Sunday, September 20, 2015


Đọc " Một thuở yêu nhau "  của Võ Phước Hiếu 

- Trần đan Hà -  
 
   
Truyện dài của Nhà văn Võ Phước Hiếu. Một cây viết kỳ cựu trong làng Văn học từ trong nước ra đến hải ngoại. Với một tấm lòng luôn trung thành và yêu chuộng văn chương chữ nghĩa.  Không chỉ có khả năng về Quốc ngữ, mà còn thông thạo về Tây học nên chẳng những đã góp phần vào công việc bảo tồn và phát huy nền Văn hóa nước nhà, lại còn đóng góp vào lãnh vực về “Văn hóa Hội nhập” rất đa dạng, và thành công cả hai mặt ấy. 

Hiện tại ông đang điều hành Nhóm Văn Hóa Pháp-Việt (1 Allée des Peupliers. 59320 Hallennes Lez  Haubourdin (France) cùng với nhà xuất bản Hương Cau. 

      *
                                           
Mở đầu giới thiệu một cuộc “Di dân Lịch sử theo bước chân mở mang bờ cõi đàng trong của Chúa Nguyễn”… Lần đầu dừng chân tại miền Trung:

“Nhưng có một điều tôi nhớ rất rõ là lúc sanh tiền, ông nội tôi vốn là người miền Trung có gốc gác thuộc lãnh thổ lưỡng Quảng gì đó, khi còn nhỏ hếu theo chân ông cố tôi bồng chống dắt díu cả gia đình phiêu lưu di dân phá rừng lập nghiệp nơi vùng đất mới phương Nam. Ở đây đất đai mênh mông bát ngát còn hoang vu lại thưa người, chỉ loe hoe vài ba nóc nhà cách nhau đôi ba cây số ngàn”. (trang 11).
 
Tuy không đề cập đến không gian và thời gian, nhưng những dữ kiện như: “…đất đai mênh mông bát ngát, còn hoang vu lại thưa người…”. Diễn tả “lớp người tiền sử” theo thế hệ cha ông từng đàn từng nhóm kéo nhau vào nơi đây để cùng khai hoang khẩn đất, phá rừng làm rẫy, cày bừa nơi ao vũng, nước đọng sình lầy…” Như vậy, có thể hiểu ra rằng, những người gần như đầu tiên đã di cư vào những vùng miền tận cùng của đất nước Việt Nam. Nơi đây họ đã chung vai góp sức, kết đoàn để cùng hát lên bản hùng ca của đất nước: “Ta cùng lên đường đi xây lại Việt Nam. Bàn chân ta đi nhanh đi sâu vô tới rừng cao. Vác những cây rừng to, về nơi đây ta xây làm nhà…”. (nhạc TCS).
 
Tuy vậy, cảm giác của buổi ban đầu không khỏi bỡ ngỡ trước xứ lạ quê người. Cuộc sống trước mắt đang gặp nhiều thách thức với thiên nhiên, với công việc khai hoang lập ấp vô cùng gian khổ. Ngày qua tháng lại, nhưng không sao có thể thích ứng được trong một sớm một chiều. Thỉnh thoảng cũng cảm thấy hụt hẩng và cô đơn. Nên lòng hoài niệm vẫn luôn réo gọi giữa ngổn ngang cuộc sống: “Sau nầy lớn lên, cơ ngơi thành khoảnh, cuộc sống được ổn định sung mãn phần nào nhưng nhiều lúc nhớ làng cũ quê xưa, nhớ bà con thân quyến ngăn cách, nhớ những hình ảnh tuyệt vời đầu đời, những kỷ niệm khắc cốt ghi tâm ăn sâu bám rễ trong ký ức, ông cảm thấy mình vẫn lẻ loi cô độc, hầu như tứ cố vô thân!. (trang 12)
 
Có lẽ vì thế mà khi gặp gia đình cô Chín cùng mang họ Võ với ông, thì ông không ngần ngại nhận gia đình nầy là người bà con trong dòng tộc của mình. Từ tình cảm láng giềng, đến làm người thân thuộc trong gia đình, cũng nói lên tình tự của nguồn gốc người Việt chúng ta, tuy như một huyền thoại nhưng đã để lại trong lòng mọi người, với tiếng gọi “Đồng bào” thân thương như cùng một huyết thống tâm linh vậy.
 
Nhờ thế mà cô Chín không ngại bộc bạch những chuyện đời sâu thẳm nhất của cô và gia đình cô đã trưởng thành nơi vùng đất mới nầy. Với một cuộc tình đã có những giây phút rất ngọt ngào và lãng mạn, nhưng cũng có niềm đau chất ngất đã vò nát tâm hồn cô trong cô đơn, chờ đợi và thất vọng. Rồi tình cờ nguồn hy vọng lại đem đến cho cô một nỗi mừng vui khôn tả, nhưng rồi sau đó lại rơi vào trạng thái tuyệt vọng không thể hàn gắn được nữa…!
 
Những cảm nhận ban đầu thấy mình như là những người “sơ khai”, nhưng cô Chín vẫn luôn gìn giữ nét văn hóa muôn đời của dân tộc Việt làm gia tài của mình:

“Cô hay tâm sự cùng bà con chòm xóm, cô không có gia sản của cải chi nhiều để lại cho con cháu, nhưng nhờ đọc sách báo cô ngộ ra một điều, chữ nghĩa là cái vốn quý muôn đời giúp con người lập thân. Cô tâm đắc nên gìn giữ kỷ sách báo xem như gia tài có ý nghĩa của cô”. (trang 29).
 
Có thể đây là nguồn an ủi cho bản thân cô? Thỉnh thoảng cô cũng hoài niệm một quảng đời tuy không mấy thơ mộng, nhưng cũng đã có những giây phút khiến cho cô cảm thấy bâng khuâng. Ngày cô vừa đến tuổi tròn trăng, cũng như những người con gái khác, trong lúc đi xem những hội hè trong làng, cô đã phải lòng một chàng trai cùng lứa có tên là Út Quyên. Cha mẹ của cô thấy cậu trai làng là người thật thà chân chất, nên ông bà rất vừa lòng và nhận xét:

“Một hôm nọ, ông Năm Giàu sau bửa cơm chiều thịnh soạn, đã ngà ngà qua vài chum rượu khai vị , bổng dưng cao hứng âu yếm nhìn bà Năm rồi cười duyên hỏi:

-Sao? Bà nghĩ sao về thằng Út Quyên? Bà thấy nó thế nào? Nói cho tui nghe thử coi!...

Thấy bà Năm ngập ngừng, nên ông Năm nói tiếp:

- Cái thằng đó tôi xem qua thấy cũng dễ thương đáo để. Trông được đến...!”. (trang 75).
 
Mỗi lần đến nhà, cậu Út thường rủ hai chị em cô Chín đi chùa, nên ông Năm rất “chịu” chàng trai nầy. Ông đã đích thân mời cậu Út đến nhà chơi và dùng cơm cùng gia đình. Đây là cơ hội tốt để cho hai cô cậu có nhiều dịp tâm tình. Thời gian thấm thoát trôi qua, tình cảm của hai người đã đến lúc gần như “thề non hẹn biển”… (Tình tự nầy cũng có thể cho thấy tấm lòng của cha mẹ thương con, muốn cho con tiếp nối kỳ vọng muôn đời của những người làm cha mẹ).

Thế nhưng một hôm cậu Út đã thành thật kể lại những dự ước của cậu, sau khi nhận được thư của ông chú ruột đang sinh sống ở bên Lào, viết về gọi cậu Út qua để ông ta tạo cơ hội cho cậu lập thân. Chứ ở quê mình thì suốt đời lam lũ song mãi mãi cái nghèo khổ vẫn đeo theo! Đắn đo suy nghĩ nhiều ngày, cuối cùng cậu Út đành phải trình bày hơn thiệt với gia đình ông bà Năm và chuẩn bị lên đường ...!.
 
Nghe được tin nầy thì cô Chín vô cùng hoảng loạn, cô luôn miệng với một câu hỏi tai sao, tại sao?:

“Tại sao anh lại từ bỏ thôn làng bản quán để phải một mình tha hương cầu thực làm chi? Anh thấy có cần như vậy lắm không? Liệu anh có thành công hay không nơi xứ người? Em không mấy yên trong lòng. Em lo lắm mỗi khi nghĩ đến anh. Anh có biết nỗi khổ tâm của em không?” (trang 115).

Biết cô Chín đang hết sức lo lắng cho mình, và lo cho cô không đủ sức chờ đợi trong mõi mòn, nên cậu Út lại giải bày để hầu an ủi cho cô phần nào:
 
 “Anh quyết định ra đi cũng chỉ vì một lý do duy nhất, anh sẽ cố gắng làm việc, tự nguyện hy sinh tất cả để lập nghiệp, tạo dựng một cơ ngơi chung rỡ ràng cho em và cho anh về sau. Em đừng nghĩ quẩn, có hại đến sức khỏe làm tàn phai nhan sắc và phí uổng một đời thanh xuân vô ích.”…(trang 118)

 Nhưng không may qua đến thì hay tin ông chú vừa bị tai nạn giao thông và qua đời. Gia đình đã chuyển đi nơi khác không để lại địa chỉ ! Đứng trước một tình thế vô cùng nan giải, vì số tiền dành dụm đã dần vơi vã lại trở về thì không bao giờ có thể làm tròn ước nguyện. Nên cuối cùng cậu Út đành phải đi xin việc làm để sống qua ngày đợi chờ thời cơ. Trước một thực tại phủ phàng và khổ tâm như vậy nên cậu Út không buồn liên lạc về nhà!
 
Ở nhà, cô Chín một bề trông ngóng thư của cậu Út từ ngày qua tháng lại nhưng vẫn bặt tin. Cô vội đánh liều viết thư cho cậu Út, nhưng rất tiếc là địa chỉ mà cậu Út để lại cho cô không còn giá trị nên dĩ nhiên thư bị thất lạc. Nguồn hy vọng cứ cạn dần theo năm tháng, nhưng cô vẫn kiên trì chờ đợi trong vô vọng. Thời gian trôi thì vẫn trôi, những gì đã trôi đi không bao giờ trở lại nữa. Cô đã hỏi thăm nhiều người kể cả gia đình của cậu Út. Và cũng chỉ được nghe tin dữ là anh Út có thể đã mất tích hay đã chết. Buồn đau vì tuyệt vọng, nên thỉnh thoảng cô đến chùa để tìm những giây phút bình an. Nơi đây đã ghi dấu những kỷ niệm ban đầu với người yêu, trở thành nguồn an ủi hy vọng sẽ quên đi…
 
 “Đây là ngôi chùa cổ duy nhất trong làng do một thầy cúng già mà hầu hết bà con lớn nhỏ trong làng quen miệng gọi là thầy tụng..., đến trụ trì bảo quản nhà chùa và chăm lo Phật sự để phục vụ bá tánh sùng đạo từ nhiều thập niên. Thầy có gốc gác nơi vùng sông nước rặt nòi miền Nam Kỳ Lục Tỉnh tận cuối mũi quê hương. Vùng đất quê mùa hẻo lánh với rừng tràm rừng đước nước lợ bao la bạt ngàn, nhưng sinh sản những người dân chơn chất mộc mạc, hiền hòa lương thiện. Thầy đến chùa không biết từ lúc nào, nhưng chắc chắn phải lâu lắm. Thầy có Pháp danh là Chánh Niệm, nhưng không biết sao dân làng họ đồng thanh gọi ngắn gọn và thân mật là thầy Chánh, và từ đó ngôi chùa duy nhất trong làng tôi được gọi là chùa “Thầy Chánh”. Thầy là nhân vật hiếm hoi không có không được nơi làng tôi”. (trang 152)
 
Đến đây thì chúng ta mới nghe thêm một “chuyện lạ” đối với người Phật tử: Chùa cũng là ngôi nhà của thầy trụ trì, có vợ con sống chung như một gia đình:

“Theo ông tôi, trong đạo Phật cũng có những người tu hành theo môn phái “Cổ Sơn Môn” mới có một tập quán khá đặc biệt, một lối sống riêng lẻ nếu so sánh với các hệ phái khác. Họ có quyền lập gia đình, nghĩa là có vợ có con, có nhà cửa và sự sản riêng tư. Mà nhà cửa ở đây là ngôi chùa nơi các thầy cúng tiếp nối nhau trụ trì và chung sống với vợ con. Trong những bửa cơm thường ngày họ cũng ăn mặn với thịt cá, tôm cua…như những người đàn ông bình thường khác trong xã hội. Việc chay lạt được họ tự nguyện áp dụng trong những ngày lễ lớn định kỳ hay ngày rằm ngươn. (trang 154).
 
Sự cần thiết của “ông Thầy chùa” đối với Hội đồng làng và dân chúng như thế. Nên họ cứ nơm nớp lo sợ sau khi thầy Chánh không còn tại thế nữa, thì chắc chắn là chùa làng sẽ thiếu vắng những sinh hoạt về tâm linh! Thế nhưng: “Cũng may, thời gian dài cảm thấy sức khỏe sút giảm đáng quan ngại nên trước khi viên tịch, thầy đã nghĩ xa thấy rộng. Thầy đã cẩn thận mời thầy cúng trẻ tuổi cùng môn phái với thầy thỉnh thoảng đến tiếp tay giúp thầy trong việc Phật sự vào những ngày lễ lớn. Thầy trẻ nầy có Pháp danh là Quang Trí. Tuy đã qua tuổi thanh xuân nhưng thầy vẫn còn độc thân, cứ đi đi về về những khi nhà chùa cần đến sự giúp đỡ của thầy…và như thầy Chánh, dân làng gọi thầy Quang Trí với tên tắt là thầy Trí…Dần dà thầy cũng được lòng bà con, nên sau khi thầy Chánh “về nước Phật” thiện nam tín nữ trong làng đều chung một lòng mong muốn khẩn cầu thầy Trí hảy vui lòng chấp nhận đến trụ trì ngôi chùa để thay thế vào chỗ thầy Chánh. Thầy Trí đang còn đắn đo chần chừ chưa có quyết định dứt khoát”.(trang 162)
 
Để khỏi lo lắng đối với vị “du tăng” nầy, ban Hội đồng làng bàn với nhau là “cưới vợ cho thầy trụ trì”, để thầy được yên ổn mà lo việc Phật sự cho làng. Và đối tượng mà ban Hội đồng làng nhắm đến là cô Chín con ông bà Năm Giàu, cũng là một gia đình rất có Đạo tâm. Vã lại cô Chín tuy đã trải qua một mối tình, nhưng theo tin đồn đã nhiều năm nay…,không còn hy vọng gì nữa!. Nên ông bà Năm cũng xiêu lòng vì mong muốn con mình yên bề gia thất…
 
Cô Chín nghe đến tin nầy thì cô quyết liệt phản đối, mặc dầu lý lẽ không đứng vững nhưng cô vẫn không chấp nhận. Ông bà Năm lại đem lời thiệt hơn để phân giải với cô, cuối cùng cô cũng nghĩ đến tục lệ ngày xưa: “cha mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đó”. Nên cô phải thuận theo một cuộc tình duyên mà muôn đời lòng cô không mong muốn được. Do đó sau khi về làm vợ thầy Trí, cô sống như một cái xác không hồn. Thầy Trí cũng biết nhưng thầy vẫn cố gắng…!
 
Nhưng một hôm, định mệnh trớ trêu lại đến với cô thật vô cùng ác nghiệt. Trong lúc thầy Trí đi lo việc Phật sự phương xa, thì đột ngột xuất hiện một bóng đen từ xa, vì trời chập choạng tối nên không thấy rõ:

“Khi đến gần thì tôi sững sờ như người mất hồn và chợt nghe anh âu yếm hỏi tôi: “Em Chín, em không nhận ra anh sao em?. Chắc anh lạ lắm hả? Anh đây. Anh vừa về đây mà. Anh là Út Quyên bằng xương bằng thịt chớ không phải người nào xa lạ” (trang 207)
 
Cô đang trong trạng thái thất thần ! Nhưng khi lấy lại được bình tỉnh thì cô dịu dàng trả lời:

“Em đã nhìn rõ được anh. Làm sao em có thể quên anh cho được. Thực lòng em là như vậy, chỉ có thánh thần chứng giám cho em. Làm sao mà em quên!” (trang 210).

(trải qua một thời gian dài lưu lạc, Út Quyên đã gom được một số vốn qua việc hùn hạp với một người khai thác gỗ quý. Định về để xin phép hỏi cưới cô Chín và đưa qua Lào lập nghiệp. Thế nhưng khi biết được sự trái ngang (xem như người yêu đã phản bội) nên cậu Út quyết định một mình lặng lẽ trở lại Lào).
 
Ở nhà, những nỗi khổ đau đang chất chồng lên khiến cho cô Chín phải suy sụp trầm trọng. Nhờ người đi tìm thầy bắt mạch cho thuốc thì được biết cô đã có thai. Và trong lúc cô có thai cô hay tơ tưởng đến người yêu xưa mà cô còn giữ tấm hình lâu lâu đem ra xem. Không ngờ sau khi sinh đứa con trai rất giống cậu Út. Sự kiện nầy khiến cho chồng cô là thầy Trí có nhiều lúc nghi ngờ và dần dà trở nên ghen tuông. Nhưng cô Chín bằng mọi cách chứng tỏ mình trong trắng. Song những hiện tượng có thể là vô tình kia đã khiến cho chồng chị thêm nhiều nghi vấn. Khi chị sanh đứa con thứ hai thì trắng trẻo và rất giống chồng chị, cũng như cử chỉ của chị yêu thương đứa con đầu lòng nhiều hơn…! Nhưng một hôm có một người già đến gõ cửa chùa và đứng đợi. Cô Chín ra mở cửa và không biết họ trao đổi nhau những gì thì cô Chín chạy vào nhà lấy áo mưa và nói với chồng : “Em phải đi đây”! rồi đi theo người ấy. Chồng chị không biết chị đi đâu mà gấp gáp trong lúc trời đang mưa? Nên anh ta đi theo sau, khi đến gần ngôi đình làng thì thấy chị vào trong và người đàn ông cáo lui. Thầy Trí nép bên cánh cửa khép hờ và nghe lời thì thào của một người đang hấp hối… trong đó có sự xác nhận: “Cám ơn em đã đến”… tâm sự thì dài dòng, nhưng có đoạn với sự thắc mắc của cô đã vô tình làm sáng tỏ:

“Làm sao có thể xẩy ra như vậy? Bằng cách nào đứa con em mang trong bụng lại giống anh, như em vừa mới nói đó. Làm sao? Bằng cách nào?...

Anh tiếp tục nói trong khó khăn: Bí mật! Thật khó hiểu quá. Chúng ta, anh và em, hai đứa mình không bao giờ và chẳng bao giờ phạm tội cả!... Anh khẻ lắc đầu: Chẳng bao giờ em ạ!...

Anh lặp lại:

Chẳng bao giờ! Mình sống trong sạch và đạo đức mà! Đất trời chứng giám cho hai đứa chúng ta.” (trang 311).
 
Sau khi chồng chị nghe hết tất cả, thầy Trí cảm thấy rất hối hận, vì từ trước đến nay thầy luôn nghi ngờ vợ mình “ngoại tình”! Vì thế ngoài lời xin lỗi ra thầy không biết phải làm gì để cầu mong được tha thứ! Sự hối hận đã dằn vặt thầy Trí mãi cho đến một ngày thầy ngã bệnh: … Sự dày vò dằng xé về những ẩn ức hoài nghi liên tục của thầy Quang Trí trước khi thầy trả lại xác phàm cho thế gian, chỉ có duy nhất một người biết rõ hơn ai khác. Đó là người đàn bà trong cuộc, người đàn bà yếu đuối cô đơn từng bị thầy nghi kỵ oán hận, miệt thị rẽ khinh, cố tình dùng lời lẽ thô bạo nhằm hủy hoại tinh thần và tình cảm thiêng liêng của bà qua bao thập niên kế tiếp!. (trang 323).

Cuối cùng bà đã hiểu rõ hơn ai hết về sự nông nỗi của chồng! Bà kết luận:

“Một khi tôi đã hiểu chồng tôi, hiểu mọi sự việc đã xẩy ra trong đời tôi, tất nhiên tôi đã tha thứ cho người. Vã lại, theo tôi được biết, trên cõi đời nầy nếu có một việc không thể tha thứ được là chính mình không biết tha thứ…! (trang 324).
 
Bà dừng kể với đôi mắt buồn vời vợi, đang nhìn về một quá khứ xa xôi. Có lúc như chìm đắm trong hạnh phúc ngập lòng, và nhiều khi như đang rã rời với thương đau vò xé…Đã dựng lại một “bối cảnh lịch sử” của những người di dân lập nghiệp tại vùng miền cuối cùng của Tổ quốc. Họ mang theo một nền “Văn hóa chắp nối, cùng với một sinh hoạt Tôn giáo tự phát theo trí tưởng, hòa với nếp sống dân gian tạo nên một sắc màu lạ lẫm, đã thành lập nên một “phong tục tập quán đặc thù địa phương” để xây dựng một xã hội tuy chắp vá nhưng với những tấm lòng nhân bản, đã chia xẻ cho nhau nguồn cảm  thương yêu muôn đời. (Hình như thế mà sau nầy có thêm “Phật giáo Hòa hảo, và Đạo dừa” chăng?)...

Với lối văn diễn tả rất sống động, như gồm nhiều ý tưởng đang bồng bế nhau chạy về phía trước, với bước chân chập chững “sơ khai” nhưng đã để lại trong lòng người một hút mù dỉ vãng… !
 
Trần Đan Hà
Germany
 
 
   Muốn có tác phẩm xin liên lạc:
   Võ Đức Trung – Nhóm Văn Hóa Pháp Việt
   1 Allée des Peupliers.
   59320 Hallennes Lez Haubourden. FRANCE.

No comments:

Blog Archive