Tuesday, December 22, 2015




Nhiều năm trước đây cho đến bây giờ, Giáng Sinh là một danh từ đặc biệt và là một ngày bình thường như mọi ngày trong đời sống riêng tôi. Vì là người ngoại đạo nên tôi không trang hoàng đèn hoa trong nhà, ngoài cửa để chào đón Giáng Sinh. Tuy vậy, tôi cũng thấy nao nức theo niềm vui của mọi người đi mua sắm. Có năm, tôi phí tiền một cách vô tội vạ, mua đủ thứ mặt hàng linh tinh nào búp bê, nào lotion, nào bánh kẹo, những tượng thiên thần, tượng snow man, tượng ông già Noel có nhạc… Mua các thứ về nhà, tôi còn loay hoay cả ngày ngồi gói, rồi khệ nệ đem tặng cho tất cả các đồng nghiệp trong buổi tiệc Giáng Sinh mà không cần biết họ có thích những thứ đó hay không, cốt yếu chỉ để vui. Nhưng niềm vui không ở lại với tôi được bao lâu khi bữa tiệc tàn và những ngày nghỉ lễ kế tiếp. Sự cô đơn trải ngập khắp ngôi nhà, tôi tìm niềm vui đón Giáng Sinh bằng mắt trên TV, lắng nghe tiếng hát êm êm, thánh thót của các nàng Celtic qua những bài hát Christmas. Đôi khi tôi ngủ thiếp đi trong âm thanh huyền diệu đó. Giáng Sinh với tôi chỉ có vậy.

Chiều nay trên đường lái xe về nhà, tôi thấy một khoảng trời hồng từ hướng đông kéo dài đến chân mây phía nam rất đẹp. Sau lưng tôi, một dải mây vàng pha lẫn màu xanh nhạt, phản chiếu chút ánh nắng yếu ớt còn lại của mặt trời đang dần ngả bóng ở phương tây. Chạy được một quãng thì những đám mây xám lợt trên cao đã lấn lướt khoảng trời hồng trước mặt để màn tối buông xuống tự lúc nào. Một vầng trăng tròn vừa xuất hiện sau đám mây mờ mờ khói, dẫn tôi vào con đường ngợp nhiều giây đèn chớp nháy được giăng đầy trên những nhánh cây khô hai bên lề. Vài tiệm ăn treo những vòng hoa Giáng Sinh trước cửa. Có tiệm vẽ trên kính nhiều hình cây thông đủ cỡ, tuyết phủ quanh. Tôi thích những trái châu xanh lấp lánh, những vòng hoa, những chiếc nơ lớn nhỏ cũng màu xanh, những sợi dây kim tuyến treo đầy cửa sổ thành từng vòng cung xanh xanh trông rất vui mắt. Ôi, sao con đường này lại trang trí nhiều màu xanh đến thế! 

Tôi không thích màu xanh lá cây cho lắm, nhưng từ khi tôi cảm nhận được cái buồn hiu quạnh trong buổi tàn thu với những hàng cây khô trụi lá, rồi tiếp đến là những ngày đông lạnh buốt, tuyết phủ trắng đường. Cỏ cây chết rũ cùng mọi sinh vật nhỏ bé chung quanh. Giữa khung cảnh tàn tạ chỉ hai màu trắng, xám, tôi đã chú ý đến màu xanh của cây thông già bên cạnh nhà hàng xóm ở phía góc đường, vẫn tươi lên một sự sống bất diệt, một sức mạnh vươn cao không thời tiết nào có thể đánh gục. Mặc cho bão tuyết, mưa giông, gió thổi về dồn dập hay những cơn nắng hè hầm hập nóng mùi lửa nung. Cây thông vẫn đứng đó, giữa trời cao vững chãi bao nhiêu năm rồi màu thông vẫn càng xanh hơn, nhánh lá thông mọc rậm hơn. 

Trên ngọn thông cao dày những lá kia còn là nơi trú ngụ ấm êm của một đại gia đình chim se sẻ, vì mỗi khi trời ấm đi ngang qua cây thông ấy, lòng tôi lại rộn vui theo tiếng chim ríu rít, véo von như một khúc sáo hoà tấu khiến tôi phải dừng chân ngước lên để mong được nhìn thấy cái tổ của nhà họ sẻ trong vòm lá xanh vương đầy bụi. Tôi bắt đầu thích màu xanh từ cây thông già đã luôn gìn giữ, bảo vệ sự sống cho loài chim nhỏ.

 

 Khi những cây thông được dựng lên ở khắp các khu thương mại cùng đủ loại giây đèn màu phủ giăng lấp lánh, là không khí tưng bừng chào đón một mùa Giáng Sinh đang đến. Không chỉ quanh quẩn ở những nơi đó thôi, cây thông còn hiện diện trong các công sở, trường học, trong từng gia đình, thậm chí ở cả nhà thương. Đâu đâu, người ta cũng hào hứng trang hoàng những vật thể đủ màu lên cây thông làm nổi bật thêm màu xanh vĩnh cửu, màu xanh đã mang lại cảm giác êm dịu, an lành, vui vẻ trong sự đoàn tụ đầm ấm. Nó cũng gợi lên sự chia xẻ yêu thương rằng; khi ta có màu xanh ấm êm bên trong, đừng quên màu tuyết trắng băng giá bên ngoài cùng những người cơ hàn, đói lạnh…

Hai chữ chia xẻ lại nhắc tôi nhớ đến câu chuyện “Cô Bé Bán Diêm “ bất hạnh mà một thời Giáng Sinh thơ ấu đã được nghe cha tôi kể đi kể lại nhiều lần. Dù mấy chục mùa Giáng Sinh đã đi qua, dù bây giờ tóc tôi đã bạc, niềm xúc động thương cảm vô cùng cho nhân vật đáng thương bé bỏng kia vẫn còn đọng mãi trong tôi mỗi khi đọc lại câu chuyện này. 

Cũng từ mấy chữ chia xẻ yêu thương đó mà những Giáng Sinh sau này, tôi không còn muốn phung phí tiền bạc vào những chuyện mua sắm không đâu để tạo cho mình một niềm vui chốc lát. Tôi ý thức được rằng phải làm một việc gì đó cho đúng nghĩa “chia xẻ “ yêu thương đến những người có hoàn cảnh bi đát, những gia đình đông con, nghèo khó không có được một mùa Giáng Sinh vui tươi.

Tôi nghĩ đến thằng bé Garick trong lớp tôi, ngày nào đến lớp cũng chỉ mặc một cái áo Jacket mỏng te, rộng thùng thình, sợi dây kéo trên áo lại bị hư. Áo không đủ giữ ấm cho thân thể bé nhỏ của nó. Tội nghiệp thằng bé, giờ ra chơi nó run rẩy, hàm răng đánh cầm cập, bàn tay không có găng, đầu không có nón, đôi má đỏ au. Nó thường theo sát tôi nói: “Con lạnh quá cô ơi!...” Những lúc ấy, tôi nắm hai tay Garick chà xát vào nhau cho ấm, có khi tôi lột đôi găng tay của mình đeo cho nó. Biết Garick bị lạnh, tôi thường rút ngắn giờ chơi bên ngoài trong khi những đứa bé khác thì không muốn vào lớp. Garick đang cần một cái áo lạnh thật dầy, thế mà tôi đã không nghĩ ra điều này sớm hơn từ mấy ngày trước. Tôi thật vô tình quá, phải rồi, tôi phải mua cho Garick một cái áo lạnh mới trước ngày Giáng Sinh, để thằng bé không còn run rẩy, mặt mũi đỏ au vì lạnh vào giờ ra chơi mỗi ngày.

Ồ, tôi còn phải gọi cho Mariah để dẫn bốn đứa trẻ nhà cô đi ăn một bữa buffet và mua vài thứ cần thiết cho chúng nữa. Mariah là cô giáo phụ, người Mỹ trắng, năm học này cô không may bị nghỉ việc cùng vài người khác do ngân sách cắt giảm khi các lớp học phải dồn lại. Mariah sống với một ông chồng đã thất nghiệp còn biếng nhác, thêm tật nghiện rượu. Khi lên cơn say, hắn thường la lối đuổi cô ra khỏi nhà. Vào mùa hè, cô phải đi bán kem thêm để có đủ tiền lo cho con. Tôi biết đến hoàn cảnh của Mariah lúc cô vào phụ lớp tôi mấy tuần. Giáng Sinh năm ngoái vô tình nghe cô than thở về mùa lạnh đã tới, không thể lái xe kem đi bán được, Mariah lo không có tiền mua quà cho con. Tôi động lòng thương, liền hẹn cô một ngày cuối tuần dẫn những đứa bé đi ăn và mua quà cho chúng. Nghe lời tôi đề nghị, Mariah nhìn tôi ngạc nhiên lẫn nghi ngờ:
 -  Chị nói thật đấy chứ?

Nhìn sâu vào ánh mắt xanh biếc của cô ta, tôi gật đầu nhấn mạnh:
  -  Ừ, tôi nói thật mà.

Đôi mắt xanh ấy vẫn nhìn tôi ngần ngại, có chút gì như là tự ái. Cô ta lắc đầu nguầy nguậy:
  -  Không, không, chị không cần phải làm điều đó với con tôi.

  -  Tại sao?

Cô ta lắc đầu:
  -   Tôi không muốn như vậy.

 Rồi cô ta quay đi. Trong phút giây bối rối, tôi đoán ra tâm trạng của Mariah, tuy than thở như vậy nhưng cô không muốn ai thương hại mình. Hơn nữa, giữa cô và tôi có sự khác biệt về màu da, tiếng nói. Có lẽ vì thế mà cô từ chối nhận sự giúp đỡ từ một người khác chủng tộc? Mỗi ngày Mariah đến lớp trong dáng dấp mệt mỏi, lo âu với bộ mặt buồn rầu, cô từ chối tham gia trò chơi đổi quà hàng năm trong trường. 

Tôi gợi chuyện gia đình với Mariah, kể cho cô nghe chuyện một thời trẻ tuổi còn ở Việt Nam, tôi đã từng sống trong cảnh nghèo khổ, đói ăn thiếu mặc nên rất thông cảm cho đời sống chật vật của những gia đình đông con. Tôi bày tỏ sự chân thành muốn giúp đỡ cô, mong cô không ngần ngại. Dẫu tôi và cô không cùng màu da, nhưng cùng có tấm lòng yêu trẻ, cùng có những cảm xúc buồn, vui, thương, giận, lo âu, phiền muộn... Để rồi một lúc nào đó, sự xúc động không kìm được, tôi và cô cũng chảy nước mắt như nhau. Câu chuyện gia đình đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, Mariah bằng lòng hẹn tôi một ngày cuối tuần dắt mấy đứa trẻ đi chơi.

Hôm đó cô dắt bốn đứa con (gồm ba trai, một gái, đứa lớn 12 tuổi, đứa kế 8 tuổi, 5 tuổi và một con bé út 3 tuổi) đến điểm hẹn với tôi ở nhà hàng “Golden Corral”. Chúng tôi ăn uống bên nhau rất vui vẻ, sau đó vào khu vui chơi “big bounce” dành cho trẻ em. Đợi cho đàn trẻ chơi chán chê xong rồi đi shopping. Tôi mua cho mỗi đứa bé một món quà theo sự lựa chọn của chúng. Nhìn bé Amy trầm trồ con búp bê ngồi trong xe đẩy, một niềm vui lẫn xúc động dâng nhẹ trong lòng tôi, và dù nó đã đang ôm búp bê trong tay, Amy vẫn hỏi mẹ nhiều lần câu:
  -   Em bé này của con hả mẹ?

Amy đã làm tuổi thơ tôi thoáng hiện về trong mắt. Một ngày Giáng Sinh xa xưa, tôi được mẹ dắt đến chơi nhà một bà bạn của mẹ. Nhà bà có nhiều búp bê bày trên đầu tủ, tôi thích lắm cứ đi loanh quanh cái tủ ngắm nghía mãi. Thấy tôi có vẻ thích búp bê, bà bảo đứa con gái (chắc cỡ tuổi tôi) đưa cho tôi mượn một con búp bê nhỏ bằng cỡ gang tay người lớn. Tôi ôm chặt nó trong người không muốn rời đến lúc mẹ tôi bảo chào bà đi về, tôi mới giật mình nhớ ra phải trả lại con búp bê. Không hiểu sao khi tôi đưa lại con búp bê thì đứa con gái lắc đầu, bà bạn của mẹ thì bảo: “Cứ để cháu mang về chơi đi, nhà này đầy búp bê ra đấy” 

Mẹ bảo tôi cám ơn bà. Trên đường về nhà, tôi vui sướng nhảy chân sáo, luôn miệng hỏi: “Búp bê này cho con hả mẹ?” 

Tôi yêu con búp bê ấy lắm, đi học thì nhét vô cặp táp mang theo, tối đi ngủ thì để bên cạnh. Thuở ấy, tôi chỉ có mỗi con búp bê là bạn, nâng niu, gìn giữ nó rất kỹ lưỡng, vậy mà cũng không thoát khỏi những bàn tay nghịch ngợm của các em tôi nên chỉ một thời gian ngắn, con búp bê đã bị gãy hết chân tay, chỉ còn trơ trọi cái đầu và mình. Tôi tức giận vừa khóc, vừa đi tìm các cánh tay và chân gãy để ráp lại cho búp bê. Tìm mãi mới thấy một cái tay móp méo và một cái chân bị rách. Tôi cố gắng mày mò gắn hoài không được. Cơn giận trẻ con bừng lên, tôi gào la tức tưởi, mẹ tôi dỗ dành mấy tôi cũng không chịu bỏ con búp bê tật nguyền đó. Tôi lấy cái tã cũ của em bé tôi, quấn quanh mình con búp bê rồi ẵm đi chơi tiếp.




Những năm đầu sau khi lấy chồng, do nỗi buồn thiếu vắng trẻ thơ trong nhà, Giáng Sinh nào tôi cũng mua búp bê về chưng, tôi sưu tầm đủ loại búp bê con trai, con gái, bày khắp phòng, còn đặt tên cho mỗi con búp bê nữa. Sau này vì dọn nhà hai ba lần, tôi phải cho đi bớt mà lòng thật tiếc nuối, phần thì ông xã tôi cho rằng chưng búp bê trong nhà lâu ngày nó sẽ cử động, đêm đêm sẽ nghe tiếng khóc con nít. Không biết chàng nói thật hay là dọa, làm tôi cũng thấy sợ đã bỏ luôn cái thú “collect” búp bê vào mỗi Giáng Sinh…

Mải miết suy nghĩ những điều lẩm cẩm, tôi đã chạy qua khỏi con đường rợp màu sắc xanh, vẫn cảm thấy trong mắt mình như sáng lên màu xanh dịu mát. Ánh trăng đang chạy theo tôi cũng tỏa ra một vệt sáng xanh mờ ảo. Đêm xuống nhanh quá, tôi nghe bên tai mình văng vẳng giai điệu bài “We Wish You a Merry Christmas” rộn ràng phát ra từ một cửa tiệm nào quanh đây. Những nốt nhạc như cũng thắm một màu xanh êm, lướt đều trên phím đàn diễn tả sự hân hoan chúc tụng lẫn nhau trong từng lời đẹp nhất, để chào đón ngày Chúa giáng thế đang đến gần. Ngày đậm lên tình yêu thương nhân loại trong màu xanh nhân ái. Vừa lúc ấy, phone tay của tôi chợt reo, tôi liếc nhìn vào phone, tên Mariah hiện lên với một lời nhắn. Lòng thấy vui vui, tôi chạy xe nhanh hơn mong cho chóng tới nhà để trả lời. Nghĩ đến những đứa trẻ nhà Mariah, tôi mỉm cười một mình và cao hứng hát:

“We wish you a Merry Christmas, we wish you a Merry Christmas and a Happy New Year, glad tidings we bring to you and your kin, glad tidings for Christmas and a Happy New Year....” 



Thiên Lý (17/12/13)

No comments:

Blog Archive