà Nguyễn chỉ ham hưởng thụ tiền công quĩ ở ngoại quốc, không buồn ngó ngàng gì đến việc đất nước đang như lửa bỏng dầu sôi trước hiểm họa Cộng Sản. Ông bị truất phế! Và nền Cộng Hòa được khai sinh. Lời đồn ác ý về ngôi nhà dùng làm tòa Đại Sứ Việt Nam tại Anh Quốc là tài sản Quốc Gia bị ông Luyện trắng trợn sang đoạt hoàn toàn sai lạc. Sau biến cố 30-4-1975, tòa nhà ấy bị nhà cầm quyền Cộng Sản thâu hồi. Ai muốn biết chi tiết xin hỏi ông Trần Mạnh Phúc, cựu Tham Vụ Ngoại Giao tại Tòa Đại Sứ VNCH ở Luân Đôn hiện cư ngụ tại San Diego -California thì biết rõ .
Chuyện Trung Cộng muốn thiết lập bang giao với VNCH do Mao Trạch Đông khởi xướng là có thật. Chính Thủ Tướng Chu Ân Lai và đại sứ Trung Cộng tại Anh đã đưa sáng kiến này dọ ý VNCH qua đại sứ Luyện.
Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến của bạn đồng minh, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc và đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổng Thống Diệm đã quyết định đình hoãn mọi tiếp xúc với Trung Cộng về việc này. Kế hoạch "tráo ngựa giữa trường đua " vừa cạn tàu ráo máng vừa trắng trợn xen vào việc nội bộ Việt Nam của Hoa Kỳ năm 1963, với âm mưu mua chuộc một số tướng lãnh còn mang nặng đầu óc nô lệ, tối mắt vì Dollars tổ chức cuộc đảo chính, rút cuộc cũng đến tai anh em Tổng Thống Diệm.
Qua đường dây tình báo quốc ngoại Luân Đôn, Đại Sứ Luyện được một Linh Mục Dòng Jesuit cung cấp tin tưc tối mật này xuất phát từ trung tâm quyền lực Tòa Bạch Ốc.
Biết trước mà vẫn không thoát khỏi đại nạn! Do định mệnh chăng?
Không, theo sự suy luận chủ quan nông cạn của tôi, có khá nhiều yếu tố đưa tới thảm họa .
Chính vì Tổng Thống Diệm sống cách biệt trong thế giới suy tư khép kín của riêng ông, khắc kỷ như chiếc bóng cô đơn, ông đã cả tin đem dạ Quân Tử hết lòng vì nước đo bụng tiểu nhân của bọn rắp tâm phản loạn, những con rối của ngoại nhân, nên ông đại bại trong cuộc cờ cai trị. Chỉ vì thiếu quyết tâm trong việc cải tổ cơ cấu quân sự đầu não, quá đắn đo trong việc thăng thưởng, chậm chạp trong việc đề bạt, trọng dụng các sĩ quan trẻ tài ba tràn trề nhiệt huyết, yêu nước nồng nàn, tôn trọng luật pháp, giầu kiến thức và nhiều kinh nghiệm chiến trường, chỉ vì muốn đem tình gia trưởng cư xử với băng đảng tướng tá "xác Việt hồn Tây "hư hỏng, với đám "sorti du rang" sống lâu lên lão làng, gốc gác khố đỏ khố xanh, vô tình ông đã dẫn hai em ông dấn sâu vào tử địa .
Thương thay, ba anh em ông đã bị bọn chính trị tay mơ thanh toán tàn bạo, nghịch thường với đạo lý Khổng Mạnh, với truyền thống hiền hòa, ân nghĩa của dân tộc...
Ông nằm xuống mà hồn non sông rung động!....
(Trich trong Tuần Báo Đời "Số 25 ")
Nghe xong sẽ dễ dàng lấy lượng từ bi, lòng bác ái, lẽ công bằng mà phán xét vụ án lịch sử 1963 bằng lương tâm của người lương thiện có niềm tin đạo giáo vững vàng!...
Trở lại từ nguyên thủy khi ông Ngô Đình Diệm rời bỏ cuộc sống lưu vong về nước chấp chính. Ông Luyện tiết lộ rằng Quốc Trưởng Bảo Đại đã phải nài ép rất nhiều lần mới thuyết phục được ông Diêm nhận chức Thủ Tướng.
Ông Diệm đã chỉ tuyên thệ với Quốc Trưởng ông sẽ hết lòng phục vụ đất nước và giữ vững nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng.
Ông Diệm không hề thề thốt tuyệt đối trung thành với cá nhân Quốc Trưởng Bảo Đại. Và Quốc Trưởng cũng nhắc ông Diệm rằng bất cứ trong trường hợp nào cũng phải đặt tổ quôc Viet Nam lên trên hết.
Lời thề bằng tiếng Pháp mà ông Tôn Thất Thiện, cựu Bộ Trưởng Thông Tin dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, hiện cư ngụ tai Ottawa-Canada còn ghi giữ. Ít lâu sau, do tình thế nguy kịch của miền Nam với nạn sứ quân giáo phái võ tran , với sự lộng hành của đảng cướp Bình Xuyên, với âm mưu thọc gậy bánh xe của thực dân Pháp...nên có những biến chuyển chính trị sôi động đưa đến cuộc trưng cầu dân ý 23-10-1955 .
Từ cuộc trưng cầu dân ý này, vị Vua cuối cùng của nhà Nguyễn chỉ ham hưởng thụ tiền công quĩ ở ngoại quốc, không buồn ngó ngàng gì đến việc đất nước đang như lửa bỏng dầu sôi trước hiểm họa Cộng Sản. Ông bị truất phế! Và nền Cộng Hòa được khai sinh. Lời đồn ác ý về ngôi nhà dùng làm tòa Đại Sứ Việt Nam tại Anh Quốc là tài sản Quốc Gia bị ông Luyện trắng trợn sang đoạt hoàn toàn sai lạc. Sau biến cố 30-4-1975, tòa nhà ấy bị nhà cầm quyền Cộng Sản thâu hồi. Ai muốn biết chi tiết xin hỏi ông Trần Mạnh Phúc, cựu Tham Vụ Ngoại Giao tại Tòa Đại Sứ VNCH ở Luân Đôn hiện cư ngụ tại San Diego -California thì biết rõ .
Chuyện Trung Cộng muốn thiết lập bang giao với VNCH do Mao Trạch Đông khởi xướng là có thật. Chính Thủ Tướng Chu Ân Lai và đại sứ Trung Cộng tại Anh đã đưa sáng kiến này dọ ý VNCH qua đại sứ Luyện.
Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến của bạn đồng minh, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc và đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổng Thống Diệm đã quyết định đình hoãn mọi tiếp xúc với Trung Cộng về việc này. Kế hoạch "tráo ngựa giữa trường đua " vừa cạn tàu ráo máng vừa trắng trợn xen vào việc nội bộ Việt Nam của Hoa Kỳ năm 1963, với âm mưu mua chuộc một số tướng lãnh còn mang nặng đầu óc nô lệ, tối mắt vì Dollars tổ chức cuộc đảo chính, rút cuộc cũng đến tai anh em Tổng Thống Diệm.
Qua đường dây tình báo quốc ngoại Luân Đôn, Đại Sứ Luyện được một Linh Mục Dòng Jesuit cung cấp tin tưc tối mật này xuất phát từ trung tâm quyền lực Tòa Bạch Ốc.
Biết trước mà vẫn không thoát khỏi đại nạn! Do định mệnh chăng?
Không, theo sự suy luận chủ quan nông cạn của tôi, có khá nhiều yếu tố đưa tới thảm họa .
Chính vì Tổng Thống Diệm sống cách biệt trong thế giới suy tư khép kín của riêng ông, khắc kỷ như chiếc bóng cô đơn, ông đã cả tin đem dạ Quân Tử hết lòng vì nước đo bụng tiểu nhân của bọn rắp tâm phản loạn, những con rối của ngoại nhân, nên ông đại bại trong cuộc cờ cai trị. Chỉ vì thiếu quyết tâm trong việc cải tổ cơ cấu quân sự đầu não, quá đắn đo trong việc thăng thưởng, chậm chạp trong việc đề bạt, trọng dụng các sĩ quan trẻ tài ba tràn trề nhiệt huyết, yêu nước nồng nàn, tôn trọng luật pháp, giầu kiến thức và nhiều kinh nghiệm chiến trường, chỉ vì muốn đem tình gia trưởng cư xử với băng đảng tướng tá "xác Việt hồn Tây "hư hỏng, với đám "sorti du rang" sống lâu lên lão làng, gốc gác khố đỏ khố xanh, vô tình ông đã dẫn hai em ông dấn sâu vào tử địa .
Thương thay, ba anh em ông đã bị bọn chính trị tay mơ thanh toán tàn bạo, nghịch thường với đạo lý Khổng Mạnh, với truyền thống hiền hòa, ân nghĩa của dân tộc...
Ông nằm xuống mà hồn non sông rung động!....
(Trich trong Tuần Báo Đời "Số 25 ")
BS Nguyễn Tuấn Anh (QYHD 5)(Nguyên Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống)
No comments:
Post a Comment