- Người Phương Nam
Chúa nhựt, cô Hai dậy trể hơn ngày thường. Mang cái bịnh thời đại, bịnh ghiền internet, tối nào cô cũng thức tới 1- 2 giờ sáng đọc mails, chuyển bài, trả lời email cho bạn bè tứ xứ. Vì vậy sáng chúa nhựt dù có muốn thức sớm cũng thức không nổi, sớm lắm là cũng phải 8 giờ ngoài.
Ông xã cô đã đi chợ trời từ sáng sớm. Lúc trước cô cũng hay đi theo nhưng đi riết hết biết mua cái gì nên ở nhà ngủ nướng thêm một chút để lấy sức làm việc một ngày cho dù hôm nay là ngày chúa nhựt đáng lẽ phải ngưng nghỉ mọi việc để đầu óc thư thả hướng lòng về Chúa, riêng cho Chúa mà thôi.
Trong lúc chờ ông xã về ăn sáng, cô lôi thịt trong tủ lạnh đã mua sẵn hôm qua ra làm. Hôm qua đi chợ về phải lo làm đồ ăn chiều cho con cháu về ăn nên chưa có giờ rớ tới mớ thịt này. Nhà có hai vợ chồng nhưng nấu ăn thì cho tám mạng, có khi tới mười bốn người tính luôn bên nhà ba má và em gái cô. Vì vậy khi nấu món gì cô cũng phải làm nhiều, nội cái chuyện chuẩn bị nguyên liệu không cũng mất giờ lâu lắc. Bây giờ thì cô phải xắt 3 ký thịt nạc dăm để kho tiêu cho hai nhà, nhà mình và nhà cô em gái. Dao không đủ bén, vừa xắt vừa lóc mỡ mất hơn nửa giờ nhức cả cánh vai bên phải. Sau khi ướp muối, tiêu, đường, nước mắm, nước màu để đó, cô lại xắt tiếp mấy miếng ức gà.
Cô tính xào mì rồi lát nữa đi thăm ba má, đem cho ba má ăn. Ngoài thịt gà còn có rau cải như giá, cà rốt, cải bông xanh, bao nhiêu thứ phải chuẩn bị. Muốn cho đủ ăn cả hai nhà, cô mua hai ký lô mì, phải xào hai lần mới hết. Mấy người quen thấy tội nghiệp cho cô cứ phải nấu ăn vất vả hằng ngày thường nói với cô hơi sức đâu mà nấu nhiều vậy, ra ngoài quán mua cho khỏe thân nhưng khổ nổi gia đình cô không ai chịu ăn đồ nấu sẵn bên ngòai vì sợ nhiều dầu mỡ và bột ngọt, nhứt là ba của cô. Thương ba má, cô muốn ba má được ăn những món mà hai ông bà ưa thích nhưng nếu chỉ cho ba má, còn mấy đứa cháu không có phần thì ba má cô ăn không ngon miệng. Gia đình cô xưa nay đã quen thương yêu đùm bọc chia xẻ với nhau, có ít chia ít, có nhiều chia nhiều thành ra cô phải rán chịu cực nấu đủ cho cả nhà để ba má được vui trọn vẹn.
Nghe ba cô kể lại tuổi thơ nghèo khổ của ba mà xót lòng rớt nước mắt, thương ba làm sao! Ông bà nội cô từ bên Tàu qua VN lập nghiệp với hai bàn tay trắng nhưng không được vận may ăn nên làm ra như những người bạn cùng thời. Ông nội tìm được một chân làm tổng khậu trong một nhà máy xay lúa, nấu ăn cho nhân công mấy chục người, lương tháng không đủ nuôi vợ và bốn con trai, lại thêm bệnh hút. Do đó, anh em của ba sớm nghỉ học đi bán cà rem kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chỉ có ba là người có chí, dù cực khổ cũng rán theo đuổi việc học. May phước có người thương tình xin hiệu trưởng cho ba được miễn học phí nên ba mới có thể học lên tới trung học.
Mỗi ngày trước khi đi học, ba chạy lại kẹt tủ nơi ông nội để tiền xem thử coi ông nội có để tiền chợ cho bà nội ngày đó không. Nếu không có đồng xu nào thì khi tan học, ba chạy lẹ về, chạy u lại lò bánh tằm xin lãnh cục bột se mướn cho người ta kiếm được vài cắc mua hai ba cái trứng vịt dập để bà nội chiên ăn chiều.
Tội nghiệp cho ba, nhà ông bà nội nhìn qua bên kia sông là thấy truờng học trước mắt nhưng ba không có tiền đi đò qua sông, sáng chiều nào ba cũng phải đi một vòng lớn xuống tới đầu chợ mới có chiếc cầu bắc ngang sông để tới trường. Ngay cả ăn sáng mấy củ khoai lang chỉ có 1 cắc ba cũng không có tiền đành phải nhịn đói cả ngày. Thấy thằng con nhà giàu đi học ăn mặc bảnh bao, ăn cục bonbon của tây, ba thèm thuồng ứa nước mắt tủi thân, rán nuốt cục thèm vào bụng và tự nhủ lòng sẽ cố gắng vươn lên cho thóat khỏi kiếp nghèo. Hôm nào bà nội có đủ tiền mua lạp xưởng cho cả nhà ăn, ba bưng chén cơm đi khoe cả xóm “bữa nay nhà tao được ăn lạp xưởng nè tụi bay”
Khi lớn lên lập gia đình, ba là một người chồng người cha tốt, luôn chu tòan trách nhiệm của mình. Má cô suốt cả đời không làm ra một xu teng nào, chỉ ở nhà nuôi con và lo việc nội trợ. Chỉ mình ba đi làm nuôi hết cả nhà sáu người. Đã có kinh nghiệm thiếu thốn nghèo đói, ba tâm nguyện không để cho con cái ba phải khổ cực như ba lúc nhỏ. Ba hết lòng thương con, lo cái ăn cái học chu đáo dù ba không dư ăn dư để. Gia đình cô ngọai đạo, nhưng ba cho các con học trường dòng bà phước, mỗi ngày có xe trường đưa rước tới nơi. Ngày xưa một củ khoai ăn sáng ba không có mà ăn, bây giờ các con ba được ăn sáng bánh mì trứng chiên hay lạp xưởng hoặc fromage đầu bò "La vache qui rit" và ăn goûter thì bánh biscuit hộp petit beurre của Pháp như con nhà khá giả.
Cô còn nhớ rất rõ những gì ba đã làm cho cô thời thơ ấu khi mấy đứa em chưa chào đời. Lúc cô học lớp năm, bắt đầu học toán đố cộng trừ nhơn chia, vì cô tối dạ chậm hiểu, ba phải cưa mấy miếng gỗ nhỏ hình vuông, mỗi miếng khỏang hai phân rồi đánh giấy nhám cho láng và sơn màu khác nhau để dạy cho cô dễ hiểu. Nếu cộng là gom vào, trừ là lấy bớt ra. Nhờ thích mấy miếng gỗ đủ màu xinh xắn mà cô chịu học và dần dần mới biết làm tóan. Biết con gái thích chơi nấu ăn, ba mua cho cô một bộ nồi niêu soong chảo đồ chơi bằng nhôm có thể nấu thiệt để cô chơi nhà chòi nấu nướng với những đứa bạn xóm giềng.
Muốn tập cho cô đi xe đạp, ba sắm cho cô một chiếc xe đạp mini vừa tầm cở cô rồi chiều chiều sau khi ăn cơm xong hai cha con ra đường tập đạp. Sợ cô ngã, ba phải vừa vói tay vịn yên xe, vừa chạy lúp xúp theo sau lưng tới lui mấy chục vòng đến hụt hơi thở hào hễn. Qua vài ngày, khi thấy cô chạy khá vững ba mới buông cho cô chạy một mình, còn ba thì đạp chiếc xe của ba chạy song song theo canh chừng.
Còn nhớ một buổi chiều, khi nhận thấy cô đã “pass”, ba nói với cô bữa nay hai cha con mình đạp xe qua Mỹ Xuyên (một quận lỵ cách tỉnh nhà 5 km) coi cô đạp nổi không. Khi tới Mỹ Xuyên, ba dẫn cô vào chợ nhà lồng mua hai ly xá xị cho hai cha con giải khát để lấy sức đạp trở về.
Và mặc dù ba là người ngọai đạo không biết gì về Chúa nhưng tới Noel ba cũng sắm cho cô một bộ hình tượng Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ giữa Thánh Giuse, Đức Mẹ và các mục đồng lồng trong hộp kiếng trang trọng như mấy đứa con nhà có đạo.
Khi cô tới tuổi có bồ, ba tế nhị nghĩ đến chuyện phải cho cô có phòng riêng nên đã xây một căn gác nhỏ để cô tha hồ mơ mộng. Ba có khiếu làm thợ, chuyện gì trong nhà ba cũng làm được hết, từ thợ điện, thợ mộc, thợ hồ, thợ sửa chữa linh tinh. Bàn ủi hư, quạt máy không chạy, radio tịt ngòi, nhứt nhứt, lối xóm đều nhờ cậy ba. Vì vậy chuyện xây căn gác đối với ba rất dễ dàng. Ba đo kích thước căn phòng rồi đặt mua khung sắt và mấy tấm ván dầu. Khi người ta giao hàng, ba bắt tay làm ngay. Làm tới đâu ba giải thích cho cô tới đó, nói tại sao phải làm thế này thế nọ, mấy miếng ván lót không được quá khít vì phải chừa chỗ cho mai mốt nó còn “nở” ra. Cô làm thợ vịn phụ với ba, chỉ hai ngày sau là cô có cái “khuê phòng” xinh xắn riêng biệt tầng trên. Thiệt cám ơn ba vô cùng.
Mỗi dịp bãi trường, hễ cô mở miệng nói muốn đi theo bà dì đi Saigon chơi là ba mở tủ lấy vài ngàn đưa cho cô nói muốn mua sắm gì thì mua. Ba rất hiền từ cưng yêu con cái, từ nhỏ tới lớn chị em cô chưa hề nghe ba lớn tiếng la rầy đừng nói chi tới đánh một bạt tai.
Ba chẳng những thương con mà đối với má cũng hết tình hết nghĩa và với bà nội cũng tròn chữ hiếu. Mỗi lần ra quán uống cà phê xã giao với khách hàng, ba đều mua một bọc cà phê đá (hồi thời đó không có những cái ly giấy sốp như bây giờ) và bánh quay chèo hoặc một gói cốm mì về làm quà cho má. Muốn ăn mì hủ tiếu gì ba cũng đều dẫn cả nhà đi chung chớ không bao giờ ra quán ngồi ăn một mình. Mấy bà bán trái cây ngoài chợ biết tánh ba thương gia đình nên thường kêu réo mời ba mua mỗi khi có trái cây tươi mới về. Những lúc vậy thì thế nào ba cũng xiêu lòng ghé lại nói với họ kêu mấy đứa nhỏ xách vô nhà cho ba hai ký nhãn, vài trái sầu riêng hay mãng cầu hoặc măng cụt gì đó tùy theo mùa. Lần nào mua trái cây cho vợ con, ba cũng không quên phần bà nội đang sống với gia đình chú thiếm.
Khi gả chồng cho cô, ba bắt rể về ở chung nhà, ba nuôi luôn vừa con vừa rể mặc dù ông con rể đi làm lương khá, nhưng ba bảo cất lên để dành làm vốn. Nhờ vậy khi vượt biên hai vợ chồng cô mới có đủ số vàng đóng cho chủ ghe đổi lấy vé đi tìm tự do.
Trước ngày đi, ba dặn dò cô rằng
"Từ nay không có ba má bên cạnh, con hãy rán lo liệu một mình. Cuộc đời bên ngoài không hiền lành dễ dàng như ở trong gia đình đâu. Không ai thương chìu, giúp đỡ mình như chị em trong nhà. Vì vậy muốn được yên thân thì trước nhứt con phải học chữ nhẫn. Chuyện gì cũng nên nhẫn nhịn, đừng háo thắng hơn thua với ai hết, một câu nhịn chín câu lành, nhịn không có lỗ lã đâu mà trái lại với thời gian con sẽ thấy mình tránh được nhiều việc rắc rối vào thân, lui một bước để tiến lên hai bước là vậy. Và chữ tín cũng rất quan trọng trong việc đối nhân xử thế. Làm việc gì cũng phải có uy tín. Hứa với ai điều gì thì phải giữ lời, cố gắng thực hiện cho được đừng để người ta khinh khi, cho mình là kẻ ba hoa khoác lác không đáng tin cậy. Một con người hòa nhã biết nhẫn nhịn và có uy tín thì đi tới đâu cũng sẽ được người thương mến giúp đỡ". Ở đời người thương mình thì ít, mà người ghét mình thì rất nhiều, rán sống sao cho đắc nhân tâm, đó là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa đời".
Sau vài năm an cư lạc nghiệp, hai vợ chồng cô bảo lãnh ba má và em gái qua đòan tựu để một nhà lại sum họp như xưa, để ba má tuổi già có con cháu kề bên chăm sóc phụng dưỡng. Ở xứ này tiện nghi vật chất đầy đủ, cái ăn cái mặc dư thừa, muốn gì cũng có nhưng khổ nổi ba đã quen lối sống kham khổ, ăn uống đạm bạc xưa kia, mấy chị em muốn bù đắp tuổi thơ thiếu thốn cho ba nhưng ba chẳng màng. Bữa ăn nào ba cũng điều độ hai chén cơm trắng với một chút thức ăn thanh đạm rồi thôi, ngoài ra không rượu không trà, không bánh trái nước ngọt, nhung sâm yến sào gì cả làm mấy chị em xót xa thương ba đứt ruột.
Năm nay ba đã 89 tuổi, mọi bộ phận trong người đều đã bị lão hóa, mắt chỉ còn thấy mờ mờ một bên, tai thì điếc nặng, chân cẳng cứng đơ làm ba đi đứng khó khăn, ngày tối ba chỉ xích qua xích lại trong nhà với má hoặc xa nhứt là bước vài bước ra ngoài lấy thơ. Hoặc những khi cô qua thăm ba má ra về, ba lần bước đưa cô ra tới cửa rào rồi đứng đó chờ cô lên xe. Nhìn chiếc lưng còng, mái đầu bạc phơ trắng xóa và bàn tay run run đưa lên vẫy vẫy, cô rưng rưng khóc thầm, không biết hình ảnh thân thương này cô sẽ còn được thấy bao lâu nữa.
Ba ơi! đã đến lúc mình sắp phải chia tay ở cuộc đời này. Ba đã quá già, con cũng không còn trẻ, cha con mình không còn bao nhiêu ngày nữa bên nhau. Ba là một người cha tốt hiếm có trên đời mà con may mắn có được. Xin cám ơn ba hết lòng tình thương như núi cao vời vợi, như biển rộng mênh mông, như sông dài thăm thẳm mà ba đã cho con trong kiếp này. Nếu có kiếp sau, con vẫn muốn được tiếp tục làm con của ba nữa nhe ba...
Sau vài năm an cư lạc nghiệp, hai vợ chồng cô bảo lãnh ba má và em gái qua đòan tựu để một nhà lại sum họp như xưa, để ba má tuổi già có con cháu kề bên chăm sóc phụng dưỡng. Ở xứ này tiện nghi vật chất đầy đủ, cái ăn cái mặc dư thừa, muốn gì cũng có nhưng khổ nổi ba đã quen lối sống kham khổ, ăn uống đạm bạc xưa kia, mấy chị em muốn bù đắp tuổi thơ thiếu thốn cho ba nhưng ba chẳng màng. Bữa ăn nào ba cũng điều độ hai chén cơm trắng với một chút thức ăn thanh đạm rồi thôi, ngoài ra không rượu không trà, không bánh trái nước ngọt, nhung sâm yến sào gì cả làm mấy chị em xót xa thương ba đứt ruột.
Năm nay ba đã 89 tuổi, mọi bộ phận trong người đều đã bị lão hóa, mắt chỉ còn thấy mờ mờ một bên, tai thì điếc nặng, chân cẳng cứng đơ làm ba đi đứng khó khăn, ngày tối ba chỉ xích qua xích lại trong nhà với má hoặc xa nhứt là bước vài bước ra ngoài lấy thơ. Hoặc những khi cô qua thăm ba má ra về, ba lần bước đưa cô ra tới cửa rào rồi đứng đó chờ cô lên xe. Nhìn chiếc lưng còng, mái đầu bạc phơ trắng xóa và bàn tay run run đưa lên vẫy vẫy, cô rưng rưng khóc thầm, không biết hình ảnh thân thương này cô sẽ còn được thấy bao lâu nữa.
Ba ơi! đã đến lúc mình sắp phải chia tay ở cuộc đời này. Ba đã quá già, con cũng không còn trẻ, cha con mình không còn bao nhiêu ngày nữa bên nhau. Ba là một người cha tốt hiếm có trên đời mà con may mắn có được. Xin cám ơn ba hết lòng tình thương như núi cao vời vợi, như biển rộng mênh mông, như sông dài thăm thẳm mà ba đã cho con trong kiếp này. Nếu có kiếp sau, con vẫn muốn được tiếp tục làm con của ba nữa nhe ba...
No comments:
Post a Comment