Friday, September 18, 2015

AI RA LỆNH KHAI HỎA TRONG TRẬN HOÀNG SA 1974 ?


Tháng 2 năm 1999, Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc qua đời, ông để lại một tập hồi ký dày 108 trang, tựa đề là “Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974”.  Trong đó ông có nói về lệnh “Khai hỏa” như sau :
Việc thất bại trong cuộc đổ bộ được báo cáo về Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải thì đích thân Tư Lệnh HQ/VNCH hay Tư Lệnh vùng 1 Duyên Hải ra lệnh vắn tắt có hai chữ KHAI HỎA”
Nghĩa là Đại tá Ngạc không nhớ lệnh “khai hỏa” từ Bộ tư lệnh Hải Quân ( Đô đốc Trần Văn Chơn ) hay từ Bộ tư lệnh Vùng 1 Duyên hải ( Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ).
Tháng 3 năm 2004; Trung tá Hải quân Lê Văn Thự, hạm trưởng Tuần dương hạm HQ.16, đưa ra bài viết “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa”.  Ông cho biết lúc 6 giờ chiều ngày 18-1-1974 ông nhận được lệnh của Đại tá Ngạc là bằng mọi giá phải đổ bộ toán Biệt hải lên đảo.  Từ đó ông Thự không còn liên lạc gì được với Đại tá Ngạc cho đến khi trận đánh kết thúc vào buổi sáng ngày 19-1-1974.
Cũng theo Trung tá Thự thì sau khi nhận được lệnh của Đại tá Ngạc ông nghĩ rằng muốn đổ bộ thì phải tấn công 3 chiếc tàu của TC đang ở trong nội vi quần đảo Hoàng Sa.  Vì vậy đêm hôm đó ông bàn với Hạm trưởng HQ 10 sẽ cùng nhau tấn công 3 tàu TC vào sáng hôm sau.  Và đến sáng 19-1-1974 ( Không nói rõ giờ ), chính ông ra lệnh khai hỏa chứ không nhận được lệnh từ Đại tá Ngạc.
*( Thực ra có hai lệnh khai hỏa : Trung tá Thự ra lệnh khai hỏa cho Phân đội 1 gồm HQ 16 và HQ.10.  Còn Đại tá Ngạc ra lệnh khai hỏa cho Phân đội 2 gồm HQ.4 và HQ.5.  Thời điểm khai hỏa không giống nhau ).
Tháng 3 năm 2007, Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho xuất bản hồi ký của ông, mang tựa đề “Can Trường Trong Chiến Bại”.  Trong đó ông viết về lệnh khai hỏa như sau :
Sáng ngày 19, tôi và đại tá Ngạc ở thường xuyên trên hệ thống âm thoại. Đến khoảng 10 giờ sáng, các chiến hạm Trung Cộng vẫn không thay đổi vị trí và bám sát chiến hạm Việt Nam. Tôi nhắc đại tá Ngạc chỉ thị là nếu dùng tín hiệu mà chiến hạm Trung Cộng không thi hành thì nhớ bắn trước mũi tàu họ trước chớ đừng bắn trúng… .
Tôi với đại tá Ngạc bàn đi bàn lại nhưng không biết phải làm thế nào và rồi tôi chỉ nói với đại tá Ngạc là khi tình hình quá căng thẳng thì mình phải khai hỏa trước để giảm thiểu thiệt hại… .
Tâm trạng bồi hồi, một cảm giác mà tôi không bao giờ quên, nhưng vì không rõ vị trí của từng chiến hạm, qua máy âm thoại, tôi nói tiếp: “Tùy nghi khai hỏa khi nào anh sẵn sàng!”…
Tướng Thoại nói lên điều này sau khi Đại tá Ngạc đã chết.  Tuy nhiên cũng thấy được Tướng Thoại không phải là người ban lệnh khai hỏa, ông chỉ nói với ông Ngạc là chỉ khai hỏa khi nào tình hình căng thẳng quá…Và thời điểm khai hỏa thì tùy Đại Tá Ngạc.  Nghĩa là ông trực tiếp cho phép tấn công mà không cần đợi lệnh của ông.
Tháng 12 năm 2007, nhân vụ Trung Cọng đặt Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quận Tam Sa của TC thì báo chí TC nhắc lại vụ hải chiến năm 1974, họ cho rằng tàu VNCH vô cớ tấn công tàu TQ.  Đài BBC phỏng vấn Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.  Trong lời mở đầu BBC giới thiệu : Cựu phó đề đốc Hải quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại chính là người đã ra lệnh khai hỏa vào ngày 19/1/1974 trong trận hải chiến Hoàng Sa”. 
Mọi người ngạc nhiên, bởi vì nó khác với hồi ký của Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã xuất bản trước đó 9 tháng.  Người ta đành phải nghe lại nguyên văn lời của Tướng Thoại nói với BBC qua điện thoại :
BBC hỏi : Dạ, và thưa Phó đề đốc, ông là người ra lệnh nổ súng phải không ạ ?
Đáp : Vâng, tôi nói chuyện với Đại tá Ngạc, là người chỉ huy chiến thuật ở đó.  Đại tá Ngạc có đề nghị với tôi rằng tới lúc nào đó thì phải nổ súng vì họ không chịu ra nữa rồi, thì mình phải theo đúng chỉ thị của Tổng thống. Ổng là Tổng tư lệnh quân đội VNCH.
Tôi có nói với Đại tá Ngạc là khi nào sẵn sàng thì ông tự do khai hỏa.  Đại tá Ngạc thấy tới lúc thuận lợi thì Đại tá Ngạc cho lệnh khai hỏa, khi nổ súng tôi có nghe trong máy truyền tin tiếng súng nổ. ( BBC, ngày 15-12-2007)…. Như vậy là Phó đề đốc HVKT trả lời đúng như ông đã viết trong sách, nghĩa là “chúng tôi đã nổ súng theo như lệnh của Tổng thống”.
Khi trả lời cho BBC thì Tướng Thoại không cho biết Tổng thống cho lệnh khi nào;  nhưng lần theo hồi ký của ông thì chiều ngày 16-4-1974 Tổng thống Thiệu ra Đà Nẵng để thị sát tình hình, Tổng thống ăn cơm tối với ông tại Mỹ Khê.  Đến sáng 17 thì Tổng thống đích thân viết một lệnh lên giấy trước mặt ông và trao cho ông.
Trong hồi ký Tướng Thoại không nói rõ trên giấy viết những gì, nhưng khi đưa giấy đó Tổng thống Thiệu có nói đại ý : “Không thể để mất đất”.  Sau này Tướng Thoại cho biết tờ giấy đó đã bị đánh cắp khi ông bước chân đến Mỹ vào năm 1975.  Vậy có thể hiểu là Tổng thống đã ra lệnh mật bằng giấy viết tay cho Tướng Thoại là nếu cần thì cho nổ súng.  Tức là chính TT Thiệu cho phép nổ súng khi  tình thế bắt buộc.
BBC đã cố tình gài cho Tướng Thoại nhận là ông đã ra lệnh nổ súng, trong khi sự thực tướng Thoại không có nói như vậy.  Ông chỉ nói là ông đã được sự cho phép của Tổng thống Thiệu, và rồi ông cho phép Đại tá Ngạc.  Nhưng rốt cuộc vì ảnh hưởng bài phỏng vấn này mà mọi người đinh ninh rằng Tướng Thoại là người ra lệnh tấn công hạm đội Trung Cọng.( Chữ “vâng” nồi đằng sau câu hỏi “phải không ạ?”).
Mọi người đã bị BBC đánh lừa, lệnh tấn công hạm đội nước ngoài bắt buộc phải từ Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh quân đội chứ không thể từ một nhân vật cấp Quân khu.  BBC cố tình gán cho Tướng Thoại ra lệnh để hướng cho  dư luận tin rằng Tổng thống Thiệu lặng im trước sự tấn công của hạm đội TC,  trận hải chiến xảy ra chỉ là do Phó đề đốc Thoại ra lệnh “đại” mà thôi.
Như vậy quốc tế sẽ kết luận VNCH làm ẩu bởi vì  không có lệnh của Tổng thống tức là không thông qua thủ tục trao đổi ngoại giao trước khi tuyên chiến, không liên lạc đường dây nóng để hỏi lại, không gởi tối hậu thư trước khi nổ súng.
Đó là năm 2007, lúc đó dư luận dễ dàng tin lời BBC mà cho rằng Tổng thống Thiệu bỏ mặc Hoàng Sa cũng như sau đó ông đã bỏ mặc đất nước Việt Nam.  Trong khi sự thực trưa ngày 16-1-1974 Tuần dương hạm HQ.16 báo về Đà Nẵng là 1 tàu chiến TC xuất hiện tại HS thì chiều tối hôm đó Tổng thống đi cùng Trung tướng Lê Nguyên Khang và Chuẩn tướng Trần Đình Thọ ra Đà Nẵng để ra chỉ thị cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng và Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
Tháng 4 năm 2013, mọi chuyện trở nên ồn ào sau khi trang mạngtruongtansang.net đăng bài viết của Đại tá Không quân CSVN Nguyễn Thành Trung, cựu Trung úy phi công phản bội của VNCH.  Trong đó Nguyễn Thành Trung cho biết sau khi mất Hoàng Sa Tổng thống Thiệu đã cho lên kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa gồm 150 phi công và 5 phi đoàn F.5.
Tuy nhiên sau đó kế hoạch không được thực hiện vì : các quốc gia lớn có quyền mặc cả và thương lượng bất chấp sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác” (Nguyễn Thành Trung, có một giờ G khác ). Nghĩa là số phận của Hoàng Sa đã được Mỹ và Trung Cọng thỏa thuận rồi.
Đến đây thì mọi chuyện lật ngược trở lại, mọi người đều công nhận Tổng thống Thiệu đã hết lòng giữ Hoàng Sa, đã mật cho phép Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại sẵn sàng tấn công quân Trung Cọng.  Sở dĩ “mật” bởi vì ông không muốn thông qua thủ tục ngoại giao trước khi nổ súng.  Coi như là tàu chiến ngoại quốc xâm phạm lãnh hải 12 hải lý của VNCH nên đương nhiên VNCH nổ súng. Hành động viết riêng giấy tay chứng tỏ Tổng thống không muốn cho Mỹ biết, có lẽ vì Tổng thống nghi Kissinger đã lén thỏa thuận với Mao Trạch Đông.
Đến tháng 1 năm 2014 thì đài truyền hình Đồng Nai của CSVN chiếu phim ca ngợi trận hải chiến Hoàng Sa của Hải quân VNCH.  Mọi người lại có dịp chê trách Mỹ.  Sau đó thì trang mạngnguyentadung.org đăng liền 7 bài viết ca ngợi trận hải chiến HS.  Dư luận sục sôi tinh thần chiến đấu bảo vệ đất nước.
Tháng 2 năm 2014, trước sự sục sôi của dư luận, BBC online cho đăng bài viết của nhà báo Bill Hayton tại Myanmar tựa đề là : “Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974”:
Vào tối thứ Sáu, mật tin đã được gửi cho ông Ngạc từ Đà Nẵng. Một mệnh lệnh rất kì quặc: tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Ông Ngạc quyết định đổ bộ vào sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 19/1….”
Ông Ngạc liên lạc về để tìm mệnh lệnh. Trong trụ sở Hải Quân VNCH ở Sài Gòn, Đỗ Kiểm chạy đi tìm Đề đốc Chơn. Ông ta biến mất. Một trợ l‎ý bảo rằng ông Chơn đã ra sân bay để chuẩn bị đi Đà Nẵng. Ông Kiểm gọi cho phó của ông Chơn ở Đà Nẵng. Ông ta cũng biến mất, để ra sân bay đón ông Chơn. Ngay tại thời điểm mà số phận của Hoàng Sa đang ngàn cân treo sợi tóc, hai lãnh đạo tối cao của Hải Quân VNCH đều mất tích. Cuối cùng, ông Kiểm là người ra lệnh nổ súng.( Đại tá Kiểm là Tham mưu phó hành quân của BTL/Hải quân ).
*( Thực ra Đề đốc Lâm Nguyên Tánh, Tư lệnh phó Hải Quân VNCH, bay ra Đà Nẵng vào sáng ngày 18-1-1974 để chỉ huy Hải đội tác chiến tại Hoàng Sa. Khoảng 11 giờ tối hôm đó ông ra lệnh cho Đại tá Ngạc hãy chiếm lại đảo Quang Hòa một cách hòa bình.( Wikipedia 2015 ). Đến sáng hôm sau thì tình hình căng thẳng nên Đô đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải quân VNCH bay ra Đà Nẵng, ông đến Đà Nẵng lúc 10 giờ 30, lúc đó cuộc chiến tại Hoàng Sa đã xong.  Do đó khi Đề đốc Lâm Nguyên Tánh ra phi trường Đà Nẳng đón Đô đốc Chơn thì tại Sài Gòn Đại tá Đỗ Kiểm không liên lạc được với cả hai ông.  Thuở đó chưa có điện thoại tay ).
Sau khi bài viết của Bill Hayton được BBC đưa ra thì gặp phản ứng dữ dội của các cựu sĩ quan Hải quân VNCH, họ cho rằng BBC nói láo :  Lệnh tấn công hạm đội nước ngoài không thể nào được ban ra từ một ông Đại tá Hải quân.  Người duy nhất có quyền ra lệnh này phải là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.  Ngoài ra câu “lãnh đạo tối cao của Hải Quân đều mất tích” là cố tình xuyên tạc để bêu xấu VNCH.
Các sĩ quan Hải quân đã đưa ra hồi ký của Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, trong đó ông HVKT cho biết ông đã nhận được lệnh trên giấy do chính tay TT Thiệu viết trước mặt ông.  Ông không nói rõ lệnh viết những gì nhưng sau khi đã nhận được lệnh đó thì ông có bàn với  Đại tá Ngạc là nếu bình hình bắt buộc thì phải tấn công.  Như vậy có thể hiểu là ông Thoại đã cho phép ông Ngạc tấn công theo như lệnh viết tay mà TT Thiệu đã giao cho ông.  Nghĩa là lệnh tấn công quân TC xuất phát từ TT Thiệu chứ ngoài ra không ai có quyền đó.
Sau đó BBC đã đăng lại bài viết phản đối của các cựu sĩ quan HQVN mà không nói rõ ai đúng ai sai.  Đây là một điển hình của trò dùng phương tiện truyền thông của Vương quốc Anh để sửa đổi lịch sử Việt Nam.  Nếu các sĩ quan Hải quân VNCH không lên tiếng thì lịch sử trận Hoàng Sa đã bị chính BBC bóp méo, người đọc sẽ đánh giá sai lầm về nguyện tắc ngoại giao và nguyên tắc chỉ huy của quốc gia VNCH. ( Bất cứ ai cũng có quyền ra lệnh tấn công tàu chiến của nước khác, và lúc đụng chuyện thì các ông tướng Tư lệnh đều đi chơi đâu đó ).
Không riêng bài này, trong nhiều bài khác BBC cũng cố tình cho rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn im lặng trước và sau trận HS (sic).  BBC muốn đổ cho Tổng thống Thiệu là người bỏ thí HS cho Trung Cọng.  Trong khi sự thực Mỹ mới là người bỏ thí HS cho TC.
Theo nguyện tắc lãnh đạo chỉ huy của quốc tế thì lệnh tấn công quân đội nước khác phải do đích thân vị nguyên thủ quốc gia ra lệnh sau khi được sự cho phép của Quốc hội.  Giờ đây BBC bịa đặt rằng tháng Giêng 1974 một ông đại tá VNCH đã tự ý ra lệnh tấn công hạm đội Trung Cọng trong khi Tổng thống và các cấp chỉ huy bên trên ông đại tá đều bỏ đi chơi.
BÙI ANH TRINH

No comments:

Blog Archive