Saturday, September 12, 2015


KHÔNG ĐẦU HÀNG GIẶC
(Hai vị Thần Làng) 

“Di Tản Chiến Thuật”
Đầu tháng 3 năm 1975, Cao nguyên Ban Mê Thuột rơi vào tay của Quân đoàn Cộng Sản miền Bắc tràn qua từ biên giới Việt Miên Lào. Cuộc rút quân vội vã lẫn trong cảnh chạy giặc của dân chúng trên quốc lộ 7, giữa cảnh hỗn loạn thảm khốc và bi thương đã làm chấn động cả miền Nam. Trong khi ấy tin tức tình báo cho biết 5 Sư đoàn quân Bắc Việt với chiến xa và đại pháo Liên Xô, đã tập trung ở phía Bắc sông Thạch Hãn, Quảng Trị và dọc theo đường mòn Trường Sơn nay đã trở thành xa lộ trải đá từ sau Hiệp Định Đình Chiến Paris năm 1973.

Dưới áp lực chính trị của Hoa Kỳ và tình hình quân sự đột biến ở vùng Cao Nguyên, miền Trung, chính quyền miền Nam đã tái phối trí quân đội dể vừa bảo vệ Sài Gòn, vừa mưu định tái lập lực lượng Tổng Trừ Bị đã mất tính cơ động từ sau ngày Đình Chiến do việc đóng quân giữ đất.

Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến là một trong hai lực lượng Tổng Trừ Bị thiện chiến và được tin cậy, Sư Đoàn Dù ở Quảng Trị và Đà Nẵng được lệnh tập trung và rút quân về ứng chiến quanh thủ đô Sài Gòn vào thượng tuần tháng ba năm 1975. Để thay quân, Sư Đoàn 3 Bộ Binh nguyên trấn thủ vùng giới tuyến Tự Do và Cộng sản ở phía Nam bờ sông Bến Hải với Đông Hà, Ái Tử, cùng Sư Đoàn TQLC tái phối trí.

Ngoại trừ một Lữ Đoàn tăng cường cùng với 4 tiểu đoàn chiến đấu là 3,4,5 và 7, toàn bộ Sư Đoàn TQLC rời vùng Quảng Trị rút về trấn giữ mặt Đông và Bắc Đà Nẵng, Lữ Đoàn 468 TQLC tân lập giữa năm 74, chỉ với hai Tiểu Đoàn 13 và 14 chịu trách nhiệm chốt từ Đèo Hải Vân cho đến Lăng Cô. Liên Đoàn 15 và Biệt Động Quân từ Đà Nẵng được đưa ra Mỹ Chánh để tăng cường cho Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh.

Ngay khi lực lượng TQLC rút quân, dân chúng Quảng Trị với kinh nghiệm máu xương trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 72 đã xôn xao chấn động rồi ùn ùn kéo nhau di tản về Huế bằng đủ mọi phương tiện, luôn cả ổ dắt díu nhau gồng gánh đi bộ ngay trên quốc lộ 1.

Phản ứng rung động dây chuyền lan về đến Huế, những gia đình có máu mặt đã vội vã thu dọn lên đường chạy về Đà Nẵng là bản doanh của Quân Đoàn 1 của Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó suốt từ đầu tháng 3 năm 1975, dân chúng tản cư dồn dập đổ xô vào thành phố Đà Nẵng tránh nạn chiến tranh mà ai cũng biết sẽ xảy ra không bao lâu nữa. Người từ Quảng Trị, Quảng Nam dồn lên, dân chúng và xe cộ từ Huế, Quảng Trị đổ xuống, chẳng mấy chốc thị xã Đà Nẵng bị tràn ngập bởi làn sóng tản cư chạy nạn, bọn nằm vùng và hoạt động nội thành của Việt Cộng bám theo tìm cơ dấy loạn binh đao.

Chuyến bay cuối cùng:


Tình hình trong phi trường Đà Nẵng càng lúc càng tồi tệ, từ vùng núi phía Tây, quân Cộng Sản Bắc Việt đã nã pháo 130 ly vào phi đạo khiến các chuyến bay vận tải chuyển người về Nam phải ngưng lại. Hành khách chen lấn đổ xô lên chuyến bay C. 130 đến nỗi trưởng phi cơ phải ra lệnh vừa đóng nắp bửng vừa di chuyển ra phi đạo. Có một người bị kẹt trong buồng bánh phi cơ về đến tận Sài Gòn mới biết.

Trong tình thế đó, phi công chính của chiếc trực thăng vận tải Chinook CH. 47A đã quyết định cất cánh rời phi trường Đà Nẵng với hơn 60 hành khách gồm hầu hết thân nhân gia đình quân sĩ lánh nạn tạm qua phi trường Non Nước bên vịnh Tiên Sa sát biển còn ổn định dưới quân phòng ngự Thủy Quân Lục Chiến. Phi hành đoàn gồm phi công chính Đại Úy Phạm văn Kiến, phi công phụ Trung Úy Nguyễn đình Hương, hoa tiêu Đại Úy Nguyễn anh Dũng và hai xạ thủ đại liên. Tờ mờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 75, Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn TQLC bắt đầu xuống tàu Hải Quân HQ. 402 vừa ủi bãi đón quân tại Non Nước.

Tình thế lại dao động khi Thiết Giáp nghe tin TQLC rút quân đã ùn ùn từ trong Đà Nẵng chạy ra hưóng biển. Lo sợ quân lính TQLC đồn trú cưỡng bức chiếc trực thăng vận tải vốn đã đầy người, Đại úy Kiến quyết định rời Non Nước, dự tính bay về phi trường Phù Cát. Thời tiết còn xấu với mây mù xuống thấp và gió lớn. Với trọng tải quá mức, phi cơ không thể nhấc lên cao trên từng mây thấp, không rõ tầm quan sát, phi công phải nhờ người hạ sĩ quan xạ thủ ra dấu bên trái là biển và bên phải là cát để tiếp tục bay dọc theo bờ biển về Nam.

Sau hơn một giờ bay, khi nhìn xuống chỉ thấy ruộng muối mênh mông, sợ lạc hướng, Đại úy Kiến đã kéo lệch con tàu về phía đất liền và bắt buộc phải bay rà thấp cách mặt đất chỉ vài trăm bộ Anh, khi bay ngang Sa Huỳnh, quận Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, quân du kích Việt Cộng đổ ra chĩa súng trường bắn lên như pháo Tết, đạn AK gây tử thương cho bốn năm người, khiến hành khách bấn loạn, phi công phụ Trung úy Nguyễn đình Hương cũng bị trúng đạn, máu đã loang ra bộ quần áo phi hành màu xanh xám, Đại úy Kiến thấy nguy cơ trước mắt đã lên tiếng trấn an Hương khi vị sĩ quan này móc quả lựu đạn mini đòi rút chốt tự tử.

-“Đừng làm vậy, để tao lái một mình được rồi.”

Đại úy Kiến kéo cần lái nhấc đầu chiếc trực thăng Chinook lên cao dưới làn đạn nổ ran của Việt Cộng dưới đất. Chiếc trực thăng Chinook từ từ cất lên cao. Một ngàn bộ, hai ngàn bộ, bỗng chiếc tàu như con ngựa bất kham, khựng lại rồi chúi xuống, kim đồng hồ áp xuất đã suội xuống, động cơ nổ lụp bụp, Đại úy Kiến cố kìm cần lái điều khiển; tai họa chụp xuống ngay trước mắt. Dù vậy, tay bị thương, Trung úy Hương đã lấy lại bình tĩnh phụ kéo cần lái cho phi cơ từ từ đáp xuống, như một phép lạ, chiếc trực thăng bị trúng đạn chỉ hơi chao đảo rồi hạ cánh ép buộc xuống bờ biển, một nửa thân tàu ngập nước, một nửa nằm chênh vênh trên bãi cát. Mọi người ùn ùn chạy thoát ra ngoài, thất kinh hồn vía.

Tiếng súng của Việt Cộng lại vang lên chát chúa từ hướng Sa Huỳnh, Phổ Châu, mạnh ai nấy chạy thoát thân về phía Nam. Người cha ruột của Đại úy Kiến vốn di tản từ Huế vô Đà Nẵng đã chạy theo con trên chuyến tàu, lo sợ hối thúc lôi tay con chạy theo đám đông. Trong khi ấy, Đại úy Nguyễn anh Dũng đã chạy lên tháo gỡ dây nịt an toàn ghế phi công phụ rồi bồng ãm Trung úy Hương lên bờ cát. Trung úy Hương trúng đạn bị thương, máu đã thấm ướt ra ngoài áo phi hành, tay cầm khẩu súng lục ru-lô lăm lăm la lớn:

-“Tao đã bị thương nặng, thà chết chứ không để bọn Việt Cộng bắt.”

Nói rồi Hương quay mũi súng qua hướng người yêu đã theo chân từ Đà Nẵng vừa nói:

-“Mình cùng tự tử chết, không để cho Việt Cộng bắt hàng.”

Viên đạn ru-lô xuyên qua ngực phải người con gái, khiến nàng ngã xuống ngất lịm, nhưng nàng đã sống sót nhờ viên đạn đi lệch lên trên vai phải, Hương đưa súng qua tay Dũng nói lớn:

-“Mày bắn tao trước đi, tao theo đạo Chúa không tự tử được.”

Trong cơn chấn động, trước viễn ảnh quân cộng sản đang tràn tới bao vây, Dũng bình tĩnh cầm khẩu súng lục ru-lô P.38 nổ ngay vào màng tang của Hương rồi quay mũi súng vào đầu mình bóp cò. Súng không nổ, vẫn ở tư thế quỳ hai chân, Dũng bình thản mở trục đạn xoay một nấc rồi đưa súng lên nổ vào màng tang. Anh ngã xuống ngay bên cạnh xác đồng đội, trước những cặp mắt kinh hoàng và nể sợ của những người đàn bà chậm chân chưa kịp hoàn hồn tháo chạy.

Sau đó bọn Việt Cộng cũng đã gom bắt được tất cả những người sống sót giải về làng, xác hai phi công trực thăng Chinook thuộc Phi đoàn 247 đã được đồng bào chôn cất ngay sát bờ biển làng Phổ Châu, quận Đức Phổ, Quảng Nam vào giờ Ngọ ngày 29 tháng 3 năm 1975, bắt đầu một trang sử khốc liệt, bi hùng như một chuyện võ hiệp cổ tích, mở đầu cho những ngày đen tối của miền Nam Việt Nam tự do.

Mãi tới năm 2003, sau khi đã định cư tại Hoa Kỳ, Đại úy Kiến gửi một lá thư ngắn nhờ đọc trên đài phát thanh Little Saigon về hai người sĩ quan anh hùng bất khuất đã vùi thây tại Sa Huỳnh, gia đình của Đại úy Nguyễn anh Dũng và Trung úy Nguyễn đình Hương đã bắt liên lạc với tin tức chính xác về nơi chôn cất nhờ anh ruột của Hương còn ở Việt Nam và người bà con của Dũng tìm ra tận nơi làng quê hẻo lánh này để hốt cốt đem về Nam an táng.

Khi được tin, dân làng đã đổ xô tới và lên tiếng xin cho hai vị “Thần Làng” được giữ nguyên tại đây. Theo lời dân làng này thì hai phi công tự tử này rất linh thiêng và được dân làng dựng miếu thờ, ai cầu xin gì cũng được; nhưng do nguyện vọng của gia quyến bên Mỹ, hài cốt của hai người phi công Anh Hùng đã được chuyển về Nam an táng.

Trong cuộc chiến chống Cộng Sản ở miền Nam Việt Nam, hàng ngàn anh linh hào kiệt của quân đội đã ngã xuống cho an nguy của dân tộc đến nay vẫn còn là những chiến sĩ vô danh, trong ấy có phi công đại úy Nguyễn Anh Dũng và phi công Trung úy Nguyễn Đình Hương của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.

* Trần Ngọc Toàn là một Tiểu đoàn trưởng TQLC, xuất thân trường VBQGVN K16*

No comments:

Blog Archive