Sunday, December 13, 2015


  Thằng nghịch tặc

Y Hạ


Tôi nghe mẹ tôi kể lại rằng, hồi nhỏ tôi rất hay phá phách, xào xáo mọi thứ đồ đạc trong nhà - phá trong nhà chán chê rồi lại còn chạy sang nhà hàng xóm phá tiếp... bị người ta mắng vốn là chuyện thường ngày. Từ đó, mẹ tôi mắng tôi là “thằng nghịch tặc!”. Chết tên luôn cho tới tận bây giờ! Còn cha tôi thì cười cười và chậm rãi nói: Hắn là con trai - hắn phải hiếu động, nếu hắn ngồi im lìm một chỗ đuổi ruồi không bay thì lớn lên sẽ bị người khác ăn hiếp.

Những tiếng thằng nghịch tặc mẹ tôi thường dùng để chửi tôi nhiều nhất là mỗi khi tôi làm việc nào đó - mẹ giao mà tôi làm không xong, làm hư hoặc không vừa ý! Lâu dần những tiếng - thằng nghịch tặc theo năm tháng cứ thấm dần vào trong tâm hồn tôi lúc nào tôi cũng không biết nữa! Khi tôi đi học trường làng, hằng ngày phải qua đò. Mẹ ân cần dẫn tôi ra bến sông và dặn: Thằng nghịch tặc! Tan học chạy ngay ra bến sông đừng cà rà với bạn bè mà trễ đò nghe chưa!

Hôm nào tôi được Thầy cho điểm “mười” tôi hớn hở đem ra khoe...! Mẹ xem xong rồi ôm tôi vào lòng, tay vò vò đầu rồi nói: Ôi! Cái thằng nghịch tặc của mẹ giỏi quá chừng, ngày mai đi chợ mẹ thưởng cho một rề bánh đúc nha? Mẹ biết tôi rất khoái ăn bánh đúc với mắm nêm, nên buổi chợ nào bán lờ xong mẹ cũng mua - không nhiều thì ít lúc nào cũng có bánh đúc để dành cho tôi ăn!

Riết rồi cha tôi cũng gọi tôi là - thằng nghịch tặc! Hàng xóm cũng kêu tôi là thằng nghịch tặc và bạn bè của tôi cũng kêu như vậy. Thằng nghịch tặc - như là một cái tên thứ hai thường dùng hằng ngày của tôi. Tôi không cảm thấy bực mình hay xấu hổ gì mà ngược lại - thích thích, mỗi khi được ai đó gọi tôi như vậy! Vốn là “nghịch tử” thì sợ gì cái tên “thằng nghịch tặc”? Nhưng càng ngày càng lớn tôi không còn nghịch tặc nữa. Nhưng tính tình hơi... ngang bướng, hay cãi. Tôi là dân Quảng Nam mà!

Ở trong trường tôi cũng tranh cãi lung tung với bạn bè. Còn với thầy cô tôi không vô lễ, nhưng luôn đặt câu hỏi về những chuyện tôi không hiểu - chưa kịp hiểu hay cảm thấy bị... ức hiếp... Thành ra tôi có nhiều bạn bè. Họ phục cái tính “bương bướng” của tôi. Tôi không biết nhiều về chữ “tặc”. Tôi chỉ biết mỗi chuyện hải tặc: ”Viking trên bán đảo Scandinavia xa xưa” gì đó mà tôi cùng các bạn đọc trong truyện tranh - và tôi cũng không hiểu hết nghĩa của chữ tặc ra làm sao nữa. Sau nầy học lên lớp trên, học sử ký, tôi mới biết thêm chữ “tặc” do một vị tướng tài ba - ba lần đánh tan giặc Nguyên-Mông. Đó là: Hưng-Đạo-Vương Trần Quốc Tuấn. Khi ông tâu với vua Trần là:

“Kim Niên Tặc Nhàn”! Tạm hiểu là (năm nay đánh giặc khỏe!). Nhờ vậy mà tôi mới hiểu ra được chữ “tặc” là giặc; là cướp nước, cướp của người khác...

Thời chúng tôi - nơi học đường thầy cô không có dạy sự hận thù, không dạy nói xấu người khác khi không có mặt họ, cũng như không được lên án hay phê phán bất kỳ ai - một khi chưa biết rõ nguyên nhân - Đúng sai...! Không có lấy xác người chết hay phương tiện chiến tranh của bên đối phương ra để làm toán: Cộng, trừ, nhân, chia...!

Khi tôi đến tuổi đi Quân-Dịch - cũng như bao thanh niên khác tôi lên đường tòng quân. Tôi không ngạc nhiên chuyện đi lính vì trong gia đình đã có người chú họ đi lính Nghĩa-Quân. Tôi thấy chú tôi mang súng - cây súng gì mà dài thòng! Chú tôi thường hay kêu là: Súng “củ tỏi”! Bởi nó có cái cần bên phải và trên đầu có cái núm tròn. Mỗi lấn bắn được một viên đạn xong thì tiếp tục nắm củ tỏi giật vỏ đạn văng ra rồi đẩy tiếp viên đạn khác lên nòng - bắn! Cứ thế mà...luân hồi...! Sau nầy thay súng “tối tân” hơn - đó là cây súng Carbine M1, cũng bắn phát một, nhưng đỡ vất vả hơn chỉ tê rần ngón tay trỏ vì bóp cò liên tục!

Khi tôi vào lính tôi được trang bị khẩu súng “Ga-rant”. Cây súng nầy cũng dài thòng và nặng nề. Nhưng có điều dễ xin đạn vì cùng loại đạn với súng Trung-Liên 3. Lúc rảnh tôi thường lén đi bắn cá. Súng ga-rant bắn ra sức công phá rất mạnh, tiếng nổ chát chúa, đa phần cá bị chấn động - bể phổi mà nổi lên mặt nước. Tôi nhìn người lính công-binh Hoa-Kỳ làm đường - hãng “RMK”. Họ cũng mang khẩu súng ga-rant, nhưng bắn liên thanh, hình dáng đẹp và nhẹ. Người lính chúng tôi thích lắm nhưng không được trang bị loại súng nầy!

Tôi vào lính rồi nhưng mẹ tôi vẫn gọi tôi là thằng nghịch tặc mỗi khi tôi về thăm nhà. Mẹ chăm lo cho “thằng-nghịch-tặc” đủ thứ thức ăn... Dặn dò nhớ đọc kinh cầu nguyện mỗi tối. Thời buổi súng đạn nhiễu nhương biết đâu mà lần, chỉ nhờ ơn trên phù hộ mà thôi. Trong ba-lô của tôi thì ôi thôi đủ thứ lỉnh kỉnh - mẹ nhét vào nào là: Tỏi, gừng, tiêu hột... riêng chai dầu “Nhị-Thiên-Đường” thì mẹ không bao giờ quên! Bởi trong túi áo của mẹ lúc nào cũng sẳn sàng chai dầu... Mẹ hay lấy ra thoa lên trán, lên cổ, hai bên màng tang hoặc cạo gió - bất cứ thời gian nào; bất cứ lúc nào nếu có một ai đó trúng gió, hay cảm mạo...



Ảnh minh hoạ

Chiến tranh càng ngày càng dữ dội. Đêm đêm mẹ thắp nhang khấn vái ơn trên xin bằng an cho thằng-nghịch-tặc! Còn thằng nghịch tặc thì cứ nhởn nhơ cười hì... hì...! Có chết đâu? Giày dép còn có số, mạng sống con người cũng vậy thôi. Đạn nó tránh chứ con người làm sao tránh nỗi đường đạn đi mà tránh! Mỗi lần tôi nói vậy thì mẹ tôi lại mắng te tua: Mầy là thằng nghịch tặc...! Nếu có bề chi mẹ làm sao sống nổi. Nghe mẹ nói vậy. Thật tình trong lòng tôi hối hận và nhận thấy - tôi là thằng nghịch tặc thiệt chứ chẳng chơi!

Ngày “buông súng đầu hàng!” “Cách-Mạng khoan hồng” không giết - được đưa đi “học tập cải tạo”! Mẹ buồn nhưng không có khóc, còn động viên:

“Cách-Mạng nói: “đi có mười ngày” chứ có lâu liếc gì mà lo...! Học cho tốt rồi về nhà làm rẫy phụ mẹ nuôi mấy đứa em của con. Mẹ góa con côi, mẹ biết nương nhờ ai đây? Mẹ hy vọng nơi con - con là con trai đầu, “quyền huynh thế phụ”! Con có hiểu không hở thằng nghịch tặc!

Ôi chao! Giờ nầy mà mẹ còn kêu tôi là thằng nghịch tặc với một âm giọng nghẹn lời tràn ngập tình mẫu tử. Tôi thảng thốt cầm hai tay của mẹ ngùi ngùi: Giờ nầy còn gì đâu mà nghịch tặc nữa hở mẹ - con không còn nghịch tặc nữa mà...! - Con đi vào trong đó... cố gắng học tập cho tốt đừng cãi lại cách-mạng mà mang họa vào thân nghe chưa! - Phải luôn nhớ là ở nhà còn mẹ già và em thơ nghe con. Mẹ tôi rưng rưng dặn dò. Tự dưng - tôi thấy tôi thật nhỏ nhoi, thật bé bỏng như cái thời mẹ tôi dẫn tôi ra bến sông để qua bên kia ngôi trường làng đi học thuở nào!

Hai năm sau “trại...” mới cho “cải tạo viên” được viết thư về báo cho thân nhân đến “thăm nuôi”! Thăm nuôi mỗi tháng một lần. Mỗi lần “ba mươi phút”! Tôi viết thư ngắn gọn nói với mẹ là: “Con còn sống và đang ở trên rừng. Tại trại ... cách-mạng lo mọi cái đầy đủ! Mẹ nhớ lên thăm con ngày thứ bảy đầu tháng” Viết nhiều trại kiểm duyệt gặp từ “phạm húy” thế nào cũng bị xóa... ! Vậy mà thư của tôi đi “lạc” địa chỉ...! Ba tháng sau kể từ ngày được phép thăm nuôi. Tôi được Trại kêu ra cổng gặp “thân nhân”! Nghe lệnh ra gặp thân nhân tôi nghĩ ngay đến mẹ và đôi chân như muốn quỵ xuống , nước mắt chực chờ tuôn rơi... Tôi bậm miệng nghĩ...Trại cấm khóc, hơn nữa... “mầy là thằng nghịch tặc, lì lợm - sao lại khóc? Không biết xấu hổ hả?” . Tự dưng tôi cảm thấy an tâm ra gặp mẹ!

Sau lần gặp đầu tiên, cứ mỗi ba tháng hay bốn tháng mẹ thăm tôi một lần. Nhà nghèo, một mình mẹ bương chải nuôi cả đàn em của tôi, lại còn lo cho tôi nữa! Mẹ tôi và người chị họ của tôi đi mua muối từ Phan-Thiết đem đi bán lẻ cho khắp vùng Đông-Nam-Bộ. Khổ thân biết chừng nào! Ngày mồng ba Tết “năm thứ năm... cải tạo” mẹ lên cho tôi bánh tét. Khi hết giờ thăm - mẹ nói nhỏ -”Thằng nghịch tặc”! Sao học tập lâu vậy?!

Ở trong trại tôi lại nghe chữ “tặc” - Nhưng chữ “tặc” lần nầy là do ông: “ Phó Trưởng -Trại” nói: “Bọn ngụy tặc”... Thì ra, chúng tôi là “bọn giả mạo đi cướp và bán nước...” (!)

Sau gần mười năm “cải tạo” trở về nhà tôi mới nhận thấy bên ngoài sinh ra quá nhiều cái “tặc” mà Tự-Điển tiếng Việt không kịp chỉnh sửa hoặc không giải nghĩa được? Bởi vì có rất nhiều ngành nghề bình thường, hiền lành cả nghìn năm nay vậy mà bây giờ cũng đâm ra “tặc” hết trơn?! Như vậy nghĩa là làm sao?

Nhìn đâu cũng thấy đủ thứ tặc: “Nông tặc, ghế tặc, dù tặc, ngựa tặc, chó tặc, mèo tặc, ngư tặc, nghêu tặc, điều tặc, võng tặc, mông tặc, chòi tặc, điện tặc, hỏa tặc. đinh tặc. khoáng tặc, vàng tặc, thiếc tặc, lâm tặc. địa tặc, cà phê tặc, xe tặc, ăn xin tặc, hàng rong tặc, đạo tặc...”!

Cuối cùng trở thành... quốc tặc! Cả nước đều tặc hết nên chẳng ai dám tin vào ai...!

Sống nơi chân trời góc bể hằng ngày thương nhớ mẹ biết bao! Mẹ tôi sống với mấy người em gái và đứa em trai - mẹ tôi giờ đã chín mươi tuổi! Không biết Chúa sẽ gọi đi lúc nào? Tuy mẹ còn chút sức khỏe nhưng hai tai đã nghễnh ngãng. Có lần tôi gọi điện về hỏi thăm gia đình - chú em bận chuyện chi không biết mà không bắt máy. Mẹ tôi bắt máy. Tôi nghe giọng mẹ:

-A lô! A lô! Giọng nói rất rõ và hỏi - Ai gọi đó?

Tôi hét lớn vào trong máy... - Con đây! Con là thằng Hai ở bên Mỹ gọi về thăm mẹ đây! Mẹ tôi không nhận ra giọng nói của tôi nữa rồi nên mẹ cứ:
-Hả! Hả...! - Thằng Hai nào? - Ở đâu? - Tôi rống lên thật to...! - Con là... thằng nghịch tặc gọi về thăm mẹ đây! Giọng mẹ tôi mừng rơn...!

-Thằng nghịch tặc hả? -Tết nầy gia đình con có về thăm mẹ được không? Mẹ nhớ con, nhớ mấy đứa cháu lắm!

- Tôi nghe tiếng mẹ tôi khóc... và, tôi... cũng... khóc theo!


12/12/1015
Y Hạ

No comments:

Blog Archive