Sunday, September 20, 2015

Tạp Bút Du Sinh



Trần Du Sinh

1. Bầy đàn

Có một lần, trước khi ghé thăm một quốc gia Đông Nam Á, lính Hải Quân Hoa Kỳ trên một chiến hạm tổ chức quyên góp đồ chơi cho trẻ em địa phương. Sau một hai ngày kêu gọi, số đồ chơi hiến tặng chất thành từng đống, nhiều nhất là trò chơi điện tử vẫn còn xài được, nhiều thứ nhì là truyện tranh.

Số là, ít có trẻ em Mỹ nào lớn lên mà thiếu một trong hai thứ này, và họ vẫn gắn dính với chúng dù đã trở thành những chiến binh vai u thịt bắp hay những ông bố bà mẹ.

Sẽ không lạ gì khi thấy hai cha con người Mỹ cùng mặc áo thun in hình nhân vật trong phim Star Wars, Batman hay Captain America cùng chơi game với nhau. Có khi cha con còn cạnh tranh khốc liệt trên đấu trường game nữa. Thỉnh thoảng cũng sẽ thấy một Rambo hồn nhiên và mít ướt khi thấy trẻ em ốm đói hay một con chó bị ghẻ lạnh ở một quốc gia thuộc Thế Giới Thứ 3 (Third-world countries), nhưng đồng bào của những mảnh đời bất hạnh này vẫn dửng dưng như chuyện thường ngày ở huyện.

Khoan hãy nói đến chính trị, mà hãy nói đến con người. Một đứa trẻ lớn lên trong một xã hội nhân văn, biết yêu thương loài vật, tin vào Công Lý và Lẽ Phải, tin vào một Hiến Pháp tiên tiến hàng đầu thế giới, và được dạy dỗ trong nền dân chủ pháp trị.

Ngược lại, một đứa trẻ khác

được nuôi dưỡng trong sự dối trá, được dạy cho cách đối phó với dối trá, dạy cho cách rèn luyện sự dũng cảm bằng cách đi chân không trên miểng chai, hay ném lựu đạn giữa chợ, hay tự thiêu làm đuốc sống thì khi hai đứa trẻ này gặp nhau đánh giáp lá cà thì đứa nào sẽ thắng?

Và rồi đánh thắng để làm gì? Và rồi nhân loại sẽ về đâu với kẻ thắng cuộc này? Một bầy đàn hoang dã thắng cuộc đã lên ngôi trên đất mẹ Việt Nam. Việt Nam sẽ về đâu?

2. Ném đá

Mấy ngày nay dân cư mạng xôn xao khen ngợi bài hát "Quảng Nam quê tôi" của hai sinh viên trẻ gốc Quảng.

Đây là một nỗ lực sáng tạo của giới trẻ lớn lên thời Việt Nam Cộng Sản đã hết bao cấp. Họ hâm mộ nền âm nhạc và văn hóa Mỹ và thứ nhạc Rap và Hip Hop của Mỹ đang lên ngôi để rồi khai tử mấy bài nhạc đỏ chống Mỹ kiểu chất độc màu da Cam hay Hà Nội 36 ngày đêm bị bom đạn Mỹ.

Tôi thấy trong đó có nỗi khát khao vươn lên và sự đam mê thành công, dù giai điệu có thể không hoàn toàn mới, và có thể bị ảnh hưởng bởi một bài hát cũ.

Có một điều làm tôi buồn là cái câu 'Quảng Nam đi đầu diệt Mỹ'. Đi đầu diệt Mỹ làm gì để rồi cái tỉnh nghèo này có số mẹ anh hùng nhiều nhất nước, và nhiều cụ vẫn còn đói khổ. Đến khi xin tiền ngân sách xây tượng bà mẹ Thứ lại bị thiên hạ chửi vì lãng phí, vì năm nào Quảng Nam cũng xin gạo cứu đói. Đi đầu chống Mỹ để làm gì mà sau 40 năm vẫn đói?

Và có một sự thật mà âm nhạc hay văn chương sẽ không nhắc tới là dân Quảng Nam đi định cư ở Mỹ rất nhiều, nếu không là vượt biên thì cũng đi theo diện H.O. nhờ có căn cứ Chu Lai, có người làm Sở Mỹ và hiểu Mỹ nhiều hơn bọn Bắc Kỳ 2 nút phía Bắc Vĩ Tuyến 17, những kẻ quen với dối trá. Họ chưa thấy người Mỹ đã biết người Mỹ tàn bạo vô nhân tính hơn dân Bắc Kỳ bần cố nông trong cải cách ruộng đất, khi họ dùng lưỡi cày để cắt cổ hay chỉ là cái cuốc để đập vỡ sọ địa chủ, mà đa số người giàu ở nông thôn miền Bắc đâu có tội tình gì với tụi làm cách mạng.

Giàu có cũng là cái tội, mà hiểu biết nhiều về sự thật cũng là có tội với chúng.

Một câu hát thôi đã làm người Quảng Nam ở Mỹ không thể nghe lọt lỗ tai. "Không biết không có tội" nên tôi vẫn ủng hộ mấy em. Chỉ riêng với thế hệ sanh sau năm 1975 thì bạn bè thời thơ ấu của tôi cũng đi Mỹ theo diện H.O. và đoàn tụ khá nhiều.

Không thể ném đá hay trách móc tụi trẻ, vì chúng chỉ là một sản phẩm cuối của chế độ ngu dân mà thôi. Và tôi lại mơ một giấc mơ dài, mong một ngày tuổi trẻ Quảng Nam được đi du học, nếu được đi Mỹ, Canada, Úc thì càng tốt, hay chỉ là đến một nước không phát triển nhiều như Thái Lan, Philippines, hay thậm chí là Lào, chỉ để họ có dịp nhìn lại quê hương từ một góc nhìn khác, và cũng để thoát kiếp con vẹt ở nhà trường XHCN và kiếp con cừu khi ra đời.

3. Người Việt ít đọc sách

Tôi có một thói quen hơi tốn kém một chút là mua sách ấn bản ở xứ tự do vì tôi tẩy chay sách xuất bản ở Việt Nam đã qua kiểm duyệt của chế độ. Và tôi cũng thích mua những đĩa CD gốc, dù sách miễn phí trên mạng khá nhiều, còn nhạc miễn phí online thì đã trở thành thói quen của dân nghe nhạc.

Nhân một lần đọc báo thấy trên mạng nói trung bình người Việt trong nước đọc 0.8 cuốn sách/năm, trừ khi đó là sách giáo trình mà họ phải học ở trường. Buồn.

Tôi tự nhủ, nếu không ai mua sách in thì sẽ còn ai viết sách ? Mà viết sách là cả một sự khổ luyện cộng thêm năng khiếu về văn chương chữ nghĩa, chưa kể một lượng kiến thức đủ giá trị để chia sẻ với mọi người. Có người phải bỏ ra cả chục năm nghiên cứu sưu tầm mới viết được một cuốn sách. Nhưng rồi vẫn vắng người mua sách. Văn hóa đọc cũng đang yếu dần.

Còn nếu ai cũng nghe nhạc miễn phí online thì các danh ca sẽ nghĩ gì khi họ có khi phải hát cả chục lần mới ưng ý thâu được một bài. Còn ca sĩ Việt hạng lá phong mùa thu trên đường phố Canada thì không nói làm gì. Chúng hát vô tội vạ, tự xào nấu nguyên bản, đưa đẩy nội lực vào bài hát kiểu Đàm Vĩnh Hưng hét "Đêm nay ai đưa em về?" của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 mà khi nghe bỗng mường tượng ra cảnh một thằng du côn hù dọa người yêu kiểu: đố thằng nào đêm nay có gan đưa mày về?

Hôm nay tôi đến nhà sách Tú Quỳnh trên phố Bolsa mua cuốn "Trần Đức Thảo: Những lời trăng trối" để hiểu thêm về cái thời trí thức Bắc Kỳ bị cộng sản vùi dập. Tôi cũng mua cái CD nhạc tiền chiến của Quỳnh Giao, một người con gái Huế Hoàng tộc, và cái CD có tựa đề "Nhạc Vàng" của Trần Thái Hòa để nhớ về cái thời Bắc Kỳ 2 nút vào Nam cấm nhạc vàng để ngẫm nghĩ vì sao những con người phương Bắc sợ văn hóa nghệ thuật của người miền Nam đến như thế.

4. Cát Bụi

Nếu có ai hỏi tôi rằng: có còn ai hát nhạc Trịnh hay hơn danh ca Khánh Ly? Tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: Có chứ, Khánh Hà, ít ra là ở bài hát "Cát Bụi Tình Xa", một sự kết hợp thành công hai ca khúc của Trịnh với sự phối bè với hai người em ca sỹ một cách tuyệt vời. Sự thành công của Khánh Hà với ca khúc này cũng nói lên sự vô tuyệt đối của âm nhạc, vì một giọng ca không thể truyền tải hết toàn bộ công trình sáng tác của một nhạc sỹ, dù đó là giọng ca số một như danh ca Khánh Ly.

Có người muốn trở về với cát bụi một khi từ giã cõi trần, nhưng cũng có người muốn từ giã cũng không được. Gần đây trên mạng xôn xao về một công trình 'hoành tráng' của lăng mộ ông Nguyễn Bá Thanh do vợ con ông tự bỏ tiền túi ra làm. Rồi đây sẽ có nhiều du khách tới chụp hình, rồi cũng sẽ có những bình luận mang đủ hỉ nộ ái ố của đời, nào là tiền ở đâu ra, ổng nói chống tham nhũng sao trong nhà nhiều tiền thế, hay thậm chí là dịp để người ta hỏi tội xóa xổ nghĩa trang Cồn Dầu của ông. Phen này ông Thanh phải từ cát bụi mà trở về.

Nhắc tới lăng mộ làm tôi nghĩ tới ông Hồ Chí Minh, một người chưa được bên Phật Giáo cầu siêu, hay bên Thiên Chúa Giáo làm phép thánh. Nói theo dân gian là linh hồn ông chưa được siêu thóat, sẽ vẫn ở quanh quẩn nơi Ba Đình. Dân gian cũng nói là những linh hồn kia không có chốn dung thân thì sẽ thành quỷ. Mà hình như ổng có để di chúc là muốn được hỏa thiêu, nhưng có lẽ đệ tử của ông muốn ông làm quỷ để giữ nhà cho chúng.

Gần đây hình như Việt Nam đã trở thành một đất nước của những lăng mộ và quỷ dữ.

Trần Du Sinh

No comments:

Blog Archive