Thursday, December 17, 2015


 
Đinh Từ Bích Thúy

Lời Giới Thiệu: Hình ảnh bà Nhu đã cuốn hút Monique Demery từ lúc cô còn bé, lần đầu cô nhìn thấy bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Larry Burrow chụp Bà Nhu năm 1962 "với mái tóc đen bới cao và móng tay sơn đỏ," trong trang phục áo dài bó sát người, đang cầm khẩu súng lục.

Đây cũng là hình bìa cuốn tiểu sử của Monique Demery về cựu Đệ nhất Phu nhân của miền Nam Việt Nam, tựa đề Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu (nxb PublicAffairs: 2013).

Tuy lúc còn bé Demery bị sắc đẹp của bà Nhu thu hút, dần dà cô có một cảm nhận sâu xa về vấn đề mà nhiều người đàn bà thông minh và nhan sắc kết hôn với những chính khách thế lực vẫn phải đương đầu ngày hôm nay: làm thế nào để một phụ nữ không được dân bầu xử sự đúng cách, trong trường hợp bà từ chối đóng vai trang điểm – mà người Mỹ gọi là “kẹo tay” (arm candy) – bên cạnh ông chồng?

Hơn năm mươi năm trước đây, bà Ngô Đình Nhu, dân biểu Quốc hội và em dâu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, là một nhân vật gây nhiều tranh cãi và chia rẽ trong dư luận báo chí Mỹ. Trần Lệ Xuân, hay "mùa Xuân đẹp," đã nổi tiếng ở phương Tây qua danh từ không được trân trọng là "Dragon Lady," ám chỉ một femme fatale quyến rũ nhưng hiểm độc. Lời tuyên bố của bà về “màn kịch sư nướng" sau vụ Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu đã chấn động thế giới và tác động sự hậu thuẫn của chính quyền Mỹ trong cuộc đảo chính lật đổ nhà Ngô vào năm 1963. 

Sau biến cố 1963, bà Nhu sống nhiều năm trong bóng tối. Vào năm 2005, Monique Demery, một học giả trẻ tuổi có kiến thức ngôn ngữ Việt, Pháp và một đam mê về lịch sử hiện đại của Việt Nam, quyết định từ Mỹ sang Paris “truy lùng” bà Nhu. 

Demery đã đọc một bài báo của Trương Phú Thứ về chuyện ông phỏng vấn bà Nhu trong một “đơn vị gia cư trên tầng thứ 11 của một tòa nhà gần tháp Eiffel.” Sự kiên trì của Demery giúp cô tìm ra chỗ ở của Bà Nhu, để rồi bị bà tạo ra vô số những dàn cảnh phức tạp để tránh gặp mặt. Tuy vậy, Demery đã có một tình bạn kéo dài sáu năm qua những trao đổi điện thoại và e-mail, cho đến lúc bà Nhu qua đời vào tháng Tư năm 2011. Từ những cuộc đối thoại này, Demery đã có đủ tư liệu để viết thành quyển Finding the DragonLady: The Mystery ofVietnam’s Madame Nhu (Đi Tìm Long Nữ: Bí Ẩn về Bà Nhu). 

Qua tác phẩm của Demery, hình ảnh bà Nhu trở nên linh động, phức tạp hơn chân dung “ác phụ” của bà trước đây: một nữ sinh tự tin và mạnh mẽ, đã chọn đóng vai người mẹ ghẻ "do tiềm năng tuyệt vời của vai ác" thay vì vai Bạch Tuyết trong màn kịch ballet của trường học; một bà mẹ trẻ quyết liệt bảo vệ sự an toàn cho đứa con gái một tuổi (Ngô Đình Lệ Thủy) trong cuộc di tản đường bộ từ Kinh Thành Huế vào tháng Chạp năm 1946 dưới sự quan sát gắt gao của Việt Minh; một nhà cải cách xã hội thẳng tay lên án những bất công về giới tính nhưng bị cô lập vì dư luận và thành kiến.

Demery tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á Học tại Đại học Harvard. Những cuộc đàm thoại qua điện thoại giữa cô và bà Ngô Đình Nhu vào năm 2005 là loạt phỏng vấn đầu tiên sau năm 1986 mà bà Nhu đã dành cho một học giả Tây Phương. Demery hiện sống và làm việc ở Chicago, Illinois. 

Nguyên bản Anh ngữ (rút gọn) của bài phỏng vấn đã được đăng trên thư mục điểm sách Shelf Awareness ngày 8 tháng 10, 2013, 

Monique Demery

(1) Xin chị cho biết về mối liên hệ giữa chị và bà Nhu? 

MD -Tôi bắt đầu được biết bà vào năm 2005. Mối liên hệ này chấm dứt vào năm 2011 khi bà qua đời. Phần nhiều sự giao thiệp này được thực hiện qua những cuộc nói chuyện bằng tiếng Pháp trên điện thoại, rồi qua email vào cuối đời bà Nhu. Chúng tôi không bao giờ gặp mặt nhau. Bà luôn luôn úp mở, hứa hẹn về chuyện muốn gặp mặt tôi. Lúc đầu tôi còn tin bà. Bà Nhu bày ra những dự án phức tạp về những buổi gặp gỡ đã không bao giờ diễn ra ở Paris. Bà thích hẹn hò, và đưa ra nhiều điều kiện, nhưng luôn luôn thất hẹn vào giờ chót. 

Một lý do duy nhất mà tôi có thể hiểu từ cách xử sự mâu thuẫn của bà, là chuyện bà không muốn người khác thấy bà như một người đàn bà già yếu hay tầm thường. Bà muốn duy trì không khí huyền thoại về bà. Tôi không trách bà chuyện này, tuy đã hy vọng rằng sẽ một ngày được gặp mặt bà.

(2) Trong thời gian chị có những liên lạc qua điện thoại và thư từ với bà Nhu, chị đã gửi cho bà một tấm ảnh trong thư viện lưu trữ những tài liệu của Tổng Thống Lyndon Johnson (LBJ Presidential Library) ở Đại học Texas tại Austin. Tấm hình chụp bà khoe những tấm da hổ trong phòng ngủ của bà ở Dinh Độc Lập với Lady Bird Johnson, phu nhân của Phó Tổng thống Johnson, và bà Jean Smith, em gái của Tổng thống Kennedy, trong chuyến phái đoàn Mỹ sang thăm viếng Việt Nam vào tháng 5 năm 1961. 

Tôi nghĩ đây là một tấm ảnh khá trung thực và hài hước về hai khuynh hướng văn hóa. Tấm ảnh biểu tượng không những bà Nhu mà còn là hình ảnh của Việt Nam – một quốc gia có những nét văn minh, đài các, thậm chí thân mật, ấm cúng (vì ảnh chụp trong phòng ngủ bà Nhu) nhưng vì phòng được trải những tấm da hổ nên vẫn có vẻ hoang dã, xa lạ. Những người đàn bà Tây Phương trong tấm ảnh, với dáng dấp cao lớn hơn bà Nhu, đã cố giữ phong cách phớt tỉnh bên cạnh những tấm da hổ có vẻ như sẽ vùng dậy bất cứ lúc nào.

Nhưng tấm hình được chọn làm hình bìa cho quyển sách lại là một tấm hình có phần cliché– là cảnh bà Nhu mặc áo dài bó sát người đang cầm súng nhắm bắn, như một ác phụ trong phim James Bond. Tại sao tấm hình này lại được chọn?

Lady Bird Johnson, bà Ngô Đình Nhu, bà Jean Smith và một phụ nữ trong phái đoàn ngoại giao Hoa kỳ

MD -Hình bìa của cuốn sách là một hình bìa tuyệt vời, và tôi dám cả quyết một cách tự phụ như thế vì tôi không phải là người chọn nó! Nhà xuất bản PublicAffairs và nhân viên thiết kế sách đã chọn tấm hình nổi tiếng này, trước đây đã xuất hiện trên tạp chí LIFE chụp bà Nhu đang huấn luyện các phụ nữ trong Hội Phụ Nữ Liên Đới cách bắn súng. 

Nếu tôi không biết gì về bà Nhu và tình cờ đi ngang qua một hiệu sách có trưng bày cuốn sách với một hình bìa như vậy, tôi sẽ chú ý đến nó ngay lập tức, vì đó là một hình bìa có tính cách khiêu khích. Tôi đồng ý rằng hình ảnh đó làm người ta nghĩ đến Bà Nhu như một người đàn bà quyến rũ nhưng ác hiểm, một “Rồng Mụ.” Tôi hy vọng rằng nội dung cuốn sách sẽ thay đổi cái nhìn của người đọc, và sẽ cho ta thấy con người thật của bà đằng sau hình ảnh phiếm họa đó. 

Tôi cũng đồng ý với chị là hình bà Nhu với những tấm da hổ là một tấm hình có phần chân thật, và cảm động hơn. Chúng ta thấy một người đàn bà khuê các, nhỏ nhắn, có vẻ truyền thống. Bà rất hãnh diện và chủ quan khi khoe quan khách ngoại quốc những tấm da hổ – thành tích từ những chuyến đi săn của ông Nhu.

(3) Vâng, tôi nghĩ hình ảnh của báo chí Tây Phương về bà Nhu như một “Dragon Lady” ác hiểm và đầy quyến rũ là một hình ảnh khá sáo mòn. Ký giả Stanley Karnow tả “áo dài hở ngực và thái độ hống hách” của bà trong quyển sách Vietnam: A History của ông. Thiếu tướng Edward Lansdale, hòa nhã hơn, nhận xét trong một bài phỏng vấn rằng bà Nhu là một người đàn bà thích lo cho chồng, cho con, và được “huấn luyện kỹ trong những nghệ thuật dành cho phụ nữ” nhưng bà không được chồng hay gia đình nhà chồng hiểu. Những yếu tố nào đã tạo ra những cái nhìn khác biệt, nhưng vẫn còn khá giới hạn, về bà Nhu? 

MD - Tôi nghĩ rằng những nhân vật độc đáo trong phim ảnh, sách báo, hay lịch sử, đều là những con người phức tạp nhất. Như chị đã nhận xét, cái nhìn về bà Nhu của ký giả Karnow và chính khách Landsdale đều giới hạn và chưa lột tả hết con người của bà Nhu. Tôi không muốn đi vào con đường mòn của họ. 

Tôi nghĩ cách tốt nhất để hiểu những mâu thuẫn về bà Nhu là đặt bà trong bối cảnh lịch sử. Bà là một sản phẩm tiêu biểu của thời đại bà – một thời đại đầy hỗn loạn! Thời đại thực dân Pháp sắp sửa kết thúc, và tinh thần quốc gia bắt đầu thăng hoa. Những giá trị xã hội cổ truyển cũng thay đổi khi người dân rời vùng quê lên thành thị lập nghiệp. Những cải cách giáo dục và xã hội trong đời sống phụ nữ tạo ra sự xung khắc với quan điểm phụ hệ. 

Một thí dụ điển hình về sự xung đột trong con người bà Nhu: bà bắt mọi nguời phải nói tiếng Pháp ở bàn ăn cùng lúc tuyên bố rằng bà ghét truyền thống thực dân và hết lòng khuyến khích các phụ nữ Việt theo chân bà trong quá trình phát triển bản sắc quốc gia.

4) Từ cái nhìn của người Mỹ, hình như các nhà báo thiên tả đều có khuynh hướng kỳ thị đàn bà không khác gì những người viết bảo thủ. Ông Karnow viết, “quyền lực của bà Nhu biểu hiện cho một chế độ trên đà xuống dốc — như trong lịch sử Đài Loan và Trung Hoa — sự thăng tiến của Bà Tưởng Giới Thạch đã rút ngắn sự tồn tại của phu quân, và thế lực của Giang Thanh phản ảnh sự xuống dốc của Mao Trạch Đông” (Vietnam: A History, trg. 266). Tương tự, chị đã trích ký giả David Halberstam buộc tội bà Nhu là “nhúng tay vào chuyện chính trị của đàn ông với cung cách kiêu căng vô lối” (Finding the Dragon Lady, trg. 136). Hình như những nhận xét này vừa kỳ thị đàn bà vừa kỳ thị chủng tộc? Hình như người Mỹ về sau cũng phàn nàn chuyện bà Hillary Clinton xía vào những hoạt động chính trị của Tổng thống Clinton?

MD - Tôi nghĩ rằng khuynh hướng báo chí mô tả bà Nhu như một “Dragon Lady” có nhiều phần kỳ thị giới tính và chủng tộc, nhưng tôi nghĩ các ký giả vào thập niên 60 không chủ tâm như vậy. 

Như đã nói, tôi nghĩ phần đông là do ảnh hưởng của thời thế. Đối với người Mỹ, Việt Nam là một khái niệm thật xa lạ cho nên tôi nghĩ Hoa Kỳ vào thời đó đã cố ép bà vào một khuôn sáo thuận tiện cho những mục đích của họ. Qua cách “quỷ hóa” bà Nhu, giới báo chí Mỹ đã thuyết phục dân chúng Mỹ rằng bà là “kẻ lạ” và người Mỹ có bổn phận phải can thiệp vào nội bộ chính trị của Việt Nam. Tôi không nghĩ trường hợp Hillary Clinton 30 năm sau là hẳn như vậy. 

Những cuộc phỏng vấn thu băng vào năm 1964 giữa Jacqueline Kennedy và Arthur Schlesinger – được phổ biến gần đây – phản ảnh một quan điểm khá điển hình của những người cùng thời với bà Nhu. Jackie phát biểu qua giọng nói rất nhỏ nhẹ gợi cảm của bà về chuyện bà rất hãnh diện trong cuộc hôn nhân phụ hệ “mang nhiều hơi hướm Á Đông” với Tổng thống Kennedy. Bà cũng nói rằng một phụ nữ khuôn mẫu nên đừng bao giờ dính líu vào chính trị. 

Jackie cũng chê Clare Boothe Luce (dân biểu chống Cộng Đảng Cộng Hòa, nhà ngoại giao, kịch gia và vợ của chủ nhiệm báo Time, ông Henry Luce) và bà Nhu là những mụ đàn bà “khao khát quyền lực vì họ ghét đàn ông, hay tệ hơn, có thể họ nhiễm bệnh đồng tính luyến ái!” Tôi nghĩ thái độ của Jacqueline Kennedy về những phụ nữ có quyền thế cũng không khác gì với quan điểm của Karnow và Halberstam vào thời đó.

(5) Trong sách chị có nói rằng bà Nhu là một nữ sinh chăm học và thông minh. Chị đề cập chuyện bà theo học trường Albert Sarrault ở Hà Nội cùng trường ballet của Madame Parmentier – nơi bà đã tình nguyện đóng vai mẹ ghẻ của nàng Bạch Tuyết trong khi các cô gái khác tranh nhau muốn làm Bạch Tuyết. Nhưng ký giả Karnow nói bà chỉ là một học sinh xoàng và đã bỏ học trước khi kết hôn với ông Nhu vào năm 1943 (Vietnam: A History, trg. 266). Có phải bà Nhu đã bỏ học để đi lấy chồng như Karnow đã trình bày? 

MD - Tôi hình dung bà Nhu như một nữ sinh hiếu học qua những câu chuyện bà kể cho tôi, nhưng đó chỉ là cảm nghĩ riêng của tôi. Bà có nói với tôi bà muốn trở thành một luật sư như bố bà. Tôi nhớ lúc nghe bà nói tôi đã cảm phục khát vọng này của bà, nhưng tôi nghĩ bà không có điều kiện thuận lợi để đạt được giấc mơ này. 

Ông Karnow nói đúng khi ông bảo bà Nhu đã không học hết trình độ trung học, vì nếu học lên bà sẽ phải thi bằng Tú Tài để vào đại học, nhưng thế giới lúc đó đang biến chuyển – Đệ Nhị Thế Chiến đã bùng nổ. Bà có nên tiếp tục theo học chương trình Pháp nếu Nhật có cơ hội thắng ở Đông Dương? Bà muốn lấy chồng để thoát sự kềm kẹp của gia đình, nhưng đồng thời có lẽ bà biết người bà kết hôn sẽ không muốn bà có địa vị ngoài xã hội. 

Tôi đồng ý rằng ký giả Karnow có chiều hướng khinh thường bà, nhưng đó cũng chính là lập luận của ông. Ông Karnow nghĩ bà Nhu là một người đàn bà hời hợt, đẹp nhưng ngông cuồng và thích sôi động. 

Tôi vẫn nghĩ bà Nhu là một người đàn bà có bộ óc chính trị sắc sảo – điều này đã được nhiều người cùng thời với bà xác nhận, như nữ tác giả Maguerite Higgins, người đã phỏng vấn bà trong quyển Our Vietnam Nightmare: The Story of U.S.Involvement in the Vietnamese Tragedy, with Thoughts on a Future Policy (nxb Harper & Row: 1965). Ông Nhu coi mình như một người trí thức và lấy bà một phần cũng vì ông nghĩ bà là một người đàn bà thông minh và do đó thường bàn những chuyện quốc gia với bà. 

Theo những dư luận nội bộ, bà Nhu đã cố vấn Ông Diệm và ông Nhu về chuyện giữ vững lập trường chính trị trong những tình huống căng thẳng, như sau lần đảo chính hụt của Tướng Nguyễn Chánh Thi vào tháng 11 năm 1960.

(6) Tôi muốn biết thêm về bản thảo hồi ký của bà Nhu, có tựa là Caillou Blanc, hoặc Viên Sỏi Trắng, mà bà Nhu đã gửi cho chị qua email trước khi bà qua đời. Chị có phải là người duy nhất mà bà gửi gấm bản hồi ký này?
MD -Trước khi bà Nhu qua đời, bà có nói với tôi rằng bà cũng đã gửi bản hồi ký này cho một người đàn bà khác ở Pháp. Người này là bà Jacqueline Willmetz, con gái một người bạn cùng khóa với ông Nhu trong thời ông đi du học ở Paris trong thập niên 1930. Hai gia đình có sự giao hảo tốt đẹp qua nhiều năm. Sau cuộc đảo chính năm 1963, bà Nhu đã được gia đình bà Willmetz giúp đỡ nhiều về mặt tinh thần nên họ trở nên rất thân thiết và thăm viếng nhau thường xuyên. Những người con của bà Nhu cũng thường đi nghỉ hè với gia đình bà Willmetz.

(7) Như vậy ai là người có tác quyền xuất bản quyển hồi ký, vì bà Nhu đã gửi bản thảo này đến hơn một người? 

MD -Đó là một câu hỏi rất thú vị! Sau khi nhận được bản thảo hồi ký của bà Nhu vào năm 2011, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần, “Tôi sẽ làm gì với hồi ký này?” Tôi chỉ biết một điều là bản thảo này đã được bà Willmetz và các con của bà Nhu là Ngô Đình Quỳnh và Ngô Đình Lệ Quyên biên tập, với sự chấp thuận của bà Nhu trước khi bà qua đời. Quyển sách đã được xuất bản vào tháng 10 năm 2013 bởi nhà xuất bản L’Harmattan, với tựa La République du Vietnam et Les Ngo Dinhs: Suivi des mémoires posthumes de Madame Ngô-Ðình Nhu. Tôi nghĩ rằng nếu có nhu cầu, quyển sách này rồi cũng sẽ được dịch ra tiếng Việt, hay tiếng Anh.

(8) Chị có viết trong sách là chị bị hoang mang bởi nội dung bản thảo Caillou Blanc. Tại sao vậy? 

MD -Bản thảo Caillou Blanc có nhiều diễn giải liên hệ đến Thánh Kinh và những vấn đề tâm linh. Bà Nhu liên kết những chi tiết trong đời bà với vai trò của chồng và anh chồng là Ông Diệm – hai người mà bà coi như thánh tử đạo, cùng những quan hệ về niềm tin Công giáo của bà. Bản thảo có rất nhiều chú thích, đưa đến lập luận “tiền định” của bà, là lập luận về chuyện gia đình họ Ngô được Chúa chọn. Tôi không thấy hứng thú khi đọc những lập luận của bà Nhu về sứ mệnh luân lý và tôn giáo của gia đình họ Ngô. Người đọc cảm thấy như bị giảng đạo. Tôi nghĩ những kinh nghiệm cá nhân trong cuộc đời bà có lẽ cuốn hút hơn những suy luận siêu hình trong hồi ký.

(9) Bên cạnh bản hồi ký của bà Nhu còn có một quyển nhật ký tiếng Pháp, khoảng 300 trang, mà chị cũng đề cập trong quyển sách. Theo chị thì quyển nhật ký này có nhiều phần xác thực là của bà Nhu, với những ghi chép từ tháng Giêng năm 1959 tới tháng 6 năm 1963, trước khoảng thời gian bà và con gái lên đường sang Mỹ để phục hồi dư luận sau vụ “màn sư nướng.” Lúc sinh thời có bao giờ bà Nhu nói về quyển nhật ký này với chị?

MD - Không, tôi không biết gì về quyển nhật ký này cho tới hơn một năm sau khi bà Nhu qua đời. Lần đầu tiên tôi biết về sự hiện hữu của quyển nhật ký là vào tháng 8 năm 2012, khi Đại úy James Thạch, cựu quân nhân Mỹ gốc Việt chiến trường Iraq và A Phú Hãn, liên lạc với tôi.
 
(10) Đại úy Thạch đã liên lạc với chị bằng cách nào? 

MD - Đại úy James Thạch khám phá qua một tài liệu trên mạng là tôi đang viết một quyển sách về bà Nhu và từ đó đã liên lạc với tôi. Khi gặp tôi ông chỉ nói là ông đã có quyển nhật ký này từ lúc ông mới lớn, đã được trao đến tay ông từ những người trong gia đình trước đây làm việc trong Bộ An Ninh Cảnh Sát của miền Nam Việt Nam vào thời điểm 1963. Đại úy Thạchtin chắc rằng quyển nhật ký này là của bà Nhu. Ông không đọc được quyển nhật ký này vì ông không biết tiếng Pháp nhưng ông rất muốn được tôi kể lại những chi tiết trong đó. Ông rất tử tế vì đã cho phép tôi đọc quyển nhật ký này và ghi chép rất nhiều từ nó, trong hai buổi gặp gỡ cũng khá lâu.

(11) Đại úy Thạch cho chị mượn quyển nhật ký này mang về, hay ông đã ở bên cạnh chị khi chị đọc và ghi chép từ quyển nhật ký?
 
MD - Không, tôi không hề được mượn quyển nhật ký để mang về nhà đọc. Cả hai lần gặp mặt, Đại úy Thạch giữ khoảng cách vừa tầm mắt chỗ tôi ngồi đọc và ghi chép từ quyển nhật ký. Lần gặp đầu tiên chúng tôi tới một quán cà-phê Starbucks ở Queens, Nữu Ước. Lần thứ nhì chúng tôi tới một thư viện công cộng. Tôi bỏ ra khá nhiều thời gian đọc và chép từ quyển nhật ký. Ông Thạch rất kiên nhẫn trong lúc ngồi đợi tôi.

(12) Chị có nghĩ quyển nhật ký với tuổi đời gần 60 – mà theo chị thì đúng là nhật ký của bà Nhu – sẽ được đánh giá cao hơn quyển hồi ký của bà?
MD - Đó là một câu hỏi tuyệt vời, nhưng nó không cho người ta một câu trả lời dễ dàng. Quyển nhật ký của bà Nhu – hiện trong tay của Đại úy Thạch – cho ta một cái nhìn sống thực về những cảm nghĩ của bà trong quãng thời gian lịch sử đã qua. Sự thu hút của quyển nhật ký là do đặc điểm riêng tư, bộc bạch của nó và cũng vì nó chưa bao giờ được phổ biến trước công chúng. Nói cách khác, quyển nhật ký là một tài liệu nóng bỏng cho dù nó là một tiếng vọng từ quá khứ. 

Ngược lại, tôi thấy khó có thể hiểu hết những suy niệm mông lung về tôn giáo đã được bà viết trong hồi ký Viên Sỏi Trắng vào lúc cuối đời, khi bà muốn nương tựa vào một niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, giá trị lịch sử của hai tài liệu này cũng tùy vào khuynh hướng của người đọc. Có thể sẽ có một số người cảm nhận được những điều mới mẻ sâu xa trong hồi ký của bà. 

Đối với tôi, chìa khóa giúp tôi hiểu thêm về con người bà Nhu là cách hồi ký đã giải thích những đối thoại giữa tôi và bà Nhu trong quá khứ. Nó là tài liệu bổ sung cho nhiều điều mà bà đã đề cập qua điện thoại với tôi trước đây. Người đàn bà mà tôi đã quen biết trở thành thâm trầm hơn khi tôi đọc hồi ký của bà. Tôi cảm nhận phần nào khuynh hướng triết lý của bà về những sự việc đã xảy ra, hoặc tại sao chúng đã xảy ra. 

Cho nên, tóm tắt là cả hai tài liệu, hồi ký tâm linh và nhật ký của bà Nhu, đều phản ảnh con người của bà ở hai chặng đời khác biệt, và cả hai đều ích lợi cho mọi sử gia với tầm nhìn bao quát.

(13) Chuyện gì sẽ xảy ra cho quyển nhật ký? 

MD - Tôi không biết rõ những dự án của Đại úy Thạch về quyển nhật ký này, nhưng tôi biết có nhiều nơi muốn xác nhận và bảo tồn nó như một tài liệu lịch sử. [1] Tôi chỉ biết rằng Đại úy Thạch hiện đang nói chuyện với nhiều cơ quan hàn lâm và những viện lưu trữ tài liệu, và ông cũng nói với tôi về chuyện liên lạc với gia đình bà Nhu.

(14) Với sự xuất hiện của quyển Finding the Dragon Lady, chị có nghĩ bà Nhu sẽ được “tìm thấy” hoặc phục hồi trong cái nhìn của thế giới?

MD - Mục đích tôi viết quyển sách này không phải vì lý do phục hồi hay muốn vẽ lại một hình ảnh tốt đẹp hơn cho bà Nhu, nhưng một phần là để cho mọi người thấy sự bất công trong cách nhìn bà Nhu như một “Dragon Lady” mà không cần tra cứu hay phân tích vị trí xã hội của bà, cùng ảnh hưởng của bà trong bối cảnh lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi cũng muốn cá nhân hóa những năm đầu tiên của cuộc chiến. Tôi thấy bà Nhu là một nhân vật đã làm sống động cả một thời đại bao la và đầy xáo trộn mà trong đó người Mỹ đã liên lụy vào nội bộ Việt Nam, đồng thời tại sao di sản chiến tranh Việt Nam vẫn còn ám ảnh chúng ta cho đến ngày hôm nay.
 
[1] Wikipedia đã thông báo rằng Thư viện Hoover và Kho Lưu Trữ tại đại học Standford, Bắc California, hiện đang thực hiện những bước đầu trong dự án xác nhận quyển nhật ký là tài liệu viết bởi chính tay của bà Nhu, http://en.wikipedia.org/wiki/Madame_Nhu

No comments:

Blog Archive