Bê bối nước Đức nguy hiểm hơn khủng hoảng Hy Lạp
- Vụ bê bối xe hơi của Volkswagen ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của một ngành công nghiệp xương sống của nước Đức. Giờ đây, người tiêu dùng trên thế giới đang kêu gọi tẩy chay khi hãng xe danh tiếng này vừa thú nhận có tới 11 triệu xe trên toàn cầu cài thiết bị gian lận khí thải diesel.
Nhắc đến ô tô Đức đó là một thương hiệu là nhắc đến một thương hiệu xa xỉ. Những chiếc ô tô sản xuất tại Đức trở thành một biểu tượng về chất lượng đã chiếm trọn niềm tin của không ít tín đồ xe hơi toàn thế giới.
Volkswagen là hãng ô tô sở hữu nhiều thương hiệu xe sang hàng đầu như Porsche, Audi và Lamborghini, đã vượt qua Toyota của Nhật Bản để trở thành công ty sản xuất ô tô số một thế giới nếu xét về mặt doanh số trong tháng 7 vừa qua.
Tại Mỹ, hãng xe danh tiếng của Đức này đang chịu áp lực rất lớn. Các luật sư tại New York và nhiều bang khác đang thành lập một nhóm điều tra sự gian lận của Volkswagen.
Đồng thời Thượng nghị sĩ Bill Nelson, thuộc Đảng dân chủ, đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ bắt đầu điều tra và xem xét các biện pháp khắc phục cho các chủ sở hữu có xe bị cài thiết bị gian lận khí thải.
Những chiếc xe là niềm tự hào của nước Đức
Vụ việc trong những ngày qua đang nhấn chìm hình ảnh của hãng xe này ngay tại châu Âu chứ không riêng gì Mỹ. Nhất là khi thị trường châu Âu lại ưa dùng các xe hơi chạy diesel vì nó là loại nhiên liệu rẻ hơn so với xăng.
Sau những lời đồn đoán về việc chiếc ghế của giám đốc điều hành Martin Winterkorn của nhà sản xuất xe lớn nhất thế giới Volkswagen có thể bị thay thế thì nay đã trở thành hiện thực. Kể từ khi xảy ra vụ việc, ông Martin Winterkorn đã lên tiếng xin lỗi hai lần. Trong một cuộc họp khẩn, ông đã quyết định từ chức.
Theo Bloomberg, bản thân vị CEO này cũng không lường trước được những gì có thể xảy ra ngày hôm nay. “Tôi thấy rất đáng tiếc vì sự việc đã đi quá tầm kiểm soát. Là một người lãnh đạo, tôi nhận trách nhiệm về các sai phạm với động cơ diesel và do đó đã đề nghị Ban Kiểm soát chấm dứt chức vụ. Tôi làm việc này vì lợi ích của công ty, dù tôi ý thức được mình không đã làm gì sai”, Winterkorn cho biết.
Chia sẻ những bức xúc trên Reuters, Ferdinand Dudenhoeffer tại Đại học Duisburg-Essen cho rằng: “Hàng hoá Đức luôn có chất lượng cao và được sự tin tưởng của khách hàng. Nhưng giờ đây người tiêu dùng không còn niềm tin đó. Thật khó có thể tưởng tượng sự việc lại dẫn tới hậu quả lớn như vậy, thiệt hại không nhỏ tới ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ còn tiếp diễn”.
Không chỉ vậy, vụ việc trên sẽ đe dọa lớn hơn và lâu dài hơn đối với tài chính cũng như việc thu hút đầu tư các công nghệ mới cho xe hơi của Volkswagen trong những năm tới.
Nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng Hy Lạp
Không chỉ ở Mỹ, Chính phủ Đức cũng mới tuyên bố bắt đầu điều tra công ty Volkswagen. Chính phủ Pháp, Ý và Hàn Quốc cũng đang xem xét mở cuộc điều tra.
Những ngày qua, giá cổ phiếu hãng VW lao dốc, khiến một số cổ đông lớn nhất, đơn cử là Qatar ở Vùng Vịnh thiệt hại đến 5 tỉ USD. Không dừng lại ở đó, đến nay đã có 34 hồ sơ kiện hãng xe này ở Mỹ. Các khách hàng trên cho rằng chiếc xe Volkswagen mà họ mua ít giá trị hơn vì đã gian lận bài kiểm tra khí thải.
Hãng tin Reuters đặt tít “Bê bối Volkswagen đáng sợ hơn khủng hoảng Hy Lạp”. Theo phân tích của bài báo, cuộc khủng hoảng tại Volkswagen có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất với Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Vụ bê bối gian lận bài kiểm tra khí thải của Volkswagen sẽ làm thiệt hại hàng tỉ USD và làm giảm danh tiếng của toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất ô tô Đức.
Lo ngại về một cuộc khủng hoảng của nước Đức
“Thật bất ngờ là Volkswagen hiện giờ đã trở thành mối đe dọa lớn đối với kinh tế Đức, lớn hơn cả khủng hoảng nợ Hy Lạp”, Carsten Brzesk, chuyên gia kinh tế cho hay. Nếu doanh số của Volkswagen tại Bắc Mỹ giảm trong những tháng tới, thì nó sẽ không chỉ tác động đến bản thân doanh nghiệp này mà đến cả nền kinh tế Đức.
Ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp lớn nhất ở Đức, đóng góp 2,7% GDP nước này. Doanh số bán xe hơi trong nước và xuất khẩu của Đức đạt 368 tỉ euro, tương đương 411 tỉ USD, trong năm 2014, chiếm phần lớn ngành kinh tế nước này.
Theo phân tích, cứ 10 chiếc ô tô được bán ra trên thế giới, lại có 1 chiếc thuộc các thương hiệu ô tô do Volkswagen sở hữu.Khoảng 20% hàng xuất khẩu từ nước Đức là các loại xe và phụ tùng xe cộ.Gần 70% xe Volkswagen được bán ra bên ngoài biên giới nước Đức. Gần 600.000 nhân sự trên khắp thế giới, 1/3 trong tổng số 775.000 người Đức làm việc trong ngành công nghiệp ô tô.
Trong diễn biến khác, một số mặt hàng logistics phục vụ ngành sản xuất xe hơi như platin, kim loại chuyên dùng làm bộ lọc khí thải của xe diesel đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua.
Chính phủ Đức hôm qua cho biết ngành sản xuất ô tô vẫn là trụ cột quan trọng với kinh tế nước này bất chấp Volkswagen ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Kinh tế Đức đã đứng vững trước cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, và đến nay là đà suy giảm kinh tế Trung Quốc, song hiện giờ có thể đối mặt với rủi ro lớn nhất chỉ từ một doanh nghiệp trong nước.
Giới phân tích cảnh báo, việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp ô tô có thể trở thành mối đe dọa lớn với kinh tế Đức vốn được dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm nay. Kinh tế Đức hiện cũng đang phải chịu sức ép khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Ngân hàng Deutsche Bank đã buộc phải điều chỉnh giảm dự báo chỉ số chứng khoán DAX của Đức trong năm 2015. Đại diện chính phủ Đức cũng phải lên tiếng trấn an dư luận.
Nam Hải
Nam Hải
No comments:
Post a Comment