Tuesday, September 29, 2015

Có Phước, Có Phận


Trương Tấn Thành


* * *
Tôi nhớ không lầm thì ngạn ngữ Anh có câu khuyên là ta hãy suy xét, tìm hiểu kỷ càng trước khi kết hôn với một người nào vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc suốt cuộc đời của mình. Trong trường hợp của tôi thì câu này rất đúng ở phân nữa của phần sau.

Sau khi được định cư ở Mỹ và tiếp tục đi học lại ở cái tuổi trên bốn mươi trong nhiều năm, tôi thấy đến lúc mình cần lập gia đình để có người bạn đời nơi xứ lạ. Trước tiên, tôi nghỉ ngay đến đứa con gái của ngừơi bạn ở cùng đơn vị khi xưa nay còn bị kẹt ở bên đó. Trước năm bảy lăm, tôi và anh ấy hay đi bơi ở hồ bơi Yết Kiêu ở Thị Nghè. Thường anh ấy có dẫn theo đứa con gái và đứa em rất dễ thương đi theo. Tôi nghỉ là tôi và anh cùng quen biết khi xưa nên biết đâu đây là cơ hội duyên may cho tôi. Trong dịp về thăm ba tôi bị bịnh, tôi có ghé lại nhà anh để thăm dò. Đúng như tôi nghỉ, gia đình anh cũng đồng ý cho phép tôi tiến tới. Tuy nhiên người con gái của anh lại không đồng ý. Khi về lại bên này, tôi cũng được nhiều người giới thiệu em cháu của họ nhưng rồi cũng không tới đâu.

Trong khi đi học, để kiếm thêm chút tiền chi dùng, tôi và anh bạn ở cùng phòng và cùng đảo khi xưa cuối tuần hai anh em chúng tôi đi cắt cỏ, dọn vườn. Trong giới làm cỏ  nơi tôi sống, tôi có quen được với hai vợ chồng ông bạn trong nghề này đã lâu nên thường tới lui thăm viếng. Bà dì, ngươi vợ, là một người hoạt bát rộng rải, rất vui vẻ và thật tốt bụng. Từ khi được ông bảo lảnh qua, bà đã cùng ông không quản ngại mưa tuyết, cùng đi cắt cỏ, hốt lá với chồng. Nhờ đồng vợ đồng chồng như vậy mà chỉ vài năm sau đó hai ông bà trả dứt được tiền mua nhà. Bà còn hai người chị, và hai người em ở lại bên đó. Người chị thứ ba có đứa con gái kế út, chưa có gia đình. Xin được nói qua về gia cảnh người con gái kế út, cháu của bà.

Mẹ của nàng có bốn đứa con, chồng là sĩ quan Cộng Hoà bị chết trong chiến tranh khi đứa trai út sinh ra không được bao lâu. Bà ở vậy làm nghề may để nuôi đàn con. Nàng là người đứng cắt aó để cho mẹ mình kết, may cùng sự phụ gíup của mọi người trong nhà. Dù sức học chẳng kém ai nhưng vì phải đứng đo cắt cả ngày nên nàng không có cơ hội theo đuổi việc học hành cho đến nơi đến chốn như đa số bạn bè cùng trang lứa.

Ở một thị xã nàng bị hạn chế ở nhiều mặt, cho đến khi nàng được chồng bảo lảnh qua Mỹ mà vẫn chưa biết lái xe Honda. Vóc dáng nhỏ bé lại yếu về mặt thể chất nên từ khi nhỏ tới lớn, nàng thường hay bị bịnh. Bạn trai thì có nhưng nàng chưa hề có người yêu. Quan niệm sống và cách sống của nàng cũng là giản dị. May mà cuộc sống ở thị xã không có những quyến rủ và cám dỗ như ở chốn thị thành, vã lại nàng để dành hết thì giờ vào việc mưu sinh để giúp mẹ và gia đình. Rồi sau bảy lăm cuộc sống nhà càng thêm cơ cực, nàng phải tìm cách vượt biển nhưng rồi bị bắt. Thế là nàng phải ở lại sống với gia đình để cùng chung lo việc mưu sinh. Một thời gian sau, người dì thứ tư của nàng được chồng bảo lảnh sang đây ở cạnh vùng tôi đang sống. Hai ông bà làm nghề cắt cỏ, công việc làm ăn phát đạt.

Một cuối tuần tôi có ghé qua nhà ông bà chơi, bà dì có nghe là tôi đang tìm vợ nên ngỏ lời giới thiệu tôi với nàng. Rồi kể từ đó hai tôi liên lạc thường xuyên với nhau trao đổi thư tù, hình ảnh và nói chuyện thường xuyên qua điện thoại. Lúc đầu mẹ của nàng cũng ngần ngại vì tôi lớn tuổi và không biết tôi có con rơi con rớt gì không. Nhờ dì tư bên này có những dữ kiện trung thực và sống về tôi nên tôi bắt đầu tiến đến giai đoạn kế. Khi chồng thư từ liên lạc càng ngày càng dầy cộm lên và mấy cái bills điện thoại càng lúc càng dài ra, tôi nghỉ đã đến lúc mình về bên đó, trước để thăm ba mình bị bịnh, sau là để gặp nàng và làm quen với gia đình nàng. Như vậy là từ khi được giới thiệu, tôi chưa hề gặp mặt nàng! Sau này nàng có kể cho tôi nghe là khi còn đi học, một hôm cùng đám bạn vào chùa xin sư một quẻ về tình duyên gia đạo thì sư có nói rõ ràng là:

Sau này con có một người chồng lớn hơn mình nhiều tuổi mà trước đó, con chưa hề gặp mặt người này lần nào!

Sau khi trích ra một ít tiền từ financial aid được chính phủ giúp khi đi học, tôi mua vé về bên đó.

Đón tôi ở phi trường là nàng và gia đình nàng. Trước mặt tôi là một cô gái nhỏ nhắn, duyên dáng, trong tay ôm bó hoa đến trao cho tôi. Sau khi gọi báo cho ba tôi là tôi đã về đến, tôi lên xe bao về gia đình nhà nàng ở dưới tỉnh. Năm sau đó, ba tôi đã cùng bên đàng trai đáp xe xuống gia đình nàng làm đám hỏi. Năm kế tiếp, tôi về để làm đám cưới nàng. Hơn một năm sau nàng tới Mỹ.

Là một cô gái ở thị xã, không tiếp cận được với những tiện nghi của cuộc sống tân tiến thị thành, bước đầu của nàng nơi xứ lạ quê người không dễ. Lái xe không được, tiếng Anh không rành, cửa nẻo chưa biết mở đóng khóa ra sao, ở nhà một mình lo sợ đủ chuyện cho đến khi chồng đi làm về mới hết lo. Có lần nàng ra ngoài rồi đóng cữa lại nhưng không biết loại khoá này nó tự động khoá chốt lại khi đóng nên bị nhốt ở ngoài trong khi tôi đi làm chưa về. Trong bộ đồ bà ba mang từ bên đó qua, nàng phải co ro chịu lạnh đứng bên ngoài cửa mà chờ...

Sau khi thi đậu bằng lái, bà dì mua cho nàng một chiếc xe Mỹ cũ để chạy đi chợ rồi sau đó lái đi làm. Nhớ lại lúc tôi dạy nàng lái xe vì nóng tính và đòi hỏi qúa đáng ở nàng, tôi làm nàng phải phát khóc vì bị tôi chê trách và hối thúc. Sau đó, để trả lời cho sự thiếu tế nhị đó của tôi, nàng chỉ thi lái một lần là đậu!

Mọi người nhận xét là tôi hiền nhưng nóng tính và... hơi cộc. Tôi không được nhỏ nhẹ trong lời nói nên thường hay làm cho nàng buồn. Dĩ nhiên là chén trong xống còn khua nên trong cuộc sống có lúc tôi và nàng cũng có lớn tiếng bất đồng, nhứt là ở những năm đầu. Sau những lần canh không ngọt như vậy nàng vẫn kiên nhẫn dành cho tôi có dịp suy nghỉ lại mà sửa đổi. Nói về trình độ thì tôi phải hơn nàng nhiều vì may mắn có cơ hội học đến nơi đến chốn lại ở Mỹ khá lâu. Vì vậy mà nàng thường bị tôi lấn lướt và có chiều độc đoán vì cho là mình biết nhiều! Nàng cũng nhận biết điều đó và dành cho chồng mình nhiều ưu tiên trong các quyết định trong cuộc sống hằng ngày. Thái độ nhẩn nhịn này đã giúp cho cuộc sống hai tôi vượt qua nhiều sóng gió và đi đến sự thông cảm như ngày hôm nay. Nếu như ở vào trường hợp của các cô gái vợ của Việt kiều khác thì, trăm phần trăm, chắc là họ đã tung cánh thoát ly từ lâu rồi.

Về mặt công việc, vì tôi không muốn nàng làm nghề trong ngành thẩm mỹ hằng ngày bị hít hoá chất độc nguy hại cho sức khỏe sau này nên tôi khuyên nàng đi tìm việc làm trong ngành ẩm thực dù có kiếm ít tiền hơn. Nàng nghe theo và không phản đối dù sau khi mẹ mình mất, tháng nào nàng cũng phải gởi ít tiền về phụ gíup cho người chị và đứa cháu bên đó.

Nhiều lúc thấy nàng cực nhọc trong công việc, tôi thấy xót xa nhưng thà vậy chớ không để nàng phải chịu bị bịnh nan y khi tuổi về gìa. Về việc ăn mặc và chưng diện, nàng rất giản dị và thực tế trong việc ăn mặc, son phấn chứ không đua đòi như một số người chạy theo thời trang, xài hàng hiệu cách tốn phí. Cho dù họ kiếm ra tiền trong hiện tại nhưng lại không biết dành dụm, không tập thói quen tiện tặn để dự phòng cho những bất trắc xãy ra trong cuộc đời. Tháng nào nàng cũng dành ra ít tiền đưa cho tôi để phụ tôi trả thêm vào tiền nhà cho mau hết nợ. Dù tôi ít giao thiệp nhưng thỉnh thoảng nàng vẫn mua quần aó cho tôi để diện cho đẹp với người ta mặc dầu tôi không thấy cần thiết lắm.

Cách đây vài năm, hai tôi có xuống Wesminster chơi và thăm vài người bạn. Vì tôi rất sùng kính Cha Trương Bửu Diệp mặc dù tôi là dân bên lương giáo nên tôi quyết định đến kính viếng nhà thờ Cha. Nàng cũng đồng ý tháp tùng tôi. Hai tôi cùng kính bái, cúng dường, cầu xin điều lành với Cha và sau đó mua ảnh và vật kỷ niệm. Khi về lại trên này tôi thấy trong xe của nàng trước tay lái có treo ảnh của Cha. Tôi rất cảm kích trước việc làm tế nhị này. Điều đó cho thấy sự tôn trọng tín ngưởng của tôi và đồng thời cho thấy đức tính qúy báu của người vợ ngoan hiền nơi nàng.

Mấy năm nàng vừa mới qua, mục đích của tôi là ngoài việc đưa nàng đi học Anh ngữ ở trường, tôi cố ý tập cho nàng nghe và nhận ra giọng Mỹ nên không đặt mua đài Việt. Coi như nàng bị đặt vào tình cảnh vịt nghe sấm trong nhiều năm. Dù khó chịu và phật lòng nhưng nàng vẫn nhẩn nhịn nghe theo lời tôi. Giờ thì nàng là một khán giả trung thành của chương trình đố chữ hằng ngày có tên là “Wheel of Fortune” lúc bảy giờ chiều trên đài KCTS9 cũng như thích xem những phim truyện dài trên đài Mỹ khác.

Tôi bị bịnh đi tiểu nhiều lần ban đêm vì vậy thường bị mất ngủ. Mỗi lần tôi dậy đi tiểu như vậy thì nàng cũng bị mất giấc. Vì biết chồng mình bi bịnh mà phải như vậy, nàng không hề phàn nàn, khó chịu dù sáng hôm sau nàng còn phải thức dậy đi là sớm.

Nàng thuộc tuýp người đúng như trong câu nói dí dõm: “người xấu, người đẹp; miễn có duyên là được.” Còn về lời ăn tiếng nói thì có lẽ ít có ai sánh được với nàng. Trong lời nói hằng ngày nàng luôn xưng là em và gọi tôi bằng mình. Tôi thì vì làm ra vẽ ta đây nên ít khi chịu nói ra lời ngọt ngào như vậy dù trong bụng thật là vừa ý với lời ăn tiếng nói của nàng. Dù nàng có giận tôi như thế nào đi nữa vẫn tự chủ được trong lời nói và lối cư xử đối với tôi, một ông chồng... hơi khó chịu! Mà tôi nhận thấy hình như là trong cuộc sống vợ chồng thì lời nói nếu không biết kềm chế và mềm mỏng thì rất dễ đi đến bất hoà, mất vui. Nhờ lối ăn nói nhẹ nhàng của nàng mà hai tôi tránh được nhiều cải vả vô ích trong cuộc sống hằng ngày.

Để thay lời kết, xin được trích dẫn lời nhận xét của B.V.P., tác giả bài báo “Thư Thăm Chú” đăng trên Việt Báo ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy 21 & 22-8-2015, đoạn nói về Việt kiều về Việt Nam lấy vợ như sau:

... bọn Việt kiều đã bị lừa 5,7 lần rồi về Việt Nam tìm người để lấy vợ, lấy để đi, qua các nước tư bản thời gian sau đến 90% họ bỏ...( sic)

Nếu vậy thì sau hơn mười bảy năm sống bên nàng, quả đúng tôi là một người có phước, có phận ở trên đời này.

Cảm ơn em đã cùng tôi
Vui buồn sống trọn một đời bên nhau.

Trương Tấn Thành

No comments:

Blog Archive