Thursday, September 24, 2015

Món quà cứu mạng vô giá 

từ vị linh mục gốc Việt


Cha kể, ông quyết định nhận lời đề nghị của Cha Trần vì lý do, không giống như những người hiến tạng khác, các vị linh mục không có gia đình riêng, vợ và con, những người có thể sẽ đau khổ nếu như có điều gì bất thường xảy ra trong khi phẫu thuật. Ngoài ra, Cha biết cả hai đều cầu nguyện cho việc hiến tạng, và họ đều cảm thấy thời điểm thích hợp đang đến.
 
Cha John Trần từ New Orleans, Louisiana và Cha Thanh Nguyễn tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Oklahoma – Photo Courtesy: www.newsok.com

Cali Today News - Cha Thanh Nguyễn gạt những giọt nước mắt biết ơn khi nghe tiếng hát văng vẳng tại nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở thành phố Oklahoma, tiểu bang Oklahoma.

Một nhóm hơn 300 giáo dân tụ họp bên ngoài ngôi đền kính Đức Mẹ La Vang để cùng nhau cầu nguyện vào buổi  tối trước cuộc giải phẫu ghép thận của vị Linh mục. 

Sự hiện diện, những lời cầu nguyện của giáo dân, và âm thanh ngọt ngào từ ca đoàn Việt Nam đã đem sự bình an đến cho Cha Nguyễn. 

Ông sắp nhận được một thứ vô cùng quý giá, món quà cứu mạng từ Cha John Trần, một vị Linh mục gốc Việt đã đi hơn 575 dặm từ Louisiana sang trao tặng cho ông. 

Đó là một quả thận mới, một món quà đặc biệt khác người từ một người anh em Công giáo.

“Tôi luôn luôn cảm kích tấm lòng của Cha John,” Cha Nguyễn chân thành nói, “Món quà quý giá nhất tôi nhận được từ Thiên Chúa chính là quả thận của một vị linh mục.”

Cha John Metzinger ở Cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho biết, việc hiến thận của một linh mục cho một linh mục đã làm sáng danh ông ấy và cho cộng đoàn giáo xứ. 

“Đây thực sự là một câu chuyện ‘cổ tích thời hiện đại’ về hai vị linh mục làm bạn hàng năm trời, và bây giờ một vị hiến dâng một phần thân thể của mình cho vị kia, để người ấy tiếp tục sống khỏe mạnh,” Đức Cha Metzinger nói. “Thật là một ân phúc!”

Bây giờ đã hồi phục từ cuộc giải phẫu ghép thận vào ngày 17 tháng 8, Cha Nguyễn trong trạng thái tinh thần phấn chấn trong buổi phỏng vấn diễn ra tại nhà thờ ở số 3214 đường N Lake. 

Thật khó tưởng tượng tại sao phải mất hai năm Cha Nguyễn mới nhận món quà vô giá từ cha Trần. Câu trả lời là một phần câu chuyện của Cha về sự lành vết thương và niềm hy vọng. 

Đón nhận món quà

Cùng làm linh mục, và tình huynh đệ giống như gia đình đã đan chặt hai người lại với nhau.  

Tình bạn bền chặt, lâu dài giữ hai Cha kể từ lần gặp đầu tiên vào những năm thập niên 1980 khi theo học tại Đại Chủng viện Thánh Joseph ở Covington, bang Louisiana và Chủng viện Notre Dame.  

Cha Trần – 49 tuổi – cho biết họ là bạn học, nhưng ông trở thành linh mục vào năm 1992, trong khi Cha Nguyễn – 51 tuổi – lại nghỉ một thời gian, đến 8 năm sau mới trở thành linh mục vào năm 2000. 

Cha Trần cũng cho hay mình là chủng sinh từ giáo phận New Orleans đến chủng viện tu nghiệp, trong khi Cha Nguyễn lại đang  dự học làm linh mục cho giáo phận Baton Rouge. 

Cha Nguyễn cho biết, đầu tiên ông đến tị nạn tại Louisiana cùng với gia đình khi mới 14 tuổi. Cho đến giờ, gia đình cha vẫn sinh sống ở New Orleans. 

Cha Trần kể lại, vài năm trước ông được biết người bạn linh mục của mình đang lâm bệnh và cần cấy ghép thận. Ông liên lạc với Cha Nguyễn một vài lần, đề nghị để mình được hiến thận. Cha Trần nói, ông luôn luôn khỏe mạnh, chưa bao giờ bị bệnh gì nghiêm trọng hay phải vô bệnh viện, vì vậy ông nghĩ mình có thể là giúp Cha Nguyễn được. 

Cha Trần không ngần ngại đề nghị hiến thận, bởi vì Cha không thể hình dung nổi việc không giúp bạn khi cần, thậm chí ngay cả đối với vấn đề rất nghiêm trọng như hiến tạng.

“Khi ghé thăm những người khác trong bệnh viện, tôi biết rằng người ta chỉ cần một quả thận cũng sống được. Có lẽ đó là lý do tại sao Thiên Chúa cho chúng ta hai quả thận, một quả để tặng người khác,” Cha Trần nói. 

Cha Nguyễn nhớ lại, ban đầu ông không nhận bởi vì họ sống xa nhau. Cha Nguyễn được tấn phong linh mục tại Louisiana, nhưng lại được điều phái tới Tổng Giáo phận thành phố Oklahoma để tạm thời thay thế vị linh mục khác. 5 năm thay thế tạm thời, Cha Nguyễn chính thức trở thành linh mục thuộc Tổng Giáo phận, đến nay Cha đã ở thành phố Oklahoma được 15 năm. 

Ngoài yếu tố khoảng cách địa lý, Cha Nguyễn cho biết có những bạn bè, người quen ở gần hy vọng cũng hiến thận cho Cha được. 

Trường hợp cụ thể là Chinh Đỗ, người chơi đàn phong cầm tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đã làm những xét nghiệm ban đầu để tiến tới hiến thận cho Cha, và buổi giải phẩu ghép thận cũng đã được lên lịch.

Nhưng thật không may, chẳng bao lâu ngay trước khi mổ, Đỗ biết được mình bị tiểu đường, và ung thư não. Ông Đỗ qua đời vào tháng tư. 

Những người hiến thận tiềm năng khác trong thành phố Oklahoma cũng đến đề nghị được giúp, trong đó có cả một người trẻ tuổi mới 18 tuổi rủ lòng xót thương. 

“Tôi bảo, ‘Con còn quá trẻ để hiến tạng!’ Nhưng tôi sẽ luôn nhớ đến tình cảm chân thành, độ lượng của cậu ấy, cũng như cảm kích những người khác,” Cha Nguyễn tâm sự. 

Cha Nguyễn cho biết, Cha Trần gặp ông tại lễ tang người anh/em ở Louisiana hồi đầu năm, và họ nhắc lại vấn đề này. 

Cha kể, ông quyết định nhận lời đề nghị của Cha Trần vì lý do, không giống như những người hiến tạng khác, các vị linh mục không có gia đình riêng, vợ và con, những người có thể sẽ đau khổ nếu như có điều gì bất thường xảy ra trong khi phẫu thuật. Ngoài ra, Cha biết cả hai đều cầu nguyện cho việc hiến tạng, và họ đều cảm thấy thời điểm thích hợp đang đến. 

Quà tặng cuộc sống

Margie Feightny, Giám đốc quản trị văn phòng tại Nhà thờ, cũng như Cha Metzinger, đều cảm phục  Cha Nguyễn, một bệnh nhân phi thường hàng năm trời trước khi được phẫu thuật ghép thận. 

Ba năm qua, cứ mỗi tuần, Cha phải chạy thận nhân tạo 3 lần. Việc lọc thận khiến Cha mệt mỏi, và chỉ có thể chủ trì một Thánh lễ, trong khi trước đó, Cha vẫn cùng Cha Metzinger chủ trì một số Thánh lễ ở Nhà thờ khá bận rộn này. 

Feighny cho biết giáo dân cầu nguyện hàng năm trời cho Cha Nguyễn tìm được giải pháp cứu mạng trong tình hình sức khỏe ngặt nghèo, và họ cũng mở rộng vòng tay thương yêu với Cha Trần khi ông đến Oklahoma làm những xét nghiệm cần thiết, rồi sau đó tháng 8 quay trở lại để phẫu thuật. 

Cha Trần cũng chia sẻ, ông biết rất nhiều người đang cầu nguyện cho ông, cả ở Louisiana và Oklahoma, khi Cha rời nhà thờ Mary Queen of Peace, giáo xứ ở Mandeville, Louisiana, nơi Cha đang làm linh mục, đến Oklahoma để cắt thận. 

Buổi tối trước khi lên bàn mổ, Cha Trần cùng Cha Metzinger, Feighny và nhiều giáo dân khác đứng trước tượng Đức Mẹ La Vang, cầu nguyện cho ca mổ cắt ghép thận an toàn, và thành công. 

Đức Mẹ La Vang là tên gọi mà giáo dân Công giáo Việt Nam đề cập đến sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, miền trung Việt Nam, thuộc Tổng Giáo phận Huế, vào năm 1798. La Vang hiện nay là một thánh địa, và là nơi hành hương quan trọng của dân công giáo Việt Nam. 

Feighny nhớ rõ buổi tối, “Cha Nguyễn không thể bước chân ra ngoài, trong vòng tay của mọi người, nhưng Cha có thể nhìn thấy họ qua cửa sổ, và ông lặng lẽ khóc.”

Đó là một buổi tối không thể nào quên. “Tôi chưa bao giờ quên được cảnh tượng khi ngồi cạnh cửa sổ, nhìn ra. Họ không trông thấy tôi, nhưng tôi trông thấy họ. Tôi mở rộng cửa, và có thể nghe được những lời cầu nguyện,” Cha Nguyễn chia sẻ. “Tôi chỉ biết cầu nguyện cùng họ, và tìm thấy sự bình an, thanh thản. Tôi tin vào sự sắp đặt của Thiên Chúa. Tôi sẽ không bao giờ quên!”

Cha Nguyễn cho biết, ông dự tính sẽ quay lại, tiếp tục nhiệm vụ linh mục của mình vào giữa tháng 10. 

Cha Trần mong người bạn linh mục của mình khỏe, và Cha sẽ tiếp tục kiểm tra tình hình sức khỏe của Cha Nguyễn khi ông hồi phục. 

“Tôi hy vọng Cha ấy sẽ khỏe mạnh, sức khỏe tốt,” Cha Trần nói. Rồi Cha cười tinh nghịch, “Ngoài ra, tôi không muốn Cha ấy hưu trí trước tôi.”

Hương Giang (News Oklahoma)


No comments:

Blog Archive